Tháng 7.2012, tôi trở lại thăm quê nhà ông - làng Thanh Châu (xã Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam). Ghé thăm nhà thờ tộc Bùi, được người phụ nữ chăm lo hương khói nơi đây cho xem gia phả của tộc. Qua câu chuyện, tôi khẳng định một điều mới mẻ: Nhà thơ Bùi Giáng đã có vợ. Hình tượng của bà và tình thương yêu, tiếc nuối ông dành cho bà là nội dung chủ đạo trong 4 tập thơ của ông: Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột và Màu hoa trên ngàn (in tại Sài Gòn từ năm 1962 - 1964).
Bà nhớ lại Bùi Giáng được
cha mẹ cưới vợ cho năm 1945, khi ông vừa 19 tuổi. Hôn nhân ngày trước thường do
cha mẹ đôi bên sắp đặt. Có lẽ, cuộc hôn nhân của Bùi Giáng cũng không đi ra
ngoài quy ước đó. Người phụ nữ giữ nhà thờ tộc Bùi xác nhận: “Chị Bùi Giáng về
làm dâu nhà ông bà bác tôi (cụ Bùi Thuyên và bà Huỳnh Thị Kiền - cha mẹ ông Bùi
Giáng) năm 18 tuổi. Chị là người Duy Xuyên, đẹp lắm, tóc dài da trắng cái chi
cũng đẹp. Tên thật của chị là Vạn Ninh”.
Tất cả thành viên
trong gia đình đều quý yêu bà chị dâu trẻ. Ông Bùi Luân - em ruột Bùi Giáng -
tỏ lòng quý mến của mình với người chị dâu trong tập thơ Chớp biển của Bùi
Giáng in tại Canada năm 1996: “Phải nhận là chị xinh đẹp, cởi mở, vui tính, hồn
nhiên… Gương mặt chị, hình ảnh chị đã nổi bật, sáng ngời mãi trong ký ức tôi.
Duy có điều bất cứ ai, dù không biết gì nhiều về tướng số, gặp chị là cũng nhận
ra ngay: Chị không thể ở lâu với chúng ta trên cõi đời này, dù cõi đời vốn đã
ngắn ngủi. Lấy chồng được ba năm, chị đã đột ngột lìa đời lúc mới ngoài hai
mươi tuổi… Chị trút hơi thở một cách bình thản”.
Vợ chồng Bùi Giáng
được cha mẹ cho một khu vườn đẹp ở làng Trung Phước để lập nghiệp. Trung Phước
là thung lũng trù phú ven sông Thu, kế cận mỏ than huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng
Nam ngày nay. Làng Trung Phước cách Thanh Châu trên dưới ba chục cây số. Có lẽ
cuộc hôn nhân của lứa đôi trẻ trung này giữa miền đất Trung Phước không được êm
ấm cho lắm. Ông Bùi Luân viết tiếp: “Chỉ một thời gian ngắn sau ngày cưới,
người vợ trẻ đã phải lặn lội từ cái thung lũng ngoạn mục nhất đó, xuôi sông Thu
Bồn êm đềm với ngàn dâu xanh ngát, về nhà bố mẹ chồng ở Thanh Châu cách hàng
mấy chục cây số. Trên chiếc đò bé nhỏ, chàng trai nói với người vợ trẻ:
Nếu em không đổi ý quay về, không bỏ qua chuyện cũ thì tôi sẽ… nhảy ra khỏi đò!
Khách xuôi đò tưởng
người con trai đùa dọa người vợ mảnh dẻ. Để nguyên quần áo, ngay lập tức anh
mình gieo xuống giữa dòng sông Thu. Và bơi theo đò. Để rồi thả trôi theo dòng
nước hết chỗ mấy chục cây số đó, tới tận bến nhà”.
“Bỏ qua chuyện cũ” là
chuyện gì? Đó là một chuyện hết sức tức cười và trẻ con. Ông Bùi Luân tiết lộ:
“Cô con dâu đứng bên bà mẹ chồng sụt sùi: Anh cho con ăn toàn khoai lang và rau
luộc. Anh không cho con mua cá mua thịt…”. Thì ra, Bùi Giáng đã… đi trước thời
đại chúng ta về chủ trương… ăn chay. Ông hiểu một cách tuyệt đối thế nào đó về
ẩm thực dưỡng sinh, nên chỉ thuận cho cô vợ ăn rau cải, củ quả mà không cho
phép bà ăn gà, bò - hai món thịt ngon nhất của vùng Trung Phước.
Người vợ qua đời năm
1948 khi Bùi Giáng vắng nhà. Ông Bùi Luân viết tiếp: “Phút lâm chung, chị không
thấy mặt chồng… Tôi chỉ biết là anh có mặt vào phút chót của buổi tiễn đưa chị
về nơi an nghỉ cuối cùng - anh đứng bên cạnh chiếc quan tài với vành khăn trắng
trên đầu”.
Bùi Giáng yêu vợ nhưng
vẫn muốn… bỏ nhà đi chơi. Cũng bình thường như bao nhiêu người đàn ông Quảng
Nam lãng mạn khi xa vợ, Bùi Giáng có thể gặp gỡ, giao lưu với những người phụ
nữ khác và nhận ra họ vượt trội vợ ông về một vài phương diện nào đó. Thế
nhưng, tình yêu và nỗi xót xa dành cho người vợ ở quê nhà thì rất đỗi mặn mà,
vô cùng tha thiết: “Mình ơi, tôi gọi bằng nhà/Nhà ơi, tôi gọi mình là nhà tôi”.
Hai năm sau cái chết
của người vợ trẻ, ông dẫn một bầy dê lên Nông Sơn chăn thả, ngao du qua những
đồi núi, suối khe mơ màng để nhớ thương vợ. Hai năm sau đó nữa, ông gửi bầy dê
lại cho… chuồn chuồn và châu chấu, bỏ quê nhà đi chơi tiếp. Ở đâu, ông cũng
phục hiện những hình ảnh yêu dấu xưa. Bài thơ nhớ vợ có một không khí rất đỗi
bi ai, tràn đầy hoài cảm: “Em chết bên bờ lúa. Để lại trên lối mòn. Một dấu
chân bước của. Một bàn chân bé con! Anh qua trời cao nguyên. Nhìn mây buồn bữa
nọ. Gió cuồng mưa khóc điên. Trăng cuồng khuya trốn gió. Mười năm sau xuống
ruộng. Đếm lại lúa bờ liền. Máu trong mình mòn ruỗng. Xương trong mình rả
riêng. Anh đi về đô hội. Ngắm phố thị mơ màng. Anh vùi thân trong tội lỗi. Chợt
đêm nào, gió bờ nọ bay sang”.
Bùi Giáng bỏ cố quận
ra đi biền biệt. Ra đi nhưng ông vẫn nhớ, đến tha thiết não nùng. Nhớ nhưng ông
không dám trở về bởi nơi nào ở cố quận cũng nhắc ông nghĩ đến tình yêu của
người vợ khổ.
Ông gọi bà với nhiều
tên gọi khác nhau. Đầu tiên, bà được gọi là “gái trần gian”. Ông có thể gặp gỡ,
cười đùa, tán tỉnh cả trăm người phụ nữ khác nhưng lòng ông chỉ yêu và chỉ nhớ
mỗi mình bà, đặc biệt những khi ông còn lại một mình, đối mặt với chính tâm
thức cô đơn của mình: “Đùa với Tuyết, giỡn với Vân. Một mình nhớ mãi gái trần
gian xa. Sương buổi sớm, nắng chiều tà. Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu?”.
Thứ hai, ông gọi bà là
“con mọi nhỏ”. Người Duy Xuyên có lệ thương yêu ai thì gọi người ấy là “con
mọi”, “thằng mọi”. Tôi lấy làm tiếc khi có vài người nghiên cứu văn học hiểu
nhầm chữ “mọi” trong thơ Bùi Giáng: “Mọi em là mọi sương xuân. Ban sơ núi đỏ
chào mừng non xanh”. Thơ ông viết cho “con mọi nhỏ” của mình tràn đầy nỗi
thương xót và tình yêu dấu: “Giờ ly biệt, ta xin em đừng khóc. Nào phải không?
Lệ chảy có vui gì? Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc. Nước xuôi dòng, ngàn
thu hận ra đi”.
Ông phong tặng người
vợ của mình - con mọi nhỏ, lên thành mẹ của giang san: “Em thành Mẹ của giang
san. Em là thần nữ đoạn trường chở che”. Thơ ông viết cho vợ càng lúc càng
trang trọng. Tất cả cái mẫu tính dịu dàng, hồn nhiên, tươi đẹp, đôn hậu toát
lên từ con người của bà Bùi Giáng khiến ông cảm phục vợ. Từ một con người cụ
thể, mảnh mai, bà vụt trở thành hình tượng cao quý nhất trong lòng ông, trong
thơ ông: “Em thuyền quyên ban mưa móc xum xuê. Em rắc gieo khắp xứ sở bốn bề.
Suốt địa hạt tình quê hương ba ngõ. Anh quỳ xuống gọi em: Em mọi nhỏ”.
Lắm khi ở phương xa,
ông nhớ cố quận. Qua mấy mươi năm, hình ảnh người vợ trẻ, hiền ngoan ấy vẫn
sống trong lòng ông. Ông uống trà giữa Sài Gòn mà hình ảnh của bà ngày xưa ở
Quảng Nam như hiển hiện trước mắt: “Trung niên thi sĩ uống trà. Thưa em mọi
nhỏ, em đà uống chưa?”. Một nửa cuộc đời ông, một nửa trái tim ông dành để nhớ
bà.
Vũ Đức Sao Biển
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire