caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

jeudi 3 juillet 2014

Thái Bá Tân THẾ GIỚI LƯỢC SỬ DIỄN CA/ đọc thơ lịch sử cũng là cái thú...


Có những người thật can đảm và thuộc nằm lòng lịch sử.
Tôi thật khâm phục, khi họ thuộc sử ta,  xong còn thuộc cả sử nước người.
Lúc còn đi học, một trong những môn chính là môn Sử, tôi rất quý tài dạy học của 1 thầy Petrus Ký là thầy Lê Trọng Phỏng.
Chưa có thầy nào, từ xưa đến giờ, có thể đạt được cái ưu tú về méthode dạy như vị thầy này.
Nói đến Sử thì phải nói đến Thơ Văn, ngoài anh Đông Hải thì bao nhiêu câu thơ lịch sử như sống lại trong từng dòng thơ ngoại hạng của anh.
Hôm nay, lại tìm thấy cả trang thơ viết rất dễ hiểu, càng dễ hiểu thì càng dễ nhớ...
Chapeau tác giả này và hy vọng trong coĩ CAT BUI cũng có 1 nhà đại thơ ra sánh bước với  tác giả này.
Đọc thử nhé mấy thi sĩ groupe của mình.
Caroline Thanh Hương

THẾ GIỚI LƯỢC SỬ DIỄN CA
Người viết: Thái Bá Tân   
13/04/2014
Thái Bá Tân
THẾ GIỚI LƯỢC SỬ DIỄN CA



LỜI NÓI ĐẦU

Chào các cháu thân mến.
Vậy là ông cháu ta
Đã có chuyến du ngoạn
Suốt lịch sử nước nhà.

Tổ tiên đã dựng nước,
Mở bờ cõi non sông.
Giữ nước là công việc
Của các cháu và ông.

Con chim nó có tổ.
Con thú nó có hang.
Con người có tổ quốc,
Quê hương và xóm làng.

Tổ quốc ta yêu quí
Sẽ thế nào sau này
Phụ thuộc vào những việc
Các cháu làm hôm nay.

Hiểu biết và kính trọng
Lịch sử của nước nhà
Giúp các cháu bước tiếp
Con đường của ông cha.

Vậy đọc lại cho nhớ.
Nếu được thì hàng ngày.
Còn giờ đã đến lúc,
Bắt đầu từ hôm nay,

Ông sẽ đưa các cháu
Ngược thời gian, du hành
Lịch sử toàn thế giới,
Qua các nền văn minh.

Lâu và xa lắm đấy.
Nhưng yên tâm, không sao.
Ông hứa sẽ thú vị
Và không mệt tẹo nào.

Rồi các cháu sẽ thấy
Lịch sử của loài người,
Cũng phức tạp, biến động,
Đầy máu chảy, đầu rơi.

Vì đó là qui luật
Cuộc đấu tranh triền miên
Giữa tiến bộ, phản động,
Tốt đẹp và thấp hèn.

Ông sẽ đưa các cháu
Đi từ gần đến xa.
Bắt đầu từ những nước
Láng giềng xung quanh ta.

Như cuốn Lược Sử Việt,
Khi kết thúc mỗi chương
Sẽ có chuyện cổ tích
Hoặc triết lý đời thường.

Hôm nay, chương thứ nhất -
Lịch sử nước Trung Hoa,
Một nền văn minh lớn
Gần gửi với chúng ta.

Ông sẽ kể tóm lược,
Nên không dài lắm đâu,
Bằng thể thơ năm chữ.
Nào, chúng ta bắt đầu.


Chương Một
TRUNG QUỐC

1
TỪ NGHIÊU THUẤN ĐẾN HẾT NHÀ TÂY CHU

Lịch sử nước Trung Quốc
Hơn năm nghìn năm nay.
Được ghi chép cụ thể
Trong những cuốn sử dày.

Từng tồn tại rất sớm,
Nền văn minh Trung Hoa
Đã phát triển rực rỡ,
Cùng Ai Cập, Lưỡng Hà…

Từ tập quán hái lượm,
Họ đã biết nghề nông,
Có công cụ lao động,
Bằng sắt và bằng đồng.

Khoảng năm nghìn năm trước,
Ở dọc sông Hoàng Hà,
Một người tên Hoàng Đế,
Thủy tổ người Trung Hoa,

Nổi lên, thành thủ lĩnh
Một bộ tộc đông dân,
Đã biết làm vũ khí,
Dệt vải, làm áo quần.

Họ đã có chữ viết,
Biết làm xe và thuyền,
Biết tạo ra nhạc cụ
Và thờ cũng tổ tiên.

Về sau, sử chép lại
Rằng vào thời gian này
Dân hiền, đời thịnh trị,
Toàn điều tốt, điều hay.

Đêm ngủ không đóng cửa.
Vua giản dị như dân.
Của rơi không ai nhặt,
Nhà nào cũng đủ ăn.

Còn các vua của họ,
Những vị vua đầu tiên,
Như vua Nghiêu, vua Thuấn,
Là những bậc người hiền.

Vùng Hoàng Hà thời ấy
Lũ lụt xẩy ra nhiều.
Hạ Vũ có công lớn
Trong việc xây đê điều.

Nên khi vua Thuấn chết,
Hạ Vũ được tôn lên,
Lập triều đại nhà Hạ,
Thành triều đại đầu tiên.

Triều đại này tồn tại
Mười sáu đời, trải qua
Suốt gần bốn thế kỷ,
Dân thuận, nước yên hòa.

Vua cuối cùng nhà Hạ
Tên là Kiệt, vua này
Nổi tiếng rất tàn bạo,
Giết người không ghê tay.

Cũng vào thời kỳ ấy,
Ở hạ lưu sông Hoàng,
Bộ tộc Thương đã mạnh,
Người đứng đầu là Thang.

Thang đem quân đánh Kiệt.
Kiệt thế yếu, phải thua.
Đời Nhà Hạ chấm dứt.
Thang tự mình xưng vua.

Nhà Thương được thành lập.
Sáu trăm năm, đời này
Dời kinh đô đến Bạc,
Tỉnh Hà Nam ngày nay.

Thế kỷ thứ mười bốn
Trước Công Nguyên, Bàn Cân
Dời đến Ân, từ đó
Nhà Thương thành nhà Ân.

Cuối đời Thương, vua Trụ,
Một bạo chúa hôn mê,
Độc ác, ham tửu sắc,
Đánh sưu thuế nặng nề.

Hắn ăn chơi xa xỉ,
Lấy rượu đổ thành sông.
Si mê nàng Đát Kỷ,
Quên triều chính, việc công.

Bộ lạc Chu thời đó,
Ở thượng lưu Hoàng Hà
Đã bắt đầu lớn mạnh,
Thanh và thế vang xa.

Thủ lĩnh bộ lạc ấy
Có tên gọi là Xương.
Cuối cùng đã lập nước,
Tự xưng là Văn Vương.

Nhân khi Thương suy yếu,
Vũ Vương, con Văn Vương,
Được Tử Nha phò tá,
Đem đại binh đánh Thương.

Vua Trụ phải tự tử,
Dù tướng nhiều, quân đông.
Sau hơn sáu thế kỷ,
Nhà Thương bị diệt vong.

Nhà Chu được thành lập,
Dời đô về phía Tây,
Đến Cảo Kinh, vì thế,
Tên nhà Chu thời này

Là Tây Chu, vua Vũ,
Để yên lòng người dân,
Cho thả hết tù phạm,
Cắt giảm thuế dần dần.

Hai năm sau Vũ chết,
Con nối ngôi, Chu Công,
Một người em của Vũ
Làm nhiếp chính, và ông,

Vốn là người tài đức,
Giúp ấu chúa yên ngôi,
Mở mang thêm bờ cõi,
Thu phục được lòng người.

Bước vào thời cường thịnh,
Đất rộng, nước yên bình,
Vua Chu cắt, cấp đất
Cho các con cháu mình.

Những vùng đất được cắt
Sau thành nước chư hầu.
Nước phân quyền từ đấy,
Nhưng liên kết với nhau.

Năm bảy trăm tám mốt
Trước Công nguyên, không may
Nhà Chu có vua mới
Là U Vương, vua này

Là một kẻ tàn bạo,
Mê tửu sắc, điên khùng
Hắn đã đẩy đất nước
Đi vào chỗ khốn cùng.

Hắn bỏ Thân Hoàng hậu
Và con trai của bà,
Lập con trai Bao Tử
Để nối dõi vua cha.

Do việc phế lập ấy,
Người gia đình họ Thân
Câu kết với Phương Bắc,
Vốn không phải chư thần.

Người Phương Bắc thời ấy
Được gọi là Hung Nô,
Hay còn có tên khác,
Gọi chung là giặc Hồ.

Người Hung Nô tiến đánh,
Giết chết vua U Vương.
Nhà Tây Chu chấm dứt.
Âu cũng lẽ bình thường.

Một khi vua tàn bạo,
Đắm mình vào ăn chơi,
Thì vận nước suy kiệt
Là đúng với mệnh trời.

Giwof đến phần cổ tích,
Ông sẽ kể hôm nay
Nguồn gốc một ngày Tết,
Tết bánh trôi, bánh chay.

Hơn thế, nguồn gốc ấy,
Vốn đã lâu, rất lâu,
Liên quan đến vua Tấn
Sẽ kể ở phần sau.


TẤN VĂN CÔNG

Tấn Văn Công là một
Trong Ngũ Bá Xuân Thu,
Sáu ông vua nổi tiếng,
Các chư hầu Nhà Chu.

Ông có tài thao lược,
Đao kiếm cũng tinh thông.
Rồi nổi lên xưng bá
Cùng vua Tề Hoàn Công.

Tên ông gắn với Tết
Bánh trôi và bánh chay,
Hay còn gọi Hàn Thực.
Truyền thuyết kể thế này:

*
Đời Xuân Thu, vua Tấn
Gặp nạn, sống lưu vong,
Hết Tề rồi đến Sở,
Hết Tây lại về Đông.

Có một người hiền sĩ
Tên là Giới Tử Thôi,
Theo vua, giúp mưu kế,
Chia hoạn nạn, và rồi,

Một lần nọ, đói quá,
Chẳng còn gì để ăn,
Ông tự mình xẻo thịt,
Một miếng ở bắp chân.

Lặng lẽ, ông đem nướng
Rồi mời Tấn Văn Công.
Ăn hết vua mới biết,
Rất cảm kích trong lòng.

Mười chín năm phiêu bạt,
Giới Tử Thôi theo ngài.
Cho đến khi vua Tấn
Lần nữa được lên ngai.

Ngài ban thưởng hậu hĩnh
Cho quan và bầy tôi.
Thế mà, thật đáng trách,
Lại quên Giới Tử Thôi.

Ông không chút oán hận,
Nghĩ mình nghĩa trả xong,
Bèn vào rừng ở ẩn
Cùng mẹ già của ông.

Khi vua Tấn chợt nhớ,
Liền mời ông vào cung.
Giới Tử Thôi không chịu,
Bất dắc dĩ, cuối cùng

Vua cho người phóng lửa
Đốt cháy khu rừng già,
Với hy vọng nhờ thế
Giới Tử Thôi sẽ ra.

Nhưng ông vẫn cố thủ.
Rồi hai mẹ con ông
Ôm nhau chịu chết cháy.
Vua rất đỗi đau lòng.

Ngài bèn cho lập miếu
Thờ cũng ông đêm ngày.
Đồng thời ban chiếu chỉ
Cấm dân chúng từ nay

Không ai được nhóm lửa
Ngày mồng Ba tháng Ba,
Để nhớ gương tuẫn tiết
Của ông và mẹ già.

Từ đó dân nước Tấn
Không nhóm lửa ngày này,
Phải ăn thức ăn nguội.
Phong tục ấy đến nay

Còn giữ ở Trung Quốc
Và cả Việt Nam ta,
Thành Tết ăn bánh nguội
Ngày mồng Ba tháng Ba.



2
THỜI ĐÔNG CHU VÀ XUÂN THU, CHIẾN QUỐC

Con trai Thân Hàng Hậu
Là Nghi Cửu lên ngôi.
Bình Vương là đế hiệu,
Một ông vua không tồi.

Bình Vương liền ban chiếu
Dời đô về phía Đông,
Tới thành xưa Lạc Ấp,
Đất rộng và dân đông.

Vì thế giai đoạn ấy
Được gọi là Đông Chu.
Kéo dài nửa thế kỷ
Đầy bão áp mịt mù.

Thời kỳ đầu, lịch sử
Gọi là Chu Xuân Thu,
Vì được ghi chép lại
Trong cuốn sách Xuân Thu.

Sách do Khổng Tử soạn.
Ông là một thánh hiền,
Người Ấp Trâu, nước Lỗ,
Chuyên chép sử biên niên.

Nhà Chu càng suy yếu.
Trong khi các chư hầu
Ngày càng thêm lớn mạnh,
Cạnh tranh, hằm hè nhau.

Phía bắc có nước Tấn.
Nước Tần ở phía Tây.
Phía Nam là nước Sở,
Tề - phía Đông, hàng ngày

Các nước ấy quấy phá.
Rồi nước Việt, nước Ngô
Ở phía Nam trỗi dậy,
Mưu toan lập cơ đồ.

Còn có nhiều nước nhỏ
Ngoài những nước kể trên,
Như Trịnh, Vệ, Tống, Lỗ,
Và rồi Thái, Trần, Yên…

Hơn thế, các bộ tộc
Được gọi là “man di”
Cả phía Nam, phía Bắc,
Cũng quấy phá nhiều khi.

Các cuộc chiến lớn nhỏ
Luôn xẩy ra thường xuyên.
Nhà Đông Chu thêm yếu,
Nhường nước khác nổi lên.

Ở nước Tề lúc ấy
Vua Hoàn Công lên ngôi,
Quản Trọng, một người giỏi,
Làm Thừa Tướng, và rồi

Nước Tề thành hùng mạnh
Nhờ Quản Trọng tiến hành
Nhiều cải cách tiến bộ
Và thắng trong chiến tranh.

Tề Hoàn Công chủ động
Thành lập một liên minh
Với Tống, Trần, Vệ, Trịnh,
Gia tăng thế lực mình.

Ông nhiều lần đánh bại
Giặc Nhung Địch phía Tây
Và “rợ Hồ” phía Bắc,
Thanh thế tăng từng ngày.

Các sử gia đánh giá
Rằng vua Tề Hoàn Công
Là một ông vua tốt,
Có tài và có lòng.

Ông là người sớm nhất
Xưng bá với Nhà Chu.
Một trong năm vua lớn,
Ngũ Bá thời Xuân Thu.

Phát triển tương đối muộn,
Ở phía Tây, nước Tần
Đã bắt đầu hùng mạnh
Và bành trướng dần dần.

Đầu thế kỷ thứ bảy
Trước Công nguyên, nước này
Chiếm được mười hai nước
Của Nhung Địch phía Tây.

Trong khi đó, nước Sở
Vùng trung lưu Trường Giang,
Đã lớn mạnh đến mức
Đem quân đánh lân bang.

Nước Sở đánh nước Trịnh,
Đánh cả Tấn, cả Tần.
Có lúc thắng, lúc bại,
Lâu dài và nhiều lần.

Sở cũng không ngần ngại
Thách thức cả Nhà Chu
Bằng cách ra yêu sách
Suốt trong thời Xuân Thu.

Năm năm trăm linh sáu
Sau Công Nguyên, vua Ngô
Là Hạp Lư, tiến đánh,
Sở thua, bỏ kinh đô.

Thân Bao Tư, người Sở,
Một mình đứng trước thềm,
Cầu xin vua Tần giúp,
Khóc bảy ngày bảy đêm.

Vua Tần nể tình cũ,
Đem đại binh đánh Ngô.
Quân Ngô đành phải rút.
Sở lấy lại cơ đồ.

Ở hạ lưu, nước Việt,
Vua Doãn Thường băng hà.
Con trai là Câu Tiễn
Được lên nối ngôi cha.

Vua Ngô nhân lúc ấy
Quyết chiếm Việt lần này.
Nhưng thua, vua tử trận,
Con, Phù Sai, lên thay.

Rồi Việt vương Câu Tiễn
Đem đại quân đánh Ngô.
Đại bại, vua bị bắt,
Tan nát cả cơ đồ.

May Phù Sai không giết,
Còn cho làm chư hầu,
Câu Tiễn, ơn ngoài mặt,
Nhưng đang tính mưu sâu.

Ông sai tướng Phạm Lãi
Chọn trong đám cung tần
Nàng Tây Thi, là một
Trong “Tứ đại mỹ nhân”.

Tây Thi được lựa chọn
Dâng cống cho Ngô Vương.
Vì nàng mà Ngô mất.
Nàng cũng chết thảm thương.

Thời Xuân Thu kết thúc,
Với chiến tranh triền miên.
Một số nước đã mạnh,
Ổn định và tập quyền.

Đó là thời đại loạn,
Đánh nhau lộn tùng phèo.
Nước lớn đánh nước nhỏ,
Nước giàu đánh nước nghèo.

Người dân rất cơ cực,
Binh dịch và phu phen.
Hàng vạn người chết đói,
Xã hội luôn bất yên.

Tiếp đến là giai đoạn
Mà trong sử, người Hoa
Gọi là thời Chiến Quốc,
Cũng chẳng mấy yên hòa.

Bắt đầu từ thế kỷ
Thứ năm trước Công Nguyên,
Ba trăm năm đấu đá
Và chiến tranh triền miên.

Tức từ lúc nước Tấn
Bị phân chia thành ba
Cho đến khi Doanh Chính
Thống nhất nước Trung Hoa.

Cuốn sử “Chiến Quốc Sách”
Ghi lại thời kỳ này.
Nên gọi là Chiến Quốc
Như ta biết ngày nay.

Các nước thời Chiến Quốc,
Giống như thời Xuân Thu,
Cũng giành nhau quyền lực,
Gây chiến tranh mịt mù.

Khác là giai đoạn ấy,
Các lãnh chúa địa phương
Thôn tính nhiều nước nhỏ
Để xưng bá, xưng vương.

Các cuộc chiến ác liệt
Và dai dẳng, cuối cùng
Xuất hiện bảy nước lớn,
Sử gọi là Thất Hùng.

Gồm Sở, Tề, Yên, Triệu,
Cùng Ngụy, Hàn và Tần.
Vừa nhiều binh lắm tướng,
Đất rộng và đông dân.

Cũng vào thời Chiến Quốc
Triết học cổ Trung Hoa
Đã phát triển rực rỡ,
Có ảnh hưởng sâu xa.

Trước hết là Khổng Giáo,
Do Khổng Tử khai hoa.
Rồi Đạo Giáo Lão Tử,
Rồi Mặc Học, Pháp Gia…

Cả Binh Pháp Tôn Tử
Cũng xuất hiện thời này,
Mà ứng dụng, ý nghĩa
Cho đến tận ngày nay.

Thời Chiến Quốc đồ sắt
Thay thế cho đồ đồng.
Thương mại khá phát triển.
Phát triển cả nghề nông.

Quân đội gồm chủ yếu
Bộ, kỵ binh, dân quân.
Các chiến xa thời trước
Đã bị lãng quên dần.

*
Bây giờ, để giải trí,
Ông kể câu chuyện này,
Về một vị vua Sở.
Tất nhiên chuyện rất hay.


SỞ TRANG VƯƠNG

Theo truyền thuyết kể lại,
Một lần Sở Trang Vương
Mở tiệc lớn khoản đãi
Các quan và dân thường.

Đang vui thì gió lớn
Thổi tắt nến, bất thần,
Có vị quan nào đấy
Kéo áo một cung tần.

Nàng này túm, kéo đứt
Dải mũ của ông ta,
Rồi cúi xin vua Sở
Trừng phạt kẻ dâm tà.

“Hắn làm điều sàm sỡ.
Dải mũ của hắn đây.
Mũ ai không có dải
Thì đúng là tên này!”

Sở Trang Vương nghĩ bụng:
“Quá chén, quan của ta
Say, nhưng sao nỡ giết
Vì miệng lưỡi đàn bà?”

Rồi ngài liền tuyên bố:
“Ta mở tiệc đêm nay,
Ai chưa đứt dải mũ
Là chưa vui, chưa say!”

Các quan nghe, nhất loạt
Dựt dải mũ trên đầu.
Nên khi đèn thắp sáng,
Mũ ai cũng như nhau.

Bữa tiệc vui đêm ấy
Vẫn tiếp diễn như thường.
Không ai bị trị tội
Nhờ mưu Sở Trang Vương.

Hai năm tiếp, nước Sở
Và nước Tấn đánh nhau.
Có một vị tướng trẻ
Luôn liều chết đi đầu.

Người này rất dũng cảm,
Đã nhiều lần cứu vua.
Một phần cũng nhờ thế
Mà Sở thắng, Tấn thua.

Lần nọ, trong tiệc rượu,
Vua Sở hỏi người này:
“Ta không hề biệt đãi,
Mà sao ngươi xưa nay

Lại hết lòng phụng sự,
Cứu mạng ta nhiều lần?”
Người kia cúi đầu đáp:
“Dạ muôn tâu, vì thần

Đội ơn lớn bệ hạ
Đã tha tội chém đầu
Vì kéo áo mỹ nữ.
Ân đức nặng và sâu.”


3
TẦN THỦY HOÀNG

Ông là vị hoàng đế,
Người có công đầu tiên
Thống nhất nước, thế kỷ
Thứ ba trước Công Nguyên.

Vào năm hai hai một,
Ông sáng lập Nhà Tần,
Chấm dứt ba thế kỷ
Thời Chiến Quốc tranh phân.

Ông tên là Doanh Chính,
Con cả Trang Tương Vương.
Mẹ - Triệu Cơ, tỳ thiếp
Lã Bất Vi, doanh thương.

Tài liệu sử có nói,
Tuy còn nhiều hoài nghi,
Rằng thực ra Doanh Chính
Là con Lã Bất Vy.

Sinh hai trăm năm chín,
Mất năm hai trăm mười,
Một nhân vật quan trọng
Từng lừng lẫy một thời.

Ông thống nhất Trung Quốc,
Người có công mở ra
Suốt hai thiên niên kỷ
Các triều đại Trung Hoa.

Ông tự mình xưng đế,
Hiệu là Tần Thủy Hoàng.
“Thủy” có nghĩa thứ nhất.
“Hoàng” là sáng, vinh quang.

Cùng thừa tướng Lý Tự,
Ông đã cho tiến hành
Một loạt các cải cách
Trong đế chế của mình.

Ông chấn hưng kinh tế,
Sắp xếp lại chức quan
Và bộ máy cai trị
Một cách rất bạo tàn.

Hàng vạn người chết
Xây Vạn Lý Trường thành
Để ngăn giặc Phương Bắc
Lúc ấy đang hoành hành.

Một hệ thống đường bộ
Nhằm phát triển giao thông,
Trên qui mô toàn quốc,
Cũng được xây thời ông.

Để gìn giữ ngôi báu
Và bảo vệ cơ đồ,
Ông ra lệnh đốt sách,
Chôn sống nhiều nhà nho.

(Đang viết)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire