caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mercredi 2 janvier 2013

Phạm Mỹ Lộc với "Cuộc Hành Trình Tìm Về Âm Nhạc" 1 Việt



Hoàng Lan Chi


Phạm Mỹ Lộc với cuộc hành trình tìm về âm nhạc Việt












                Phạm Mỹ Lộc và những luận điểm thuyết phục giới trẻ quay về với nguồn nhạc Việt, chất liệu tuyệt vời để sáng tác.



Phạm Mỹ Lộc, một cái tên có lẽ chưa quen thuộc lắm với khán thính giả âm nhạc Việt nhưng với tôi thì anh là một Quà Tặng Nhỏ của Thượng Đế cho âm nhạc Việt  Nam trong thiên niên kỷ mới.



Âm nhạc vốn dĩ là quà tặng của Thượng đế cho con người. Viết nhạc, hát nhạc hay nghe nhạc đều là một hạnh phúc. Nhưng tìm hiểu về nét đặc sắc của nhạc Việt để đóng góp cho nền văn hóa thế giới thì phải coi đó là Quà Tặng của Thượng Đế.



 Hành Trình đi tìm Những Nẻo Đường Âm Nhạc Việt là nét chính gửi đến quý độc giả và trong đó là một chút về giòng nhạc Phạm Mỹ Lộc.



Đi Tìm Những Nẻo Đường Âm Nhạc Việt




Trước Phạm Mỹ Lộc đã có GS.TS. Trần Văn Khê và một số các nhạc học khác trong và ngoài nước, nhưng với những kiến thức và cả điều kiện ở Hoa Kỳ, những gì PML sưu tầm, tìm tòi, khảo cứu và viết lại có một giá trị khá đặc biệt. Tìm hiểu vì sao một người ở độ tuổi thanh niên khi nền đệ nhị Cộng Hòa khai mở và “nhạc trẻ” du nhập ồ ạt, tôi cảm thấy xúc động khi nghe Phạm Mỹ Lộc kể “Tôi bắt đầu lưu tâm đến dân ca Việt Nam khi hoạt động trong đoàn văn nghệ học sinh, sinh viên Ca Dao (1969)tại Sài Gòn do Hà Quốc BảoNghiêm Phú Phát thành lập sau khi đã lập đoàn văn nghệ Nguồn Sống). Nhưng động lực mạnh nhất thúc đẩy tôi cả đời đi nghiên cứu và sáng tác trên vốn âm nhạc Truyền Thống và Dân Ca Việt Nam là trong một buổi hạnh ngộ với cha Hoàng Kim tại nhà thờ Ba Chuông (Sài Gòn-1969). Tôi thấy cha lúc ấy đã có tuổi mà còn cặm cụi ngồi viết hòa âm cho những bài dân ca Việt Nam như “Trống Cơm”, “Cây Trúc Xinh”…Cha Hoàng Kim thốt lên một câu :“Rồi ra các nhà soạn nhạc Việt Nam dù có đi bốn bể năm châu cũng phải quay về với âm nhạc Việt thôi nếu muốn đóng góp cho văn hóa thế giới.” Hóa ra câu nói này là một lời tiên tri đã tác động rất mạnh đến tận đáy tim tôi. Sau đó tôi ra hiệu sách Khai Trí ở đường Lê Lợi mua ngay tập “Dân Ca Việt Nam” của Nguyễn Hữu Ba. Đó cũng là cuốn sách dân ca Việt Nam đầu tiên tôi sưu tầm được”.



Thế đó, từ Ca Dao và từ rung cảm thuần khiết trong sáng của một trái tim yêu quê hương mà PML đã đi vào một cuộc hành trình về âm nhạc. Cuộc hành trình này phải chăng là một định mệnh của đời PML? Một định mệnh đã khiến chàng trai trẻ tiếp tục con đường của mình dù anh không còn ở Việt  Nam mà đang đeo đuổi ngành Luật tại San Francisco vào năm 1971. Mỗi cuối tuần, PML đều đến đại học Berkeley (California) làm copy tất cả những tài liệu liên quan đến dân ca, dân nhạc Việt. Sau khi tra cứu danh mục sách của trung tâm Việt Học tại Southern Illinois University ở Carbondale (Hoa Kỳ) do cố Giáo Sư Nguyễn Đình Hòa  làm giám đốc, anh gửi thư xin tài liệu. Giáo sư Hòa cũng sốt sắng nói nhân viên gửi cho anh tất cả những tài liệu liên quan đến âm nhạc Việt. Tưởng cũng nên nhắc lại, trung tâm này đã đón tiếp giáo sư Nguyễn Hữu Ba và danh cầm Vĩnh Bảo đến giảng dậy về nhạc Việt. Không dừng ở đó, PML đã dùng cách “inter-library loan” để mượn sách liên quan đến vấn đề âm nhạc Việt từ ngay cả thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ, thư viện đại học Cornell và các thư viện trên thế giới có tàng trữ những tài liệu liên quan đến âm nhạc Việt như Đài Loan, Bắc Kinh, Tokyo, Luân Đôn, Paris…



16 năm sau, khoảng 1985, PML mở hiệu sách Văn Đàn ở San Jose. Tại đây anh có cơ hội làm quen với Phạm Duy và đã mua hết 70 cuốn sách “Music of Vietnam” của ông do Dale R. Whiteside san định cho hiệu sách để giới thiệu với các nhà nhạc học trên thế giới. Phạm Duy đã giảng giải cho PML về lý thuyết  âm nhạc ngũ cung do chính ông khám phá khi đi kháng chiến chống Pháp và kiến thức ông thu nhập ở Âm Nhạc Viện Paris khi ông theo học hai năm tại đây. PML tâm sự “Điều quan trọng tôi được học hỏi ở ông về những kỹ thuật áp dụng dân ca, dân nhạc Việt vào ca khúc một cách sáng tạo. Chính về sáng kiến táo bạo này mà ông đã biện luận rất thuyết phục về trường ca “Con Đường Cái Quan” của ông với sự chỉ trích từ giáo sư Nguyễn Phụng (giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn) và nhà nhạc học Trần Văn Khê. Tôi có viết một bài trên báo Văn Học ở Hoa Kỳ luận về nhạc thuật trong trường ca ‘Con Đường Cái Quan’”.



19 năm sau, 1988, PML  gặp GS.TS. Trần Văn Khê tại San Francisco. Anh nêu ra một số thắc mắc về Thang Âm và Điệu Thức trong âm nhạc Việt với ông. GS.TS. Trần Văn Khê kiên nhẫn giải thích tường tận, nhưng cuộc gặp gỡ quá ngắn ngủi, và sau đó PML xin thọ giáo qua cách hàm thụ. Sau đó ông gửi rất nhiều tài liệu cho PML để làm rõ thêm những luận điểm về thang âm và điệu thức nói riêng và những vấn đề lý thuyết của âm nhạc quốc tế như Ấn Độ, Trung Quốc, Ba Tư nói riêng .GS.TS. Trần Quang Hải, trưởng nam của GS.TS. Trần Văn Khê cũng gửi tặng anh tài liệu về Hát Văn sau khi nghe cassette tape về buổi nói chuyện của PML trên đài phát thanh Mẹ Việt Nam tại San Jose về Dân Ca Việt Nam.





 Đến năm 1990, PML về Việt Nam để giải quyết một số việc riêng của gia đình. Trong khoảng thời gian này, anh có cơ hội tiếp xúc với các nhà nhạc học trong nước như Lư Nhất Vũ, Tô Vũ., nhạc sĩ Phạm Đức Thành, một danh cầm về đàn bầu. Sau đó, mỗi khi đi làm việc về luật quốc tế tại Á Châu, PML lại ghé Việt Nam để sưu tầm tài liệu và để tiếp xúc thêm với những nhà nhạc học như Đặng Hoành Loan, Lê Văn Toàn (Viện Âm Nhạc)…Niềm đam mê dân ca đã đem đến cho anh một phần thưởng không nhỏ: trong tay anh có khoảng 200 CD  về dân ca, dân nhạc từ Viện Âm Nhạc (chuyên về nghiên cứu) và Nhạc Viện (trường âm nhạc chuyên về đào tạo) cộng với hàng vài trăm cassette tapes, đĩa nhạc, video tapes cùng lãnh vực mà anh sưu tầm suốt từ năm 1970. Đấy là chưa kể những sách cũ mới gì viết về âm nhạc dân tộc trong và ngoài nước anh đều cố gắng tìm mua bổ túc cho tủ sách nghiên cứu của mình.



Nhưng những tài liệu PML quí nhất chính là những tài liệu do các nhà nhạc học, nhạc sĩ, tư nhân sưu tầm được tặng riêng cho anh. Đa số những tài liệu này là những bản ghi chép những khúc dân ca Việt Nam toàn cõi Việt Nam. Trong đó có một khảo luận rất công phu về dân ca, dân nhạc Việt của GS.NS. Hùng Lân chưa xuất bản.



Nói về sách báo sưu tầm thì Phạm Mỹ Lộc tự hào “Tôi có một thư viện cá nhân khá đầy đủ” [1]

Ngoài sách Việt, PML còn sưu tầm tài liệu bằng Anh Ngữ, Pháp Ngữ và Hoa Văn (trong thời gian anh làm việc ở Trung Hoa) do các tác giả ngoại quốc viết về Âm Nhạc Việt. Đặc biệt anh sưu tầm rất nhiều bản tổng phổ của các bản giao hưởng hoặc tấu khúc cho nhạc khí do các nhạc sĩ trong và ngoài nước viết cho nhạc khí tây phương hoặc nhạc khí dân tộc hòa với nhạc khí tây phương. Theo PML, trong nước có Tô Vũ, Tạ Phước, Nguyễn Văn Thương, Hoàng Đạm, Nguyễn Xuân Khoát, Đinh Thìn, Trần Quí, Hoàng Dương, Quang Hải, Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Văn Nam…Ngoài nước có Cung Tiến (với tấu khúc “Chinh Phụ Ngâm”), Lê Văn Khoa (“Giao Hưởng 1975”), Phan Quang Phục, Nguyễn Thiện Đạo, Trương Tăng, Tôn Thất Tiết…



Phạm Mỹ Lộc tâm tình “Với sưu tầm này tôi lại mở cho tôi thêm một cửa sổ sang khu vườn mênh mông của hòa tấu khúc.”



Như nhiều người khác, vì đam mê dân ca mà PML cũng đã tìm mua lại những đàn Việt của các danh cầm. Anh cho biết có như thế mới có đàn tốt để thử nghiệm âm thanh.  [2]



Ngoài những tên tuổi nhạc Việt kể trên, PML còn tiếp xúc với những nhà nhạc học ở ngoài Việt Nam như  Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thuyết Phong. GS Phong tốt nghiệp đại học Sorbone (Paris) và giảng dậy tại Kent State University (Ohio).[3]



Gần 20 năm, quãng thời gian không ngắn, say sưa với khối tài liệu âm nhạc nói trên, PML vừa nghiên cứu vừa viết báo (Nhân Văn, Văn Học, Hợp Lưu…) và cả viết ca khúc để thử nghiệm. Về khảo luận PML đã viết về Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Văn Cao.



Tuy vậy, trăm nghe không bằng tay sờ mắt thấy. PML, với hai chuyến xuyên Việt và nhiều chuyến đi từng địa phương, để sưu tầm thì anh đã được nghe các nghệ nhân trình diễn. PML chia sẻ “Với những lần tiếp xúc này đã mang lại cho tôi bao nhiêu điều học hỏi quí báu và cảm xúc mà sách vở và tài liệu chưa mang lại đủ. Khi giáo sư Trần Văn Khê giảng về hơi Oán thì tôi cũng chỉ biết vậy vậy thôi. Nhưng một buổi chiều bảng lảng trên kinh rạch đồng bằng sông Cửu Long tôi vừa được ăn cá nướng trui vừa được nghe ông lão chủ thuyền tấu đàn kìm và hát khúc dân ca “hơi Oán” thì tôi “vỡ lẽ” được nhiều mảng lý thuyết. Cũng như đến “Ca Trù Thăng Long” 87 Mã Mây, Hà Nội nghe đào nương Phạm Thị Huệ “nức nở” các điệu Ca Trù còn hơn ngồi đọc khảo luận Ca Trù của Gisa Jahnichen.” 



 Cuộc hành trình về Âm Nhạc Việt, tôi đặt tên vậy vì đúng là Phạm Mỹ Lộc hướng về Việt Nam vì khi đó anh đang du học Luật ở Mỹ (1971),  khi tìm hiểu giòng nhạc dân tộc Việt, coi như hoa kết trái vào cuối 2012. Cuốn khảo luận có tên  “Những Nẻo Đường Âm Nhạc Việt” (và bản tiếng Anh “An Odyssey on Viet Music”). PML cho biết anh sẽ phổ biến Lời Dẫn Nhập của cuốn sách và Thư Nhạc Mục trong thời gian gần đây. Trong Lời Dẫn Nhập này, PML nói đến phương pháp nghiên cứu và mang ra những Âm Giai và Điệu Thức mẫu của nền âm nhạc Cổ Truyền Việt Nam, còn phần Dân Ca thì tùy từng vùng có những Âm Giai và Điệu tựa trên những luyến láy ảnh hưởng bởi lối phát âm đặc thù của thổ ngơi địa phương.



Hãy nghe người Tiến sĩ Luật (San Francisco) kiêm nhà khảo cứu Âm Nhạc Việt bày tỏ: “Mong ước của tôi là với công trình nghiên cứu nói trên, tôi tình nguyện sưu tầm những thang âm điệu thức của dân ca, dân nhạc Việt để các nhà soạn nhạc của thế hệ tương lai có sẵn chất liệu tạo thanh khi họ có cảm xúc mãnh liệt muốn sáng tác những tác phẩm giá trị nghệ thuật cao, ngõ hầu đóng góp vào di sản văn hóa Việt và quốc tế.”





[1] Thư viện cá nhân của PML có khá đầy đủ bao gồm những lãnh vực: Địa Lý, Lịch Sử tổng quát, Văn Minh, Phong Tục, Tập Quán, Tục Ngữ, Ca Dao, Phong Dao, Đồng Dao, Truyện Cổ Tích, Âm Nhạc Tôn Giáo (Nhạc Phật, Thánh Ca, Hát Văn), Anh Hùng Ca, Sân Khấu (Tuồng Cổ, Chèo, Cải Lương và Nhạc Tài Tử)), Nhạc Múa, Âm Nhac Cung Đình Triều Nguyễn và Ca Huế, Ca Trù, Lịch Sử Âm Nhạc, Khảo Luận về Lý Thuyết Âm Nhạc Việt, Khảo Luận về Dân Ca, Dân Nhạc Quốc Tế, Nhạc Khí Dân Tộc Việt, Dân Ca Việt Nam (Dân Tộc Kinh gồm Dân Ca Ba Miền và 54 Dân Tộc Thiểu Số.)

[2]
Trong bộ sưu tầm của PML có: đàn Đáy, đàn Nguyệt, đàn Tranh, đàn Bầu, đàn Nhị, Sáo, Tiêu, Phách, Song Lang, đàn Guitar Vọng Cổ…PML cũng sưu tầm đàn Tì Bà và Hồ cầm của Trung Quốc trong chuyến du khảo ở miền Nam Trung Hoa.



[3]



Cuối năm 1999, GS Nguyễn Thuyết Phong có đến nhà PML và trò chuyện với  khi ông nhạc Phật. GS là một chuyên gia về Nhạc Phật tại Á Châu.  Năm 2006 trong buổi nói chuyện “Đi Tìm Di Sản Âm Nhạc Việt” của ông và Giáo Sư Tiến Sĩ Miller tại tòa soạn báo Người Việt Orange County, PML giữ vai trò người điều hợp chương trình.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire