Càng
Già Càng Dẻo (5)
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
(tiếp theo)
Dăm hôm sau, bà Vân và cô con gái lớn là Tuyết đến
thăm Nhiễu. Bà Vân là em bà Lượng tức là dì ruột Nhiễu. Thấy con bé Gấm, con út
của Nhiễu đang cầm cái hộp phấn Mac Factor chơi, bà bảo nó:
“Đưa bà coi. Mẹ mày dám
“chơi” thứ này cơ à?”
Nhiễu bán xong món hàng,
chạy vào:
“Người quen cho cháu đấy
dì Vân!”
Bà Vân la lên:
“Người nào mà chơi sang
dữ? Chỉ có cán bộ lớn chứ công nhân viên, công chức ba cọc ba đồng sao dám chơi
thứ này!”
Bảo Vóc coi hàng, Nhiễu
ngồi kể mọi chuyện về ông Tịnh cho bà Vân nghe. Càng nghe bà càng tỏ ra thích
thú. Nhiễu kết luận:
“Chú Tịnh thấy cháu góa
bụa, muốn lấy cháu và đưa cháu sang Hoa Kỳ. Chú bảo đảm đời sống cho mẹ con cháu.
Nhưng dì biết đấy, từ khi chồng cháu qua đời, cháu đã tự nhủ lòng là không bao
giờ cháu đi bước nữa. Cuộc đời làm vợ anh Vấn tuy ảnh không xử tệ với cháu nhưng
cháu không có tình yêu. Bố mẹ cháu bảo cháu lấy thì cháu phải nghe lời bố mẹ thôi.
Hồi đó cháu mới 18 tuổi, đi vào đời mà còn dại dột ngu ngơ lắm. Nay cháu sống
thế này với các con cháu là cũng tạm yên.”
Bà Vân nói:
“Dì biết vợ chồng ông bạn
của bố mẹ cháu. Ông ấy cũng là người tử tế, lịch thiệp tuy tuổi thì hơn cháu
nhiều. Nhiễu chỉ lo buôn bán nuôi con, chẳng đi đến đâu nên Nhiễu còn ngây thơ
lắm. Lên Sài gòn mà coi. Người ta tìm đủ mọi cách để ra ngoại quốc và không trở
về Việt Nam nữa. Có nhiều cô gái chỉ bằng tuổi em Tuyết nghĩa là chưa đến hai mươi,
cũng có cô hơn hai mươi hay ba mươi, đi lấy chồng Đài Loan, Hàn quốc, Mã Lai,
Indonesia, cả Trung quốc. Người ta đi nhiều lắm rồi cháu. Nhiễu có biết vì sao
mà người ta ùn ùn đi như thế không?”
“Cháu chỉ nghĩ là vì làm
ăn buôn bán khó khăn mà ra. Như hồi xưa còn chế độ cũ thì ai nấy cũng mát mặt.
Bố cháu chỉ làm Thư ký Sở Bưu điện Sàigòn, mẹ cháu ở nhà nội trợ, rồi bố cháu
phải vào nhà binh mà mua được nhà cửa, nuôi 7 anh em cháu, cho đi học khá đầy đủ,
nhất là con trai. Cháu là con thứ hai mà là con gái đầu nên phải bỏ học sau lớp
10 giúp mẹ. Giờ này mang tiếng là giải phóng với cách mạng mà cháu nghĩ khó lòng
cho các con cháu vào được Đại học. Con Vóc rồi cũng phải bỏ học lo với cháu không thì một mình cháu
làm không xuể.
Vụ các cô gái Việt đi lấy
chồng ngoại quốc, cháu có nghe nhưng không biết rõ như dì. Như vậy họ được tiền
nhiều phải không dì Vân?”
Bà Vân đặt cái tách xuống
đĩa:
“Không nhiều đâu cháu.
Chú rể nào khá thì cô dâu cũng được 5,000 đô nhưng số tiền ấy còn phải trừ tiền
cò mai mối, tiền trà nước cho các cấp cán bộ khu vực, Phường trưởng làm giấy hôn
thú. May ra vào tay cô dâu để đưa cho cha mẹ khoảng nửa đó. Mà cháu có biết các
chú rể ra sao không?”
Nhiễu lắc đầu:
“Không, dì.”
“Què cụt là phần lớn. Có
chú rể phải đi nạng, còn tuổi tác thì già lắm, khoảng tuổi cha, chú cô dâu. Thấy
mà rầu. Mà họ lựa kỹ lắm. Chú rể Tàu nói chung phải còn trinh mới có giá. Là
Sinh viên Đại học, đẹp lại còn trinh thì giá gấp đôi là thường. Họ chuộng chữ
trinh lắm vì họ tin rằng lấy cô gái còn trinh thì sẽ được may mắn lắm. Để cho họ
lựa thì các cô gái tình nguyện đi làm dâu xứ người phải “đăng ký” với cò. Cò tổ
chức tập họp lại cho các chú rể lựa. Các cô gái phải khỏa thân cho họ coi, họ so
sánh và lựa người họ ưng. Sau đó mới ghi tên tuổi và làm giấy tờ, rồi định ngày
ra Phường làm hôn thú, tổ chức đám cưới tại nhà hay nhà hàng v.v…Có cô dâu chỉ
hơn con Vóc vài tuổi.”
Nhiễu xuýt xoa:
“Dì Vân ơi, như vậy thì
cháu thà nghèo túng, đói rách còn hơn là kiếm được chút tiền mà nhục nhã như thế.”
“Không, Nhiễu à. Thời
nay, đồng tiền là trên hết, đo-la là số 1. Người ta phần lớn chỉ vì tiền, vì tiền
cho người ta đủ thứ, bất kể luân lý đạo đức hay tình cảm con người. Có tiền mua
tiên cũng được nên người ta không từ một hành động nào để có tiền.
Ngoài ra, cháu cũng nên
nhớ một điều. Cháu xinh thật, đức hạnh thật nhưng cháu đã có chồng, có con. Các
cô gái này trăm phần trăm là chưa lấy chồng bao giờ, cũng có người đã lấy mà bỏ
hay chết chẳng hạn nhưng miễn là lúc đi “đăng ký” thì độc thân. Rồi còn nhiều điều
kiện khác nữa chứ không phải dễ đâu!”
“Thế bây giờ dì nghĩ
cho cháu làm sao về chuyện chú Tịnh, dì Vân?”
Bà Vân nói một cách mạnh
dạn:
“Lấy ông ấy chứ làm sao
nữa! Có Việt kiều ở Mỹ về hỏi cưới, làm hôn thú cho 6 mẹ con đi sang Mỹ sống, đẻ
bọc điều chưa có đâu con ạ! Thời buổi này cạnh tranh ghê gớm lắm, bất cứ nghề
nghiệp nào cũng phải cạnh tranh ráo riết không thì người ta ăn ốc còn mình chỉ đi
đổ vỏ. Nghĩa là nghèo khổ cả đời! Dù sao 5 đứa con của cháu, ai người ta cũng sợ. Lo cho mẹ thì anh đàn ông
nào cũng lo được, tình nguyện mà lo, bởi là vợ, là người yêu của hắn.. Còn lo
cho con người yêu, nhất là những 5 đứa thì phải hỏi lại. Phải ăn ở không đâu. Còn
học hành, xe cộ, áo quần, đủ thứ. Nuôi thêm 5 người nữa ở bên Mỹ, trẻ con đang
sức lớn, dù dì chưa sống bên đó dì cũng biết, không phải ai cũng làm được!”
Mặt Nhiễu vẫn không vui
hơn tí nào:
“Con không ngại cái gì
mà chỉ ngại chú Tịnh nhiều tuổi quá dì ạ. Hơn con gần 30 tuổi, rồi làm vợ làm
chồng nó ra làm sao? Vấn xưa kia ít học mà cũng chẳng đẹp trai nhưng cùng trà cùng
lứa với con, xưng hô cũng như sinh hoạt dễ dàng lắm. Đàng này con chú cũng xấp
xỉ tuổi con mà họ phải gọi con là cô hay dì, chính con ngại ngùng và ngượng ngập,
chứ không phải họ. Rồi khi ở với nhau, tất nhiên có vợ trẻ thì chú ấy chiều con
nhiều lắm nhưng các người con của chú ấy thấy vậy thì họ sẽ ghen tương lên, gia
đình xào xáo. Chú ấy bỏ con không được vì chết sống chú ấy cũng giữ con. Mà bỏ
con chú thì sao được. Mang tiếng với người ngoài mà con cái xa lánh, làm sao chú
ấy sống bình yên được?”
Bà Vân dấm dẳn:
“Dì nghe Nhiễu nói dì cũng
phát mệt. Trước mắt là cứ ưng đi để sang Mỹ cái đã, cả 6 mẹ con, sướng hơn tiên.
Sau đó hậu tính, gió chiều nào che chiều ấy chứ tính toán sớm quá biết nó có xẩy
ra đúng như lòng mình suy nghĩ không. Thời nay đa số người ta chỉ ăn xổi, đánh
nhanh đánh mạnh và chiến thắng. Lù đù như ngày xưa thì trâu chậm uống nước đục.
Dì nói vậy nhưng tùy cháu
kẻo sau này có chuyện không hay lại bảo tự dì. Dì cũng dặn thêm điều này, hễ cháu
bằng lòng lấy ông già thì thôi, còn nếu cháu từ khước ông già thì cho dì hay
ngay. Nếu ổng bằng lòng dì thì tao đi ngay hoặc nếu ông thích trẻ thì con Tuyết
cũng được.”
Cả mấy dì cháu cười ồ lên.
Tuyết lắc đầu quầy quậy:
“Không, mẹ có lấy thì lấy.
Con không chịu cái ông già ấy đâu!”
Giọng bà Vân lớn hơn bình
thường:
“Gớm đã dính ngay vào đấy.
Cầu cho có người rinh mày sang Hoa Kỳ thì mẹ và em mày cũng có phận nhờ. Ở mãi
cái xứ Việt Nam lạc chợ trôi sông này rồi cũng mụ mị người đi thôi. Không thì
ra điên, ra khùng. Thực phẩm độc hại thế này, cái gì cũng không dám mua, không
dám ăn, cạp đất mà ăn cho sống à?”
Cả nhà lại cười, nhưng
bà Vân vẫn nghiêm trang, không cuời. Nhiễu nói nhỏ vào tai bà Vân:
“Dì ơi, dì nói nhỏ kẻo
hàng xóm nghe được lại phiền!”
“Tao nói thật đấy. Sống
như cán bộ cao cấp thì mình làm gì có tiền như chúng nó. Chúng nó tổ tham nhũng,
chưa có nước nào băng hoại đến thế. Mà sống qua ngày như dì cháu mình thì bệnh
hoạn đâm ra, cả ung thư ung thiếc, lúc đó có bán cái nhà bẹp không đủ trả “viện
phí”. Chúng mày có bệnh phải vào nhà thưong mới biết. Bác sĩ, y tá, lao công,
thư ký đều phải trà nước hết. Không thì nằm chết khô rồi khiêng về chôn. Hai ba
người một giường, phải đứa mửa thổ, té re thì mày cũng chết sớm. Cho nên những
người già ở ngoại quốc về Việt Nam dưỡng già là dại vô cùng.
Thôi dì về đây. Quyết định
ra sao cho dì hay nhé, Nhiễu!”
“Dạ. Đi hay không đi, con
sẽ thông báo dì sớm!”
%%%
Ông Tịnh về Mỹ được một
tuần thì Nhiễu nhận được lá thư của ông gửi từ Ninh Phát. Trước đó, ông định về
Mỹ viết rồi mới gửi nhưng e thư đi lâu, nên hôm còn ở nhà Hiền, ông đã viết và
ra Bưu Điện dán tem gửi đi. Thư như sau:
Ninh
Phát ngày ….tháng …năm…
Nhiễu
quí mến,
Hôm
nay tôi viết thư cho Nhiễu vì hai lần gặp, tôi chẳng nói được gì. Lá thư này
tôi gửi Nhiễu từ Ninh Phát, để thư tới Nhiễu sớm, thay vì gửi từ Mỹ, sau khi sang
tới đó, chắc chắn đi khá lâu.
Từ
những lời tôi nói với Nhiễu trong hai lần tới thăm Nhiễu và các cháu, tôi chắc
Nhiễu đã hiểu rõ mối chân tình của tôi đối với Nhiễu như thế nào. Nhiễu đừng cười
tôi nhá, tôi phải thú thật rằng từ khi có trí khôn, tôi chưa yêu ai như yêu Nhiễu.
Có phải chính vì vậy mà những điều đã xảy ra cho tôi và cho Nhiễu - không ai muốn
cả, những cái tang của hai gia đình - nhưng đã là cái lý do khiến tôi có hi vọng
được cùng Nhiễu đi cho hết cuộc đời trên cùng một con đường. Hạnh phúc to lớn ấy,
phải nói rằng có Bề Trên sắp xếp chứ những như sức tôi, không thể nào có được.
Tôi cũng phải nói rất chân thành là nhờ quen biết hai Bác mà tôi biết Nhiễu,
yêu Nhiễu và có cái hi vọng to lớn ngày hôm nay.
Nếu
sở nguyện của tôi được Nhiễu đáp ứng, tôi xin hứa sẽ lo cho hạnh phúc của Nhiễu đến cuối đời,
bao lâu tôi còn được nắm tay Nhiễu đi trên đường đời. Tôi cũng sẽ săn sóc các
con Nhiễu và lo cho chúng như chính con tôi.
Tôi
cầu mong Nhiễu chấp nhận tình yêu tha thiết của tôi để giấc mộng đẹp nhất đời
tôi được hoàn thành. Xin Nhiễu trả lời cho tôi càng sớm càng tốt vì tôi mong
tin Nhiễu từng phút.
Địa
chỉ tại Hoa Kỳ của tôi tại cuối thư.
Cho
phép tôi được hôn Nhiễu …thật nhiều!
Yêu
Nhiễu tha thiết,
Lê
trung Tịnh
Đọc đến câu cuối, Nhiễu
nóng bừng cả mặt. Nhiễu đã chấp nhận làm vợ ông Tịnh rồi sao? Khi xưa vâng lời
cha mẹ đi lấy Vấn, lấy là lấy chứ Nhiễu không biết những tình cảm lãng mạn là gì.
Vấn quá thô sơ và chân thật. Anh ta chưa từng nhớ đến một lần sinh nhật của vợ,
chẳng biết nói một câu cho vợ vui lòng, cũng chẳng bao giờ gặp cái gì đẹp mà biết
vợ sẽ thích, mua về tặng vợ.
Ông già Tịnh này, trái
lại. Lớn tuổi mà ông vẫn quá khéo và sâu sắc, đánh vào tâm lý Nhiễu khiến Nhiễu
rất xúc động. Người thiếu phụ chết chồng, cô đơn trong nhiều năm ắt mong muốn được
nghe những lời yêu thương, trân quí, tâm tình, an ủi. Tâm hồn họ như sa mạc khô
cằn nóng cháy, nếu có một làn gió thoảng, một lớp sương mát phủ lên ắt là sự công
hiệu sẽ trăm phần trăm. Hầu hết đàn bà đều ưa cung cách dịu dàng và xử sự ấm áp,
nhẹ nhàng. Làm cho họ vui, tử tế với họ, chiều chuộng họ một tí, biết những cái
họ thích, tránh những cái họ ghét, ấy là sai khiến họ không mấy khó.
Nhiễu lại nghĩ đến 5 đứa
con với những lời khuyên thiết thực của dì Vân. Dì ra đời lâu rồi nên dì từng
trải. Ông chồng của dì là Sĩ quan VNCH, ông không chết trận mà ngay sau khi Dương
văn Minh đầu hàng, ông cùng nửa tiểu đội Nhảy Dù mở chốt lựu đạn lúc 12 giờ trưa
ngày 30 tháng Tư năm 1975 tại Long Khánh, làm dì đau đớn vật vã chết lên chết
xuống. Đời dì, chưa bao giờ dì phải đối phó với cái nghiệt ngã, tàn ác của định
mệnh như khi nghe tin chồng tự sát chết. Dì như người điên mất trí nói nhảm nhưng
nhiều lúc lại rũ ra như cái xác chết trôi không nhấc nổi một ngón tay. May được
họ hàng và đồng đội của chú ấy xúm vào lo tang ma cho cả đám. Rồi dì phải gượng
đứng lên để sống còn và nuôi hai đứa con còn nhỏ. Khoảng năm sau, có mấy anh cán
bộ địa phương, cả vài người bạn với chú khi xưa muốn lấy dì nhưng dì từ chối. Dì
đã nghĩ cả: lấy một Việt kiều ngoại quốc để đưa các con đi ăn học thì dì đi bước
nữa. Già trẻ thế nào dì cũng chịu bởi dì nghĩ phải hi sinh cho con. Còn không
thì thôi. Đó là niềm mong mỏi cuối cùng của dì trước khi chấm dứt cuộc đời một
người đàn bà con quan khi xưa: cha dì nguyên là quan huyện Thái Ninh, Thái Bình
thời Pháp thuộc.
(còn tiếp)
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire