Bài
của anh Bút Xuân đã post. anh kể chuyện hấp dẫn y như thiệt...
thật hay không thật cứ đọc tiếp cho biết nhé quý anh chị.
Caroline Thanh Hương
Đọc bài trước ở đây
http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/06/cang-gia-cang-deo3-tac-gia-but-xuan.html
· Bút Xuân Trần Đình Ngọc
(tiếp theo)
Ông Tịnh ra khỏi tiệm, Vóc, đứa con gái lớn của Nhiễu thay mẹ đứng bán hàng, hỏi mẹ:
“Ông cụ này là ai vậy mẹ?”
Nhiễu đứng sắp lại vài món hàng bị xộc xệch bởi người mua bới ra lựa:
“Đó là cụ Tịnh, xưa kia là bạn với ông bà ngoại con đấy! Cụ đang ở Mỹ, về thăm gia đình, ghé thăm mẹ con mình!”
“Trông cụ phúc hậu, mẹ nhỉ, giống ông ngoại! Việt kiều Mỹ có khác. Cụ cho mấy gói đồ lận. Để con mở coi là cái gì mẹ nhé!”
“Ngó nồi cháo cho mẹ kẻo nó trào!”
“Dạ.”
Vóc xuống bếp ngó nồi cháo rồi trở lại bàn cầm mấy gói quà lên ngắm nghía. Nó không mở ngay mà đưa lên mặt áp vào má hít hà một hơi thật dài: mùi nước hoa đắt tiền của đàn bà thoảng nhẹ nhẹ.
“Mẹ ơi, thơm quá, vào đây coi con mở quà!
Vóc nhẹ nhàng gỡ băng keo từng gói, những gói nhỏ trước.
“Hai gói này toàn kẹo bánh với súc-cù-là thôi mẹ. Hai cái hộp sang trọng này là quần áo chắc?”
Vóc mở hẳn cái hộp ra: “Chà, đẹp quá! Này mẹ coi, hai cái quần jeans, hai cái váy đầm mầu xanh da trời và mầu vàng ngà tuyệt đẹp. Hộp này là bốn cái áo thun để mặc với váy và quần jean, hàng hiệu quá sang và mầu nhã thì thôi! Để con ướm xem có vừa mẹ không nhá!”
Nó lấy mỗi thứ ra ướm vào ngực, vào đùi Nhiễu: “Đẹp ghê, da mẹ trắng nên rất hợp các mầu này. Mà sao vừa y, như đích thân mẹ đi lựa vậy. À mà sao ông cụ biết cỡ quần áo của mẹ hả mẹ?”
Con Vóc cứ tíu ta tíu tít khen mấy món quà đáng giá. Rồi con bé Lụa đi học cũng về tới. Hai đứa con gái cứ ngắm nghía trầm trồ không dứt trong khi Nhiễu tỏ vẻ buồn chứ không vui.
“Sao mẹ buồn vậy?” Vóc hỏi.
Nhiễu nhẹ thở dài:
“Con ơi, những thứ này rồi mẹ phải trả lại cụ ấy chứ mẹ không dám nhận đâu. Mẹ đã ấn vào tay cụ mà cụ lại bỏ lại. Nhận của người ta rồi ơn nghĩa lắm, biết làm sao trả được?”
Hai đứa con gái ngẩn ra:
“Ông cụ này có vợ con gì không mẹ?”
“ Bà cụ mất lâu rồi. Con gái cụ ấy là cô Hiền, cô Hảo ở phía gần nhà thờ đó.”
Con Vóc chợt nghĩ ra:
“Thôi đúng rồi mẹ ạ. Con đoán thế này: ông cụ thì vợ mất đã lâu. Còn mẹ nay cũng góa. Ông cụ lại là bạn của ông bà ngoại khi xưa. Có lẽ ông cụ muốn làm đám cưới với mẹ!”
Nhiễu đỏ mặt, trừng mắt nhìn nó:
“Mày chỉ nói nhảm. Hàng xóm nghe được thì phiền! Để mẹ kiếm cách trả lại mớ quần áo này cho ông cụ!”
“Việc chi phải trả hả mẹ? Người ta cho thì mình mặc, ai bắt phạt được mình. Nhưng con suy ra là ông cụ muốn lấy mẹ. Mẹ coi, quần áo thơm sực mùi nước hoa. Lại cả mấy hộp son phấn nước hoa này nữa. Bạn bè ai mà cho mấy thứ đặc biệt của đàn bà này. Tiền bộn đây mẹ!”
Hai đứa con gái càng nói thì Nhiễu càng buồn. Làm sao trả lại chú ấy đây? Hiền và Hảo mà biết thì mình khổ với họ. Cái này là tai họa chứ không phải ơn phước gì đâu. Chú Tịnh không hiểu rằng ở Việt Nam khó lắm chứ không dễ dàng như bên Mỹ. Người ta sống tự do và trọng nhân phẩm con người chứ không chà đạp con người, nhất là phụ nữ. Phụ nữ chỉ có quyền theo chồng, chồng chết theo con và nuôi con. Đó là tất cả cái hệ thống luân lý từ ngàn năm xưa đến nay mà phụ nữ không có cách chi chối từ. Đi ra ngoài cái luật lệ đó, phụ nữ bị khinh rẻ như một con quái vật. Vì vậy dù còn trẻ, Nhiễu không bao giờ dám nghĩ đến tái giá dù tái giá với Nhiễu chỉ là có người đàn ông nương tựa khi tắt lửa tối đèn hoặc khi bệnh hoạn hay gặp tai họa. Dù sao có một người đàn ông trong gia đình để nhờ cậy cũng là điều tốt! Mẹ góa con côi nhiều lúc nhìn người ta đầy đủ vợ chồng mà tủi. Mà trẻ con thì đâu chúng có biết gì. Có những đêm trằn trọc không ngủ được, Nhiễu nằm khóc lặng lẽ. Ấy là Vấn xưa kia chỉ là do cha mẹ ép lấy vì đàng trai có bà mối quá lanh và khéo nói chứ Nhiễu đâu có yêu Vấn, một anh thanh niên cục mịch và vụng về. Vấn ít học và hơi xí trai nhưng vì cha mẹ nghe lời bà mối ép Nhiễu làm đám cưới lẹ. Rồi những đứa con ra đời. Nhiễu phải làm bổn phận, vả lại ai trong hoàn cảnh của Nhiễu cũng chỉ có một con đường. Bỏ chồng trốn đi như một số cô dâu khác thì Nhiễu không dám. Nhiễu vốn nhát. Nhưng quả thực là cuộc hôn nhân với Vấn không mang lại hạnh phúc cho Nhiễu. Từ khi có con Vóc, rồi 4 đứa em nó, Nhiễu lo cho con và lấy con làm ngưồn an ủi. Được cái Vấn không rượu chè, bài bạc gì và Nhiễu bảo sao, anh ta làm y thế.
Hai đứa con gái lại ướm vào người Nhiễu lần nữa:
“Mẹ thay áo mặc thử đi! Mẹ trẻ thêm vài chục tuổi. Ông cụ này giỏi lựa đồ thiệt!”
“Thôi, bỏ vào trong tủ cho mẹ rồi đi sắp cơm ăn cơm. Hai đứa nhỏ đã về cả chưa?”
“Chúng nó đang ở nhà bác Côi đấy mẹ. Để con đi gọi chúng nó!”
%%%
Nhiễu muốn trả lại ông Tịnh hai hộp quần áo và hộp trang điểm mà không biết phải làm sao. Đón ông Tịnh lúc tan lễ thì nhà thờ đông người quá, người ta thấy lạ sẽ bu vào nhìn, mắc cở cho ông Tịnh, có thể vì vậy mà ông giận và trách móc nặng. Đem hẳn lại nhà Hiền-Thịnh thì con cái ông cằn nhằn ông vì những gói quà đặc biệt chứ không phải thông thường. Mà giữ lại thì sau này làm sao mà trả ơn ông mà Nhiễu cũng ít có dịp mặc những quần áo hàng hiệu đắt giá này. Từ ngày chồng mất, chỉ mầu đen và mầu nâu, có đi lễ mới diện một tí, còn ở nhà buôn bán và đi lấy hàng thì quần áo tha hồ lèng xèng. Ấy vậy mà đám đàn ông vẫn theo Nhiễu miết, nhất là những anh góa vợ. Nhưng Nhiễu lờ hết, có những anh mướn xe ba gác chở hàng hóa đem đến tận cửa tiệm Nhiễu. Có những anh lái xe ôm, bảo Nhiễu là muốn đi đâu, bất cứ giờ giấc nào các anh đều thỏa mãn Nhiễu hết. Có anh lại nói với mẹ đến thăm làm thân với Nhiễu, tả oán rằng con trai bà góa vợ hai, ba năm rồi. Anh ta chịu thương chịu khó lắm và thương vợ thương con thì số 1. Nếu Nhiễu chịu thì tháng sau đám cưới. Bà cũng nói con trai bà sẽ thương con Nhiễu như con anh ta v.v…
Nói gì thì nói, Nhiễu bỏ qua hết. Cái đích cần phải đến của Nhiễu là 5 đứa con ăn học nên người có nghề nghiệp, có giá trị con người sau này là Nhiễu mãn nguyện. Nhiễu không mong gì hơn thế. Còn Nhiễu, cứ bám lấy nghề buôn bán vài chục năm nữa, nếu Trời cho sống. Đến lúc già cả thì con cái đã khôn lớn, không phải lo cho chúng nữa. Một mình Nhiễu sống sao mà chả được!
Về phần ông Tịnh, Nhiễu biết tấm tình tha thiết của ông Tịnh với mình dù ông chưa ngỏ lời nhưng nhìn món quà và cung cách, nói năng là biết. Có một trở ngại: Nhiễu đã hứa với lòng là không bao giờ đi lấy chồng lần nữa. Chẳng phải là thủ tiết thờ chồng nhưng 5 đứa con dại đó Nhiễu phải thay cha chúng mà nuôi chúng nên người kẻo sau này ân hận, chết không nhắm mắt. Nhiễu chợt nghĩ ra là thế nào trước khi lên máy bay trở lại Hoa Kỳ, ông Tịnh cũng tới chào từ biệt mẹ con Nhiễu. Dịp đó Nhiễu trả lại ông mớ quần áo và son phấn.
Dịp ấy đã tới. Ông Tịnh không dám ở lại lâu vì sái nguyên tắc của Sở Xã hội Mỹ mà chỉ ở 29 ngày.
Lần này, ông tới vào lúc mẹ con Nhiễu mới ăn cơm chiều xong. Ánh đèn không soi rõ lắm làm cho khuôn mặt ông bớt già và dáng điệu nhanh nhẹn hơn. Nhưng ánh đèn lại làm cho Nhiễu xinh đẹp và duyên dáng dù Nhiễu vẫn chỉ cái quần đen và cái áo bà ba mầu gụ, tóc cột đuôi ngựa phía sau.
“Mời chú ngồi đây. Trà cháu mới pha, cháu mời chú dùng nước!”
“Cám ơn chị Nhiễu!”
Cửa hàng đã đóng. Mấy đứa trẻ cười khúc khích trên cái gác xép phía sau.
“Cháu bị cảm hôm nọ, uống Tylenol có bớt không, chị Nhiễu?”
“Cháu bớt hẳn chú ạ. Thuốc Mỹ đưa về là thuốc thực, thuốc mua ở Việt Nam phần nhiều là thuốc giả. Một viên thuốc thực, con buôn pha ra làm 5 viên thuốc giả. Uống không chết nhưng lâu khỏi lắm. Muốn mua thuốc thật thì phải nhờ bác sĩ mua cho mới là thuốc thật.”
“Mai tôi lên máy bay trở về Mỹ. Tôi tới chào chị Nhiễu và các cháu. Hi vọng một ngày rất gần chúng ta được gặp lại nhau! Tôi đã có địa chỉ và sô phôn của Nhiễu, tôi xin phép được liên lạc sau khi về Mỹ. Tôi cũng xin nhắc lại là bất cứ thứ gì chị Nhiễu muốn mua bên Mỹ mà số tiền nằm trong khả năng của tôi, tôi sẽ cố gắng làm vừa lòng chị Nhiễu.”
“Thưa chú, cháu không dám làm phiền chú gì đâu. Bữa chú lại chơi, chú cho cháu quá nhiều quà. Hôm nay cháu xin trả lại chú, cháu không dám nhận những thứ quà đắt tiền ấy đâu. Chú mang trở về Mỹ hay là để các cô Hiền, cô Hảo mặc.”
Nhiễu nói xong đứng kên vào tủ lấy ra hai hộp quần áo và hai hộp soin phấn bữa trước, để ngay trên bàn, trước mặt ông Tịnh.
“Chị Nhiễu nhận giùm tôi. Đây là lòng chân thành quí mến chị và các cháu. Giờ này tôi lại mang về nhà Hiền hay Hảo thì không được nữa. Chị mặc là rất đẹp, ít ai bằng. Tôi cất công đi lựa mấy ngày đấy. Giữ đấy sau này thế nào cũng có dịp mặc. Đây không phải chỉ quần áo mà gói ghém tấm lòng yêu mến của tôi với Nhiễu, đã từ lâu rồi, hồi chúng ta còn ở Định quán. Thôi chào tạm biệt chị và các cháu. Tôi sẽ biên thư và điện thoại thăm chị và các cháu!”
Nhiễu xúc động không nói thêm được lời nào có lẽ vì Nhiễu thấy tấm lòng của ông Tịnh chân thành và tha thiết đối với mình. Nhiễu vốn giầu tình cảm và hay mủi lòng. Ông Tịnh bước ra khỏi cửa. Nhiễu đứng tại cửa nhìn cái bóng hắt hiu của ông Tịnh lẫn dần vào bóng tối khu phố chợ Ninh Phát, vui buồn lẫn lộn.
(còn tiếp)
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
Nhà Xuất Bản Đông A hân hạnh giới thiệu
Ðôi Dòng Tiểu Sử
Giáo Sư - Nhà Văn - Thi Sĩ - Nhà Báo
BÚT XUÂN TRẦN ÐÌNH NGỌC
Nhà Văn Trần Ðình Ngọc sinh tại Trà Ðoài, Nam Ðịnh, Bắc Việt.
- Từng là Sinh Viên ba Trường Ðại học Khoa học, Luật Khoa và Văn Khoa Sàigòn.
- Cử nhân Văn chương Ðại học Văn Khoa Sàigòn (1965)
- Giáo Sư Toán - Lý - Hóa từ lớp 6-11 từ 1959.
- Giáo Sư Anh - Triết và Sử Ðịa
- Giáo Sư Quốc Văn các lớp thi Tú tài I và Triết học các lớp thi Tú tài II tại nhiều tư thục Sàigòn-Gia Định từ 1965.
- Giám học/Tổng Giám thị Trung Tiểu học Ðồng Tiến từ 1965.
- Sinh viên khóa 13 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ đức (1962-1967)
- Tốt nghiệp Đại học Orange Coast College (1980)
Sinh viên năm cuối Kỹ Sư Điện tử Đại Học Long Beach, CA Hoa Kỳ.
- Đắc cử Dân Biểu Quốc Hội VNCH, Chủ tịch Ủy Ban Phát Triển Nông Thôn Hạ Nghị Viện (1971-1975).
- Tổng Thư Ký/Chủ Bút Bán Nguyệt San Tinh Thần Sàigòn Nha Tuyên Úy CG Quân lực VNCH (1959-1971)
- Cộng tác viết bài cho các nhật báo Chính Luận, Xây Dựng, Hòa bình, Bút Thép, Nguyệt san Phổ Thông, Thời nay v.v...từ 1959.
- Ðã dùng các bút hiệu: Xuân Vũ (từ 1958) Trần Ðình Ngọc, Trần Công Tử, Trần An Nhiên, Ðan Tâm, Bút Xuân và nhiều bút hiệu khác.
- Từ năm 1975, tại Hoa kỳ, đã cộng tác với nhiều Tạp chí ở Hải ngoại: Tiếng Việt và Thế Giới Phụ Nữ, Y học thường thức, Ngày Mai, Y tế, Sức Sống, Nắng Mai, (Cali) Rạng Ðông (AZ) Ðoàn Kết (Austin TX), Hương Quê, Ðẹp (TX) Con Ong Việt (San Diego), Trái Tim Ðức Mẹ, Ðức Mẹ Hằng Cứu giúp, Ngọc Lân New Orleans v.v...
- Hiện cộng tác với nhiều websites và nhiều tạp chí xuất bản định kỳ tại Hoa Kỳ.
- Làm việc cho Sở Xã hội quận Orange, CA với chức vụ Chuyên viên Tìm việc (Employment Specialist) từ 1980-2000 (nghỉ hưu).
Ðã xuất bản tại Sàigòn:
- Ðề thi Quốc văn Tú tài I (1963)
- Luận lý học, Ðạo đức học, Tâm lý học cho các lớp luyện thi Tú tài II.
- Luận đề về Nguyễn Du, Nguyễn công Trứ, Bà huyện Thanh Quan (1967).
Hoàng hôn miền núi - Tuyển tập truyện ngắn I (1974)
- Như áng Mây trôi I, Thơ Quê hương, Chiến tranh và Tình Yêu (1974)
ÐÃ XUẤT BẢN TẠI HOA KỲ:
- BỌT SÓNG Truyện dài Tị nạn, Tình cảm, Tâm lý, Xã hội (2 tập, 665 trang), Nhà Xuất bản Ðông A, CA 1997.
- NHƯ ÁNG MÂY TRÔI II Thi tập hơn 200 bài Thơ về Quê hương, Tình Yêu, Thân phận con người, Thơ vui vv...
- NHỮNG CON DỐC ÐỨNG Tập truyện ngắn, Nhà Xuất bản Ðông A, CA USA 1999.
- Tập Truyện Ngắn III TÌNH MẸ CON (2009)
- Thi Tập III SAU GIỜ KINH CHIỀU (thơ Đạo- 2009)
SẼ XUẤT BẢN:
- Thi tập IV Thơ Bút Xuân
- Thi tập V SAU GIỜ KINH CHIỀU II
- Truyện dài MẢNH RUỘNG MẠ XANH
- Tập Truyện Ngắn IV.
- Truyện dài VÒNG TAY ĐỊNH MỆNH
(Một phần các Truyện này đã đăng trên nhiều Tạp chí và Net)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire