Chiến Tranh Việt Nam (1945-1975) P1
Văn Nguyên Dưỡng
Lời Nói Đầu: Trung
tuần tháng 11, năm 2012, tôi đến Sài Gòn Nhỏ, Nam California,
thủ đô tinh thần của người Việt tị nạn công sản ở Hoa Kỳ, gặp
lại những bạn đồng khoá trong Ban Chấp hành Hội Ái hữu Cựu
SQTB Khoá V–Vì Dân Thủ Đức-Đàlạt. Các bạn uỷ nhiệm cho tôi
viết một bài cho quyển Kỷ Yếu của Khoá về cuộc chiến cũ trên
quan điểm khách quan, “đứng ở vị trí cao hơn bên này hay bên
kia, từ đó nhìn xuống viết sao cho trung thực và vô tư về cuộc
chiến đó.” Điều này quả thật… đáng suy gẫm
và các bạn tôi thực sự đáng được khen ngợi. Nếu chỉ mang tâm
sự của một chứng nhân mà viết thì cũng không chắc viết được
những dòng vô tư huống chi tôi là một nạn nhân trực tiếp –cũng
như rất nhiều bạn đồng khoá- bị bên kia vùi giập trong lao tù
hơn một thập niên vì đã từng cùng với hàng triệu chiến hữu
bên này cầm súng chống lại những người bên kia tuyến. Nếu viết
trên cương vị của một người biên khảo, đứng ngoài hay đứng
trên, như các bạn yêu cầu thực là không dễ. Tuy nhiên, tôi xin
nhận vì cho rằng việc làm này là bổn phận của một sinh viên
thuộc một khóa huấn luyện SQTB được gọi là Khóa Vì Dân; hơn
nữa, tôi còn là một chứng nhân cũng là nạn nhân
của cuộc chiến tang điền thương hải đó. Tôi mong mỏi nói lên
sự thật cho thế hệ tương lai Việt Nam trong nước và ở hải
ngoại hiểu rõ hơn về thế hệ của chúng tôi. Tôi đã thức nhiều
đêm để suy gẫm viết làm sao cho thật trung thực, mặc dù trước
đây nhiều năm khi có dịp viết một quyển sách về Chiến Tranh
Việt Nam bằng Anh ngữ tôi đã giữ sự trung thực và vô tư ở mức
độ cao. Tôi mong mỏi sẽ chu toàn lời hứa với các bạn đồng môn
trong bài này.
Vĩnh Định Nguyễn văn Dưỡng hay Văn Nguyên Dưỡng SVSQ TĐ8/ĐĐ2/BB/ Khoá V-Vì Dân/Thủ Đức
I. Đất Nước Và Con Người
Đất nước Việt Nam nằm
trên ven bờ Thái Bình Dương chiếm vị trí chiến lược quan trọng
trong vùng biển lớn này và là cửa ngõ của vùng Đông Nam Á
Châu. Vì ở phía nam một nước Trung Hoa khổng lồ luôn luôn theo
chủ nghĩa bành trướng, nên con người Việt Nam, từ nghìn xưa, đã
chịu nhiều thử thách điêu đứng để trường tồn. Ở thời điểm
cận đại và hiện đại, với vị thế chính trị địa dư chiến lược
đó, đất nước và con người Việt Nam không thể thoát được sự
tranh chấp của các thế lực lớn lao Đông Tây, nên đã và sẽ còn
nhiều gian khổ khôn lường.
Dù đứng trên quan điểm
nào, khi viết về cuộc chiến ba-mươi-năm của thế kỷ trước,
người Việt có lương tâm sẽ không khỏi chạnh lòng thương cảm về
một giai đoạn lịch sử mà cả dân tộc đã đắm mình trong máu lệ
và khói lửa lan tràn trên mọi nẻo đường, trong mọi thôn xóm,
làng mạc, trong mọi phố phường hay thành thị. Xa ở tận biên
thuỳ Việt Bắc, tận rặng dãy Trường Sơn, tận vùng đất mũi Cà
Mau. Gần ngay ở giữa cố đô Hà Nội, giữa kinh đô Huế, và giữa
tân đô Sài Gòn. Ở đâu cũng có chiến tranh. Ở đâu cũng có dấu
vết của tàn phá. Ở đâu cũng chỉ thấy giết chóc và huỷ diệt,
thương tâm và đau khổ. Là chứng nhân và nạn nhân
của cuộc chiến đau lòng đó, chúng tôi, hàng trăm ngàn chiến
sĩ miền Nam đã ngậm ngùi chôn vùi kiếp sống như con vật lao
động trong tận đáy ngục tù ở núi rừng Việt Bắc trong thời
gian dài sau khi đã chôn vùi tuổi thanh xuân cho một cuộc chiến
không biết sẽ đưa dân tộc và đất nước đi về đâu… Người ta nói
quá nhiều trong tai chúng tôi về độc lập, về tự do và hạnh
phúc. Dĩ nhiên thế hệ chúng tôi đã không tìm được những chiếc
bánh tưởng chừng như thơm ngon đó. Toàn là bánh vẽ. Chúng tôi
đã không bao giờ tìm thấy hay được hưởng hạnh phúc thực sự
của những con người trên một đất nước có thanh khí và ánh
sáng. Cuộc chiến diễn ra dài dẵng. Chỉ có sát khí
đằng đằng, khói lửa trùng trùng và máu lệ tuôn trào thuở
ấy.
Chúng tôi không tin
rằng đã đếm đủ bao nhiêu lớp người của thế hệ chúng tôi đã
khóc. Những con dân đau khổ của miền Bắc khóc nhiều lắm. Đó
là những ông bà mất cháu, những cha mẹ mất con, những người
vợ mất chồng, những trẻ thơ mất mẹ cha, những người tình mất
nhau… Họ đã biết bao lần nhìn về miền Nam mà tìm hình bóng
người thân trên núi rừng thăm thẳm của các con đường mòn Trường
Sơn, ở Tây Nguyên, ở Bình Trị Thiên, ở Nam Bộ; hay ở Lào, hoặc
ở Miên? Mắt họ đã tràn lệ ngóng trông, lòng họ đã mỏi mòn
nhớ nhung, chờ đợi… những con người “sinh bắc tử nam”… đã ra đi
và đã mất. Mất cả thể xác lẫn linh hồn ở
những chiến trường xa xôi đó. Người ra đi đã trở thành những
liệt sĩ, đem xương cốt mà đấp phù đồ cho đảng Cộng Sản Việt
Nam (CSVN).
Chúng tôi cũng đã
nhìn thấy không biết bao nhiêu con dân miền Nam với những dòng
nước mắt đầm đìa trong suốt nhiều năm. Họ là các đấng sinh
thành, là quả phụ cô nhi, là anh chị em, bạn bè hay là người
yêu của những chiến sĩ miền Nam. Những chiến sĩ này đã hi sinh
ở khắp chiến trường miền Nam. Ở biên giới, trên cao nguyên,
dưới duyên hải, ngoài biển cả, trong núi rừng, đồng ruộng,
nương rẫy, thôn xóm, thành thị, phố phường. Ở khắp nơi. Ở Cam
Lộ, Pleime, ở Đồng Xoài, Bình Giả. Ở Quảng Trị, Thừa Thiên, ở
Pleiku, Kontum! Còn ở đâu và ở đâu nữa? Buôn Mê Thuột hay Phước
Long? Tây Ninh hay An Lộc? Long Khánh hay Sài Gòn? Chương Thiện hay
Cà Mau? Ở
đâu mà máu người không đổ! Những chiến sĩ miền Nam nầy, thoải
mái và ước mơ nhiều hơn, cho rằng cuộc chiến nầy là để bảo
vệ chế độ tự do của miền Nam hay ít ra vì… mắt họ đã từng
nhìn thấy những người bên kia mang nhãn hiệu “giải phóng” cầm
súng giết hàng nghìn người vô tội, bất kể người già, đàn bà
và trẻ con ở Huế –Tết Mậu Thân– hoặc dùng đại pháo bắn banh
xác nạn nhân trên các con đường chạy giặc, mà động mối thương
tâm, mang hùng khí mặc áo trận vào người? Vâng, khi nhìn vào
kinh thành cũ thấy xương người vô tội chất cao bằng đầu và
thấy trên các con đường đó máu đã chảy tràn lộ loang sông, thây
đã phơi mãng địa… lòng dạ nào không
đau xót! Những chiến sĩ này là những con người biết yêu,
ghét, buồn, thương như những cán binh Trường Sơn. Chỉ khác hơn
là biết đầu ngọn súng… chĩa về đâu… Họ không là những tấc
sắt bị hút vào chiến trường. Nhưng ở chiều sâu của cuộc chiến
nhiêu khê đó, họ đã mặc nhiên thành những “chiến sĩ dung nham”
như một nhà thơ lớn miền Nam đã nói.
Thực ra, có thể nói
hầu như tất cả những cán binh miền Bắc hay chiến sĩ miền Nam
đều là những người yêu nước. Họ đánh nhau vì tấm lòng yêu
nước đó đã bị… lợi dụng tạo nên chiến cuộc mà chính họ không
hề muốn. Và rồi nạn nhân của cuộc chiến đó là con số không
thể kiểm kê nổi, dù ở miền Bắc hay miền Nam. Quá nhiều. Hàng
triệu… triệu con người. Chúng tôi, người Việt Nam trong thế hệ
chúng tôi chiến đấu bảo vệ đất nước và đã trở thành những
con người chịu đựng tất cả nỗi đau của kiếp người trên mảnh
đất đầy thương yêu nhưng cũng đầy bất trắc đó, nơi đã có những
bậc đại anh thư những bậc đại anh hùng
và còn biết bao người nữa cầm vũ khí chống giặc từ những
vị vua, quan, sĩ phu, lãnh tướng đến những nông dân áo vải, từ
thày giáo đến học sinh. Họ sẵn sàng quên sự nghiệp, quên gia
đình và hi sinh bản thân khi cần thiết. Họ thản nhiên ra pháp
trường như một Nguyễn Thái Học, một Phó Đức Chính, những ai
và những ai nữa. Kẻ thành công, người thất bại nhưng người dân
Việt yêu nước không ai có thể quên lời hịch tựa như lời sấm
truyền “Nam Quốc Sơn Hà”… đầy hùng khí như một tuyên ngôn về
chủ quyền dân tộc trên lãnh thổ của mình hay quốc sách tối
thượng giữ nước ghi rõ trong Bình Ngô Đại Cáo hùng lược mà
nhân hậu, thể hiện tinh thần dũng liệt với trái tim cao
cả yêu chuộng hoà bình của người Việt Nam. Từ nghìn trước dân
tộc Việt đã là như thế. Đến nghìn sau, dân tộc Việt sẽ cũng
vẫn như thế, không bao giờ thay đổi. Đất nước và con người Việt
Nam sẽ trường tồn vì chúng ta thừa hưởng những truyền thống
quý báu của tiền nhân: hùng lược không thua một dân tộc nào mà
nhân hậu hơn nhiều dân tộc khác.
Thời gian trong hơn một
thập niền gần đây, không ít học giả và sử gia ngoại quốc có
tầm nhìn xuyên suốt cho rằng Chiến tranh Việt Nam 1945-1975 không
là chiến tranh giành độc lập cho Việt Nam do người Việt chủ
động; ngược lại, đó là một cuộc chiến mang tính “ý thức hệ”.
Trong khi đó thì tất cả những người cầm súng Việt Nam nghĩ
rằng mình chiến đấu vì độc lập và tự do cho đất nước; vì
tình yêu tổ quốc. Nhiều nhà nghiên cứu và biên soạn Việt Nam
chân chính đồng ý với quan điểm trên đây nhưng cho rằng nếu đó
là cuộc chiến “ý thức hệ” thì các thứ “hệ ý thức” đều do
các thế lực lớn mạnh ngoại bang mang vào… áp
đặt trên con người của đất nước mình, buộc phải theo như một
cưỡng chế không chống lại nổi. Tiếc thay, thế hệ chúng tôi lắm
người không hiểu hết sự vận chuyển của lịch sử thế giới và
của đất nước. Hoặc có hiểu biết nhưng bất lực trước sự vận
chuyển đó! Bởi vì những gì mà đại đa số những người bình
thường như chúng tôi đã nghĩ và đã làm là không tự chúng tôi
muốn mà bị buộc phải nghĩ và phải làm bởi các cấp lãnh đạo
và các… lãnh tụ, mặc dù không ít người trong chúng tôi có
thể nghĩ khác hơn. Chính cấp lãnh đạo và lãnh tụ Việt Nam
–theo cách nói của từng miền– là những người không đủ tri thức
lãnh hội sự vận chuyển lớn lao này
nhưng có đủ… bản lãnh để dẫn dắt chúng tôi vào cuộc chiến
thảm hại như nó đã diễn ra. Nhất là cán, chính, binh và quần
chúng miền Bắc bị thúc bách theo từng bậc của hệ thống chính
trị đảng bộ CSVN. Đứng trên tất cả là những lãnh tụ đảng.
Trong giai đoạn lịch
sử đó, Việt Nam không có một tầng lớp lãnh đạo và lãnh tụ
thực sự xứng đáng. Và nếu có, những vị này cũng đã nhanh
chóng bị loại ra khỏi quỹ đạo vận hành của các thế lực cực
mạnh của thế giới va chạm nhau vì quyền lợi của họ. Đã có
những lãnh đạo và lãnh tụ tưởng mình đã tạo lịch sử trong
khi vẫn biết, hay không biết.., chính những thế lực này tạo nên
họ và cho họ một thế đứng trong chế độ mà các thế lực này
dựng nên. Tất nhiên, trừ thế hệ trẻ trong nước sinh sau khi
chiến tranh chấm dứt, và đa số những người còn quáng-gà mù
mờ nào đó của bên thắng cuộc, nếu là người VN ở mọi nơi trên
địa cầu ai cũng nhận ra những thế lực khuynh đảo thế giới ở
thời điểm đó là những thế lực nào và thứ “hệ” ý thức mà
họ đưa vào… “hấp” cấp lãnh đạo và lãnh tụ VN để những người
này… “thụ” rồi thực hiện trên dải đất chiến lược của dân tộc
Việt Nam là những thứ “hệ” tư tưởng nào rồi. Nếu nói rõ ràng
hơn, những thế lực –thường được gọi là các cường quốc mạnh
về chính trị, quân bị và kinh tế Đông, Tây, ở thời điểm đó–
như là Nhật, liên quân Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ-Quốc Dân Đảng Trung
Hoa (QDĐ/TH), Liên-bang Xô-viết Nga, đảng Cộng Sản Trung Quốc
(CSTQ), và thế lực thực-dân-hầu-tàn là Pháp –đã trở lại Việt
Nam sau Đệ II Thế
Chiến. Cuộc chiến từ Mùa Thu năm 1945 trên đất nước Việt Nam
trở đi, được những trí thức chính trị và những sử gia có uy
tín thế giới cho là một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm [a mandate
war] nếu không nói nôm na là một cuộc đánh mướn [a proxy war]
của lực lượng địa phương cho “Chủ nghĩa Cộng Sản Quốc tế”
(CSQT) đang bành trướng giành đất đai và thị trường, va chạm
mạnh vào sự che chắn quyền lợi lãnh địa và kinh tế của khối
Thế Giới Tự Do (TGTD-Free World) ở Âu Châu lẫn Á Châu. Ở khắp
nơi. Ở đây chúng tôi không đề cập đến Liên Xô đã chiếm lãnh thổ
của các nước lận cận làm lãnh thổ của mình và nhuộm đỏ cả
Đông Âu sau Thế Chiến Thứ II và tiến sang Á châu.
Nhiều người gọi là Cộng Sản Quốc tế (CSQT). Một khi CSQT vào
Lục địa Trung Quốc, nhất định sẽ lấn xuống Đông Dương, Đông Nam
Á và mon men ra Nam Thái Bình Dương. Chiến tranh Đông Dương ở
thời điểm đó là một thế chiến thu hẹp trên phạm trù “ý thức
hệ” trong vùng lãnh địa chiến lược này, quan trọng nhất là
Việt Nam. CSTQ thành công và lập chính quyền trên lục địa rộng
lớn này, nhất thiết chiến tranh vùng đất chiến lược Việt Nam
tất sẽ phải diễn ra dữ dội hơn và bản chất “proxy war” lộ
diện rõ ràng hơn. Và nó đã diễn ra. Đây mới chính là bản
chất chính của Chiến tranh Việt Nam.
Lãnh tụ và lãnh đạo
Việt Nam của “cuộc chiến uỷ nhiệm” này là những ai theo các
dấu mốc thời gian; và, chế độ họ dựng nên theo các quan thầy
cộng sản và khối tự do trên các miền đất nước Việt Nam diến
tiến như thế nào? Xin viết như một tham luận hay như một bài
luận sử ngắn của một chứng nhân với ít kinh nghiệm và nhận
định riêng.
II. Các Thế Lực Ức Chế Và Sách Động Chiến Tranh
Thứ nhất, Thế lực Thực Dân Pháp
Các
thập niên sau của Thế kỷ XIX ba nước Đông Dương Việt, Miên và
Lào là thuộc địa của thực dân Pháp. Riêng chế độ thuộc địa
Việt Nam được ấn định rõ trong Hiệp ước Patenote 1884 ký kết
ngày 6/6/1884 giữa Pháp và Triều đình nhà Nguyễn.Việt Nam bị
Pháp chia ra làm ba “kỳ”: Nam Kỳ tự trị, Trung và Bắc Kỳ bảo
hộ. (1) Nhà Nguyễn vẫn giữ ngôi vị và chế độ quan quyền của
triều đình vẫn tồn tại ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ nhưng quyền
chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế và hành chính Pháp nắm
toàn bộ. Thực dân Pháp đã đào
tạo nên một lớp người mới trải nhiều thế hệ phục vụ cho họ.
Dĩ nhiên tinh thần yêu nước dẫn đến những cuộc đấu tranh giành
độc lập dân tộc diễn ra trong suốt tám mươi năm mất chủ quyền
khởi đi từ các vua, các quan đàng cựu, các lãnh tướng, sĩ phu,
các nhà cách mạng, sinh viên học sinh, binh lính và quần chúng
nông dân Việt Nam từ Bắc chí Nam. Tất cả đều bị Pháp đàn áp
và triệt hạ, dù là các cuộc nổi dậy công khai hay hoạt động
tiềm ẩn của các hội kín. Hội kín là các đảng cách mạng của
người Việt quốc gia lẫn người Việt cộng sản (do CSQT đào đạo
trước và trong Đệ II Thế Chiến). Trong các thập niên đầu Thế
kỷ XX, hầu hết các lãnh tụ các đảng Cánh
mạng Việt Nam đều được Chính phủ Quốc Dân Đảng Trung Hoa bảo
trợ và cho lưu trú trong lãnh thổ. Một số nhà cách mạng khác
ở Nhật và một số ít ở các nước Âu châu. Trong Đệ II Thế
Chiến, thế lực thực dân Pháp ở Đông Dương bị Nhật khống chế,
rồi đảo chính. Tuy nhiên chỉ ít lâu sau khi Nhật đầu hàng, lực
lượng viễn chinh Pháp đã trở lại. Chiến tranh Việt Nam bắt
đầu…
Thứ hai, Thế lực Nhật Bản
Nước
Nhật, một thế lực mới ở Thái Bình Dương, có một quân đội
hùng cường, kỷ luật cao, tận trung với Nhật Hoàng, trang bị vũ
khí hiện đại và các hạm đội hải quân tân tiến –với sách
lược “Đại Đông Á”– chẳng những muốn làm bá chủ vùng trung và
nam Thái Bình Dương rộng lớn mà còn muốn chiếm đóng và thu
thập tài nguyên của cả Á Châu trù phú. Ngày 7/12/1941 Nhật đột
ngột tấn công Trân Châu Cảng của Hoa Kỳ (trên đảo Oahu, quần
đảo Hawaii, thuộc Hoa Kỳ) gây chiến với Hoa Kỳ, trở thành một
trong ba thế lực phe
“Trục”–Đức-Ý-Nhật. (2) Trong ba năm, từ tháng 1/1941 đến tháng
1/1943, Nhật chiếm một số quần đảo quan trọng ở vùng trung và
nam đại dương này, đánh nhau dữ dội với lực lượng Hoa Kỳ và
các đồng minh địa phương ở các vùng đó và tấn chiếm Phi Luật
Tân, Nam Dương, Bornéo. Xa hơn về phía Nam, tấn công lực lượng
Hoàng gia Anh ở Viễn Đông: Singapore và Mãlai; chiếm nhiều vùng
đảo chiến lược khác ở nam Thái Bình Dương và tiến sang Ấn Độ
Dương. Trên Lục địa đông Á Châu, đánh chiếm Mãn Châu, Đại Hàn,
miền bắc Trung Hoa, quân CSTQ của Mao Trạch Đông rút sâu vào Tây
An và Thiểm Tây. Quân QDĐ/TH của Tưởng Giới Thạch rút xuống Tứ
Xuyên và Vân Nam. Ở Đông Nam Á, Nhật chiếm Thái Lan,
ép chính quyền Pháp ở Đông Dương ký thoả ước để Nhật được
tự do chuyển quân trên toàn lãnh thổ thuộc địa này, sử dụng
tất cả phi, hải cảng Việt Nam, và đặt Bộ Tư lệnh “Vùng Chiến
Lược Tài Nguyên Nam Á Châu” [The Strategic Southern Resources
Headquarters] của Thống Chế Terauchi –Field Marshal Hisaichi
Terauchi, tướng soái của tất cả lực lượng Nhật vùng Nam Thái
Bình Dương, Đông Á và Đông Nam Á– tại Sài Gòn. (3) Đầu năm 1944,
Nhật mở cuốc tấn công lớn thứ hai trên Lục địa Trung Hoa. Cánh
quân phía đông bắc gồm hơn 820,000 quân tấn công tuyến Dương Châu
và Hán Khẩu, cắt toàn bộ các tuyến tiếp vận tàu hoả miền
đông bắc Trung Hoa vào Trùng Khánh. Ở phía đông nam, hai cánh
quân trên
300,000 quân từ đảo Hải Nam tiến đánh Nam Kinh và từ Bắc Việt
tiến đánh Quảng Đông. (4) Một cánh quân lớn khác tấn công quân
Đồng Minh Anh-Ấn-Miến và Hoa Kỳ-QDĐ/TH ở Miến Điện (Burma).
Cuối năm 1944, Nhật cắt đường tiếp vận của Đồng Minh từ Miến
Điện vào Côn Minh, lực lượng của Tưởng Giới Thạch giữ Côn Minh
đến Trùng Khánh. Tuyến phòng thủ đông nam từ Liêu Châu, Nam Ninh
đến Lào Kay, biên giới Việt-Hoa. (5) Với sách lược Đại Đông Á,
với tham vọng làm chủ Thái Bình Dương, Lục địa Trung Hoa– lẫn
vùng Đông Nam Á, và các quốc gia khác thuộc địa của Anh, Hoa
Kỳ và Hoà Lan… tất nhiên Nhật, dù hùng mạnh, cũng lâm vào thế
va chạm với nhiều thế lực: Hoa Kỳ-Anh và các đồng minh
ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nguy hiểm nhất là Nhật đã
đối đầu với thế lực Hoa Kỳ đang phát triển mọi mặt: một sách
lược chính trị “liên minh quân sự chặt chẽ” trong thế giới tự
do và một hoạch đồ tạo dựng thế hệ vũ khí mới dựa trên khoa
học kỹ thuật tân tiến nhất. Liên-Xô cũng chuẩn bị tham chiến
trong khối Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ ở Mãn Châu.
Thứ Ba, Thế lực Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ
Tư
lệnh Lực lượng Hoàng gia Anh ở Viễn Đông kiêm Tư lệnh Tối cao
Liên quân Đồng Minh “Vùng Chiến trường Ấn Độ-Miến Điện-Trung
Hoa” (Supreme Commanding General of the China-Burma-India Theater) là
Đô đốc Sir Louis Mountbatten, lúc đó đặt Bộ Tư lệnh ở Ấn Độ. Tư
lệnh phó vùng chiến trường này, trên danh nghĩa, là Trung
tướng Hoa Kỳ (Lieutenant General) Joseph W. Stilwell, được Washington
đưa sang Trung Hoa làm Tham mưu trưởng cho Thống chế Tưởng Giới
Thạch từ tháng 3/1942 và là Tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ ở
đó. Sau khi quân Nhật chiếm Miến Điện, Trung
tướng Albert C. Wedemayer thay thế Tướng Stiwell. Wedemayer đã
giúp Tưởng cải tổ lực lượng QDĐ/TH, giữ vững Trùng Khánh-Côn
Minh và chận đứng sự tấn công vào tuyến của Tưởng Giới Thạch
từ Hán Khẩu xuống Liêu Châu đến vùng biên giới Lào Kay, Việt
Nam. (6) Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ chia chiến trường Thái Bình Dương,
Á Châu và Ấn Độ Dương ra làm hai vùng chiến lược:
A. Vùng Chiến Lược Đông Nam Á, Nam Ấn Độ Dương, Miến Điện và Ấn Độ
do Lực lượng Hoàng gia Anh ở Viễn Đông trách nhiệm B. Vùng
chiến lược Đông Á, Thái Bình Dương và Lục địa Trung Hoa do lực
lượng Hoa Kỳ phụ trách.
Vùng chiến lược của
Hoa Kỳ lại chia thành ba khu vực trách nhiệm với ba Bộ Tư lệnh
do các tướng lãnh lỗi lạc của Hoa Kỳ chỉ huy.
1). Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ ở Lục địa Trung Hoa do Tướng Joseph W. Stiwell chỉ huy và kiêm nhiệm các chức vụ đồng minh như trên. Sau đó là Tướng Wedemeyer.
2). Bộ Tư Lệnh vùng Đông Nam Thái Bình Dương
– Southeast Pacific Area– bao gồm các nước và quần đảo nằm trong
đại dương phía nam, kể cả Úc Châu, New Guinea, Nam Dương, Sumatra
và Phi Luật Tân, Đại tướng (General) MacArthur làm Tư lệnh.
3). Bộ Tư Lệnh vùng Trung và Bắc Thái Bình Dương –
North and Central Pacific Area và tất cả các khu vực khác không
thuộc Tướng MacArthur chỉ huy đều do Hải Quân Đô đốc (Admiral)
Chester W. Nimitz, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương kiêm nhiệm.
Lực lượng Hoa Kỳ, Anh và đồng minh địa phương đánh nhau dữ dội
với các lực lượng Hải, Không và Lục quân Nhật hầu như khắp
các nước và quần đảo lớn trong Thái Bình Dương và trên Lục
địa Trung Hoa, trừ Đông Dương của Pháp, bị Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ
cô lập và bị Nhật khống chế. Cuối cùng, trong đêm rạng ngày
9/3/l945 Nhật “đảo chính” Pháp. Chính quyền thuộc địa và quân
đội
Pháp ở Việt, Miên và Lào hoàn toàn sụp̣ đổ, tan rã. (7) Câu
hỏi được nêu lên là tại sao Hoa Kỳ và Anh kết liên minh chặt
chẽ trong Đệ II Thế Chiến từ Âu Châu, Phi Châu, sang Á Châu và
trên các đại dương nhưng không liên minh với thế lực Pháp ở Đông
Dương? Có tài liệu cho rằng Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D.
Roosevelt có mặc cảm với chính quyền thực dân Pháp ở đó. Tuy
nhiên, bên trong còn nhiều uẩn khúc. Nên tìm hiểu nguyên uỷ này
mới hiểu rõ hơn về chiến tranh Đông Dương và Việt Nam sau đó.
Ở mặt trận Âu Châu,
từ ngày 10/5/1940, Đức Quốc Xã tung ba Lộ quân A, B, C [Army
Groups) và hai Tập đoàn Chiến xa Panzer (Armored Armies) --tất cả
hơn 3,000,000 quân-- tấn công Hoà Lan, Bỉ và Pháp. Lộ quân B tấn
ông chiếm Hoà Lan và phần lãnh thổ phía đông nước Bỉ. Lộ quân A
lớn mạnh nhất, tấn công tuyến phòng thủ của Pháp vùng
Ardennes. Lộ quân C chiếm Luxembourg và tấn công quân Pháp ở
chiến luỹ Maginot vùng Alsace-Lorraine. Một cánh quân Ý tấn công
quân Pháp vùng núi Alpes (Alpine Mountains) phía đông nam Pháp.
Ngày 20/5/1940, tuyến phòng thủ của Pháp ở Sédan vùng rừng
Ardennes, khoảng 140 dặm đông bắc Paris bị các Quân đoàn Chiến xa
Đức chọc thủng. Từ đó, một Quân đoàn
Panzer thuộc Lộ quân A tiến ra Pas-de-Calais vùng biển Manche tấn
công liên quân Đồng Minh gồm Tập đoàn I của Pháp, Lực lượng
Viễn chinh Anh và Quân lực Bỉ (French First Army, British
Expeditionary Force –BEF, and Belgian Army) và phối hợp với Lộ quân
B ở đông bắc bao vây cô lập Dunkerque và lãnh thổ còn lại của
Bỉ. Ngày 31/5/1940, Bỉ đầu hàng. Từ ngày 4/6/1940 cả hai Lộ
quân B và A của Đức và các Tập đoàn Chiến xa Panzer tấn công
dữ dội tuyến phòng thủ mới của Tướng Maxime Weygand, Tổng Tư
lệnh Quân lực Pháp, từ cảng Le Havre theo tả ngạn sông Seine nối
với chiến luỹ Maginot ở nam Luxembourg, phòng thủ Thủ đô Paris
và các tỉnh phía nam trong khi Lộ quân C Đức tiếp tục tấn công
tuyến Maginot. Ngày 10/6/1940
Chính phủ Pháp dời về Bordeaux, phía nam. Ngày 13/6 Paris bỏ
ngõ. Ngày 14/6 quân Đức chiếm Paris. Ngày 16/6/1940 Thủ tướng
Pháp Paul Reynaud từ chức. Thống chế Henri Phillippe Pétain lập
chính phủ ở Vichy và điều đình với Đức. Ngày 21/6/1940 Đức
Quốc Xã và Pháp ký hoà ước: Pháp đầu hàng. Quân đội Pháp
hầu như tan rã. Trước đó, trong tuẩn lễ từ 28/5 đến 4/6/1940,
Thủ tướng Anh Churchill cho phép 850 tàu thuỷ Anh, đủ cỡ, cập
bến cảng Dunkerque di tản 338,000 dân Pháp và Bỉ sang Anh tị
nạn, trong đó có gần 140,000 quân nhân Pháp và Bỉ rã ngũ.
Thiếu tướng Charles A. de Gaulle, Tư lệnh Sư đoàn 4 Chiến xa Pháp
và mới được bổ nhậm Thứ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ
Reynaud, bay sang Anh trong ngày
17/6/1940. Ở đó, ngày 18/6, de Gaulle tuyên bố thành lập Lực
lượng Pháp Tự do (LLPTD -Free French Forces) để giải phóng đất
nước. Như vậy, thời điểm đó Pháp có hai thế lực: Trong nước
là Chánh phủ Vichy của Thống chế Pétain bị Đức khống chế. Tuy
nhiên hầu hết chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương và Bắc
Phi theo chính phủ này. Ngược lại, LLPTD của de Gaulle ở Anh
quốc chừng 10,000 người.
Tướng de Gaulle với cá
tính tự hãnh và lòng yêu nước cực đoan, muốn LLPTD hoạt động
độc lập và muốn LLPTD được đối xử như một đồng minh ngang hàng
với Hoa Kỳ và Anh quốc. Thủ tướng Anh Winston Churchill tuy không
thích de Gaulle, nhưng vẫn yểm trợ LLPTD, trong khi Tổng Thống
Franklin Roosevelt không thừa nhận de Gaulle. Do những bất đồng
chính kiến vớí Churchill và thiếu sự yểm trợ của Roosevelt nên
sau khi lực lượng Đồng Minh đổ bộ phản công quân Đức ở Bắc Phi
tháng 11/1942, de Gaulle rời Luân Đôn, dời bản doanh LLPTD sang
Algers, thủ đô Algérie, tháng 5/1943. Ở đó de Gaulle được các
nhà chính trị và tướng lãnh Pháp trong nước và thuộc địa ủng
hộ, trừ
chính quyền thuộc địa Đông Dương. Khi Đồng Minh đổ bộ Normandie
(Operation Overlord 6/6/1944), LLPTD của de Gaulle đã lên đến trên
400,000 người. Tuy nhiên trong cuộc đổ bộ này chỉ có 900 quân
Nhảy Dù Pháp cùng nhảy chung với Lữ đoàn Đặc biệt của Không
quân Anh (the British Special Air Service –SAS). Đó là đơn vị duy
nhất của Pháp tham gia cuộc đổ bộ Normandie.(8)
Roosevelt không công nhận de Gaulle với những quyết định và hành động thấy rõ:
Thứ nhất,
về kế hoạch Overlord đổ bộ Normandie của Đồng Minh, Roosevelt
khuyến cáo Churchill không cho de Gaullle biết. Tuy nhiên Churchill
cần sự tham chiến của LLPTD ở Âu Châu, đã mời de Gaulle sang Luân
Đôn hội diện ngày 4/6/1944 và cho de Gaulle biết.
Thứ hai,
Roosevelt muốn đặt “lãnh thổ Pháp giải phóng” dưới sự quản
chính --hay uỷ trị-- của một Chính phủ Hành chánh Quân sự các
Lãnh thổ bị Chiếm đóng (Allied Military Government of Occupied
Territories) cho đến khi Pháp tổ chức bầu cử chính phủ mới. De
Gaulle nổi giận. Ngày hôm sau, 5/6/1944 Ông tuyến bố LLPTD sẽ
lãnh đạo một nước Pháp giải phóng. Điều bất ngờ đã diễn ra
chỉ hơn một tuần sau cuộc đổ bộ Normandie làm thay đổi cục
diện. Ngày 14/6/1944, khi các cánh quân Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ đang
đánh nhau dữ dội với quân Đức ở cả khu vực Normandie, de Gaulle
đột ngột về Pháp với các cấp lãnh đạo LLPTD. Ông
đến thành phố nhỏ Bayeux, mới tái chiếm ngày 7/6/1944, là nơi
Tướng Sir Bernard Law Montgomery, Tư lệnh Lộ quân XXI (21st British
Army Group), Tư lệnh Mặt trận Normandie đặt BTL/HQ, cách bãi đổ
bộ chừng 5 dặm và thành phố Caen chừng 12 dặm. De Gaulle chỉ
định sĩ quan tuỳ viên là Francois Coulet thành lập chính quyền
“Hành Chánh Dân Vụ” --French Civil Administration-- tạm thời lấy
Bayeux làm thủ đô, nên gọi là “Bayeux Administration”. Sĩ quan và
đơn vị Đồng Minh trong vùng hành quân, lúc đó và sau đó, đều
liên lạc với Uỷ viên Cộng hoà Coulet --“Republican Comissionner”.
(9) Pháp không rơi vào tình trạng bị “uỷ trị”.
Điều quan trọng hơn là
Đại tướng Dwight D. Eisenhower, Tổng Tư lệnh Lực lượng Đồng Minh
ở Âu Châu, nhiều lần tiếp xúc riêng vớí de Gaulle, đã có
những quyết định khác hơn Roosevelt: để Tập đoàn I (French First
Army) của LLPTD, mới tái lập, do Tướng Jean de Lattre de Tassigny
chỉ huy, cùng với quân Đồng Minh phản công quân Đức ở Bắc Phi
năm 1942 và tái chiếm Pháp ở mặt trận phía Tây –Western Front--
cuối năm 1943. Eisenhower cũng đồng ý sẽ để cho LLPTD của de
Gaulle tiến vào Thủ đô Paris trước. Sư đoàn 2 Chiến xa (2nd
Armored Division) LLPTD do Tướng Philippe Leclerc de Hautelocque chỉ
huy, đổ bộ lên Normandie ngày 1/8/1944 phối thuộc Tập đoàn I Hoa
Kỳ của Tướng Omar Bradley tiến
đánh Paris. Ngày 25/8, Tướng Đức Dietrich von Cholitz, đầu hàng.
De Gaulle vào Paris với Tướng Leclerc. Hôm sau, ngày 26/8/1944,
LLPTD diễn binh ở Champs Elysées. Cuối cùng, ngày 29/8/1944, Anh
Quốc và Hoa Kỳ cùng thừa nhận LLPTD. Ngày 10/9/1944, LLPTD thành
lập Chính phủ Lâm thời Cộng Hoà Pháp Quốc với de Gaulle là
Thủ tướng.
Sau đó, liên quân Đồng Minh tiến đánh vào lãnh thổ Đức.
Ở
mặt trận “phía Đông” quân Liên Xô Nga tiến nhanh hơn quân Đồng
Minh ở mặt trận phía “Tây”. Nằm trong cánh quân này, Tập đoàn I
Pháp hơn 320,000 quân của Tướng Jean de Lattre chiếm nhiều vùng
lãnh thổ của Đức. Quân Đức khắp các mặt trận thu hẹp và tan
rã dần. Chắc chắn sẽ chiến thắng, lúc đó Đồng Minh Hoa
Kỳ-Anh-Liên Xô Nga dự định họp ở Yelta để quyết định chia cắt
nước Đức và phân vùng ảnh hưởng và quản chính các lãnh thổ
bị quân Đức Quốc Xã chiếm đóng và của chính lãnh thổ Đức cho
các lực lượng Đồng Minh, đồng thời
quy định cơ chế Tổ chức Liên Hiệp Quốc (United Nations). Thứ ba,
dù là Thủ tướng Pháp, de Gaulle không được Đồng Minh Hoa
Kỳ-Anh-Nga mời tham dự Hội nghị Yelta tháng 2/1945. Trước đó,
Roosevetl yêu cầu Churchill và Stalin không mời de Gaulle vì sự
hiện diện của ông này chỉ thêm rắc rối và không thích nghi.
(10) Tuy vậy, trong hội nghị này, Churchill viện nhiều lý lẽ
giúp cho Pháp được chia vùng quản chính một phần lãnh thổ
nước Đức và Thủ đô Berlin đồng thời trở thành một trong năm
“Uỷ viên Thường trực”của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có
quyền “phủ quyết”. Nhưng không lâu sau đó, chính Churchill cho
rằng de Gaulle là kẻ phản bội và là kẻ thù nguy hiểm nhất
của Anh quốc. (11) Đầu
tháng 5/1945, quân Đồng Minh bao vây Thủ đô Berlin của Đức Quốc
Xã, Hitler tự sát. Ngày 8/5/1945 Đức đầu hàng vô điều kiện.
Trước đó, ngày 12/4/1945, Tổng thống Roosevelt từ trần. Người
kế vị, Tổng thống Harry S. Truman cũng gặp phải sự đối dầu
cứng rắn của de Gaulle. Truman ngán ngẩm de Gaulle và dùng danh
từ nặng với ông này. (12) Viện trợ cho Pháp theo kế hoạch
Marshall cũng hạn chế. Vì vậy, de Gaulle căm hận Hoa Kỳ lẫn Anh,
chờ dịp trả hận. Chính quyền Pháp ở Đông Dương tiếp tục bị
cô lập. Thứ tư, ba cường quốc Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô họp Hội
nghị Potsdam tháng 7/1945 quyết định về lãnh thổ Việt Nam sau
chiến tranh, cũng không mời de Gaulle tham dự. Trong hội nghị,
Đồng Minh quyết định
chia đôi Việt Nam: Lực lượng Quốc Dân Đảng Trung Hoa được uỷ
nhiệm giải giới quân Nhật phía bắc Vĩ tuyển 16. Lực lượng
Hoàng gia Anh ở Viễn Đông phụ trách phía nam vĩ tuyến này. Như
vậy Đồng Minh quyết định chấm dứt vai trò Pháp ở Việt Nam mà
không cần cho Pháp biết. Điều này là một sĩ nhục lớn cho Pháp
làm de Gaulle nổi giận dữ dội. Ông này tuyên bố “Pháp đã từng
đổ máu trên chiến trường Việt Nam, nhất quyết Pháp sẽ trở
lại Việt Nam.” (13) Chẳng những đã thực hiện lời hứa mà nhiều
dịp sau đó de Gaulle còn gián trả cho các... ân nhân Anh và Hoa
Kỳ những đòn chính trị và ngoại giao đau điếng mà các thế hệ
kế tiếp không thể quên. Chỉ riêng Việt Nam phải nhận
chịu cuộc chiến đẫm máu sau đó. Đất nước Việt Nam nhược tiểu
nhiều lần bị các thế lực cường quyền chia cắt. Dân Việt bị
áp bức từ mọi phía, chia rẽ và thù hận nhau triền miên.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire