“Lời thú tội của một sát thủ kinh tế”
Trong vòng hai năm trở lại đây, "Confessions of an Economic Hit Man" (Lời thú tội của một sát thủ kinh tế) - Nhà xuất bản Penguin, New York - của tác giả John Perkins đã trở thành một “hiện tượng” ở Mỹ và đang lan sang nhiều nước khác.
Dù
tác giả là một người hầu như không tên tuổi, và cuốn sách không được
một tờ báo lớn nào nói đến (cho mãi đến gần đây), nó đã leo lên hàng thứ
sáu trong danh sách các quyển bán chạy nhất (tháng 3/2006). Cuốn sách
cũng đang được nhiều đại học khuyến khích sinh viên đọc, và nghe đâu Hollywood cũng sẽ quay thành phim với tài tử Harrison Ford thủ vai chính.
Đây
là hồi ký của một nhân vật tên John Perkins, tự xưng đã từng làm “sát
thủ kinh tế”. “Sát thủ kinh tế”, theo lời Perkins, là người được giới
đại doanh thương Mỹ gửi sang các quốc gia đang phát triển để thực hiện
những mưu đồ kinh tế đen tối nhằm phục vụ quyền lợi của giới này, và
gián tiếp là của nước Mỹ. Cuốn sách là “ lời tự thú” của Perkins về
những “tội lỗi” ông đã làm trong thập niên 1970.
Tác giả kể: sau khi tốt nghiệp đại học, ông ta được một công ty tư vấn ở Boston
(Mỹ) tuyển mộ làm chuyên viên kinh tế với hai nhiệm vụ. Đầu tiên, ông
sẽ được gửi sang một quốc gia đang phát triển để biện minh (thường là
dối trá) những dự án cơ sở hạ tầng (như xa lộ, đê đập, mạng điện...)
cách nào để các quốc gia này vay được tiền của các tổ chức và ngân hàng
quốc tế và, cùng lúc, giúp các đại công ty Mỹ (như Bechtel, Halliburton)
“trúng thầu”.
Sau
đó, “sát thủ kinh tế” Perkins phải làm thế nào để các quốc gia ấy...
phá sản, không trả được nợ. Khi đã sa vào hoàn cảnh ấy, các nước này
phải nghe lời chủ nợ, trở thành một “đàn em” dễ bảo của Mỹ, cho Mỹ khai
thác dầu hỏa và các tài nguyên thiên nhiên khác, lập căn cứ quân sự,
hoặc ít nhất thì cũng bỏ phiếu theo Mỹ ở Liên hiệp quốc.
Sự nghiệp của Perkins bắt đầu ở Indonesia
năm 1971 với nhiệm vụ lập một dự án mạng điện cho đảo Java. Ông ta nhận
lệnh đưa ra những dự báo kinh tế cực kỳ lạc quan để USAID (Cơ quan Viện
trợ kinh tế của Mỹ) và các ngân hàng quốc tế có thể cho Chính phủ Indonesia vay tiền. Tất nhiên, dự án ấy sẽ thất bại (hoặc không nhiều lợi ích như dự báo), Indonesia không thể trả nợ, và sa vào cái “còng” của Mỹ.
Thâm
độc hơn, vì Chính phủ Panama lúc ấy có thái độ “kình” Mỹ, cụ thể là
muốn Mỹ trả lại kênh Panama, Perkins được chỉ thị phải làm sao để các
nhà lãnh đạo nước này “nhu mì” hơn đối với Mỹ.
Song,
có lẽ “thành tích” rực rỡ nhất của Perkins là ở Ảrập Saudi, nơi Perkins
“hạ cánh” năm 1974. Như mấy lần trước, ở đây Perkins cũng được lệnh
thổi phồng dự báo tăng trưởng để biện minh cho các món vay và các hợp
đồng với các công ty Mỹ.
Quan
trọng hơn, Perkins thú nhận rằng, để tránh tái diễn cuộc khủng hoảng
dầu hỏa như vào những năm 1970, ông ta được lệnh thuyết phục Chính phủ
Ảrập Saudi (1) không để dầu hỏa chảy vào Mỹ bị gián đoạn, ở một giá
“phải chăng”; (2) dùng tiền bán dầu hỏa để mua ngân khố phiếu của Mỹ;
(3) rồi lại dùng tiền lãi để thuê các tập đoàn kinh doanh của Mỹ “hiện
đại hóa” Ảrập Saudi theo kiểu phương Tây.
Perkins
khoe rằng ông đã biến Ảrập Saudi thành “con bò sữa có thể vắt đến ngày
về hưu” cho ông và các sếp của ông, và tự đắc là “Bộ Ngân khố Mỹ thuê
chúng tôi, trả lương chúng tôi với tiền của Ảrập Saudi, để xây dựng cơ
sở hạ tầng ở đó, thậm chí nhiều thành phố của họ là hoàn toàn do chúng
tôi xây dựng”.
Sau vài chuyến công tác nữa ở Iran và Colombia ,
Perkins giải nghệ “sát thủ” năm 1980. Bị “lương tâm cắn rứt” từ đó đến
nay, ông ta viết cuốn này (dù bị cản trở nhiều lần, ông ta nói).
Lời bình
Phải
nhìn nhận rằng "Thú tội của một sát thủ kinh tế" quả hấp dẫn như truyện
gián điệp: những cái chết bí ẩn, những buổi trưa làm tình vụng trộm,
những thành phố nhiệt đới có vẻ kỳ bí đối với người phương Tây, những
cuộc trốn thoát trong đường tơ kẽ tóc. Tuy nhiên, đọc kỹ, có nhiều điều không ổn về tác phẩm lẫn tác giả này.
Trước
hết, ai biết chút ít về thời cuộc, về chính trị thế giới, và không quá
ngây thơ, hẳn sẽ không lấy làm lạ về những xì căng đan mà Perkins kể
lại. Có ai lạ gì chuyện các nhà lãnh đạo những nước nhỏ, đang phát triển
(và đôi khi của vài quốc gia đã phát triển) bị nước ngoài mua chuộc
(bằng tiền hoặc bằng sex), bắt chẹt, hăm dọa...
Đằng
khác, chả lẽ lãnh tụ các nước chậm tiến không bao giờ phạm lỗi lầm,
quyết định sai về dự án này, kế hoạch nọ và không tham ô? Cần gì những
người như Perkins chỉ bảo, thúc giục? Và đúng là các tư vấn ngoại quốc
hay thổi phồng triển vọng các dự án, song chắc gì chỉ các công ty ngoại
quốc thủ lợi?
Cái
mới lạ ở cuốn này là Perkins kể những thủ đoạn của các nhà ngoại giao,
nhà kinh tế (thường là nghiêm trang đạo mạo) dưới dạng hồi ký hấp dẫn
như một truyện gián điệp đầy tình tiết ly kỳ (có “sát thủ”, có rượu, có
đàn bà, có án mạng, có hẹn hò giữa đêm khuya ở nhà ga, quán xá...), úp
mở nghi vấn (nhưng không bằng cớ, thậm chí không đưa tên nhân chứng) về
những “bí ẩn” trong cái chết của Tổng thống Kennedy, tướng Torrijos của
Panama, ngay cả của mục sư Martin Luther King...
Có thể Perkins nói thật, có thể ông nói phét. Làm sao biết được?
Hơn
nữa, những chi tiết ông đưa ra lại làm cho người đọc thắc mắc thêm: cớ
gì mà một công ty tư vấn to lớn, có uy tín lâu đời ở Boston lại chọn
Perkins (lúc đó chưa đến 30 tuổi, mới xong cử nhân kinh doanh) để giao
những sứ mạng quan trọng như vậy? Vài phân tích kinh tế của Perkins càng
làm người đọc hoài nghi kiến thức của ông ta.
Chẳng
hạn, không ai hiểu biết về kinh tế lại so sánh doanh thu của xí nghiệp
và GDP của quốc gia (hai phạm trù hoàn toàn khác nhau), để kết luận rằng
công ty này “mạnh” hơn quốc gia nọ. Nhiều chi tiết trong sách là hoàn
toàn sai. Chẳng hạn tác giả bảo rằng National Security Agency (cơ quan
tuy rất lớn, song chỉ chuyên về mật mã) là một cơ quan kinh tế của Chính
phủ Mỹ... Cũng nên để ý là hầu hết kinh nghiệm của Perkins là khoảng 30
năm về trước.
Tóm
lại, "Thú tội của một sát thủ kinh tế" là một cuốn sách hấp dẫn, và nếu
người đọc chưa bao giờ nghe về những thủ đoạn lươn lẹo, dối trá, quỷ
quyệt, hắc ám của các đại công ty ở các quốc gia chậm tiến, thì cũng nên
đọc để biết vài nét chính.
Song, đối với những chi tiết về hành tung của tác giả, cũng như những gì mà ông không đưa bằng chứng, thì hãy cứ... hoài nghi.
Theo TB Kinh tế SG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire