caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mercredi 5 novembre 2014

Nguyễn Mây Thu và PARIS - CHIỀU TƯỞNG NHỚ


Kính mời quý anh chị thưởng thức tiếng ngâm thơ của chị Thuý Hằng và tiếng hát anh Phạm Đăng.
Đây là bài hát đã được anh Nguyễn Minh Châu Silicon band Paris thu lại, tôi mượn post vào đây cho quý anh chị được thưởng thức một bản nhạc tuyệt vời.
Sau này nếu tôi được gửi thêm nhạc mới sẽ post tiếp cho quý anh chị cùng chia sẻ.
Cám ơn tất cả quý anh chị đã vào đọc bài viết của chị Mây Thu.
Caroline Thanh Hương



SINH HOẠT VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
PARIS - CHIỀU TƯỞNG NHỚ


         Paris vào thu và cũng như thường lệ, Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris đã tổ chức một buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật vào ngày 26-10-2014, tại nhà thờ Saint Hippolyte nằm trên đại lộ Choisy quận 13, với chủ đề Paris - Chiều Tưởng Nhớ

         Khách mời là những khuôn mặt nổi tiếng trong giới sinh hoạt Văn Hóa và Cộng Đồng người Việt ở Paris, đến tham dự gồm có: GSTS Lê Mộng Nguyên, GSTS Phạm Đình Liên, GSBS Hoàng Cơ Lân, GSTS Trần Văn Cảnh, GSTS Quỳnh Hạnh, GSTS Trương Thị Liễu, GSTS Trần Văn Thu, TS Võ Hùng Anh, BS Nguyễn Bá Hậu, BS Huỳnh Trung Nhì, BS Phan Khắc Tường (Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tự Do tại Pháp), BS Phạm Đăng Thiện, BS Nguyễn Bá Linh, BS Trần Văn Thanh, Nha sĩ Nguyễn Bích Ngọc; LS Nguyễn Văn Hoàng (Hội trưởng Hội Ái Hữu Pétrus Ký tại Pháp), LS Dương Minh Châu. Nhà phê bình văn học: GSTS Trương Thị Liễu, GS Nguyễn Thùy; Nhà biên khảo: GS Phạm Thị Nhung, GS Nguyễn Bảo Hưng, GS Trần Tam Nguyên, Mỹ Phước Nguyễn Thanh, Bernard Detrez. Nhà  thơ: Quỳnh Liên, Bạch Vân, Phương Du, Đỗ Bình, Trọng Lễ, Ngân Đoài, Trịnh Cơ, Khúc Duy Tường, Nguyễn Hà Thân Thanh, Nguyễn Mây Thu (đại diện Tạp chí Cỏ Thơm Paris), Từ Thạch, Thy Thảo, Hà Lệ Thu. Nhà văn: Hồ Trường An, Trần Trung Quân, Nguyễn Vân Xuyên; Nhà báo: Lê Văn Tư, Bạch Sương (đại diện  Tạp chí Nguồn Paris); Nhạc sĩ: Jules Tambicannou, Bảo Đức, Phạm Đăng, Minh Nhật, Đức Nguyên, Nguyễn Vinh, Cát Tưởng, Sơn Khôi. Nghệ sĩ: Kim Thu, Tuyết Dung, Minh Cầm, Linh Chi, Thúy Hằng, Khanh Trang, Ngọc Xuân, Phương Hạnh; Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng; Nhà Quay phim Võ Anh Tuấn, Nhà Nhiếp ảnh Tuyết Vân, KS: Nguyễn Văn Thọ, Bà Nguyễn Qúy Toàn, Đỗ Hữu Hứa (đại diện Hội Ái Hữu Công Chánh), Thái Quan (Cựu sinh viên Nhật Bản trước năm 75); Ông: Nguyễn Hữu Xương (Tổng Thư Ký Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tự Do Tại Pháp),Châu Văn Lộc (Tiên chỉ Làng Nam Quan tại Pháp), Nhất Long (Cựu Tổng Thơ Ký Văn Phòng Các Hội Đoàn Người Việt Tự Do tại Pháp), Lê Minh Triết (Phó chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tự Do tại Pháp), Trần Minh Răn (đại diện Văn Phòng Liên Đới Xã Hội tại Pháp), Đặng Văn Khanh (đại diện "Hội Cựu Sinh Viên Võ Bị Quốc Qia  Đà Lạt" Âu Châu), Lý Trí Thanh Lương (Chi nhánh trưởng Hướng Đạo VN tại Pháp), Nguyễn Thúy Phượng (Hội trưởng Hội Phụ Nữ Âu Cơ tại Pháp), Tôn Thất Hồng Cúc (đại diện "Hội Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt Việt Nam Tự Do" tại Paris). Bà: Phan Thu Thủy (Gia Long), Vương Yến (Gia Long), bà Đào Viên, Nhà giáo Võ Đoan Chánh, Gs Nguyễn Diệu Chước, Gs Nguyễn Diệu Lan .v.v.

         Chương trình bắt đầu vào lúc 14 giờ, nghi lễ chào quốc kỳ VNCH và một phút mặc niệm do BS Phan Khắc Tường và ông Nguyễn Hữu Xương phụ trách. Sau đó MC là họa sĩ Nguyễn Đức Tăng điều khiển chương trình, giới thiệu Chủ tịch CLBVH VN Paris, nhà thơ Đỗ Bình có đôi lời phát biểu: "Buổi sinh hoạt hôm nay, chúng ta đem tiếng nhạc, lời thơ và diễn thuyết với chủ đề Paris - Chiều Tưởng Nhớ, thứ nhất để vinh danh những tác giả đã đóng góp tâm não vào kho tàng văn hóa Việt làm đẹp và phụng sự cho đời. Thứ hai để tưởng nhớ những văn nghệ sĩ, học giả đã góp phần bảo tồn văn hóa Việt trong những sinh hoạt CLB mà nay đã ra đi. Thưa quý vị, CLB anh em chúng tôi vừa mất đi một nữ sĩ, sự mất mát đó không phải riêng cho sinh hoạt văn hóa của CLB mà còn là một mất mát lớn trong giới làm văn hóa Việt Nam ở hải ngoại. Những người đã ra đi: Nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh, Nữ sĩ Chân Phương Lê Mỹ, Nhà thơ Bằng Vân tức Giáo sư Bác sĩ Trần Văn Bảng, Nhà văn An Khê Nguyễn Bỉnh Thinh, Nhà văn Mạnh Bích, Nhà thơ Phượng Linh Đỗ Quang Trị, Nhà thơ Vũ Nguyên Bích Vũ Quốc Hùng, Nhà thần học Nguyễn Tấn Phước, Nhà báo Phạm Hữu Nguyễn Hữu Ích, Danh họa René, Nhà thơ Hoa Tiên Phan Thế Nghiệp, Nhạc sĩ Xuân Lôi, Nhạc sĩ Trịnh Hưng, Nhạc sĩ Đoàn Văn Linh, Danh ca Thanh Hùng, danh ca Kim Nga.

         Ngày này 20 năm về trước, chúng ta quy tụ về đây sinh hoạt với chủ đề Thi Nhạc Mùa Thu. Thuở ấy mọi sinh hoạt cùng nở rộ vì chúng ta còn rất nhiều người hăng say làm văn hóa Việt. Trong sinh hoạt ngày ấy, có những bài thuyết trình của các diễn giả đã lôi cuốn làm say đắm lòng người nghe, trong đó có nhà thơ Bằng Vân, nhà thơ Phượng Linh, học giả Lương Giang Phạm Trọng Nhân, học giả Thái Văn Kiểm, học giả Võ Thu Tịnh, nữ sĩ giáo sư Phạm Thị Nhung, nữ sĩ Nguyễn Thị Hoàng, nhà thơ Hồ Trọng Khôi, nhà thơ Hoài Việt Nguyễn Văn Hướng, nhà thơ Phương Du bác sĩ Nguyễn Bá Hậu, nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh, giáo sư nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, nhà thơ Song Thái Phạm Công Huyền, nhà thơ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, nhà thơ Văn Bá.

         Hôm nay có một số những người hiện diện trong buổi này như bác sĩ Nguyễn Bá Hậu, giáo sư Phạm Thị Nhung, giáo sư Lê Mộng Nguyên, còn những vị không đến được vì cao tuổi nên không thể tham dự được. Hai mươi năm sinh hoạt VHNT của CLB là một chặng đường dài, chúng tôi hy vọng những thế hệ trẻ sẽ tiếp nối, tiếp tay với chúng tôi để bảo tồn phát huy văn hóa Việt ở xứ Pháp cũng như ở hải ngoại ".

         Nhà thơ Nguyễn Hà Thân Thanh mở đầu chương trình, diễn ngâm bài thơ Nụ Cười Thương Nhớ của cố thi sĩ Đinh Hùng. Kế đến, Mây Thu diễn đọc bài thơ Bài Ca Hoài Tố của cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Kết thúc bài thơ bằng tiếng bi thương: "Kiều Thu ơi hỡi Kiều Thu" trong "chuyện tình Vũ Hoàng Chương" làm cho người đọc và người nghe đều thấy cảm động giữa khoảng không gian im lắng của thính phòng. Rồi lại đến "chuyện tình Hàn Mặc Tử" với bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ do nhà thơ Linh Chi diễn ngâm. Tuy đã vắng sinh hoạt trong một thời gian rất lâu nhưng nhà thơ Linh Chi vẫn trình bày thật điêu luyện. Đây là bài thơ của cố thi sĩ Hàn Mặc Tử gửi cho người yêu Hoàng Thị Kim Cúc và bà đã giữ bài thơ kỷ vật này cho đến lúc từ trần.

         Tiếp theo, nhạc sĩ Đức Nguyên giới thiệu cùng quan khách về trang Web site "TIẾNG NƯỚC TÔI" đã hoàn chỉnh và bắt đầu hoạt động. Về phần nội dung gồm có một Trang nhà và bốn Trang chuyên đề: Trang Tác giả và Tác phẩm; Trang Thơ - Văn; Trang Âm nhạc - Hội họa; Trang Biên khảo. Về thể lệ gửi bài viết: chỉ gửi những sáng tác mới nhất chưa từng xuất bản hoặc đăng trên những trang web khác, chỉ đăng những sáng tác viết bằng tiếng Việt Nam (đánh máy bằng tiếng Việt có dấu). Những sáng tác về âm nhạc, hội họa có thể gửi trực tiếp partition (phần nhạc) dưới dạng Encore, bằng fichier PDF hoặc Image với dung lượng không quá nặng. Về phương thức làm việc, để bảo vệ bản quyền những sáng tác mới của tác giả, người đọc không thể tự ý copier hoặc enregistrer về máy riêng của mình và không gửi bài cho những trang web khác trong vòng ba tháng khi đã gửi bài cho trang web "TIẾNG NƯỚC TÔI".

         Những nhạc phẩm sáng tác và thơ phổ nhạc cùng những ca khúc một thời vang bóng, hôm nay được trình bày với tiếng đàn Piano của nhạc sĩ Jules Tambicannou, tiếng đàn Synthé của nhạc sĩ Bảo Đức, đàn Guitare của nhà thơ Đỗ Bình và đàn tranh của GsTs âm nhạc Quỳnh Hạnh. Mở đầu, GsTs Phạm Đình Liên và nghệ sĩ Minh Cầm giới thiệu nhạc phẩm Thu Tình Thương, thơ Phương Du, được Phạm Đình Liên phổ nhạc vào dịp sinh hoạt Thu Tao Ngộ rất thành công. Sau đó là ca khúc Soi Bóng Tình Thu của nhạc sĩ Cát Tưởng, đây là lần thứ hai nhạc sĩ Cát Tưởng xuất hiện trong sinh hoạt của CLBVH VN Paris. Nhạc phẩm kế tiếp, Chiều Vàng Năm Xưa của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên được ca sĩ Tuyết Dung trình bày, nhạc phẩm tuyệt vời như Trăng Mờ Bên Suối và với màu áo lụa trắng thướt tha, mang vóc dáng nữ sinh của các trường trung học Sài Gòn năm xưa ở thế kỷ trước, tiếng hát thanh thoát của Tuyết Dung đã được báo chí ở hải ngoại khen tặng và được nhà văn Hồ Trường An đưa vào tác phẩm của mình. Tiếp nối chương trình, bài thơ Khách Quê của thi sĩ Đỗ Bình được nhạc sĩ Phạm Đăng phổ nhạc và trình bày. Nhạc và thơ quyện vào nhau cùng với hòa âm dìu dặt của đàn Piano, Synthé làm cho thính giả cảm thấy lòng chùng xuống một nỗi buồn, nhà thơ Đỗ Bình chưa một lần về thăm lại quê hương và nhạc sĩ Phạm Đăng đã cảm tác với một tâm hồn đồng điệu: "Đứng trước trời quê mà thấy lạ. Phải chăng hồn nước đã bay xa. Người quen lối cũ bao kỷ niệm. Chẳng lẽ thời gian cũng xóa nhòa. Tháng chín bên này hoa tím nụ. Nhụy tàn ta cảm kiếp phù du. Cửu Long bến nhạt màu nhung nhớ. Viễn khách đò xưa bóng khuất mù"

         Dịp hè vừa qua, trong buổi sinh hoạt VHNT tổ chức ngày 29-06-2014, CLBVH VN Paris đã đưa ra một dự án nhằm thực hiện một tác phẩm văn học lấy tên "Tuyển Tập Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Paris". Theo GsTs Trần Văn Cảnh: "Dự án này gồm ba giai đoạn chính: Thiết kế, thực hiện và phổ biến kết quả. Trong giai đoạn một, chủ yếu là suy tư về đầu đề, lý do, mục đích, nội dung và cấu trúc tổng quát. Ở giai đoạn hai, nhằm thực hiện những tác phẩm của những tác giả văn nghệ sĩ Việt Nam tại Pháp và Âu Châu trong vòng 20 năm (1994-2014), cấu trúc và nội dung xoay quanh những khía cạnh sáng tác văn chương, luận khảo văn học, nghiên cứu văn hóa v.v. Và giai đoạn ba là phổ biến kết quả sẽ phải được hoàn tất, công việc này do Ban biên tập và Nhóm chủ biên đảm nhiệm".


          Trở lại chương trình nhạc tiền chiến với những ca khúc bất hủ, ca sĩ Kim Thu tiếp nối bài Thiên Thai của cố nhạc sĩ Văn Cao, giọng hát trầm ấm với màu áo tím lung linh huyền ảo dưới ánh đèn. Là hai người bạn cùng yêu một cô gái nhưng cuộc tình lận đận để rồi khởi sinh ra hai bài hát ở thời điểm ấy. Vào khoảng năm 1967, 1968, nếu Đinh Trầm Ca có bài Ru Con Tình Cũ thì Vũ Đức Sao Biển với ca khúc đầu tay, Thu Hát Cho Người, đã làm say đắm lòng người trải qua mấy thập niên: "Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người. Biệt ly nào không buồn phiền trên dấu môi. Mùa vàng lên, biêng biếc bóng chiều rơi. Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người". Ca khúc này hôm nay được chọn để ca sĩ Tuyết Dung trình bày và cũng trong không khí thính phòng ấm áp êm ả này, nhạc sĩ Phạm Đăng tiếp tục với bài Nguyệt Cầm của nhạc sĩ Cung Tiến phổ thơ Xuân Diệu, một ca khúc có kỷ thuật cao thật khó diễn tả được xem là một niềm hãnh diện cho nền âm nhạc Việt Nam, với giọng ca tuyệt vời cùng hòa âm điêu luyện Piano - Synthé của hai nhạc sĩ tài ba Jules Tambicannou và Bảo Đức. Nhà thơ Đỗ Bình đệm đàn Guitare cho nghệ sĩ Thúy Hằng trình bày ca khúc Sương Thu của cố nhạc sĩ Văn Phụng, sau đó tuần tự các nhạc phẩm Thu Quyến Rũ của Đoàn Chuẩn - Từ Linh được nhạc sĩ Minh Nhật gửi đến quý thính giả cùng bài Trăng Mờ Bên Suối với tiếng hát của ca sĩ Kim Thu.

         Giới thiệu nhà văn Hồ Trường An, nhà thơ Đỗ Bình phát biểu: "Nhà văn Hồ Trường An là một người bị bệnh tai biến mạch máu não rất nặng. Những năm vừa qua, chúng tôi tưởng anh đã mất rồi, anh đã trăn trối lại tôi để làm một số việc nhưng mà may trời còn giữ anh lại và hôm nay anh ngồi đây để nói với quý vị về Sàn Gỗ Màn Nhung. Hồ Trường An là một nhà phê bình văn học, một nhà văn, đã viết trên 60 tác phẩm, và là một người tận tụy trong nhóm anh em nhà văn tại Pháp nói riêng". Lời của nhà văn Hồ Trường An: " Năm 1955, ở miền Nam không có thoại kịch mà chỉ có ở miền Bắc. Nữ diễn viên oanh liệt nhất về thoại kịch là Giáng Kiều, tức một trong bốn chị em Giáng Kiều, Giáng Linh, Kiều Vinh và Kiều Hương. Lúc đó trong một vai tuồng của vở kịch Tào Ngưu, Giáng Kiều nổi tiếng còn kịch sĩ lỗi lạc Kiều Hạnh, mẹ của ca sĩ Mai Hương, chỉ giữ vai phụ xuất sắc nhất. Khoảng năm 1925, miền Bắc chỉ có hát chèo, đoàn Cải lương miền Nam đem ra Bắc diễn thành công nhiệt liệt có các nghệ sĩ như Phùng Há, Năm Phỉ, Năm Châu, Tư Chơi…  Về sau thời Út Trà Ôn, các bài bản khó hát như Tứ Đại Oán bỏ đi vì khó hát với bài gối đầu Vọng cổ như Tú Anh, Sương Chiều, Vọng cổ 18 nhịp đổi ra 36 nhịp, các bài bản Vọng cổ 32 nhịp ăn khách có Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng, Chí Tâm… Út Bạch Lan, Thanh Hương cũng rất ăn khách. Ca sĩ Hương Lan, con của nghệ sĩ Hữu Phước rất thích hai nghệ sĩ này nên lấy tên hiệu là Hương Lan… cho tới 1975, kể như là không còn gì nữa…".

         Giới thiệu nhà vănTrần Trung Quân, nhà thơ Đỗ Bình cho biết: "Trần Trung Quân khởi thủy là soạn giả Cải lương, sau đó qua Pháp trở thành nhà văn, anh là người viết văn hiện thực và là tác giả của nhiều cuốn sách. Song song với những cuốn viết về văn, tất cả mọi người đều nhìn và thấy Trần Trung Quân qua vai trò của một nhà báo vì anh là chủ bút tờ báo Ép Phê. Anh đã có rất nhiều năm sinh sống tại Hoa Kỳ và ở Hoa Kỳ anh là một nhà báo chuyên nghiệp". Bàn về sân khấu miền Nam, nhà văn Trần Trung Quân phát biểu: "Cải lương là tổng hợp của tất cả những văn hoa tinh túy, văn hóa của người Việt Nam đưa lên sân khấu. Soạn giả muốn viết một tuồng Cải lương phải có 3 điều kiện, thứ nhất am hiểu về điển tích, thứ nhì am hiểu về nhạc lý, thứ ba văn chương phải có văn chương của Cải lương. Về nhạc lý trong Cải lương gồm tất cả những bản nhạc xuất phát từ triều đình ở miền Nam được hình thành từ 9 đời chúa Nguyễn. Soạn giả đầu tiên có công làm ra bộ môn Cải lương phải kể đến ông Trương Di Mạnh, Mộc Hoán, Nguyễn Chánh Sắc, sau đó là ông Hồ Văn Trung tức nhà văn Hồ Biểu Chánh, ông Đỗ Văn Rỡ, ông Cao Hoài Sang. Tất cả những ông đó là Đốc phủ sứ ngày xưa. Muốn đờn ca xướng hát phải có đời sống khá giả. Muốn viết ra một kịch phẩm phải có trình độ, phương tiện, khả năng, đa số các ông Đốc phủ đó theo Tây học, họ muốn cách mạng làm sao cho người Việt Nam có một bộ môn là nhạc riêng của mình, đó là về phần Cải lương trình diễn. Dạ Cổ Hoài Lang (DCHL), đêm nghe tiếng trống nhớ chồng, là một bản nhạc cổ do ông Cao Văn Lầu sáng tác, lấy từ bản Nam ai của Tô Huệ chức cẩm hồi văn. Bản DCHL viết mỗi câu 2 nhịp, sau này chuyển sang 4 nhịp. Tới soạn giả Kiên Giang mới viết câu Vọng cổ 32 nhịp. Năm 1960, soạn giả Viễn Châu viết thành 64 nhịp. Tại sao phải 32 nhịp và 64 nhịp? Thông thường ở nhịp 2 nhịp, người nghệ sĩ ca không được, nó không đủ để có hơi ngâm, thành thử phải kéo dài nhịp thêm chút xíu nữa, thêm nhịp phải thêm chữ viết, câu Vọng cổ bắt buộc viết theo luật ngũ âm: hò, xang, xự, cống, liu. Mỗi 5 chữ là một nhịp, cho đến 32 nhịp thì hoàn tất một câu Vọng cổ. Thời gian 32 nhịp để cho người ca có thì giờ ngân rồi xuống giọng. Còn 64 nhịp là do ông Viễn Châu viết ca dòn, ca gấp rút như Lệ Thủy, Mỹ Châu, trường hợp đó lại khác".

         GsTs âm nhạc Quỳnh Hạnh bổ túc thêm: "Thoạt đầu bản DCHL lên dây theo dây Bắc, sau chuyển sang dây Nam. Về thanh âm điệu thức của dây Nam có nghĩa là buồn và tâm sự. Về nguồn gốc trích từ 20 bản tổ của nhạc Cải lương miền Nam thì bản DCHL lấy nét nhạc trong 4 bài oán đó là: Tứ Đại, Phụng Hoàng, Giang Nam và Phụng Cầu. Theo một truyền thuyết khác thì nói rằng bài DCHL lấy gốc ở bài Hành Vân từ Huế đem vô". Sau đó GsTs âm nhạc Quỳnh Hạnh trình bày bản DCHL theo một kỹ thuật ca hát miền Nam thời xưa.
         Hai nhạc phẩm kế tiếp của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Tình Nghệ Sĩ do nghệ sĩ Ngọc Xuân và Lá Đổ Muôn Chiều do nhạc sĩ Sơn Khôi trình bày.
         Tiếp theo chương trình, nhà thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu cho biết một vài khác biệt về thể thơ hát nói và thể thơ song thất lục bát. Ông phát biểu thêm: "Về phương diện văn chương, bài thơ hát nói là một bài hát dân tộc rất hay của điệu ca trù. Về phần lý thú, tác giả được trực tiếp tham dự vào sự trình diễn của đào nương, bằng cách cầm chầu đánh trống theo nhịp điệu ca hát của đào nương và đào nương là một nghệ sĩ rất khó đào tạo, không những phải có giọng hát hay, phải có tài đánh phách, nghệ sĩ phải luyện tập ít nhất là ba năm, còn về kiến thức cần phải am hiểu những lời thơ trong bài hát nói để diễn đạt được những cảm nghĩ của tác giả".

         Nhạc sĩ Phạm Đình Liên đệm đàn guitare cho nghệ sĩ Minh Cầm hát bài Hẹn Một Ngày Về, một sáng tác đầu tay vào năm 1957 ở Paris. Kế tiếp nhạc sĩ Jules Tambicannou đệm piano, nhạc sĩ Bảo Đức đã trình bày nhạc phẩm Les Feuilles Mortes bằng hai thứ tiếng Việt-Pháp thật tuyệt vời.

         Mùa thu là mùa của thi nhân, của những ai có tâm hồn thơ mộng biết để lòng mình cảm động vì cái đẹp của mùa thu. Những bài thơ, những nhạc phẩm ca ngợi mùa thu, ấp ủ mối tình thu, mưa thu, mây thu, lá thu, sương thu… được liên tục trình bày, do đó không gian mùa thu tràn ngập cả thính phòng. Ca sĩ Kim Thu trở lại chương trình với bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong. Nhạc sĩ Phạm Đăng với bài Khúc Thụy Du phổ thơ Du Tử Lê. Ca sĩ Tuyết Dung trình bày Mùa Thu Không Có Anh của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương. Ca sĩ Ngọc Xuân với bài Thu Tím Lá Vàng của nhạc sĩ Vân Tùng. Nhạc sĩ Minh Nhật lả lướt với bài Vườn Thu của Văn Thủy. Nghệ sĩ say sưa trình diễn, khách mộ điệu chìm đắm trong không khí thính phòng, thật là những phút giây tuyệt vời hạnh phúc. Nhưng thời gian có hạn, đành phải cùng nhau chia tay hẹn gặp lại lần sau.

         MC họa sĩ Nguyễn Đức Tăng tuyên bố chấm dứt chương trình vào lúc 18 giờ.

Nguyễn Mây Thu

(Paris, 31-10-2014)

1 commentaire:

  1. Kính tQúy Bác, Anh Chị.
    Xin chuyển bài tường thuật của chị Nguyễn Mây Thu.
    Xin chân thành cảm ơn sự hiện diện của qúy thân hữu và những vị vì tuổi cao không thể dến dự được nhưng ửng hộ tinh thần, cùng với các vị thành viên đã đóng góp tâm, sức của mỗi người cho buổi sinh hoạt văn học &nghệ thuật: Paris Chiều Tưởng Nhớ được tốt đẹp.
    Thân kính
    Đỗ Bình


    RépondreSupprimer