caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

jeudi 18 septembre 2014

Thơ Omar Khayyam/ nghiệm về những cuộc say, phần 2, tác giả Nguyễn Viết Thắng

Kính gửi quý anh chị phần kế tiếp và đọan chót bài  post trước đây
Phần 1

Thơ Omar Khayyam/ nghiệm về những cuộc say

Caroline Thanh Hương
 Thơ Omar Khayyam -Chiêm nghiệm về những cuộc say
Trong thơ Khayyam đơn vị thời gian là một ngày đêm – ngày Hôm Nay. Hôm Nay có nghĩa là cả cuộc đời. Trường ca của Fitzgerald được bắt đầu bằng buổi bình minh (Thức dậy đi và hãy ngắm vầng đông…) và kết thức bằng đêm trăng (…Mai rồi trăng đừng kiếm tìm vô vọng/ Ta đã về nằm ở dưới bóng dương).
Có một ý nghĩ xuyên suốt luôn dằn vặt Khayyam rằng thời gian trôi vội vã, rằng hãy biết nắm bắt khoảnh khắc, biết sống với ngày hôm nay.
Rót rượu ra, em nhé, chớ phân vân
Thời gian đi ta không thể níu chân
Ngày Mai chưa về, Hôm Qua đã chết
Chỉ Hôm Nay ta hãy sống cho mình.
Biết sống trong ngày hôm nay thì khôn ngoan nhưng sống chỉ vì ngày hôm nay thì dại dột!
Khi ta tiếc nhớ về quá khứ hay mơ ước về tương lai thì ta đang dùng thời gian của hiện tại. Chỉ trong thời gian này ta đang sống theo đúng nghĩa. Nhưng tiếc nhớ về quá khứ thì phỏng có ích gì – quá khứ không còn quay trở lại. Suy nghĩ, mơ ước hay dự định cho tương lai, kể ra cũng hay đấy nhưng tốt nhất là hãy biết sống cho hiện tại bởi hiện tại là tiền đề để tạo dựng tương lai.
Trong thế giới quan của Khayyam không chỉ có hôm nay là thước đo thời gian mà cụ thể hơn là khoảnh khắc, là phút giây ta đang có.
Từ thần thánh đến vô thần – chỉ gang tay
Từ số không đến vô cùng – chỉ phút giây
Hãy gìn giữ phút giây này quý giá
Đời – không ít, không nhiều – chỉ phút giây.
Dòng thời gian vô tận đã chảy trước khi có ta ra đời. Dòng thời gian vô tận còn chảy mãi sau cái chết của ta. Nếu đem so với vĩnh hằng thì thời gian của ta: năm, tháng hay ngay cả trăm năm thì cũng chỉ là khoảnh khắc, giây phút mà thôi. Cuộc đời con người chỉ là phút chốc nhưng trong cái giây phút này con người có thể cảm nhận được sự vĩnh hằng “Đời là cõi vĩnh hằng thu nhỏ” Emerson (1803 – 1882). Điều này rất quan trọng bởi sự đầy đủ, toàn vẹn của một phút giây cũng là sự toàn vẹn đầy đủ của vĩnh hằng, bởi giây phút này là biểu tượng của hạnh phúc con người. Hạnh phúc không phải đợi đến ngày mai, ngày kia hay sau một tuần, một tháng, một năm mà hạnh phúc chính là giây phút này, khi mà ta cảm thấy hoà nhập với vũ trụ. Và nếu như ta có thể thì đây chính là giây phút tuyệt đỉnh của ta.
Muốn nếm hạnh phúc hãy rót rượu ra
Coi khinh ngày mai, đừng tiếc hôm qua
Mọi gông cùm dù chỉ trong phút chốc
Ớ người tù hãy gỡ khỏi hồn ta.
Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến Xuân Diệu (1916-1985) khi nghe Xuân Diệu giục giã:
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!
Phải vội vàng bởi thời gian không đứng đợi, bởi phía trước cuộc đời là cái chết.Phải vội vàng bởi mỗi giây phút của cuộc đời ta không còn lặp lại, bởi cái chết luôn rình rập bên ta. Mà chết là hết! Không bao giờ ta còn được quay lại cõi đời này cho dù cõi đời này đau khổ thật đã nhiều nhưng sung sướng cũng chẳng ít. Và tất nhiên, sau cái chết của ta rồi trăng vẫn sáng, hoa cỏ vẫn ngát hương, chim vẫn hót líu lo trên cành, rượu và người đẹp cũng không bao giờ hết nhưng cái bông hoa kia đã héo tàn thì không còn tươi trở lại, bởi thế mà phải biết vội vàng.
* * *
Nhà nghiên cứu người Đan Mạch Christensen cho rằng tất cả quan điểm triết học của Khayyam tập trung ở một nguyên tắc: “Carpe diem”15 (nắm bắt khoảnh khắc), rằng Fitzgerald bằng cách dịch tự do đã chuyển rất chính xác cái thần của Rubaiyat…
Omar Khayyam trở thành đề tài của nhiều cuộc tranh cãi gay gắt. Một người này chỉ nhìn thấy Khayyam là người đề cao chủ nghĩa khoái lạc, một người kia chỉ nhìn thấy Khayyam là kẻ bi quan, yếm thế còn một người khác lại cho rằng Khayyam là người thần bí. Mỗi người giải thích theo một kiểu và ai cũng có lý của mình bởi Omar Khayyam có nhiều đặc điểm trái ngược nhau lại tập trung ở trong một con người.
ở một số bài thơ này ta thấy Khayyam như một kẻ tuyệt vọng, xa lạ với cuộc đời.
Dưới trời này cuộc đời là bể khổ
Chẳng bao giờ ông trời thương ta cả
Người chưa đến giá mà biết đau thương
Thì có lẽ chẳng bao giờ đến cả
hay như một người bi quan:
Người đi tìm chân lý ở khắp nơi
Rồi cứ băn khoăn cho đến cuối đời
Nhưng chẳng thể tìm đâu ra chân lý
Chỉ áo quan để khâm liệm người thôi.
thì ở một chỗ khác ta thấy Khayyam là người đề cao chủ nghĩa khoái lạc, khát khao những lạc thú của cuộc đời.
Vẫn ham mê từng gương mặt dễ thương
Và ham mê một thú uống rượu nồng
Tôi cố gắng phần của mình nhận hết
Đến một ngày riêng chưa trở thành chung.
Valentine Zhukovsky(1858 – 1918) – một trong những nhà nghiên cứu về Omar Khayyam đầu tiên của Nga đã nhận xét: “Ông là người có tư tưởng tự do, là kẻ nổi loạn đòi dẹp bỏ lòng tin. Ông là kẻ vô thần, là người duy vật, người giễu cợt chủ nghĩa thần bí, là người theo chủ nghĩa phiếm thần luận. Ông là một tín đồ ngoan đạo, một triết gia chính xác có óc quan sát tuyệt vời, một nhà bác học uyên thâm.Ông là kẻ chơi bời truỵ lạc, kẻ đạo đức giả. Ông không chỉ mạt sát Thượng Đế mà còn phủ định mọi lòng tin. Ông là người có bản tính mềm mỏng thiên về những suy tưởng thánh thần hơn là thú vui trần thế. Ông là kẻ hoài nghi, ông là Abu Ala của Ba Tư, là Voltaire, Heine16… Thực ra khó mà hình dung nổi con người này nếu ông không phải là một người quái gở mà trong đó tập trung cả trăm thứ bà rằn, vừa say mê cao thượng, vừa dục vọng thấp hèn”.
Đa số các nhà nghiên cứu Phương Tây gọi Khayyam là người đề cao chủ nghĩa khoái lạc, đại diện tiêu biểu của trường phái Epicurus (342 – 270 tCn).Thực ra quan điểm hưởng lạc của Khayyam không hoàn toàn giống với quan điểm của Epicurus, thậm chí còn có sự khác biệt.  Khayyam  có  lẽ  gần  với  Aristippos (435-356 tCn) nhiều hơn. Triết lý Carpe diem không phải là bản chất của triết học Epicurus.
Có một câu chuyện vui được kể lại rằng trước cửa ra vào khu vườn, nơi Epicurus dạy triết học có dòng chữ: “Bạn thân mến, đến đây bạn sẽ sung sướng, đến đây bạn sẽ được thỏa mãn”. Tuy vậy, những người khách đến đây chỉ được uống nước nguồn tinh khiết và ăn món ăn chay từ lúa mạch. Trong khi đề cao sự thỏa mãn Epicurus kêu gọi học trò của mình hãy ăn kiêng và rèn luyện ý chí thông qua triết học.
Về mặt này ta thấy Khayyam “vật chất” hơn.
ổ bánh mì tròn như cái nong
Chân cừu nướng, một bình rượu nồng
Người bạn gái như mùa xuân sớm
Niềm vui này vua chúa đừng mong.
Chúng tôi xin tóm tắt một số nét chính về quan điểm hưởng lạc trong triết học của Epicurus để bạn đọc có thể so sánh với thơ của Khayyam.
Epicurus cho rằng con người ta ai cũng sợ cái chết, đau khổ và lo cho số phận không được may mắn. Mặt khác, con người luôn hướng tới lạc thú trong đó có sự thỏa mãn với cái đẹp, tình yêu… Mục đích của con người là một cuộc sống hạnh phúc. Epicurus coi hạnh phúc là sự thoả mãn. Điều kiện để có một cuộc sống hạnh phúc là một thể xác khoẻ mạnh và một tâm hồn tĩnh lặng. Hãy thoả mãn với tất cả những gì mình có nhưng nên nhớ rằng sự thoả mãn thể xác quá mức sẽ dẫn đến đau khổ, bệnh tật. Không có Trời, không có Chúa, không ai mang hạnh phúc đến cho ta cả. Hạnh phúc ở trong ta, trong thú khoái lạc tinh thần và một cuộc sống tránh mọi công việc xã hội. “Hãy luôn luôn làm việc. Luôn luôn yêu. Hãy yêu vợ con hơn chính bản thân mình. Đừng trông chờ ơn huệ ở người ta và đừng phiền muộn nếu người ta không cảm ơn mình. Hãy để lời khuyên răn thay cho thù ghét, nụ cười thay cho sự coi khinh. Từ cây tầm ma hãy làm ra sợi chỉ, từ cây ngải cứu hãy nấu thành thuốc cao. Biết cúi xuống để nâng người ngã dậy. Trong đầu hãy để cho trí khôn nhiều hơn lòng tự ái. Hãy tự hỏi mình mỗi buổi chiều: ngươi đã làm được điều gì tốt. Luôn luôn có trong tủ sách một quyển sách mới, trong hầm rượu một bình rượu đầy và trong vườn một bông hoa tươi”.
Là người duy vật Epicurus cho rằng lòng tin vào linh hồn bất tử làm cho con người không hưởng được hết mọi lạc thú ở đời, những thứ chỉ đến có một lần.Khát vọng về một cuộc sống bất tử là hoàn toàn không có cơ sở vì rằng mọi thứ trên đời đều có thời hạn, có bắt đầu và kết thúc. Epicurus khuyên người đời hãy sống vui vẻ và sử dụng hợp lý cho hết thời hạn của mình, với thời hạn ấy hoàn toàn đủ để tận hưởng mọi sung sướng trên đời. Và “khi cái chết đến gõ cửa thì chúng ta, những người đã no đủ, sẽ vui lòng đứng dậy khỏi bàn nhường chỗ cho kẻ đến sau”.“Tất nhiên, ngay cả khi đã sống hết thời hạn của mình ta vẫn cảm thấy tiếc nuối vì phải chia tay với cõi đời tuyệt đẹp, nơi có đầy ánh mặt trời nhưng biết làm sao được nếu như đời sinh ra như vậy. Chẳng lẽ ta phải đau đớn với ý nghĩ rằng sao ta không sống một trăm hay một nghìn năm trước? Thì tại sao ta lại phải buồn lòng vì không được sống sau một trăm hay một nghìn năm?”
Epicurus cho rằng cái chết không có gì phải sợ vì khi đang có ta thì cái chết chưa đến còn khi cái chết đến thì ta đã không còn. Khayyam thể hiện ý này cũng khác với Epicurus. Khayyam cho rằng đời người sống chỉ có một lần và chết cũng vậy: chỉ có một lần.
Nếu một ngày cái chết đến sau lưng
Thì hãy quay mặt lại đối diện cùng
Một lần thôi chẳng có gì phải sợ
Đấy là lời dặn lại lúc lâm chung.
* *  *
Đầu thế kỷ 20, khi mà “Rubaiyat” đang rất thịnh hành thì ở nước Mỹ có một số nhà phê bình đã lên tiếng chống lại “bả” Khayyam. Theo họ thì Khayyam là người có “tâm hồn cao thượng nhưng vô liêm sỉ”. Có tính cách “cám dỗ, lôi kéo con người từ bỏ những đạo đức tôn giáo…” Nhưng từ năm 1872 trong tạp chí “Cũ và Mới” nhà truyền đạo John Chadwick đã nhận xét rất chính xác: “Trong thơ Khayyam có một sự quan tâm sâu sắc đến cuộc sống, cái chết và phía bên kia cuộc đời. Chủ nghĩa hưởng thụ chỉ là cái vỏ bề ngoài mà nếu nhìn sâu vào ta sẽ thấy một sự thể hiện vô cùng tỉnh táo. Ai đấy gọi quyển Ecclesiates là quyển “đau buồn hơn hết trong những cuốn đau buồn” thì người đó chưa đọc Omar Khayyam.Những bài thơ này còn đau buồn hơn quyển Ecclesiastes gấp nhiều lần. Thứ nhất, là bởi vì chúng vang lên một cách du dương, êm ái hơn. Thứ hai, là bởi vì trong đó tuyệt vọng nhiều hơn, và nữa, đằng sau những bài thơ này ta cảm thấy một tâm hồn cao thượng hơn”17.
Nhà truyền đạo đã đánh giá quyển thơ của kẻ hưởng lạc phương Đông cao hơn quyển Ecclesiastes của Kinh Thánh, là quyển sách phổ biến nhất, linh thiêng và kính trọng nhất của phương Tây Thiên Chúa giáo.
Có một điều thú vị là trong thơ ca phương Tây thời Phục hưng ta vẫn hay gặp những mô típ của Khayyam. Sống cách Khayyam gần 500 năm Pierrè Ronsard có những suy nghĩ về kiếp phù sinh, về ý nghĩa cuộc đời, về sự giàu có, về thời gian…rất gần gũi với Omar Khayyam.
Ba thời gian từ lúc ta sinh ra
Có hiện tại, tương lai và quá khứ
Ngày mai, than ôi! – biết gì đâu chứ
Tốt nhất đừng thiên kiến, chớ đoán mò.
Hôm qua đã đi như một giấc mơ
Và mãi mãi không còn quay về nữa
Chưa đến tương lai, không còn quá khứ
Chỉ mình ta làm chủ phút giây này.
Hãy nắm bắt, hãy biết sống hôm nay
Bởi thời gian vút qua như chiếc bóng
Bên chén rượu, quây quần quanh bè bạn
Một lần thôi hãy quý phút giây này
Hãy hát tình yêu, uống rượu và vui
Xua chiến tranh, nỗi buồn và cay đắng.
Hay như bài sonnê “Gửi Helène” nổi tiếng đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng.
Khi  mà em đã về gặp tuổi già
Ngồi một mình buổi chiều bên lò sưởi
Em đọc những dòng thơ và nhớ lại:
“Những ngày xưa thơ đã viết Ronsard”.
Và tôi như nhà thi sĩ tài hoa
Cho nữ tỳ đem tên tôi khen ngợi
Em không ngủ và em quên mệt mỏi
Nghe những lời ca tụng của người ta.
Còn tôi ngủ yên giấc ngủ muôn đời
Tình chỉ là sự quên lãng mà thôi
Nhưng còn em những đêm dài không ngủ
Em buồn rầu nhớ lại những lời tôi.
Chớ miệt thị tình yêu mà hãy nhớ
Giữa mùa xuân vội hái nụ hoa đời.
Trong sáng tạo của William Shakespeare  (1564 – 1616) ta cũng gặp những ý tưởng của Khayyam về sự tuần hoàn của vật chất. Ta hãy đọc hồi IV, cảnh 3 trong bi kịch Hamlet nổi tiếng nơi Hamlet nói với vua Claudius rằng con người có thể dùng con giun đã ăn nhà vua để làm mồi bắt cá rồi lại ăn con cá đã ăn giun. Và dưới đây là những lời của Hamlet nói với Horatio ngoài nghĩa địa (Hồi V, cảnh 1):
“… Alexander18 chết đi, người ta chôn Alexander rồi Alexander trở thành đất sét thì tại sao từ đất sét này lại không thể làm thành nắp bình rượu?
Tội nghiệp thay vị Hoàng đế oai phong
Ngài chết đi thành đất cát ngoài đồng
Ôi cục đất làm kinh hoàng thế giới
Giờ trát tường chắn ngọn gió mùa đông”.
Hamlet đã kết thúc lời thoại của mình bằng một bài tứ tuyệt. ý câu nói của Hamlet đã được Khayyam nói đến cách đó hơn 500 năm về trước:
Đừng buồn chi! Đời là vậy đó mà
Hết sáng ngày lại bóng tối buông ra
Nghìn năm sau xương ta thành đất cát
Cho người ta đem đóng gạch xây nhà.
Thật khó nói rằng làm sao mà Pierrè Ronsard hay William Shakespeare có sự ảnh hưởng của Omar Khayyam bởi chỉ đến đầu thế kỷ 19 ở Châu Âu mới xuất hiện một số bài rubaiyat được dịch đầu tiên và người Âu chỉ thực sự biết đến Omar Khayyam khi bản dịch của Edward Fitzgerald ra đời vào năm 1859.
III
Nguồn của  bản tiếng Việt này là bản tiếng Anh của Edward Fitzgerald với các lần hiệu đính và các bản tiếng Nga của nhiều dịch giả rubaiyat nổi tiếng nhất của Nga và Xô Viết như Plisetsky, Rumer, Thorgevsky, Strigkov, Derjavin, Nekora, Tenegina… Ngoài ra còn tham khảo nhiều bản khác được nêu trong thư mục tóm tắt ở cuối sách.
Bản tiếng Việt này được sắp xếp theo từng mảng đề tài theo một trình tự thời gian của cuộc đời người giống như cách sắp xếp của Fitzgerald: thời tuổi trẻ yêu đời, ca tụng Thượng Đế, thích  chơi bời, ham mê rượu, phụ nữ. Sau đó là nhà thông thái theo con đường Sufism rồi dần dần tỏ ra nghi ngờ cho đến phủ nhận Thượng Đế. Về già trở thành người bi quan, thất vọng về cuộc đời, hoài nghi tất cả.
Ở Châu Âu hiện nay có thể tìm thấy trên 2000 bài rubaiyat được coi là của Omar Khayyam nhưng chủ yếu vẫn là các dị bản. Thực tế số lượng rubaiyat của Khayyam là 200, 300, 500 hay nhiều hơn? Rất nhiều nhà nghiên cứu xác định trong khoảng 200 – 500 bài. Bản tiếng Việt này dừng lại ở con số 487 bài. Theo chúng tôi số lượng bài đã phản ánh hết mọi khía cạnh của thơ Khayyam.
Mặc dù đã chọn lọc rất kỹ lưỡng, so sánh với nhiều bản khác nhau nhưng nếu một bạn đọc để ý sẽ thấy vẫn có những bài gần giống nhau về nội dung. Thực ra đây là một vấn đề chung của nhiều ngôn ngữ và là một vấn đề phức tạp trong việc phân loại, đánh giá. Xin dẫn lời của một nhà phương Đông học nổi tiếng, Viện sĩ thông tấn Liên Xô Edward Bertels về vấn đề này: “Một người đọc chú ý thì không thể không nhận thấy có nhiều bài rubaiyat chỉ nói về một đề tài. Ta tìm thấy từng “chùm” rất giống nhau về nội dung, chỉ khác ở những chi tiết rất nhỏ. Ta có cảm giác rằng đấy là một đặc điểm của thơ Khayyam. Ta biết rằng cuộc đời Khayyam có nhiều tị hiềm ghen ghét, thậm chí cả sự nguy hiểm đến tính mạng từ những kẻ cuồng tín Islam… Khayyam có lẽ đã không có ý định tập trung rồi phổ biến những bài thơ của mình. Có thể ông chỉ viết ra trên những mẩu giấy nhỏ và khi ngồi quanh bạn bè, bên chén rượu ông đã đọc cho mọi người nghe. Ta hình dung có năm người bạn của Khayyam sau khi về nhà chép lại những bài thơ đã nghe mỗi người lệch đi một chút, thay vào một vài lời. Từ đó sinh ra ít nhất sáu bản mà rồi sau đấy khi tập hợp lại người ta coi là những bài riêng biệt. Số dị bản cứ tăng lên theo thời gian khi người đời sau tìm chép lại”.
Một đặc điểm nữa của rubaiyat mà khi dịch ra tiếng Việt rất khó giải quyết. Đó là cách gieo vần của rubaiyat thường có những từ hoặc cụm từ lặp lại ở cả ba câu (đôi khi cả 4 câu). Dưới đây là một số ví dụ mà chúng tôi cố gắng dịch đúng cách gieo vần của những bài rubaiyat dân gian:
Em không ngủ, em không biết làm sao
Con đường dài, em không biết làm sao
Nhìn con đường, anh còn quay trở lại?
Thiếu anh rồi, em còn biết làm sao!
* * *
Giấc mơ  ngọt ngào trong đêm đến rồi đi
Người đẹp dịu dàng trong mơ đến rồi đi
Và sáng ra người đẹp dịu dàng đến thật
Như trăng giữa trời người đẹp đến rồi đi.
hoặc như những bài sau đây:
Mùa xuân đến rồi. Bao giờ em đến?
Thiếu em anh buồn. Bao giờ em đến?
Em hứa rằng khi tuyết bắt đầu rơi
Tuyết tan hết rồi. Bao giờ em đến?
* * *
Em có thể phụ tình – còn anh không thể
Em có thể lại yêu, còn anh không thể
Em có thể quên hết thảy mọi điều
Quên mãi mãi, muôn đời còn anh không thể.
Thơ rubaiyat được gieo vần theo sơ đồ aaba (một số ít bài aaaa). Trong tiếng Việt nghĩa là thơ tứ tuyệt nhưng thơ tứ tuyệt chỉ có 5 tiếng hoặc 7 tiếng không thể chuyển tải hết lượng thông tin của rubaiyat. Chúng tôi đã từng loay hoay trong nhiều tháng trời dịch ép vào 7 tiếng nhưng rồi thấy không ổn. Tham khảo rất nhiều ngôn ngữ châu Âu thì nhận thấy rằng người ta đều dịch không hạn chế số tiếng, thậm chí người ta còn dịch rubaiyat 4 câu thành 8 câu, miễn là chuyển tải hết nội dung của rubaiyat. Từ đó chúng tôi quyết định không hạn chế số tiếng còn cách gieo vần thì vẫn tuân thủ cách gieo vần của rubaiyat trừ cách gieo vần cả 4 câu như nhau vì nhận thấy không phù hợp.
Trong bản tiếng Việt cũng ít khi dịch tên riêng, tên của các nhân vật truyền thuyết, các ông vua, tên địa danh mà phần nhiều chỉ dịch chung chung là vua, thần, tiên… Có một hình tượng rất quen thuộc trong rubaiyat là người hầu rượu Saki. Saki là một chàng trai trẻ vui nhộn, hoạt bát, nhanh nhảu được Khayyam hay nhắc đến. Trong bản tiếng Việt Saki trở thành cô bán hàng. Có lẽ đây là một đặc điểm của văn hoá Việt.
Xưng hô đối với Đấng Tối Cao trong rubaiyat được Khayyam dùng rất đa dạng. Từ tiếng Ba Tư khi dịch sang các ngôn ngữ khác cũng vậy. Thí dụ trong bản của Fitzgerald có rất nhiều từ đồng nghĩa của từ “Thượng Đế” (He, Thou, Lord, Maker, Potter, Master hoặc ngay cả Master of the Show, dark Ferrash, Eternal Saki rồi Trời (Heav’n), Vận (Destiny), Số (Fate), Thời gian (Time). Trong tiếng Việt cũng được dùng rất đa dạng: Thượng Đế, Ông Trời, Ông xanh, Ông Thợ gốm, Ông Tháp canh, Con tạo, Số phận, Thời gian, Người, Ngài…
Có một số đặc điểm của rubaiyat mà theo chúng tôi rất khó chuyển đạt là tính triết lý, sự cô đọng, súc tích của thơ Khayyam. Chỉ với 4 câu thơ Khayyam nói lên được những vấn đề mà người khác phải cần đến nhiều trang giấy.Thông thường hai câu đầu của rubaiyat là hai câu đặt vấn đề còn cách giải quyết vấn đề và kết luận của tác giả ở câu thứ 3 và thứ 4.
Hãy cho tôi một bình rượu thật đầy
Cô bán hàng cứ rót, chớ dừng tay
Giờ chỉ rượu người bạn hiền duy nhất
Cả bạn và tình đều đã đổi thay.
Nhưng cũng không ít khi rubaiyat trở thành một cuộc đối thoại mà tác giả chỉ làm vai trò người dẫn chuyện.
Cá hỏi vịt: “Liệu nước có trở về
Và nếu trở về thì đến bao giờ?”
Vịt trả lời: “Khi Người đem ta rán
Chảo sẽ trả lời những câu hỏi kia”.
Đôi khi hai câu đầu nêu lên vấn đề. Câu thứ 3 nêu lên một sự vật hay hành động mà ta thấy được đột ngột lật lại ở câu thứ 4.
Ta cần sống sáu mươi năm yên ổn
Không vì giàu mà chỉ vì tình bạn
Đến một ngày ta chưa trở thành bình
Cần kết bạn với cả bình và chén.
hoặc như một bài khác ;
Hãy vuốt ve mái tóc đen óng mượt
Uống rượu nồng, nói những lời đường mật
Đến một ngày thần chết chưa bắt ta
Những lạc thú trên đời cần nắm bắt.
Một đặc điểm nổi bật  trong thơ của Khayyam là sự tương phản.
Vẫn biết rằng rượu cấm bởi Koran
Rượu đắng cay nhưng tôi uống với em
Chẳng vô tình như người đời vẫn nói
Những thứ gì càng cấm lại càng ham.
Câu đầu tiên “rượu” được đặt bên cạnh “Koran”. Koran cấm rượu, bởi thế nên hai khái niệm này kỵ nhau giống như lửa với nước, như mặt trăng với mặt trời… Câu thứ hai: “rượu đắng cay” (đã đành là như vậy) nhưng Khayyam ngồi uống với “em” (vốn được coi là thứ ngọt ngào nhất trên đời). Như vậy “đắng cay” và “ngọt ngào” là một cặp tương phản thứ hai. Câu thứ ba giải quyết vấn đề đã nêu để rồi đi đến kết luận: “Những thứ gì càng cấm lại càng ham”. Khayyam nói lên một cái thói thường của người đời, cái bản năng tự nhiên của con người nhưng hai từ “cấm” và “ham” cũng là một cặp tương phản nữa.
Đi thanh minh về sự ham mê lạc thú của mình Khayyam viết:
Có phải con được thừa thì người bị thiếu đâu
Con có nghèo đi thì người cũng chẳng giàu
Thượng Đế ơi con xin Người độ lượng
Tha thứ nhiều và ít đánh con đau.
Chỉ trong 4 câu Khayyam sử dụng đến 4 cặp từ đối lập với nhau: Thừa và Thiếu, Giàu và Nghèo, Tha và Đánh, Nhiều và It…vân vân và vân vân.
* * *
Thơ của Omar Khayyam cũng như các công trình về toán học, thiên văn học hay triết học của ông – đó là thế giới của những điều bí ẩn, của những câu hỏi day dứt mà bất kỳ con người có trí tuệ nào cũng muốn tìm ra câu trả lời trong suốt cuộc đời mình. (Tất nhiên, con người của thế kỷ 21 sẽ có nhiều điểm không đồng tình với  Khayyam nhưng chúng ta không thể đem những tiêu chuẩn của thời đại mình làm thước đo cho người đã sống cách chúng ta gần 1000 năm). Omar Khayyam là con người có những suy nghĩ vượt ra ngoài thời đại mình trong khi ông mãi mãi vẫn là con người của thế kỷ 11 và 12.
Omar Khayyam suy ngẫm rất nhiều về nhân tình thế thái, đưa ra nhiều lời khuyên về cách đối nhân xử thế nhưng Khayyam không dạy khôn cho ai cả mà Khayyam chỉ bày tỏ sự mong muốn để cho người đọc tự giải quyết vấn đề. Đây cũng là một phẩm chất vô cùng quí báu của con người ở thời đại ngày nay.
* * *
Như đã nói ở những phần trên: thế giới quan của Khayyam là rất phức tạp. Thơ ông cũng vậy. Đi đối chiếu tất cả theo một công thức định sẵn, đi giải thích theo một lối mòn chắc chắn sẽ không tránh khỏi sai lầm. Mỗi bài rubaiyat riêng biệt đòi hỏi một sự phân tích kỹ lưỡng xem có đúng với hồn thơ và phong cách của Khayyam hay không? Nếu của Khayyam thì có thể đã được viết trong quãng thời gian nào trong cuộc đời của Khayyam? Trong một tâm trạng như thế nào? Có sự liên hệ gì với các bài thơ khác, với tiểu sử? Nếu là bài xuất khẩu thành thơ thì được xuất ra trong tình huống nào?
Người dịch, người nghiên cứu về Omar Khayyam đã phải làm một việc tưởng chừng như không thể: tưởng tượng, hình dung lại thời đại của Khayyam với những đặc điểm về chính trị, văn hoá, xã hội của thời đại đó, nhập vai sao cho hoà nhập được với nhà thơ… Chỉ khi đó Omar Khayyam mới thực sự hồi sinh!
Nguồn: Omar Khayyam. Thơ Rubaiyat. Nhà xuất bản Văn học 2004.
1 Alfred Mc Kinley Terhune. The Life Of Edward Fitzgerald, Translator of the Rubaiyat of Omar Khayyam. L.,1947, tr. 223
2 Edward Heron-Allen. Edward Fitzgerald’s Rubaiyat of Omar Khayyam with their Original Persian Sources. L.,1899. tr. XI.
3 L. P. Elwell-Sutton. Introduction. – Ali Dashti. In Search of Omar Khayyam. L., 1962. tr. 11.
4 Peter de Polnay. Into an Old Room. The Paradox of Edward Fitzgerald. L., 1950, tr. 183.
5 Tuy vậy, năm sinh, năm mất của Omar Khayyam vẫn chưa phải đã được xác định hoàn toàn. Ngay cả những tập sách vốn được coi là “khuôn vàng thước ngọc” cũng vẫn còn có sự khác nhau. Thí dụ: Từ điển Britannica 2003 năm sinh, năm mất của Omar Khayyam được xác định là 18/5/1048 – 4/12/1131. Còn từ điển Encarta 2004 là 1050 – 1122vv…
6 Khởi thuỷ là cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ac; lòng tin vào thắng lợi của cái Thiện mà trong đó lửa đóng vai trò chủ đạo.
Theo truyền thuyết, Zarathustra là đứa bé duy nhất trên đời này khi sinh ra không khóc mà cười. Học thuyết của Ngài cũng vậy – rất yêu đời và đầy ắp tình yêu đối với thế giới xung quanh. Ngài kêu gọi tín đồ của mình hướng tới cái Thiện và sự công bằng.
Thời đại của Zarathustra được xác định rất khác nhau. Aristotle  cho rằng Zarathustra sống trước Platon 6000 năm. Một số tác giả cổ đại khác cho là 5000 trước cuộc chiến Tơ-roa (thế kỷ 13 tCn). Còn một số khác dựa theo truyền thuyết cho là Zarathustra sống trước Alexander Mác-xê-đô-nia (356-323 tCn) 250 năm.
Theo Zarathustra cái chết làm cho linh hồn con người từ giã thế giới vật chất để trở về thế giới phi vật chất. Mọi linh hồn đều chịu sự phán xử vì những hành động đã làm nơi trần thế. Kết qủa là một số lên thiên đàng, số kia về địa ngục… Zarathustra là người đầu tiên đi nói về thiên đàng, địa ngục, về sự hồi sinh… “Đạo thờ Thần lửa là tôn giáo cổ xưa nhất trong các tôn giáo biểu hiện của thế giới và có lẽ nó đã có sự ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến loài người nhiều hơn bất kỳ tín ngưỡng nào”. Mary Boyce, Zoroastrians//http://www.avesta.org/avesta.htm
7 Xem chú thich: Sufism.
8 Ghazali’s Book of Counsel for Kings. Translated by F.R.C. Bagley. L., 1969, tr.9.
9 The Doctorine of the Sufism. Translated from the Arabic of Abu Bark al-Kalabadhi by A.  J. Arberry. Cambridge. 1977, tr. 44-45.
10 Holbrook Jackson. Edward Fitzgerald and Omar Khayyam. L., 1890, tr.26.
11 Izad trong thần thoại cổ Iran có nghĩa là Ngọc Hoàng (ông trời).
12 Khayyam nhắc lại Koran 2:216: “Người ta hỏi con về rượu thì hãy nói: “ Trong rượu tội lỗi và cả ích lợi cho con người nhưng tội lỗi nhiều hơn ích lợi”.
13 Sufism – một giáo phái thần bí của Islam xuất hiện gần như đồng thời với Islam trên cơ sở của chủ nghĩa khổ hạnh. Mục đích của Sufism là sự nhận thức chân lý tuyệt đối thông qua Tình yêu và sự hoà nhập với Thượng Đế. “Con người – sáng tạo cuối cùng của Thượng Đế – cần hướng tới sự hoà nhập với Người. Để đạt được điều này cần từ chối những sung sướng vật chất và kìm nén những mong muốn, khát khao ngoài một điều mong muốn khát khao duy nhất là được hoà nhập với Thượng Đế”. (Морочник С. Б. и Розенфельд Б. А: Омар Хайям – поэт мыслитель ученый Сталинабад, 1957, tr. 15)
Con đường của Sufism theo al-Ghazali có 9 bước: 1) hối hận trong lỗi lầm; 2) chịu đựng trong đau khổ; 3) mang ơn Thượng Đế (Thánh Ala) vì những gì mà Ngài đã ban cho; 4) sợ hãi Đấng Tối Cao; 5) hy vọng ở sự cứu rỗi; 6) tự nguyện chịu đói nghèo; 7) tránh xa cuộc đời; 8) từ chối mọi ước muốn của mình; 9) tình yêu đối với Thượng Đế. Năm bước đầu tiên là con đường chung dẫn đến sự hoàn thiện tâm linh được luật Shariah xác định cho tất cả tín đồ Islam. Bốn bước cuối là của riêng Sufism. Trong mỗi bước như vậy Ghazali chia tiếp ra làm ba giai đoạn. Thí dụ, bước thứ ba: Sufi (người theo Sufism) cần nhận thức ơn huệ của Thượng Đế ban cho, điều mà Ngài có thể đã không làm. Cụ thể như Ngài đã tạo ra Sufi là một cơ thể sống chứ không phải hòn đá; có nhận thức chứ không phải như động vật không biết suy nghĩ; đàn ông chứ không phải đàn bà; có sức khoẻ đầy đủ chứ không đui mù, què quặt; người tốt chứ không phải người ác độc. Tiếp đó Sufi phải biết nhìn ơn huệ của Thượng Đế như là phương tiện để đạt được sự hoàn thiện sau này. Và cuối cùng phải biết coi sự đau khổ như là hạnh phúc và cám ơn Thượng Đế vì điều này. Đến đây, Sufi không chỉ biết chịu đựng đau khổ mà còn vui mừng vì đau khổ.
14 Laurent Tailhade. Omar Khayyam et les Poisons de l’Intelligence. P., 1905,  tr. 14.
15 Chữ dùng của nhà thơ La Mã cổ đại Quintus Horatius Flacus (65-8 tCn).
16Жуковский В. А: Омар Хайям и странвующие чевертишие. Спб. 1897 tr. 323-325.
Abu Ala (al-Ma’arri)(979-1057) – nhà triết học, nhà thơ mù Arập (Syria), nổi tiếng với những bài thơ triết lý; Voltaire (1694-1778) – nhà triết học, nhà văn Pháp; Heine (1797-1856) – nhà thơ Đức: hai ông nổi tiếng với những quan điểm phủ nhận tôn giáo. Dưới đây chúng tôi xin nêu mấy ví dụ.
-Xin hãy chớ nói rằng: “Ta trong trắng!”
Trong trắng làm sao giữa cuộc đời bụi bặm.
Thơ Abu Ala.
-Đây, trên giá sách này của tôi có quyển Kinh Thánh nhưng tôi để gần với Voltaire – giống như thuốc độc và thuốc giải độc.
Betrand Russell (1872-1970).
-Lòng tin trong tôi có thật nhiều. Tôi bây giờ đã tin vào những điều cốt yếu nhất được ghi trong Kinh Thánh. Tôi tin rằng Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Jacob; Jacob sinh Judah. Rằng Judah đã nhận ra nàng Tamar – con dâu của mình trên con đường đi đến Timnath; rằng Lot đã uống rượu quá nhiều với hai cô con gái ruột; rằng vợ của Potiphar đã giữ trong tay áo của chàng Joseph trung thành giữ phẩm tiết; rằng hai vị tu sĩ bắt gặp nàng Susanna xinh đẹp trong khi tắm đã rất già. Ngoài ra tôi còn tin rằng tổ tiên của Jacob đã lừa dối anh em, bà con mình; rằng vua David đã giao cho Uri một nhiệm vụ nguy hiểm ngoài chiến trường; rằng Solomon đã cưới cho mình cả nghìn bà vợ để rồi mà than vãn: hư không, thảy đều hư không!
Heine.
17 Arberry A. J. The Romance of the Rubaiyat. L., 1959, tr. 28.
18 Hamlet nói đến Alexander Đại đế, vua xứ Mac-kê-đô-nia, vị tướng lừng danh thời cổ đại.
Nguyễn Viết Thắng

Đọc tiếp thơ Say , thái Bá Tân dịch nơi đây
 

Thơ Cổ Ba Tư THO SAY - ÔMA KHAYYAM, THAI BA TAN dich

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire