caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

lundi 3 novembre 2014

THƠ – NGHỆ THUẬT CỦA NÔ LỆ, Nguyễn Hoàng Đức


" Người Việt nói

 “Thế gian chuộng của chuộc công?

 Nào ai có chuộng người không bao giờ”"

 trích từ bài đăng bên dưới.

Caroline Thanh Hương

THƠ – NGHỆ THUẬT CỦA NÔ LỆ

Nguyễn Hoàng Đức
 
Hai nhà lãnh đạo cao cấp gặp nhau, rồi ra thông cáo chung, dứt khoát họ không có cơ hội đọc thơ mà phải đọc Diễn văn, Rồi sau đó thể hiện bằng Diễn từ!
Làng Chùa ( Hà Nội) vào dịp trình diễn thơ
Làng Chùa ( Hà Nội) vào dịp trình diễn thơ
Các nhà ngoại giao khi đàm phán cũng vậy, không thể đọc thơ mà chỉ tranh luận, phản biện rồi thỏa hiệp cũng bằng diễn từ!
Một nhà chính trị, nhà tư tưởng, hay lãnh tụ nói trước đám đông, họ hùng biện văn xuôi chứ không thể ẻo lả mấy câu thơ vần vèo!
Trong thực tế, thơ là tiếng nói bi phẫn để oán thán hay kích động trước một cuộc vùng dậy nào đó. Bài Quốc tế ca là một ví dụ minh chứng cho nhiều bài như Mác-xây-e hay một cái tên nào khác, nó có lời:

Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian! .
Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn!.
Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi.
Quyết phen này sống chết mà thôi.

Trong bài còn chứa cả hai từ “Nô Lệ”.
Việt Nam có hai tập thơ lớn bậc nhất thì đều thuộc người Tù, tức người còn thấp hơn cả nô lệ. Nô lệ còn được tự do đi lại trong nhà ông chủ, ra vườn, hay ra chợ… còn tù nhân thì bị giam sau những song sắt. Đó là các tập thơ “Nhật ký trong tù”, rồi “Hoa địa ngục” của Nguyễn Chí Thiện. Mới đây, luật sư Lê Quốc Quân bị giam trong tù cũng đã viết thơ vào túi giấy, báo cũ tuồn ra ngoài mong phản ánh ý chí của mình. Với điều kiện trong tù, thơ là thích hợp nhất, bởi lẽ, người tù không có giấy bút, chỗ ngồi đàng hoàng để viết những áng văn đồ sộ, với vài mẩu giấy vụn, họ chỉ có thể làm thơ để cất giấu cũng như chuyển ra ngoài.
Đấy là cuộc đời. Còn về mỹ học hay văn học, Thơ có phải nghệ thuật của nô lệ không? Có thể nói, nếu hai chữ nô lệ gợi lên cái gì tủi nhục, thì thơ chính xác là những thứ õng ẹo, phù phiếm đầu thừa đuôi thẹo của kẻ dưới.
Nghệ sĩ trình diễn thơ chèo
Nghệ sĩ trình diễn thơ chèo
Trong cuộc đời, bữa tiệc luôn là biểu tượng cao nhất cho vật chất lẫn tinh thần. Triều đình đón phái đoàn bao giờ cũng mở màn bằng đón rước với bản nhạc chào mừng U-véc-tuya (ouverture) – tức là mở cửa đón. Lúc đó âm nhạc lên tiếng. Không có chỗ cho thơ. Màn sau là giới thiệu, đọc diễn văn chào mừng. Rồi đến màn cụng ly. Cũng vẫn chưa có chỗ cho thơ. Triết gia Hegel nói “Một bữa ăn không thể thành tiệc nếu không có một diễn văn hay”. Ở đây muốn nói, nếu không có những lời nói hay như diễn văn, thì không cách gì nâng cấp thức ăn từ nhà bếp lên bàn tiệc của tinh thần. Cuối cùng khi quan khách đã ăn uống no say ngả ngớn, người ta mời đoàn ca nhạc góp vui. Triết gia Aristote nói: “sau khi ăn được thưởng thức âm nhạc là thứ thưởng ngoạn cao nhất”. Cuối cùng mới đến thơ, là lúc người ta đã tháo khoán thả bổng, nhiều quan chức đã đứng lên. Thơ lúc đó hay hoặc dở không ảnh hưởng gì đến xương sống của bữa tiệc. Thơ chỉ là cái đuôi, cái phướn bay hoặc rủ, chẳng ảnh hưởng gì chất lượng của cột sống đã tiến hành lắp đặt xong xuôi.
Cụ thể hơn, tôi được mời đi dự một bữa tiệc khánh thành đền thánh ở vùng Sơn Tây. Mở đầu là đoàn rước của người Dao, người Mường, và người Kinh. Người Dao vừa diễu vừa múa xinh tiền. Người Mường diễu chiêng. Người Kinh múa phường chèo. Khi tập trung vào đền thánh, tất cả lắng nghe bản diễn văn mở đầu. Bản diễn văn rất khô, chẳng ai thích nghe cả. Nhưng không khí nổi rõ một điều, đó là “tiết mục” quan trọng nhất, là nguyên nhân cho mọi diễu hành, biểu diễn, cũng như ăn uống. Bởi vì người ta tuyên bố lý do đền thánh được xây lên, ai đầu tư, ai công quả, ai sẽ duy trì. Rồi người ta chúc tụng ăn uống. Cuối cùng thơ mới xuất hiện.
Mới đây, bạn traumong trong phần comment một bài viết của tôi có một phát hiện rất đáng chú ý. Người Trung Quốc cho rằng: các kinh sách là Đại thuyết. Còn văn học chỉ là Tiểu thuyết.
Các nhà thơ ( TP HCM) gặp mặt
Các nhà thơ ( TP HCM) gặp mặt
Nếu vậy thì bài thơ lẻ so với tiểu thuyết gọi là gì? Nếu gọi theo lối Tầu có thể là “mạt tiểu thuyết”. Còn theo lối Việt ngữ sẽ là “vụn vặt thuyết”. Triết gia Hegel nói: Hội họa và kiến trúc là nghệ thuật không gian, ở đó người ta nhìn cái thấy ngay tổng thể của bức tranh hay bức tượng. Còn thơ văn là nghệ thuật của thời gian, người ta không thể nhìn trong một cái mà phải đọc lần lượt theo chương hồi. Vì thế nghệ thuật không gian không được trình diễn dù chỉ một tẹo cái xấu, cái ác. Trái lại, văn thơ thì có thể trình bày cái xấu, cái ác, vì theo thời gian nó thanh tẩy, gột rửa và cứu chuộc. Nhưng trong một bài thơ ngắn, người ta thanh tẩy, cứu rỗi cái gì? Thơ ngắn lúc đó biến thành nghệ thuật không gian tung lên một cái cho mọi người nhìn. Ngày nay có thơ sắp đặt, thơ xếp chữ cũng bởi đó.
Nếu một người chỉ sáng tạo vần vèo cảm xúc mấy câu chưa có khung giàn của lý trí lâu dần người ta sẽ trở thành gì? Có đến 99% các nhà thơ nói rằng “làm thơ chơi vui ấy mà”. Chúng ta thử nghĩ, một người lính ra trận có chơi được không ? (trừ trường hợp thơ mậu dịch ‘đường ra trận mùa này đẹp lắm’) phi công đang lái máy bay có chơi không? Nhà bác học đang thí nghiệm trong phòng có phóng xạ có chơi không? Bác sĩ đang thí nghiệm với vi trùng gây bệnh chết người có chơi không? Một thiếu phụ đang lăn lộn trên bàn đỡ đẻ có chơi được không? … Người Việt nói “Thế gian chuộng của chuộc công? Nào ai có chuộng người không bao giờ”, người chỉ chơi sao có thể khiến mọi người kính nể và tôn trọng? Trong một bộ phim, người Trung Quốc có dựng chân dung nhà thơ Lý Bạch thế này. Vua nhận được một lá thư của người Di. Vua và các quần thần không đọc được, liền triệu nhà thơ Lý Bạch đến. Trước khi đọc thư, Lý Bạch ra điều kiện, bảo vua bắt một vị quan bị Lý Bạch ghét phải cúi xuống hít ngửi chân cho Lý Bạch. Vua đã sai vị quan kia làm vậy. Lý Bạch cười thỏa mãn trông rất tiểu nhân.
Như vậy cả cuộc đời lẫn nghệ thuật, thơ vụn nếu không phải trường ca chỉ là thứ xếp sau tiểu thuyết mấy tầng. Nó chỉ là những giải yếm, những phướn đuôi lẽo đẽo bay theo những giá trị lớn. Từ trí tuệ đến sinh khí, đến cảm xúc và đam mê của đa số nhà thơ nói chung rất thấp và rất kém. Không có môn nghệ thuật nào có đông tổ hưu, buôn thúng bán mẹt, nông dân, xe thồ, giám đốc háo danh như là thơ. Từ trí tuệ thấp, nhân cách của số đông này cũng rất lẹt đẹt, nào chém gió khoác lác, bốc phét đến mức vượt qua mọi ranh giới liêm sỉ như “sách tôi in ra cả thế giới phải đốt sách đi”, hoặc “tôi bay cùng chim bằng”, “thơ tôi trên cả hay”, rồi hứa hão, nói dối, bè cánh, đi đêm chạy giải, móc ngoặc mua phiếu bầu cho leo ghế, thậm chí còn có cả cú lừa ngoạn mục bằng văn bản đã được ký tên bên lề giấy trắng để làm chứng cho nhau một đêm làm hơn một trăm bài thơ vụn mong đi ẵm giải Nobel.
Ở đời, cái gì nhiều thì không bao giờ là của quí. Cát phải nhiều hơn kim cương. Đầu tầu kéo toa tầu, nhưng đầu tầu luôn ít hơn toa tầu. Ông chủ không cách gì nhiều bằng người ở. Nhà thơ là tầng lớp đông nhất trong làng nghệ thuật, không hiểu họ là ông chủ hay người ở? Hay là họ học theo lối Tầu, ở dưới một người ở trên muôn người, cho rằng mình bám sát gót quyền lực thì sẽ được là con sen ở trên nhiều người? Nhưng than ôi, hãy nghe nhà giáo Nguyễn Đăng Mạnh nói “Đảng khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ”. Câu nói đó có giành 90% cho các nhà thơ? Một khi cách tư duy, lối làm việc đã là người ở, thì ngồi ở đâu cũng là người ở thôi.
Khi đã ở tầm nô lệ, người ta làm sao có sản phẩm cao cả, tư duy lớn lao, nhân cách siêu việt cho được? Đó có phải là cách diễn giải lý do tại sao thơ Việt đang lẹt đẹt đến vậy. Lẹt đẹt đến mức dù ngước lên bầu trời nhiều người cũng chỉ nhìn thấy gầm quần lót như một câu thơ: những đám mây hành kinh ướt sũng bầu trời…
Tất nhiên, khi Homer ôm đàn lia chai sạn dép cỏ đi khắp thiên hạ gom nhặt những vần thơ luôn luôn mang tầm vóc đỉnh Ô-lanh-pơ với cấu trúc đầy ắp kịch tính vĩ đại  liên kết giữa thánh với người, nhân loại đã được chiêm ngưỡng và thán phục một nhà thơ đích thực. Còn với những nhà thơ bò quanh chiếu tổ hưu của xứ sở ta, không rõ bao giờ cái đáy chén rượu nút lá chuối kia được in bóng một dãy núi của thánh thần, hay nó chỉ soi bóng cái chùa Một Cột cũng chỉ to hơn cái chiếu một tẹo? Muốn vượt tầm chắc chắn các nhà thơ Việt đương đại phải dời bỏ manh chiếu tem phiếu cân lạng bé tẹo để phiêu lưu vào con đường vạn dặm chông gai đầy sỏi đá của thi ca. Một con đường mà Homer đã từng đi! Liệu còn có cách nào khác hơn? Nhưng chỉ cần nghĩ vậy, đã thấy, cái chân trời đó so với các nhà thơ Việt bất khả và xa vời vợi đến mức nào?!
NHĐ 01/07/2013

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire