caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 13 septembre 2014

Đạo Hồi và chủ nghĩa Hồi giáo khác nhau thế nào


Phân biệt giữa đạo Hồi và chủ nghĩa Hồi giáo

Thắng lợi quân sự khiến người Hồi giáo trung cổ quan niệm rằng tôn giáo của họ thuộc về chân lý, đồng thời cũng truyền bá tư tưởng cho rằng đạo Hồi không thể là đạo Hồi, nếu nó không chiến thắng (các tôn giáo khác) về mặt quân sự. Vì thế, thật dễ hiểu tại sao chủ nghĩa Hồi giáo ra đời.
Jacques Rolleet là giảng viên môn khoa học chính trị ở Đại học Tổng hợp Rouen (Pháp), tác giả cuốn sách “Tôn giáo và chính trị”. Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn của ông với phóng viên tờ Le Point, trong đó, Rolleet đã bàn về nội dung chính trị, xã hội của đạo Hồi và chủ nghĩa Hồi giáo.



- Phải chăng đạo Hồi chứa đựng bạo lực?

- Trước hết, tôi khẳng định là không. Đạo Hồi đại diện cho tư tưởng của Thượng đế. Nó kêu gọi tín đồ tôn trọng người khác, tôn trọng dân nghèo. Xuất phát từ quan điểm này, tôi cho rằng đạo Hồi không hàm chứa bạo lực. Nhưng xét một cách công bằng và biện chứng, tôi cũng nghĩ là có. Nếu tôi không nhầm thì thiên Xura thứ IX trong kinh Koran nói rằng kẻ vô thần có thể bị tiêu diệt. Trong đạo Hồi, kẻ tà giáo phải bị hành hạ về thể xác. Ví dụ, hãy xem đoạn 29 cũng trong thiên Xura thứ IX này: “Hãy phát động chiến tranh với những kẻ không tin vào Thượng đế, cũng không tin vào Ngày Tận Thế…”

- Từ “jihad” nguyên nghĩa là “một cuộc đấu tranh về tinh thần của mỗi tín đồ nhằm tự hoàn thiện”. Nó đã mang nghĩa “thánh chiến chống lại những kẻ không theo đạo Hồi” như thế nào?

- Ngay từ thời Mohammed (thế kỷ VII), đạo Hồi đã đi chinh phục thế giới. Bản thân Mohammed từng là chiến binh. Trong một thời gian rất ngắn kể từ khi ra đời, đạo Hồi bành trướng rất mạnh. Thắng lợi quân sự khiến người Hồi giáo trung cổ quan niệm rằng tôn giáo của họ thuộc về chân lý, đồng thời cũng truyền bá tư tưởng cho rằng đạo Hồi không thể là đạo Hồi, nếu nó không chiến thắng (các tôn giáo khác) về mặt quân sự. Vì thế, thật dễ hiểu tại sao chủ nghĩa Hồi giáo ra đời.

- Chủ nghĩa Hồi giáo là gì? Ai là người đặt nền tảng lý thuyết cho nó?

- Đó là một phong trào do Al-Banna, người sáng lập tổ chức Những Người Anh Em Hồi giáo, và đệ tử là Sayyid Qutb khởi xướng tại Ai Cập từ cuối những năm 20. Mục đích của họ là tiếp thêm sức sống cho cộng đồng Hồi giáo, bằng cách củng cố một mối liên hệ chặt chẽ giữa tôn giáo và chính trị, biến các tín đồ thành những chiến binh của đạo Hồi. Al-Banna và Qutb đã căn cứ vào các công trình nghiên cứu của một nhà thần học Syria thế kỷ 14 là Ibn Taymyya. Hiện nay, những cuốn sách của ông này vẫn được dùng để tham khảo trong các trường đạo Hồi. Taymyya là một trong những người đầu tiên nhấn mạnh rằng cộng đồng Hồi giáo phải giữ gìn sự liên kết tuyệt đối nhất. Điều đó bao hàm việc tôn trọng đầy đủ luật Hồi (Sharia) và tổ chức chiến tranh chống lại những kẻ đạo đức giả, những kẻ muốn tách biệt thần quyền khỏi thế quyền.

- Những người Hồi giáo biện hộ cho thánh chiến như thế nào?

- Vì đạo Hồi là chân lý nên phải tiêu diệt những kẻ phủ nhận chân lý đó, hoặc những kẻ để mặc cho xã hội muốn sống ra sao thì sống. Al-Mawdudi, người Pakistan, một trong các cha đẻ của chủ nghĩa Hồi giáo cấp tiến, đã đưa ra khái niệm Jahiliyya. Từ này dùng để chỉ thái độ vô tín ngưỡng, vô đạo, thể hiện qua sự dốt nát và đồi trụy.

- Nhưng phần lớn tín đồ Hồi giáo là người ôn hòa…?

- Xin nhắc lại, tôi không muốn đánh đồng đạo Hồi với chủ nghĩa Hồi giáo. Đa số dân chúng là tín đồ, không phải là phần tử Hồi giáo. Họ không bao giờ suy nghĩ hoặc phát biểu theo quan điểm Hồi giáo. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị cũng vậy.

Rõ ràng, một người Hồi không nhất thiết là một phần tử Hồi giáo. Nhưng bất kỳ phần tử Hồi giáo nào cũng là tín đồ đích thực. Tất nhiên, chủ nghĩa Hồi giáo là một quan điểm cấp tiến của đạo Hồi. Nhưng phải chăng quan điểm này là sai lầm? Đó là vấn đề cơ bản.

- Đạo Hồi có chứa đựng nội dung chính trị không?

- Khi mới hình thành, đạo Hồi không có lý luận tương đương với lý luận của nhà nước phúc lợi ở Pháp. Điều duy nhất bắt buộc là mỗi người Hồi giáo đều phải bố thí cho ai đó nghèo hơn mình. Nhưng truyền thống Hồi giáo không phân biệt người theo tôn giáo với người làm chính trị. Đối với một tín đồ đạo Hồi coi trọng truyền thống, hầu như không thể tách bạch người làm chính trị với người theo tôn giáo được. Do vậy, nền dân chủ Tây phương là điều không thể tưởng tượng nổi trong thế giới người Hồi. Ngay cả những nhà tư tưởng Iran có đầu óc cởi mở nhất cũng vẫn chủ trương duy trì một xã hội Hồi giáo, trong đó đạo Hồi là tôn giáo chính thức, chứ không chấp nhận đa nguyên.

- Trong cuốn sách “Sự xung đột giữa các nền văn minh”, nhà khoa học chính trị Mỹ Samuel Huntington đã phân tích những xung đột giữa văn minh Hồi giáo và văn minh Cơ Đốc giáo. Ông nghĩ thế nào về luận điểm của tác giả?

- Đây là một luận điểm thái quá. Rõ ràng là tính chất chụp mũ cho toàn cầu của nó cần phải bị phê phán. Không thể khẳng định rằng tất cả các cuộc chiến tranh hiện nay đều là hậu quả của những mâu thuẫn, xung đột về văn minh.

Luận thuyết của Samuel Huntington đã đề cập tới thế giới quan khác nhau giữa đạo Cơ Đốc với đạo Hồi. Tất nhiên, có một sự đối đầu giữa hai nền văn hóa, trong đó một bên là tính chất thế tục và dân chủ của phương Tây, một bên là tính chất không thế tục và không dân chủ. Không phải thanh niên Hồi giáo cứ mặc quần bò và uống Coca thì tức là họ đã bị Tây hóa. Họ vẫn khác, vì văn hóa, theo Tocqueville (chính trị gia Pháp thế kỷ 19), là những tình cảm và tập quán của xã hội.

Tuy nhiên, dù giữa hai nền văn minh có điểm xung khắc thì người Hồi giáo cũng vẫn cần tham gia trào lưu đa nguyên tôn giáo và chính trị, đồng thời phải chấp nhận rằng trong một chế độ dân chủ, tôn giáo không thể áp đặt luật lệ cho cả xã hội. Điều đó không có lợi chút nào.
Theo VNEXPRESS

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire