clique vào link bên dưới
http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/07/but-xuan-tran-inh-ngoc-thuat-tiep-bai.html
Sống Với Người Chết
(2)
(tiếp theo)
* Bút Xuân Trần Đình Ngọc
Có người đông con, có kẻ hiếm muộn, xã
hội ta hay bất cứ xã hội nào trên thế giới cũng đều vậy, dù sinh nhiều, mắn đẻ
như phụ nữ Phi châu hay phụ nữ Mễ. Nhiều cặp chỉ muốn có hai đứa con là đủ
nhưng đã tuôn ra cả nửa tá, nuôi không xuể. Các cụ ta xưa quan niệm:”con, của
bằng nhau” nghĩa là giầu con cũng quí như giầu của, ai cũng ham, mấy ai nghĩ
đến câu:”Con là nợ, vợ oan gia, cửa nhà nghiệp báo!” Cửa nhà nghiệp báo ít thấy
chứ con là nợ, vợ oan gia từng thấy nhiều, rất nhiều!
Trở lại với con nuôi. Trước
khi về Việt Nam chuyến đó, ông bà Bào đã bàn thảo với ông Tú về chuyện này.
Nuôi con nuôi từ lúc nó mới
ra đời, còn bế ngửa thì vẫn thích hơn vì sau này nó ngỡ mình là cha mẹ ruột của
nó và nhiều điều thuận tiện khác. Ở Việt Nam không có luật nhưng ở Hoa Kỳ khi
con nuôi lớn phải bảo cho nó biết nó chỉ là con nuôi không được chập chí chập
ngầu, rồi tuỳ nó đối xử.
Nhưng nuôi lúc còn nhỏ cũng
có cái phiền; hai vợ chồng ông Bào cùng đi làm full time, không lẽ bà vợ xin
thôi để ở nhà coi đứa nhỏ? Nợ nhà, nợ xe đầm đìa, sao có thể “quit job”?
Nếu vẫn đi làm, rồi mướn một
vú em lo chăm sóc đứa nhỏ, cho nó ăn, uống, tắm, chơi với nó, cho nó ngủ
v.v...khi xưa tháng 8-900 đô cộng thêm một phòng ngủ có TV, cơm ba bữa, nay
phải hơn ngàn thì có đi làm tháng vài ngàn cũng không bõ, thà ở nhà coi con còn
hơn vì nhiều chị vú rất lơ đãng, đã bỏ đói, hành hạ nó hoặc làm con chủ chết.
Babysitter Mỹ nhiều đứa mới
vài chục tuổi chẳng hiểu biết nuôi nấng con nít ra sao. Con người ta đã bệnh,
đã cảm, nó cứ bế ra đường chơi, nắng gió quá về sưng phổi chết. Thiếu gì trường
hợp đó. Con mình chết thì nó mất chỗ làm, đi kiếm chỗ khác. Còn mình đau xót
đứa con bao giờ quên được?
Bàn đi tính lại, ông bà Bào
bằng lòng nuôi đứa đã lớn. Tuy nhiên, nhiều đứa có trí khôn, thà cha mẹ nghèo
thì chịu vậy, nó không đi ở với ai hết, dù là làm con nuôi. Nó bằng lòng với
cái nghèo của cha mẹ nó, không phàn nàn. Với những đứa này thì chịu nhưng còn
một số khác, bằng lòng đi xa với cha mẹ nuôi miễn được học hành, cho ăn ở tử
tế.
Trong số những đứa trẻ này có con Ti, em thằng Lớn mà
ba cha con ông Tú đã gặp ở bến xe Bình Tây. Trẻ con nhà nghèo ở Việt Nam thích
đi làm con nuôi vì cha mẹ chúng muốn cho chúng đi, cứ được ra ngoại quốc là thế
nào cũng hơn ở Việt Nam. Vả lại, nhà nghèo, bớt đi một miệng ăn cũng đỡ. Bà
Thặng, dì ông Tú, nghe cháu nói kiếm con nuôi cho bạn, cũng giới thiệu cháu một
người bạn thân, thằng con trai 11 tuổi.
Ông Tú muốn gặp nó trước khi quyết định giới thiệu cho
anh chị Bào một đứa, ông bảo bà Thặng:
“Con muốn coi thằng bé này ra sao. Dì bảo bố mẹ nó đưa
nó đến đây con coi mặt mày, lời ăn tiếng nói nó xem ra sao kẻo sau này được đứa
tốt thì không sao, phải đứa làm biếng, khó dạy ấy là con cũng có trách nhiệm
với anh chị bạn vì họ đã tin cậy, uỷ thác cho mình thăm dò hộ.”
Bà Thặng bảo:
“Cái thằng bé này anh thấy
là anh ưng. Nó bẻm mép, lanh lợi và thông minh lắm, mặt mày nó cũng được trai,
hơn rất nhiều đứa con nhà người ta mà dì biết. Nhưng anh muốn gặp cho chắc ăn
thì để dì nhắn bà bạn bảo cha mẹ nó đưa nó đến đây cho anh gặp.”
Chiều hôm đó, cha thằng bé
chở mẹ nó và nó đến nhà bà Thặng. Chào hỏi xong xuôi, mọi người ngồi ở phòng
khách chuyện vãn, ông Tú nói mục đích xin con nuôi của anh chị Bào. Ông ngắm
thằng bé thấy nó khá tinh nhanh nhưng phải cái mắt nó đảo liên hồi. Ông Tú hỏi:
“Tên cháu là gì?”
“Thưa bác, tên cháu là
Kiệu.”
“Cháu học lớp mấy?”
“Cháu đang học lớp 4”
Cha thằng bé thấy 11 tuổi mà
học lớp 4 - thay vì lớp 6 - thì hơi xệ nên nói ngay:
“Thưa ông, hồi cháu đang học
lớp Hai bị một trận ốm nặng phải nghỉ học hơn một năm. Cháu học thế là giỏi lắm
đấy; các thầy, cô giáo cho bằng khen hoài. Thưa ông xin ông coi.”
Người đàn ông trao hai tờ
giấy cho ông Tú, đó là hai giấy khen, nhiều học sinh thường có. Để thử trí
thông minh thằng bé, ông Tú bảo nó viết vài dòng chữ tiếng Việt, bất cứ câu gì.
Nó cắn bút hoài viết không ra. Cha nó bảo thì con viết cái gì mà không được,
như hôm nay cháu đi học cháu được điểm cao v.v...
Nó nghe bố nó nói, nó viết y
câu đó vào, không nghĩ thêm được gì. Ông Tú lại hỏi:
“Bây giờ bác hỏi cháu nhé:
cháu đi học về đến ngã tư. Đường xe đông nườm nượp. Đèn xanh cho người đi bộ
qua đường chỉ dài một phút. Tại chỗ chờ có cháu, một ông già mù dắt con chó và
một người đàn bà có chửa. Hai người này đều muốn cháu dắt qua đường vì họ thấy
xe cộ đông quá, nguy hiểm. Cháu sẽ dắt người nào trước, ông già mù với con chó
hay bà có chửa?”
Thằng bé suy nghĩ mấy phút
xong nói:
“Thưa bác, cháu dắt ông già
mù trước.”
“Vì sao phải dắt ông già mù
trước?”
“Vì ông tàn tật, ông đi
chậm, sợ ông về nhà tối quá!”
“Đúng. Cháu giỏi lắm! Thế có
dắt con chó ông già mù không?”
Thằng bé nghĩ một lát rồi
nói:
“Thưa bác nếu con chó cũng
mù thì cháu dắt luôn! Còn nó sáng thì để chuyến sau!”
Cả nhà cười ồ. Ông Tú lại hỏi:
“Nếu khi đang đi, ông già mù
lỡ đánh rơi cái gói tiền ông đi xin được. Cháu có cúi xuống nhặt không?”
Thằng bé nghĩ một tí rồi
nói:
“Cháu đ. nhặt!”
Cả nhà lại cười sặc sụa. Cha
mẹ thằng bé có vẻ mắc cở với bà Thặng và ông Tú. Ông Tú bảo:
“Cám ơn ông bà đã chở cháu
tới. Để tôi suy nghĩ, sẽ trả lời ông bà sau.”
Cha mẹ thằng bé dẫn con ra
về nhưng họ chứng kiến cuộc phỏng vấn, họ nghĩ con họ ít hi vọng.
Chị người làm cho bà Thặng
có đứa con, chị ta cũng muốn cho con đi nhưng con bé mới hơn 3 tuổi, chắc gì xa
mẹ nó được mà không nhớ, khóc ầm ĩ. Thế là rút lại còn con Ti, em thằng Lớn.
Ba hôm sau, ba cha con ông
Tú lại tới nghĩa trang Đồng sạn. Ông Tú đã có định kiến xin con Ti cho vợ chồng
ông Bào.
Ngay lần đầu gặp con Ti rồi
cho nó vào quán ăn trưa, ông Tú đã để ý xem cách ăn nói, cử chỉ của nó ra sao.
Nếu thằng Lớn còn sống, ông sẽ hỏi Lớn trước nhưng Lớn chết rồi, nay là em nó
thì cũng được miễn nó ngoan ngoãn và có đầu óc một chút.
Ông Tú cũng nghĩ, dù sao ông
cũng là nguyên nhân đưa đến cái chết của thằng Lớn dù ông không gây ra mà chỉ
bởi nó quá hấp tấp nên bị xe tông. Ông lẩn thẩn nghĩ nếu bữa đó ba cha con ông
không lai vãng đến cái bến xe Bình Tây thì biết đâu hôm đó Lớn không bị chết?
Mọi chuyện đã qua, nuối tiếc
không ích gì, cũng có thể là do số mạng hẩm hiu của nó xui khiến ra. Nhân dịp
đi kiếm đứa con nuôi cho bạn, ông Tú nghĩ, thôi giúp cha mẹ thằng Lớn có đứa
con sang Mỹ, cũng là một cách giúp lại
Lớn.
Ba cha con ông Tú vào đến
ngôi mộ quét vôi trắng, nơi trú ngụ của vợ chồng chú thím Cải. Ông Tú nhìn hoàn
cảnh mà muốn rơi lệ. Chưa bao giờ ông
thấy người sống phải ở lẫn với người chết như thế này.
Khi thân phụ ông Tú còn
sống, cụ có kể cho ông Tú nghe thời của bố cụ và cụ, cha chết người con trai
trưởng phải làm lều bên mộ cha canh giữ mồ cho đến khi mãn tang tức ba năm. Ba
năm đó chỉ mặc quần áo tang, không được dự đám cưới, hội Xuân. Ban ngày có thể
đi làm đồng áng kiếm sống nhưng đêm đến phải ra lều ngủ. Chữ Hiếu thời xưa giữ
kỹ đến thế! Chẳng bù cho thời nay có những đứa con ngỗ nghịch chửi cha
mắng mẹ hoặc đuổi cha mẹ ra khỏi nhà!
Chú Cải đang nằm trên cái
võng máng qua hai ngôi mộ còn thím Cải đi làm, con Ti đi bán vé số chưa về, con
Tí đã đi Bình Dương, ở coi cháu cho ông bà bác họ kiếm miếng cơm từ dăm tháng
nay.
Chú Cải thấy ba cha con ông
Tú tới thì lật đật đứng lên đón khách.
Ông Tú nói mục đích ông đến
đây hôm nay:
“Vợ chồng người bạn thân của
tôi hiếm muộn, muốn nuôi đứa con nuôi cho vui cửa vui nhà. Tôi gặp cháu Ti bữa
trước, hôm nay hỏi cháu, nếu nó bằng lòng và anh chị bằng lòng, tôi sẽ nói anh
bạn tôi về làm giấy tờ xin nó làm con nuôi cho nó sang Mỹ. Tất nhiên nó được đi
học và được hưởng những gì trẻ con Mỹ (con nhà trung bình) được hưởng.”
Chú Cải vừa nghe tới đó chú
mừng rỡ vô cùng:
“Thưa anh, vợ chồng con cái
tôi hết lòng đội ơn anh. Tôi chắc là cháu bằng lòng. Xin mời anh và hai cháu
ngồi tạm trên cái băng này. Nhà tôi và cháu Ti sắp về bây giờ.”
Khoảng mười lăm phút sau
thím Cải và Ti về một lượt. Hôm nay Ti bán hết vé số sớm nên lò dò đi đón mẹ
cùng về.
Thím Cải và Ti chào ông Tú
và hai đứa con ông. Chú Cải bảo vợ, con:
“Vừa nãy má xấp nhỏ chưa về,
ông Tú có cho tui hay là ông muốn xin con Ti làm con nuôi cho người bạn thân
của ông ở Hoa Kỳ. Má xấp nhỏ và Ti nghĩ sao?”
Con Ti nghe ba nó nói, mắt
nó sáng rỡ. Ông Tú nói:
“Để tôi nhắc lại những lời
tôi đã nói với anh Cải. Việc xin con nuôi này là chính thức và công khai theo
luật lệ hiện hành của nước Việt Nam. Vợ chồng người bạn thân của tôi đang ở Hoa
Kỳ, vì hiếm muộn nên muốn xin con nuôi. Nếu anh chị và cháu Ti đồng ý thì anh
chị ấy sẽ về đây làm giấy tờ và cho cháu Ti đi theo sang Hoa Kỳ. Cháu sẽ được
đi học và săn sóc như con ruột anh chỉ. Đáp lại, cháu Ti cũng phải coi bố mẹ
nuôi như bố mẹ ruột bằng cái lòng hiếu thảo của đứa con. Anh chị và cháu cứ suy
nghĩ, chưa phải trả lời bây giờ. Khoảng đầu tuần sau, trước khi về Mỹ, tôi sẽ
lại đây một lần nữa, lúc đó anh chị và cháu trả lời tôi cũng được.
Sang chuyện khác. Tôi thấy
anh chị bị mất căn nhà để ở với số tiền nợ là nhỏ chứ không lớn lao bao nhiêu.
Anh chị thu thập giấy tờ, mốt tôi sẽ trở lại đây, anh dẫn tôi đến chủ nợ coi
xem họ tính cả vốn lẫn lời bao nhiêu. Nếu có thể, tôi sẽ giúp anh chuộc lại căn
nhà chứ ở nơi tha ma mộ địa này khổ sở quá!”
Chú thím Cải nghe xong quá
cảm động. Chú bảo đời chú chưa bao giờ thấy một người tốt như ông Tú. Nhân
tiện, chú hỏi ông Tú:
“Thưa anh, anh đã cho phép
tôi gọi như thế. Tôi không dám tò mò nhưng xin hỏi anh là chị đang ở đâu để cho
chúng tôi gặp và cám ơn chị luôn là cái lòng thành thật của vợ chồng, con cái
tôi.”
“Nhà tôi mất ở Hoa Kỳ hơn 5
năm rồi anh chị à, khi hai cháu này còn bé. Tôi có công việc làm ở Hoa Kỳ để lo
cho hai cháu này vào Đại học. Tôi về lần trước là vì bà ngoại Jennifer và John
qua đời. Cũng đã hơn 2 năm rồi. Chuyến này về vì dì ruột của tôi bị bệnh nhưng
nay đã đỡ, hơn nữa đi kiếm đứa con nuôi cho người bạn như tôi đã nói. May là
tôi gặp cháu Ti, biết nó là em cháu Lớn, tôi càng thương hơn. Thôi mọi sự cũng
là Bề trên sắp đặt.”
Thím Cải lấy ở trong cái bị
xách ra cỗ tràng hạt của thằng Lớn khi xưa, nói với ông Tú:
“Thưa ông, cỗ tràng hạt này
là của cháu Lớn khi xưa lúc cháu còn sống cháu đi nhà thờ bên Công giáo người
ta cho cháu. Hôm đi chôn cháu, lúc hạ huyệt, tôi tiếc bỏ vào túi đem về, giữ
cho đến nay.”
Ông Tú bảo:
“Chị cứ giữ đó làm kỷ niệm.
Sau này nếu gặp anh chị Bào là cha mẹ nuôi cháu Ti thì kể lai lịch cỗ tràng hạt
cho anh chị ấy nghe.”
Ba cha con ông Tú đứng lên
cáo từ. Ông Tú dặn lại chú Cải về giấy tờ ngôi nhà. Ba cha con ra khỏi nghĩa
trang.
o0o
Giữ đúng lời hứa, ba hôm sau
ông Tú ghé Đồng Sạn rồi cùng chú Cải cầm giấy tờ xuống nghĩa trang Bình hưng
Hoà. Chú Cải và ông Tú vào văn phòng gặp nhân viên tên Tào, anh này hai năm
trước đã làm giấy tờ để chú Cải cầm thế căn nhà trong hẻm với giá tiền 1.000,000
tiền Sàigòn là tiền mua huyệt chôn cất thằng Lớn.
Mới đầu anh Tào nói vì để
lâu quá không chuộc, không trả lời, nên nay không chuộc được nữa. Ông Tú hỏi
điều khoản này có trong giấy tờ cầm thế không, thời hạn là bao nhiêu? Anh này
không trả lời được. Anh ta xin khất đến trưa hôm sau để ông chủ tịch công ti
Đồng hoà về giải quyết. Trước khi ra về, ông Tú nói cho anh ta rõ, mọi việc
trao đổi, mua bán, cầm thế, vay vỏ của các công dân với nhau đều căn cứ trên
luật pháp. Nhà cầm đồ hay cầm thế khi con nợ có tiền chuộc phải cho chuộc nếu
không con nợ có quyền mướn luật sư đưa vụ kiện ra toà án, chiếu theo luật dân
sự để xử. Chủ nợ thua sẽ phải trả án phí và tiền luật sư.
Có lẽ nghĩa trang Đồng hoà
thấy khó ăn ông “Việt kiều” Tú nên trưa hôm sau, khi ông Tú và chú Cải lại đến
văn phòng, ông chủ tịch là Tiển tỏ ra rất lịch sự. Ông ta đưa cho chú Cải và
ông Tú một mảnh giấy tính tiền lời từ món nợ 1.000,000 với 1 phân rưỡi lời mỗi
tháng. Chú Cải nói hôm làm giấy chỉ có 1 phân lời/tháng sao bây giờ lại tăng
lên nửa phân? Ông Tiển nói anh nhân viên tên Tào làm sai, lời 2 phân/tháng chứ
không phải 1 phân tháng. Vì chuyện sai ấy, nay ông ta cho chú Cải hưởng giá đặc
biệt là 1 phân rưỡi, tốt quá rồi, còn kêu ca gì nữa.
Ông Tú liếc chú Cải và bảo,
không sao đâu, cứ đồng ý cho lẹ. Số tiền tính tổng cộng cả vốn lẫn lời là
3.680.000 đồng. Tiền đôla lúc đó là 1.600.000; ông Tú bỏ ra 230 đôla. Ông Tiển
trả giấy nhà cho chú Cải. Ông Tú lại hỏi:
“Thế bao giờ trả lại nhà?”
Ông Tiển đáp:
“Phải một tuần!”
“Lâu quá, xin ông rút ngắn
thời hạn!”
Ông Tiển tính toán một lúc
xong nói, sớm lắm cũng phải 5 ngày. Ông Tú bằng lòng, nói ông chủ tịch viết
xuống miếng giấy là sau 5 ngày, kể từ ngày mai, nhà đã dọn trống để giao lại
cho sở hữu chủ. Ông Tiển bằng lòng.
May là một tuần sau cha con
ông Tú mới trở lại Mỹ. Chiều ngày thứ 5, ông Tú cùng chú Cải trở về cái xóm
ngập nước khi xưa, những người đang ở trong đó đã dọn đi.
Chú Cải được anh Vầng cho
mượn cái xe ba gác, chú gom đồ lại chở từ nghĩa trang Đồng Sạn về nhà. Thím Cải
đứng trong hiên căn nhà xưa yêu dấu, thím cảm động quá đứng khóc. Con Ti lăng
xăng thu nhặt những thứ lặt vặt như bát đĩa, quần áo cho lên xe ba gác để ba nó
chở về. Ngưới lối xóm như vợ chồng bác Cư, chú cô Giỏi, chú thím Rạt, anh chị
Tuỳ và nhiều người khác thấy chú thím Cải đã chuộc lại được căn nhà, họ vui
mừng đến hỏi thăm và chúc mừng. Người tặng thùng mì gói, người cho trái dưa
hấu, người cho vài chai nước mắm hay một cái nồi nhôm cũ để nấu ăn.
Chú thím Cải luôn miệng cám
ơn; nhân dịp có đông lối xóm, chú nói với mọi người sau khi đã giới thiệu ông
Tú:
“Vị ân nhân của vợ chồng con
cái tôi chính là ông đây. Ông đã giúp chúng tôi rất nhiều, nhờ ông mà vợ chồng
con cái tôi lại được về sống nơi căn nhà này. Ông là người đã biết cháu Lớn
ngày cháu bị tai nạn cách đây hai năm.”
Ông Tú có hỏi về chiếc xe
chú Cải đem cầm 200 đôla. Đã hơn hai năm không có tiền chuộc, lại cũng không
liên lạc, nay chú Cải lại đó thì lối xóm nói anh ta đã dọn đi đâu mất tiêu cả
năm nay rồi. Có thể anh ta đã đi kiếm chú Cải nhưng không biết chú đã dọn vào
nghĩa trang Đồng Sạn.
(còn tiếp)
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire