LTS: Trước đây TCDV đã giới thiệu loạt bài:
TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972
của TT Nguyễn Văn Dưỡng, dù tuổi hạc đã cao, sức khỏe không được tốt,
nhưng ANH vẫn “nặng lòng” với đất nước, và hôm nay, Tạp Chí Dân Văn xin
giới thiệu loạt bài mới nhất: CHIẾN TRANH VIỆT NAM (1945-1975) của tác
giả VĂN NGUYÊN DƯỠNG. Bài khá dài nên chúng tôi sẽ chia ra làm nhiều kỳ
để đăng tải. Qúy vị nào cần trọn bài xin liên lạc với TCDV, toà soạn sẽ
gởi đến hầu quý vị.
Trân trọng.
Germany, ngày 18-11-2013
- Điều Hợp Viên DĐ Ngôn Ngữ Việt,
- Chủ Nhiệm TCDV.
LÝ TRUNG TÍN
- Điều Hợp Viên DĐ Ngôn Ngữ Việt,
- Chủ Nhiệm TCDV.
LÝ TRUNG TÍN
CHIẾN TRANH VIỆT NAM (1945-1975)
Bản thảo A hiệu đính
****
LỜI NÓI ĐẦU:
Trung tuần tháng 11, năm 2012, tôi đến Sài Gòn Nhỏ, Nam California, thủ
đô tinh thần của người Việt tỵ nạn cộng sản ở Hoa Kỳ, gặp lại những bạn
đồng khóa trong Ban Chấp hành Hội ái hữu Cựu SQTB Khóa V–Vì Dân Thủ
Đức-Đà lạt. Các bạn ủy nhiệm cho tôi viết một bài cho quyển Kỷ Yếu của
Khóa về cuộc chiến cũ trên quan điểm khách quan,“đứng ở vị trí cao hơn
bên này hay bên kia, từ đó nhìn xuống viết sao cho trung thực và vô tư
về cuộc chiến đó.” Điều này quả thật... đáng suy gẫm và các bạn tôi thực
sự đáng được khen ngợi. Nếu chỉ mang tâm sự của một chứng nhân mà viết
thì cũng không chắc viết được những dòng vô tư huống chi tôi là một nạn
nhân trực tiếp –cũng như rất nhiều bạn đồng khóa- bị bên kia vùi giập
trong lao tù hơn một thập niên vì đã từng cùng với hàng triệu chiến hữu
bên này cầm súng chống lại những người bên kia tuyến. Nếu viết trên
cương vị của một người biên khảo, đứng ngoài hay đứng trên, như các bạn
yêu cầu thực là không dễ. Tuy nhiên, tôi xin nhận vì cho rằng việc làm
này là bổn phận của một sinh viên thuộc một khóa huấn luyện SQTB được
gọi là Khóa Vì Dân; hơn nữa, tôi còn là một chứng nhân cũng là nạn nhân
của cuộc chiến tang điền thương hải đó. Tôi mong mỏi nói lên sự thật
cho thế hệ tương lai Việt Nam trong nước và ở hải ngoại hiểu rõ hơn về
thế hệ của chúng tôi. Tôi đã thức nhiều đêm để suy gẫm viết làm sao cho
thật trung thực, mặc dù trước đây nhiều năm khi có dịp viết một quyển
sách về Chiến tranh Việt Nam bằng Anh ngữ tôi đã giữ sự trung thực và vô
tư ở mức độ cao. Tôi mong mỏi sẽ chu toàn lời hứa với các bạn đồng môn
trong bài này.
Vĩnh Định Nguyễn văn Dưỡng
SVSQ TĐ8/ĐĐ2/BB/Khóa V-Vì Dân/Thủ Đức
(KỲ 4)
VI. XÂY DỰNG VÀ TRIỆT HẠ
Đảng
Lao Động hay Cộng Sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
do Hồ Chí Minh lãnh đạo, chính thức vào Hà Nội trung tuần tháng 10/1954,
chiếm lĩnh lãnh thổ Miền Bắc Việt Nam từ bắc Vĩ tuyến 17. Từ tháng
7/1954 lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại và Nội các Ngô
Đình Diệm bị thu hẹp lại từ nam vĩ tuyến đó đến mũi Cà Mau. Vùng “phi
quân sự” hai bên bờ Sông Bến Hải trở thành biên giới thực sự của hai
nước Việt Nam, cộng sản và quốc gia. Hai Chính phủ Việt Nam này có 9
năm, từ đầu 1955 đến cuối năm 1963, để xây dựng chế độ và lực lượng.
Nhưng thực ra ở cả hai miền đều có chiến tranh cục bộ. Ở miền Bắc là
chiến tranh giữa Đảng CSVN với nhân dân và trí thức. Ở miền Nam là chiến
tranh giữa Chính phủ Ngô Đình Diệm và các thế lực cát cứ. Chúng tôi có
lần cho rằng đó là cuộc chiến của đạo đức và lương tri (ethical and
conscientious war).
Ở
Miền Bắc là cuộc chiế́n lương tri thế tận --conscientiously
catastrophic war. Ở Miền Nam là thứ chiến tranh lương tri nhân vị
--conscientiously personalistic war; chữ này không có trong tự điển, nó
thoát ra từ Chủ nghĩa mà danh từ Pháp gọi là “Personnalisme” hay Chủ
nghĩa “Cần lao Nhân vị”, có người gọi là Chủ nghĩa Vị kỷ, lúc đó rất
hiếm người hiểu và đến nay thì không còn ai muốn hiểu nữa hoặc hiểu thấu
đáo hơn theo định nghĩa sau. Cuộc chiến thế tận của HCM thành công vì
sự tàn ác cực độ. Cuộc chiến nhân vị của NĐD thảm bại vì tự cô lập.
Miền
Bắc, sau khi gần một triệu người di cư vào Miền Nam, đa số trí thức di
tản vào Sài Gòn; chất xám ở Miền Nam giàu thêm. Thiểu số không di tản
được bị cuốn mất vào sức nghiền của guồng máy vô sản toàn trị như lớp
trí thức thành thị không theo kháng chiến kể cả trí thức kháng chiến ở
mọi ngành, mọi cấp. Tất cả đều là kẻ thù của đảng. Vì theo Chủ nghĩa Đệ
III CSQT, noi gương Staline và sau đó là Mao Trạch Đông, giết hàng triệu
người, dù chỉ tình nghi là những kẻ “nội thù”, rất nhiều trí thức trong
hàng ngũ của họ, bất kể đã lập công lớn, trong kháng chiến. Khi đã
chiếm được miền Bắc, Hồ Chí Minh và Trường Chinh Đặng Xuân Khu, Tổng Bí
thư Đảng Lao Động, hay Đảng CSVN, chủ trương “Củng cố Miền Bắc, chiếu cố
Miền Nam”.
Về
chủ trương “Củng cố Miền Bắc”, CSVN có những bước “nhảy vọt” thần tình.
Trong các cơ cấu đảng và chính phủ, chính trị hay quân sự, hành chánh
hay tài chánh, văn hóa hay xã hội v.v. đều phải triệt để áp dụng hệ
thống cấp bộ và đảng bộ song hành (parallel hierarchy): chỉ huy nghiệp
vụ chuyên sâu và chính ủy đảng trị chuyên chế. Họp hành tố cáo đồng bạn,
tự phê bình kiểm thảo, thường xuyên và trong các đợt chỉnh huấn để loại
trừ các phần tử trí thức và tư sản... cho biến mất, cho đi cải tạo, cho
đi canh tác ở các khu kinh tế mới trong các vùng rừng sâu nước độc, cho
trở về cố lý nhưng cắt mọi nhu cầu sinh sống với chính sách “cô lập”
[isolation] nghĩa là bị hoàn toàn tách rời ra khỏi mọi hoạt động xã hội,
đi lại, liên lạc, mua bán, kể cả lao động, cấm cả việc canh tác dù là
ngọn rau, hạt đậu, chết đói cả nhà. Trong quần chúng, đảng và Chính phủ
CSVN tiến hành cải tạo xã hội với tất cả các biện pháp tinh vi nhất và
sâu độc nhất “bứng tận gốc bốc tận rễ” các thành phần “trí, phú, địa,
hào” nổi bật nhất là hai sử kiện bất hủ “Cải cách Ruộng Đất” (CSRĐ) và
“Nhân Văn Giai Phẩm” (NV & GP).
Chiến
dịch “Cải cách Ruộng Đất” học được của CSTQ, chính Trường Chinh là
người chủ động tố cáo và giết chết cha mẹ ruột của mình, nêu gương để
đồng bào tố cáo lẫn nhau do cán bộ cải cách ruộng đất xúi bẩy bần cố
nông tố cáo, hài tội “địa chủ” công khai trước các “tòa án nhân dân” để
xử tội chết hoặc tù đày. Bất cứ ai có một gian nhà nhỏ, mảnh vườn quanh
nhà, và một con heo hay mấy con gà trở lên chúng gọi là “địa chủ”. Đa
số gia đình của các “địa chủ” nạn nhân cũng bị chết đói bởi chính sách
“cô lập” [isolation] nghĩa là cấm không được mua thực phẩm của các hợp
tác xã “mậu dịch quốc doanh”, cấm lao động sản xuất và cấm cửa không cho
ai ra khỏi nhà. Không có ăn tất nhiên chết đói, trẻ con chết trước, rồi
người già, rồi đến những người khác trong gia đình. Gia đình này chết,
cùng lượt, hay kế tiếp những gia đình khác. Với chiến dịch này CSBV đã
giết trên 500,000 người trong 10,000 làng xã Miền Bắc.(33)
Quần
chúng ở Nam Đàn và Quỳnh Lưu vũ trang gậy gộc biểu tình phản đối CCRĐ
và việc cấm không cho di cư vào Miền Nam, Hồ Chí Minh ra lệnh điều động
quân chính quy cấp sư đoàn đàn áp, giết chết và bỏ tù hàng vạn người.
Trí
thức mang tư tưởng cởi mở và tự do thuộc phong trào “Nhân Văn và Giai
Phẩm” [NV & GP] của nhóm nhà thơ, nhà văn, nhà báo, học giả, giáo sư
và sinh viên thuộc các tổ chức hay cơ cấu đảng, chính phủ, bộ đội và
học đường Miền Mắc, trước tiên là bất mãn với cấp lãnh tụ và chế độ và
có lẽ nhận thức được sự chuyên chế của đảng và nhà nước CSVN đã nhúng
tay thô bạo bóp chặt khối óc, mạch máu và dạ dày của mọi tầng lớp xã hội
và nhất là sau chiến dịch cải cách ruộng đất của đảng gây tang chế cho
cả Miền Bắc và các cuộc đàn áp lương dân dã man của bộ đội, nói trên, đã
viết thành những tiểu phẩm văn học tuyệt tác trong hai tạp chí Giai
Phẩm và Nhân Văn tạo nên giai thoại chống lãnh tụ và đảng bằng ngòi bút
ảnh hưởng vô cùng rộng lớn trong thanh niên và sinh viên học sinh như:
gọi HCM là “chiếc bình vôi”, càng già càng hẹp lượng. Hồ Chí Minh còn
được ví như một người thiếu nghị lực để cho đất nước bị cắt ngang lưng,
làm cho đất trời Miền Bắc rợp màu máu và bóng dáng hung thần. Những hung
thần, hay những lãnh tụ Cộng sản sắt máu này, là những tên khổng lồ
“không có trái tim” tàn phá khủng khiếp, giết chóc kinh hoàng. NV &
GP còn gọi những tay làm văn học một thời nổi danh, nhưng từ khi phục vụ
cho Cộng sản đã trở thành những con ngựa già kiệt sức và những người
làm thơ một thời được yêu chuộng đã trở thành những con robots-thơ. Sau
nữa, nhóm NV & GP kêu gọi CSVN trả tự do cho pháp luật, y khoa và
văn học... Tuy nhóm chủ đạo tuyên huấn và “văn học” cực đoan tôn thờ
Staline kết tội phong trào NV & GP, Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Đảng
Lao Động vẫn giả bộ làm ngơ. Nhưng khi sinh viên Hà Nội nhập cuộc với
tạp chí “Đất Mới”, lập tức Hồ ra lệnh đóng cửa các tạp chí Nhân Văn,
Giai Phẩm và Đất Mới, tịch thu các số đã in ấn. Họp hành đấu, tố, lung
tung. Cuối cùng những ai chủ trương hay cộng tác với NV & GP như
Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần, Trần
Duy, Sĩ Ngọc, Như Mai, Phùng Cung, Phùng Quán, Bùi Quang Đoài, Trần Lê
Văn, Hoành Tích Linh, Tạ Hữu Thiện, Hữu Loan, Quang Dũng, nhà văn giáo
sư Nguyễn Bách Khoa Trương Tửu, học giả Đào Duy Anh, kể cả các trí thức
khoa bảng như TS Trần Đức Thảo và TS Nguyễn Mạnh Tường từ Pháp về, kẻ bị
lãnh án tù, kẻ bị bắt cải tạo, tước đảng tịch, bị sa thải, suốt đời mai
một, cơ cực đói khổ với miếng cơm manh áo. Một ngày thoát ra khỏi bàn
tay lông lá của những tên lãnh tụ không tim, đến Paris, Nguyễn Mạnh
Tường cảm khái nỗi đau của mình khi cộng tác với CSVN, viết quyển sách
“Un Excomuniqué”. Tấm gương trí thức cộng tác với CSVN để vất bỏ cả một
đời người này đáng để những trí thức khoa bảng hải ngoại ngày nay nhìn
mà suy ngẫm... thương tâm nhất là tất cả sinh viên nhóm Đất Mới hoặc là
sinh viên hay học sinh ở Hà Nội hay ở các tỉnh chỉ là độc giả của NV
& GP và Đất Mới cũng bị bắt cải tạo, vô số: nhiều người tự sát trong
tù, nhưng đa số các cô cậu học trò này có đi tù-không-án và mãi mãi
không còn ai trở về, chỉ vì họ bị nhiễm độc tư tưởng phản động và chống
đảng. Mọi phong trào đều bị giập tắt, toàn Miền Bắc, quần chúng già,
trẻ, trai, gái từ thành thị đến thôn quê đều bị cưỡng bách vào đội ngũ
do đảng chỉ đạo. Hệ thống “mậu dịch quốc doanh” bóp chặt hầu bao của
họ. Bất tuân lệnh là chết đói. Cho nên, Hồ Chí Minh và các lãnh tụ CSVN
thống trị Miền Bắc không cần chinh phục khối óc và trái tim quần chúng,
ngược lại... tàn sát tập thể dân lành, nếu cần, để đè đầu cưỡi cổ những
người còn lại. Đó là thứ “lương tri thế tận” man rợ.
Về
đường lối “Chiếu cố Miền Nam”, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và sau
Hiệp ước Genevève 1954, CSBV chỉ rút bớt quân nhưng vẫn để lại 4,000 cán
bộ chỉ huy bộ đội Pathet-Lào của Souphanouvong. Ông này và Sieu Heng
lãnh tụ Đảng Cộng sản Cao Miên trước đây do Hồ Chí Minh huấn luyện ở Pác
Bó, Tuyên Quang. Võ Nguyên Giáp còn để lại ở trung và hạ Lào nhiều đơn
vị cấp trung đoàn, nhất là một đơn vị lớn do Đồng Sĩ Nguyên chỉ huy,
thám sát con đường mòn cũ của các tay buôn lậu thời thực dân Pháp, từ
đèo Mụ Già ở trung Lào, chạy xuôi vùng núi rừng, cập theo dãy Trường Sơn
vào tận vùng đất đỏ Đôn Luân, Lộc Ninh và cập vùng lưỡi câu biên giới
Miên xuống tận Tây Ninh. Đoàn xây dựng “Đường mòn Hồ Chí Minh” (Đường
mòn HCM) do Võ Bầm chỉ huy triển khai mở con đường mòn này thành hành
lang xâm nhập không lâu sau đó. Hành lang này là con đường chiến lược
“chiếm trung và nam Lào để khống chế Sài Gòn” mà Mao Trạch Đông từng chỉ
thị cho Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đem quân tiến sang Lào cuối năm
1953, từ đó diễn ra trận Điện Biên Phủ. Đường mòn HCM là tai họa lớn cho
Miền Nam sau này. Thêm vào đó, HCM cho thành lập Trung ương Cục Miền
Nam và sau đó thành lập thêm Mặt trận Giải phóng Miền Nam với nhóm
“chính khách sa-lon” Nguyễn Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát, Trương Như Tảng,
Dương Quỳnh Hoa v.v... Trong
khi đó, ở Miền Bắc, sau khi thanh toán xong lớp thanh niên trí thức,
sinh viên và học sinh bị nhiễm độc tư tưởng của phong trào NV & GP,
Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Đảng CSVN bắt đầu đào tạo thế hệ mới “sinh
Bắc, tử Nam” để chuẩn bị tung vào chiến trường Miền Nam qua ngả Lào và
Miên.
Miền
Nam, Chính phủ Ngô Đình Diệm được Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower yểm trợ
mạnh mẽ về chính trị, ngoại giao, quân sự và kinh tế. Dưới áp lực của
Hoa Kỳ và tình hình nội bộ bất ổn, Pháp trao quyền chỉ huy Quân Đội Quốc
Gia Việt Nam cho Chính phủ Quốc Gia Việt Nam tháng 1/1955 và rút hết
quân viễn chinh về nước trong vòng một năm. Quốc trưởng Bảo Đại lần sau
cùng đóng góp vào sự gầy dựng một quốc gia độc lập với một chính phủ
mạnh đã can thiệp với chính phủ Pháp và chính mình ra lệnh cho Trung
tướng Nguyễn văn Hinh, người chủ trương lật đổ ông Diệm, phải rời chức
vụ Tổng Tham Mưu Trưởng QĐQG/VN và trở về Pháp. Tướng Hinh, quốc tịch
Pháp --là con của Đốc Phủ Sứ Nguyễn văn Tâm, Thủ tướng QGVN, tiền nhiệm
của Hoàng thân Bửu Hội-- phục vụ trở lại cho Không Quân Pháp và lần lượt
thăng đến cấp Đại tướng, Tư lệnh Lực lượng Nguyên tử Phòng không Pháp.
Ông Diệm từ đó nắm trọn quân đội, khoảng chừng trên 100,000 quân và toàn
quyền hành động để ổn định Miền Nam.
Về
quân sự, việc thành lập một lực lượng vũ trang duy nhất và mạnh, nhờ sự
yểm trợ trực tiếp của Phái bộ TRIM [The Training Relation Instruction
Mission] Hoa Kỳ do Tướng John O’Daniel chỉ huy, hoàn toàn thay thế
chương trình huấn luyện của Tướng Pháp Paul Ely trước đây. Trường Võ bị
Liên quân Đà Lạt trở thành Trường Võ bị Quốc gia [The National Military
Academy], Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, và các Trường Hạ Sĩ quan Đồng
Đế Nha Trang và Cây Điệp, Hóc Môn, đến đầu năm 1955, đã đào tạo được
thêm khoảng 18,000 sĩ quan và hạ sĩ quan. Nhưng quân số của quân đội
cũng chưa vượt quá 122,000 người.
Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM) với Thiếu tướng Lê văn Tỵ làm Tổng Tham Mưu
Trưởng và Đại tá Trần văn Đôn làm Tham Mưu Trưởng, từ thành Ô-Ma [Camp
Aux Mars] Đường Galiéni, sau này là Đường Võ Tánh, chuyển lên căn cứ
Chanson [Camp Chanson] ở Tân Sơn Nhứt, tổ chức thêm Phòng 3 Hành Quân,
Phòng 5 Quân Huấn, Phòng Nghiên Cứu và thành lập Bộ Chỉ huy Viễn Thông.
Từ tháng 8/1955 tất cả Phòng thuộc BTTM đều do sĩ quan cấp tá VN chỉ
huy. Đã có phân nhiệm rõ ràng giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham Mưu. Ở
cấp bộ trung ương, thành lập Liên đoàn Nhảy Dù do Trung tá Đỗ Cao Trí
chỉ huy gồm các Tiểu đoàn Nhảy Dù 1, 3, 4, 5, 6, và 7. Thủy Quân Lục
Chiến chỉ có mấy đơn vị cấp đại đội, trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải Quân.
Binh chủng Thiết Giáp có 4 trung đoàn thiết giáp và 1 trung đoàn thủy
xa. Pháo Binh có 9 tiểu đoàn biệt lập, và Công Binh thành lập Bộ Chỉ huy
ở Trung ương và 3 liên đoàn công binh cơ động.
Tháng
3/1955, Đại tá Dương văn Minh và Trung tá Nguyễn Khánh được chỉ định
làm tư lệnh và tư lệnh phó các chiến dịch đánh dẹp lực lượng Bình Xuyên ở
Chợ Lớn. Tháng 5 và 6 bình phục lực lượng Hòa Hảo Trần Quang Vinh hay
Ba Cụt ở miền Tây. Trừ ông này bị tòa án quân sự xử tử hình, và là người
duy nhất, tất cả cấp chỉ huy giáo phái đều được sát nhập vào Quân Đội
Quốc Gia với cấp bậc sĩ quan, cấp tá hay úy, tùy khả năng. Ông Trình
Minh Thế lực lượng giáo phái Cao Đài hợp tác với Chính phủ Ngô Đình Diệm
và được phong Tướng (sau đó tử trận khi đánh Bình Xuyên) nhiều sĩ quan
khác được phong cấp tướng. Quân Đội Quốc Gia Việt Nam mạnh hơn với sự
sát nhập của lực lượng giáo phái.
Bộ
Tư lệnh Không Quân Việt Nam [Vietnam Air Force --VNAF] được chính thức
thành lập tháng 1/1955. Bộ Tư lệnh Hải Quân Việt Nam [Vietnam Navy -VNN]
được thành lập tháng 8/1955. Cả hai binh chủng này chưa có thực lực
hành quân. Riêng về Bộ Binh khi ông Diệm về chấp chính đã có 82 tiểu
đoàn lãnh thổ, 81 tiểu đoàn khinh binh, 6 tiểu đoàn ngự lâm quân và 8
tiểu đoàn sơn cước. Các đơn vị này chỉ có khả năng hoạt động riêng rẽ,
trong khi đó Miền Bắc CSVB đến cuối năm 1955 đã có tất cả 18 sư đoàn bộ
chiến, cơ giới, phòng không và pháo binh, kinh nghiệm công kiên chiến và
Vận động chiến; các sư đoàn bộ chiến 304, 308, 312, 316, 320, 325, 328,
332, 350, 305, 324, 330, 328 và 335; sư đoàn Phòng không 367; ba sư
đoàn Pháo binh 45, 75 và 349. Lực lượng di động tác chiến có thể trên
350,000 chưa kể các đơn vị chiến xa, công binh và truyền tin dã chiến và
những đơn vị biệt lập và phòng thủ diện địa lên đến 24 trung đoàn và 91
tiểu đoàn; không quân; hải quân; dân quân du kích địa phương và 170,000
cán bộ hành chánh võ trang. Tổng cộng Miền Bắc có một lực lượng quân sự
trên dưới 1,000,000 người, trong đó có thể sử dụng từ 35% đến 40% đánh
giao thông Vận động Chiến hay mở cuộc tấn công diện địa ngay sau Hiệp
ước Genève 1954. Quan trọng hơn, miền Bắc đã có trên 102,000 Cố vấn các
ngành nghề, trên 60% trong Đoàn Cố vấn Quân sự của Tướng Vi Quốc Thanh.
La Quý Ba trở thành Đại sứ đầu tiên của Bắc Kinh ở Hà Nội. HCM và CSVN
bị kẹp sát, nên hiểm họa cho Miền Nam chưa biết bùng nổ lúc nào. Vì vậy,
Hoa Kỳ giúp Quân Đội Quốc Gia Việt Nam [QĐQG/VN] thành lập đại đơn vị
cấp sư đoàn gồm: 4 Sư đoàn Dã chiến (3, 21, 31 và 32); 6 Sư đoàn Khinh
chiến (11, 12, 13, 14, 15 và 16) bằng cách sát nhập các tiểu đoàn đã có
từ trước và huấn luyện hành quân phối hợp. Ngoài ra QĐQG/VN còn có 13
trung đoàn địa phương và 6 trung đoàn giáo phái. Tổng cộng chừng 170,000
quân. Hoa Kỳ ước tính là trong trường hợp Miền Nam bị tấn công qui mô
trong thời điểm đó --như Bắc Hàn từng tấn công Nam Hàn 5 năm trước-- thì
với các đại đơn vị này Miền Nam có thể cầm cự được cho đến khi Tổ chức
Liên phòng Đông Nam Á [South-East Asia Treaty Organization --SEATO] can
thiệp. SEATO được Đồng Minh Hoa Kỳ và Anh tổ chức tháng 2/1955 gồm có
Anh, Úc, Hoa Kỳ, Nam Dương, Pháp, Phi Luật Tân, Tân Tây Lan, và Thái
Lan.
Về
chính trị, trong bức thư ngày 1/10/1954 gởi Thủ tướng Ngô Đình Diệm,
Tổng thống Eisenhower giải thích rõ sự yểm trợ về chính trị, quân sự và
kinh tế lớn lao của Hoa Kỳ: “Mục đích của sự yểm trợ này là giúp
Chính phủ Việt Nam phát triển và trở thành một quốc gia mạnh, đủ sức
chống lại mọi âm mưu lật đổ hay bành trướng bằng mô thức quân sự...”(34)
Eisenhower sợ quân bài domino Việt Nam bị... đổ. Ông Diệm gặt được
những bước thành công đầu tiên khi chấp chính với toàn quyền hành xử là
được sự ủng hộ của các đảng phái quốc gia, quân đội và quần chúng vì sự
tận tâm giúp đỡ của ông cho việc an cư lạc nghiệp của đồng bào di cư
miền Bắc và ổn định trật tự xã hội với vật giá thị trường thấp. Việc
sinh sống của dân chúng dễ dàng. Đồng bào miền Bắc vào không hối hận về
việc định cư trong Miền Nam và đa số yêu mảnh đất lành trù phú và cởi mở
này. Sau khi ổn định xong các giáo phái tháng 7/1955 ông triệu tập “Ủy
ban Cách mạng” gồm 200 đại biểu của 18 đảng phái và đoàn ngũ. Tháng 10,
Ủy ban này trở thành Quốc hội và biểu quyết tổ chức “trưng cầu dân ý”
ngày 23/10/1955 [October-23 Plebiscite] truất phế Quốc trưởng Bảo Đại,
lập ông Ngô Đình Diệm làm Tổng thống của nền Đệ I Cộng Hòa Việt Nam.
Tháng 3/1956, tổ chức bầu cử Quốc hội Lập Hiến với 123 dân biểu soạn
thảo Hiến pháp thiết lập cơ chế căn bản cho nền Cộng Hòa Miền Nam. Quân
Đội Quốc Gia Việt Nam đổi tên thành Quân Đội Cộng Hòa Việt Nam.
Giả
sử ông Diệm không tổ chức “trưng cầu dân ý” để truất phế Bảo Đại và
thiết lập Đệ I Cộng Hòa, thì vị cựu hoàng này cũng không bao giờ trở lại
cầm quyền, vì ông là bậc trí giả, hiểu rõ sự hưng phế của các triều đại
trong lịch sử và cũng tự biết vai trò của ông đã chấm dứt và Triều đại
nhà Nguyễn cũng đã chấm dứt từ mươi năm trước rồi. Và, chúng tôi cũng
không tin rằng một người tuy là công giáo nhưng rất thủ cựu, vẫn giữ nề
nếp sống theo luân lý Khổng, Mạnh, rất đạo đức, lại từng là Thượng thư
Bộ Lại của Hoàng triều Bảo Đại --nhất trụ đại thần-- như ông Ngô Đình
Diệm, dù không đồng quan điểm về sách lược trị nước an dân với nhà vua,
một lần đã từ chức ra đi, nhưng chắc không nỡ làm cái chuyện thay quân
tiếm vị... Thiển nghĩ, sở dĩ có chuyện phế lập cuối năm 1955 chắc chắn
vì Hoa Kỳ, trong thời kỳ muốn chận đứng làn sóng đỏ tràn xuống Đông Nam
Á, không thể để một tiền đồn quan trọng như Việt Nam có một thể chế
chính trị không rõ ràng và một quân đội yếu kém nên... chuyện tất phải
diễn ra đã diễn ra như chính sử đã ghi, mà ông Ngô Đình Diệm, nếu muốn
cho đất nước mạnh, tất phải theo cái lý hợp lý (logic) nhất. Thành lập
một thể chế chính trị mạnh và một quân đội mạnh để chống CSVN. Có thể
đây cũng là một trong những điều bất khả cưỡng mà các nhà lãnh đạo Miền
Nam trước thế lực chỉ đạo Thế giới Tự do.
Tổng
thống Diệm và ông em, Cố vấn Ngô Đình Nhu, với chính sách “Ấp Chiến
Lược” thành công tiêu diệt gần như toàn bộ 16,000 CSVN để lại miền Nam
từ năm 1954-1955 không tập kết, tiếp tục khuấy động giai đoạn I Du kích
Chiến ở thôn quê Miền Nam. Trên bình diện rộng lớn hơn, ông Cố vấn Ngô
Đình Nhu --một học giả và chiến lược gia-- đã đem chủ thuyết “Cần lao
Nhân vị” áp dụng như chủ thuyết căn bản tôn trọng phẩm cách và quyền
sống của con người để chống lại chủ thuyết Cộng sản vô thần. Tuy nhiên,
thay vì tuyên truyền công khai trong quần chúng và giải thích nguyên lý
tinh thần cao đẹp của thuyết này cho chính giới Hoa Kỳ hiểu, đem áp
dụng rộng rãi hầu thu phục nhân tâm, ngược lại chỉ âm thầm tiệm tiến như
một hội kín, thu nhận những phần tử và sĩ quan tín cẩn rất hạn chế và
sử dụng những thành phần này điều khiển chính phủ và quân đội tạo nên sự
thưởng phạt bất công, nên sự đoàn kết không còn chặt chẽ nữa. Các đảng
phái quốc gia mất tin tưởng vào chính phủ. Thí dụ như nhà cách mạng Nhất
Linh Nguyễn Tường Tam cao ẩn ở một gốc núi yên tĩnh ở Đà Lạt và nhiều
nhà cách mạng khác như Phan Khắc Sửu, Phan Quang Đán, Trần văn Ân, Hồ
Hữu Tường v.v. bị bắt đày đi Côn Đảo. Ở miền Trung, có chính quyền có
các quân đội nhưng quyền xử lý thực sự ở trong tay Ông Ngô Đình Cẩn. Từ
đầu năm 1960, người ta nghe rất nhiều về chữ “chính phủ gia đình trị,
độc tài và tham nhũng.” Quyền lực quốc gia nằm trong tay của một số ít
người... Nhóm chính trị trí thức “Caravelle” ra tuyên ngôn ngày
26/4/1960 chỉ trích phủ Tổng thống Diệm. Phật giáo miền Trung âm ỉ. Các
giới chức chính trị và quân sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn không hiểu “Cần lao Nhân
vị” là gì, nhưng CIA và Tòa Đại sứ Hoa Kỳ đã để mắt quan sát. Sự bất
mãn trong quân đội bộc phát khi Lữ Đoàn Nhảy Dù do Đại tá Nguyễn Chánh
Thi chỉ huy cuộc đảo chánh, tấn công Dinh Độc Lập ngày 11/11/1960.
SĐ21BB ở miền tây do Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm tiến lên Sài Gòn cứu
viện. Một bí ẩn là, trong ngày đó, Thiếu tướng Nguyễn Khánh liên lạc
được với Trung tá Lâm Quang Thơ (sau cùng là Thiếu tướng), Tỉnh
trưởng Mỹ Tho, mang một đơn vị thiết giáp đến trước Dinh Độc Lập và gặp
em là Trung úy Lâm Quang Thới đang chỉ huy một đại đội thuộc Tiểu đoàn 1
Nhảy Dù tấn công cổng chính và mặt tiền dinh. Chính sự dàn xếp của anh
em Lâm Quang và các cánh quân cứu ứng của Tướng Trần Thiện Khiêm và Tôn
Thất Đính đến nên cuộc đảo chính của Nguyễn Chánh Thi thất bại. Ông Diệm
được cứu thoát.
Cũng
tháng này, ở Hoa Kỳ, trong cuộc cuộc bầu cử tổng quát, ứng cử viên trẻ
của Đảng Dân Chủ John F. Kennedy đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 1961-1965.
Lúc đó, các nhà bình luận chính trị và quân sự quốc tế, khi quan sát cục
diện thế giới, cho rằng sẽ có những thay đổi lớn ở Việt Nam. Nhiều vị
ghi nhận, Tổng thống Eisenhower --một chiến lược gia, một nhà chính trị
lão luyện-- đã thực hiện được chính sách của Roosevelt là đẩy Pháp ra
khỏi Đông Dương, đồng thời thừa kế được sách lược của Truman lập các
liên minh quân sự ở các đại dương và các châu lục, trước tiên tung tiền
cho Pháp đánh thuê, nhưng khi Pháp bất lực, đã quyết định xây dựng lực
lượng của Chính phủ Ngô Đình Diệm để giữ quân bài Domino Việt Nam đứng
vững. Tuy nhiên, có thể Eisenhower đã không thực hiện được sách lược của
mình ở Việt Nam vì dù ông Diệm là một lãnh tụ đạo đức, nhưng thủ cựu
--ngay như Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu, một lý thuyết gia thâm trầm-- cũng
không biết có nhận thức được rõ ràng “Chiến tranh Cách mạng”
[Revolutionary War] mà CSVN đang áp dụng, không chỉ là Du kích Chiến và
Bạo động Chiến mà là một một cuộc chiến toàn diện quy mô rộng lớn nhằm
đoạt chính phủ và chiếm lãnh thổ hay không? Có lẽ vì vậy, khi bàn giao
chức vụ, Eisenhower khuyến cáo Kennedy nên chú trọng đặc biệt về lãnh
thổ Lào mà CSVN đang lợi dụng để nam tiến và nếu Kennedy định mang quân
vào Lào, ông sẽ yểm trợ. Tuy nhiên Chính phủ Kennedy đã làm khác hơn.
Thứ nhất,
các Cố vấn chính trị của Kennedy cho rằng Chính phủ Ngô Đình Diệm đã bị
ông bà Cố vấn Ngô Đình Nhu thao túng, nên càng ngày càng bị các đảng
phái và các tôn giáo chống đối cho là độc tài, gia đình trị, phân biệt
tôn giáo, nên trước tiên họ muốn loại ông bà Nhu. Bị từ chối, họ tiến
thêm một mức nữa là đặt vấn đề “thay hay không thay” Ông Ngô Đình Diệm?
Thứ nhì,
chính khách “diều hâu” trong Chính phủ Kennedy chẳng những hủy bỏ quan
niệm chiến tranh ủy nhiệm, muốn đem quân Hoa Kỳ vào Nam Việt Nam để trực
tiếp điều khiển tiền đồn tự do này chống CSQT mà còn đưa chiến tranh
đặc biệt ra miền Bắc Việt Nam. Kennedy cho thành lập Lực Lượng Đặc Biệt
Hoa Kỳ và thành lập ở Ngũ Giác Đài cơ quan gọi là “Phòng Phụ tá Đặc biệt
Chống Chiến tranh Phiến loạn và Hoạt động Đặc biệt” [The Office of the
Special Assistant for Counter-Insurgency and Special Activities”]; đổi
tên MAAG ở Miền Nam thành MACV [Military Assistance Command–Vietnam] và
đặt một cơ quan gọi là MACV/SOG [MACV’s Studies and Observation Group]
để điều khiển các đơn vị thi hành kế hoạch hành quân mật “Operation Plan
34A” phá hoại và tuyên truyền gây rối loạn ở Miền Bắc, trong đó có đài
phát thanh mật “Gươm Thiêng ái Quốc” [Secred Sword Patriot’s League] của
Cục Tâm Lý Chiến QĐVNCH. MACV/SOG nhận chỉ thị và báo cáo trực tiếp cho
Phòng Phụ tá Đặc Biệt nói trên không phải thông qua Tướng Paul Harkin
bấy giờ là Tư lệnh MACV. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của Washington
vẫn là sách lược đưa quân tác chiến [combat troops] Hoa Kỳ vào Việt Nam,
sử dụng Miền Nam như mảnh đất thí nghiệm sách lược “Chống Chiến tranh
Phiến loạn” --Counter-insurgency Strategy-- mà Kennedy cho rằng sẽ phải
áp dụng trong tương lai ở nhiều nơi trên thế giới, khi mà chiến tranh
lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ đã bắt đầu và một cuộc chiến quy mô chưa thể
diễn ra. Chính Kennedy tuyên bố trong một cuộc hội thảo ngày 5/5/1961: “Hoa Kỳ sẽ coi trọng việc sử dụng lực lượng Hoa Kỳ để giúp Miền Nam chống áp lực Cộng sản, nếu cần.”(35) Tổng thống Diệm thông báo cho Đại sứ Hoa Kỳ Nolting biết là dân chúng miền Nam không chấp nhận quân lực Hoa Kỳ vào Miền Nam.
Thứ Ba,
thay vì định đưa lực lượng Hoa Kỳ vào Nam Việt Nam, tốt hơn nên đưa
sang Lào như tầm nhìn chiến lược của Eisenhower, để chiếm thượng phong
và nếu phải đánh nhau với bộ đội Hồ Chí Minh ở đó thì cũng vạch được bộ
mặt xâm lăng của CSVN trước dư luận quốc tế. Chính phủ Kennedy chấp
thuận giải pháp chính trị lừng khừng của Phụ tá Ngoại giao Averell
Hariman và phụ tá của ông này là William Sullivan lập thêm thế lực thứ
ba giữa hai thế lực Hoàng gia Phoumi Nosavan và Cộng sản Souphanouvong
là biến một ông đại úy thành tướng hai sao –Khong Le hay Kong Le-- rồi
triệu tập Hội nghị lần hai ở Genève tháng 5/1962 gồm 14 quốc gia ký
“Hiệp ước Trung lập Lào” bỏ vùng Sầm Nứa xuống tận nam Lào cho
Pathet-Lào kiểm soát. Trên thực tế là giao vùng lãnh thổ này cho bộ đội
Võ Nguyên Giáp khai thác. Đoàn 559 Đặc biệt với hơn 35,000 cán binh bộ
đội và thanh niên xung phong Miền Bắc do Võ Bầm chỉ huy lợi dung cơ hội
đình chiến và trung lập ở Lào công khai xây dựng và mở rộng “Đường mòn
Hồ Chí Minh” mà binh sĩ Hoa Kỳ sau này gọi là “Đại lộ Sullivan” vì chính
ông Sullivan khi đó được bổ nhậm làm Đại sứ ở Lào cấm tuyệt mọi hoạt
động quân sự của các lực lượng Hoa Kỳ khác, trừ cuộc chiến mật [the
tacit war] mà ông ta lãnh đạo ở đó. Ông này còn yểm trợ cho Vang Pao
thành lập lực lượng gần 20,000 quân người Nùng ở thượng Lào để chống
quân Bắc Việt và Pathet-Lào. Các tay chính trị này tự gây tai họa lớn
lao cho Hoa Kỳ sau đó.
“ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH”
Thứ tư,
Washington lập Đoàn “Đặc nhiệm Quân sự Sài Gòn” [Saigon Military
Mission -MSS] nhưng do CIA Sài Gòn chỉ đạo, vừa thành lập và huấn luyện
những đơn vị đặc biệt của QĐCHVN và Cảnh Sát Quốc Gia, vừa theo sát hoạt
động quân sự lẫn chính trị của Chính phủ Sài Gòn. Phật giáo miền Trung
gây rối loạn, viện lý do Chính phủ Huế cấm treo cờ Phật giáo trong buổi
lễ Phật Đản ở Chùa Từ Đàm, các lãnh tụ Phật giáo điều động Phật tử biểu
tình cướp đài phát thanh Huế ngày 8/5/1963 đả kích chính phủ, bị giập
tắt với một ít người chết. Phong trào Phật giáo xuống đường lan rộng.
Dàn dựng cả tu sĩ tự thiêu ở ngay thủ đô Sài Gòn; bị bà Ngô Đình Nhu lật
tẩy. Sau khi chính phủ dùng Lực Lượng Đặc Biệt và Cảnh Sát Dã Chiến
mạnh bạo giải tán các cuộc biểu tình và báo chí Sài Gòn chỉ trích chính
sách can thiệp thô bạo của Hoa Kỳ vào Nam Việt Nam, ngày 22/8/1963
Kennedy chỉ định Henry Cabot Lodge đột ngột thay thế Frederic Nolting
làm Đại sứ ở Sài Gòn. Lodge tức khắc nắm lấy Đoàn “Đặc nhiệm Quân sự Sài
Gòn” để tổ chức đảo chính Chính phủ Ngô Đình Diệm.
Đảo chính 1/11/1963 giết Tổng thống Ngô Đình Diệm
và Cố vấn Ngô Đình Nhu
Chỉ
hai ngày sau, ngày 24/8, Lodge điện về Bạch Ốc, qua Phụ tá Bộ Ngoại
giao Roger Hilsman, phụ trách Viễn Đông Sự Vụ, cho biết là Tòa Đại sứ
Sài Gòn đã tiếp xúc với vài tướng lãnh QĐCHVN và họ sẵn sàng làm cuộc
đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ở Washington, một số tay
chính trị thân cận Tổng thống Kennedy và ở bộ Ngoại giao yểm trợ Lodge.
Lodge dùng Trung tá Lucien Conein, nhân viên CIA và là thành viên của
“Saigon Military Mission”, một điệp viên cừ khôi, tiếp xúc với một vài
tướng lãnh như Dương văn Minh, Trần văn Đôn và Trần Thiện Khiêm đặt kế
hoạch đảo chính. Dù Tướng Paul Harkin, Tư lệnh MACV phản đối, nhưng
cuộc đảo chính vẫn được tiến hành. Ngày 1/11/1963, Tướng Tôn Thất Đính
chỉ huy tổng quát lực lượng đảo chính cho đơn vị chiến xa và Thủy Quân
Lục Chiến tấn công Bộ Chỉ huy Liên đoàn Phòng vệ Tổng thống ở Thành Cộng
Hòa và SĐ5BB của Đại tá Nguyễn văn Thiệu bao vây Dinh Gia Long --là nơi
làm việc tạm của Tống Thống Diệm-- vì Dinh Độc Lập bị hai sĩ quan KQVN
Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử ném bom năm trước, ngày 27/2/1962, hư hại
nặng (đang san bằng xây dựng lại một dinh thự quy mô khác). Trong khi
đó, Tướng Dương văn Minh triệu tập cuộc họp tất cả tướng lãnh và các tư
lệnh quân, binh chủng đồn trú ở Sài Gòn và phụ cận ở Phòng họp
BTTM/QĐCHVN. Trung tá CIA Lucien Conein ở trong một phòng riêng gần đó,
với hệ thống truyền tin nối được với Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn và cả
với Washington, và một chiếc cặp đầy dollars. Dưới họng súng của Quân
Cảnh do các cận vệ của Tướng Minh chỉ huy, tất cả các ông tư lệnh này
đều ký tên vào tuyên ngôn đảo chính của Dương văn Minh. Đại tá Lê Quang
Tung, Tư lệnh Lực Lượng Đặc Biệt và em là Thiếu tá Lê Quang Triệu bị bắn
chết. Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh Hải Quân, bị giết trước đó ở Thủ
Đức. Đại tá Cao văn Viên Tư lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù nhờ được Tướng Trần
Thiện Khiêm giúp che chở nên thoát chết. Tổng thống Diệm và Cố vấn Nhu
thoát ra khỏi Dinh Gia Long và trong đêm 1/11 liên lạc được với Cabot
Lodge. Trong cuộc đàm thoại này Lodge hứa giúp phương tiện cho hai anh
em ông Diệm ra nước ngoài. Nhưng đến sáng hôm sau, không có thứ phương
tiện nào và không có sự tiếp xúc nào nữa của Lodge với TT Diệm. Khoảng
10 giờ sáng ngày 2/11/1963, dân chúng Sài Gòn đều biết tin Tổng thống
Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu bị giết chết trong một thiết
vận xa M-113. Một phóng viên chụp được ảnh hai ông chết trong tư thế hai
tay bị trói quặp sau lưng, trên thân thể mang nhiều vết đâm đẫm máu...
(ít lâu sau, Ông Ngô Đình Cẩn ở Huế bị bắt đưa vào Sài Gòn và bị xử
bắn). Hai nhà lãnh đạo VN này đã từ chối không để lãnh thổ bị sử dụng
như một thí điểm của một chiến thuật chiến tranh mới, hay nói rõ hơn là
chống lại thế lực Washington trong việc chỉ đạo cuộc chiến Việt Nam. Ông
Diệm mất đi, Miền Nam mất một lãnh tụ yêu nước, đức độ và có khả năng
lãnh đạo quân dân miền Nam chống CSVN. Chính phủ Nam Việt Nam rơi vào
tay những ông tướng nhiều tham vọng nhưng kém khả năng, sau đó tranh
giành quyền bính, chia chác địa vị, đấm đá lẫn nhau, mặc dù tri thức
chính trị kém cỏi và kém khả năng lãnh đạo. Cuộc chiến thua từ quan niệm
sai lầm của Chính phủ Kennedy với những chính trị gia thiếu hiểu biết
về đất nước và dân tộc Việt Nam.
Có
thể Tổng thống Kennedy hối hận về cuộc đảo chính 1/11/1963 làm Miền Nam
mất một lãnh tụ mà không dự trù người đủ khả năng thay thế. Chỉ ba
tuần sau, ngày 22/11/1963 vị tổng thống trẻ tuổi và quyết đoán này bị ám
sát chết ở Dallas, Texas. Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên thệ
nhậm chức kế vị trên chiếc Không lực Một [Airforce One] từ Dallas về
Washington. Ông thừa kế di sản do vị tiền nhiệm để lại là cuộc chiến
tranh lạnh với Liên Xô đua nhau đi vào không gian và trên địa hạt phát
triển tiềm năng vũ khí hạt nhân. Ông cũng thừa hưởng hậu quả của một
cuộc đảo chánh thảm hại ở Nam Việt Nam, ngoài sự xáo trộn trong xã hội
sau cái chết của Tổng thống Kennedy. Có thể ông đã đưa lên bàn cân để
thận trọng cân nhắc về kế hoạch xây dựng an sinh xã hội [to build a
Great Society for the American people] hay là theo đuổi cuộc chiến đang
lâm nguy bởi các ông tướng ở Nam Việt Nam. Tiền đồn này bỏ trống sẽ gây
ảnh hưởng lớn lao đến sự an nguy của Hoa Kỳ trên thế giới, nói chung.
Thời điểm đó nếu lép vế CSQT là thua cuộc ở Việt Nam, các đệ tam quốc
gia sẽ trở cờ theo Chủ nghĩa Cộng sản. Hoa Kỳ sẽ suy sụp trên mọi bình
diện. Chỉ trong vòng một ngày và một đêm, tân Tổng thống Johnson tuyên
bố tiếp tục yểm trợ các tướng lãnh Nam Việt Nam chống CSVN. Đồng thời
ông tiến hành cải tổ an sinh xã hội với một hệ thống bao cấp lớn lao
đúng với nghĩa “A Great Society”. Chiến cuộc Việt Nam các năm sau làm
cho Hoa Kỳ suy thoái trầm trọng.
****
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire