caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

lundi 16 juin 2014

Càng già càng dẻo 2, tác giả Bút Xuân, Trần Đình Ngọc

Đọc bài 1 nơi đây

http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/06/truyen-ngan-ngay-tu-phu-cang-gia-cang.html

Truyện Ngắn Ngày Từ Phụ

 

Càng già càng dẻo (2)

 
*Bút Xuân Trần Đình Ngọc
(tiếp theo)
 
Sau khi lo đám ma cho chồng, anh Vấn, nhân tiện hàng họ cũng ế vì có nhiều người ra bán, chị Nhiễu đưa 5 đứa con về vùng Ninh Phát, một ngôi chợ nhỏ cũng thuộc huyện Định Quán nhưng chếch về phía đông, phía Thủ dầu Một đi lên nếu tính từ Sàigòn. Tiệm cũ ở Định Quán chị sang cho một người Tàu, chị dư sức mua nhà ở khu chợ Ninh Phát này vì người đến chưa đông lắm, mẹ con lại bán hàng tạp hóa tại đó.  Định Quán lớp sau này, nhiều người mở hàng tạp hóa quá, cả mấy người Việt gốc Hoa ở Chợ lớn, họ gọi là hàng chạp phô, bị nhà cầm quyền đuổi ra khỏi Sàigòn, chẳng biết đi đâu cũng di chuyển về Định Quán tá túc.
                             

Anh Vấn, chồng chị Nhiễu chết được một năm rưỡi thì ở Hoa Kỳ, bà Tịnh ngã bệnh. Lúc đó, bà đang đi làm may tim cho một công ty sản xuất các cơ phận y khoa thay thế cho người. May tim phải ngồi phòng lạnh, ngồi làm một công việc rất tỉ mỉ để sản xuất những cái van tim sẽ được thay thế vào tim người trong phẫu thuật. Bà Tịnh đã làm ở công ty này được 3 năm, lương đã được tăng 3 lần và có đầy đủ bảo hiểm sức khoẻ cũng như nghỉ lễ, nghỉ bệnh, nghỉ phép thường niên v.v...
 
 
Một bữa bà Tịnh đang ngồi chăm chú làm việc bỗng thấy mắt hoa, đầu váng rồi bà té từ chiếc ghế ngồi xuống đất. Bà vốn có bệnh phổi đã lâu. Mấy người bạn cùng làm vội đi gọi Súp-pơ-vai-dơ. Xe Ambulance tới chỉ trong 5 phút, bỏ bà lên cái brancard chở vào bệnh viện. Bà Tịnh bị tai biến mạch máu não, bị liệt nửa người bên trái và bị méo miệng. Nằm nhà thương hai tuần, bác sĩ cho về nhưng bà Tịnh không đi làm được nữa. Sáu tháng sau, bà lại bị một trận tai biến thứ nhì, người ta gọi là second stroke. Lần này bà giã từ chồng và con cái đi luôn.
 
                              ***
 
Ông Tịnh mới xuống khỏi máy bay thì đã thấy đám người lố nhố bên ngoài phòng khách phi trường Tân sơn Nhứt. Tay xách một cái handbag nhỏ, ông đi vào trong hành lang. Con rể, con gái, cháu ngoại đủ hết tíu tít đón ông. Cả nhà kéo ra chỗ lấy hành lí xong lên chiếc xe Van, anh rể lớn là Thịnh đã thuê, về Ninh Phát.
 
Cái cảm tưởng đầu tiên ông Tịnh có từ khi xuống khỏi máy bay là đàn ông, đàn bà Việt Nam bây giờ sao trông lam lũ, xấu xí quá, ngay cả những đứa trẻ mới hơn chục tuổi đầu. Cuộc sống từ ngày 30-4-75 đến giờ này, mới hơn vài chục năm mà sao có vẻ thê lương vậy? Người vẫn nhanh như trước, hơn trước nhưng là cái nhanh của con gà bươn chải, giành giật đi kiếm ăn, nếu không mổ ngay, nuốt ngay thì con khác nuốt mất.
 
Những đứa trẻ bảy, tám, chín, mười tuổi  nói tục quá, câu nào chúng cũng xổ tiếng đan mạch (đ.m) ra được. Còn nhiều người lớn thì khỏi nói, hình như là cái mốt thời thượng, không nói không vui hay ăn cơm không ngon. Họ không dùng từ “không” nữa mà thay bằng từ “đ.” Mấy chị xồn xồn còn nói bạo.
“Hôm nay sao không đi lấy cơm heo?”
“Bận quá. Thằng chả lại bịnh, rên hừ hừ. Đ. đi được.”
“Thế mai đi chớ?”
“Đ. biết nữa!”
Vài nhà hàng xóm con ông Tịnh, có bữa ông vào thăm gặp lúc họ đang ăn cơm, ông thấy thằng bé con chủ nhà khoảng hơn chục tuổi đang ngồi uống rượu với bố nó, mặt đỏ gay như mặt trời. Bố nó thấy ông Tịnh thì hơi ngượng vì thằng con uống rượu, bảo:
“Tôi cho nó uống một tí cho máu huyết lưu thông đấy.”
 
Nhưng mấy đứa con ông Tịnh bảo nó nghiện rượu lâu rồi, tối nào cũng uống. Mà chẳng phải mình thằng này, nhiều đứa khác cũng uống hà rầm, còn rủ nhau vào quán nhậu thịt trâu, thịt chó ở đầu chợ. Nhậu đã rồi đánh chửi nhau chí choé. Ông hỏi con là tiền đâu mà chúng nhậu? Thì chúng đi chôm chĩa, chúng nhỏ người nên lẩn rất hay. Các bến xe đi lục tỉnh, đi miền Trung, ga xe lửa, bến tầu, chợ búa đông người, Việt kiều mới về còn lớ ngớ, vài ba thằng bày kế hoạch, thế là chúng kiếm được chẳng nhiều thì ít. Chúng móc ví, giật dây chuyền, rút nhẫn, giật máy ảnh, cell phone chạy. Không ai rượt nổi tụi chúng vì chúng chạy rất nhanh. Có băng có cả con gái. Chúng sống nửa bụi đời, nửa tại nhà và rất biết điều với công an nên trót lọt hết. Cả bọn hầu như đứa nào cũng hút thuốc lá. Có đứa chơi cần sa, thuốc lắc (ecstacy) luôn. Gọi là thuốc lắc vì khi chúng “phê” rồi là chúng lắc, quậy suốt đêm. Cơn ghiền lên thì chúng nghĩ cách chôm chĩa, dù có phải đâm chém chúng không từ. Thịnh, con rể lớn bảo với ông Tịnh, ba tháng trước đây hai đám du đãng chém nhau vì chia tiền không đều, có một thằng chết, hai thằng què giò phải đi nạng. Đám con anh ra đường đi học là gặp bọn này hàng ngày. Anh nói hãi lắm!
 
Ông Tịnh hỏi thế bọn du đãng có đi học không? Học hành gì đâu ba. Từ ngày các trường tư, công tăng học phí gần gấp đôi, học sinh như chúng bỏ học nhiều lắm. Những đứa ngoan thì làm lụng giúp cha mẹ kiếm tiền. Những đứa hư theo bè theo bạn đi bụi đời, chôm chĩa mua rượu uống, mua thuốc sái hút. Người lớn lo làm bở hơi tai không kiếm đủ miếng ăn, sức đâu coi sóc chúng; thôi cũng phó mặc trời. Ông Tịnh lại hỏi:
“Thế con cái chúng mày thì sao?”
 
“Tụi con phải kềm kẹp chúng lắm không thì hư đấy ba à. Cấm không cho chơi với bọn du thủ du thực, cấm bỏ học, bỏ lễ chủ nhật, cấm nói dối, cấm nói tục, cấm ăn cắp của cha mẹ và người khác, cấm uống rượu, hút thuốc, cấm bỏ kinh tối và đi ngủ lang dù là nhà chú bác cô dì. Kềm ghê gớm lắm đấy ba, mà không xong đấy.”
Ông Tịnh lên giọng khuyến khích:
“Các con biết dạy dỗ con cái vậy là rất tốt. Con người ta nếu đã sa lầy thì như có cái đà, cứ thế mà tuột xuống. Đôi giầy giữ mãi không sao, chợt một chiếc bị dơ thế là đi phứa, không kiêng cữ gì nữa. Tuổi trẻ liều lĩnh vì thiếu học hỏi và kinh nghiệm. Khi nghĩ lại thì mọi sự đã rồi!”   
 
Mới ở nhà với con với cháu vài ngày mà ông Tịnh thấy nếp sống ông đang có ở Hoa Kỳ bị đảo lộn. Dù con ông kể là khá giả trong khu chợ và chúng cũng tìm mọi cách phục vụ ông nhưng mọi sự vẫn “thô sơ” quá. Ruồi muỗi quá nhiều. Nhà con ông giữ vệ sinh nhưng hàng xóm không giữ. Cá mú chặt vây vẩy, đầu đuôi còn dư trên mặt đất cứ bỏ bừa, ruồi nhặng bu kín vo ve cả ngày, mùi tanh tưởi nồng nặc. Xung quanh nhà, vườn tược là những vũng nước đọng, chưa kể con lạch nhỏ ở sau nhà rác rến và mọi thứ đồ dơ trút xuống, nước đen như mực, muỗi bọ sinh ra rất nhanh, muỗi và nhặng tấn công mỗi khi có người ngồi trong nhà cầu ở phía sau. Ông Tịnh rất khổ sở khi phải làm công việc vệ sinh. Thấy ông có vẻ không hài lòng, mấy đứa con bảo:
 
“Ba ơi, ba sang Hoa Kỳ, nước người ta giầu có, văn minh nhất thế giới, tân tiến lâu rồi nên ba thấy cái gì ở quê hương cũng kém, cũng dở chứ tụi con được thế này là nhất đấy ba. Anh  Lộ năm ngoái ba cho tiền về miền Bắc thăm và sửa mộ ông bà,  anh nói còn sợ nữa. Làm gì có bàn cầu như tụi con ở đây. Cầu chồ vẫn đào một cái hố, bắc hai thanh gỗ rồi ngồi trên đó, ruồi nhặng bu như ong vỡ tổ tạt vào đầu, vào cổ, vào mắt mũi mình đến ngạt thở. Lơ mơ sểnh chân rớt xuống hố thì tiêu đời. Có bà lão trong xóm, anh Lộ kể vậy, một bữa con cái đi vắng ngồi làm vệ sinh. Run rẩy sao bà rớt xuống hố, chỉ còn thò từ cổ lên. Bờ cao, sức yếu, bà không làm sao trèo lên được. Mãi mấy tiếng sau anh con lớn về nhìn thấy, tri hô lối xóm kéo lên thì bà sắp chết vì ngộp. May là mùa hè bớt lạnh nhưng bà cũng thâm tím cả mình mẩy. Và quá sức hôi thối! Cả xóm được một bữa cười bể bụng!
 
Khi sắp mâm cơm ra, anh Lộ bảo chẳng nhìn thấy thịt đâu mà chỉ toàn ruồi nhặng. Chúng phủ kín đĩa thịt như cái tổ ong mật. Phải một người lớn cầm quạt mà đuổi tận lực chúng mới đi. Ngớt quạt là chúng lại xông tới. Ruồi nhặng bay đi rồi thì người vẫn cứ ăn như thường. Không ăn thì ăn gì, ba thấy hãi không? Nhà tụi con thế này là nhất đấy ba. Ông Tịnh bảo:
“Ba má đã sống thời Pháp thuộc khi xưa ở vùng quê. Cũng có ruồi muỗi nhưng đâu có quá cỡ như bây giờ.
Ba nhớ tháng Ba đói năm 1945 người chết như ngả rạ đầy đường mà ruồi nhặng không quá như thế này. Hồi đó thuốc DDT nhà nước Pháp phát cho dân, pha ra rồi xịt, ruồi muỗi, ngay cả rệp bớt rất nhiều. Rận nằm trong quần áo, chấy (chí) trên đầu nhất là đàn bà, cũng dùng DDT mà trị. Nhưng cần nhất là phải giữ vệ sinh để ngừa ruồi muỗi sinh sản. Ba đi đường thấy họ phơi cá khô, phơi bánh tráng cả trên bụi cỏ ven đường, ruồi bu kiến đậu, rồi lại ăn vào thì thuốc men nào phòng ngừa được.”
Hảo, vợ Uy, lanh miệng:
“Thứ đó họ chỉ bán thôi ba. Có riêng thứ cho họ ăn. Rau quả cũng vậy.”
“Thế thì cái độc, cái hại lại đổ cho người tiêu thụ hay sao?
“Tụi con cũng chẳng biết nữa, ba!
 
%%%
 
Ông Tịnh về đã được 5 ngày. Bà con họ mạc đi thăm đã xong, chuyện trò với con cháu cũng đã giãn giãn. Cái mà ông canh cánh bên lòng là đến thăm Nhiễu chứ không phải họ mạc. Họ mạc chỉ là bề ngoài. Hình như lúc nào tâm trí ông cũng nghĩ đến Nhiễu. Cuộc về thăm quê này chẳng phải là ông có chủ đích về thăm Nhiễu sao? Hai đứa con gái và hai thằng con rể có lẽ cũng đoán được ý nghĩ của ông vì trước khi ông về, chúng đã chuyện trò với những đứa bên Hoa Kỳ và được biết ông muốn tục huyền. Khi ông làm tỉnh hỏi chúng về Nhiễu là chúng biết ngay. Ông muốn chúng cho ông biết nhiều về Nhiễu, người mà ông thương ông nhớ như chưa từng thương nhớ ai, nhưng chúng lại rất sẻn lời. Chúng bảo ai lo công việc nấy nên rất ít khi gặp nhau ngoại trừ ở buổi lễ sau khi tan lễ. Nhưng dù gặp, chỉ chào một tiếng cho phải phép rồi lại đường ai nấy đi.
 
Bữa đó ông Tịnh dặn con rồi đi xuống mé dưới. Ông  đến thăm Nhiễu vào buổi trưa. Về gần một tuần rồi còn gì. Lẽ ra ông phải đến ngay ngày đầu nhưng làm vậy thì rõ ràng quá. Con cháu đã vậy lại còn người ngoài nữa. Người Việt mình có tiếng đưa chuyện!
 
Quà cho Nhiễu ông đã để riêng từ bên Mỹ, gói và đánh dấu cẩn thận. Món tặng Nhiễu, món cho con nàng, những thứ có giá trị chứ không phải chỉ kẹo bánh. Trời sau Tết còn hơi lạnh nhưng ông chỉ mặc sơ-mi cụt tay và quần dài, đi đôi xăng-đan cho trẻ trung vì ông biết ông hơn Nhiễu gần hai mươi tuổi. Nhiễu chỉ hơn con cả ông ba, bốn  tuổi.
 
Vì đã dọ hỏi cẩn thận, tiệm tạp hoá của Nhiễu cũng dễ kiếm. Cái bảng hiệu nhỏ cho người ta dễ gọi:”Tạp hoá Ninh Phát” treo khiêm nhường cạnh vách nhà. Ông Tịnh hồi hộp, chậm bước lại. Ông có cảm tưởng hồi hộp hơn là năm xưa lúc hơn 20 ông đi coi mắt bà má mấy đứa con ông. Hồi đó trước khi đi đã biết là ăn chắc bởi bà mối đã dò hỏi. Giờ này chẳng mối chẳng mai, chưa được chuyện trò với nhau, lại tuổi đã cao, thân thể mặt mày tàn tạ đi rồi, lại đơn thân độc mã mình ên, cô vợ tương lai chỉ bằng tuổi đứa con lớn. Quá khó! Nhưng dù sao đã về đến đây, ông tự nhủ phải liều. Ông nhớ ngay câu châm ngôn: Không vào hang cọp, dễ gì bắt được cọp con. Đàng này ông sẽ bắt hẳn một con cọp mẹ, xinh đẹp và nết na số 1. Vài chục năm không gặp, ông nhớ thương quá héo cả người. Hít thở thật sâu vài ba cái cho tim bớt đập, ông Tịnh đứng cách cửa tiệm mươi bước sửa lại cái mũ, lau cái tròng kính cho sáng hơn, cắn đôi môi cho bớt khô rồi quả quyết tiến lại, bước vào trong. Có con bé khoảng 14, 15 tuổi đang coi hàng.
“Thưa bác cần mua gì?” Con bé hỏi.
 
Ông Tịnh cười cười cho bớt vẻ nghiêm trang, ông đoán con bé này là con lớn của Nhiễu:
“Mẹ cháu có nhà không?”
Con bé nhìn ông khách:
“Mẹ cháu đi chợ chưa về.”
Cũng chẳng có chỗ ngồi. Ông Tịnh cứ đứng cạnh cái tủ hàng để chờ Nhiễu. Con bé lại tiếp mấy người khách khác, nó để mặc ông đứng đó. Chừng 20 phút sau thì Nhiễu về. Ông Tịnh nhìn ra Nhiễu ngay. Ông mở lời chào trước. Ông sợ Nhiễu không nhận ra ông:
 
“Chào chị Nhiễu, tôi là Tịnh chị nhớ tôi không? Tôi mới ở hải ngoại về, đến thăm chị và các cháu.”
Nhiễu đã nghe hàng xóm nói ông Tịnh về mấy hôm nay:
“Thưa bác, cháu có nghe bác đã về thăm quê hương. Lẽ ra cháu lại thăm bác rồi nhưng bận quá. Vài đứa nhỏ qua nay lại bệnh... Mời bác ngồi tạm chỗ này, thưa bác.”
 
 
Để con gái bán hàng, Nhiễu đưa ông Tịnh vào căn phòng phía trong có bộ bàn ghế có lẽ là dùng để ăn cơm hơn là tiếp khách.
“Mời bác ngồi.”
Ông Tịnh cải chính ngay:
“Ấy, cứ gọi tôi là chú Tịnh như ngày xưa đi, chị Nhiễu!”
(còn tiếp)
Bút Xuân Trần Đình Ngọc

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire