Bà Cẩm Lợi
Nguyễn Tường Thiết
Một lần. Buổi trưa. Lâu rồi. Mẹ tôi ngồi nhặt cau trên sập gụ. Tôi nằm ngửa bên cạnh bà, hai tay cầm giơ trước mặt cuốn truyện Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Đọc đến đoạn cảnh mẹ chồng ác nghiệt với con dâu, tôi nhỏm dậy hỏi mẹ tôi: “Mợ này, mợ có phải chịu cảnh mẹ chồng nàng dâu như cậu tả trong truyện không?”. Mẹ tôi ngửng lên nhìn tôi nói: “Đấy là cậu viết tiểu thuyết... Bà nội con có khó tính thật nhưng đâu đến nỗi khắc nghiệt thế...”. Rồi mẹ tôi tiếp tục nhặt cau. Lát sau, khi tôi đang đọc tiếp cuốn truyện thì có tiếng bà bên tai: “Khi bà nội con có chuyện gì không bằng lòng thì bà đổi cách gọi. Thường thì bà kêu mợ là bà Tam. Bà Tam ơi! Ra tôi bảo cái này... Gọi thế là âu yếm đấy. Nhưng khi bà đổi giọng gọi thế này thì mợ biết ngay là sắp sửa có gì to chuyện: Này! bà Cẩm Lợi! Nghe tôi nói đây!”.
Tại sao bà nội tôi lại yêu bà Tam và ghét bà Cẩm Lợi nhỉ? Bởi vì với tôi, không bao giờ mẹ tôi là bà Tam, không bao giờ mẹ tôi là bà Nhất Linh. Với tôi, mẹ tôi luôn luôn là bà Cẩm Lợi, từ ngày tôi lọt lòng mẹ tôi cho đến ngày mẹ tôi qua đời. Cuộc đời của bà gắn liền với cái tên hiệu Cẩm Lợi và cái tên hiệu này gắn liền với những hạt cau khô, mặc dù đôi lúc Cẩm Lợi còn bán cả cá mắm, cá khô, thậm chí còn là tên của một tiệm may y phục phụ nữ...
Từ những ngày rất xa xưa ở Hà Nội ở căn nhà số 9 Hàng Bè trước khi tản cư và số 15 Hàng Bè sau khi tản cư về, tuổi thơ tôi lớn lên bên những bồ cau và mùi diêm sinh. Căn nhà rộng có nhiều phòng. Nguyên một phòng giữa chứa đầy những bồ cau, chất chồng lên nhau đến sát trần. Thuở bé chúng tôi thường chơi trò đi trốn và căn buồng đó, tối tăm và nhiều ngõ ngách giữa những bồ cau, là nơi đi trốn lý tưởng. Tôi thường trèo lên những bồ cau trên cao gần đụng trần, nằm áp mặt trên những bao tải, cảm thấy cái vải bố nháp in hằn trên má và thở cái mùi cau khô toát từ những bao bố. Mẹ tôi kinh hoảng khi khám phá ra cái trò chơi nguy hiểm này của chúng tôi: “Mấy cái bồ cau nó mà đổ xuống thì chúng bay cứ mà chết bẹp!”. Mẹ tôi khi mắng chúng tôi hẳn là bà nghĩ tới cái tai nạn chết đuối đã giết chị Thanh tôi trong cái ao ở trại Cẩm Giàng.
Thuở ấy những người đàn ông hình như trốn tiêu đâu mất cả. Tôi lớn lên như người không cha. Chả ai hỏi tôi ông Tam đâu hay ông Nhất Linh đâu? Luôn luôn người ta gõ cửa rồi thò cái đầu vào hỏi: “Có bà Cẩm Lợi ở nhà không?”. Chả bao giờ tôi thấy ông nội ông ngoại, bố tôi hoặc các bác các chú. Xúm lại quanh tôi toàn những đàn bà: bà nội, bà ngoại, bà mẹ, bà vú, và một đống bà cô bà thím.... Không có ông Nhất Linh, ông Hoàng Đạo, ông Thạch Lam. Chỉ có bà Cẩm Lợi, thím Long, thím Sáu... như thể một bên là tiểu thuyết, một bên là đời thường.
Bà Cẩm Lợi ngồi nhặt cau trên sập gụ. Đó là hình ảnh quen thuộc đã ăn sâu trong ký ức tôi từ ngày tấm bé. Đầu vấn khăn, chiếc áo cánh trắng, chiếc quần lĩnh đen, mẹ tôi cúi xuống chà chà cho sạch những hạt cau khô ẩm bị xanh mốc. Trên chiếc sập gụ giang sơn riêng của bà, mẹ tôi vừa nhặt cau, vừa tiếp khách hàng, vừa đôn đốc đám người làm, vừa chơi rỡn nựng nịu con cháu. Đêm đến khi căn nhà đã chìm vào yên vắng bà trải trên sập đống giấy bạc kiếm được trong ngày, đếm từng tờ và xếp buộc thành bó dầy cộm rồi cất trong chiếc két sắt trước khi bà ngủ trên sập gụ ấy. Trong túi áo cánh của bà lúc nào cũng xệ xuống một chùm chìa khoá nặng chịch. Mẹ tôi hay dùng chùm chìa khoá này làm đồ chơi cho trẻ con, bà lắc lắc chùm chìa khóa kêu rộn ràng trước mặt đứa bé cho đến khi nào nó ngoẻn miệng cười mới thôi.
Người đàn bà già nhất sống gần tôi thuở nhỏ là bà ngoại. Bà chết lúc tôi còn bé nên tôi chả nhớ gì nhiều về bà. Hình như người bà gầy đét. Vấn khăn. Răng đen. Một bà già trầu điển hình. Kỷ niệm của tôi thời thơ ấu nếu có chừa một chỗ nhỏ cho bà thì lại là một kỷ niệm không mấy gì đẹp đẽ. Xấu hổ là đằng khác. Hồi đó tôi ngủ chung giường với bà ngoại. Trong một căn buồng trên gác của căn nhà số 15 Hàng Bè. Trước buồng là một hành lang hẹp trông ra phố. Có một đêm ăn phải cái gì mà tôi mót đi cầu quá. Nghĩ tới chuyện phải mò xuống cái cầu tiêu hôi thối ở mãi tít sau nhà dưới giữa đêm tối lại phải lần qua những bồ cau mà tôi lạnh cả người. Bước ra ngoài hành lang người đã bủn rủn. Tôi bèn nghĩ ra một cách giải quyết rất gọn là ngồi phịch xuống ở một góc làm một bãi tướng. Sáng hôm sau ngủ dậy tôi ra hành lang nhìn thì ô hay cái sàn sạch bóng! Mình có ngủ mơ không chứ? Buổi trưa ăn cơm tôi nghe hai người làm nói chuyện với nhau: “Rõ khổ! Cụ bây giờ già lẫn quá rồi... Cứ bạ đâu là ỉa đó!”. Khám phá ra điều bí mật này, sau đó tôi còn làm thêm vài bãi nữa và đều bình an vô sự!
Bà nội tôi thì trái lại có tướng võ, người cao to. Dưới mắt tôi hồi nhỏ bà nội trông như đàn ông. Gương mặt bà có đường nét không thể lẫn với ai. Đôi mày rậm, mắt sâu, sống mũi cao. Cái tướng đó mà chui vào chiếc áo tu hành tôi thấy có vẻ lệch lạc. Từ một thuở xa nhất, hồi ở Cẩm Giàng lúc tôi mới lên năm, hình ảnh và tiếng tụng kinh của bà đã thấm sâu vào tuổi thơ tôi. Bà ngồi trên sập, khoác áo nâu sồng, một tay chắp trước ngực, một tay gõ mõ. Nam mô a di đà Phật... Nam mô á di đà Phật... Nam mô ạ di đà Phật... Tiếng tụng kinh đều đều tôi nghe cứ nhỏ dần đi như tiếng kêu rỉ rả của những con ve sầu. Tôi lại có cảm tưởng như bà vừa ngủ vừa tụng, lâu lâu chợt thức, tiếng tụng bỗng to lên như tiếng ve ran. Và như một giọng ru buồn nản Nam mô a di đà Phật đã trôi vào giấc ngủ ấu thơ của tôi.
Sau này biết rõ hơn về bà nội tôi thấy bà là người phi thường. Chồng chết khi bà mới 37 tuổi, một mình xây dựng và cai quản cả một dinh cơ Cẩm Giàng, lại nuôi bẩy con trở thành những người lỗi lạc. Một người đàn bà như thế “dễ có mấy tay” phải là người cứng rắn và độc đoán. Mẹ tôi vào làm dâu nhà bà, lại không phải đến từ một gia đình giầu có và danh vọng, chắc chắn phải chịu cảnh “mẹ chồng nàng dâu” nếu không quá quắt như bà phán Lợi trong Đoạn Tuyệt thì cũng khó sống cho yên.
Thế mà mỗi lần có gì không vừa ý bà nội Lê thị Sâm chỉ lôi tên bà Cẩm Lợi ra nhiếc. Mẹ tôi quả là người may mắn! Gần đây đọc cuốn hồi ký của cô Năm tôi (Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường - Nguyễn Thị Thế) đoạn viết bà nội đối xử nghiêm khắc và độc đoán với người con gái duy nhất của bà, tôi hiểu là vì sao mẹ tôi may mắn hơn cô Năm. Bà nội tôi và mẹ tôi (và có lẽ phần lớn những bà mẹ của thế hệ ấy) có một điểm giống nhau. Đó là đối xử thiên lệch với con cái: con trai bao giờ cũng được cưng chiều và nể trọng hơn. Huống hồ trong số sáu người con trai, bà nội tôi hình như lại yêu và nể bố tôi nhất. Tôi nghĩ rằng khi bà nội gọi mẹ tôi bằng cái tên thân thương “bà Tam”, bà đã gửi cái trìu mến về người con trai thứ ba của bà. Cộng thêm vào đó mẹ tôi lại là một người hết sức khéo léo trong cách ăn ở. Chả thế mà trong gia đình nội ngoại chúng tôi nói đùa là mẹ tôi đã tước cái chức bộ trưởng ngoại giao của bố tôi.
Dưới mắt tôi mẹ tôi không bao giờ là người đàn bà đẹp. Đôi lúc tôi còn thấy xấu là đằng khác. Có thể là vì khi tôi được sinh ra đời mẹ tôi đã đẻ trên mười người con. “Đẻ như thế thì còn gì là người”. Tôi nghĩ. Hơn thế nữa qua hình ảnh bà Cẩm Lợi mẹ tôi lúc nào trông cũng lam lũ và luộm thuộm. Một hình ảnh và một nhan sắc như thế làm sao mê hoặc được bố tôi nhỉ? Cho đến mãi gần đây chị Thoa tôi từ bên Pháp gửi tôi một tấm ảnh rất cũ, chụp tám năm trước khi tôi lọt lòng mẹ, lần đầu tiên tôi mới thấy dung nhan của bà thời trẻ. Một người đàn bà đẹp. Bức ảnh chụp năm 1932, mẹ tôi 25 tuổi. Năm ấy mẹ tôi dẫn chị Thư tôi, lúc ấy 5 tuổi, đi dự thi trẻ em đẹp và chị tôi được chấm giải nhất. Tôi nhìn đôi mắt của bà trong ảnh và chợt nhớ tới đoạn viết của nữ sĩ Anh Thơ. Đôi mắt bà chớp chớp. Tôi chợt thấy đôi mắt bà đẹp quá! Một đôi mắt to mênh mông, có hàng mi dài óng ả. Rồi tôi chợt thấy thương mẹ tôi quá! Một lòng thương cũng mênh mông như đôi mắt to của bà. Nông nỗi nào mà người đàn bà trong ảnh bỗng trở thành bà Cẩm Lợi tiều tụy như thế trong tâm trí tôi?
Những năm tháng tôi sống ở Hà Nội phố Hàng Bè là thời gian tôi sống lêu lổng và làm buồn lòng mẹ tôi không ít. Bố tôi biến đâu mất ở bên Tàu, mẹ tôi suốt ngày đánh vật với các bồ cau, lũ chúng tôi lớn lên hoang như cây cỏ. Một bữa tôi thấy trên tủ chè có một chai nước màu đỏ đỏ, dán nhãn hiệu tiếng tây, lại có vẽ hình con mèo, tôi nhấp thử thấy nó ngọt ngọt ngon ngon, bèn rủ thằng Thái em tôi mỗi đứa nốc mấy ngụm. Mẹ tôi đi chợ về trông thấy hai đứa con của bà nằm lăn lóc, mặt đỏ tiá, nói lảm nhảm thì biết ngay. Bà quát người làm lấy nước chanh cho chúng tôi uống và mắng họ là từ rầy rượu phải cất trong tủ chè khoá trái lại.
Thuở mẫu giáo tôi ở nội trú cùng với chị Thoa tôi trong trường bà sơ phố nhà Chung gần nhà thờ lớn Hà Nội. Trường có tường cao quét vôi vàng bao quanh nom như một nhà tù. Tôi sợ nhất là nhìn các bà sơ mặc áo đen cúi mặt đi lại trên hành lang. Họ lướt yên lặng như những bóng ma. Giờ ăn cũng không được nói chuyện. Tôi phải đứng nghiêm cùng với đám học trò mặc đồng phục đọc kinh. Lạy cha chúng tôi ở trên lời... Chúng tôi nguyện danh cha cả sáng... Tuổi thơ của tôi hết nghe tiếng niệm Phật lại nghe tiếng cầu kinh. Lớn lên tôi chả biết tôn giáo nào để theo.
Lên tiểu học chị Thoa sang học trường Thanh Quan còn tôi học trường Hàng Vôi. Nhưng tôi thường trốn học đi xem xi nê tặc-dzăng ở rạp Lửa Hồng hoặc giao du với đám trẻ mất dậy ở ngõ Phát Lộc. Cầm đầu bọn quỷ sứ thời ấy là tay Đỗ Bá Viễn. Hắn hơn tôi mấy tuổi, lõi đời. Hắn bầy cách cho tôi lấy cắp tiền của mẹ tôi. Cách ấy thật là thần sầu. Chả là tôi cứ bị ám ảnh bởi cái túi áo cánh lúc nào cũng xệ xuống của mẹ tôi, trong đó là chùm chìa khóa. Trong chùm ấy cái chìa to nhất, không phải là chìa bẹt mà là chìa ống có khía ở đầu, dùng để mở cái két to tướng và nặng nề. Thằng Viễn bảo tôi phải đánh cắp cái chìa khoá ấy. Nhưng mẹ tôi lúc nào cũng ôm chìa khoá trong người ngay cả lúc bà ngủ. Thằng Viễn chờ mãi thấy tôi không lấy được chìa khóa nó bèn nghĩ cách khác. Nó cầu cứu thằng Đồng con ông thợ khóa ở phố Hàng Mắm. Thằng Đồng đưa tôi một miếng gì dẻo dẻo trông như ruột bánh mì, bảo tôi đút vào lỗ khoá, chờ cho khô thì rút ra. Rồi nó đem cái khuôn bánh mì ấy về cho bố nó đúc thành chìa. Mở được két tôi hoa cả mắt lên vì trong két nhiều tiền quá. Tôi vớ đại một bó. Mấy hôm sau tôi kinh hoảng thấy mẹ tôi la lối tra khảo người làm đã lấy cắp tiền của bà. Mẹ tôi cho là mình mất tiền trong lúc đếm bạc chứ không nghĩ là ai có thể mở được cái két chắc chắn kia. Tôi tiết lộ với Viễn. Nó bầy mưu khiến mẹ tôi không bao giờ biết là mình bị mất tiền. Mỗi lần mở két, thay vì lấy nguyên bó, tôi chỉ nhón mỗi bó một hai tờ. Những bó bạc này mẹ tôi giao cho khách hàng, thường thì họ không bao giờ đếm lại trước mặt mẹ tôi, và sau này nếu có đếm thấy hụt cũng không sao, chẳng kiện cáo gì. Mẹ tôi bán buôn, làm ăn lớn, khách có biết cũng bỏ qua, xá gì mấy tờ bạc mất lẻ tẻ.
Có tiền tôi ăn tiêu vung vít. Người bán hàng thấy tôi trả tiền bằng tờ giấy đỉnh thì trố mắt nhìn tôi kinh ngạc. Tiêu cho mình thì ít nhưng bao mấy thằng du côn thì nhiều. Tôi khoái nhất là bỏ tiền thuê bao xích lô nguyên ngày chở tôi và Viễn đi chơi cùng khắp Hà Nội trên những con đường rợp mát bóng cây trong tiếng ru râm ran của những con ve sầu. Hai đứa thủ hai khẩu súng cao su, bốc nhãn ăn thả dàn rồi dùng hạt nhãn làm đạn bắn lung tung lên ngọn cây. Nhưng cái thời “huy hoàng” của tôi không kéo được lâu. Một bữa mẹ tôi bắt gập tại trận tôi đứng trước tủ két mở và tước cái chìa khoá của tôi. Bà sai anh tôi (hình như là anh Triệu) đè sấp tôi ra trên chiếc sập gụ của bà dùng đuôi chổi phất trần đét mấy cái vào mông. Tôi giả vờ khóc rống lên chứ tôi thấy anh tôi đánh cũng nhẹ tay lắm (chắc hẳn anh nghĩ trong bụng mình cũng chả gương mẫu gì hơn thằng em).
Dịp may đến với mẹ tôi. Năm 1951, lúc ấy bố tôi ở bên Tàu về Hà Nội đã được mấy tháng, ông quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp. Đầu tiên bố tôi chỉ cho chị cả tôi là chị Thư đi cùng. Nhưng mẹ tôi cứ bắt bố tôi phải mang theo tôi. Đến tận bây giờ, khi tôi viết những dòng này, trong gia đình không một ai biết là mẹ tôi đã cố ý “đuổi” tôi vào Nam. Tôi rất cám ơn mẹ tôi về quyết định rất sáng suốt này của bà. Bởi vì vào Nam tôi trở thành một con người hoàn toàn khác.
Năm đó tôi mười một tuổi. Lần đầu tiên trong đời tôi đi phi cơ. Lại là phi cơ của hãng Air France. Sang trọng quá! Máy bay đến phi trường Tân Sơn Nhứt, tôi lạ lẫm đọc cái chữ “Nhứt” và hỏi chị tôi họ viết như vậy có phải là sai không. Tôi trố mắt nhìn những căn nhà nhiều từng, những tên phố tây Pellerin, Charner, Catinat, Pasteur, Richaud... và cứ nghĩ là mình đi Tây chứ không phải vào Nam. Cái gì tôi cũng thấy nó văn minh và lạ mắt. Sau này tôi nghe kể nhiều lần về những ông cán ngố ngoài Bắc sau năm 1975 vào Nam lần đầu nhìn thấy thành phố Sài Gòn, tôi nghĩ là họ chắc cũng chỉ ngố như tôi là cùng. Ba bố con tôi ở chung với gia đình bác Thụy trong một căn nhà lớn do chính phủ cấp cho nhân viên sở Bưu Điện (mà bác tôi là tổng giám đốc) số 12P đường Chasseloup Laubat (sau đổi là Hồng Thập Tự và bây giờ là Nguyễn Thị Minh Khai). Đối diện nhà bác Thụy là hai cái cao ốc 5 từng. Tôi thích trốn sang đó chỉ để chui vào cái lồng thang máy bấm nút cho nó thăng thiên lên lầu thượng rồi lại bấm nút cho nó tụt xuống... cứ thế... cho đến khi những ông tây bà đầm trú ngụ trong cao ốc biết được la lối om sòm đuổi tôi đi. Nhà bác Thụy ngăn nắp và sạch sẽ quá, các anh chị họ tôi nói năng lịch sự, cư xử quý phái không chửi tục om xòm như đám “bạn” tôi ở ngõ Phát Lộc, họ học trường Tây, khoe tôi những cuốn sách màu đẹp đẽ Tin Tin, Spiroux, Quatre Frères Dalton... Xa rồi những bồ cau khô, mùi cá mắm, hơi diêm sinh và căn nhà, con phố bẩn thỉu nghèo nàn của thành phố Hà Nội. Xa rồi mẹ tôi, bà Cẩm Lợi. Xa rồi các anh tôi vẫn còn lối sống “lạc hậu” ở miền đất Bắc xa vợi kia...
Lần đầu tiên trong đời tôi thực sự sống gần bố. Tôi luôn luôn nhìn ông như ngắm một người lạ. Bởi vì cho dẫu tôi có ở sát bên ông, sống cạnh ông nhiều năm sau này trong đời thì giữa ông và tôi, và giữa ông với gia đình, hình như luôn luôn có một khoảng cách. Tôi tự hỏi vì sao không bao giờ tôi có được cái cảm giác thật gần gũi với bố như tôi đã luôn luôn có với mẹ. Nếu có thấy chút nào gần ông thì cái gần ấy chỉ trên phương diện tâm hồn. Bố tôi có gương mặt tây phương, mang nhiều nét đặc thù di truyền từ bà nội tôi. Ông có một phong thái hài hoà rất thanh nhã trong cách cư xử nó cho người ta biết, chỉ qua dáng ngoài, cái chiều sâu của con người ông. Bố tôi rất ít nói. Lúc nào cũng thấy ông lắng nghe với một cái nhìn sâu và đằm thắm. Ông lại rất chuộng sự yên tĩnh, ngăn nắp và sạch sẽ. Những gì tôi biết về ông khiến tôi hiểu vì sao ông sống được và thích hợp trong một gia đình như bác Thụy và không thể nào sống bên những bồ cau với mẹ tôi được.
Năm 1954, đất nước chia đôi, mẹ và các anh tôi lục tục vào Nam. Mẹ tôi mua căn nhà số 39 chợ An Đông để ở và lấy chỗ buôn bán. Vào Nam mẹ tôi chuyên bán sỉ cau khô chứ không bán cau khô lẫn cau tươi như ở ngoài Bắc. Nguồn cung cấp cau chính của hiệu Cẩm Lợi là tỉnh Quảng Nam vì cau là thổ sản của tỉnh này. Mẹ tôi tiếp tục giao dịch với các hiệu Phước Xuân, Phước Hiên ở Hội An, nơi mà bà đã mua bán từ những năm đầu của thập niên 1940. Vào Nam mẹ tôi lại thêm một thị trường cung cấp mới là tỉnh Bến Tre. Bà ít có dịp ra Trung như dạo còn ở Hà Nội trước khi di cư, nhưng bà lại thường xuyên liên lạc với các bạn hàng ở Bến Tre, đặc biệt là bà Thái Nguyên, có khi mẹ tôi xuống ở lại đó nhiều ngày. Nhà của các bạn hàng thường ở miệt vườn, cách xa thành phố, phải đi ghe xuồng mới tới. Sau này tình hình ở tỉnh Bến Tre mất an ninh, chúng tôi cảnh giác mẹ tôi là các bạn hàng cau ở tỉnh đó nằm sâu trong mật khu của Việt Cộng nhưng mẹ tôi không bao giờ tỏ vẻ sợ hãi. Mẹ tôi không bán cau lẻ. Mua cau khô về, mẹ tôi xấy khô, đóng bao, và bán lại cho các đại lý, thường là những người Hoa ở trong Chợ Lớn. Một trong những đại lý mà mẹ tôi đã giao hảo tốt đẹp là ông Cơ Tấn. Chúng tôi xem ông Cơ Tấn như người nhà. Sự giao dịch với ông Cơ Tấn gắn liền với đời buôn cau của mẹ tôi, kéo dài từ thập niên 40 cho đến có lẽ sau cả biến cố tháng Tư năm 75.
Cái sập gụ, tủ chè, két bạc và cái cân được chở từ ngoài Bắc vào. Tôi trở về với những bồ cau và làm quen lại với mùi diêm sinh đã làm tôi ho sặc sụa trong những năm tháng cũ ở Hà Nội. Cau mốc được tẩy trắng bằng khói diêm sinh. Trong một vòng nan cuốn tròn, những cái sàng cau lớn xếp chồng nhau ủ trong vải bố, dưới là cái lò nhỏ đốt diêm sinh, khói xanh từ những kẽ vải bốc ra tỏa khí độc khắp nhà. Tôi thoát được mấy năm xa lánh cái không khí bụi bặm ồn ào của chợ An Đông khi tôi theo chân bố tôi lần thứ hai lên sống trên Đà Lạt. Mấy năm sống trên cao nguyên với bố tôi là thời gian thần tiên nhất trong đời tôi. Năm 1958 khi bố tôi quyết định “xuống núi” về Sài Gòn làm báo, tôi cũng theo chân ông về sống với mẹ tôi ở chợ An Đông cho đến tháng tư năm 1975.
Nghĩ lại tôi thấy tội nghiệp mẹ tôi vô cùng. Những người con của bà, trừ anh cả tôi đã sang du học bên Pháp từ hồi còn ở Hà Nội, tuy ở gần bà nhưng không ai giúp bà đúng mức trong việc buôn bán. Nhà có thuê người làm cau nhưng họ chỉ cáng đáng những việc nặng như khuân vác, xấy cau, còn việc giấy tờ, sổ sách, thư từ, mẹ tôi rất cần người giúp. Mẹ tôi lại chiều con trai nên ngại nhờ con. Mà đôi lúc có nhờ thì chúng tôi lại làm với sự miễn cưỡng, thậm chí còn gắt gỏng. Đối với con gái, nhất là bà chị cả tôi, thì mẹ con không hợp tính. Cứ nói chuyện được dăm ba câu thì hai người lại cãi vã. Chị kế tôi hợp với mẹ tôi hơn thì sau này đi Pháp và ở luôn bên đó. May mắn cho mẹ tôi là trong những năm của thập niên 70 bà có hai người con dâu ở gần là chị Triệu và nhà tôi. Mẹ tôi tín nhiệm và cưng chiều hai nguời con dâu có lẽ còn hơn con đẻ. Chị Triệu và nhà tôi, ngoài việc giúp mẹ tôi trông coi sổ sách và các công việc buôn bán khác, lại thường ngồi rủ rỉ tâm tình với bà. Đây là điều hết sức quí đối với mẹ tôi vì bà rất ít có được những phút tâm tình thân mật như thế đối với những người con. Tháng sáu năm 2005 vừa qua vợ chồng tôi qua bên Montreal dự đám cưới đứa con của anh Triệu tôi, một đêm thức giấc nửa khuya tôi nghe hai người con dâu của mẹ tôi ngồi trong bóng tối rù rì nói chuyện, hai người nhắc đến những kỷ niệm xa xưa với mẹ tôi hồi còn ở chợ An Đông trên ba mươi năm về trước. Tôi nghe được câu nói: “Mợ đối với con dâu thật không có một điểm gì để chê trách”.
Trong những lần giúp mẹ tôi tính toán sổ sách tôi ngạc nhiên về trí thông minh của bà. Mẹ tôi thuộc thế hệ xưa không được đi học nhiều, trình độ có lẽ chỉ ngang mức tiểu học. Bà viết những câu văn không thành cú, chữ viết lại nghệch ngoạc như gà bới. Để tính tiền cau - những con số thành thường lớn đến mấy trăm ngàn - chúng tôi phải lấy giấy bút cặm cụi làm những con tính nhân chia. Thế mà chỉ liếc qua giá thành là bà đã gật gù đồng ý hoặc bà nói: “Con tính sai rồi, tính lại đi!” Trăm lần như một mẹ tôi nói đúng! Tôi tự hỏi với cái trí thông minh ấy cộng với sự lanh lẹ của bà nếu mẹ tôi ra sinh ra trong một hoàn cảnh khác hoặc một thế hệ khác được ăn học thì tôi không biết là bà sẽ tiến xa đến đâu.
Mẹ tôi viết thư cho những bạn hàng cau bao giờ cũng nhập đề bằng câu: “Tôi có lời hỏi thăm bà được mạnh khỏe tôi mừng...”. Biết như thế mỗi lần viết thư cho bà chúng tôi viết sẵn trước, khi bà vừa đọc xong câu đó thì chúng tôi nói ngay: “Con viết xong rồi, mợ đọc tiếp đi!”. Người mà mẹ tôi viết thư giao dịch nhiều nhất ở Hội An là bà Phước Xuân mà chúng tôi còn gọi là cô Năm Dung. Trong ba mươi năm giao dịch buôn cau với hiệu Phước Xuân chúng tôi đã viết đến cả mấy trăm lần câu Kính gửi bà Phước Xuân... Tôi có lời hỏi thăm bà được mạnh khỏe tôi mừng... Chính tôi đã dán không biết bao nhiêu con tem để gửi về địa chỉ hiệu Phước Xuân số 37 đường Nguyễn Thái Học ở Hội An. Những lá thư đưa tôi về một thành phố mà từ hồi tấm bé tôi đã nghe nói tới nhiều lần. Hội An. Làng Cẩm Phô. Họ Nguyễn Tường. Chốn ấy mơ hồ trong tâm tưởng tôi như một miền quê hương hư ảo.
Năm 1964, một năm sau khi bố tôi qua đời, lần đầu tiên tôi có dịp đến tỉnh Quảng Nam thăm thành phố Hội An. Cảm tưởng đầu tiên của tôi ra sao nhỉ? Khi đến một nơi đã được nhắc nhở hoài trong quá khứ? Thay vì bắt gặp một quê hương trong tâm tưởng, tôi bàng hoàng nhìn thấy một Hà Nội xưa cũ của tôi. Một Hà Nội lồng vào Hội An trong từng căn nhà, từng con phố. Từ căn nhà từ đường của dòng họ ở gần chùa Cầu tôi rảo bộ trên đường Nguyễn Thái Học để tìm hiệu Phước Xuân bỗng thấy mình lạc vào phố Mã Mây vào ngõ Phát Lộc vào những con phố cổ mà tôi đã lìa xa mười ba năm trước. Trên đường tôi đi qua chùa Cầu thằng bạn cũ Đỗ Bá Viễn vẫn nhỏ bé như ngày nào giơ tay chào tôi, tôi nhìn lại căn nhà xưa của mình ở phố Hàng Bè và tất cả Hà Nội từ từ hiện ra. Rưng rưng. Bé nhỏ. Thân thương. Tôi ra đi khi tôi còn là cậu học trò tiểu học, tôi trở về “Hà Nội” đã là một giáo sư. Mười ba năm đủ xa để Hà Nội trở thành kỷ niệm. Đất nước chia đôi càng khiến ngày về trở thành vọng tưởng, khiến đường về trở thành thiết tha.
Mấy ngày ở Hội An tôi ở nhà cô Năm Dung. Người con trai của cô tên là Tinh dẫn tôi đi chơi thành phố. Chúng tôi đạp xe đến cửa Đại tắm và ăn đồ biển trong những quán lá dưới bóng rợp lưa thưa của hàng cây thùy dương. Chiều đến chúng tôi ngồi trên sân thượng sau nhà nhìn con đường Bạch Đằng và dòng sông Thu Bồn lấp lánh ánh nắng. Bên kia sông nơi mà suốt đời tôi chưa từng đặt chân tới có làng Cẩm Phô. Nơi đó mới là chính quê của họ Nguyễn Tường. Nơi đó mới thực sự là miền quê hương hư ảo của tôi.
oOo
Bốn mươi năm đã qua kể ngày tôi đặt chân lần đầu xuống đất Quảng Nam. Bốn mươi năm sau tôi trở về Hội An với một tâm cảnh khác. Đã bao nhiêu nước chẩy qua cầu. Từ dạo đó. Tôi trở về lần này trên chuyến tàu hỏa mang theo ba bình tro của những người tôi yêu thương nhất. Đó là bố mẹ tôi và người chị cả. Nếu đường về quê cũ của bố tôi và người chị cả từ Sài Gòn đi Hội An tương đối gần thì con đường của mẹ tôi đi thật dài, dài đến nửa vòng trái đất. Tháng Tư năm 1981 anh Việt tôi từ bên Pháp trở về Việt Nam dìu mẹ tôi lên máy bay sang Pháp chữa bệnh. Mẹ tôi mất ở Paris, cùng năm. Hai mươi năm sau, năm 2001, cũng vào tháng Tư anh Việt lại ngồi trên máy bay trở về Sài Gòn nhưng lần này tay anh mang bình tro người mẹ. Bình tro của ba người được chôn cất ngày 28 tháng Tư năm 2001 tại nghĩa trang riêng của họ Nguyễn Tường ở Hội An.
Cả cuộc đời buôn cau của mẹ tôi, bà Cẩm Lợi, gắn liền với chiếc sập gụ. Bà sống trên nó. Bà ngủ trên nó. Đó là một cái sập quý làm bằng gỗ lim màu nâu bóng, rắn chắc và trạm trổ. Mặt sập cao hơn đầu gối của tôi bây giờ. Thuở ấu thơ ở Hà Nội bàn tay nhỏ bé của tôi thường mân mê bốn cái chân sập bóng loáng nổi phồng lên phía trên và eo thắt lại ở phía dưới. Ngón tay nhỏ bé của tôi thường sờ dọc theo con đường rãnh có trạm những hạt gỗ nổi trông như chuỗi tràng hạt gỗ màu nâu bóng của mẹ tôi. Cái sập gụ ấy từ Hà Nội theo mẹ tôi vào Nam. Rồi cái sập ấy lại từ Sài Gòn theo mẹ tôi sang Pháp. Nay mẹ tôi trở về Hội An. Cái sập để lại ở Paris được trưng như một cổ vật trong phòng khách của một người chị họ.
Mẹ tôi không cần chiếc sập gụ ấy nữa. Bà xa rời nó như xa rời cuộc đời nhọc nhằn. Bà Cẩm Lợi đã trả xong cái nghiệp mà chúng tôi kính cẩn ghi ơn. Bây giờ nằm vĩnh viễn bên chồng mẹ tôi mãi mãi là bà Tam của chúng tôi.
Mùa Hạ, năm 2005.
Nguyễn Tường Thiết
Nguyễn Tường Thiết
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire