http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/09/01/nhung-cai-chet-tuc-tuoi-cua-nha-van/
Posted on 01.09.2013 by nguyentrongtao
Kỳ 1: Chuyện bây giờ mới kể
THÁI DOÃN HIỂU
Cách mạng Văn hóa ở Trung quốc thực chất
là một cuộc thanh trừng phe phái khốc liệt chưa từng có nếu đem so với
Tần Thủy hoàng. Mười triệu nạn nhân đã chết thảm dưới tay “người cầm lái
vĩ đại” Mao Trạch Đông. Theo trưng cầu dân ý toàn Trung Quốc thì ông ta
có 7 phần tội 3 phần công. Lấy Tần Thủy hoàng làm thần tượng, Mao đã
thống nhất được Trung nguyên, nhưng xài tốn xương máu Dân Trung Hoa đến
60 triệu nhân mạng, trong đó chưa kể đến 39 triệu người chết đói trong
phong trào đại nhảy vọt cuối thập niên 50 của thế kỷ trước.
Có hai cái chết thương tâm nhất là của
Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ và Nhà văn lớn Lão Xá. Tôi có theo dõi rất
sát và kỹ những ngày tận số của hai ông.
Ông Lưu Thiếu Kỳ và phu nhân – bà Trương
Quang Mỹ, là người cách mạng chân chính, nhân hậu theo đánh giá của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, người đã sang thăm Việt Nam và được nhân dân ta tôn
kính. Ông bị Mao Trạch đông chụp cho cái mũ “tên lãnh đạo cao cấp chủ
trương đi con đường tư bản chủ nghĩa trong đảng”. Ông Lưu bị hành hạ đấu
tố, tra tấn, bỏ đói hàng mấy tháng trời, thân bại danh liệt. Còn tác
giả Tường Lạc đà Lão Xá người về sau được tặng giải Nobel nhưng
Hội đồng Hàn lâm viện Hoàng gia Thụy Điển rút lại vì giải chỉ thưởng cho
người còn sống. Lão Xá bị bọn thanh niên choai choai mặc sắc phục Hồng
vệ binh xông vào nhà riêng đập ông chết tươi trên bàn làm việc. Chúng hè
nhau vứt thi thể ông xuống hồ. Chưa đã, khi thấy xác ông nổi lên, chúng
dùng câu móc vào thắt lưng ông kéo lên bờ đánh, đạp phũ phàng. Mao
Trạch Đông đã thanh toán sạch những đối thủ chính trị đáng gờm của mình,
những người có nguy cơ làm cho cái ghế hoàng đế của ông ta lung lay kể
từ “người bạn chiến đấu thân mật của người” là Lâm Bưu, “tướng bọc
đường” Bành Đức Hoài, Bí thư thành ủy Bắc Kinh Bành Chân…
*
Ở nước ta, một số các nhà văn, nhà văn
hóa Việt Nam cũng có những cái chết bất đắc kỳ tử, mờ ám. Tôi cho rằng
những kiểu chết của các vị dưới đây là không minh bạch, vô cùng bất
công, cần được công luận minh oan, chiêu tuyết cho những oan hồn:
*
Tôn Nữ Thu Hồng hay Thu Hồng (1922-1948), là nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến.
Tôn Nữ Thu Hồng, sinh ngày 19 tháng 7 năm 1922 tại Tourane (Đà Nẵng), nhưng quê quán gốc là làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên-Huế).
Bà thuộc dòng dõi Hoàng tộc nhà Nguyễn, trước học ở Tourane, sau vào học tại trường Đồng Khánh (Huế).
Năm 18 tuổi (1940), bà cho xuất bản tập thơ đầu tiên (và cũng là duy nhất): Sóng thơ. Tập thơ in đẹp (chưa rõ tên nhà xuất bản), có tựa của Đạm Phương nữ sĩ, và tranh vẽ bìa của nữ họa sĩ Mộng Hoa.
Giới thiệu Thu Hồng, trong quyển Thi nhân Việt Nam có đoạn viết:
“… người có cái ý rất đáng quý là diễn
đúng hình dáng riêng của hồn mình. Có thể vì thế mà giọng nói của người
có vẻ ngọng nghịu rất ít có trong thơ ta… Thực ra, Thu Hồng cũng chỉ là
trẻ con ở cái giọng, khi người ta muốn sống hoài trong thời thơ ấu… (vì)
người thiếu nữ ấy đã biết tình yêu là “mầm chán nản” và người ước ao:
Mầm chán nản chớ len vào niên thiếu,
Chớ len vào sớm quá, tội em mà!
Em nghe như thời ấy vẫn còn xa,
Em chầm chậm để mong còn xa mãi,
Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái,
Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua.
Thật là ngây thơ trong trắng :
Kìa trăng vỡ trong hồ khi nước động,
Sóng lao xao lấp loáng, ánh xa ngời.
Và búp hoa nghểnh dậy đón hương trời,
Cây tuôn bóng, lửng lơ, đò chẳng lướt!
Cảnh đẹp cứ dàn thêm bước bước,
Lời ngợi khen mỗi phút lại thay thay.
Tơ lòng với đẹp đêm nay
Rộn ràng thổn thức vì say nhiệm màu.
(Sóng thơ – Tơ lòng với đẹp)
Lúc ấy chỉ ngoài 20 tuổi, nữ sĩ đã bắt đầu nhận thức được cái kiếp ngắn ngủi và buồn tẻ của con người.
Lịch trên tường mỗi ban mai tay xé,
Xé dần, đem vứt xuống giỏ mây đan.
Phải đây là xác chết của thời gian?
Mỗi tờ xuống, một ngày đi biệt tích?
Tay ngần ngại cũng thôi đành vô ích,
Vì hôm nay không dính dáng ngày mai.
Lúc bình minh trong sương sớm chưa phai
Là giấy biết thân mình không thể gắng
Người đâu khác dẫu trăm ngàn cay đắng,
Vói tay dài mong níu lại ngày đi
Ý điên rồ người đeo đuổi làm chi,
Tờ mỏng quá, khác đâu ngày qua chóng!
Tình lưu luyến khiến âu sầu phấp phỏng
Lịch cùng ta nào có khác chi nhau?
Lịch hàng năm đem thay đổi một màu
Người một tuổi chớ mơ mòng lui lại
Lịch còn mãi, đời đâu dài được mãi?
Tờ rã tan ra tro bụi chôn vùi…
(Lịch)
Một gịong thơ tinh tế sâu đằm. Năm 1941, bà và thơ của bà được Hoài Thanh-Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1942).
Năm 1968, bà lại được Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng giới thiệu trong bộ sách Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển trung), xuất bản tại Sài Gòn. Và theo sách này, thì nữ sĩ Tôn Nữ Thu Hồng đã chết trong một trường hợp bi đát.
Thu Hồng là trí thức nói tiếng Pháp thành
thạo, nhà cô thường tụ tập các thanh niên trí thức. Cô bị nghi ngờ làm
gián điệp cho Tây, bị công an bắt, giam giữ và tra khảo mấy tháng trời,
không lấy được cung. Cuối cùng, giết nhầm còn hơn bỏ sót, cô bị thủ tiêu
giữa rừng Thừa Thiên. Kể lại chuyện đau lòng này, ông Đào Hữu Thiết cán
bộ an ninh người chứng kiến vẫn nhớ như in vóc dạc cao to như gấu,
khuôn mặt dữ dằn, rậm râu sâu mắt của tên sát nhân Trừng. Trên đường
giải cô lên Ty công An Thừa Thiên – Huế, hắn đã bắn lén cô từ đằng sau
lưng. Tiếng súng chát chúa vẫn còn lộng óc khi ông Hoài Nam (bút danh
của Đào Hữu Thiết) đã vào tuổi 87. Ông sĩ quan an ninh ngồi viết tiểu
thuyết tình báo trong dàn dụa nước mắt. Ông cũng bị nghi ngờ, bắt giam
nhốt cùng Thu Hồng. Ông bảo cô ấy dịu dàng nết na, đẹp lắm, tôi yêu cố
ấy. Hai người có làm thơ tặng nhau. Thu Hồng bảo Hoài Nam :
Bên bờ cát trắng phau phau ấy
Ai hiểu lòng mình? Anh hiểu không?
Nàng thơ ra đi ở tuổi 26. Năm đó là tháng chạp năm 1948.
*
Ngô Tất Tố (1894 – 1954) là một nhà văn,
nhà báo, nhà Nho học và nghiên cứu có ảnh hưởng ở Việt Nam giai đoạn
trước 1954). Ngô Tất Tố là đại diện tiêu biểu cho những thay đổi của một
lớp người trí thức trong giai đoạn giao thời, sự dung hòa tương thích
giữa nền văn hóa mới và cũ.
Ngô Tất Tố sinh năm 1893 mất năm 1954 ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Ông là con thứ hai, nhưng là trưởng nam trong một gia đình có bảy anh
chị em, ba trai, bốn gái. Lúc còn nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền
giáo dục Nho học. Từ năm 1898, Ngô Tất Tố được ông nội dạy vỡ lòng chữ
Hán ở quê, sau đó ông theo học ở nhiều làng quê trong vùng. Năm 1912,
Ngô Tất Tố học tư chữ Pháp một thời gian ngắn và bắt đầu tham dự các kỳ
thi truyền thống lúc bấy giờ vẫn còn được triều đình nhà Nguyễn tổ
chức. Ông đỗ kỳ sát hạch, nhưng thi hương bị hỏng ở kỳ đệ nhất. Đến năm
1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh, nên được gọi là đầu
xứ Tố, rồi thi hương lần thứ hai, khoa Ất Mão, cũng là khoa thi hương
cuối cùng ở Bắc Kì, ông qua được kỳ đệ nhất, nhưng bị hỏng ở kỳ đệ nhị.
Năm 1926, Ngô Tất Tố ra Hà Nội làm báo. Ông viết cho tờ An Nam tạp chí. Nhưng vì thiếu tiền, tờ báo này phải tự đình bản, Ngô Tất Tố cùng với Tản Đà đã vào Sài Gòn. Mặc dù không thật sự thành công trong cuộc thử sức ở Nam Kỳ, nhưng tại đây, Ngô Tất Tố đã có cơ hội tiếp cận với tri thức và văn hóa thế giới ở vùng đất khi đó là thuộc địa chính thức của Pháp cũng
như theo đuổi nghề báo để chuẩn bị sau này trở thành một nhà báo chuyên
nghiệp. Trong thời kỳ này, ông viết với các bút danh Bắc Hà, Thiết Khẩu
Nhi, Lộc Hà, Tân Thôn Dân…
Sau gần ba năm ở Sài Gòn, Ngô Tất Tố trở ra Hà Nội. Ông tiếp tục sinh sống bằng cách viết bài cho các báo: An
Nam tạp chí, Thần chung, Phổ thông, Đông Dương, Hải Phòng tuần
báo, Thực nghiệp, Con ong, Việt nữ,Tiểu thuyết thứ ba, Tương lai, Công
dân, Đông Pháp thời báo, Thời vụ, Hà Nội tân văn… với 29 bút danh
khác nhau như : Thục Điểu, Lộc Hà, Lộc Đình, Thôn Dân, Phó Chi, Tuệ
Nhơn, Thuyết Hải, Xuân Trào, Hy Cừ… Trong thời gian những năm 1936-1939,
Ngô Tất Tố viết nhiều tác phẩm chỉ trích quan lại tham nhũng phong
kiến. Hà Văn Đức, trong bài viết Ngô Tất Tố – Nhà văn tin cậy của nông
dân (báo Nhân dân, ngày 10 tháng 6 năm 1997), cho biết năm 1935, Ngô Tất
Tố từng bị chánh sở mật thám Hà Nội gọi lên “để mua chuộc”, nhưng ông
từ chối. Ngoài ra, nhiều lần Ngô Tất Tố bị cấm viết báo và bị trục xuất
khỏi Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Năm 1939, chính quyền thuộc địa ra lệnh cấm tác phẩm Tắt đèn. Nhà Ngô Tất Tố ở Bắc Ninh bị nhà chức trách khám xét và ông bị bắt giam ở Hà Nội vài tháng.
Về sự nghiệp báo chí, người ta tìm thấy
1.350 tác phẩm (gần 4.500 trang) đã đăng báo của Ngô Tất Tố với 59 bút
danh khác nhau. Năm 2005, tại hội thảo Những phát hiện mới về thân thế và tư cách nhà văn hóa của Ngô Tất Tố,
một thống kê khác được công bố cho biết trong 28 năm làm báo, Ngô Tất
Tố đã viết gần 1.500 bài (mới tìm thấy 1.360 bài) cho 27 tờ báo và tạp
chí với 29 bút danh. Di sản báo chí của Ngô Tất Tố trở thành những tư
liệu phong phú, chi tiết, phản ánh toán diện và trung thực xã hộiViệt Nam đầu thế kỷ XX.
Các tác giả trong đề tài nghiên cứu nói
trên kết luận rằng tiểu phẩm báo chí của Ngô Tất Tố đạt được năm thành
tựu cơ bản: thuyết phục, truyền cảm, điển hình hóa mà không hư cấu; nghệ
thuật trào lộng, đả kích và phong cách đậm đà bản sắc dân tộc. Về thái
độ làm báo, Ngô Tất Tố được đánh giá là một nhà báo có dũng khí, trung
thực, thẳng thắn, nhạy bén và cập nhật tình hình khẩn cấp
Với tư cách là nhà nghiên cứu , Ngô Tất
Tố nghiên cứu rất nhiều thể loại khác nhau ông rất giỏi về nghiên cứu
các thể loại văn thơ
Năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, Ngô Tất Tố tham gia vào ủy ban giải phóng ở xã Lộc Hà quê ông. Năm 1946, Ông gia nhập Hội văn hóa cứu quốc và lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp.
Thời gian này, Ngô Tất Tố đảm nhiệm cương vị Chi hội trưởng chi hội văn
nghệ Việt Bắc, hoạt động ở Sở thông tin khu XII, tham gia viết các báo Cứu quốc khu XII,Thông tin khu XII, tạp chí Văn nghệ, báo Cứu quốc
trung ương… Ngoài ra, ông còn viết văn. Ngô Tất Tố được bầu vào vị trí
ủy viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam tại đại hội Văn nghệ toàn
quốc lần thứ nhất (1948).
Ngô Tất Tố được coi là nhà văn hàng đầu của trào lưu hiện thực phê phánở Việt Nam trước 1945 với các tác phẩm tiêu biểu như Tắt đèn, Việc làng,Tập án cái đình.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939)
từng khen ngợi Tắt đèn là “một tiểu thuyết có luận đề xã hội hoàn toàn
phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác, tùng lai chưa từng
thấy”. Phong Lê,
trên Tạp chí Sông Hươngtháng 12 năm 2003, gọi những tác phẩm viết về
nông thôn của Ngô Tất Tố là “một nhận thức toàn diện và sâu sắc, đầy
trăn trở và xúc động về cảnh ngộ và số phận người nông dân Việt Nam” đạt
đến “sự xúc động sâu xa và bền vững”
Từ một góc nhìn khác, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, trong bài Ngô Tất Tố và một cách thích ứng trước thời cuộc trích từ cuốn Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa (Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2005), viết Tắt đèn là một thiên tiểu thuyết “rất xúc động” khiến người đọc có thể “nhiều phen ứa nước mắt”.
Còn thiên phóng sự Việc làng được
coi là một trong những tác phẩm báo chí toàn diện và chi tiết nhất về
bộ mặt nông thôn Việt Nam trước năm 1945. Phong Lê, trong bài đã dẫn,
cho rằng Việc làng phản ánh “tận chiều sâu những cội rễ của cả
hai mặt phong tục và hủ tục, nó tồn tại dai dẳng đến thế, không chỉ đến
thời Ngô Tất Tố viết Việc làng, mà cả cho đến hôm nay”.
Tính chất giao thời trong ngòi bút của Ngô Tất Tố thể hiện rõ nét trong tác phẩm Lều chõng
Lều chõng ghi lại một thiên phóng sự tiểu thuyết về chế độ giáo dục và khoa cử phong kiến trong những ngày cuối cùng, dưới triều Nguyễn,
miêu tả tấn bi kịch của những nhà nho có tài trong xã hội phong kiến và
được coi là lời chỉ trích sâu sắc những tồn tại của nền văn hóa cũ.
Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận
xét về sự thay đổi ở Ngô Tất Tố: “ông vào số những nhà Hán học đã chịu
ảnh hưởng văn học Âu Tây và được người ta kể vào hạng nhà nho có óc phê
bình, có trí xét đoán có tư tưởng mới” (Nhà văn hiện đại)
Tác phẩm của Ngô Tất Tố : Ngô Việt Xuân Thu (dịch, 1929); Hoàng Hoa Cương (dịch, 1929); Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ (truyện ký lịch sử, 1935); Đề Thám (truyện ký lịch sử, viết chung, 1935); Tắt đèn (tiểu thuyết, báo Việt nữ, 1937), (Mai Lĩnh xuất bản, 1939); Lều chõng (phóng sự tiểu thuyết, báo Thời vụ, 1939-1944), (Mai Lĩnh xuất bản, 1952); Tập án cái đình (Phóng sự,1939); Thơ và tình (dịch thơ Trung Quốc, 1940); Đường thi (sưu tầm, chọn và dịch, 1940); Việc làng (phóng sự, báo Hà Nội tân văn, 1940-1941), (Mai Lĩnh xuất bản, 1941); Thi văn bình chú (tuyển chọn, giới thiệu, 1941); Văn học đời Lý (tập I) và Văn học đời Trần (tập II) (trong bộ Việt Nam văn học) (nghiên cứu, giới thiệu, 1942); Lão Tử (biên soạn chung, 1942); Mặc Tử (biên soạn, 1942); Hoàng Lê nhất thống chí (dịch, tiểu thuyết lịch sử, báo Đông Pháp, 1942); Suối thép (dịch, tiểu thuyết, 1946); Trước lửa chiến đấu (dịch, truyện vừa, 1946); Trời hửng (dịch, truyện ngắn, 1946); Duyên máu (dịch, truyện ngắn, 1946); Doãn Thanh Xuân (dịch, truyện ngắn, 1946-1954); Địa dư các nước châu Âu (biên soạn chung với Văn Tân, 1948); Địa dư các nước châu Á, châu Phi (biên soạn chung với Văn Tân, 1949); Địa dư Việt Nam (biên soạn, 1951); Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác (kịch bản chèo, 1951); Đóng góp (kịch, 1951); Kinh dịch (chú giải, 1953); Ngô Tất Tố và tác phẩm (tuyển tập, 2 tập, Nhà xuất bản Văn học, 1971, 1976); Ngô Tất Tố – Toàn tập (5 tập, Nhà xuất bản Văn học, 1996); Ngô Tất Tố – Toàn tập, bộ mới (dự kiến 30 tập, Nhà xuất bản Hội nhà văn – Công ty văn hóa Phương Nam, 2005).
Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1).
Gần ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội
Văn nghệ Việt Nam họp trên đồi Nhã Nam. Cuộc đấu tố của văn nghệ sĩ diễn
ra gay gắt căng thẳng. Người ta đã vu cáo những chuyện tày trời, quyết
liệt dồn Ngô Tất Tố vào tận chân tường. Tác giả Lều chõng và Việc làng đã phạm tội phục cổ nhằm mục đích gì? Và, Ngô Tất Tố đã qua đời vào đêm 20 tháng 4 năm 1954 bằng thắt cổ tại nhà riêng ở Yên Thế, Bắc Giang. Cái sự chết của nhà văn khắc nghiệt đến mức nghĩa trang liệt sĩ xã ở địa phương từ chối không cho chôn.
*
Nhượng Tống (1904-1949), tên thật là Hoàng Phạm Trân, vì bút danh Nhượng Tống nên còn được gọi là Hoàng Nhượng Tống. Ông là nhà văn, nhà báo, dịch giả tài hoa số 1 của Việt Nam và là nhà cách mạng Việt Nam. Ông là người làng Đô Hoàng, xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Thời gian ông viết và dịch sung sức nhất là khoảng thập niên 1940 với những truyện dịch cũng như trứ tác khác.
Tháng 10 năm 1927, Nguyễn Thái Học tham gia Nam Đồng thư xã và thành lập chi bộ để tiến tới thành một đảng cách mạng. Song khác với Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm, Nguyễn Thái Học…
Nhượng Tống chủ trương “hòa bình cách mạng”, tức không ủng hộ tư tưởng
“bạo lực cách mạng”, dùng “sắt và máu để giành lại độc lập dân tộc.”
Ngày 25 tháng 12 năm 1927, Nhượng Tống cùng với các đồng chí thành lậpViệt Nam Quốc dân Đảng tại làng Thể Giao, Hà Nội.
Ông là ủy viên trong Trung ương Đảng bộ với vai trò trọng yếu trong
việc biên soạn văn thư tuyên truyền và huấn luyện đảng viên.
Năm 1929, theo kế hoạch của Nguyễn Thái Học, Nhượng Tống vào Huế gặp Phan Bội Châu, nhưng khi trở ra khi thì bị Pháp đón bắt. Hội đồng đề hình tuyên án ông 10 năm tù rồi đày ra Côn Đảo mãi đến năm 1936 mới được tha, nhưng vẫn chịu sự quản thúc tại quê nhà.
Khi ông đang ở nhà lao Côn Đảo, thì các đồng chí của ông tổ chức cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930), nhưng bị thực dân Pháp đàn áp và khủng bố.
Sau Cách mạng tháng Tám, vào tháng 12 năm 1945, ba đảng phái là: Việt Nam Quốc dân Đảng, Đại Việt Dân chính Đảng, Đại Việt Quốc dân Đảng liên minh thành Mặt trận quốc dân đảng Việt Nam, rồi cùng tham gia vào Chính phủ Liên hiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đến cuối năm 1946, Pháp tái chiếm liên bang Đông Dương, thì Chính phủ Liên hiệp Việt Nam tan vỡ.
Năm 1947, hết thời gian bị quản thúc, Nhượng Tống trở lại Hà Nội (1947), rồi cùng với một số đồng chí tái tổ chức lại hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng tại một số vùng do quân Pháp kiểm soát.
Ngày 17 tháng 2 năm 1947, Việt Nam Quốc dân đảng tham gia Mặt trận Quốc gia Thống nhất Toàn quốc, chống lại chính quyền Việt Minh và ủng hộ giải pháp Bảo Đại, thành lập chính quyền Quốc gia Việt Nam. Ông làm cố vấn cho Tổng trấn Bắc phần Nghiêm Xuân Thiện. Nhưng rồi vì những mâu thuẫn trong giới chính khách Hà Nội, trong nội bộ Việt Nam Quốc dân Đảng, nên đầu năm 1949, ông lặng lẽ trở về hành nghề thầy thuốc Bắc tại 128 phố Chợ Hôm, Hà Nội.
Ngày 8 tháng 11 năm 1949, Nhượng Tống bị công an mật Việt Minh ám sát tại Hà Nội vì bị cho là phản quốc.
Tác phẩm dịch c ủa Nhượng Tống :
Trang tử, Nam Hoa kinh, Hà Nội: Tân Việt, 1945 (in lần 2: Sài Gòn: Tân Việt, 1962; tái bản sau 1975: Văn học, 2001); Khuất Nguyên, Ly tao, 1944 (in lại trong: Khuất Nguyên, Sở từ, Đào Duy Anh và Nguyễn Sĩ Lâm dịch, Hà Nội, Nxb Văn học, 1974); Thơ Đỗ Phủ, Hà Nội: Tân Việt, 1944 (tái bản sau 1975: 1996); Sử ký Tư Mã Thiên, Hà Nội: Tân Việt, 1944; Vương Thực Phủ, Mái Tây (Tây
sương ký), Hà Nội: Tân Việt, 1944 (in lần 2: Sài Gòn: Tân Việt; in lần
3: Sài Gòn: Tân Việt, 1963; sau 1975: Văn học, 1992); Tào Tuyết Cần, Hồng lâu mộng, 1945; Lão tử, Đạo đức kinh, 1945; Khổng tử, Kinh Thư, Sài Gòn: Tân Việt, 1963; Văn dịch ký bút danh Mạc Bảo Thần: Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Hà Nội: Tân Việt, 1945 (tái bản: Sài Gòn: Tân Việt, 1964); Nguyễn Trãi, Lam Sơn thực lục, Tân Việt, 1945 (in lần 2: Sài Gòn: Tân Việt, 1949; lần 3: Sài Gòn: Tân Việt, 1956).
(Còn hai kỳ nữa)…
Bài do tác giả gửi đến NTT
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire