MỘT TRUYỆN HOANG ĐƯỜNG CÓ THẬT
Ngôi nhà cổ, đồ đạc trong nhà cũng vậy, những đồ gỗ đều
là thứ danh mộc lên nước bóng ngời. Ngôi nhà ông K. đã bán, chủ mới chưa
về ở. Tôi nói: “Cái tủ này kiểu dáng đẹp quá, bây giờ chắc chắn không
còn ông thợ mộc nào làm được... cái bàn kia cũng là thứ hiếm có...” Ông
K. quơ tay một vòng: “Tôi bán lại tất cả cho người chủ mới... Cậu nói rẻ
quá hả? Mà tôi giữ lại làm gì những thứ này nữa, người ta mua hết cho
tôi là may. Tôi chỉ cần một cái giường, một cái bàn, một cái ghế... về
Sài Gòn
mua thiếu gì.” Tôi hình dung căn phòng ông K. trong một chúng cư
tại Sài Gòn. Căn phòng đó, cái giường, cái bàn, cái ghế..., hẳn sẽ
giống bức hoạ căn phòng của Van Gogh, trong cuốn sách hội hoạ hình như
ghi tên bức tranh đó là “Chambre à coucher”. Ông K. sẽ ở trong căn phòng
đó để ngủ, để sống, hay để tự vẫn không chừng.
Buổi tối, thị xã lần đầu đặt chân tới, tôi đi một mình ra
quán bờ sông không xa ngôi nhà cổ của ông K., uống cà phê. Ngồi xuống
chiếc ghế ở quán, tôi đổi ý, nói cô gái chạy bàn mặc váy ngắn ngủn mang
ra một chai rượu vang. Thật sự lúc đó là buổi chiều, khi tôi để ý thì đã
tối, hoà vào dòng sông sẫm màu. Đèn quán mờ mờ, tiếng nói chuyện xa
xôi. Chỉ là cảm giác của tôi, hay đúng một người nào đấy vừa khoắng tay
dưới nước, hay một con cá nào đấy quẫy đuôi, vùng vẫy... Có lẽ vì ly
rượu vang đã loãng nhạt, đã gần hết chất rượu màu đỏ sậm, chỉ còn nước ở
cục đá tan ra. Tiếng hát từ cái máy phát thanh trong quán: Tôi ngu ngơ
trồng cây cuối góc phố ôm mộng mơ... cùng lúc lời ca trong đầu tôi: Ngày
rời Paris anh đã để quên con tim... Không hiểu tại sao lời ca đó lại
dấy lên trong đầu tôi vào lúc này, có con tim để quên ở kinh thành hoa
lệ, và người đàn bà Paris với tấm khăn choàng?
Ngày rời Paris..., tôi mở bàn tay úp vòng quanh ly rượu.
Tôi mở bàn tay ra, úp bàn tay lại... Khách khứa mỗi lúc mỗi nhốn nháo
hơn. Các thứ chung quanh lơ lửng dật dờ trôi dạt, giống tình trạng mất
trọng lượng trong không gian. Rồi tất cả những thứ ấy lại lẩn quẩn, lòng
vòng giữa những cô gái váy ngắn ngủn ở đâu túa ra thật đông, những chân
cẳng da thịt phơi lộ đầy khắp... Hình như tôi đã đứng dậy, lảo đảo tại
chỗ, vướng víu những cái ghế ngồi... Hình như sau đó tôi ngã đổ xuống.
Tôi tỉnh thức trên nền đất ẩm ướt. Có tiếng nói: “Chú ấy
tới quán lần đầu mà... Chú ấy ngồi im một chỗ chớ có gây chuyện, làm rộn
chi đâu...” Tôi không thể biết mình nằm trên nền đất ẩm ướt bao lâu,
cuối cùng tôi cũng đứng dậy được, cố định hướng trở về ngôi nhà của
người bạn vong niên. Tôi nhận thấy rõ rệt tôi đã tỉnh thức, hai bàn tay
tôi xoa vào nhau cho sạch đất cát, đưa hai bàn tay đã sạch đất cát lên
phủi rác rến gì đấy dính trên mặt...
Trở về ngôi nhà cổ, không thấy ông K., tôi vội đi ra phía
sau. Sáng sớm lúc trở dậy rửa mặt, tôi đã biết có vại nước ở chỗ đó.
Tôi vốc nước lên mặt, thấy buốt rát. Vào nhà, ông K. nhìn tôi, kêu lên:
“Cậu té ở đâu hả? Máu còn chảy ở sống mũi cậu kìa!”
Dưới mái hiên, những khoảng ánh sáng chia cắt. Ông K.
ngồi sững trên chiếc ghế bành, thân thể gầy guộc, ông là bức tượng gỗ
cứng queo, một vị tu hành khắc khổ ngồi kiết già, giống hệt bức tượng
tôi thấy ở đâu đó, trong một ngôi chùa hay trong một quyển sách. Ông vụt
đứng dậy như cái lò xo bị gấp vừa bung ra, đi vào trong, tiếng nói vọng
trở lại: “Tôi giăng mùng sẵn, lúc nào buồn ngủ thì vào ngủ nhé, cậu
Đăng.” Ông K. không ra ngồi ngoài hiên nữa, đèn sáng trắng trong nhà
phụt tắt. Lúc này những khoảng ánh sáng chia cắt ngoài hiên nhập vào
nhau, lẫn trong bóng tối nhờ nhờ. Gió sông lùa tới từng đợt, tiếng động ì
ầm xa xôi, đom đóm tắt hiện, những đốm sáng thất lạc tứ tán. H, bây giờ
chắc là rạng sáng, vừa thức giấc ở Oakland, một nơi phía bắc của một
tiểu bang Hoa Kỳ hầu như người Việt Nam nào cũng nghe tên.
Ngọc-là-châu-là-khuôn-mặt-hiện, người phụ nữ đơn độc kiêu hãnh bình thản
bình tâm chuẩn bị đi làm, ở một chỗ dưới bầu trời dội âm miên viễn
những khúc nhạc đồng quê? Những hình bóng thân thuộc, xa lạ, tôi không
biết tại sao nỗi nhớ tha thiết điên cuồng, và một nỗi tuyệt vọng dấy lên
cùng cơn ngầy ngật của men rượu vang ngọt nồng ngấm say, kéo giấc buồn
ngủ. Tôi buồn ngủ, tôi buồn nôn.
Định trở lại Sài Gòn, ông K. níu giữ tôi ở lại với ông
trong ngôi nhà cũ, “Mai về cùng tôi luôn thể. Trên đường về bọn mình sẽ
ghé Nha Mân. Phụ nữ Nha Mân đẹp nổi tiếng, mọi người đã từ khuya thừa
nhận như vậy đấy. Tôi sẽ giới thiệu với cậu người phụ nữ mới của đời
tôi, người đẹp Nha Mân...” Ông bật cười rộ, nói thêm: “Tôi đổi đời mà,
đổi toàn bộ cuộc đời, từ nơi ăn chốn ở tới người chăm sóc trái tim cô
đơn... Tôi-không-còn-cô-độc.” Tôi lại nhớ lời ca
Ngày-rời-Paris-anh-đã-để-quên-con-tim... chẳng quan hệ gì tới cuộc đời
tôi.
Cả ngày hôm sau, ngày thứ hai tôi ở lại thị xã, ông K.
chẳng ra khỏi ngôi nhà cổ. Có lẽ ông K. cố nán lại đây để hít thở tới
đáy tim phổi không khí ông đã sống bao nhiêu năm tháng với người vợ và
đứa con bây giờ ở một phương xa, tận cùng hơi thở với nơi chốn ông sắp
từ giã vĩnh viễn. Buổi chiều tôi lại một mình đi ra quán nước bờ sông.
Hai, ba cô gái trong quán ùa tới, nói với vẻ nghiêm trọng: “Chú đừng
ngồi ở đây nữa. Thằng cha bữa tối qua hành hung chú nói tối nay mà còn
gặp chú là sẽ thanh toán chú đó. Thằng chả làm thiệt đó, biểu sẽ xin chú
tí huyết, tụi con nói hoài cũng hổng được...” “Thằng cha” nào đó tôi
không hề biết, đã hành hung tôi như thế nào, vì sao hành hung tôi cũng
không biết. Nhưng như vậy tất nhiên tôi không thể ngồi ở quán này nữa.
Tôi tiếp tục đi, ngơ ngác tìm một chỗ ngồi ở một quán nào cũng được, và
sẽ uống một ly cà phê chẳng hạn. Rượu vang, cơn say ngấm ngầm đã làm tôi
ngán sợ. Tôi chợt nhận ra một điều gì đấy chính tôi không rõ, đã khiến
tôi tự động tìm một quán không ồn ào, không có những chiếc váy ngắn ngủn
của các cô gái chạy bàn...
Khi tôi trở lại ngôi nhà cổ, cửa nẻo đã đóng chặt ở phía
trong, đèn tắt tối om. Tôi gọi, không nghe tiếng ông K. trả lời. Tôi gõ
cửa, rồi đập mạnh nắm tay, rồi chân đi giày đá vào cánh cửa gỗ, những
thớ gỗ đặc cứng, câm nín vô vọng. Tôi đành ra ngoài thị xã, tìm một nhà
trọ ngủ qua đêm.
Tôi không còn cách nào khác để đoán biết vụ việc gì xảy
ra với ông K. trong ngôi nhà cổ, ngoài việc phải tin rằng ông đã chết
trong đó. Thoáng ý nghĩ ông K. tự vẫn, nhưng tôi không thể tin điều ấy
xảy ra được, một người vừa nói chuyện vui vẻ bình thường, nói chuyện
tương lai, đột ngột tự kết liễu đời mình. Ông còn hẹn sẽ giới thiệu với
tôi người đẹp Nha Mân của ông nữa. Hay ông K. bị đột tử, bị nhồi máu cơ
tim chẳng hạn? Điều này cũng rất mong manh, ông K. gầy ốm nhưng tôi thấy
rõ ông có sức khỏe, không từng bị bệnh tim mạch gì hết.
Suốt đêm tôi không thể ngủ, có lúc bực bội vì cả hai
chúng tôi đều không dùng điện thoại di động, trong ngôi nhà ấy cũng
không có điện thoại bàn. Mờ sáng tôi vội vàng trở lại, lấy thanh sắt nạy
bung cánh cửa sổ của ngôi nhà. Hình dáng mờ mờ của ông K. dần rõ nét,
lơ lửng giữa khoảng không gian phía tay trái, gần bên cái bàn tôi đã
thốt lời khen đẹp hiếm có lúc trưa hôm qua, khi vừa yên vị trong ngôi
nhà cổ ông K. đã bán, chủ mới chưa tới ở.
V.2010
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=10656
Đọc thêm các tác gỉa khác trong Blog
Mời xem: Chân Dung Văn Nghệ Sĩ
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire