Soạn lại những bài chưa post trước đây còn lại trong máy, mời quý anh chịcùng ghé chân ở một góc phố Sài Gòn quen thuộc trước năm 1975.
Thời bấy giờ, tôi có dịp đi lễ với gia đình một cô bạn và có lẽ điều mà tôi không thích và thích nhất khi đến nơi này là:
Phải sửa soạn cho tươm tất đẹp đẽ, mặc áo đầm và mang giày thật đàng hoàng chỉnh tề và sau đó là được thưởng thức những chiếc bánh của quầy bán bánh tây ngon tuyêt cú mèo, sau khi đi lễ ra.
Sài Gòn vào những năm phồn thịnh có vài tiệm bán bánh, recette y như bánh bán ở pháp, quán kem ngon, thơm và cái không khí mát lạnh lúc trời oi bức thì khó mà quên được.
Những tiệm bán bánh, bán kem đó chỉ ở những con đường ở quận nhất và giá tiền không rẻ.
Nhưng khi được ăn một lần là không thể nào quên, mặc dù năm tháng trôi đi và bây giờ ngay tại nước pháp, tôi cũng không còn tìm được những hương vị ngày xưa đó.
Trước nhà thờ Đức Bà, thường có những người bán hoa Huệ và hoa Glaïeul chẳng hiểu sao, hoa thời ấy là thơm đậm đà, không như những hoa không hương mà sau này chúng thường được bán giữ được thật lâu nhưng không còn mùi hương thủa xa xưa đó nữa.
Vài năm sau 75, cái đói khát gần như đến với mọi nhà, nên có dịp đi qua chốn cũ, tôi cũng chẳng còn tâm hồn ăn uống và hình như cái kiosque này cũng biến mất... lâu quá tôi không còn nhớ rõ, chỉ biết có đi ngang qua nhà thờ này gần như mỗi ngày thì phải đổi khu vực ăn uống sang khu Chợ Cũ.
Có người thường hay nhớ những niềm đau nhiều hơn những lúc hạnh phúc, còn tôi thì chỉ nhớ những gì đẹp nhất khi còn có ai để chia sẻ.
Có lẽ "Lâu rồi đời người cũng qua"(Bài Không Tên Số 5 của Vũ Thành An)
Caroline Thanh Hương
17 tháng 4 năm 2020
Hồi ức về góc phố ẩm thực Bưu điện Sài Gòn.
Ngày
trước khu ăn uống trước Bưu điện Sài Gòn không một ông học sinh Taberd
(*) nào không biết. Bởi đơn giản là trường Taberd nằm trên đường Nguyễn
Du bên hông Bưu điện, chỉ vài bước chân là đã tới khu vực ăn uống nằm
trên vỉa hè rộng ở hai bên lối vào Bưu điện.
Taberd là một
trường Tây tư thục nổi tiếng, học sinh đa số là con nhà giàu, trong túi
lúc nào cũng rủng rỉnh tiền ăn hàng. Mỗi ngày một ông nhỏ đi học thôi
bét nhất là 50 đồng (tiền thời bấy giờ), với số tiền này mấy ông có thể
ăn một dĩa bột chiên, uống một ly chè là vừa đủ cho buổi sáng, đó là con
nhà “nghèo”. Còn con nhà giàu thì trong túi từ 100 đồng trở lên. Đã vậy
mỗi cuối tuần còn được thêm mấy trăm gọi là cho các ông mua truyện, mua
đồ chơi cho khỏi “tủi thân” với bạn bè! Nhưng lấy tiền mấy ông nhỏ này
không phải dễ, vì con nhà giàu nên ông nào cũng kén và sành ăn hàng một
cây. Bằng chứng là trong trường có hai quán bán đồ ăn cho mấy ông, mà
mấy ông hay gọi là quán Patiserie đọc trại ra là Pa-tí-xệ, nhưng các ông
miễn cưỡng ăn vào giờ ra chơi mà thôi. Mấy ông chỉ thích ăn sáng ở
ngoài khu Bưu Điện nhiều món ăn lạ hơn.
Quầy bánh Hương Lan bán đủ loại bánh ngọt, bánh kem nhỏ... một thời làm mê đắm học trò trường Taberd. Ảnh: TL |
Quầy bán bánh mì và bánh ngọt bên tay phải không bề thế bằng quầy Hương Lan, nhưng mấy ông anh lớn lại khoái cái quầy này vào bởi bên cạnh quầy có trổ một cánh cửa ra vào, kê vài cái ghế đẩu là chỗ để các ông ngồi nhâm nhi cà phê sáng và phì phèo đốt thuốc cho đã đời trước khi vào trường.
Ngoài ra khu Bưu điện còn bán xôi gà, cơm tấm, gỏi khô bò, bò bía, bột chiên... Riêng cái món bột chiên nổi tiếng mà ông Taberd nào cũng mê này là của một ông Tàu mà mấy ông anh lớn hay gọi là chú Mạ, chân đi hơi khập khiễng nên chơi luôn cái tên chú Mạ Què cho gọn. Mỗi sáng ghé vào cái xe hàng ăn này là phải chờ vì bà con khoái món này lắm, xe cũng chỉ có 5 - 6 cái ghế để ngồi, đông quá có khi vừa đứng vừa ăn. Có bữa đi học trễ ,thèm dĩa bột chiên, thế là sà vào. Nhằm bữa chú Mạ đông khách nên phải đợi. Đến chừng dĩa bột chiên của mình cũng được đem ra nóng hổi, vừa thổi vừa nhai ngấu nghiến vài miếng thì tiếng chuông trường kêu leng keng giục giã vào học. Vội lùa thêm một vài miếng bột chiên nữa là ông nhỏ ôm cặp táp chạy thục mạng, có bữa quên cả trả tiền dĩa bột (nhưng không sao ,vì là khách ruột nên hôm sau trả cũng được).
Có cái xe đạp bán gỏi khô bò của một ông Tàu khác. Khô bò của ông này thuộc loại tuyệt hảo vừa ngon vừa cay, miếng khô bò hay miếng gan của ông ướp gia vị đậm đà lắm. Khô bò của ông có hai loại: loại gan mềm ăn rất béo và bùi , loại khô bò cứng và rất cay với nước gia vị sền sệt. Bốc một nhúm gỏi đu đủ đã bào sẵn vào cái đĩa bằng sắt ,tay cầm kéo của ông nhanh nhẹn cắt khô bò hay gan ra từng miếng, rưới một chút nước cốt dùng để ướp miếng khô bò lên trên dĩa gỏi, xắt thêm ít rau răm lên trên, rồi dích miếng tương ớt cắn một miếng nhai sừng sực gân guốc thấy đã làm sao! Bữa nào có tiền thì chơi thêm miếng gan béo ngậy vô nữa là sướng rên mé đìu hiu, nhất là khi nghe tiếng cây kéo trên tay ông lách cách rất điệu nghệ. Nếu chưa đã thì có khi tụi tôi quay sang cái xe bò bía bên cạnh, chơi thêm vài cuốn cho chắc bụng.
Món bò bía cũng của ông ba Tàu, nó đơn giản và rẻ tiền nên mấy ông nhỏ chỉ ăn chơi cho thêm phần thú vị. Nhưng có khi đông không kém, mấy ông đứng chầu rìa quanh cái xe đạp với nồi nước luộc những miếng củ đậu sôi sùng sục. Bàn tay chú thoăn thoắt gắp mấy miếng củ đậu vào cái bánh tráng nhỏ xíu, thêm ít tôm khô và hai miếng lạp xưởng thái mỏng, ít rau xà lách thế là xong. Cuốn ra được cái nào là mấy ông nhóc giành giựt nhau cái đó, cãi nhau chí chóe.
Về thức uống thì có mấy cái xe bán đủ thứ đậu như đậu xanh, trắng, đỏ với nước cốt dừa béo ngậy, rồi sâm bổ lượng… nhưng mê nhất là những xe bán nước si rô và kem: ly si rô cho kem vào ăn vừa lạ vừa đã gì đâu; hay là ăn bánh mì loại ngọt tròn tròn rồi múc vài muỗng kem bỏ vô, cho một tí sữa bò đặc vào và thêm một nhúm đậu phộng rang giã nhỏ, thì còn gì bằng . Đây cũng là thức uống và thức ăn lạ của thời ấy. Toàn món lạ đời nhưng ít ông nào bị Tào Tháo rượt trong trường, thế mới tài!
Nếu chán mấy món ăn bên Bưu điện thì xẹt ngang qua con hẻm nhỏ cạnh cổng Bộ Nội vụ (bót Catinat thời Pháp thuộc) sát bên trường ăn hàng cũng được. Chỗ này có hàng cơm tấm sườn bì chả ăn cũng “nhức nách” lắm. Sáng nào đi ngang cũng bị cái đám khói nướng sườn thơm phức quyến rũ mù mịt bay xộc vào mũi. Riêng tôi thì chấm cái gánh bán bánh mì bì, chả lụa của một o miền Nam chuyên mặc áo bà ba và cái quần đen Mỹ A láng mượt. Ổ bánh mì của o vừa dai vừa mềm và có vài chỗ hơi bị cháy, mà bỏ bì rồi cho mỡ hành lá vô hay chả lụa rồi chan nước mắm (o pha nước mắm ngon tuyệt chiêu), thuận tay dích miếng ớt xay xong đưa lên miệng là quên đường về. Tôi còn nhớ mỗi lần ghé vào mua bánh mì là được o tiện tay nựng má tôi một cái, và thường thêm cho một miếng chả lụa hay ít bì heo.
Em nào thèm chua thì sẵn có chiếc ba gác chất một dãy thố đựng các loại ổi, xoài, me, cóc, tầm ruột và những trái cà na, ô quả trám ngâm dấm chua chua ngọt ngọt, cắn một phát nghe giòn tan trong miệng. Món này đắt nhất lúc trưa Thứ bảy hay những buổi trưa tan trường về, vì buổi sáng ai lại đi ăn đồ chua cho nó cào ruột?
Vào năm 1976 khi trường Taberd đóng cửa thì góc phố ẩm thực này mới giải tán.
Vũ Văn Chính
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire