caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 1 décembre 2012

bút chiến của PHAN VĂN TRỊ và TÔN THỌ TƯỜNG " Đoàn Hữu Hậu"

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=6466


Nhìn lại cuộc bút chiến của PHAN VĂN TRỊ và TÔN THỌ TƯỜNG Đoàn Hữu Hậu

( lược ghi)
Một hiện tượng hiếm hoi trong lịch sử văn học Việt Nam đó là cuộc bút chiến, xướng họa thơ giữa hai nhà Nho “yêu nước” Phan văn Trị và Tôn Thọ Tường trong thời điểm đất nước đang bị thực dân Pháp xâm lược. Cuộc bút chiến nầy đã góp phần làm phong phú nền văn học nước nhà, có thể gọi một hiện tượng “ khóang tiền vô hậu”. Việc họa thơ văn từ trước tới nay vẫn thường xảy ra trên văn đàn, nhưng họa xướng theo đúng nghĩa của nó, xem ra chỉ có Phan văn Trị và Tôn Thọ Tường. Thiết nghỉ cũng nên đưa ra đây một ví dụ, để chúng ta cùng tham khảo
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng
( Tôn Phu Nhân quy Thục-Tôn Thọ Tường)

LỜI DẪN
Lấy tích từ truyện Tam quốc Diển nghĩa: Tôn Phu nhân là em ruột Tôn Quyền, chúa xứ Đông ngô đời Tam quốc. Vì việc tranh giành đất đai, Tôn Quyền theo kế của Châu Du tự là Công Cẩn giả bộ cầu thân với Lưu Bị vua nước Hán. Tôn Quyền mời Lưu Bị qua Giang Đông nói là gả em gái để kết tình lâng bang giao hảo, định dùng phục binh giết chết trong tiệc rượu. Am mưu sắp đặt bí mật không tiết lộ bên ngòai. Khổng Minh là quân sư của Lưu Bị biết rõ âm mưu sâu độc của Tôn Quyền liền bày kế cho Lưu Bị khi sang đất Ngô tuyên bố ầm lên là mình được Tôn Quyền mời sang gả em gái. Việc nầy thấu tai đến Ngô Quốc Thái, mẹ của Tôn Quyền. Biết đó là mưu mô xảo quyệt, Bà cho gọi Tôn Quyền vào mắng cho một trận, rằng tại sao lại dụng kế tiểu nhân để tiếng nhơ muôn đời. Nhận thấy Lưu Bị là người đạo đức nhân hòa, bà buộc Tôn Quyền phải trọng lời hứa và quyết nhất gả con gái cho Lưu Bị. Tôn Phu nhân không rõ mưu kế của anh, vâng lời mẹ kết duyên với Lưu Bị.
Thất bại mưu kế hại Lưu Bị, Tôn Quyền định dùng quyền tước và phú quý mua chuộc Lưu Bị để cầm chân ông ở Đông ngô. Nhưng theo kế sắp sẳn của Khổng Minh và lòng cương quyết theo chồng cho trọn đạo tòng phu của Tôn Phu nhân, nên cả hai vợ chồng Lưu Bị trở về đất Hán được bình yên.
I/ TÔN THỌ TƯỜNG
Tôn Thọ Tường trú quán tại Bình Dương tỉnh Gia Định. Cháu một vị công thần nhà Nguyễn. Thuở nhỏ học ở Huế. Trượt thi Hương vào Gia Định lập “Tao Đàn Bạch Mai Thi xã” ở chùa Cây Mai. Năm 1862 ông hợp tác với Pháp được bổ nhiệm Tri Phủ Tân Bình, sau được thăng Đốc Phủ sứ. Là một người khét tiếng ăn chơi, nên được gọi là cậu Ba Tường. Ong theo viên lãnh sự Pháp ra miền bắc quan sát miền thượng du và bị bệnh chết.
Đọc lại tất cả thơ văn của ông, ta nhận thấy một điều ông luôn bày tỏ niềm u uất vì những tiếng khích bác của “ đồng hội.” . Ong gửi tâm sự vào mười bài tự thán”, Tôn Phu nhân quy thục, Từ Thứ quy Tào…
Trong bài “Tôn Phu nhân quy Thục” ông đã mượn tấm lòng băn khoăn, đau khổ lưu luyến giữa Tình và Hiếu của người đàn bà quý phái nước Ngô, đau lòng ra đi theo chồng cho trọn đạo Tòng phu, qua đó để biện hộ cho lập trường “ tiến thoái lưỡng nan” của mình khi ra hợp tác với pháp. Tâm trạng đó đã được phô diễn rõ rệt trong những chữ “bịn rịn. trau tria…” Vì lúc bấy giờ nhóm Nho sỹ công kích Tôn Thọ Tường là bán nước cầu vinh… Vì vậy cho nên ông luôn phải cố gắng vạch rõ thế nào là trung thành hợp lý. Theo ông thì chính sách bảo thủ của triều đình Tự Đức và tầng lớp Nho sỹ đương thời đã đưa dân tộc vào con đường mất nước. Ngày xưa vì Tôn Quyền quá tin lời Chu Công Cẩn mà Tôn Phu nhân phải đau khổ về Thục. Thì ngày nay, Vua tôi nhà Nguyễn cũng đã làm mất Nam Việt khiến ông phải “ dứt áo theo chồng”. Ong ra đi không phải vì lợi danh mà đeo lấy một nhiệm vụ chính trị, “quyết tâm cứu nước”
Bài thơ nầy Tôn Thọ Tường đã mượn tâm sự của người con gái đất Giang Đông đi lấy chồng ở đất Thục, để phân trần việc ông ra hợp tác với Pháp:
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Mấy chữ “ cật ngựa thanh gươm” trong câu thơ trên, tác giả làm cho ta hình dung lại cảnh Tôn Phu Nhân cầm gươm, lên ngựa lìa bỏ đất Ngô để về Kinh Châu với Lưu Bị. Những chữ nầy cũng nhắc lại việc Tôn Phu Nhân đứng ra ngăn cản quân Ngô, phá tan mưu kế của Châu Du để cứu chồng.
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Hành động như thế, Tôn Phu Nhân làm theo lẽ phải, đúng với giáo lý tam tòng của đạo Nho. Danh tiết của người con gái đất Giang Đông nhờ đó được sáng chói muôn đời
Lìa ngô bịn rịn chòm mây bạc
Ra đi theo chồng để là tròn bổn phận làm vợ trong một hòan cảnh rất éo le, bảo sao Tôn Phu Nhân không nhớ đến quê hương, lìa mẹ già và người anh đáng kính để theo chồng về đất Thục. Tôn Phu Nhân không dằn được nổi nhớ nhung, luyến tiếc
Về Hán trau tria mảnh mà hồng
Trong cảnh nảo lòng ấy, nhưngTôn Phu Nhân vẫn phải lo tròn bổn phận của người “sửa túi nâng khăn” dù biết rằng đức ông chồng của mình là người thù của anh, của quê hương mình
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng cho để thẹn non sông
Đã trao thân gửi phận cho Lưu Bị rồi thì phải “bến nước mười hai” trong nhờ đục chịu, theo chồng về đất Thục dù nhan sắc có tàn phai theo năm tháng, Tôn Phu Nhân không thể nào lỗi đạo làm vợ được
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng
Tôn Phu nhân lại nhắn với kẻ tạo ra cuộc tìn duyên bất ngờ ấy là Châu Công Cẩn rằng: “ Thà mất lòng anh, chớ không thể phụ nghĩa chồng” Lời lẽ nầy tuy có vẻ sống sượng, nhưng đây là lời nói với Châu Du nên không đáng trách
Tại sao Tôn Thọ Tường có thái độ cương quyết như vậy? Trong chuyến đi cùng sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình về việc ba tỉnh miền đông, ông thấy Triều đình nhà Nguyễn chỉ lo bảo vệ mồ mã của bà Từ Dũ mà không lo gì cho dân chúng đang rên siết trong khói lửa của giặc Pháp. Hơn nửa ông cũng thấy sức mạnh quân sự hiện đại của Pháp. Và có ý khuyến khích phát triển văn minh kiểu phương tây.
Dùng điển tích Tôn Phu Nhân để thanh minh việc làm của mình và để giới sĩ phu đương thời hiểu rõ tâm trạng mình, Tôn Thọ Tường đã vô tình đưa ra một đề tài trái hẳn với chủ đích của ông. Dù ông cố mượn lớp “ phấn son” của người con gái đất Giang Đông “ ngàn thu rạng tiết” để bào chửa cho việc theo Pháp của ông cũng vẫn không được mọi người tán thành. Vì một lẽ rất giản dị và dễ hiểu : Tôn Phu Nhân không thể là ông Đốc Phủ Tôn Thọ Tường, dù cả hai cùng đồng họ.
Đã là kẻ sĩ, Tôn Thọ Tường tất phải hiểu rõ nhiệm vụ của bậc sĩ phu trong cơn quốc biến. Trong khi tòan dân đang nỗ lực chống xâm lăng thì họ Tộn ra hợp tác với thực dân Pháp. Muốn phân trần biện bạch với nhóm sĩ phu hiểu rõ hòan cảnh trớ trêu đã xui mình ra hợp tác với kẻ thù dân tộc thì phải nhắn nhủ cái gì khác hơn , chớ sao lại quá liều lĩnh cho rằng “ thà mất lòng anh đặng bụng chồng” (?!)
II/ PHAN VĂN TRỊ
Phan văn Trị người tỉnh Vĩnh Long, đậu cử nhân năm 1849 nămTự Đức thứ 2 , người ta thường gọi là Cử Trị. Khi đỗ đạt Cử Trị không ra làm quan mà lui về sống nhàn tản ở quê hương, mở trường dạy học. Trong thời gian nầy ông kết bạn tâm giao với Thủ Khoa – Bùi Hữu Nghĩa. Nhân thấy Tôn Thọ Tường không còn giữ tiết tháo của một nhà Nho chân chính, theo ra hợp tác với Pháp, Phan văn Trị dùng thơ văn đả kích thóa mạ họ Tôn. Lúc bài “Tôn Phu nhân quy Thục” vừa ra đời, ông đã thấy ngay nhược điểm của Tôn Thọ Tường và lấy ngay đề tài, thể thơ mà họa xướng nguyên văn bài thơ, hạ họ Tôn bằng ngón đòn thích đáng. Trước hết họ Phan nhận định: Tôn phu Nhân là phận gái tất phải theo trọn đạo tam tòng. Mà đã theo chồng thì luân lý Nho giáo không cho phép người đàn bà nói tới nhiệm vụ chính trị, mà phải sống theo khuôn phép người làm vợ, phải e dè lúc ra đi.
Họa lại nguyên vận bài “Tôn Phu Nhân quy Thục” của Tôn Thọ Tường, Phan văn Trị châm biếm và mỉa mai hành động ra hàng người Pháp của họ Tôn. Đứng về phương diện đạo lý Phan văn Trị tán thành việc làm của người con gái đất Giang Đông, theo chồng để vẹn đạo tòng phu, tròn danh tiết… Phan văn Trị đã xướng họa:
Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
Phan văn Trị có dụng ý muốn cho Tôn Thọ Tường biết bà Phu Nhân họ Tôn cũng như bao nhiêu người con gái khác “ xuất giá tòng phu” thì phải “cài trâm sửa áo” chớ không thể “ cật ngựa thanh gươm”. Cử Trị đã ngầm bảo với họ Tôn : Ong đã theo về với Pháp, chịu hàng kẻ thù thì nên “ chỉnh tề khăn áo” chớ có oai vệ nỗi gì mà “ cưỡi ngựa đeo gươm”!?
Mặt ngả trời chiều biệt cõi đông
Phan văn Trị cho ta thấy Tôn Phu Nhân từ giả quê hương vào một buổi chiều tà, bị bao trùm một màu ảm đạm thê lương. Dùng những chữ “ mặt ngả trời chiều”. Tác giả muốn nói đến cảnh đau thương của dân tộc đang đắm chìm trong khói lửa chiến tranh. Cử Trị muốn cho họ Tôn nhớ rằng người con của đất Giang Đông đã lìa quê trong một hòan cảnh đau buồn, chớ không phải được “rạng tiết gái” cũng như họ Tôn đã đang tâm theo Pháp trong khi nước non suy tàn, như vậy sao lại gọi là rạng rỡ?!
Ngút tỏa đồi Ngô un sắc trắng
Duyên vầ đất Thục đượm màu hồng
Hình ảnh những đám mây trắng vào một buổi chiều thu nắng nhạt gợi lên trong lòng người ly hương mối sầu viễn xứ. Lìa quê trong cảnh buồn bã như thế Tôn Phu Nhân chẳng bao giờ tưởng nhớ tới mẹ già và anh trai. Tác giả muốn ám chỉ việc họ Tôn theo Pháp trong lúc đất nước điêu tàn, nhân dân lầm than trước họa xâm lăng để hưởng sự vui sướng cho thân mình
Hai vai tơ tóc ngang trời đất
Một gánh cương thường nặng núi sông
Họ Phan nói thẳng với họ Tôn rằng: “ Tôn Phu Nhân đã vẹn hai vai tơ tóc” và trọn đạo thờ chồng. Còn ông, ông theo về với Pháp có giữ được “ gánh cương thường” không? Nếu không, ông đã bất trung với Vua, bất nghĩa đối với nước non, vậy còn khoe khoang đạo nghĩa làm gì nữa? Ong là người bất chính. Và khẳng định với Tôn Thọ Tường:
Anh hỡi! Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng
Khen Tôn Phu Nhân là người đàn bà, biết giữ tròn đạo nghĩa bao nhiêu thì họ Phan lại chê trách Tôn Thọ Tường bấy nhiêu. Tôn Thọ Tường là người đàn ông thì làm thế nào giống như trường hợp Tôn Phu Nhân được. Gái tiết hạnh phải làm tròn bổn phận người vợ hiền, trai ngay phải trọn đạo làm tôi đối với chúa. Trong lúc non sông nghiêng ngửa, Tôn Thọ Tường ra hợp tác với kẻ thù cướp nước thì sao lại gọi là “ trai ngay” được?!
Sau khi phá giải lợi dụng đề tài của Tôn Thọ Tường, Phan văn Trị còn lớn tiếng bênh vực lập trường của nhóm sĩ phu yêu nước và quan điểm bút chiến của mình.
III/ NHẬN XÉT TÁC DỤNG
Mục tiêu của Tôn Thọ Tường là giải bày tâm sự, của Phan văn Trị là đả kích cá nhân. Nhưng nếu nhìn xa hơn ta có thể thấy ngay đó là tiếng nói của hai lớp người trong một giới Nho sĩ: Một đàng theo tiếng gọi của tây phương, của nền văn minh cơ khí đang lần mò tìm chỗ trống ở Á châu, một đàng là tiếng nói của thành trì cổ kính, muốn giữ đúng quan điểm Nho gia, chứ không chiụ lìa bỏ vai trò lãnh đạo của mình. Anh hưởng của cuộc đấu văn nầy được phổ biến sâu đậm trong nhân gian khiến cho vai trò uy tín của nhà Nho phải một phen lung lạc.
Vì là một cuộc bút chiến, trong văn thơ của Tôn Thọ tường và Phan văn Trị, chúng ta thấy không còn những vẻ phù phiếm, vốn rất phổ biến trong thơ văn thời bấy giờ, lời văn đi sát thực tế hơn với mục đích phục vụ nhân sinh, thúc đẩy nề văn học sử phát triển.
Những vần thơ thời thế của Phan văn Trị và Tôn Thọ Tường đã ghi lại những dấu vết của những biến cố lịch sử trong buổi giao thời của nền văn minh Đông- Tây bắt đầu va chạm.
Cả hai ông đều dùng văn thơ để bày tỏ tâm sự và chí hướng, vì thế lời văn của hai ông có một giọng điệu chân thành, dễ rung cảm lòng ngưởi. Tạo ra một cuộc bút chiến, xướng – họa thực sự đúng theo nghĩa của nó. Một hiện tượng hiếm thấy trong nền văn học Việt Nam. Đó mới thực sự là họa thơ. Từ đó về sau, thử hỏi có ai xướng họa thơ đúng và hay hơn hai ông ?./.

Đoàn Hữu Hậu
 
Ngày đăng: 11.06.2007

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire