Duyên sắc thái trong 30 chuyện phiếm
Ngọc Lan/Người Việt
Tôi từng nghe người ta nói về Trà Lũ, đúng hơn là chuyện cười của Trà Lũ, nhưng chưa bao giờ tôi thực sự đọc ông. Ðơn giản bởi vì tôi không thích chuyện cười.
Nhà văn Trà Lũ (trái). (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)
Ðến ngày tôi bất ngờ phải tham dự một chuyến đi xa, xuyên qua nhiều
tiểu bang Hoa Kỳ, trong đống hành trang vơ vội, tôi cho vào ba lô mình
một quyển chuyện của Trà Lũ mà người bạn vừa tặng hôm đầu tuần, để có
cái gì đó đọc, nếu như không ngủ được.Ai ngờ, đã đọc, lại càng phải đọc, và tôi thức gần đến sáng để đọc “Ðất Thiên Thai” của Trà Lũ, dù biết rằng ngày mai, tôi sẽ bị vật vờ trên chuyến hành trình xuyên đất Mỹ có lắm điều thú vị này.
Ðất Thiên Thai là nhan đề của quyển sách dày hơn 400 trang, gồm 30 chuyện phiếm do nhà xuất bản Hoa Lưu tại Canada in vừa mới tháng 4 năm 2011.
Ðọc những dòng đầu tiên của chuyện phiếm đầu tiên, “Con cháu cụ Lý,” tôi cứ ngỡ tác giả đang nói về chuyện ẩm thực quê hương trong nỗi nhớ nhà dằng dặc mà người Việt lưu vong nào cũng thường đa mang.
Thế nhưng không. Từ chuyện “cùng với cái bếp, người di dân còn mang theo vườn rau,” tôi đang tưởng tượng ra khoảnh vườn nho nhỏ nhắn xinh xinh của bà cụ B.54 đang ở miền đất Canada nào đó trong chuyện, xem có giống chăng với những khóm rau, chậu ớt, hàng cải của má tôi, hay của nhiều người lớn tuổi khác vẫn hay vun trồng trên sân nhà quanh cái Little Saigon ở quận Cam này hay không, bất chợt tôi phát hiện ra rằng, ồ, chuyện vườn rau không là chuyện mới. Chuyện mới là chuyện không được đem rau mùi (ngò) rửa lâu trong nước, bởi làm vậy nó sẽ không còn mùi thơm nữa!
Lần theo bữa tiệc gỏi cuốn của người làng, tôi lại học thêm cách đuổi ruồi bằng việc xắt mỏng vài củ hành tây, bày ra trên đĩa thì “tự nhiên ruồi biến mất hết.” Lại thêm cách lựa dưa hấu rất chi là đơn giản. Cứ lựa trái nào nặng tay, căng tròn đều, láng bóng, và đặc biệt là “đít trái dưa càng nhỏ càng tốt, và phải lõm vào. Càng lõm sâu thì càng ngọt.”
Từ một vài mẹo nhỏ được đan cài trong một bữa ăn, tác giả lại nhẹ nhàng đưa người đọc đến với những hiểu biết thường thức như chuyện vì sao với người Canada, con hải ly, beaver, là “biểu tượng của sự chăm chỉ làm việc,” để hình dung ra được con vật này đã dùng bộ răng của mình đốn cây làm nhà, đắp đập ngăn nước ra sao. Hay để nhớ lại rằng môn hockey chơi trên sân băng là môn thể thao người Canada đã nghĩ ra đầu tiên.
Ăn rồi, biết rồi, độc giả lại tiếp tục bật cười chảy nước mắt khi nghe hai cô gái Huế nói chuyện mà có người cứ ngỡ như đang nghe tiếng Nhật, “Mi đi ga chi? - Tau đi ga ni. - Ga ni ga chi? - Ga ni như ri. - Ga như ri mi lo ra đi. - Tau đi nghe mi.”
Từ chuyện cười này, Trà Lũ lại đưa đẩy tôi đến một sắc thái ẩm thực khác mà dù tôi đang ở rất xa nơi có người Việt, nhưng tôi mong, khi trở về Bolsa, tôi phải thử ăn cơm nguội và nước phở để xem có đúng như mùi vị mà tác giả đã “dụ dỗ,” “Chao ơi, cơm nguội ăn với nước phở sao mà nó ngon thế!”
Từ chuyện ăn, lại chuyển qua chuyện bàn luận thời thế chính trị.
Từ chuyện chính trị “vĩ mô” như đến bao giờ thì cộng sản sụp đổ, bao giờ thì CSVN “biết thực lòng ăn năn như đảng trưởng đảng CS Ba Lan. Ông này đã cúi đầu xin lỗi toàn dân về quốc nạn CS, ông và đảng CS của ông đã được nhân dân Ba Lan tha thứ.” Lại chuyển qua chuyện “vi mô” là chuyện ông Lee Kun-Hee lên tiếng nhận với với nhân dân Ðại Hàn của ông về việc ông đã khai gian thuế và tuyên bố từ chức tổng giám đốc công ty Samsung. “Dân Ðại Hàn nghe ông cúi đầu xin lỗi, ai cũng ngậm ngùi nhưng lại yêu mến ông hơn trước.”
Ðiều thứ vị nữa là tác giả lại chỉ ra rằng Lee Kun-Hee, đọc theo giọng Hán Việt là Lý Kiện Hy. Truy nguyên ra, ông này là con cháu của cụ tổ Lý Long Tường, tướng Việt Nam sang đánh Cao Ly hồi thế kỷ 13.
Bao nhiêu điều như thế, mà tôi chưa kể đủ, được thu vào trong một chuyện phiếm thật gọn gàng, mạch lạc, khúc chiết, chuyện này dẫn đến chuyện kia, như thể một câu chuyện mà người ta vẫn thường bắt gặp trong những buổi họp mặt, ăn uống, trà dư tửu hậu. Ai mà biết trước đường dây câu chuyện sẽ đến đâu, nó tùy hứng, nó ngẫu nhiên.
Nhưng
Nó duyên một cách tài tình.
Trong “Lá thư tuyệt vời,” tôi vừa đang thòm thèm khi đọc những dòng miêu tả của Trà Lũ về món bún chả Hà Nội với “Lửa xèo xèo. Thơm điếc mũi. Vừa ăn vừa hít hà, vừa xuýt xoa,” thì ngay sau đó lại mỉm cười với cách tác giả so sánh chuyện cười của thế giới với chuyện cười Việt Nam . Ðể phải đồng ý với tác giả rằng “chúng ta không có cái bối cảnh văn hóa của người da trắng do vậy không hiểu được cái hay thâm trầm nên không cười. Thế thôi.” Tác giả cho rằng, “Theo khẩu vị của người Việt Nam chúng ta thì cái cười phải như gói mì ăn liền, nghe kể chưa xong ta đã thấy cái hay, cái ngộ nghĩnh. Nó làm ta tức cười, rồi tiếng cười ào ra ngay.”
Cũng trong chuyện phiếm này, nếu ở giữa dòng phiếm tác giả kê ca “tin dị đoan về con số 13” người cho xui, người cho hên, cãi nhau chí chóe trước khi dẫn đến phiếm về chính trị trong nước ngoài nước, sang đến chuyện xài tiếng lóng trước 75 và sau 75, cuối chuyện phiếm, tác giả lại đưa người đọc đến một sự kiện “phiếm” mà trào nước mắt. Ðó là chuyện về phóng viên Chick Harrity.
Chick Harrity là người phóng viên chiến trường viết về thảm cảnh chiến tranh Việt Nam cùng bức hình chụp “một em bé chừng 5 tháng tuổi nằm trong một cái thùng giấy vất bên mặt đường, bên cạnh là một em bé chừng 4 tuổi nằm cong queo như đang ngủ. Tấm ảnh này đã làm nước Mỹ xúc động.” Từ đó mà bùng lên “phong trào bảo trợ cô nhi VN làm con nuôi.”
Ngày 21 tháng 5, 2005, phóng viên Chick Harrity được trao tặng giải thưởng Thành Tựu Một Ðời ở thủ đô Washington. Và người đã được Tổng Thống Bush nhường lên trao giải cho Chick Harrity không ai khác hơn là cô gái năm xưa nằm bên vệ đường trong bức hình của người phóng viên.
“Ông phóng viên Chick Harrity đã ôm chặt lấy cô, cả hai cùng khóc. Và trong hội trường rất nhiều người đã khóc theo.”
30 chuyện phiếm trong “Ðất Thiên Thai“của nhà văn Trà Lũ, tên thật là Trần Trung Lương, là như vậy.
30 chuyện phiếm là 30 buổi ngồi cùng nhau của những người thân, bạn bè, hàng xóm trong một ngôi làng nhỏ ở Canada, nơi tác giả sinh sống từ sau 1975, để nói nhau nghe, kể nhau nghe chuyện phiếm, chuyện đời.
Những câu chuyện phiếm luôn là những câu chuyện không có khuôn mẫu của sự khởi đầu, thân bài và kết thúc. Chỉ biết dõi theo từng câu chuyện phiếm của họ, của bà cụ B.54, của anh John, của ông Chánh, của chị Ba Biên Hòa, của ông ODP, hay hai cô gái Huế Tôn Nữ và Cao Xuân, người đọc, như tôi, có thể thu nhận thêm biết bao điều hấp dẫn, từ chuyện kinh nghiệm ăn uống, chuyện cười mặn lạt, chuyện tình hình trong nước, ngoài nước, đến những câu chuyện đời, nghe cứ như đùa, như chơi, mà thấm, mà đau, mà suy ngẫm.
Và bỗng dưng tôi tiếc, đã không có mặt ngày Thứ Bảy này, tại buổi ra mắt sách, để nghe chính tác giả Trà Lũ kể chuyện cười, kể chuyện phiếm, và để cùng mọi người bật lên tiếng cười khanh khách, hả hê.
Ra Mắt Sách
Ðất Thiên Thai và 400 chuyện cười
Tác giả: Trà Lũ
Thời gian: 2 pm Thứ Bảy, 11 tháng 6
Ðịa điểm: Trung Tâm Công Giáo, 1538 N.
Century Blvd., Santa Ana
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire