caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 23 juin 2013

"Trả Nợ " Nguyễn đạt Thịnh - 18.6.2013



 
 
                                                  
                                       Trả Nợ
                                                                                                   Nguyễn đạt Thịnh - 18.6.2013

Chữ "nợ" dùng ở đây không phải là nợ tư - loại nợ sẵn tiền thì trả, nghèo túng thì ... huề, sau khi chủ nợ đưa con nợ ra tòa và tòa thấy con nợ không có khả năng trả nợ.
Món nợ thảo luận trong bài báo này là nợ chung, nợ không vay mà phải trả, nợ vì quốc gia, tiểu bang, hay thị xã phát hành công khố phiếu, và công dân è cổ ra trả ngày phiếu đáo hạn kỳ.
 
Chuyện xẩy ra bên Ý, tại thị xã bờ biển Civitanova Marche, hai con nợ kiệt lực, không còn khả năng trả nợ nữa là bà Anna Maria Sopranzi, 68 tuổi, và ông chồng bà, Romeo Dionisi, 62. Cả 2 vợ chồng đều đã hồi hưu, ông đã lãnh tiền hưu trí, bà lãnh tiền pension. Tiền già, không dư dả gì, nhưng khéo ăn vẫn no, khéo co vẫn ấm.
                                               
                                               Bà Anna Maria Sopranzi và ông Romeo Dionisi
Cái không may của họ là ông chồng vừa nghỉ hưu được 2 năm thì xẩy ra tình trạng suy thoái kinh tế; chính phủ Ý quyết định không tăng thu, mà chỉ giảm chi; không tăng thuế nhà giầu, mà chỉ thắt lưng, buộc bụng nhà nghèo, để trả nợ quốc gia. Tuổi hưu đang từ 60 bị tăng lên 65 khiến ông Romeo hổng giò, vì ông mới 62. Ông mất lương hưu trong tình trạng đã nghỉ việc; xin trở lại làm thì job đã có một thanh niên trẻ trung thay thế từ 2 năm nay.Tiền dành dụm hưu bổng của ông cũng tiêu tùng, vì nghiệp đoàn đem đầu tư và thua lỗ; đang sống tạm đủ với một đầu lương hưu của ông, một đầu tiền pension của bà, cặp vợ chồng già lâm vào cảnh túng thiếu vì mỗi tháng chỉ còn 500 đồng euros (khoảng 650 mỹ kim) để xoay sở. Không có tiền trả tiền mướn nhà họ sắp bị trục xuất, sắp rơi vào cảnh vô gia cư mà tiếng Ý gọi là esodati (kẻ lưu đầy) -được từ điển giải thích là cảnh sống của những lao công già nghèo đói và không có trợ cấp xã hội.
 
Ngày mùng 5 tháng Tư 2013, ông bà viết một lá thư, xin lỗi mọi người, xin lỗi đời, bỏ thư vào xe của người hàng xóm, rồi dắt nhau đi trốn nợ.
Lá thư hướng dẫn nhà chức trách Ý tìm ra chỗ trốn của họ: trong tủ quần áo -ông, bà Sopranzi treo cổ lủng lẳng bên nhau. Anh ruột bà Sopranzi, ông Giuseppe Sopranzi, 73, sau khi nghe cái chết thương tâm của em gái và em rể, ông lừ lừ đi xuống biển Adriatic và không trở lên bờ nữa.
                                               
                                                             Biển Adriatic, một chỗ trốn nợ
Bào chữa cho chính sách không tăng thuế nhà giầu, chỉ thắt lưng buộc bụng nhà nghèo, báo chí Ý nói, liên quan giữa nạn thất nghiệp và hành động tự tử là liên quan giữa nguyên nhân và hậu quả; tình trạng này đã có từ thế kỷ thứ 19, do đó không thể nói là thể chế thắt lưng buộc bụng tạo ra việc 2 vợ chồng bà Sopranzi tự tử. Tại Hoa Kỳ, nạn tự tử cũng leo thang từ năm 2000, nặng nề nhất là những năm suy thoái kinh tế 2007-2009.
Tuy nhiên thống kê lại cho thấy tại những quốc gia Âu Châu áp dụng thể chế thắt lưng buộc bụng, cắt trợ cấp xã hội, giảm ngân sách y tế, giáo dục, như Hy Lạp, Ý và Spain số người tự tử cao hơn những quốc gia vẫn duy trì chế độ trợ cấp xã hội như Đức, Iceland và Thụy Điển.
 
Khoa xã hội học nghiên cứu tương quan giữa suy thoái kinh tế và nạn tự tử cho thấy tình trạng giảm lợi tức không đưa con người đến chỗ tự tử. Chứng minh là cuộc suy thoái lớn năm 1930, hay giai đoạn khối Sô Viết kiệt quệ rồi tan rã, và cuộc khủng hoảng tại Á Châu mới đây không làm gia tăng số người tự tử; nhưng tình trạng bất công xã hội, thể hiện qua thuế khóa tạo ra nhiều cuộc tự tử như hiện nay.
Hy Lạp đang sống trong cảnh y tế khủng hoảng: ngân sách y tế giảm 40% để giảm thâm thủng ngân sách, khiến 35,000 bác sĩ, y tá và nhân viên phục vụ trong sinh hoạt y tế bị sa thải. Bệnh nhân xếp hàng dài dài chờ đến phiên được chăm sóc; dược phẩm tăng giá, số nhi đồng tử vong tăng 40%, bằng số ngân sách cắt giảm.
Thế lực quyết định thắt lưng buộc bụng dân Hy Lạp là bộ ba :
 
 - Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế,
 - Ủy Ban Âu Châu Sự Vụ và
 - Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu.
   Thế lực này quyết định chỉ trợ giúp Hy Lạp nếu chính phủ nước này giảm chi để trả nợ.
 
Trước Hy Lạp, năm 2008 Iceland cũng lâm vào cảnh khủng hoảng kinh tế; 3 ngân hàng thương mại xập tiệm, nợ quốc gia gia tăng, tỉ lệ thất nghiệp không chỉ tăng gấp đôi, gấp ba, mà tăng gấp  9 lần, đồng krona -ngân bản vị của Iceland- mất giá.
Iceland hỏi vay IMF - Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế - và quỹ này đặt điều kiện chỉ cho vay nếu Iceland thắt lưng buộc bụng để tránh thâm thủng ngân sách và trả nợ. Chính phủ Iceland đem vấn đề ra trưng cầu dân ý. Trong 2 cuộc trưng cầu dân ý năm 2010 và 2011, người Iceland đều chọn giải pháp phối hợp vừa tăng thu, vừa giảm chi, trả nợ theo kế hoạch dài hạn chứ không cấp tốc cắt giảm ngân sách, nhất là ngân sách y tế. Năm ngoái -2012- Iceland được đứng trong danh sách của Liên Hiệp Quốc vinh danh những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
 
Trả nợ cũng là vấn đề lớn nhất và phức tạp nhất của Hoa Kỳ từ năm 2009, năm tổng thống Barack Obama bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhất của ông; mặc dù nói chung một ngôn ngữ, nhưng những chính khách Cộng Hòa và Dân Chủ không hiểu giống nhau khi họ nói đến 2 chữ "trả nợ."
Cộng Hòa hiểu trả nợ là bớt chi tiêu, thắt lưng buộc bụng để ngân sách thôi không thâm thủng nữa, mà lại còn thặng dư để trả nợ.
 
Dân Chủ chủ trương không kéo dài thêm đạo luật giảm thuế của tổng thống George W. Bush, hết hiệu lực vào năm 2010, mà gia tăng mức thuế đánh vào 2% dân số giầu có nhất Hoa Kỳ. Đánh thuế nặng giới có lợi tức nhiều, tổng thống Clinton đã tạo ra 2 năm thặng dư ngân sách duy nhất trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ.
Theo CBO (Congressional Budget Office-Phòng Ngân Sách Quốc Hội) - một cơ quan độc lập chính trị, chuyên nghiên cứu về ngân sách Hoa Kỳ - thì chỉ riêng đạo luật giảm thuế, nếu không thay đổi sẽ tạo thêm 3.3 trillions -3,300 tỉ- thất thu trong thời gian 10 năm từ 2011 đến 2020. CBO cũng dự đoán con số thâm thủng ngân sách trong năm 2013 sẽ là $642 tỉ -trên nửa số thâm thủng ngân sách; nếu tăng được thuế đánh vào nhà giầu số thâm thủng sẽ giảm trên một nửa.
Obama quan niệm công bằng thuế khóa là nhà giầu đóng thuế nhiều hơn mức thuế chính phủ thu của quảng đại quần chúng; tuy nhiên quý vị tỉ phú, triệu phú Hoa Kỳ vẫn chưa cần phải lo lắng; lợi tức của quý vị vẫn còn được Hạ Viện Cộng Hòa bảo vệ, ít nhất cũng 19 tháng nữa
Sau đó, nếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2014 cử tri nghèo vẫn cứ dồn phiếu cho chính khách Cộng Hòa, Hạ Viện vẫn nằm trong tay các đảng viên Cộng Hòa, quý vị vẫn có thể ăn no, ngủ kỹ thêm 2 năm nữa.
 
Tiền trả nợ vẫn là số tiền do kiệm ước, thắt lưng buộc bụng nhà nghèo mà ra.
Nguyễn đạt Thịnh 
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire