caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

vendredi 27 septembre 2013

" Bắc Kỳ " Nguyễn Tài Ngọc


Bắc Kỳ
 http://www.saigonocean.com/trangNguyenTaiNgoc/vanNTN.htm


Trong những buổi nói chuyện với bạn bè, nếu người nào nói chuyện gì có vẻ khó tin và rào trước đón sau cao hơn cả bức tường Đông Bá Linh, tôi thường hay nói giễu cợt là họ nói chuyện như người Bắc Kỳ Hà Lội. Bấy lâu nay tôi tưởng đó chỉ là một bình phẩm vô bổ, thế nhưng gần đây và
i người  email “phê bình xây dựng” là tôi không nên nói xấu người Bắc thường nhật vì không phải người Bắc nào cũng như thế. Là người có tinh thần hoà giải luôn có đầu óc cầu tiến, thấy sai thì nhận thức mình đúng ngay lập tức để sửa đổi, tôi hoàn toàn đồng ý không phải tất cả người Bắc nào cũng vẽ hươu vẽ vượn; thế nhưng sự thật là phần đông tính tình người Bắc giống nhau. Mở quyển tự điển Việt Nam của hai tác giả Nguyễn Tài Đức và Nguyễn Tài Tình (hai người này đều là bà con ruột thịt của tôi)  tra khảo chữ “khách sáo”, lời giải thích sẽ là: một người sinh truởng hay có máu mủ liên hệ trực thuộc ở miền Bắc.

Trước khi độc giả cực lực phản đối cho tôi lên đoạn đầu đài là tôi nói xấu người Bắc, tôi xin khẳng định rất tỏ tường tôi không phải là điệp viên nằm vùng quê em miền Tây Ninh trà trộn vào hàng ngũ người miền Bắc làm mật thám: tôi cũng là người miền Bắc.   Bố mẹ tôi sinh ở làng Bách Cốc, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tuy rằng tôi sinh trưởng trong Sàigòn ở nhà thương Đức Chính đường Cao Thắng, đối diện rạp Đại Đồng gần chợ Bàn Cờ, cái văn hóa giáo dục tôi thấm nhuần là từ bố mẹ tôi người miền Bắc, hoàn toàn không có một chút pha loãng hay ảnh hưởng một tí nào của người miền Nam. Thật sự là văn hóa miền Bắc ghi khắc quá sâu đậm trong tôi đến nỗi khi tôi vừa mới lên  lên ba tuổi, bố mẹ tôi đã tốn rất nhiều tiền cho tôi vào trường học sửa giọng để tôi nói “lấy cái chổi”chứ không phải  “nấy cái chủi”, “lái xe” thay vì “nái xe”.

Hạn chế chỉ tiếp xúc với người trong gia đình nên hành động và cư xử của tôi như người miền Bắc từ lúc bé, tôi chỉ phát hiện sự khác biệt giữa Bắc Kỳ và Nam kỳ khi vào học tiểu học. Trước khi đi học, bố tôi đã dậy tôi tập đọc ở nhà, lối dậy đánh vần của bố tôi khác với ở trường cô giáo người miền Nam dậy. Chẳng hạn như chữ “tam”, bố tôi dậy đọc là “te^-a-ta-em-tam”, trong khi cô giáo dậy : “a-em-am, tờ-am-tam”. Chữ “đàn”, bố tôi đọc là “đê-a-đa-en-đan-huyền-đàn”, trong khi cô giáo dậy “a-en-an-huyền-àn, đờ-àn-đàn”. Ban đầu tôi hơi ngớ ngẩn một tí nhưng khám phá ra ngay là tuy khác lối đánh vần, chữ đọc cuối cùng cũng giống nhau. Có một lần khi cãi nhau, tôi nói với người bạn là: “Đồ mặt dầy”. Nó đứng thộn mặt ra, hỏi tôi mặt dầy là mặt gì, tôi cũng không biết làm sao mà giải thích được cho nó hiểu nên cuộc cãi cọ chấm dứt. Làm sao cãi cọ khi hai bên không hiểu nhau? Rồi có những lúc đám bạn Nam Kỳ chọc tôi, hát: “Bắc Kỳ ăn cá rô cây, Ăn nhằm lựu đạn chết cha Bắc Kỳ”, thì tôi biết chắc là tôi không phải là người Nam.

Tôi kể chuyện vòng vo tam quốc như thế để xác định chính tôi cũng là Bắc kỳ, do đó nếu có chỉ trích người Bắc thì  tôi là người tay trong, có đầy đủ thẩm quyền và kinh nghiệm để phân tích và phê bình.

Nước Việt Nam cấu tạo bằng ba miền, Bắc Trung Nam. Vì lịch sử và địa thế, cách phát âm và cá tính của người ba miền khác nhau. Người Việt bắt đầu từ miền Bắc rồi đi dần vào miền Trung và miền Nam. Các vua nhà Trần thôn tính nước Chiêm Thành từ Quảng Bình đến Phú Yên vào thế kỷ thứ Mười Lăm, và  vua Quang Trung Nguyễn Huệ xâm chiếm miền Nam của người Khmer vào thế kỷ Mười Bẩy. Người ở miền Trung do đó phát âm tiếng Việt với âm hoà lẫn của  người Chiêm Thành, và người miền Nam phát âm tiếng Việt hoà lẫn với âm tiếng Khmer. Cộng thêm ảnh hưởng văn hóa, cá tính của người miền Trung và Nam   đặc thù rõ rệt so với người miền Bắc.

Người miền Bắc ảnh hưởng sâu đậm của đạo giáo  Khổng Tử, vua ra vua , tôi ra tôi, kẻ sĩ là kẻ sĩ. Lễ là một đức tính quan trọng trong năm đức tính nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Hơn nghìn năm bị người Tầu đô hộ sáng nào cũng ăn đim-sâm làm người miền Bắc ngao ngán luôn mang ý tưởng nổi dậy đánh đuổi người Trung Hoa dành lại độc lập để có cơ hội ăn lại được bát phở. Người miền Nam ảnh hưởng Phật Giáo, của nền văn minh Khmer,  ruộng lúa phì nhiêu vì nằm trong đồng bằng sông Cửu Long, thức ăn đầy dẫy với  tôm cá,  lúa gạo nên dân tình phè phỡn.  Cá tính của người miền Bắc do đó khác hẳn người miền Nam: Người miền Bắc tiết kiệm, cần cù, siêng năng, khoe khoang, tài giỏi, khéo ăn nói, khách sáo, trong khi người miền Nam hiền từ, chất phác, thành thật, đơn giản, thoải mái trong đời sống, suy nghĩ, thẳng thắn có sao nói vậy.

Tôi lấy vợ người Nam, có bạn cả người Nam lẫn người Bắc nên am tường cả hai nền văn hóa. Trước 75 khi từ ngoài Bắc di cư vào Nam,  chúng tôi không gọi ba má là bố mẹ mà gọi là Thầy U thì đủ biết là tôi hấp thụ nền văn hóa Bắc Kỳ mức thượng thừa đến chừng nào. Người Bắc lúc nào cũng lịch sự, khi nói chuyện với bạn của người thân trong gia đình vai vế nhỏ hơn mình thì luôn luôn hạ danh xưng mình bằng người thấp hơn. Tôi còn nhớ khi còn học tiểu học, một cậu bé đến nhà rủ tôi đi học chung. Lúc ấy tôi đang tắm, bố tôi ngồi trong nhà mới nói với cậu bé:

-Em còn đang tắm, anh vào nhà ngồi chơi một chốc đợi em nó xong thì sẽ ra đi với anh.

Thằng nhỏ người Nam mặt non choẹt, chỉ mới có mười tuổi thấy ông già râu tóc bạc phơ ngồi trên ghế sa-lông gọi mình là anh nên sợ vãi đái ra cả quần không dám đứng đợi tôi, bỏ ù chạy mất.

Sự khách sáo về lễ nghi không phải một sớm một chiều một người có thể  thu hoạch được. Nó giống như bí quyết kiếm hiệp huyền bí Tịch Tà Kiếm Phổ trong Lục Mạch Thần Kiếm phải tu luyện trên núi Bảo Long ba mươi năm mới trở nên cao thủ võ lâm. Bố mẹ dậy  ngày đêm hết năm này sang năm khác, bị chửi te tua “Dậy con như nước đổ lá khoai!”, “Cái thằng tối như đêm, dầy như đất!”, “Nói con như nói van nói lậy!” thì mới trở nên điêu luyện trong việc khách sáo.

Một lần lễ lộc nhà nấu xôi chè, sau khi cúng kiếng và gia đình đã ăn xong, mẹ tôi sới xôi và chè ra hai bát nhỏ –xôi chè vẫn còn rất nhiều ở trong nồi- và bảo anh tôi, lúc bấy giờ khoảng chừng sáu tuổi, mang sang biếu nhà bà Bác ở xóm kế bên.

Anh tôi khệ nệ bưng hai bát xôi chè sang nhà bà Bác và trở về nhà mười lăm phút sau với bộ mặt tươi rói, báo cáo với bố tôi là sứ mạng đã hoàn thành:

-Thưa Thầy con đã mang chè sang biếu Bác.
-Con giỏi lắm. Bác có nhà không con?
-Vâng, Bác có nhà. Bác ăn chè ngay vì Bác nói Bác đang đói bụng.
-Thế Bác có nói gì không?
-Bác bảo về nói với U là U nấu chè ngon, và cảm ơn Thầy U.
-Con mang sang cho Bác, có nói gì với Bác không?
-Dạ, con nói với Bác  nhà cháu ăn thừa mang sang biếu Bác...

Bố tôi nghe đến đây thì nổi ngay lên một cơn nhồi máu cơ tim:
-Ối giời ơi cái thằng chết tiệt! Ai bảo con lại nói thế? Cái thằng tối như đêm, dầy như đất!

Bố tôi giận dữ vì quá hiển nhên là anh tôi trình độ khách sáo vẫn còn quá sơ đẳng, thấy sao nói vậy người ơi. Nhưng nhận thức ra lỗi này không phải là lỗi của anh tôi mà là là lỗi chính mình chưa rèn luyện chín chắn cho con nên bố tôi phải dành ra vài phút thì giờ huấn luyện anh tôi lại cho thấu đáo nền văn hóa Bắc Kỳ:

-Bận sau con không nên nói như thế. Khi mang biếu cho Bà hay bất cứ ai, con phải nói là U cháu trước khi nấu món này cả tháng trước đó chỉ nghĩ đến Bác. Đêm qua U cháu trước khi nấu đã  trằn trọc cả đêm vì cứ hình dung là Bác ăn bát chè sẽ thấy ngon miệng vì U cháu nấu chỉ quyết ý dành riêng cho Bác....

Khách sáo có nghĩa là có tính chất xã giao, lịch sự bên ngoài, không thật lòng. Vì vậy mà tuy rằng gia đình nghèo rớt mồng tơi, các con đứa nào cũng được bố dặn dò kỹ lưỡng là ai cho gì cũng không lấy, có đói đến đâu, đến nhà người khác được  mời ăn thì cũng phải từ chối. Mang cái chỉ thị tối cao như vậy nên ngày xưa tôi chỉ thích đến nhà bạn người Nam vì nếu ba má chúng nó mời ăn uống, tôi không bao giờ trả lời không;  trong khi đó nếu đến nhà bạn Bắc Kỳ, lúc nào cũng vậy, chưa đến mà tôi đã no tuy rằng trong bụng thì đói meo khi được bố mẹ bạn mời: “Dạ, cháu mới ăn ở nhà”, “Không cháu không uống”.

Chữ khách sáo bao hàm ý nghĩ không thật lòng nên nói chuyện với người Bắc một người  lúc nào cũng nên đề cao cảnh giác như ngày xưa lính Việt Nam Cộng Hòa đứng gác sông Bến Hải vĩ tuyến thứ 17 vì không biết đâu là hư, đâu là thực. Chỉ có người Bắc uyên thâm có bằng Tiến Sĩ, Thạc Sĩ, đầu óc mới thông suốt để đoán biết lúc nào người Bắc nói thật, lúc nào ý của họ ngược lại 180 độ. Một cô bạn vợ tôi ngưởi Nam lấy chồng người Bắc, nhà ở California, sang thăm mẹ chồng ở Ohio. Máy bay đến khuya, sáng 7:30 bà mẹ chồng đã đến gõ cửa phòng hỏi dậy chưa. Cô ta trả lời vẫn còn ngái ngủ. Bà mẹ chồng trả lời: “Thế thì con cứ ngủ tiếp đi nhé, chừng nào dậy cũng được”. Cô bạn người Nam của vợ tôi không có kinh nghiệm chiến trường giao thiệp với người Bắc nên tưởng bà ấy nói thật, ngủ luôn một mạch cho đến 11 giờ. Trong thời gian này thì bà mẹ chồng đã nấu điểm tâm cho thằng con trai ăn sáng, rồi bắt đầu chuẩn bị cho buổi ăn trưa. Về nhà sau này anh chồng kể bị bà mẹ dũa thê thảm là lấy con vợ không có ý tứ, sáng không biết dậy sớm lo điểm tâm cho chồng hay cho bố mẹ chồng. Cô bạn vợ tôi nói : “Chính bả nói mình cứ ngủ, mình nghe lời bả ngủ  tiếp mà bả lại chửi mình!”

Vợ tôi là người miền Nam, khi lấy tôi đã học xong đại học Văn Khoa ở Việt Nam, đang học dở chừng đại học bên Paris, sang đây học tiếp đại học Mỹ nên đầu óc tương đối thông suốt: chỉ trong vòng vài tháng đầu là nàng đã tiếp thụ được lối nói chuyện vòng vo tam quốc của người Bắc gia đình chúng tôi thay vì đi vào thẳng vấn đề. Mỗi lần nàng xuống bếp, chỉ cần nàng nói: “Cái bếp hôm nay sao bẩn quá” là tôi tự khắc hiểu ý nàng nói ngay là “Anh Ngọc đi lau cái bếp!”, tôi phải nhanh chân đi lau bếp; hay hôm nào đi làm về nàng nói: “Hôm nay sao Loan thấy hơi nhức đầu”, là tôi hiểu ngay ý nàng nói “Tối nay Loan không nấu cơm”, tôi tự động chèo thuyền ra sông Đồng Nai câu cá về chiên ăn một mình. Nói thế nhưng không có nghĩa lúc nào tôi cũng hiểu ý nàng. Có một lần đứng trong phòng khách, nàng nói “Nhà mình sơn mầu khác chắc đẹp”, tôi dịch nghĩa ngay là: “Anh Ngọc, sơn nhà bên trong mầu khác!”. Phòng có nhiều đến đâu, cực đến đâu đi nữa tôi cũng có khả năng sơn lại cả căn nhà, thế  nhưng phòng khách nhà tôi khoảng khoát, trần nhà cao hai tầng không cách gì tôi sơn được ngoại trừ mướn thợ với cầu thang chuyên môn có thể với tuốt tận trên cao để sơn trần nhà. Khảo giá thì thợ nói sơn lại cả bên trong nhà khoảng $2,000 làm tôi bệnh mấy ngày liền vì nếu tôi sơn thì chỉ tốn $500 là cao lắm. Lo lắng vài tuần mất ăn mất ngủ, tội sụt cân vài pounds. Nàng hỏi lý do thì tôi thú thật trả lời. Lúc ấy nàng mới cho tôi biết là nàng không có ý muốn tôi sơn lại nhà, chỉ nói một câu bâng quơ vậy thôi!

Khi mình nói chuyện có tính chất bên ngoài không thật lòng thì từ điểm đó đến điểm nói chuyện phóng đại tô mầu Eastmancolor cũng không xa nhau là mấy. Ở điểm này, người Bắc cũng bỏ xa người miền Nam, đặc biệt là người sinh sống ở miền Bắc . 
   
Tôi có một người chị cùng cha khác mẹ ở Nam Định tên là chị Hiền. Sau khi bố tôi di cư vào Nam thì khoảng năm 1960 mọi liên lạc thư từ bị miền Bắc cắt đứt nên hai bên không biết tin tức nhau. Đến năm 1995 khi tôi về Sàigòn lần đầu tiên, thăm một gia đình họ hàng xa ở Vũng Tầu, những người này vẫn còn liên lạc với gia đình người chị tôi ở ngoài Bắc nên họ dẫn tôi ra bưu điện để gọi điện thoại ra Nam Định để nói chuyện với chị ấy:

-Thưa chị, em là Ngọc, con thứ năm của Thầy U. U và cả gia đình sang định cư bên Mỹ từ năm 1975, hiện tất cả  bình yên. Em là người đầu tiên trong gia đình về lại Sàigòn thăm nhà. Lúc  Thầy U vào Nam thì em chưa sinh...
-Giời ơi, Ngọc đã về quê hương đấy à. Chị tôi khóc nức nở rồi nói tiếp:
-Lúc em sinh ở Sàigòn chị có biết vì Thầy U có biên thư cho chị.
-Anh chị không bận thì vào Sàigòn thăm em, em có một tí quà biếu anh chị.
-Chị yếu lắm, đi tầu hoả 40 giờ vào trong Nam chị rất là ngại. Em đã đi xa xôi vạn dăm từ Mỹ về Việt Nam mà sao em không đi nốt ra Bắc thăm chị?

Rời Việt Nam tháng 4 năm 1975, trở về Sàigòn lần đầu tiên hai mươi năm sau nơi căn nhà cũ và những đường phố  quen thuộc từng sinh sống  mà tôi còn lo sợ không yên lòng, huống gì nói chuyện đi ra Bắc? Đã thế người nhà họ hàng tôi ở Vũng Tầu ai cũng một lòng ngăn cản tôi không nên đi: “Chú đi ra ngoài Bắc thì thế nào họ cũng thịt chú. Cướp bóc nhiều lắm!”. Vì thế, dù rằng tôi rất ước ao gặp lại người chị cùng máu mủ từ bố tôi nhưng tôi không dám ra Bắc mà muốn chị ấy vào Nam để chị em gặp nhau.

-Em ngại ra Bắc...
-Thôi em nói chuyện với anh Lễ nhé. Anh Lễ là chồng của chị tôi, chị trao máy cho anh Lễ:
-Cậu Ngọc đã về Việt Nam rồi đấy à?
-Thưa vâng.
-Từ ngày miền Nam được giải phóng, anh chị đã tưởng gặp lại Thầy U và các em, thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn cháu Vinh và Toàn tập kết vào Nam báo tin cho anh chị hay là Thầy đã mất từ năm 1970, còn U và các em đã đi đâu mất làm anh chị khóc cả mấy ngày đêm. Sau này biết U và các em định cư ở Mỹ anh chị cũng mừng. Giờ thì em đã về lại quê hương, giòng máu mủ duy nhất của Thầy mà em lại không ra Bắc thăm anh chị...
-Em sợ lắm. Em nhất định không đi.
-Nếu thế thì anh và cháu Tuấn đi xe hoả vào thành phố đón cậu ra đây. Nhà ta có chú Biên trong quân đội, sẽ ra đón cậu ở nhà ga, cậu không phải sợ gì cả.

Sau khi anh ấy nài nỉ đến bao nhiêu lần, cuối cùng tôi cũng xiêu lòng theo lời đề nghị, chờ anh ấy và cậu con trai vào Nam rồi tháp tùng tôi ra Bắc.

Tôi xuống nhà ga Nam Định sau khi ngồi trong chuyến tầu hoả kinh hoàng gần 44 giờ, và đúng như anh Lễ nói, anh Biên, đại gia đình vợ chồng anh Lễ chị Hiền cùng con , cháu , chắt, và bao nhiêu là người lạ đã đến đón vợ chồng chúng tôi. Từ nhà ga đi bộ về  nhà khoảng chừng hai cây số. Nhận thấy chúng tôi là người ở ngoại quốc về, những người khác ở trong làng túa ra đi bộ với chúng tôi càng ngày càng đông, cho đến khi về đến nhà thì tôi không còn biết ai là ai vì số người đứng vây quanh tôi đông vô số kể. Trong bao nhiêu tiếng xì xầm bàn tán về tôi, tôi bỗng nghe tiếng đàm thoại rất rõ của hai đứa nhỏ nói chuyện đứng ngay kế bên tôi:

-Ai đấy? Một thằng bé người lạ hỏi.
-Ông tao đấy. Ông tao ở Mỹ mới về.

Chị của tôi năm nay 70 tuổi, đã có con lẫn cháu chắt, nên tôi là vai ông với những đứa  cháu chắt này. Tôi nghĩ thằng bé đang nói là một trong những đứa cháu chắt của chị ấy đang nói về tôi.

-Thế ông mày nói tiếng gì?
-Ông tao đấy hả? Gớm, ông tao nói tiếng Mỹ, tiếng Tây, tiếng Tầu..,. tiếng gì cũng được cả.

Tôi nghe thằng bé nói mà trố mắt nhìn xem mặt mày nó ra như thế nào. Nó non choẹt, chỉ độ chừng bẩy tuổi là cùng, chưa bao giờ gặp tôi, tôi cũng chưa bao giờ biết nó. Thế mà nó đã khoe xoen xoét ông của nó – là tôi-  với thằng bạn nó là tôi nói đủ thứ tiếng!

Chị tôi mừng vô hạn khi gặp lại tôi.  Hai bàn tay gầy guộc dơ xương của chị ấy cứ bấu chặt vào tay và vai của tôi trong khi nước mắt chị khóc ròng.

-Thầy mất chị không đươc gặp Thầy nhưng bây giờ gặp được em, xem như là chị cũng mãn nguyện rồi. Em giống Thầy như đúc...

Tuy mừng gặp lại người chị cùng cha khác mẹ, tôi vẫn còn mối quan tâm trong lòng về tình trạng an ninh ở ngoài Bắc mà người thân trong Nam đã nói cho tôi biết. Có lẽ biết được nỗi lo sợ của tôi, anh Lễ  xen vào:

-Cậu có thấy là ở đây bình yên vô sự làm gì có cướp bóc phải không? Người ở trong Nam họ nói láo, hăm dọa cậu không muốn cậu ra Bắc, cố tình ngăn chận tình ruột thịt của anh chị em mình chứ ngoài Bắc làm gì có cướp bóc, cậu thấy không? Tất cả mọi sự đều bình thản vô .

Đêm hôm ấy ngủ trên gác nhà chị Hiền mà tôi trọc trằn ngủ không yên tuy rằng đã được anh Lễ trấn an ngoài Bắc không có chuyện cướp bóc. Giữa đêm tôi xuống dưới nhà vì cần đi toilette. Căn nhà này bước vào là phòng khách, dài khoảng bẩy thước , rồi có một gian trống khoảng bốn thuớc không có nóc nhà nhìn thẳng lên trời chị tôi dùng làm nhà bếp. Sau gian trống này là một gian nhỏ toilette và chỗ để tắm. Từ phòng khách muốn đi toilette phải mở cửa đi vào nhà bếp trước. Ban đêm trời tối đen như mực không thấy gì ở phía truớc, tôi mò mẫm vịn thành thang gác xuống lầu rồi chậm chạp tiến về cửa hướng ra nhà bếp. Sờ soạng được mặt cửa, tôi mò tay xuống quả đấm, xoay đẩy cửa ra ngoài thì tiếng soong chảo khoảng dưới cánh cửa rớt đổ vang ầm trong đêm tối, to còn hơn bom nguyên tử nổ ở Nagasaki . Tôi bàng hoàng, chưa đoán biết sự gì đã xẩy ra thì cái đèn vàng héo hắt trong nhà ai đã bật lên. Nhìn kỹ lại tôi thấy anh Lễ đang ngủ ở giường kế bên cửa đã bật ngồi dậy và với tay vào công-tắc bật đèn lên vì tiếng động khua anh ấy dậy. Qua ánh đèn,  bây giờ tôi mới biết tại sao có tiếng soong chảo rớt đổ: Nhà nghèo cửa mở ra sau nhà bếp không có khóa nên anh Lễ ban đêm sợ ăn trộm vào nhà nên để vài nồi niêu soong chảo ngay dưới bực cửa. Ai mở cửa ra là nồi sẽ rớt xuống đất, tạo ra một hệ thống báo động ăn trộm cực kỳ tinh vi không tốn một đồng xu nào.

Nhà chị tôi nghèo, chả có gì đáng ăn cắp mà anh tôi còn “gắn” hệ thống báo động ăn trộm soong chảo, thế mà vào lúc ban ngày anh ấy nói với tôi là ngoài Bắc không có cướp, tôi cứ thoải mái vô tư! Đúng là chỉ có người Bắc chúng tôi mới ba hoa chích chòe đến thế!

Cái tật vẽ hươu vẽ vượn của người Bắc nó đã tồn tại từ cả nghìn năm nay. Lịch sử Việt Nam chúng ta có nhiều bằng chứng cụ thể : Phù Đổng Thiên Vương lên ba không biết nói cười nhưng khi có giặc Ân tràn xuống thì vươn vai thành người ba trượng cỡi ngựa đánh tan quân giặc, Lý Thuờng Kiệt giả cho người vào đền thờ ngâm thơ bài Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư trong đêm để vận đông tinh thần binh sĩ đánh bại quân nhà Tống. Một thói quen hay tật xấu thường hay khó thay đổi. Trường hợp tôi cũng là thí dụ điển hình. Cho dù tôi có óc sửa sai đến đâu để cải tiến, có nhận thấy người Bắc có nhiều khuyết điểm sai lầm đến đâu để sửa đồi,   vợ tôi người Nam cứ khen người Bắc phát âm chính xác, nói năng bặt thiệp lưu loát thì chắc chắn đến Tết Congo người Bắc chúng tôi sẽ không bao giờ có sự thay đổi!


Nguyễn Tài Ngọc





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire