caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 23 novembre 2014

Bài viết của Nguyễn Tài Ngọc "Quanh quẩn SàiGòn / Long hải / Hồ Tràm"

Đọc thấy bài này trong Web page của anh, xin được post lại đây và đồng thời giới thiệu về phóng sự của những nơi anh thăm viếng.
Cám ơn anh Tài Ngọc
Caroline Thanh Hương
Quanh qun SàiGòn / Long hi / H Tràm
Nguyn Tài Ngc
1. Giữ vững văn hóa

Ở các nước tân tiến Tây Phương, du khách không bao giờ tìm thấy những khẩu hiệu chính quyền hô hào công dân giáo dục. Việt Nam thì đầy dẫy. Đi đến đâu cũng có những bảng hiệu quyết tâm thế này thế nọ, tuân lệnh phép tắc. Những bảng hiệu này vô nghĩa vì chẳng những không ai làm theo mà còn làm ngược lại. Xem những bảng "Cấm đổ rác" hay "Cấm đái bậy" thì biết. Những nơi này là nơi rác rưới tụ tập và là nơi người dân thả hồn thương đau.
Có một bảng hiệu treo ở đầu ngõ hẻm tôi hoàn toàn không hiểu nghĩa nó là gì vì tôi thấy có hẻm có, có hẻm không: "Nhân dân khu phố.....quyết tâm giữ vững khu phố văn hóa".  Hẻm nào không có bảng hiệu này có nghĩa là không quyết tâm giữ vững văn hóa?  Tôi là người không có văn hóa vì tôi chẳng hiểu "giữ vững văn hóa" là giữ cái gì. Tôi không hiểu thì làm sao Bác Tư xe ôm, chị Hai bánh cuốn trong khu phố Bàn Cờ -những người mình muốn canh tân, cải tiến đầu óc của họ hiểu để thành một phần tử tốt trong xã hội-  hiểu để tuân theo mệnh lệnh giữ vững văn hóa?  Một vấn đề nữa là nếu một người đã không có văn hóa thì việc nói suông họ sẽ chẳng nghe. Do đó cần phải có hình phạt để họ sợ mà phải tuân theo luật lệ. Nhưng làm thế nào phạt được nếu mệnh lệnh quá mơ hồ phải "giữ vững văn hóa", không rõ trắng đen hành động nào đúng sai? Thành ra thay vì "giữ vững văn hóa", phải liệt kê luật lệ rõ rệt để không ai có thể chối cãi khi phạm tội. Thí dụ như "không ồn ào sau 10 giờ tối", "cấm chửi thề, khạc nhổ,  đổ rác , đái bậy", "không được lai vãng sau 11 giờ đêm nếu không phải là người trong xóm"..., và bảng niêm yết luật lệ này ảnh hưởng tất cả các ngõ ngách trên mọi nẻo đường đất nước, không thiên vị một nơi nào (những tội phạm nghiêm trọng khác như cướp giật, ăn trộm, hành hung.....đã có luật lệ nhà nước quy định rồi).
Đây là  ảnh của một hẻm "giữ vững văn hóa" tôi chụp trên đường Bùi Viện, nơi nổi tiếng có khách sạn rẻ tiền cho "Tây ba-lô" ở.
"Tây ba-lô" là tiếng dùng chỉ các anh chàng Âu Mỹ nghèo không có tiền du lịch sang Việt Nam, valise chỉ là một chiếc ba-lô. Trên con đường này, một người có thể tìm phòng giá $10 dollars một đêm, hoặc  rẻ nữa, 4 dollars, nếu ngủ trong phòng có ba giường đôi  sáu người ngủ chung.
6:30 sáng mà tôi thấy các cô gái trẻ Việt ngồi chung uống bia hay cà-phê với những anh chàng ngoại quốc.
Ông này tuổi phải hơn 50 đi bộ với hai cô gái trẻ.
Khi tôi đi ngang qua quán nước này, một anh chàng người Ireland , chai bia trong tay, người đã say túy lúy, gọi tôi lại mời tôi vào uống bia, "chia sẻ" gái của anh ta, và chụp cho anh ta một tấm hình.
Lúc này chỉ là 6:30 sáng, thế mà anh ta mời tôi chia vui với các cô Việt trẻ khi lác đác ngoài đường học sinh trung học đi học ở trường Chu Văn An (xưa là Hưng Đạo) ngay đầu đường Cống Quỳnh!
Giữ vững văn hóa không phải chỉ là phận sự của một người, mà là của nhiều người, không phải chỉ là của dân, mà cũng là của nhà nước.  Ở Mỹ các kinh doanh tệ đoan xã hội không thể nào có giấy phép hành nghề trong vòng phạm vị cố định nào đó khi có mặt của trường học. Ở đây, gái chị em ta đi nhan nhãn cùng giờ với các em học sinh đi học thì thật là một điều vô lý trông cậy người dân giữ vững văn hóa.
--------------------------------------------
2. Chef nổi tiếng Jack Lee
Lần này về SàiGòn tôi ở hai căn hộ apartment  khác nhau, một xây theo kiểu Việt Nam, căn hộ cao cấp Mỹ Vinh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai góc Cách Mạng Tháng  8, và một xây theo kiểu Mỹ, Compass Living, 149-151 Nguyễn Du, cũng ở góc đường Cách Mạng Tháng 8. Bước vào trong phòng của căn hộ Mỹ Vinh, một người sẽ thấy ngay nó làm theo tiêu chuẩn Việt Nam: thiết kế cẩu thả, cửa phòng siêu vẹo, công-tơ điện để trong phòng, công tắc và ổ cắm điện lưng chừng xuân giữa chiều cao của phòng. Ở Mỹ công-tơ điện để bên ngoài nhà vì lý do nguy hiểm,  ổ cắm điện làm cách mặt đất độ hai tấc (để dây điện không treo lủng lẳng kém mỹ thuật), công tắc điện thấp khoảng một thước cách mặt đất, vừa tầm tay tắt mở.
Một vật liệu trong phòng đặc thù Việt Nam mà khi trông thấy, tôi phải phì cười: bồn toilette. Tôi chưa bao giờ thấy toilette thấp như vậy, chỉ ngang đùi chân của tôi. Năm ngoái tôi thay hết năm bồn toilette ở nhà bên Mỹ của tôi chỉ vì thấp. Năm cái đó cao hơn cái này một tấc mà tôi còn thấy quá thấp, phải thay hết những cái cao bằng đầu gối. Cái toilette này thấp quá khổ!
Ngược lại, apartment Compass Living ở 149 - 151 Nguyễn Du xây theo tiêu chuẩn Mỹ không chê vào đâu được: tân thời, sang trọng, thiết kế tận dụng diện tích đến mức tối đa. Có lý do đơn giản tại sao apartment này thiết kế kiểu Mỹ: chủ nhân là cặp vợ chồng Mỹ, chồng gốc Cam Bốt, vợ gốc Việt.
Apartment này có một nhà hàng trên tầng thứ 8, có thể ngồi ra ngoài để nhìn xuống đường.
 Buổi tối nhà hàng nấu thức ăn Mỹ. Hôm đầu tiên ăn sáng, tôi để ý anh Chef nói chuyện với người làm bằng tiếng Mỹ. Ngày hôm sau tôi hỏi anh ta tại sao nói tiếng Mỹ giỏi thì anh ta nói anh ta ở Los Angeles. Nói chuyện thêm nữa thì tôi khám phá ra anh là đầu bếp nổi tiếng ở Mỹ, tên là Jack Lee, thường nấu cho những parties của nhiều tài tử Hollywood, và từng đã nấu cho gia đình của Michael Jackson.
Anh quen với vợ chồng chủ apartment, và có một phần hùn với nhà hàng khi hai vợ chồng mời anh về SàiGòn cai quản và huấn luyện cho đầu bếp mới trong thời gian sáu tháng.
Jack Lee là Chef đầu tiên làm chả giò giá $100 dollars: nó có caviar và vàng ăn được. Anh ta cho tôi thấy giải thưởng Chiếc Thìa Vàng ở SàiGòn anh ta dự thi nấu ăn đoạt giải nhì vòng sơ tuyển, dù rằng người khác có cả tháng để chuẩn bị, trong khi anh ta chỉ có một ngày.
Jack Lee cho tôi xem nhiều tạp chí chụp hình anh ta với tài tử, tôi chụp lại hình anh ta với đạo diễn Oliver Stone ở đây:
Tôi nói là hân hạnh được gặp một người nổi tiếng như anh ta, a famous celebrity, và nói là tôi có một trang web. Tôi thường viết lách ghi lại hồi ký chuyến đi và hỏi chụp hình với anh ta vài tấm để post trong bài viết. Anh hỏi trang web tên gì. Tôi nói Saigonocean.com, và vì tôi có computer ngay đó, mở ra cho anh ta xem.  Thấy trang web có 2.7 triệu lần xem, anh ta rất có ấn tượng.
Sáng hôm sau tôi mời một số bạn học trung học đến ăn sáng ở nhà hàng. Đang ăn thì Jack Lee  đến vỗ vai tôi, nói rằng không ngờ  tôi cũng là một celebrity! Tôi chưa kịp hỏi tại sao anh ta nói thế thì Jack nói hôm qua về nhà nói chuyện với bạn thì bạn anh ta nói là biết trang web Saigonocean.com, và thường đọc bài viết của tôi. Lần này thì anh ta đưa iPhone cho một cô hầu bàn nhờ chụp một tấm ảnh với tôi làm kỷ niệm.
Jack Lee chỉ còn ở SàiGòn vài tháng  nữa rồi trở về Mỹ . Ai ở SàiGòn muốn  thử thức ăn anh ta nấu thì xin đến: Acacia Veranda Dining, International Restaurant · American Restaurant, 149-151 Nguyễn Du , lầu thứ 8.
Giá Sườn Thượng Hạng, Prime Rib, là 488,000 VN đồng (1 US dollar = 21300 đồng), sườn cừu non (lamb chop) là 328,000 đồng, cá salmon là 288,000 đồng....
Xin xem toàn bộ menu ở Facebook, Acacia Veranda Dining.
--------------------------------------------
3. Chị đàn bà khốn khổ
Cả hai apartment tôi ở địa điểm rất hoàn hảo vì chung quanh đó rất nhiều nơi ăn. Compass Living  tốt hơn ở điểm có thể đi bộ đến chợ Bến Thành.
Khi tôi ở Compass Living, nhiều tối tôi đi bộ dọc theo con đường Cách Mạnh Tháng 8 để mua thức ăn. Một buổi tối trời mưa tôi đi bộ đến đường Lê Thị Riêng mua bánh mì. Ở số 26 Lê Thị Riêng là bánh mì Huỳnh Hoa, nổi tiếng SàiGòn, lúc nào cũng có khách đợi. Trong căn nhà này họ để hai xe bánh mì, mỗi xe có 3,4 người làm bánh mì để bán. Tôi thích ăn bánh mì và uống nước mía nên một cái thú của tôi khi ở SàiGòn là mua bánh mì ăn. Ở Huỳnh Hoa, bánh mì thịt nguội có nhiều khoanh thịt mỡ, dưa leo, đồ chua... thật là ngon mà chỉ có 30,000 đồng (chừng 1.5 dollar).
Hôm nay tôi đến Huỳnh Hoa mua bánh mì trong cơn mưa nhẹ hột sắp sửa chấm dứt từ một cơn mưa thật to thì một người đàn bà liệt từ lưng xuống lết trên mặt đất, ngoắc mời tôi mua vé số. Tiếng chị ta yếu ớt nên bị tiếng xe cộ ồn ào át hẳn nên sợ rằng tôi không nghe, chị ta vẫy loạn xạ  một đống giấy số cầm trong tay mục đích cho tôi thấy vì trời tối. Đặt mua bánh mì, tôi móc tiền ra trả, và lấy ra một số tiền đưa cho chị ta cầm, nói là tôi không cần vé số.
Nhân viên làm bánh mì chớp nhoáng xong đưa cho tôi. Cầm lấy hai ổ bánh mì, tôi quay lưng vừa định đi về thì chợt nghĩ ra chị ta chắc chưa có gì ăn. Quay người lại, tôi cúi xuống đưa cho chị ta hai ổ bánh mì. Cặp mắt chị ta sáng lên khi chìa tay nhận lãnh món ăn, và nói là tối nay chị sẽ có một thức ăn ngon.
Tôi đặt mua thêm hai ổ bánh mì rồi đi bộ về phòng trong cơn mưa.
Đêm nay có hai người con tim bị dao động. Một người liệt bán thân bất toại tuy ướt át ngồi lề đường dưới cơn mưa nhưng mừng rỡ có một bữa cơm ngon, được một số tiền không phải bán vé số. Một người khác ngồi trong căn phòng ấm cúng sang trọng ăn không thiết nhai cảm thấy tuyệt vọng với lương tâm vì vừa được tỉnh thức để đối diện cho sự nghèo khó, đau khổ thực tại của xã hội.
Hôm gặp chị tôi không mang theo máy ảnh vì trời mưa. Hôm sau tôi quay trở lại với camera. Những ảnh sau đây chụp ở đường Cách Mạng Tháng 8 (Lê Văn Duyệt cũ) và Ngã Sáu Phù Đổng Thiên Vương.
---------------------------------------------
4. Gặp độc giả chưa hề biết mặt
Tháng 4 vừa rồi khi tôi về Việt Nam, một chị độc giả của SaigonOcean.com ở SàiGòn tôi chỉ biết qua email viết thư cho tôi, nói muốn gặp nếu tôi không bận. Tôi không có thì giờ nên hẹn chị lần tới nếu có về SàiGòn lâu hơn, tôi sẽ cho chị ấy biết. Lần này về tôi khất hẹn chị ấy vài lần. Có một hôm tôi rảnh, gọi thì chị về quê ở Cai Lậy. Chị có mời tôi về quê chị ấy chơi nhưng tía tôi cũng không dám đi vì thứ nhất, tôi không biết đường đi nước bước thế nào, nhỡ tôi bị mấy ông bà già bắt cóc thì sao, và thứ hai, tôi không phải là anh Thắm về làng.
Tôi cảm thấy lương tâm cắn rứt khi chị email cho biết đã trở lại SàiGòn mấy ngày chờ tôi gọi điện thoại, và hơn một tuần tôi không gọi. Buổi sáng  trước ngày trở về lại Mỹ, gặp lại cô giáo cũ dậy tôi Trung học và vài cô bạn cùng lớp, chúng tôi ra khu shopping ở đường Lê Lợi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Nhân tiện này, tôi gọi thử xem chị ấy có thể ra gặp tôi. May thay, chị ấy có nhà và nói sẽ  lái Honda đến gặp tôi trong vòng 30 phút.
Gặp tôi, chị rất vồn vã nói đã lâu đọc bài viết của tôi, bây giờ hân hạnh được gặp tác giả bằng xương bằng thịt. Tôi luôn luôn ở thế thất lợi khi gặp một độc giả, vì họ biết rất rõ về cá tính của tôi, như tôi ngày xưa làm tiền trắng trợn cô Phượng kế bên nhà, trong khi ngược lại tôi không biết gì về người ấy. Chẳng hạn như gặp chị Anna ở đây -tên này là tên thánh vì chị là người Công giáo-, có thể chị vừa gây án mạng trong nhà bếp, cắt cổ một con gà xé phai nhưng tôi không hề hay biết, hoặc tuần vừa rồi lần đầu tiên chị nấu thử gà đút lò nhưng gây hỏa hoạn cho 50 căn nhà trong xóm bị cháy rụi, tôi cũng không cách gì mà biết được.
Nói chuyện tôi mới biết em gái của chị là người giới thiệu cho chị ấy về những bài viết của tôi. Trước khi đến gặp tôi, chị có nói với em gái là sẽ đi gặp "nhà văn" Nguyễn Tài Ngọc. Em gái chị xin đi theo vì cũng muốn gặp tôi nhưng chị ấy nói "Hãy khoan!", để cho chị đi gặp trước, vì nếu lỡ gặp tôi là kẻ sát nhân đội lốt nhà văn thì ít ra hai chị em không cùng chết mà chỉ có chị ấy đi tiêu diêu miền cực lạc.
Tôi cũng biết thêm là từ ngày về hưu chị để ra một phần thời gian làm từ thiện, về quê giúp đỡ cho một nhà dòng. Chị giúp các bà sơ rất già không tự túc được sống nốt quãng đời còn lại. Chuyện chị kể rất thú vị. Hy vọng có một ngày tôi về SàiGòn lâu hơn và với sự đồng ý của chị, viết lại câu chuyện.
---------------------------------------------
5. Đám ma chơi tân nhạc
Một buổi sáng sớm đi bộ về nhà cũ, tôi tình cờ gặp một đám ma đang chuẩn bị động quan. Ở Mỹ tôi đã từng nghe bây giờ ở Việt Nam khi có đám ma, người ta không kéo đèn cò nữa mà mướn ban nhạc chơi tân nhạc. Có một lần tôi xem một video clip đám ma họ đánh "nhạc vàng", từ ngữ người ta gọi bây giờ để chỉ nhạc làm trước tháng 4, 1975.
20 năm về trước, năm 1995 khi tôi về SàiGòn thì thời bấy giờ nhạc của VNCH làm trước 1975 bị chính thể Cộng Sản gọi là nhạc Ngụy, nhạc phản động nên cấm không cho nghe. Bây giờ thì cả nước từ Nam ra Bắc ai cũng nghe nhạc Ngụy "thoải mái vô tư", không ai cấm cản. Hai chục xe taxi tôi đi, nếu có bật nhạc thì hai chục xe tài xế nghe nhạc thời trước 1975. Ngay cả ở ngoài Bắc, khi chúng tôi mướn tầu riêng đi vịnh Hạ Long, thủy thủ đoàn, tất cả là người Bắc, cũng nghe nhạc trước 1975. Tôi có hỏi vài anh tài xế người miền Bắc là tại sao anh nghe nhạc xưa cũ của thời VNCH thì anh nào anh nấy trả lời  như nhau: "Nhạc bây giờ không hay. Nhạc vàng xưa vừa hay, vừa gây ra cảm xúc cho tâm khảm. Nó cảm thấy gần gũi với tấm lòng, và bộc lộ cùng tư tưởng với mình".
40 năm sau chiến tranh chấm dứt, tôi thực sự có cơ hội diện kiến với dân chúng và khám phá ra ai cũng thính nhạc làm trước 1975 thời VNCH. Thật là đau buồn cho ngành âm nhạc Việt Nam 40 năm dậm chân tại chỗ.
Ở Mỹ vùng Louisana người da đen ở, khi động quan từ nhà táng đến nghĩa địa, họ chơi nhạc jazz vì người da đen ở Hoa Kỳ là thủy tổ của nhạc jazz vào cuối thế kỷ thứ 19, cộng với phong tục của vài dân da đen chơi nhạc khi có đám ma. Tôi không tìm được xuất xứ hay nguyên do nào mà đám ma ở SàiGòn lại chơi tân nhạc (trước 1975 đám ma chỉ hát đàn cò), nhưng tôi đoán mò là sau vài chục năm bị cấm đoán không nghe được nhạc cũ, một khi được nghe trở lại thì dân chúng ai cũng muốn nghe khi có dịp, do đó ở đám ma người ta chơi tân nhạc mệt nghỉ,...ba ngày ba đêm!
Tôi đoán ban nhạc có khoảng mười người, có trống, có đàn, có trumpet, có saxophone. Chẳng có trường quốc gia âm nhạc nào dạy chơi nhạc đám ma, thành thử tôi đề nghị tất cả nhạc công Việt Nam chơi nhạc đám ma được phát giải Nobel về âm nhạc. Tiền thù lao trả cho cả ban nhạc là từ ba đến bốn triệu đồng Việt Nam, $150 đến $200 dollars Mỹ.
Tôi chắc chắn là họ chơi những bài nói về tình nghĩa cha mẹ như "Công đức sinh thành"..., và tôi có nghe nói là gia đình có thể yêu cầu ban nhạc chơi những bài người chết thích, nhưng khi tôi đứng xem hơn nửa tiếng thì ban nhạc này chơi đủ cả bài nhạc không ăn nhậu gì đến đám ma. Ba bài tôi còn nhớ họ chơi là "Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng", "Phật Giáo Việt Nam" (bạn có thể nghe bài này trong clip video dưới đây), và "Hoa trinh nữ".  Thật là bizarre, quái đản!
Cái quái gỡ hơn nữa là có một anh làm xiệc, nuốt dao vào cổ, rồi anh ta để chai rượu lên đầu đến từng người thân trong nhà, đưa cho họ một ly không rồi làm xiệc rót rượu vào ly bằng cách cúi đầu xuống, rượu chẩy từ chai trên đầu xuống ly. Khi ly đầy rượu thì anh ta bắt người ấy uống.
Khi tôi chết,  nhất định tôi sẽ dặn gia đình mướn những ban nhạc này hát những bản tôi yêu cầu cho vợ tôi nghe: "Đừng xa anh đêm nay" của Đức Huy, và "Anh về với em rủ em cùng đi" của Nhật Trường.
Đây là những video tôi quay:
https://www.youtube.com/watch?v=N4vm_zlgn2A&feature=youtu.be
----------------------------------------------
6. Long Hải
Trên đường đi Vũng Tầu, đến Bà Rịa thay vì rẽ bên phải, quẹo bên trái chạy độ 20 phút thì sẽ đến Long Hải, thuộc về Huyện Long Điền. Dân cư Long Hải tương đối vẫn còn thưa thớt, đường xá vắng lặng như trước 1975. Những người di tản vào năm 1975 chắc còn nhớ có cả một nhóm đông người dân đánh cá Phước Tĩnh chạy loạn ở trại tỵ nạn:  Phước Tĩnh là thị trấn sát bên phía Tây của Long Hải.
Nghỉ ở căn nhà mát của bạn, tôi thấy thời gian ngừng lại một chỗ. Cách biệt hẳn với xã hội, tôi chỉ thấy có trời, biển, cây cối, chim cò. Ngay cả đồng hồ cũng không cần xem vì đồng hồ là mặt trời mọc lên rồi lặn xuống.
Một khung cảnh quen thuộc xưa nay không thay đổi là sáng sớm dân chài ra đánh cá.
Phương pháp đánh cá vẫn ấu trĩ như xưa không thay đổi: sáng thật sớm một người mang lưới ra biển trong một cái thúng, trải lưới dài xuống biển chiều song song với bờ.
Độ một giờ đồng hồ sau, họ kéo hai đầu lưới vào bờ rồi người trên bờ ở hai bên đầu lưới kéo lưới vào. Cá sẽ bị vây vào một chỗ giữa lưới khi cả cái lưới được kéo vào trong bờ khỏi nước.
Thấy tôi chụp hình, một người nhặt một con mực nhỏ bằng lòng bàn tay chìa ra cho tôi. Khi tôi đi ra ngoài đường ở Việt Nam, vì hầu hết người ta tưởng tôi là ngoại quốc, Hàn quốc hay Mỹ...đen, tôi thường không nói tiếng Việt, chờ cho người kia phản ứng như thế nào trước khi tôi nói tiếng Việt,  tiếng Anh, hay giả vờ bập bẹ nói tiếng Việt có giọng lơ lớ như người Mỹ nói tiếng Việt. Vì thế, tôi mỉm cười nói với anh cho tôi con mực:
-No, thanks.
Anh ta nghĩ là tôi tưởng anh ta tính tiền, nên một tay chỉ vào ngực của anh ấy , rồi cùng tay đó chỉ qua tôi, nói:
-Cho!
Tôi mỉm cười, trả lời:
-No, thanks.
Anh ta nhìn tôi, rồi chỉ vào những con sứa bị mắc lưới họ vất ra trên bãi cát, nói:
-Sứa.
Đến lúc này tôi đã quyết định giả vờ là người ngoại quốc, nên hỏi anh ta:
-Shữa?
Anh ta gật đầu, rất hài lòng là đã dậy tôi được một chữ "sứa", nên lấy bàn tay phải cào cào trên cánh tay trái, anh ta nói:
-Ngứa. Sứa ngứa.
Tôi muốn ngã bò lăn ra đất vì cười, nhưng cố nhịn lập lại lời anh ta nói:
-Shữa ngơớ?
Vừa nói xong thì một người chài lưới khác, nãy giờ chăm chú nhìn tôi, nói với anh chàng đó:
-Mẹ, thằng này nó là người Hàn quốc, chắc nó lấy vợ Việt Nam rồi ra đây chơi nghỉ hè ở căn nhà kia kìa.
Tôi bỏ đi mà vẫn còn buồn cười vì anh kia dậy cho tôi hai chữ có vần: "sứa ngứa". Nhìn hai mẻ lưới hơn chục người đánh, tôi chỉ thấy có độ vài con bằng bàn tay, phần còn lại, cả trăm con cá lòng tong nhỏ bằng ngón tay.
Ở Mỹ bất cứ một người nào ngư dân hay không, ra sông biển bắt cá thì bắt buộc phải biết luật lệ tiểu bang con cá nào to dài mấy tấc mới được bắt, còn không thì sẽ bị lính phạt. Việt Nam nước đã nghèo lại còn nghèo hơn: không có luật lệ qui củ cấm lưới cá theo khổ loại, cá to bé bắt cả nên bây giờ  đến lúc không còn cá mà bắt.
----------------------------------------------
7. Hồ Tràm
Đi xe 50 phút từ Long Hải người ta sẽ đến Hồ Tràm, bên trái là sân đánh golf The Bluffs, và bên phải là một casino vĩ đại, The Grand Ho Tram Strip. Một công ty Canada chuyên về resort, Asian Coast Development Ltd, là chủ đầu tư vào resort này với tổng số vốn đăng ký trong 10 năm đầu đạt hơn 4 tỷ dollars.  Mới đây nhất, vào tháng 9 năm nay, quỹ đầu tư Mỹ Harbinger Capital vừa bỏ vào 50 triệu dollars.
Hồ Tràm Strip là resort năm sao to nhất nước với tổng diện tích hơn 164 hecta, nằm dọc bãi biển Bà Rịa - Vũng Tầu. Cho đến nay, số đầu tư bằng tiền mặt là $522 triệu dollars. Giai đoạn một của dự án là The Grand Hồ Tràm Strip đã mở cửa đón khách vào năm 2013 với 541 phòng năm sao, nhà hàng quốc tế, trung tâm hội nghị, khu vực casino, sân golf quốc tế The Bluffs 18 lỗ.
Theo kế hoạch đến năm 2020 thì sau khi hoàn tất toàn bộ dự án, resort này sẽ có 9,000 phòng, 180 bàn chia bài, 2,000 máy trò chơi điện tử, vài sân golf và khu chơi giải trí.
Bên trong hotel này, kể cả hồ bơi bên ngoài, đại và tráng lệ không thua một ly ông cụ nào so với Las Vegas.
Nhưng nếu tôi là chủ đầu tư của khách sạn này thì tôi sẽ lo ướt quần: bãi xe rộng mênh mông nhưng khi tôi đến thì chỉ có ba xe trong parking.
Trong casino thì có lẽ chỉ có 5% bàn đánh bài là có khách. Chắc chắn là số người đến đây mướn phòng hiện thời rất ít.Las Vegas, casino sống nhờ dân đánh bài từ hai nơi: du khách ngoài tiểu bang, và dân bản xứ. Ở đây chỉ có người nước ngoài có passport mới được vào chơi, có nghĩa là casino mất đi một nguồn lợi tức lớn từ dân Việt Nam không được vào. Nếu nói là địa điểm du lịch thì tôi chẳng hiểu ai đến đây vì nó như là sa mạc, chung quanh 50 cây số chẳng một bóng người. Còn đánh golf thì 100% không thể thu hút dân đánh golf từ Mỹ , Canada, hay Âu Châu: Việt Nam quá nóng, đánh xong một ván 18 lỗ bảo đảm một người sẽ thành heo quay.
(Còn tiếp. Kỳ tới: Vịnh Hạ Long, Hà Nội)

Tr v Vit Nam
Nguyn Tài Ngc

Nguyễn Tài Ngọc
November 2014
Tài liệu tham khảo:

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire