caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 16 juin 2013

"BA TÔI" Hồi ký PHẠM HỒNG ÂN ,


BA TÔI

Tác giả: Phạm Hồng Ân

  Thể lọai: Hồi ký
 

(Thành kính tưởng tiếc Ba tôi, nhân Father's day)

Ba tôi sinh trưởng tại miền Bắc. Một nơi chốn tên là Đồng Hới nào đó, tôi chưa hề đặt chân tới. Chỉ nghe ông kể lại, khoảng năm Ất Dậu 1945, làng này lâm vào trận đói khủng khiếp nhất, khiến ba tôi phải bỏ quê, theo dòng người lưu lạc về phương Nam.


Khi tôi còn ê a các bài tập đọc trong cuốn giáo khoa thư, ba tôi đã làm thư ký cho tay chủ chợ người Ấn ở Cà Mau. Ngày nào, ông cũng đạp xe đến chợ, gò lưng bên cái máy đánh chữ, gõ lóc ca lóc cóc cho đến chiều. Căn nhà nhỏ ở xóm nghèo vùng tân lập, bên cạnh con kinh 16 êm đềm - là nơi chốn nuôi dưỡng tuổi ấu thơ của tôi một cách yêu dấu. Cà Mau vốn đất rộng, người thưa. Thiên nhiên đã ban tặng con người nhiều tài nguyên phong phú. Mùa nắng, trẻ nhỏ thường rủ nhau đi sâu vào đồng, đặt bẩy khắp nơi. Những chiếc bẩy cò-ke đơn giản, chỉ gồm nhánh tre nhỏ và một sợi nhợ buộc vào. Nhúm gạo làm mồi để nhử chim. Chim bay đến mổ gạo. Chân nó sẽ máng vào sợi nhợ. Khi nó lôi đi, bẩy giật, thế là chim bị treo lơ lửng trên không. Chúng tôi đi thăm bẩy một vòng để gỡ những con chim mập ú, xỏ xâu mang về. Những chim nhỏ thì tha cho chúng trở lại đồng xanh. Mùa mưa, dòng kinh 16 nước dâng đầy. Nước tràn lên đường đi, chảy róc rách xuống ao hồ. Cá rô mề lớn bằng bàn tay ba tôi, đua nhau lóc lên bờ đẻ trứng. Trẻ con lội nước tung tóe, tha hồ ví cá vào thùng. Cà Mau còn nổi tiếng về cá chốt. Cá chốt lội từng bầy, lềnh khênh trên sông rạch. Chỉ cần một nhúm cám quăng xuống nước, cá bu lại giành nhau, người ta sẽ dùng vợt bắt chúng trọn bầy. Cá chốt kho tiêu bằng tộ, ăn rất ngon. Đó là một trong những món ăn thú vị nhất của gia đình nghèo.

Cuối tuần, ba tôi thường chất anh em tôi lên chiếc xe đạp màu xanh rêu. Đứa em út ưu tiên, được ngồi êm ái trên chiếc ghế nhỏ xíu phía trước. Tôi và thằng em kế thì ôm nhau ở yên sau, mặc cho ba tôi muốn đưa chúng tôi đến đâu cũng được. Ba tôi thường chạy ra ngoại ô. Ông thích những nơi vắng vẻ, thích trầm tư trước cảnh vật tịch mịch.

Một hôm, ba tôi đến chợ, thấy bọn bảo vệ đang xô đẩy một nhóm buôn gánh bán bưng nghèo khổ. Họ quát nạt thô tục, dùng roi quất xối xả vào số người khốn nạn đó. Động lòng trắc ẩn, ba tôi đã nhào đến, quyết liệt bênh vực. Thế là, sáng sau, tay chủ chợ người Ấn lạnh lùng gọi ba tôi lên văn phòng. Hắn hầm hầm dí vào mặt ba tôi tờ quyết định sa thải.

Mất việc, gia đình tôi bắt đầu sa sút. Mẹ tôi phải bán đi ngôi nhà khang trang, rồi ra bờ kinh 16 che túp lều xập xệ buôn bán lặt vặt. Ba tôi lê la lên Sài Gòn, xin tới xin lui mới được chân thư ký cho hãng bảo hiểm của Pháp. Lúc này, tóc ông đã hoa râm, mắt đã lờ mờ, sức khỏe không còn tráng kiện nữa. Vậy mà ông phải đạp xe cọc cạch mỗi ngày, từ xóm Chùa (Tân Định) lên đến chợ Bến Thành, để ngồi gò lưng bên cái máy đánh chữ, gõ lóc cóc từ trang nọ tới trang kia, suốt tám tiếng đồng hồ dài thườn thượt.

Lúc này, tôi bắt đầu lên đại học. Cũng tá túc cùng ba tôi trong cái xóm tạp nham, đầy thế sự đời thường. Từ giã dòng kinh 16 trong lành thơ mộng, để lên Sài Gòn làm quen với con kinh nước đen đầy rác rưởi này. Hàng ngày, tôi phải tập ngửi mùi ngai ngái của bùn sình, mùi nồng nặc của chất phóng uế trên con kinh dơ dáy. Đồng thời, phải chứng kiến cảnh trộm cắp, ấu đả lẫn nhau, huyên náo khắp các con hẻm. Tôi chán nản quá, thất vọng với cái thủ đô được người ta ban tặng là Hòn Ngọc Viễn Đông - vì đằng sau nó, còn có những bóng tối chập choạng.

Càng ngày tôi càng lớn tòng ngòng. Lớn tòng ngòng thì phải ăn nhiều, tiêu pha nhiều. Đồng lương của ba tôi lại quá hạn hẹp. Chỉ lo thêm về phí tổn sách vở của tôi đã muốn hụt hơi. Ba tôi bắt đầu làm thêm giờ. Tôi chịu khó nhịn ăn sáng. Những bữa cơm chính cũng thưa dần thức ăn, dè sẻn đi từng miếng thịt, con cá. 19 tuổi lù lù, tôi vẫn còn mặc quần ống thấp ống cao, áo lè phè bỏ ngoài, lê đôi dép Nhật mòn gót dọc ngang khắp các hè phố. Lớn tòng ngòng, vậy mà buổi sáng, ba tôi cứ đều đặn đèo tôi đến trường Văn Khoa. Ông cẩn thận dừng lại trước cổng, chờ bóng tôi khuất hẳn sau giảng đường, mới hấp tấp đạp xe tới hãng. Dưới tầm mắt của ông, tôi chỉ là cậu bé con chưa đủ sức vào đời. Còn phải nương thân vào bóng mát của cổ thụ.

Dù nghèo nàn, vất vả mỗi ngày, nhưng ba tôi không ngừng ước mơ. Ông ước mơ tôi được sang Mỹ du học, thu thập kiến thức xứ người, mở rộng sự hiểu biết...hầu về nước giúp ích cho đời. Ông muốn thay đổi hoàn cảnh. Muốn cái nghèo đời đời kiếp kiếp của gia đình tôi chấm hết, để bước sang giai đoạn rạng rỡ hơn, có chút thanh danh cho gia phả.

Ước mơ của ông đã trở thành hiện thực, khi tôi gia nhập hải quân, được chọn đi Mỹ huấn luyện. Ngày tiễn tôi ra phi trường, giữa hàng xe du lịch bóng loáng của thân nhân các bạn đồng khóa, ba tôi lầm lủi đèo tôi trên chiếc xe đạp với cái valy nhẹ tênh bám chặt trên tay. Khóa học ngắn ngủi đó, không thay đổi được cuộc đời. Có chăng, tôi chỉ trở thành người lính hào hoa, thỏa chí tang bồng, vẫy vùng dọc ngang từ sông ngòi đến biển cả. Tội nghiệp ba tôi, cái nghèo vẫn như một thứ gông, cùm chặt gia đình.

30 tháng 4 năm 1975 bất chợt ùa đến. Như cơn bão lốc hung tàn. Như trận đại hồng thủy dành riêng cho Việt Nam. Nó cuốn phăng tất cả. Cuốn phăng đi nỗi vui, niềm tin, tự do, nhân phẩm, danh dự...của con người xuống hố sâu vô tận. Ba tôi đã nghèo, lại xác xơ thêm. Ông mất việc, phải bán đi chiếc xe đạp dấu yêu, lấy tiền mua vài tạ gạo mốc meo để phòng thân. Gia đình bắt đầu ăn độn. Dăm củ khoai đèo đọt, úng sâu, thay dần những bữa cơm thanh đạm ngày nào. Các em tôi bỏ học, lao đao. Chúng tung cánh khắp nơi như bầy chim lạc tổ. Đứa về phía nông trường. Đứa mò vào rừng sâu kiếm cơm. Khổ sở trăm bề.

Trong cơn hoạn nạn khủng khiếp như thế, ba tôi cứ ngỡ tôi đã thoát đi, hòa với dòng người di tản, tha phương sang Mỹ. Ông cầu nguyện cho tôi. Ông mong tôi tiếp tục sách đèn nơi xứ lạ quê người, nhanh chóng làm rạng rỡ gia tộc. Lúc đó, tôi chính là hy vọng, là niềm vui của ông...kể cả lúc ông cố nuốt những củ khoai đắng nghét bằng dòng lệ tuôn trào. Nhưng sự hân hoan này chẳng được bao lâu, tôi lù lù trở về. Chiến tranh đã đẩy tôi đi khắp nơi, từ miền trung bão lửa đến miền nam mịt mùng, rồi ngày cuối cùng buông súng, tôi bị kẹt lại trên một dòng sông xa lạ. Tôi nào có hay những đợt di tản nào đó, đã lan thành luồng sóng lớn, cuồn cuộn ở Sài Gòn.

Rồi...suốt hơn 6 năm nếm đủ mùi đời trong các trại tù cộng sản, tôi càng thấy thương ba tôi hơn bao giờ hết. Ông đang ở tuổi già yếu, gần cuối cuộc đời, vẫn chưa có được bữa no, một ngày vui trọn vẹn. Ông đã khổ sở vì chế độ, lại lao đao vì những đứa con, đói khát khắp nơi.

Khi ra tù, tôi trôi giạt về Bến Tre kiếm sống. Chưa kịp đền đáp công ơn sinh thành, thì ba tôi lâm bệnh nặng. Ông bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, suốt ngày chỉ nằm thin thít một chỗ. Hay tin, anh em chúng tôi tụ lại, đau khổ nhìn ông, rồi nhìn nhau rưng rưng trong tức tưởi. Chúng tôi quá nghèo. Nghèo xác nghèo xơ. Không ai có khả năng đưa ba tôi vào bệnh viện. Thôi, đành để ông nằm đấy, trên chiếc đi văng định mệnh, phó thác cho đất trời.

Đám táng ba tôi lặng lẽ và đơn sơ, nhưng mãi mãi làm rướm máu trái tim tôi. Cái lò thiêu vô tri ở Bà Quẹo, cái lò thiêu rực lửa tóc tang, chẳng mấy chốc đã hủy hoại thân xác ba tôi. Ông chỉ còn là một nhúm tro tàn.

Gia tài ba tôi để lại cũng rất giản dị : vài cuốn cổ học tinh hoa sờn gáy, và một tấm lòng trong sạch - không chút bợn nhơ giữa chốn bụi trần.

Sau cùng, gia đình tôi cũng được định cư ở Mỹ, theo diện HO. Một nơi chốn mơ ước của ba tôi, lúc còn sinh thời, mãi đến bây giờ mới thực hiện được. Nước Mỹ tự do và văn minh tột cùng. Các trường học rộng rãi, khang trang, luôn mở rộng cửa, mời gọi tất cả mọi thế hệ. Tiếc thay, khi qua đây, tuổi già đã nhanh chóng đến với tôi, làm mụ đi ý chí lúc ban đầu, nên tôi không làm tròn những điều ba tôi phó thác. Tuy vậy, sau lưng tôi, còn đàn con cháu thông minh. Tôi hy vọng vào đấy. Chắc chắn, các mầm non đó sẽ làm rực rỡ gia phả.

Bây giờ, cứ mỗi lần dùng bữa, bên mâm cơm thịnh soạn lắm cá nhiều thịt, tôi luôn sụt sùi nhớ đến ba tôi. Nhớ đến những bữa cơm nghèo thiếu trước hụt sau ngày nào, mà tuôn tuôn nước mắt. Tôi đã đến Mỹ quá trễ. Không kịp đưa ba tôi sang đây, để ông được thỏa thích với không khí tự do. Và tận hưởng những ngày tháng sung sướng, trong giai đoạn cuối đời.

PHẠM HỒNG ÂN

2008-06-09 02:59:09


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire