“ Thế là đã qua năm thứ tư rồi, mà cái nhà kho vẫn không được sơn. Anh cứ lần lửa hứa hẹn mãi. Sơn tróc, phô gỗ mục nát bên trong, trông tồi tàn tội nghiệp quá. Mùa nầy anh không sơn kịp, thì em cứ cho một mồi lửa cho yên chuyện. Để mối mọt ăn lan ra sụp luôn căn nhà chính, rồi vợ chồng dắt nhau ra gầm cầu mà ở.” Ông Tư ngưng đọc. Nhìn qua bà và nói lớn:
“ Ừ, em cứ cho một mồi lửa đi. Rồi sẽ được sung sướng. Cháy lan nhà người khác, vào tù ngồi có cơm bưng nước rót hàng ngày, khỏi đi làm mà được nuôi nấng đàng hoàng tử tế. Suốt ngày đọc sách, xem truyền hình, tập thể thao, đánh cờ. Còn có cả máy vi tính nữa. Ăn thì sang hơn là chúng mình đi ăn tiệm. Em có nhớ hôm trước xem phim không? Bữa ăn của tù, có một đùi gà hầm, bánh mì, khoai tây nghiền, xúp, một ly cối sữa, một trái chuối, và cả bánh ngọt nữa. Mỗi đêm, còn có lính bồng súng gác cho mình ngủ. Nước Mỹ chi tiêu cho mỗi người tù hàng năm từ ba mươi đến bốn mươi lăm ngàn đồng kia mà.” Bà Tư quay lại nói:
“Ở tù mà sướng thế, nên không ai sợ, cứ làm càn, phạm pháp. Tù mà còn viết đơn kiện chính phủ vì nhà bếp nấu ăn không vừa miệng. Chỉ có nước Mỹ mới điên khùng như vậy thôi. Tại sao những khi thất nghiệp, mình không la toáng lên, yêu cầu nhà nước cho mình mỗi năm ba chục ngàn tiêu chơi. Nếu không thì mình cứ phạm pháp, cũng phải tốn hơn chừng đó tiền nuôi mình.” “ Em làm anh phát ra sáng kiến, anh sẽ đề nghị chính phủ Mỹ ký khế ước, giao cho cọng sản Việt Nam giam giữ tù, để tiết kiệm ngân sách. Cứ cho lên Hoàng Liên Sơn, Cổng Trời, Thanh Liệt, Sông Bé cải tạo là xong hết. Hàng năm, Mỹ chỉ trả công nuôi và giáo dục mỗi người tù chừng năm trăm hay một ngàn đô, thì nhà nước Việt Nam chỉ chi ra chừng bảy chục đến một trăm đô là quá thừa. Nuôi một triệu tù, thì Việt Nam thu lợi chừng nửa tỉ cho đến một tỉ đồng. Không cần dong tay nài nỉ xin xỏ tiền bạc của cộng đồng thế giới. Chính phủ Mỹ tiết kiệm được ba đến bảy tỉ đô la nuôi tù. Dư ra không biết bao nhiêu nhân lực đem sung vào lực lượng sản xuất. Phía Việt Nam, bắt tù đốn tre, chặt nứa, làm lán trại, trồng bắp, trồng khoai, ăn bo bo, khoai mì, thì chi phí ăn ở mỗi tháng chừng năm bảy đô là cùng. Còn cái lợi lớn khác, là khi mãn tù, anh nào cũng sợ xanh mặt, không bao giờ dám tái phạm nữa. Em cứ xem, mấy ông phi công Mỹ đã ở tù ngoài Bắc thì biết kết quả. Về rồi mới biết quý miếng cơm cháy, quý đời sống. Bởi vậy cho nên nhiều ông thành nghị sĩ, dân biểu, nhà ngoại giao, kỹ nghệ gia, thương gia triệu phú, nhiều lắm và nhiều lắm. Đó không phải nhờ công học tập cải tạo của bọn Bác Đảng sao?
Bà Tư trở lại vấn đề:
“Nầy, anh đừng nói lảng qua chuyện khác. Em không tội chi đốt nhà để đi tù, rồi anh léng phéng với bà khác. Giao hẹn cho anh, tuần tới, phải sơn xong cái nhà kho. Nếu không thì em sẽ thuê người làm. Họ tính tiền công đến một ngàn rưỡi, rán mà trả tiền, đừng tiếc.” “ Được rồi. Thứ bảy nầy anh rước một ông Mễ ngoài phố về phụ sơn, chừng một hai ngày thì xong. Em đừng lo.” “ Làm gì thì làm, em không cần biết. Miễn sao sơn xong cái nhà kho thì thôi.” Sáng thứ bảy, khi ông Tư còn ngủ nướng thì điện thoại đã reo vang. Bên kia đường dây, một ông bạn mời đến ăn sáng, và xoa mạt chược. Nghe đến mạt chược, ông Tư tỉnh táo hẳn, nói với vợ:
“ Bác Thư mời chúng mình đến ăn sáng, em có đi không?” “ Không được. Anh đã hứa sơn cái nhà kho rồi. Hôm nay không đi đâu cả.” Ông Tư tiu nghỉu, nói qua điện thoại với bạn:
“ Tôi sắp ra phố rước một ông Mễ về phụ sơn cái nhà kho. Hôm nay bận, xin hẹn tuần sau.” “ Rước Mễ làm chi! Tôi có ông bạn mới tới Mỹ chưa được bao lâu, chưa có việc làm, rảnh rang lắm. Anh cho ông ta đến phụ sơn, kiếm chút tiền hút thuốc.” Ông Tư ngần ngừ, rồi thở dài mà nói:
“ Không phải là tôi chẳng muốn giúp đồng hương, nhưng khó lắm anh ơi. Hồi trước có người bà con tôi mới đến Mỹ, họ năn nỉ tôi cho phụ cắt cây, làm cỏ trong nhà, rồi trả tiền công như trả cho người ngoài. Tôi cho làm và trả công cao hơn thuê người ngoài. Thế mà bây giờ, họ thi xong, hành nghề nha sĩ, đi đâu nó cũng nhắc chuyện hồi mới qua, đi làm công cho tôi, được trả lương tối thiểu. Mình nghe, cứ nhột và không vui. Người khác nghe, tưởng đâu mình lợi dụng, bóc lột sức lao động của người đó.. ” Ông bạn bên kia đầu giây nói với giọng ép buộc và khẩn thiết:
“ Tôi bảo đảm cho, không có chuyện lấn cấn về sau. Đồng hương không giúp nhau, mà giúp người ngoài, nghe sao xuôi tai? Hồi mới qua Mỹ, anh cũng mong có ai cho làm bất cứ việc gì, để kiếm chút tiền chứ. Sao mà mau quên hoàn cảnh khó khăn thế? Chốc nữa, tôi chở anh ấy đến phụ sơn nhà nghe. Không từ chối được đâu.” Ông Tư nghe mà chột dạ, và nhớ lại những ngày lao đao ban đầu. Đi đâu thấy ai làm việc gì, ông cũng nhìn và mơ ước được thuê vào làm. Không dám mơ được cái việc quý báu như mấy cô thư ký ngân hàng sang trọng, hoặc mấy cô tiếp viên ngồi ở bàn giấy, hay mấy ông gác gian bảo vệ cơ sở ăn mặc đồng phục oai vệ như sinh viên sĩ quan trong quân trường. Thấy họ cao sang quá. Khi thấy mấy ông thợ làm nghề xây cất, lưng đeo dây da to bản lòng thòng hàng chục thứ búa kềm, đồ nghề, ông cũng tự hỏi, biết chăng có ngày ông được như họ. Đọc tiếng Anh, thì ông không ngán, nhưng nghe và nói thì như câm điếc. Mơ ước có công việc làm ăn như trẻ con mơ chuyện thần tiên. Ông ho khan rồi trả lời:
“Xong rồi, anh cứ đem ông bạn qua đây phụ tôi. Sau nầy ông ta có ghét bỏ, thì tôi rán chịu. Bây giờ không nhận cho ông ta làm, thì tôi thấy tự xấu hổ với riêng mình, và không yên tâm.” Bà Tư càu nhàu vì ông chấp nhận lời đề nghị của ông bạn. Ông nhẹ nhàng bảo vợ:
“ Thôi, làm được điều gì đúng mình cứ làm, cho lương tâm yên ổn. Sau nầy có ai ghét bỏ thì cũng không sợ.” “ Anh thì hay tình cảm không đúng chỗ. Đi thuê Mễ về làm việc, lần nào cũng thuê mấy người không biết nói tiếng Anh, vì cứ nghĩ đến tình cảnh của anh ngày xưa. Rồi cứ ra dấu, hiểu lầm nhau mãi. Xưa khác, nay khác rồi. Phải đặt quyền lợi của mình lên trên tình cảm yếu đuối.” “ Được trời cho như ngày nay, mình cũng không nên ôm hết lấy, mà nên chia xẻ chút chút với những kẻ đang khó khăn quanh mình.” Khi ông Tư chuẩn bị dụng cụ và vật liệu xong, thì người bạn đem ông Phi, người muốn có việc làm đến. Ông nầy đầu hói láng, mày rậm, mang kiếng trắng, ăn mặc áo trắng, quần tây xanh sậm, đàng hoàng như sắp đi phố chứ không phải đi lao động sơn nhà. Hai bên chào hỏi giới thiệu nhau. Ông Tư cười, rào đón trước:
“ Nước mất nhà tan. Chạy qua được đây, toàn cả thiên thần bị đọa xuống trần gian, phải đi làm những việc trái với khả năng, không đúng với sở nguyện. Chúng ta cùng lứa tuổi, cho tôi kêu nhau bằng anh em cho thân mật. Cám ơn anh đến giúp tôi sơn nhà, mai mốt anh mua nhà cần sửa chửa, thì anh thuê tôi làm phụ, đừng thuê người khác nghe.” Ông Phi cười, nụ cười hơi gượng, và nhìn ông Tư bằng ánh mắt biết ơn vì lời nói tế nhị, tử tế. Ông Phi nói:
“ Trong tù tôi cũng từng gánh phân người, làm đủ công chuyện nhọc nhằn. Bên nhà, tôi cũng đã làm đủ thứ nghề lao động chân tay. Sơn nhà thì nhẹ nhàng dễ dàng như húp cháo thánh.” Sau khi uống xong tuần trà xã giao, ông Tư ông Phi đưa ra vườn sau, chỉ dẫn cách cạo sơn đã tróc lở trên tường nhà. Ông Tư vào nhà chuẩn bị thêm dụng cụ, để hai người cùng làm cho mau. Bà Tư đứng ở cửa sổ nhìn xuống nhà kho, thấy ông Phi vừa cạo sơn, vừa mấp máy môi, thỉnh thoảng đưa ngón tay chỉ chỏ vào quãng không. Bà lo lắng kêu chồng lại và nói:
“ Anh xem, ông kia lẩm bẩm một mình, tự nói tự nghe. Không chừng ông ta bị bệnh tâm thần. Anh phải cẩn thận, lỡ ông ta lên cơn, lụi cho anh một dao thì khốn đó.” Nghe vợ nói, ông Tư cũng hơi ngán. Khi ra cạo sơn, ông dè dặt đứng xa ông Phi, để có gì bất trắc thì còn kịp mà chạy. Ông Tư cố lắng tai nghe ông Phi nói gì mà môi ông cứ mấp máy mãi. Lâu lâu, ông Tư liếc mắt canh chừng, nhưng thấy ông Phi vẫn chăm chú làm. Chừng nửa giờ sau, dường như ông Phi quên có ông Tư làm việc bên cạnh, cất tiếng ngâm thơ sang sảng. Ông Tư giật mình hỏi:
“ Anh ngâm thơ? Thơ của ai thế?” Ông Phi hơi ngượng ngập trả lời:
“ Thơ tôi làm chơi cho vui ấy mà. Thời buổi nầy, còn rất ít người thích thưởng thức thơ văn. Truyền hình, phim truyện, phim nhạc tiến mau quá. Đời sống tốc độ, ít ai còn thì giờ mà ngâm nga thưởng thức cái đẹp trong văn chương. Tôi còn hủ lậu, nên cứ mang lấy cái nghiệp thơ vào mình. Cái nghiệp thiệt ông ạ. Bà con, bạn bè cứ cười tôi sống mơ mộng, không thực tế, thời buổi nầy, thơ văn không làm no bụng bằng bánh mì.” Ông Tư cười ha hả và nói:
“ Anh làm tôi sợ hết hồn. Bà xã tôi thấy anh lẩm bẩm một mình, tưởng anh có bệnh tâm thần, không dè anh ngâm thơ. Nãy giờ tôi cũng sợ không dám đứng gần anh. Anh là một thi sĩ mà tôi không biết. Tôi cũng khoái đọc thơ lắm. Tôi không nghĩ rằng yêu thích thơ văn là hủ lậu như anh nói. Ngày nào trái tim con người còn biết thổn thức, ngày nào con người còn dùng chữ viết, còn dùng tiếng nói để trao đổi tư tưởng, thì ngày đó thơ văn còn được ưa chuộng. Chỉ khi nào khoa học tiến bộ đến độ con người truyền thông cho nhau bằng làn sóng , chuyển và nhận qua ý nghĩ trong óc thôi, thì e rằng khi đó văn thơ mới có thể tàn lụi. Anh thấy đó, thơ ít ai đọc mà lại được xuất bản ào ào, ai cũng in thơ. Anh bỏ cái cạo sơn xuống, vào trong kho nầy, tôi cho anh xem.” Ông Tư mở cửa nhà kho, bật đèn và kéo ông Phi vào cái kho bề dài tám thước, bề ngang sáu thước, bốn bên tường có kê kệ đựng sách sát vách. Sách chất đầy kệ từ dưới sàn lên thấu trần. Ông Phi hớn hở nhìn thấy mấy ngàn tập, toàn cả thơ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt. Nhiều cuốn đóng gáy da dã sạm màu, chữ thếp vàng đã nhạt, bìa sờn rách vì thời gian. Ông Phi lẩm bẩm:
“ Thật là ‘Kho Thơ’. Tôi đoan chắc thư viện của thành phố nầy cũng không có nhiều thơ bằng.” Ông Phi với tay lật một tập thơ chọn lọc, bên trong có chữ ký của người mua vào năm 1858. Một thế kỷ rưỡi, từ khi phong trào tìm vàng dậy lên ở California. Cái bìa sách bằng da gần mũn, giấy vàng ố. Ông Phi đọc lướt qua một bài thơ ngắn rồi xuýt xoa:
“ Người xưa làm thơ hay thật. Làm sao mà anh có được cả kho thơ nhiều như thế nầy? Toàn là thơ quý, nhiều cuốn thơ xưa cả vài trăm năm. Những cuốn gáy da, chữ vàng nầy, không mua đâu ra nữa.” Ông Tư cười sung sướng nói:
“ Mọi chuyện đều có cơ duyên. Ban đầu, tôi chỉ mua một ít cuốn thơ hay mà đọc thôi. Rồi tôi khám phá ra những tiệm sách cũ, họ bán chừng nửa giá. Những sách xưa và quý, thì họ bán đắt lắm, cả bạc trăm, mình không mua nỗi. Họ khôn và kinh nghiệm khiếp lắm. Về sau, ngày nghỉ tôi đi chơi, lùng sách tại các nơi treo bảng bán dồ cũ trên sân cỏ. Nhiều cuốn sách quý, bán vài ba đồng. Rồi tôi đi chợ trời. Có nhiều cuốn sách rất quý, người bán không biết giá trị, chỉ mong tống khứ đi cho đỡ chật chỗ. Mua chừng vài đồng là họ mừng húm. Có cuốn mua chừng hai đồng, mà vào tiệm sách quý, thấy đề giá một hai trăm bạc. Anh nhìn hơn chục tập thơ của Omar Khayyam trên kệ nầy, hôm tôi đi xem triển lãm bán sách quý, có cuốn đề giá hơn năm trăm. Trị giá mấy tập thơ nầy cả mấy ngàn bạc chứ không ít đâu. Thường thì các chủ tiệm sách cũ họ đi lùng và thu mua hết, họ giỏi và thông thái lắm, sách quý ít khi đến tay mình. Về sau, tôi gặp được cơ duyên tốt, kết thân với hai ông Mỹ bán đấu giá tài sản của những người chết. Thỉnh thoảng tôi mời các ông đi ăn tô phở , tô bún bò. Khi nào có bán đấu giá, các ông thông báo cho tôi biết. Các nơi nầy, sách thơ vất bừa bãi như rác. Nhiều cuốn thơ, có lẽ khi còn sống, chủ nhân còn quý hơn vàng. Khi chết rồi, chẵng ai biết đến giá trị. Tôi cứ thế mà hốt với giá rẻ mạt. Người bán cũng mừng, vì tôi hốt bớt rác cho họ. Nhưng cũng có khi người bán tinh lắm, biết sách quý, đề giá cao kinh khủng. Mười phần, thì có đến chín là không bán được, vì những người đi mua đấu giá tài sản ngưởi chết, đa số là dân phàm phu tục tử, văn thơ đối với họ không đáng giá vài xu, cho họ cũng không lấy vì ôm nặng. Bán không được, họ vất vào đống rác, những người thầu hốt rác, đem ra chợ trời, đổ xuống bán một đồng ba bốn cuốn. Nếu mình đến chợ trời đúng lúc, thì cứ hốt đầy xe, để mà về nhà nghe vợ cằn nhằn, bảo là tha rác về nhà. Có khi tôi bị cằn nhằn suốt cả một hai ngày, nhức đầu lắm ông ạ. Nhiều khi, mình đã có hai ba cuốn thơ đó rồi, mà thấy nó bán rẻ quá, thì cũng phải rước về thôi. Đây nầy, anh thấy tôi có bốn tập thơ cùng nhan đề “ Những Bài Thơ Tình Hay Nhất” và có ba cuốn “ Thơ Đọc Nhức Tim”, mười hai tập “ Thơ Omar Khayyam” Nhưng các tập nầy xuất bản vào các năm khác nhau.” Ông Phi như người say lạc vào mê hồn trận của kho thơ. Ông lật hết tập thơ nầy qua tập thơ kia. Rồi ông cầm một tập thơ, ngồi dựa ngữa ra trên cái ghế xếp mà đọc say sưa. Không cần nhớ đến cái việc sơn nhà mà ông đang được thuê làm. Ông Tư cười cười, lẵng lặng đi ra, cầm cái bay cạo sơn tiếp. Khi ông Tư chợt nhìn đồng hồ, thì thấy đã gần mười hai giờ trưa. Ông vội vã vào lục tủ lạnh, lấy thức ăn, hâm lò vi ba. Lấy thêm một chùm bia, tôm khô, củ kiệu và vài thức nhắm , dọn ra cái bàn đặt dười bóng cây bưởi có trái xanh tròn đu đưa theo gió. Ông nghiêng đầu vào cửa kho và nói:
“ Trưa rồi, mời anh ra ăn, uống vài lon bia, mình nói tiếp chuyện thơ phú.” Ông Phi ậm ừ vì dang đọc dở trang thơ, ông Tư phải kêu hai ba lần, ông mới lảo đảo bước ra, mắt nheo vì nắng chói. Hai người ngồi trên ghế thấp kê dưới bóng mát tàng cây bưởi. Ông Tư ép ông Phi uống bia, ăn thịt gà xối xì dầu, lòng heo xa xíu. Ông Phi như chưa tỉnh hồn ra khỏi miền thơ, mắt còn mơ màng. Ông nói:
“ Thơ Omar Khayyam hay thật. Ông là người Ba Tư, xứ Hồi Giáo khắc nghiệt, mà làm dược những bài thơ tuyệt diệu. Không có gì cao siêu, rất gần với đời sống. Làm xúc động lòng người. Tôi đọc, khoái quá, tôi có chuyển đoạn sau đây thành thơ lục bát, đọc anh nghe chơi. Ông Phi chạy vào nhà kho, lấy cuốn thơ, có trang xếp góc đánh dấu nói:
“ Đây, đoạn nầy tạm dịch văn xuôi: “Họ đoan chắc với tôi rằng ở Thiên Đường có con gái nhiều vô số. Họ cũng đoan chắc rằng, tôi sẽ tìm được rượu nho và mật ngọt trên Thiên Đường. Nhưng kìa, sao ở trần gian lại cấm rượu và đàn bà. Như thế, thì mai sau ( chết lên Thiên Đường) phần thưởng dành cho tôi là rươu và gái phải không?” Tôi diễn thơ như sau, anh nghe xem: “Thiên Đàng hứa hẹn đông nhiều. Rượu ngon, mật ngọt, yêu kiều gái xuân. Trần gian cấm rượu, giai nhân. Mai sau gái rượu thưởng phần phải chăng?” Ông Tư khen ông Phi mau mắn, và giàu cảm xúc. Mới đọc qua mà đã diễn thành thơ liền. Ông Phi muốn mượn một tập thơ của Omar Khayyam về để diễn thành thơ Việt ngữ. Ông Tư cười và nói:
“ Chậm mất rồi anh ơi. Học giả Nguyễn văn Hòa đã dịch tập thơ của Omar Khayyam rồi. Tôi chưa được đọc tập thơ do cụ Hòa dịch. Tôi nghĩ, cụ Hòa giỏi về ngữ pháp, nhưng cái năng khiếu vận dụng ngôn ngữ, năng khiếu gây xúc động trong lòng người đọc, thì mỗi người mỗi khác. Nếu thích thơ của Omar Khayyam, anh tìm bản dịch của cụ Hòa , rồi muốn diễn thơ theo lối anh, thì lên lạc với cụ Hòa mà bàn lại cho kỹ. Tôi nhớ anh có nói là “cứ mang cái nghiệp thơ vào mình”. Anh có thể cho tôi biết hơn một chút về cái “nghiệp” đó như thế nào không?. Làm thêm lon bia nữa đi. Mồi còn nhiều, vừa ăn vừa nói chuyện đời chơi.” Uống một hơi bia, gắp thêm lòng heo nhai, nuốt. Ông Phi mơ màng nói:
“ Mới gặp anh lần đầu mà tôi tưởng như tri kỷ từ lâu. Sở thích cùng đồng điệu. Nói anh đừng cười, tôi tự xem mình như là đứa con của thơ. Bởi tôi được cấu thành do hai câu thơ của bố tôi. Dong dài một chút. Ông ngoại tôi là một người khoa bảng, văn hay chữ tốt, để lại nhiều tập thơ rất hay. Mẹ tôi là con út trong gia đình, nhan sắc mặn mà nỗi tiếng, được ông ngoại tôi cho học cả chữ Pháp lẫn chữ nho. Mẹ tôi thuộc làu làu hàng ngàn bài thơ, hàng ngàn câu ca dao. Khi nào ông ngoại tôi làm được bài thơ đắc ý, thường bảo mẹ tôi ngâm cho ông nghe. Bố tôi con nhà nghèo, hồi đó học hành chưa tới đâu, yêu thầm trộm nhớ mẹ tôi. Một hôm bố tôi nghe có gia đình ông tham tá lục lộ đi coi mắt mẹ tôi. Anh nhớ thời xưa đó, ở Hà Nội có câu “ Phi cao đẳng bất thành phu phụ”, nghĩa là không tốt nghiệp trường cao đẵng thì đừng hy vọng chi lấy được vợ đẹp, con nhà đàng hoàng. Bố tôi học chưa xong trung học, không nghề nghiệp gì, nghe có người đi coi mắt mẹ tôi, ông quýnh lên. Trăn trở nhiều ngày đêm, viết được hai câu thơ. Chờ đêm về, khi mẹ tôi đang ngồi học bên bàn, cạnh cửa sổ. Ông vén màn, ném lá thơ vào, rồi bỏ chạy như ma đuổi. Mẹ tôi bắt được mở ra đọc, chỉ có hai câu:
“ Đừng ham xe điện tàu bay.
Bỏ xe tay mà tội!” Thiệt tình, vè cũng không phải mà thơ con cóc cũng không phải. Thế mà bố tôi đã trăn trở, mất bảy ngày đêm mới sáng tác được. Nhưng mà lại có hiệu quả mới lạ chứ. Mẹ tôi đọc xong, cảm động, con người gì mà khiêm tốn lạ lùng, tự ví mình với chiếc xe tay khốn khổ. Mẹ tôi trình lá thơ cho ông ngoại tôi xem, ông cười ngất, và khen bố tôi nhân hậu thật thà. Rồi nhất định gả mẹ tôi cho bố tôi, dù ông chưa có nghề nghiệp gì. Bố tôi lấy được vợ, không muốn nhờ nhà vợ đểụ đi học tiếp, bỏ ngang, xin làm thơ ký bưu điện nuôi vợ, nuôi con. Anh xem, thế thì, nhờ thơ mà bố mẹ tôi kết hợp và sinh ra tôi. Tôi là đứa con của thơ, chứ còn gì.” Ông Tư cười vang và nói:
“ Tôi phục ông cụ của anh quá. Ngoài bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, và Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư của Lý Thường Kiệt ra, tôi chưa thấy bài thơ nào mang kết quả tốt đẹp cho người làm thơ được đến như vậy. Bài thơ hai câu của ông cụ anh đáng đem vào văn học sử. Không phải thơ hay, không phải cao siêu bí ẩn, nhưng bài thơ đem lại kết quả tức thời. Không thiếu chi người phải vắt óc viết đến ba bốn tập thơ ca ngợi người đẹp, mà cũng chưa nên cơm cháo gì.” Ông Phi cười và nói tiếp:
“ Tôi cũng phục ông cụ tôi vô cùng, viết được hai câu thơ như vậy mà dám đem gởi cho mẹ tôi, một người con gái thơ phú đầy mình. Được vợ, nguồn thơ của bố tôi tịt ngòi từ đó. Không biết có phải vì bố tôi thấy tài năng và kiến thức về thơ của ông, so với vợ, cũng như vũng nước mưa bên đường so với đại dương mênh mông chăng. May thay, ông không làm thơ thêm, nếu không thì chắc người đời cũng khổ lây, vì phải nhăn mặt mà đọc thơ ông. Tôi lớn lên trong lời ru thơ của mẹ, những câu ca dao, những câu Kiều, những Chinh Phụ Ngâm, Tì Bà Hành, đến nỗi khi vào trường, không học, mà tôi thuộc làu nhiều tác phẩm thơ, từ câu đầu đến câu cuối. Lạ lùng, học bài thì không thuộc, nhưng đọc thơ qua một lần là tôi nhớ làu làu. Tôi thuộc gần hết các bài thơ hay thời tiền chiến, thời hiện đại, và thuộc luôn thơ của bạn bè thân thiết. Thời nhỏ đi học, tôi viện cớ trời nắng, trời mưa, đòi ở lại buổi trưa tại trường, để nhịn ăn trưa, dành tiền mua sách, mua thơ. Thời đó tôi ốm nhom vì nhịn ăn mà mua sách. Mới học tương đương với lớp bảy, lớp tám bây giờ, tôi để cái đầu bù xù như tổ quạ, bạn bè kêu tôi là Chateaubrian, tên một thi sĩ danh tiếng của Pháp. Bố tôi đánh đòn đến mấy, cũng không hạ được cái đầu tóc bù xù của tôi. Tôi tưởng mình là nhà thơ lớn thật, vơ vẫn làm thơ, không chịu học bài. Có hôm làm luận văn, tôi viết theo lối văn vần lục bát. Thầy giáo phê vào bài luận đó là “Nhảm nhí” và cho hai điểm trên mười. Thế mà cũng không làm tôi tỉnh ngộ. Tôi bị thi rớt trung học khi vào vấn đáp vì môn quốc văn. Cô giáo hỏi tôi về “ ý nghĩa tiếng đàn trong truyện Kiều”, tôi nghĩ là mình trúng tủ, nói thao thao bất tuyệt. Cô ngắt lời tôi mấy lần, mà tôi cứ nói cho sướng miệng. Cô giận thằng nhỏ ngông nghênh, bảo là lạc đề, cho tôi số không. Năm đó tôi ở lại lớp, phẫn chí, làm được tập thơ cả bảy tám chục bài. Tập thơ mất, tôi không còn nhớ bài nào, nhưng có lẽ không đến nỗi có thể so sánh với thơ của ông bố tôi. Dạo đó, vì đọc tiểu sử của các nhà thơ, tôi nghĩ là phải có nàng thơ, thi sĩ mới có nhiều cảm hứng, làm thơ hay. Tôi quyết định chọn cô bé ở xóm trên làm nàng thơ của tôi. Và không ngờ, tôi đâm ra yêu thật cái cô gái có tay dài như tay vượn, và môi dày che cái răng khểnh đó. Tôi làm thơ ca ngợi nàng, xa gần tả tình tả cảnh. Làm thành một tập thơ, nhan đề là “ Cánh Nhạn Bên Trời”. Bởi nàng tên là Yến. Tôi đưa tập thơ cho một anh bạn trong xóm đọc. Anh nầy lựa chừng hai chục bài ưng ý nhất, chép lại thành một tập thơ, lấy tên là “ Gọi Yến Mây Ngàn”. Chữ anh nầy đẹp lắm, viết tay mà vuông vắn tròn trịa, đều đặn như chữ in. Cuốn thơ của anh cắt xén gọn gàng, thuê thợ đóng bìa cứng gáy da. Anh đem tặng cô Yến, và bảo là thơ của anh làm tặng cho cô. Tôi không biết chuyện nầy. Khi tôi rụt rè đưa tặng cô Yến tập thơ của tôi, cô cũng nhận. Mấy ngày sau, cô ném tập thơ vào mặt tôi mà mắng: “ Đạo thơ của người khác, không biết xấu hổ”. Tôi xấu hổ vì bị ném tập thơ vào mặt, và thất tình, tôi xin đi sĩ quan Thủ Đức. Thấy tôi bỏ học, bố mẹ tôi buồn phiền lắm. Nhưng nhờ võ vẽ năm ba câu thơ, vào quân trường tôi được sung vào ban văn nghệ chuyên làm báo, khỏi đi học bãi, khỏi đi tập tành. Nửa khóa học đã qua, mà tôi chẵng bao giờ ra bãi tập cả, tôi sợ thi rớt ra trung sĩ, một hôm trốn ban văn nghệ theo các bạn ra bãi tập. Khi học cận chiến, huấn luyện viên hô “Thủ thế”. Trong khi toàn thể khóa sinh nhảy ra, chân trước chân sau, hai bàn tay xòe ra, khủy tay co lại che ngang ngực, thì tôi rùn chân xuống, hay bàn tay mắm lại tựa vào hông theo thế thủ mà tôi biết. Khi thấy mình khác bạn bè, tôi sửa thế lại, thì huấn luyện viên đã hét lên: “Anh kia, vào đây đã nửa khóa rồi, mà chưa biết thế thủ. Sao mà đần độn đến thế. Phạt anh hai trăm cái hít đất, chạy năm vòng sân”. Khi tôi vừa thi hành hình phạt xong, mệt muốn ngất người, đang nôn ọe xây xẩm, thì khóa sinh trực ra tận bãi tập, kêu tôi về trình diện sĩ quan trưởng ban văn nghệ. Ông chữi bới vuốt mặt không kịp, bảo tôi trốn làm văn nghệ, và phạt thêm hai trăm cái hít đất. Tôi xin trình bày, định nói với ông là không đi học, thì sau nầy làm sao mà thi cử, nhưng ông gạt đi, không cho tôi nói. Bạn bè cho tôi biết, các khóa sinh hoạt động thường trực cho các ban ngành, thì sẽ được các ông sĩ quan trưởng ban gởi gắm khi thi cuối khóa, khỏi lo làm bài được hay không. Nhưng số tôi mạt, trước khi thi thì vị sĩ quan trưởng ban văn nghệ bị thuyên chuyển về đơn vị khác. Không ai gởi gắm, chúng tôi may mắn, thi đậu nhưng chót bảng. May mà không thi rớt, phải ra trung sĩ. Bỡi vậy, bọn trong ban văn nghệ chúng tôi bị về trấn đóng những nơi khỉ ho cò gáy. Tôi bị đưa về Đông Hà, gần giới tuyến. Cũng nhờ gần đại học Huế, nên mấy năm sau, khi đã có tú tài hai, tôi ghi danh đại học văn khoa Huế. Lâu lâu chạy đi chạy về Đông Hà – Huế, hốt hoảng dự vài buổi học rồi về đơn vị. Trở lại đời sinh viên bán chính thức, tôi thấy lòng vui và yêu đời hơn. Bài vở tôi chỉ học qua loa, thi đậu hay rớt cũng không quan trọng, thế mà bốn năm, tôi lấy được cái cử nhân văn chương. Cũng vì thơ phú, mà tôi dính với một cô sinh viên bạn học, là vợ tôi bây giờ. Cô đọc được thơ tôi đăng trên báo quân đội. Đúng là thơ là cái nghiệp của đời tôi. Bố tôi cũng nhờ thơ mà được vợ, tôi cũng vì thơ mà có vợ. Thật tình dạo đó, tôi cũng chưa dám lập gia đình, vì đời lính, sống chết chưa biết ngày nào, mà lương tiền cũng không dồi dào chi. Lấy nhau là đem nhau vào vất vả, âu lo. Cuộc sống khó khăn của thực tế sẽ chôn đi bao nhiêu thiên đường mộng mơ đẹp đẽ. Trước khi lập gia đình, tiền lương của tôi hầu như chỉ để ăn và cúng cho các tiệm sách. Đi đâu cũng lè kè mang theo mấy thùng sách như của gia bảo. Có khi hầm trú ẩn của tôi thành một cái thư viện nho nhỏ cho anh em binh sĩ giải trí đỡ buồn nơi tiền đồn heo hút. Khi sách quá nhiều, thì gởi về nhà bố mẹ tôi. Sau khi có gia đình, thì lâu lâu mới lén lút mua được cuốn sách. Vì nếu vợ tôi biết được, thì ồn ào nhà cửa. Một điều lạ lùng nữa, vợ tôi vì thích thơ của tôi mà lấy tôi. Nhưng sau khi lấy nhau rồi, thì bà không muốn tôi làm thơ nữa. Mỗi lần viết thơ, tôi phải lén lút, dấu diếm như làm việc quốc cấm.” Ông Tư mở thêm lon bia nữa, nài ép ông Phi:
“ Làm thêm ít lon bia nữa, có sức mà kể chuyện xưa. Ăn nhiều vào, loại gà xì dầu nầy, mua ở tiệm đặc biệt, tận San Francisco đó. Chuyện anh kể vui quá. Rồi sao nữa trong cái nghiệp chướng hệ lụy của thơ văn?” Bốn năm lon bia đã nung mặt ông Phi đỏ bừng, hai mắt lờ đờ. Vừa nhai, ông Phi vừa kể tiếp:
“ Cuộc đời lắm chuyện ly kỳ. Năm sáu năm sau, kể khi tôi tôi thất tình bỏ đi lính, thì tôi gặp lại anh bạn ăn cắp thơ tôi, và cuỗm luôn cả nàng thơ của tôi. Khi đó tôi đã là đại úy đại đội trưởng. Anh bạn là chuẩn úy mới ra trường được gởi đến đơn vị tôi. Khi trình diện tôi, anh bạn xanh mặt, vì sợ tôi trả thù. Tôi làm như không biết và không nhớ chuyện xưa, vồn vả chào hỏi đón tiếp anh ấy. Cái hình ảnh nàng thơ xưa đã lu mờ hẵn trong trái tim tôi, đó chỉ là mối tình thầm kín vớ vẩn dại dột của tuổi mới lớn. Thất tình một cách ngu xuẫn, vì đã có tình ý chi với nhau đâu. Thế mà bỏ học, làm cha mẹ khổ buồn. Anh bạn cũng làm như không nhớ chuyện xưa. Sau nầy biết đời sống khốn đốn của anh bạn với nàng thơ xưa, tôi càng tử tế hơn, vì biết ơn anh đã lãnh dùm cho tôi cái cán búa. Nàng thơ xưa của tôi, nay trở thành bà chằng lửa dữ dằn, nạt nộ chồng con như tát nước. Không còn đẹp như trong lời thơ tôi khi trước: “Em hiền Thánh Nữ đồng trinh. Trái tim nhân ái, nuôi tình trăm năm.”. Sau khi tôi lấy được cái bằng cử nhân, và nhờ một số thơ đăng rải rác trên báo quân đội, tôi được đưa về cục tâm lý chiến. Bỡi vậy nên khi miền Nam thua trận, phải đi tù, chúng đày tôi ra miền Bắc. Trong tù, chúng tôi vẫn làm thơ và lén lút đọc cho nhau nghe. Bọn cai tù biết được, biệt giam tôi vào cái hầm kín, cái từng địa ngục nầy, ngày thì nóng như lò thiêu xác, đêm thì lạnh như hầm băng. Tôi sống sót được nhờ thơ. Ngày đêm tôi làm thơ, đọc thơ, nghĩ thơ, và thở ra hơi thơ để cầm giữ sự sống, để chống chỏi với cô đơn, đói khát, đau đớn thể xác. Trong các hầm giam nầy, khó ai sống sót qua một tuần. Thường thì thi thể tội nhân được khiêng ra, đã thành cái xác khô, thối hoắc. Thế mà tôi sống sót qua ba tháng. Xác tôi được kéo ra, chúng định ra lệnh đem chôn, nhưng có người nói tôi chưa chết. Tôi nằm thoi thóp thêm mấy tháng nữa ở nơi mà chúng nó gọi là bệnh xá. Bọn quản giáo nghĩ là tôi sắp chết, cho về nhà, để làm rạng đức khoan hồng của ‘cách mạng.’ Nhờ vợ con chăm nom thuốc men, tôi không chết. Nếu không được về, thì đã gởi thây mgoài núi rừng Bắc Việt là chuyện chắc.
Tôi bám lấy thành phố, dù công an đêm ngày thúc dục đuổi tôi đi kinh tế mới. Tôi hành nghề hớt tóc vĩa hè. Treo một cái gương, đặt một chiếc ghế trong hẻm của xóm Tắm Ngựa. Hớt tóc cho bà con quanh xóm. Ai trả bao nhiêu cũng được. Thời đó, mọi sinh hoạt đều được quốc doanh hóa, duy không có quốc doanh hớt tóc. Thế mà nhờ đó, tôi lại có cơm cháo qua ngày. Tôi vừa hớt tóc, vừa ngâm thơ cho thiên hạ nghe, ai cũng khoái, khách hớt tóc của tôi nườm nượp. Nhưng rồi tai họa tới, cũng vì thơ cả. Có người tố cáo tôi đọc và làm thơ “phản động”. Công an bắt tôi và soát nhà, lòi ra tập thơ cả mấy trăm bài, làm sao mà khỏi có thơ “ phản động”. Tôi bị gán tội biệt kích văn nghệ, gián điệp Mỹ gài lại, để làm cuộc chiến tranh văn hóa, tâm lý. Chúng gán cho tôi là kẽ sáng tác ra những bài ca dân gian chế diễu, mĩa mai chính quyền. Tôi không nhận tội. Chúng lại biệt giam tôi một lần nữa tại Chí Hòa. Một năm nằm trong phòng biệt giam. Không cho liên lạc gia đình, bà con. Nằm trong đó, tôi thèm đọc, thèm một miếng giấy có chữ, không cần nội dung, có chữ mà đọc cho đỡ ghiền, đỡ cô đơn. Mùa hè trời nóng nực, cứ sáu ngày chúng cho đi tắm một lần. Mỗi lần được ra tắm là sướng lắm, sướng hơn cả lần đầu tiên được hôn người con gái. Vì được thấy mặt trời, thấy ánh sáng chói chan, và nhất là được thở không khí trong lành đầy lồng ngực. Lại được tắm trong vòng năm phút, nước chảy trên người như xối cả hạnh phúc, xối cả sung sướng lên thịt da, lên đầu tóc, chảy len vào từng kẽ tay, khe chân. Sướng lắm. Thế mà có lần được ra tắm, tôi thấy một miếng giấy báo nhỏ, miếng giấy chùi đít có vệt phân khô của ai đó bay ra khỏi thùng phân khi đem đi đổ. Trên miếng giấy báo đó, tôi thấy loáng thoáng từng giòng như có một bài thơ. Tôi mừng run lên. Giả vờ làm rớt cái khăn lên miếng giấy, rồi cúi xuống lượm khăn, cặp luôn miếng giấy dấu vào trong khăn. Thế là bỏ một lần tắm quý báu. Đem mảnh giấy báo về phòng, tôi dùng khăn thấm nước nhẹ nhàng chùi vệt phân trên giấy, kỹ lưỡng hơn các nhà khảo cổ lượm được di tích nhiều ngàn năm trước. Tôi đọc được, đó là bài thơ ca tụng lao động sản xuất của một gã bồi bút. Nhưng tôi thấy sung sướng, sảng khoái, và niềm cô đơn thèm khát chữ nghĩa được thỏa mãn. Tôi cất kỹ như một báu vật, lâu lâu đem ra đọc như để tự đãi mình. Cho đến ngày ra khỏi biệt giam, tôi không biết mình đã đọc tấm giấy kia được bao nhiêu ngàn lần. Kỳ lắm anh ạ. Cho đến bây giờ, mỗi khi ngồi bàn cầu, tôi cũng phải có cái gì để đọc mới đi cầu được. Nếu không thì cừ ngồi hoài. Có khi đến nhà lạ, không có sách vở báo chí trong nhà cầu, tôi phài cầm cái ống kem đánh răng, săm soi mà đọc những giòng chữ in trên đó, để có thể đi cầu được. Đó là một thói quen không tốt, nhưng cũng là một thứ hạnh phúc nho nhỏ của cuộc đời tầm thường nầy. Nhà cầu bên mình, tối tăm, chật chội, ẩm thấp, hôi hám, ruồi nhặng vi vút oanh tạc, thế mà tôi cũng phải có cái chi đọc. Huống chi nhà tiêu bên nầy rộng như phòng ngủ, sạch sẻ như phòng khách, thơm tho, có nhạc mềm nhè nhẹ ru đưa, thì cứ ngồi trên bồn cầu mà đọc sách, là sung sướng ngất trời. Hạnh phúc đơn giản thế, tội chi mà không hưởng.” Hai ông Tư và Phi, mỗi ông đã cạn hết bảy tám lon bia, ăn gần hết con gà, dĩa tôm khô và lon củ kiệu. Mặt họ đỏ lửng, mắt mờ lim dim. Ông Phi nhớ đến công việc phải làm, đứng dậy nói lè nhè:
“ Thôi, rán làm việc một chút. Bóng nắng đã xế. Chuyện trò mãi không bao giờ hết. Thơ với thẩn. Nợ với nần. Nghiệp với chướng.” Ông cầm cái bay cạo lên tường, nhưng say quá, cái bay cứ rớt xuống đất mãi. Ông Tư cũng ngật ngừ, loạng choạng đi vào nhà kho, kéo hai cái ghế xếp bật ra, kê dưới gốc bưởi và kêu ông Phi:
“ Thôi anh ơi. Tội chi mà không nằm xuống đây chợp một giấc cho đã đời. Dễ chi có được một ngày vui như hôm nay.” Ông Tư và ông Phi nằm dưới bóng mát cây bưởi mà thi nhau ngáy như kéo gỗ. Thỉnh thoảng ông Phi mấp máy môi, ngâm thơ trong giấc ngủ. Mấy con chim nhỏ trên cành, nghiêng đầu liếc mắt nhìn xuống hai ông bạn thơ nằm ngủ, rồi cất tiếng hót nhẹ nhàng như lời ru.
Khi hai ông thức giấc, thì nắng chiều đã nhạt và gác nghiêng nghiêng. Bầy ruồi và ong áo-cánh-vàng đậu đầy mấy dĩa thức ăn, chia phần ăn nhậu. Ông Tư đứng dậy vươn vai, nhìn cái nhà kho mà lo ngại. Khi bà Tư về, thế nào cũng cằn nhằn, to tiếng gây gỗ ồn ào, vì hai ông chỉ mới cạo được vài mãng sơn nhỏ trên tường.
Ông Tư tuyên bố ngày làm việc đã mãn. Đưa ông Phi ra về. Ông Phi thì cứ nhìn lại cái kho, như ái ngại lắm. Khi ra khỏi cỗng, ông Tư cầm tiền trả công đưa cho ông Phi. Ông Phi gạt đi và nói:
“ Tôi có làm gì đâu mà trả công? Còn được ăn nhậu, đọc thơ, tâm sự dong dài. Đáng ra, nếu tôi có tiền, thì phải trả ngược lại cho anh là khác. Đừng làm tôi áy náy, không yên tâm.” Ông Tư nài nỉ, nhét tiền dúi vào túi quần ông Phi, nói với giọng khẩn khoản:
“ Thì cũng mất một ngày công của anh. Được biết anh, có được một ngày vui như hôm nay, thì bạc ngàn cũng mua không ra. Đời có nhiều thứ còn quý báu hơn bạc tiền.” “ Vâng, tôi nhận cho anh vui lòng, nhưng để cái kho đó, tuần sau tôi đến sơn cho anh, làm cho xong mới thôi, không nhận thêm đồng tiền công nào cả. Chỉ cần cho tôi mượn vài cuốn thơ đọc chơi là được rồi.” Hai ông bạn thơ cầm tay nhau cười sung sướng.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire