caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 25 novembre 2012

Trà Lũ /truyện ngắn " Bảo Vệ Dòng Máu Việt"

http://saigonecho.com/main/phim/tra-lu/35962-bo-v-dong-mau-vit.html

Bảo Vệ Dòng Máu Việt PDF Print E-mail
Tác Giả: Trà Lũ   
Thứ Tư, 11 Tháng 7 Năm 2012 21:40
 Nắng hè chói chang đã chan hòa khắp miền đất thân yêu này. Ở đây người ta qúy mùa hè, ai cũng như hối hả đi ra nắng, đi tắm biển, đi câu cá, đi cắm trại.
Ông hàng xóm da trắng Mike bảo tôi rằng đừng đi du lịch mùa này, mình phải ở nhà mà hưởng cái nóng, cái nắng, cái gió mát, cái bát ngát của mùa hè, mà ngắm những dàn hoa muôn sắc ở vườn, mà ngắm đàn bướm và bầy di điểu từ phương Nam tới… Còn du lịch ư, hãy đợi đến mùa lạnh. Đi du lịch xa là một thứ trốn lạnh. Mà đúng như vậy các cụ ạ, tôi nhìn chung quanh, bạn bè da trắng không ai đi xa trong mùa nắng vàng này cả. 

            Một nét đặc biệt nữa của mùa này là các trường học mất bóng các em học sinh. Vắng hẳn đi một thế giới nói cười rộn rã. Các em đã nghỉ hè. Tôi chỉ tiếc một điều là mỗi sáng ra đường tôi không còn được ngắm các em bé lẫm chẫm theo cha mẹ tới trường. Ôi những em bé có đôi mắt nai tơ đẹp như các thiên thần trong sách thánh, các em bé trông dễ thương và đáng yêu làm sao.
            Đặc biệt đầu mùa hè năm nay, phe liền ông trong làng tôi đã làm một việc dị thường là trưa nào chúng tôi cũng gặp nhau ở quán cà phê. Trước đây thì họp nhau hàng tuần, riêng từ thượng tuần tháng Sáu này thì gặp nhau hàng ngày. Các cụ có biết tại sao không cơ ? Thưa là tại các trận bóng đá giải vô địch Âu Châu 2012. Ông ODP bảo tôi : Những ai sinh đẻ ở VN thì đều có máu túc cầu trong người. Ông nói đúng, các cụ cứ nghiệm mà xem, ai từ VN sang đây đề yêu bóng đá, còn những bạn trẻ sinh đẻ ở đây thì không có máu mê này trong người. Lớp trẻ sinh đẻ ở đây mê các loại thể thao khác như hockey, như baseball, như bóng rổ, như chơi golf. Chúng thấy cha ông rủ nhau tụ họp xem túc cầu thì lấy làm lạ lắm.
Mỗi lần nói tới bóng đá là Cụ Chánh, ông ODP, ông H.O., anh John thao thao bất tuyệt. Cụ Chánh kể rằng bây giờ thời buổi văn minh và giầu có thì quả banh nhan nhản khắp nơi, chứ thời xưa làm gì có trái banh tối tân như bây giờ. Ngày xưa nhà nghèo vì mê đá banh nên cụ và bạn bè  đã lấy lá chuối bó lại làm trái banh, hay may mắn thì xin được một trái bưởi xanh làm banh. Ngày xưa làm gì có khung thành mà chỉ có hai cục gạch làm ‘gôn’. Ấy thế mà vui đáo để, mà mê vô cùng.
            Ông ODP thì cũng miên man chuyện đá banh. Ông bảo sang bên Bắc Mỹ này thì mới có đội banh phụ nữ chứ ở VN chưa hề bao giờ nghe nói tới việc con gái đá banh chứ đừng nói đến lập đội banh nữ. Ông bình luận tiếp: Mà nghĩ cũng buồn cười, trận cầu ờ Miền Nam, mỗi khi cầu thủ đưa banh tới vùng cấm địa thì hầu như cả cấu trường hét lên ‘ zô zô zô’. Tiếng ‘zô’ nghe kích động làm sao, chứ nếu nói tiếng Bắc Kỳ’ vào vào vào’ thì thấy nhât nhẽo và vô duyên qúa.
            Các nhà quân tử vĩ đại làng tôi, tức các siêu sao đá banh, đã họp nhau liên tục từ ngày khai mạc Giải Vô Địch bóng đá Âu Châu, tới lễ bế mạc. Ở đây, các quán cà phê là các tụ điểm lý tưởng. Giờ các trận đấu rất thích hợp cho mọi người, ngay giữa ban ngày. Thời đại nguyên tử có khác, các trận đấu được trực tiếp truyền hình. Bây giờ không ai xem đá banh ngồi ở nhà một mình cả, các cụ ạ. Cái không khí sôi động, ồn ào, hào hứng ở quán cà phê làm cho mình có cảm tưởng đang ngồi coi trực tiếp ở cầu trường. Mấy năm trước đây phe làng tôi xem ở nhà anh John vì anh có màn ảnh lớn, nhưng nay thì màn ảnh lớn không thì chưa đủ, phải có không khí nữa mới đủ. Phe liền ông chúng tôi đã chọn quán cà phê Starbucks thường lệ, và bao giờ chúng tôi cũng tới sớm để có chỗ tốt.  Canada có 3 đài trực tiếp chiếu các trận banh, đó là TSN, RDS và TLN. Quán nào cũng mở cả 3 đài một lúc. Không rõ máy này thì quay sang máy kia ngay. Phe ta bình luận loạn xà ngầu, phe tây cũng loạn xà ngầu, vui thật là vui. Mỗi lần có bàn thắng thì cả quán hét ầm lên, quán muốn sập luôn. Vui và nhộn qúa sức. Chẳng hạn trận banh ngày 12 tháng Sáu giữa Czech và Hy Lạp, ngay trong 6 phút đầu đội Czech đã làm luôn 2 bàn. Hai bàn thắng dồn dập ập đến qúa bất ngờ làm ai cũng hét lên.
 Ông ODP cười hề hề : Muốn xem mặt mũi lúc người ta cực sướng ra sao thì hãy xem mặt các cầu thủ và các ông bầu khi trái banh đá lọt lưới, chứ không phải khi họ làm tình, hà hà. Các bạn có để ý tới bộ mặt của cầu thủ Ba Lan Blasczykowski khi anh vừa đá lọt lưới của Nga để làm cân bằng tỷ số 1/1 trong trận cầu ngày 12 tháng  Sáu không ? Chao ôi, đó là giây phút cực sướng.Tôi góp thêm ý : mặt mũi khán giả cũng y như vậy, người xem cũng có giây phút hạnh phúc cực khóai y như vậy. Tôi nói thế là vì có kinh nghiệm bản thân năm xưa. Hình như tôi có kể rồi thì phải, nhưng không sao, xin kể lại để các cụ nghe lần nữa nha.
            Hồi đó mùa World Cup thì phải, chúng tôi xem đá banh ở nhà anh John. Phe liền ông chúng tôi la lối om xòm nên phe các bà rút vào bếp nấu ăn. Bữa đó trận đấu đã gay cấn ngay từ đầu. Tôi không nhớ đội Bồ Đào Nha đá với nước nào, nhưng khi cầu thủ danh tiếng Ronaldo dẫn trái banh thần tốc, lừa được đối thù và bất ngờ đá thật mạnh như sét đánh từ góc trái và lọt lưới. cầu trường đã như nổ tung. Tất cả phe liền ông nhóm tôi cũng nổ tung. Ai cũng thét lên một tiếng lớn rồi đập bàn đập ghế. Các bà đang nấu ăn phải chạy vội lên vì tưởng nổ máy TV. Con mèo đang nằm trong lòng anh John vụt chạy biến ra cửa, con chó đang nằm dưới chân anh cũng chạy xô ra cửa. Hai con vật này chưa bao giờ nghe thấy tiếng hét to lớn và khủng khiếp như vậy. Hai ngày sau Chị Ba Biên Hòa mới tìm được con mèo, và ba ngày sau cảnh sát mới mang con chó trao cho anh John. Vì cổ con chó có bảng tên nên cảnh sát truy tầm ra chủ nhân. Anh phải nộp phạt 50 đồng vì tội bỏ lạc con chó.  
Quán cà phê Stabucks nơi các vĩ nhân làng tôi tới coi đá banh có bán nhiều loại bánh mì, nhiều loại bánh ngọt, nhiều loại cà phê hảo hạng, lại có cả pizza và la de đủ cỡ nên trong suốt mấy tuần xem đá banh phe liền ông chúng tôi đã có những bữa ăn trưa thật khoái khẩu. Anh John bảo : Bọn mình vừa ăn ngon miệng, vừa xem đã con mắt, vừa nghe đầy lỗ tai, nào có hạnh phúc nào bằng. Anh John này có lý qúa. Mà các cụ biết không, tổ tiên anh John có gốc bên Anh nên anh có máu mê đá banh là phải lắm. Khi tan trận đấu, chúng tôi vừa bước ra khỏi quán thì ngày nào cũng như ngày nào phố xá lại rộn lên tiếng còi xe. Đó là nhóm  trẻ gốc di dân mà đội banh nước họ vừa thắng trận trên sân cỏ. Inh ỏi nhất là mấy ông gốc Ba Lan và gốc Ý.
          À, còn chuyện này cũng hay hay xin trình các cụ . Anh H.O. có bữa đã hỏi các nhà quân tử chúng tôi câu này : Hình như ngày xưa mình gọi môn soccer  là ‘bóng tròn’, bây giờ tại sao chúng ta lại gọi là ‘bóng đá’? Bóng tròn và bóng đá, tiếng nào đúng? Ông ODP trả lời ngay, tiếng ‘bóng đá’ đúng,  còn ‘bóng tròn ‘ không đúng vì không chính xác. Lý do : mấy môn chơi khác như bóng chuyền và bóng rổ cũng đều chơi bằng  loại bóng tròn, nói bóng đá hay túc cầu là đúng và chính xác nhất. Các cụ có ý kiến gì không cơ?
            Đang viết đến đây thì ông phát thư tới. Tôi nhận được tin phu nhân Mục Sư danh tiếng Phan Thanh Bình ở Cali vừa từ trần. Chính Mục Sư Bình viết thư báo tin. Ông gọi việc ra đi này là ‘về với Chúa’. Được về với Chúa thì phải vui chứ. Phục ông Mục Sư này qúa. Có lần tôi đã trình các cụ về MS Bình rồi mà. Ông là một mục sư cũng là một nhà văn. Ông đã dùng lời văn để chuyên chở lời Chúa. Các cụ có biết ông viết xong bao nhiêu cuốn sách rồi không? Thưa 99 cuốn. Tôi viết thư chia sẻ việc bà ra đi và trình ông rằng đời của Mục sư có những con số-đôi đáng yêu vô cùng : Ông bà lấy nhau khi cùng 22 tuổi, bà đã sống với ông 55 năm, ông đỗ tiến sĩ Thần học năm 66 tuổi, bà ra đi lúc 77 tuổi, cũng là số tuổi hiện nay của ông, và tác phẩm ông đã viết là 99 cuốn. Các con số đôi này đáng yêu qúa. Cầu Chúa cho ông sống thọ đến 88 thì thật là tuyệt vời. Tôi nói ông là nhà văn vì lời giảng của ông rất tươi rất mát, và đề tài ông bàn không phải chỉ về Chúa, mà còn về cả Phật giáo, cả Hồi giáo, cả Mao Tôn Cương, cả Lữ Bố và Điêu Thuyền. Các cụ cứ đọc cuốn thứ 99 mới phát hành tháng 3 vừa qua mà xem. sách mang tên ‘Tôi hiệp với Chúa’ ( MS Phan Thanh Bình, 660 S. 3rd St, El Cajon, CA 92019 ).
            Bây giờ xin kể chuyện Canada.  Đầu tháng Bảy là lễ quốc khánh nên bây giờ báo chí đang nói về quê hương yêu dấu này. Hầu như bài nào cũng đề cao, cũng viết về những cái nhất. Sáng nay có báo đăng trang đầu tin Canada được xếp hạng 4 trong danh sách những nước thanh bình nhất thế giới. Canada đứng sau Iceland, Đan Mạch và Tân Tây Lan trong bảng xếp hạng 158 nước. Tôi cho đây là một phép lạ, vì Canada là một tập hợp hơn 100 sắc dân, thế mà xưa nay tôi chưa hề nghe có sự tranh chấp hay ẩu đả nào giữa các sắc dân với nhau. Hòa bình qúa chứ.
Hôm qua thì báo nói cái nhất về hồ nước ngọt. Các cụ có biết  Canada có tất cả bao nhiêu hồ nước ngọt không? Xưa thì tôi nghĩ 1 triệu cái, nay thì thống kê cho biết Canada có tới 3 triệu cái hồ lớn nhỏ, chiếm 891.163 cây số vuông , tức 9% diện tích lãnh thổ, giữ 60% lưu lượng nước ngọt của cả thế giới. Riêng tỉnh bang Ontario nơi tôi cư ngụ có 275.000 cái hồ. Sau bài nói về hồ thì có bài nói về trình độ dân trí. Cũng theo thống kê thì 50% dân số có bằng đại học, trong khi Do Thái có 45% và Nhật Bản có 44%. Mỗi lần nghe tới những cái nhất này thì Cụ chánh tiên chỉ bảo cả làng : Đất này là ‘Địa Linh Nhân Kiệt’. Anh John vừa nghe nhắc tới câu này thì nói ngay : Qủa đúng vậy. Tôi thấy ‘ nhân kiệt’ hàng ngày. Chẳng hạn cô đào Suzanne Clément gốc Québec vừa đoạt giải ‘ Nữ Diên Viên xuất sắc nhất  2012’. Cô đào Canada này đóng vai chính trong phim Lawrence Anyways dài 159 phút của đạo diễn Xavier Dolan . Ông đạo diễn Canada mới có 23 tuổi mà đã nổi tiếng như cồn, đúng là tài không đợi tuổi. Bộ phim được khen là có nhiều óc sáng tạo, trẻ trung, mới lạ. Các cụ đã xem phim này chưa? Chẳng hạn tay đua Ryder Hesjedai cư dân Victoria, cũng vừa đoạt giải  quán quân Girod Italia chạy vòng quanh nước Ý. Đây là một trong ba giải đua xe đạp danh tiếng nhất thế giới. Cụ nào không rành bản đồ thì tôi xin trinh : Victoria là một tỉnh thuộc bang British Columbia ở miền tây Canada, còn Québec thuộc miền đông. Cô đào Suzanne và anh đua xe đạp Ryder sở dĩ đoạt giải nhất như vậy là vì đã có diễm phúc được sinh ở miền đất ‘Địa Linh Nhân Kiệt’ này.
            Canada rộng gần 10 triệu cây sô vuông, đất rộng như thế mà chỉ có 34 triệu dân. Ít dân , mà lại có một quân đội hùng mạnh. Sức hùng mạnh này không phải để đi xâm lăng nhưng để bảo vệ. Xưa nay trên thế giới nơi nào có chiến tranh mà cần giảng hòa thì bao giờ Canada cũng có mặt trong ủy ban hòa giải hay kiểm soát đình chiến. Như Canada đã sang VN năm 1954 và 1973.
            Nghe tôi nhắc tới việc Canada tham gia uỷ ban đình chiến ở VN năm 1973, ông ODP cười ha ha, chỉ vào anh John rồi nói : Anh hãy cám ơn chiến tranh VN  đi, vì nếu không có nó thì làm sao anh gặp Chị Ba và lấy được Chị Ba. Đúng không nào. Có chiến tranh VN thì Canada mới gửi phái bộ thanh tra sang và  anh mới có cơ may tham gia phái đoàn này, rồi từ đó anh mới có cơ duyên gặp người đẹp ở Biên Hoà. Nghe đến đây thì Chị Ba e thẹn cúi đầu còn anh John cười ha ha : Đó là vấn đề nhân duyên tiền định, tôi có số đóng quân ở Biên Hòa, có số gặp cô giáo dạy anh văn làm thông dịch cho phái đoàn, có số lấy được cô. Cũng như tất cả dân làng ta đây ai cũng có số đến Canada và có duyên với nhau nên mới được gặp nhau mà tạo ra làng An Lạc đầy yêu thương này. Làng ta là làng những người số đỏ.  Cái anh John này lém lỉnh thế đấy các cụ ạ.
            Chị Ba thường tỏ ra e ấp mỗi lần nhắc tới những ngày thuở xưa khi anh John và chị mới gặp nhau và yêu nhau. Chị thường đánh trống lảng. Chị thường lái câu chuyện sang đề tài khác. Bữa nay cũng y như vậy. Chị bảo nhân nói tới mùa hè mùa nghỉ học của các em học sinh, chị xin có đôi điều về nền giáo dục ở Canada. Rằng ở đây người ta quan niệm những năm đầu tiên trong đời học sinh là những năm quan trọng nhất vì là những năm xây nền tảng cho viêc học hành, nên dạy những lớp mẫu giáo và lớp 1 lớp 2 là việc quan trọng lắm. Chính vì quan trọng như vậy nên ở đây người ta chọn những thày giáo thật giỏi thật nhiều kinh nghiệm để dạy những lớp này. Cái này khác với VN quê mình. Tôi còn nhớ khi xưa ở VN, những thày giáo học gỉỏi và có bằng cấp cao thì bao giờ cũng dạy những lớp cao, còn những thày giáo bằng cấp thấp hay học kém thì dạy lớp dưới, dạy lớp bét, tức lớp vỡ lòng. Đìều này đối với Canada là sai. Tại sao ta giúp một em xây nền học vấn mà lại chọn một ông thày không có kinh nghiệm, ông thày học dốt? Nhiều em học sinh vì phải học với thày giáo dạy dở, dạy khó hiểu nên đã mất hết hứng thú , có em còn trở nên sợ hãi  rồi bỏ học luôn. Cho nên vấn đề sư phạm và khả năng của thày giáo rất quan trọng. Ở Canada này lớp nào có nhiều học sinh thi rớt thì ban giám đốc xét ngay đến khả năng của thày giáo chứ không trách học sinh ngu dốt hay lười biếng.
            A, đây là đề tài lớn và hấp dẫn đây. Chuyện Chị Ba đang nói làm tôi nhớ tới một ông Cha già VN tôi quen. Ngài đang nghỉ hưu bên Đức. Chính ngài kể chuyện của ngài về đề tài này cho tôi nghe. Rằng ngày xưa còn bé ngài học toán và lý hóa với một ông thày không biết gì về sư phạm cả. Ông thày học giỏi nhưng chỉ giỏi cho ông chứ ông không biết cách truyền đạt kiến thức của mình cho học sinh. Cứ đầu giờ là ông khảo bài rồi la hét. Khi vào bài mới thì bao giờ ông cũng đập bàn rồi nói : bài này khó lắm, các em hãy cầm trí lại thì mới hiễu được. Rồi ông bắt đầu giảng bài theo ngôn ngữ khó hiểu của ông, ông giảng rất mau, không bao giờ hỏi xem các học sinh có kịp hiểu hay không. Giảng một lúc rồi ông bắt làm bài tập. Đứa nào làm sai là bị ông hét ông la. Lớp 30 hoc trò thì chỉ có độ 3 hay 4 đứa hiểu bài còn tất cả lớp đều ăn điểm O. Ông linh muc nói tiếp : Vì ngay từ đầu đã không hiểu lời giảng của thày nên suốt mấy năm liền  tôi mất căn bản, điểm môn toán và lý hóa của tôi luôn là 0. Và vì vậy tôi cho rằng mình không có khả năng về khoa học. May mà ngành văn chương và sinh ngữ thì tôi khá. Tôi được học bổng du học Đức quốc ,và tôi chọn ngành triết học. Ở Đức, muốn học triết thì bạn phải qua một cuộc trắc nghiệm. Nếu bạn vượt qua bài trắc nghiệm này thì bạn mới được nhận vào học. Tôi phải làm bài trắc nghiệm, và tôi rất hy vọng sẽ được nhận ngay. Nhưng thật bất ngờ. Kết quả trắc nghiệm cho biết là tôi không hề có khả năng học triết mà trái lại tôi có rất nhiều tiềm năng về khoa học. Tôi không tin vào kết quả, tôi cãi rằng xưa nay tôi dốt toán và lý hoá vô cùng. Ban giam đốc rất ngạc nhiên về việc này nên đã cho tôi làm một bài trắc nghiệm thứ hai. Và kết quả cũng y như lần trước : tôi không hề có khả năng học triết mà có rất nhiều khả năng học tóan và lý hóa, những môn mà ở VN tôi đều dốt và trượt. Tôi phải tin vào kết quả này vì kết quả của một đại học Đức danh tiếng chứ bé sao. Thế là tôi được hướng dần học lại toán và lý hoá, từ bậc tiểu học . Qủa đúng như bài trắc nghiệm đã cho biết, tôi học rất giỏi, và sau đó đã đậu ưu hạng tiến sĩ về hóa học. Sau đó tôi được mời ở lại dạy về môn này ở chính trường mẹ vừa đào tạo ra tôi.
 Vị linh mục này nay đã gìa, đã về hưu. Ông nhìn lại qúa khứ, cười rất nhân hậu rồi nói: Cái ông giáo dạy toán và lý hóa ngày xưa đã làm hỏng bao nhiêu là thiên tài VN. Đã làm ông thày mà không biết dạy học, làm hỏng bao nhiêu học sinh, thì có tội nặng đáng sa hỏa nguc !
            Chị Ba Biên Hòa nghe tôi kể chuyện này thi thích lắm. Chị nghe đến đâu thì gật đầu đến đó. Yếu tố thày giáo quan trọng vô cùng, thày phải giỏi và phải có sư phạm.
            Ông ODP cũng xin góp một ý. Ông bảo làng ta đang bàn tới việc học hành của con em, tôi xin kể các bạn nghe một chuyện, chuyện này nghe xong mà muốn khóc. Ông kể rằng bạn ông mới về thăm mẹ già ở VN. Thăm mẹ xong thì ông theo một đoàn du lịch đi thăm Huế. Đoàn ông có 20 người. Họ tổ chức rất chuyên nghiệp nên mọi chuyện rất tốt đẹp. Hướng dẫn du lịch là một cô gái trạc 25 tuổi. Cô này rất trẻ, rất đẹp, thông thạo cả Anh văn cả Pháp văn, đi đến chỗ nào thì cô kể lịch sử chỗ đó, rất trôi chảy và duyên dáng. Cô giải đáp mọi câu hỏi rất thỏa đáng. Cuối chuyến đi thì có du khách hỏi về mồ chôn tập thể các nạn nhân hồi tết Mậu Thân 1968. Cô bảo tài xế lái xe đến ngay tận nơi và giảng nghĩa : Đây là mồ các chiến sĩ của ta đã bị Mỹ Ngụy giết hồi tết Mậu Thân 1968. Tôi hỏi lại : Ai bảo cô thế? Cô gái trả lời một cách rất tự nhiên và tự tin : Sách sử đã chép như thế và cháu được huấn luyện như thế . Nét mặt cô hướng dẫn vẫn tươi cười và duyên dáng như thường lệ. Các bạn thấy chưa, cô 25 tuổi tức là sinh ra sau biến cố Mậu Thân hơn 20 năm, cô không hay biết gì về biến cố này, cho nên cô chỉ biết qua sách vở, qua lớp hướng dẫn.
            Ông ODP kết luận : mai này hết CS thì các nhà làm sử phải trả lại sự thực cho lịch sử. Đây chỉ là một trong muôn ngàn sự dối trá của CS. Xưa nay tôi vẫn thắc mắc những nhà trí thức CS nói dối mà không biết ngượng miệng sao. Anh John đáp ngay : Thưa, họ không phải là trí thức, họ chỉ là những cán bộ có bằng cấp cao mà thôi. Mà bằng cấp không bảo đảm cho kiến thức và không tạo nên phẩm cách con người.
            Dân làng nghe anh John nói câu này xong thì vỗ tay râm ran. Câu nói vừa rồi của anh John đúng qúa và hay qúa phải không cơ.  Qủa vậy, bằng cấp không bảo đảm kiến thức và nhân cách. Mấy cô Huế thì xuýt xoa : Chưa bao giờ nghe đuợc một câu thâm thúy và đúng như thế.
            Dân làng tôi đang mải mê nói chuyện thì được Chị Ba Biên Hòa bưng ra một khay nước trái cây. Chà, giữa trưa hè nóng nực mà được uống một ly sinh tố mát lạnh thì sướng biết chừng nào. Các cụ có biết Chị Ba đãi ly gì không cơ. Thưa, đó là ly sinh tố ‘Mảng Cầu Xiêm’ tươi.  Để mọi người uống xong và khen xong thì chị mới nói : Tôi vừa đọc trên mạng một bài báo nói về những phép lạ của mảng cầu xiêm do tờ Journal of Natural Products của một trường Đại Học ở Hàn Quốc. Bài báo công bố những kết quả bất ngờ và lạ lùng của nước ép trái mãng cầu xiêm, tên khoa học là Graviola. Nó có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư công hiệu cao 1.000 lần so với  những liệu pháp hóa trị xưa nay.  Ngoài việc chống ung thư, nước ép mãng cầu còn là tác nhân chống vi khuẩn, chống ký sinh trùng đường ruột và giun sán, hạ thấp huyết áp… Xưa nay ngành dược phẩm biết rất rõ về những phép lạ này nhưng họ lờ đi để bán thuốc của họ…
            Ngạc nhiên chưa các cụ?
            Mấy tháng trước đây ông ODP đã mách môn thuốc chữa ung thu bằng lá đu đủ phơi khô rồi hãm ra nước uống như nước trà. Nay Chị Ba giới thiệu nước sinh tố Mãng Cầu Xiêm, thần dược chữa bệnh unh thư. Cứ đà này thì chắc làng tôi sẽ trở thành viện đông y. Cụ nào bị ung thư nên thử uống Mãng Cầu Xiêm coi, có thiệt hại gì đâu. Nó là nước sinh tố mà. Nó vừa tươi mát bổ dưỡng lại chữa lành bệnh. Đây là tiên dược. Để hỗ trợ cho lời của vợ, anh John tuyên bố anh sẽ trồng một cây mãng cầu xiêm gữa sân trước nhà. Mong nó sống được qua mùa đông để anh lấy trái chữa bệnh cho những người đã tuyệt vọng vì thuốc tây…
            Bà cụ B.95 từ đầu buổi họp làng ngồi im lặng nghe thiên hạ sự. Mãi rồi không chịu nổi nữa, cụ lên tiếng : Sao bữa nay các bác nói toàn những chuyện gì vừa khô khan vừa cao siêu, lão chả hiểu gì cả. Xin cho lão nghe chuyện gì tươi mát và dễ hiểu một chút nào. Việc này qúa dễ đối với anh John. Anh đáp ngay :
-          Cháu đã có sẵn rồi đây. Nhiều lắm. Thứ nhất là chuyện các cụ già lấy vợ . Báo
bên VN nào cũng đăng tin hấp dẫn này. Có 2 cụ lận.
 Thư nhất là Cụ Nguyễn Hữu Trọng ở huyện BaVì, Hà Nội. Cụ Trọng 84 tuổi lấy vợ là Cô Đinh Thị Bảy 31 tuổi. Cô vợ sinh sau cụ đúng nửa thế kỷ. Tình và duyên bắt đầu từ lúc cô Bảy đi xin việc. Cụ Trọng hành nghề đông y và có một trang trại lớn. Cụ mướn Cô Bảy làm quản lý trại. Cô là một người có tài. Trước đây nguyên việc nhổ cỏ cụ phải mướn người và tốn tới 10 triệu đồng, nay có cô Bảy thì cô tự làm lấy, tốn có 3 triệu. Cô lại còn muốn giúp cụ bốc thuốc nữa. Và lửa gần rơm đã cháy. Hai người lấy nhau và tới nay đã đẻ được 2 con, con đầu là gái được cụ Trọng đặt tên là Kim Phúc, con thứ hai là trai cụ đặt tên là Hữu Đức. Quả thật cụ có phúc và có đức. Cụ khoe tấm hình chụp cho nhà báo coi. Cụ bế thằng em và dắt tay con chị, ba bố con trông đẹp lạ thuòng. Con thật của cụ chứ không phải con hàng xóm đâu.
Thứ hai là chuyện Cụ Trần Văn Ký ở trấn Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Cụ 90 và vợ 40, cũng cách nhau đúng nửa thế kỷ tuổi, ấy thế mà cụ cũng có con. gặp ai cụ cũng khoe qúy tử bồng trên tay. Khoe con rồi cụ còn hóm hỉnh nói : Giờ tôi gìa rồi, cả tuần may ra chỉ gần vợ được đôi ba lần mà thôi. ‘May ra’ thôi nhá, các bạn thanh niên nghe rõ chưa. Cụ có nghề chuyên nấu cao hổ cốt và cao khỉ. Chắc cụ đã dùng các tinh tuý đại bổ của cao  nên mới sung mãn như vậy.
Chuyện hai cụ VN này làm tôi nhớ tới Cụ Hug Hefner chủ nhân tạp chí Playboy bên Hoa Kỳ. Cụ Hefner mới sơ sơ 85 tuổi, vừa cưới cô vợ Crystal Harris. Cô này trẻ hơn cụ những 60 tuổi. Chắc cô này có bùa. Cụ Hefner đã sống với  biết bao nhiêu mỹ nữ mà không dính cô nào, nay cuối đời lại dính cô Harris. Cô này năm trước đã bỏ cụ trốn đi theo trai, chắc trai không bộn bạc và mãnh liệt bằng cụ nên cô mới trở về. Như người ta thì người ta đã đuổi cô vợ hư đốn này ngay, thế nhưng cụ đã vui vẻ đón vềngay. Đúng là cô có bùa rồi còn gì nữa. Chưa nghe nói cô có bầu. Tôi đang định sang mách cho cụ nên đi VN để gặp hai cụ Trọng và Ký hỏi về phép thụ thai.
Kể đến đây xong, anh John đưa mắt nhìn cụ B.95 rồi cười hề hề. Nghe tiếng cười này thì ai cũng biết anh đang chuyển đề. Qủa đúng như vậy. Anh thưa với cả làng : Cũng do đọc báo mà tôi bắt gặp chuyện văn chương rất tếu. Tếu như thế này : Sau biến có dân chúng biểu tình chống Tàu cướp đất cướp biển, biểu ngữ thường viết Biển Đông của Việt Nam,  Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam… Mấy chữ đó nhập vào đầu nhiều người cho nên có một khu chợ kia dân phố nổi máu tếu đã viết các quảng cáo về hàng bán của mình như sau :
-          Hiệu bán giày  : Nâng niu bàn chân Việt
-          Hiệu áo lót phụ nữ : Nâng niu bầu sữa Việt
-          Hiệu bán Kotex băng vệ sinh : Nâng niu đàn bướm Việt
-          Hiệu bán quần lót đàn ông  : Nâng niu vòi voi Việt
-          Hiệu bên cạnh cũng quảng cáo quần lót đàn ông : Nâng niu hòn ngọc Việt
-          Hàng bên cạnh cũng bán loại này và quảng cáo : Bảo vệ pháo binh Việt.
-          Hãng quần lót phụ nữ : Bảo vệ rừng cấm Việt
-    Quán bia ôm : Phát triển đàn dê Việt
-          Hiệu bán kính :  Sáng tỏ cặp mắt Việt
-  Sau cùng một lớp mẫu giáo ở cuối phố cũng trương lên bảng hiệu : Phát triển dòng giống Việt. Thiên hạ đọc các câu quảng cáo bán hàng thì ai cũng cười tủm tỉm, nhưng đến khi đọc quảng cáo của trường mấu giáo thì ai cũng gật đầu: Đúng và hay quá!
Kể đến đây rồi anh John cười hà hà : Bây giờ ví dụ làng ta phải lấy một khẩu hiệu thì khẩu  hiệu ấy là gì? Cô Cao Xuân đáp ngay: Tôi chọn câu này : Bảo vệ Dòng Máu Việt.
            Câu của cô gốc Huế trong làng tôi nghe có được không cơ, thưa các cụ?

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire