caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 11 mai 2013

Chiếc áo bùa ma

 

 Tác giả: Dino Buzzati
Dịch giả: Đức Lâm
Thể lọai:
Huyền bí





Mặc dù tôi yêu thích sự trang phục lịch sự, nhưng thông thường tôi không hề chú ý đến sự hoàn mỹ dù lớn dù nhỏ của đường nét may cắt từ các bộ đồ  vét mà những người đồng loại với tôi mặc.
Thế mà một buổi chiều nọ, trong một buổi tiệc chiêu đãi tại một nhà xuất bản Milan, tôi gặp một người đàn ông tuổi độ bốn mươi rực rỡ trong bộ đồ vét tuyệt đẹp với đường nét thẳng tắp, thuần mỹ tuyệt đối.


Tôi không biết ông ta là ai, đây là lần đầu tôi gặp ông ấy và trong lúc được giới thiệu, tôi không nghe rõ kịp tên ông ta , một việc thường hay xảy ra vào những dịp như thế. Nhưng vào một lúc nào đó trong buổi chiều, tôi đứng kề cạnh ông ta và chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Ông ta lễ phép và khá lịch thiệp tuy lộ vẻ hơi buồn. Với một sự thân mật có lẽ thái quá - phải chi trời đừng sinh tôi ra như thế ! - tôi khen ngợi ông ta về cung cách ăn mặc lịch sự của ông ta ; và tôi còn cả gan hỏi tên hiệu người thợ may của ông ấy.
Ông ta nở một nụ cười mỉm khó hiểu, tựa như ông đã chờ sẵn câu hỏi ấy.


<<Hầu như chả một ai biết đến người thợ may này cả, ông ta nói, thế mà đó lại là một người thợ tài hoa. Nhưng ông ta chỉ làm việc tùy theo hứng thú. Chỉ làm cho một vài khách hàng thôi.
- Do đó tôi...?
- Ồ ! ông cứ thử, ông cứ thử xem. Ông ta tên là Corticella, Alfonso Corticella, đường Ferrera số 17.
- Ông ta chắc hẳn lấy giá rất đắt, tôi đoán thế.
- Tôi nghĩ thế, vâng, nhưng thật tình mà nói tôi chả biết sao cả. Bộ đồ này ông ta đã may cho tôi cách đây ba năm và ông ta chưa gửi cho tôi hoá đơn.
- Corticella ? đường Ferrara, số 17, ông nói thế ?
- Đúng thế >>, người đàn ông vô danh trả lời.
Và ông ta bỏ mặc tôi đứng đấy để hoà nhập vào một nhóm người khác.
Tại số 17 đường Ferrara tôi tìm thấy một ngôi nhà như bao ngôi nhà khác, và căn nhà của Alfonso Corticella cũng giống như những căn nhà của các thợ may khác. Đích thân ông ấy mở cửa đón tôi. Đó là một cụ già người thấp bé với một mái tóc đen nhánh chắc hẳn là đã được nhuộm.
 
Trước sự ngạc nhiên to lớn  của tôi, ông cụ không làm ra vẻ khó dễ gì cả. Ngược lại ông biểu lộ ý muốn tôi trở thành khách hàng của ông. Tôi giải thích với ông bằng cách nào mà tôi đã có được địa chỉ ông. Tôi khen ngợi ông cụ về đường nét cắt may của ông ấy và nhờ ông may cho tôi một bộ đồ lớn.Chúng tôi chọn một loại vải len mượt màu xám và ông cụ đo lấy kích thước người tôi rồi đề nghị sẽ mang bộ đồ đến tận nhà tôi để thử. Tôi hỏi ông giá tiền. Không có gì gấp cả, ông ấy trả lời tôi, chúng ta sẽ thỏa thuận với nhau thôi. Thật là một người đáng mến ! thoạt đầu tôi nghĩ vậy. Tuy nhiên, một lát sau, trên đường trở về nhà, tôi cảm nhận rằng ông cụ già thấp bé này đã tạo cho tôi môt cái cảm giác khó chịu ( có lẽ vì những nụ cười thật quá mơn trớn và ngọt ngào của ông ta). Nói thực ra tôi không có ý muốn gặp lại ông ta. Thế nhưng bộ đồ đã được đặt rồi. Và độ chừng hai mươi hôm sau nó đã được hoàn tất.  
 
Khi họ giao bộ đồ cho tôi, tôi mặc thử, độ vài giây, trước gương. Đúng là một tuyệt tác. Nhưng không hiểu sao, có thể chỉ vì cái ấn tượng khó chịu mà ông cụ già thấp bé đã để lại trong tôi, tôi không muốn mặc nó. Và nhiều tuần trôi qua trước khi tôi có quyết định.
Ngày hôm đó, tôi sẽ vĩnh viễn nhớ mãi. Đó là vào một ngày thứ ba của tháng tư và trời đổ mưa. Sau khi tôi đã mặc vào người bộ com-lê (complet) - chiếc quần dài, áo gi-lê (gilet) và áo vét - tôi nhận thấy một cách thú vị rằng bộ đồ không gò bó và làm tôi vướng víu ở những khúc khuỳu trên người như những bộ quần áo mới toanh. Thế mà nó lại thật vừa vặn ôm lấy thân hình tôi.
Theo thói quen tôi không để gì cả trong chiếc túi bên phải của áo vét, các giấy tờ tùy thân tôi cho vào chiếc túi bên trái. Vì thế cho nên hai tiếng đồng hồ sau, ở hãng, khi tình cờ thọc tay vào túi áo bên phải, tôi chợt nhận thấy có một mảnh giấy trong túi. Có lẽ là tờ hóa đơn của người thợ may chăng ?
Không. Đấy là tờ giấy bạc mười nghìn lia. (lire : đồng tiền Ý)
Tôi bàng hoàng sửng sốt. Dĩ nhiên là đã không do chính tôi cất vào túi rồi. Với lại thật là điên rồ nếu cho rằng đây là một lối đùa giỡn của ông thợ may Corticella. Lại càng không thể là một món quà của bà giúp việc nhà cho tôi, người duy nhất đã có dịp đến gần bộ đồ sau ông thợ may. Hay đây là tờ giấy bạc của bà Thánh Mẫu Trò Đùa ? Tôi nhìn tờ giấy bạc xuyên qua ánh sáng, tôi so sánh nó với những tờ giấy bạc khác. Không thể nào có tờ giấy bạc nào thật hơn được nữa.
Lời giải thích duy nhất, một sự đãng trí của Corticella. Có thể là một khách hàng đã trả trước cho ông một khoản tiền, và vào lúc đó, ông ta không có ví tiền sẳn đấy và, không muốn vứt tiền bừa bãi, ông ta đã giúi nó vào chiếc áo vét của tôi đang treo trên móc áo. Đấy là những chuyện có thể xảy ra.
Tôi ấn sát nút chiếc chuông  để gọi cô thư ký. Tôi sẽ viết vài giòng cho Corticella và hoàn món tiền này lại cho ông ta vì đó không phải là tiền của tôi. Nhưng, ngay lúc ấy, và tôi không thể giải thích được vì sao, tôi lại cho tay vào túi một lần nữa.
<< Thưa ông, cái gì thế cơ ạ ? Ông không được khoẻ à ? >> cô thư ký buông lời hỏi tôi lúc cô bước vào .
Có lẽ mặt tôi xanh như xác chết. Trong túi áo các ngón tay tôi chạm phải bìa của một mảnh giấy mà trước đó không có nó.
<< Không, không, không sao cả, tôi nói, tôi hơi bị chóng mặt. Dạo này tôi thỉnh thoảng hay bị như thế. Chắc vì bị mệt tí xíu. Cô có thể đi ra được rồi, tôi phải đọc một lá thư cho cô viết nhưng chúng ta sẽ làm chốc nữa.
Chỉ sau khi cô thư ký đã ra khỏi phòng tôi mới rút tờ giấy ra khỏi túi. Đó là một tờ giấy bạc mười nghìn lia khác. Thế là tôi thử thêm một lần thứ ba. Và một tờ giấy bạc thứ ba chui ra.
Tim tôi
bắt đầu đánh trống loạn.Tôi có cảm giác như bị lôi cuốn , bởi  những lý do huyền bí nào đó,  vào trong vũ điệu nhảy múa vòng quanh của một chuyện thần tiên giống như những chuyện thần tiên mà người lớn kể cho con trẻ nghe và không một ai tin là có thật.
Viện cớ là không được khoẻ, tôi rời hãng và về nhà. Tôi cần yên tĩnh một mình. May thay bà giúp việc cho tôi đã xong công việc và đã ra về. Tôi đóng các cửa lại, hạ các tấm sáo xuống và bắt đầu lôi một cách thật nhanh mà sức tôi có thể làm được, những tờ giấy bạc từ tờ này đến tờ khác từ chiếc túi dường như không cạn.
Tôi làm việc với một sự căng thẳng co giựt của các giây thần kinh trong nỗi lo sợ điều huyền diệu kia sẽ ngưng lại trong phút chốc. Tôi có ý định tiếp tục suốt cả buổi chiều, suốt cả đêm để tích tụ hằng tỉ bạc. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, tôi không còn đủ sức nữa.
Trước mặt tôi là một đống giấy bạc đồ sộ. Việc hệ trọng nhất hiện thời là giấu số giấy bạc này, để không một ai biết đến. Tôi dốc một chiếc rương chứa đầy thảm. và, dưới đáy rương, tôi chất vào từng xấp giấy bạc mà tôi đếm lần lượt. Tổng số tiền vượt qua khá xa con số năm mươi triệu.  


Khi tôi tỉnh giấc vào sáng hôm sau, bà giúp việc đã có mặt tại đấy, vẻ mặt sửng sốt khi trông thấy tôi nằm trên giường trong bộ y phục đi làm. Tôi cố gượng cười, giải thích với bà ấy rằng chiều hôm qua tôi lỡ uống rượu quá chén và đã ngã lăn ra ngủ lúc nào không biết.
Thêm một điểm lo ngại khác nữa lại đến : bà ấy tỏ ý muốn giúp tôi cởi áo vét ra để cho bà ta chải sơ lại mặt vải.
Tôi trả lời rằng tôi phải đi ra ngoài ngay và không có thời giờ để thay y phục. Và liền sau đó tôi vội vã đi đến một cửa hiệu chuyên bán y trang để chọn mua một bộ đồ giống như đúc bộ tôi đang mặc; tôi sẽ đưa bộ mới cho bà giúp việc; bộ đồ của tôi, cái bộ mà trong vòng chỉ có vài ngày đã biến tôi trở thành một trong những người có quyền lực nhất trên đời, tôi sẽ giấu nó vào một chỗ kín.
Tôi không hiểu có phải tôi đang mơ chăng, tôi có sung sướng không hay là ngược lại tôi đang ngột thở dưới sức nặng của một định mệnh quá lớn. Trên đường đi, qua lớp áo choàng khoác bên ngoài, tôi sờ nắn không ngừng chiếc túi kỳ diệu. Cứ mỗi lần như thế tôi lại thở ra nhẹ nhõm. Dưới lớp vải tiếng sột soạt của tờ giấy bạc làm tôi vững lòng.
Thế nhưng một việc trùng hợp lạ lùng làm nguội lạnh nỗi vui cuồng điên của tôi. Trên các tờ nhật báo chạy những hàng tít lớn  : sự thông tin về một vụ trộm xảy ra chiều qua chiếm gần như trọn vẹn cả trang đầu. Một chiếc xe thùng bọc sắt của một ngân hàng, sau khi đã lươn qua các chi nhánh của ngân hàng, sắp chở về trụ sở chính  những số tiền thu được trong ngày, đã bị chận lại và bị vơ vét sạch bởi bốn tên cướp tại đường Palmanova. Khi mọi người đổ xô đến, một tên trong bọn cướp, để tháo thân, đã nổ súng. Một người đi đường đã thiệt mạng. Nhưng thực sự chính là con số tiền bị cướp làm tôi chú ý : đúng năm mươi triệu ( như số tiền của tôi).
Có thể nào có một mối liên quan giữa sự giàu có thình lình của tôi với việc đánh cướp này đã xảy ra gần như cùng lúc chăng ? Suy diễn như thế trông có vẻ buồn cười. Và tôi lại không mê tín dị đoan. Dù
sao sự kiện này cũng làm cho tôi rất hoang mang.
Càng có nhiều ta càng ước muốn nhiều. Tôi đã giàu rồi, so với những thói quen sống giản dị của tôi. Nhưng cái ảo tượng của một cuốc sống xa hoa phóng túng kích thích tôi. Và ngay buổi chiều hôm đó tôi bắt đầu làm lại việc ấy.  Bây giờ tôi thực hành một cách bình tĩnh hơn và các giây thần kinh ít căng thẳng hơn. Một trăm ba mươi lăm triệu khác thêm vào cái kho tàng hôm trước.
Đêm hôm đó tôi không tài nào nhắm mắt được. Có phải chăng là sự linh cảm về một mối nguy ? Hay là lương tâm cắn rứt của một người
mặc dù không xứng đáng đã có được một tài sản phi thường ? Hay là một thứ hối hận mơ hồ ? Trời vừa hừng sáng tôi rời khỏi giường, thay quần áo và chạy ra đường tìm mua báo.
Trong khi đọc, tôi kinh hoàng đến nghẹn thở. Một cơn hỏa hoạn khủng khiếp, gây ra bởi một kho tồn dầu hỏa bị bốc cháy, đã hoàn toàn thiêu hủy một căn phố lầu trên con đường San Cloro, ngay giữa trung tâm thành phố. Thêm vào đấy, các tủ sắt của một đại văn phòng địa ốc chứa đựng hơn một trăm ba mươi triệu tiền mặt đã bị thiêu hủy. Hai đội viên cứu hỏa đã bị thiệt mạng trong lúc chữa cháy.
Bây giờ tôi có cần phải liệt kê những tội ác của tôi không ? Vâng, bởi vì từ đây tôi đã hiểu rằng đồng tiền mà cái áo vét mang lại cho tôi đến từ tội lỗi, từ xương máu, từ tuyệt vọng, từ cái chết, nó đến từ
địa ngục. Thế mà bằng một cách lừa lọc xảo trá, cái lẽ phải của tôi từ chối một cách giễu cợt  nhận lấy một phần trách nhiệm nào đó. Và thế là sự cám dỗ trở lại, và thế là bàn tay tôi - thật quá ư dễ dàng - trườn vào chiếc túi áo và những ngón tay tôi, với một cơn khoái lạc đột nhiên, ghì siết bìa góc của một tờ giấy bạc luôn luôn mới tinh. Tiền, ôi đồng tiền thần thánh !
Không dọn khỏi căn nhà cũ của tôi (để tránh sự chú ý tò mò), tôi đã mua cho mình một ngôi biệt thư lớn, tôi có một bộ sưu tập tranh họa quý giá, tôi lái những loại xe đắc tiền và, sau khi nghỉ hãng vì "lý do sức khoẻ", tôi đi du lịch và đi khắp hoàn cầu với những người đàn bà đẹp tuyệt trần.


Tôi thừa hiểu rằng mỗi lần tôi moi tiền từ chiếc áo vét của tôi, thì sẽ xảy ra trên đời một cái gì đó đê tiện và đau thương. Tuy nhiên đó là một sự phù hợp mông lung, không được dựa trên những chứng minh hợp lý. Trong khi chờ đợi, cứ mỗi lần tôi thu thập tiền, lương tri của tôi băng hoại, càng lúc càng thêm hèn hạ. Thế còn người thợ may kia ? Tôi điện cho ông ta để hỏi hóa đơn nhưng không một ai trả lời.
Qua con đường Ferrara người ta cho tôi biết ông ta đã di cư, ông ta đang sống ở nước ngoài, chẳng biết nơi đâu. Tất cả mọi âm mưu cho tôi thấy rằng tôi đã vô tình ký kết với ác quỷ.
Mọi sự kéo dài cho đến cái ngày mà trong căn phố lầu mà tôi cư ngụ từ nhiều năm dài qua, người ta khám phá vào một buổi sáng một người đàn bà về hưu sáu mươi tuổi chết ngạt vì hơi đốt ; bà ta đã tự sát vì bị mất ba mươi nghìn lia tiền hưu mà bà vừa mới lĩnh chiều hôm trước (và số tiền này đã nằm trong tay tôi).
Đủ rồi, đủ rồi ! để khỏi chìm sâu vào vực thẳm, tôi phải vứt bỏ chiếc áo vét của tôi. Nhưng không phải là nhường nó lại cho ai khác, bởi lẽ sự đê hèn kia sẽ vẫn còn tiếp tục ( ai mà có đủ nghị lực để cưỡng lại một sức quyến rũ như thế ?). Việc hủy diệt chiếc áo trở nên cần thiết.

Tôi lái xe đến một thung lũng hoang vắng trong vùng miền núi Alpes. Tôi để xe tại một nền đất đắp cao phủ cỏ và tôi tiến thẳng vào rừng. Không một bóng người lai vãng. Sau khi qua khỏi thị trấn tại đấy, tôi lên đến vùng băng tích đầy sỏi đá. Nơi đây, giữa hai tảng đá khổng lồ, tôi lôi từ chiếc sắc đeo trên lưng cái áo vét bỉ ổi ấy và châm lửa vào. Trong vòng vài phút chỉ còn trơ lại đống tro tàn.
Nhưng dưới ánh sáng của ngọn lửa tàn, sau lưng tôi - cách chừng hai hoặc ba thước có lẽ vậy -, một giọng người vang lên : << Đã trễ rồi, đã trễ rồi ! >> Kinh hoàng tôi xoay người lại trong một động tác đột ngột như thể bị rắn cắn. Nhưng chẳng thấy ai cả. Tôi lùng kiếm chung quanh, nhảy từ khối đá này đến khối đá khác, để lôi bật ra tên khốn kiếp đã giỡn mặt tôi. Không  một ai cả. Chỉ toàn là những khối đá.
Mặc dù còn cảm thấy kinh hoàng, tội đi trở xuống  thung lũng, với một cảm giác nhẹ nhõm. Thế là đựợc tự do. Và may mắn thay lại giàu nữa.

Nhưng trên nền đất cao phủ cỏ, chiếc xe tôi không còn đó nữa. Và khi tôi trở về thành phố, ngôi biệt thự đồ sộ của tôi đã biến mất ; thay vào chỗ đó, một cánh đồng cỏ bỏ hoang với tấm biển nhỏ " Đất công xã cần bán ". Và những trương mục trong ngân hàng của tôi, tôi không biết giải thích ra sao, hoàn toàn cạn sạch. Mất hết từ nhiều tủ sắt của tôi những bó chứng khoán dày cộm. Và bụi bặm, chỉ toàn là bụi bặm, trong chiếc rương cũ.

 

Thế rồi từ đó, tôi đi làm việc trở lại một cách cực nhọc, đời sống tôi thật khó khăn, và thật lạ lùng, chẳng ai tỏ vẻ kinh ngạc về sự sạt nghiệp đột ngột của tôi.
Và tôi thừa hiểu rằng mọi chuyện chưa hẳn là đã chấm dứt. Tôi biết rằng một ngày kia chuông cửa sẽ vang lên, tôi sẽ ra mở cửa và tôi sẽ thấy trước mặt tên thợ may tai hại kia, với nụ cười đê tiện của lão, đến đòi thanh toán món nợ cuối cùng.  
 
Dịch xong ngày 26.10.2007 tại Antony


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire