caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 7 décembre 2013

"MỘT GÓC PARIS GIỮA SÀI GÒN" Lưu Văn Vịnh


MỘT GÓC PARIS GIỮA SÀI GÒN
Lưu Văn Vịnh



Năm 1975 mới chân ướt chân ráo tới Boston, chưa có thẻ xanh, chỉ có tờ I-94 chứng minh di dân hợp pháp (1), cô thư ký phòng thí nghiệm, bệnh viện New England tổ chức một tour đi Paris, tháng 8, 1976, dư một chỗ với giá đặc biệt 200 đô, 8 ngày, bao gồm cả máy bay, khách sạn! không ngần ngừ, tôi ghi tên ngay. Paris, nằm trong ước mơ của bao thế hệ sinh viên thập niên 1950-60 Đại học Sài Gòn. Tuy Pháp ra đi từ 1955, nhưng mãi tới 1965 nhiều phân khoa Đại học Sài gòn vẫn còn giáo sư thỉnh giảng Pháp, nhất là đại học Y-Nha-Dược. Ngay ban Triết Đại học Văn khoa năm 1960-65 vẫn còn cha Cras, cha Gaultier, gs Thạc sĩ Piclin, Peltier, bà Monaco… họ tận tuỵ, khả năng cao, và nhất là cho điểm rộng rãi hơn gs Việt, dù các vị giáo sư Việt này cũng từng du học Pháp, Bỉ,Thuỵ sĩ ! Chính văn hoá Pháp và tiếng Pháp, rồi sau tiếng Anh, giúp trí thức Việt Nam hội nhập rất nhanh vào thế giới, đọc được sách báo ngoại ngữ. Cả vùng Đông Nam Á dùng Anh ngữ, Việt Miên Lào quen Pháp ngữ, nhưng từ Pháp ngữ sang Anh ngữ cũng nhanh và dễ.




Hiện nay ở SàiGòn có khoảng 2000 người Pháp, chuyên viên Y tế, nhà đầu tư, đại lý rượu vang và cognac, khách sạn, hàng bánh... Bánh mì baguette, cà phê hương vị Pháp, vẫn khác cà phê Trung Nguyên, Highlands, và có uống cà phê hảo hạng của Coffee Beans hay Starbucks, từ Mỹ sang, cũng vẫn thấy cà phê Pháp thơm và đậm, hợp với khẩu vị Việt hơn, tất nhiên đây là khẩu vị Việt của thế hệ đã từng quen với cà phê bánh mì Tây từ thập niên 50-60, dẫu ở Hà Nội hay Sài gòn. Một ông Pháp lấy cô vợ tuyệt đẹp miền Tây, làm nghề du lịch bên Thái, nay trở về làm việc ở Việt Nam, có du thuyền tiếp đãi từng nhóm nhỏ thân hữu, gặp nhau trong quán ăn của một ông Marốc lấy vợ Việt, ông ta mở hàng ăn Ma Rốc Casablanca mãi trong quận 10 gần quận Năm Chợ Lớn cũ, trong một đường nhỏ, khách ngồi trên thảm, bàn thấp, với món couscous không thể thiếu… Một cặp vợ chồng từ đảo Corse với cậu con trai chia nhau trông quán bánh ngọt cà phê Une Journée à Paris-Một Ngày Ở Paris… phong cách của họ dễ hoà nhập với Việt Nam : phì phèo điếu thuốc, tán dóc, nói năng liên miên cười đùa chứ không lì xì, lạnh, làm việc chăm chỉ cả ngày như người Anh Mỹ Bắc Âu… Một ông người Pháp, nói tiếng Việt thật sõi, lấy vợ dường như quê Hải Dương từ hơn nửa thế kỷ nay, mở nhà hàng Nicoise gần bờ sông Chợ Cũ xưa, vẫn mấy món cơ bản , thịt bò khoai tây, súp hành… Nhà hàng Pháp sang và đắt nhất có lẽ là Le Caprice, lầu 15 gần khu bờ sông Sài gòn, tiệc rượu 6 người ăn có thể lên tới bạc ngàn đô la, quản lý Pháp, đi từng bàn hỏi han tiếp khách.

Đêm Giáng sinh 2012 tôi theo một ông bạn đồng nghiệp dân Pháp tới ăn Noel ở một nhà hàng Pháp ngay góc Hai Bà Trưng và Đông Du, vợ chồng chủ quán, chồng làm xếp hàng hải Pháp, vợ nghe nói từng là luật sư tập sự, con gái đang học năm chót trung học tại một trường của Anh mở ở Sài gòn. Họ có tới 3 tiệm ăn Pháp  quanh khu này, vào đây có cảm tưởng đang ngồi ở khu  phố cổ Quartier Latin bên Paris, từ trang trí đến bàn ghế, tranh ảnh… Nhà hàng Pháp, Ý  bàn ghế gỗ sắc nâu đậm, tường vách cũng vậy, tạo khung cảnh ấm cúng, mỗi bữa ăn là một bữa tiệc, kéo dài 4-5 tiếng, nghi thức cẩn trọng, rượu vang được rót cho khách thử, thử đến chai thứ ba mới hợp ý. Ông chủ này, ngoài 40 tuổi, đúng là tay ăn uống có hạng, một thứ connaisseur của Paris đẳng cấp khó kiếm. Người Pháp ngoại giao khéo léo, tiếp khách vui vẻ, cô chủ chạc 40, đời chồng thứ hai, có nét duyên dáng, bàn chuyện văn chương triết lý làm tôi nhớ lại những năm học Triết ở Đại học Văn khoa, với các giáo sư Pháp, và nhất là các sách Pháp mới về ở nhà sách Xuân Thu, lâu lâu mùi giấy mới thơm thơm vẫn còn vương vất đâu đây ! Trong góc quán này, đối điện một người đàn bà Pháp, giầu kiến thức, tự do thoải mái, làm sống lại thuở sinh viên tràn đầy lý tưởng tháp ngà trên mây… và chợt một thoáng hoài tưởng, sang Mỹ sống 40 năm có sai lệch với căn bản học vấn cũ của mình chăng?

Người Pháp tới miền Nam khoảng 1860, khá sớm, nên qua nhiều đời đã bén gốc rễ văn hoá cùng với dân địa phương, họ đã có công khai hoá và mở mang miền đất trù phú, dân tình hào phóng, cho người Việt sang Pháp du học, du lịch khá đông, thành thử cho đến hôm nay, qua bao hưng phế, người Pháp vẫn tìm được ở Sài gòn, những người bạn thân tình, những nét văn hoá cũ chưa phai, từ nhà hát lớn, nhà thờ, đến kiến trúc nhà Bưu điện, đến con đường Catinat… trục chính thành phố vẫn là trục chính kiến trúc đô thị theo mẫu mực đối xứng, quân bình của Pháp: từ bờ sông Sài gòn trục chính thẳng vào Vương cung thánh đường, trục Nguyễn Huệ vào thẳng toà thị chính. Tới hôm nay, 2013, Sài gòn thêm thắt nhiều khu thương mại, cao ốc… nhưng cái khuôn lõi trước vẫn còn, Eden, Tax, Rex vẫn trụ ở đấy, Givral còn cái tên nhưng giá vị trí ấy dành cho Starbucks chắc sẽ thành công hơn nhiều. Cùng với người Pháp, quán ăn Ý cũng mọc lên không ít, nghe nói ông lãnh sự Ý, rất trẻ, cũng có nhà hàng ăn ngay trên đường Lê Lợi, quán ăn Nhật bây giờ có thể nhiều hơn nhà hàng Tầu trừ quận 5 Chợ Lớn. Những vùng phát triển xa xa, như Phú Mỹ Hưng-New SaiGòn- còn lâu may ra mới trở thành trung tâm quen thuộc. Ngay Chợ Lớn bây giờ cũng trỗi dậy, sau hơn 20 năm bị trù dập, người Việt người Hoa tấp nập náo nhiệt quanh những con đường cũ, Đồng Khánh, Tổng đốc Phương, Nguyễn Trãi, Tản Đà… Thì ra, quan nhất thời, dân vạn đại, không dễ gì bứng đi gốc rễ của những cây cổ thụ, và không thể lấy búa lấy liềm chặt hết cây đa cây si ! Nét Sài Gòn đậm đà nhất có lẽ là khu Chợ Cũ và Chợ Lớn, người dân gốc cũ bám trụ, những căn nhà nhỏ, tiệm ăn nhỏ, hủ tiếu, mỳ, chim quay… vẫn giữ không để lọt vào tay lớp người mới xa lạ, một người Tầu Việt ở khu kinh Tầu Hũ tâm sự : tôi không đi, không chạy đâu hết, khi nào chó chê cứt, người mới chê tiền, có tiền là xong hết!

Cụ Huỳnh Văn Lang, một nhân sĩ đất Vĩnh Long kể : thời đầu thế kỷ 20, nhà cụ đã có máy ướp lạnh từ Pháp mang sang, nghĩa là văn minh Pháp đã khai hoá miền Nam rất lâu, trước miền Bắc miền Trung. Thập niên 1950 miền Bắc cổ hủ, nhà nào khá lắm cũng chỉ làm cái trạn để đồ ăn, bọc lưới ngăn ruồi muỗi, bốn chân để lên bốn bát nước ngăn kiến ! chuồng chồ thì thôi khỏi nói… thứ nhất ỉa đồng… đấy là cái chậm tiến của ta, chẳng ai nghe cụ Phan Châu Trinh, cụ Phạm Quỳnh… học hỏi Tây đã rồi hãy nói chuyện độc lập dân chủ sau, một cụ lãnh tụ đỏ cũng phát biểu “ tôi thà ăn c.. thằng Tây còn hơn ngửi r. thằng Tầu…” ấy thế mà lại  đưa cả nước vào vòng búa liềm, mới thật là kỳ lạ ! Không kể miền Nam, mấy tỉnh do Pháp bảo hộ như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt đều tiến bộ vượt khỏi tình trạng cổ hủ chậm tiến, trường học, toà án, nhà hát, bệnh viện, cầu cống, nhà phố đường xá… trong có 50 năm ngắn ngủi-1890-1940, chuyên viên Pháp đã giúp VN đổi mới, chẳng phải chờ đến glasnost 1990 hay 50 năm cải cách ruộng đất, cách mạng văn hoá hung hăng gây đại hoạ về sau !

Chỉ với 3 thế hệ học hỏi Pháp, lớp trí thức Tây học VN trong nước và các sinh viên du học Pháp trở về quê hương, đã trở thành rường cột quốc gia, nhất là trong lãnh vực đào tạo giáo dục. Phải chi ta có một Gandhi, một Tagore, liên hợp tử tế với Pháp thì Việt sử đã không đến nỗi máu đổ thịt rơi đến thế ! Đằng này, học Pháp, khai hoá theo Âu Tây, mà lòng dạ lại là lòng dạ sân hận, quỷ quái ngang bướng loại Mạnh Hoạch khá đông, thành thử đại kế quân tử không theo, lại quay quắt sang trường phái bạo lực, tránh vỏ dưa Tây, lại đạp vào hố khạc nhổ của Tầu phù Sô viết, cầu viện Tầu với Nhật, rút cục trí thức chẳng những hời hợt nông cạn như cụ Trần Trọng Kim nhận xét, mà lại còn bất nhân bất nghĩa nữa, học trung học, đại học Pháp rồi quay ra giết thầy, giết bạn, thử hỏi Nga-Tầu, các ông bạn và thầy mới, đã khai hoá Việt Nam tới đâu, và đã mang Việt Nam về nẻo nào ?! 

Những tháng trước 4-1975, ông Đại sứ Pháp Merillon, người mảnh khảnh, hay lại thăm giới Y tế ở Viện Quốc gia Y Tế Công cộng, giới Bác sĩ, Dược sĩ Việt Nam biết tiếng Pháp khá nhiều nên ông Đại sứ giữ thân tình, nhất là khi ấy Giám đốc Y Tế Quốc Tế WHO cũng là một bác sĩ người Pháp, họ bắt đầu cấp học bổng Y Tế Công Cộng cho Y Dược sĩ Việt Nam theo học cấp Tiến sĩ tại đại học Nantes. Đại sứ Merillon cố gắng cứu vãn tình thế Nam Việt mà không thành, lúc ấy Mỹ bỏ, kế hoạch nào cũng quá muộn, thật đáng tiếc. Sau 30-4-1975, số người Việt di cư sang Pháp lên tới cả 100,000 người, hai giáo sư Vũ Quốc Thúc, Luật và gs Đặng vũ Biền, Dược, được Tổng Thống Pháp chuẩn nhận làm giáo sư thực thụ Đại học Pháp, một cử chỉ rất đẹp đối với cộng đồng di cư Việt. Dường như một tướng Pháp (Vanuxem) đã nói với TT Thiệu : đánh theo kiểu Mỹ thì có ngày không có đất mà chôn ! Pháp hiểu dân tình và tình hình VN hơn người Mỹ, họ biết cư xử và hiểu thang giá trị của nền văn hoá cổ truyền, sĩ diện tự ái cao, không thể va chạm cái vỏ bọc danh dự của một nước, dù nghèo nàn, cổ hủ đến đâu, trí thức vẫn cần sự kính trọng của ngoại nhân. Điều này hiện đang phơi bày tại các nước Ả Rập : văn hoá cổ điển, cổ hủ nữa, nhưng quần chúng đang ngưng đọng ở đó, không thể một sớm một chiều mang luồng gió Âu Mỹ thổi bay đi được, Âu Mỹ càng vào càng bị phản cảm và dân chúng càng quay về với giáo điều truyền thống, dù khách quan nhìn từ xa, giáo điều truyền thống đó sai.

Sợi dây níu kéo thế hệ chiến tranh-trí thức thanh niên tuổi 18-20 thập niên 1960- với Sài gòn chính là cái chất tứ xứ, vừa Việt, vừa Tàu, vừa Miên, vừa Pháp… một melting pot, một sức sống mới nhiệt cuồng mà miền Bắc, miền Trung không có, hãy tạm ví Sài Gòn như một Nữu Ước, phóng khoáng mở tung cửa đón mọi luồng gió, quốc tế hơn là duy dân tộc cổ điển. Mấy cái đầu cao ngạo, từ Hà Nội từ Huế vào bỗng hoảng vì kiểu cách vô chiêu của văn hoá Sài Gòn, bỗng thấy mình quê kệch, hẹp lượng, cán ngố mà cứ ngỡ mình là đỉnh cao trí tuệ, cấp tiểu học mà cứ đòi hiểu Mác tiến sĩ triết học! Có người nhận xét người miền Nam hồn nhiên không màng từ ngữ cao xa nên nghe tuyên truyền rởm không lọt vào tai, không biết chửi gà nên cũng chẳng thể tố khổ bà con lối xóm, cái tếu của dân miền Nam đã pha loãng tất cả giáo điều ngôn từ rỗng ! Đối với dân Bắc di cư, Bắc kỳ chín nút, 1954, SàiGòn là quê hương thứ hai, miền Bắc xa lắc xa lơ rồi, có về thăm cũng thấy mình như thuộc đàn chim khác, khác tổ khác tông, còn Sài Gòn, lạ thay, vẫn còn những hàng cây cao thân mật, lá me rơi lất phất như đùa rỡn, mưa ào ào rồi lại tạnh, rồi cả ngàn xe honda, cả ngàn con người ồn ào tủa ra khắp nẻo đường phố.

Trong đám đông ồn ào, náo nhiệt đó, tôi đang đi tìm lại cái gốc, cái gốc Việt gắn bó với văn hoá Pháp, rồi chồng lên lối sống Mỹ, cái gì ở tuổi thanh thiếu niên chẳng đẹp, giữa một Sài Gòn loạn xạ tôi chợt ngộ ra : quan nhất thời, dân vạn đại. Tôi hiểu theo nghĩa văn chương, cái gì đẹp thì sẽ tồn tại, cái gì nửa người nửa ngợm nửa khỉ khô, thì sẽ lùi dần, trốn dần vào rừng rú.

LƯU VĂN VỊNH
SJ 4-2013

(1) Tờ I-94 khi trở về Mỹ lại bị phỏng vấn lại tại phi trường để cấp tờ nhập cư I-94 mới ! Thời 1975-76 lương tối thiểu có trên 2 đồng, nên 200 cũng tương đương 1000 vào thời điểm 2013. Lương trung cấp chỉ trên dưới 600-800 một tháng, apartment 1 phòng giá 90-120, xe Datsun mới giá 2200, xăng khoảng 50 cents/g, Mc Donald cũng khoảng 25-35 cents. Xuống Washington DC thuê nhà 2 phòng ngủ  hơn 200 (1977), tới 1980 nhà mới ở Sacramento 3 phòng ngủ cũng chỉ 35-40,000 usd !

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire