caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mardi 16 septembre 2014

Viên Linh viết về Thơ Nguyễn Xuân Hoàng

Cám ơn anh Cường đã chuyển bài viết này.
Tôi xin post lại đây để quý anh chị thường thức nét đẹp của thơ Nguyễn Xuân Hoàng.
Caroline Thanh Hương




Viên Linh
Nhiều nhà văn nổi tiếng lúc khởi sự cầm bút đã làm thơ, về sau văn của họ được đời biết đến nhiều, mà quên rằng, hay không hề biết rằng, họ làm thơ từ lúc còn rất trẻ. Tôi đã đọc thơ của Mai Thảo trên Sáng Tạo (nhưng ký tên là Nhị, khoảng 1957), thơ lục bát Thanh Tâm Tuyền trên trang Văn Học Nghệ Thuật nhật báo Dân Chủ của Vũ Ngọc Các (khoảng 1956), và thơ Nguyễn Xuân Hoàng năm 1960.
Từ bài thơ Hoang Vu đến Người Ði Trên Mây Nguyễn Xuân Hoàng (bên mặt). (Hình: Viên Linh cung cấp)
Năm 1959, trong một lúc sa sảy với nghề báo, tôi theo bạn lên dạy học tư ở Ban Mê Thuột. Rời Sài Gòn tạm một thời gian, sách vở đồ đạc nặng gửi lại nhà một đồng nghiệp, thình lình một hôm nhà giáo dạy cùng trường Bạch Ðằng đưa cho tôi xem tờ Tạp chí Hiện Ðại. Trên cùng một trang báo có bài thơ Phượng Liên của tôi đăng dưới bài Mang Mang của Hoang Vu. Tôi không gửi thơ cho Hiện Ðại, mà do người bạn nơi tôi để lại đồ đạc sách vở, đã lấy bài thơ tôi viết cho em Phượng Liên ở Huế, cũng là bạn chung, và là bạn thư từ với tôi, đưa cho Nguyên Sa. Như Võ Phiến nhớ đúng khi anh viết đã đọc thơ phiếm của Thần Ðăng (Ðinh Hùng) và thơ tôi trên Ngôn Luận (giai đoạn 1954). (1) Tới năm 1960 tôi đã có vài chục bài thơ đăng trên các tạp chí Văn Nghệ, Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Gió Mới, nhưng Nguyên Sa viết như đây là những cây bút lần đầu xuất hiện, mặc dù anh có thòng một câu kiểu búa lớn: “Có phải nỗi buồn tập hợp trên mắt những người trẻ tuổi ấy phảng phất niềm đau của thế kỷ bây giờ?” (2) Tôi đã leo lên lầu cao ốc Mai Loan nơi đặt tòa soạn Hiện Ðại để chất vấn, vì không ai chọn thơ của người đã có thơ in từ 6 năm trước, với một anh in thơ lần đầu, nhưng chỉ gặp Thái Thủy.

Hoang Vu chính là Nguyễn Xuân Hoàng. Và thơ Nguyễn Xuân Hoàng hay không thua gì văn Nguyễn Xuân Hoàng; (khác với trường hợp Mai Thảo: thơ Mai Thảo hay hơn và thật hơn văn Mai Thảo.) (3) Bài thơ ấy nguyên văn như sau, chỉ chú thích thêm tên thật của thi sĩ:

Mang Mang
từ xa phố chợ đến giờ
chân quen bỏ lệ gõ bờ lộ quen
hoang vu chín đến độ thèm
lạnh tàn nhẫn rót vào đêm lên đường

mùa sương phố núi mù sương
nhịp buồn hút gió hồn nương sao rừng
chuyện linh hồn với bản thân
bàn tay thượng đế mộ phần chiêm bao

đồi thông xanh tóc nghẹn ngào
ngập ngừng lạnh xuống từ bao lâu rồi
còn tôi, còn chỉ mình tôi
mây bay đầu núi kéo trời lên xa

bàn tay thoáng nổi da gà
thẳm sâu lòng đất nhà ga luân hồi

Hoang Vu
(Nguyễn Xuân Hoàng)

Bài thơ không viết hoa ở đầu câu, không dấu chấm xuống dòng, từ ngữ hay thi ngữ, đậm đặc nét thơ của giai đoạn '60:

“linh hồn, thượng đế, luân hồi, bản thân, mây kéo trời lên xa và mộ phần chiêm bao, lạnh tàn nhẫn...” Tiếc thay cái tên Hoang Vu không xuất hiện nữa, vì nếu Nguyễn Xuân Hoàng còn làm thơ, bàu trời thi ca Việt Nam sẽ thêm một vì sao sáng.

Bài này cũng như bài Phượng Liên của tôi nằm cùng một trang báo, mà hai tác giả của hai bài thơ trước sau có chung những khó khăn tương tự, những rắc rối tan tác thì đúng hơn, đều rất bi thương. Nguyên Sa vơ vào hai tên trên cùng một trang báo, như sự tình cờ run rủi hai toa tàu xuôi ngược ráp tạm nơi một sân ga xép. Hoàng đậu tú tài xong, thi tuyển thành công vào Quốc Gia Hành Chánh, song bỏ. Ðang học Y khoa - vì bà mẹ muốn con trai thành bác sĩ - thì nhận lời thách đố của bạn học Hà Thúc Nhơn, viên bác sĩ quân y ở Nha Trang sau này chống tham nhũng bằng súng đạn và chết vì súng đạn - chơi trò nghịch ngợm lỗ mãng của con trai thời mới lớn, nên một mặt thắng cuộc thách đố, (Hà Thúc Nhơn thua, sẽ phải trả tiền đãi bạn học ăn phở cả tháng), song Hoàng phải rời Y khoa vì trò dại dột. Cuối cùng anh đi học Sư Phạm, ra làm giáo sư Triết, một nghề anh từng xác định: “Giáo dục không phải ngành thích hợp của tôi. Từ tiểu học, qua trung học, lên đại học, các ông thầy bà cô nhìn tôi như một đối tượng để trút lên đó những bực dọc của cuộc đời khốn nạn của họ. Tôi là tấm bia để họ bắn vào đó những mũi tên mặc cảm.” (4)

Ðây là lời nói thật của Nguyễn Xuân Hoàng, kẻ đã cùng tôi “Ði thật xa với ...” trên báo Văn.* Nhìn Hoàng tôi biết con người của bạn không phải con người của khuôn thước, vâng dạ, mòn sáo, lễ phép vì xã giao, vì một nghề nghiệp phải gương mẫu, ra đường thấy ai cũng cúi đầu nhũn nhặn chào hỏi, mà miệng thì lầm bầm bài bác người ta. Tôi từng phải đi dạy học tư một thời gian, không phải giam thân vào nghề mô phạm như chàng thi sĩ Hoang Vu, nhưng tôi cũng không thích nghề dạy học, nghề nghiệp sau này của các bạn cùng lớp với tôi thời Trung học: các giáo sư Nguyễn Nhật Duật, Hà Mai Phương, và của hầu hết các bạn văn nghệ cùng thời: Nguyễn Văn Sạm, Huỳnh Phan Anh, Ðặng Phùng Quân, Nguyễn Ðông Ngạc, Cao Thoại Châu, Nguyễn Ðịnh, v.v... vì nhiều lý do.

Một trong những lý do “nhãn tiền” là thù lao quá ít ỏi. Không thể sống quá kham khổ, gò bó, hệ lụy: kham khổ về vật chất cũng như kham khổ về thời gian; gò bó hệ lụy về giao tế cũng như về phương cách sống. Người nghệ sĩ sáng tạo mà theo nghề dạy học thì khó thành công, dễ mang tiếng, vì cung cách nghệ sĩ là tự do diễn đạt, tự do phát biểu,... Tôi thật sự không nhìn thấy ở thi sĩ Hoang Vu, (nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng), một nhà giáo khuôn mẫu. Như tôi cũng thật sự không bao giờ nhìn thấy ở các bạn nhà giáo của tôi một phong cách duy nhiên tự do phóng khoáng cởi mở thành thật hồn hậu khôn ngoan thân hữu phục thiện giản dị tinh tế như ở Nguyễn Xuân Hoàng. Làm gì lại có một nhà giáo hiếm hoi như thế, mà chỉ có một nhà văn như thế đi làm nhà giáo mà thôi.

Thuở còn niên thiếu chắc hẳn Nguyễn Xuân Hoàng đã nói ra ba điều ước với một mụ phù thủy mà chàng ta ngỡ là nàng tiên, nên mụ liền thiết kế cho chàng một mê cung, một nẻo đường chông gai trắc trở, gài tác giả Người Ði Trên Mây vào đáy tầng địa đạo, Bụi và Rác, châm chọc Orphee đa tình và chất phác ngứa cổ quay lui, khiến cho Eurydice thân tâm hóa đá, tếch nẻo tây phương, hành hạ người cha thương con yêu dấu ngàn trùng xa cách, trừng phạt tấm lòng hồn hậu phải đeo mặt nạ vô tâm vô tình và bạc bẽo. Không, người đời cứ ngỡ Phan An Tống Ngọc khôi ngô kỳ vĩ thì hẳn đương nhiên hạnh phúc trong chốn tình trường, có biết đâu họ cũng tâm tư nhàu nát, mắt lệ nhiều khi, đêm đêm một mình một bóng chờ đợi người Bích Câu mái tóc bạch kim, hay xuân hạ thu đông cũng nhiều lần nương tai nghe tiếng mãn gào trên mái bỏng?

Bài thơ “Mang Mang” của Hoang Vu mở đường văn chương cho họ Nguyễn năm 1960, thì bài “Phượng Liên” khiến trung niên thi sĩ Bùi Giáng lù lù hiện ra, ôm lấy tôi, ồn ào nói:

“Ông đừng làm thơ tự do nữa nhá, chỉ làm thơ lục bát thôi nhá! Lần đầu tiên thơ lục bát Việt Nam đem tên người yêu vào trong thơ một cách bề thế nghiêm trang số dách là ông đấy nhá. Huy Cận hắn đọc lục bát của ông là hắn sẽ đi tìm ông đấy.”**

Từ đó mà tôi có thêm một người bạn thơ, và không chỉ có một hành lang vây sầu, mà hành lang nào cũng vây sầu cả. Sau này một nàng Huế cười như nắc nẻ, cho tôi biết Phượng Liên là ai... Dù thế nào, nàng cũng đã ở chín suối rồi.


Chú thích:
1.Võ Phiến, Văn học Miền Nam, tổng quan, Văn Nghệ 1986, tr.180.

2. Nguyên Sa, tạp chí Hiện Ðại số 2, 5.1960, tr.102. Có dịp tôi sẽ đăng lại bốn bài thơ khác của NXH và khoảng 6 bài thơ ngoại quốc do Hoàng dịch, đăng trên các báo do tôi trông coi ở VN trước 1975.

3. Viên Linh, nói với Mai Thảo tại quán ăn của thân nhân Thiếu Tá Hùng Sùi ở San Jose, hôm ấy quanh bàn ăn có mặt nhiều văn nghệ sĩ, nếu tôi nhớ không lầm có Khánh Trường, Phan Thị Trọng Tuyến,...

4. Nguyễn Xuân Hoàng, Người Ði Trên Mây, tr.19.

* Một mục của tờ L'Express Nguyễn Xuân Hoàng đã đề nghị với tôi, và chúng tôi đã đồng ý nói hết, nói thật, nói thẳng, trong bài “Ði thật xa với Viên Linh” của báo Văn chủ đề Thơ ở Việt Nam năm 1972.

** Bài Phượng Liên kết bằng hai câu:

Thôi còn giấc ngủ canh thâu
Một hành lang rộng vây sầu Phượng Liên.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire