caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 30 novembre 2014

Chung quanh một chữ "Duyên", nhiều tác giả.

Cámơn chị Ái đã tiếp chuyển bài và gửi đến quý anh chị những baì viết khác về chữ Duyên.
Cám ơn tác giả những bài viết được trích post trong Blog này.
Caroline Thanh Hương

Biết Sống Tùy Duyên 
Tùy duyên là hoan hỷ chấp nhận những gì xảy ra trong hiện tại, tạm ngưng tranh đấu và bình thản chờ đợi nhân duyên thích hợp hội tụ. Nhiều khi chính thái độ ngưng tranh đấu và bình thản chờ đợi ấy lại là nhân duyên quan trọng để kết nối với những nhân duyên tốt đẹp khác. Ta đừng quên khi một việc được thành tựu thì phải hội tụ hàng triệu nhân duyên, nếu chỉ thiếu một duyên thì nó cũng có thể không tựu thành. Nếu ta có hiểu biết sâu sắc hay từng trải nghiệm thì trong vài trường hợp, ta có thể đoán biết được mình nên làm gì và không nên làm gì để cho nhân duyên tốt hội tụ đầy đủ trở lại và nhân duyên xấu sớm tan biến đi.

Ta thường gọi nhân duyên tốt là thuận duyên, và nhân duyên xấu là nghịch duyên, tức là những điều kiện có lợi và bất lợi cho ta. Có những duyên thuận với ta, nhưng nghịch với kẻ khác và ngược lại. Đó chỉ là nói trong phạm vi con người, trong khi nhân duyên luôn xảy ra với vạn vật trong khắp vũ trụ. Bản chất của nhân duyên thì không có thuận nghịch, tốt xấu. Nó chỉ hội tụ hay tan rã theo sự thích ứng giữa các tần số năng lượng phát ra từ mọi cá thể mà thôi. Ấy vậy mà thói quen của hầu hết chúng ta khi đón nhận thuận duyên thì luôn cảm thấy sung sướng và rất muốn duy trì mãi nhân duyên ấy, cón khi gặp phải nghịch duyên thì luôn cảm thấy khó chịu và tìm cách tránh né hay loại trừ.

Nhưng chưa hẵn thuận duyên sẽ đem lại giá trị hạnh phúc hay nghịch duyên sẽ mang tới khổ đau, bởi có khi nghịch duyên đưa tới sự trưởng thành, còn thuận duyên sẽ khiến ta yếu đuối. Và nhiều khi thuận duyên ban đầu nhưng lại biến thành nghịch duyên sau này, có khi nghịch duyên bây giờ nhưng lại biến thành thuận duyên trong tương lai. Tất cả đều tùy thuộc vào bản lĩnh và thái độ sống của ta.

Do đó, ta không cần phải khẩn trương thay đổi những nhân duyên mà mình không hài lòng, hay cố gắng tìm kiếm những nhân duyên mà mình mong đợi. Khi tâm ta đã vững chãi đủ để tạo ra những nhân duyên an lành thì những nhân duyên tương ứng sẽ tự động kết nối. Mà sự thật khi tìm được sức sống từ nơi chính mình rồi thì ta sẽ không còn coi là quan trọng những giá trị bên ngoài nữa. Nhân duyên nào cũng được cả, thong dong tự tại. Đức DaLaiLaMa có dạy: ''Hãy nhớ rằng khi không đạt được những gì bạn muốn, đôi lúc, lại là sự may mắn tuyệt vời.''
Bodhgaya Monk

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ - Điển tích cổ

Hôm nay tìm trên mạng, không thấy có tài liệu nào nói đến nguồn gốc của 2 câu thơ rất nổi tiếng mà ai cũng biết:

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng

Tạm dịch:

Có duyên nghìn dặm xa còn gặp
Không duyên trước mặt vẫn cách lòng

2 câu thơ mang đầy tâm sự, buồn vui lẫn lộn, thường dùng sử dụng trong những hoàn cảnh vui có, buồn có, có khi là để oán trách số phận, nhưng cũng như đành chấp nhận số phận mà không cưỡng lại được. Thực ra 2 câu này nằm trong một điển tích cổ mà mình nhớ không chính xác thời đại cho lắm.

Kể rằng nhà nọ có cô con gái rất xinh đẹp, lại tài giỏi, tinh thông cầm kỳ thi họa. Đến tuổi cập kê mà cô chưa ưng thuận ai, vì hiếm có người tài giỏi sánh cùng. Vì thế, cô quyết định mở cuộc thi kén chồng.

Lọt vào vòng chung kết là 3 chàng trai. Một người là một thư sinh áo vải, thuộc làu kinh sử, tài hoa không sao kể xiết, lại có tài viết chữ rất nhanh mà đẹp như phượng múa rồng bay.
Người thứ hai là một võ sỹ sức khỏe vô địch, quyền cước tuyệt luân, khó ai bì kịp.
Người thứ ba là một xạ thủ tí lực hùng hậu, bắn bách phát bách trúng trong chớp mắt.

Đề tài được đưa ra cho 3 người như sau:
Chàng thư sinh phải viết hết 1000 trang giấy, lực sỹ phải vác một cái trống nặng mấy trăm cân đi sang thành kế bên rồi vác về. Người cung thủ phải bắn rụng hết lá một cây ngô đồng xum xuê. Ai làm xong việc trước thì sẽ thắng, lấy được mĩ nhân.

Cuộc thi bắt đầu, cả ba tiến hành rất khẩn trương, cứ thể cho đến chiều muộn.
Người lực sĩ chưa thấy tăm hơi đâu, còn người xạ thủ thì vẫn miệt mài bắn, lá ngô đồng mới rụng quá một nửa. Trong khi đó, với tài hoa của mình, chàng thư sinh đã viết gần hết nghìn trang giấy.

Thế này thì thắng thua đã rõ ràng, chàng thư sinh cao hứng đọc lên mấy câu thơ, bỏ bàn viết tới đàm đạo, uống trà với người đẹp. Hai người nói chuyện rất tâm đầu ý hợp, tình ý như đã thân thiết tri kỉ từ lâu. Quả thực là:

Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu

Nhưng, đang mải uống trà, đàm đạo say sưa, chàng thư sinh đã quên mất mình còn vài tờ giấy chưa viết xong. Bỗng từ cửa đông, một tiếng trống đồng vang lên rộn rã, mọi người đều giật mình nhìn ra, chính là người lực sĩ đã mang trống đồng trở về. Đang vui vẻ, tình tứ, hai người rụng rời chân tay, lòng thầm kêu khổ. Giờ có viết nhanh như gió cũng không kịp nữa. Chỉ có thể tự trách bản thân mình quá chủ quan, khinh địch, lỡ mất nhân duyên một đời.
Trong đau buồn, nàng đành đắm đuối nhìn người thương, ứng khẩu những câu thơ từ biệt mà lòng đau như cắt:

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng
Ẩm trà ngã hề hoàn ngã trản
Đô thành huề cổ dĩ chinh đông


Tạm dịch:
Có duyên nghìn dặm xa còn gặp
Không duyên trước mặt vẫn cách lòng
Uống trà đành trả ly không
Đô thành tiếng trống đằng đông đã rền


Hữu Duyên Thiên Lý

GS Nguyễn Xuân Vinh

Tôi viết mở đầu bằng bốn chữ của hai câu thơ mà nhiều người đã nhắc đến là

Hữu duyên, thiên lý năng tương ngộ,
Vô duyên, đối diện bất tương phùng.

Hai câu thơ có nghĩa là nếu có duyên thi dù xa cách ngàn dậm rồi cũng gặp nhau mà vô duyên thi có giáp mặt cũng không hợp nhau. Đó là trường hợp của tôi và GS Nguyễn Thanh Liêm.            

Những nơi sinh ra và lớn lên của hai chúng tôi thật đã cách nhau ngàn dậm. Không những tôi là dân Bắc Kỳ mà lại không sinh ra ở miền đồng bằng trù mật, vùng Nam Định-Thái Bình, hay ở kinh thành Hà Nội, là những nơi có nhiều nhân tài văn học, mà lại chào đời vào đầu năm 1930 ở Yên Bái, nơi được coi như là mạn ngược, thời Pháp thuộc không có được một trường ở bậc Trung học. Cuộc đời tôi đã không gặp được nhiều may mắn. Khi mới sinh ra được một tháng thì tiếng súng cách mạng bùng nổ vang rền tỉnh thành. Tôi được nghe kể lại là đã thức suốt đêm nằm trong lòng mẹ nhưng không khóc. Phải chăng tiếng súng chống cuộc đời nô lệ để dành tự do đã khơi dậy một phần nào tiềm thức của tôi. Để rồi đây, lúc nào tôi cũng phải tranh đấu chống nghịch cảnh mới đạt được lý tưởng theo đuổi cho đời mình. Sự học của tôi, vì tình thế chiến tranh ở miền Bắc, luôn luôn bị gián đoạn, và đạt được điều gì cũng là do góp nhặt từ bốn phương: theo bậc tiểu học ở Hải Phòng, vào trung học ở Hà Nội, rồi liên miên theo chiến tranh, khi thì ở Yên Mô, Ninh Bình, khi thì vào Diễn Châu, Nghệ An, trong vùng kháng chiến, rồi trở ra Hà Nội, tiếp theo vào Sài Gòn, sau cùng theo với binh nghiệp, theo học ở Pháp, rồi qua Hoa Kỳ, và quay trở lại Ba Lê, ở mỗi nơi tôi thu lượm được một hai chứng chỉ đại học, nhận được một mảnh bằng. Vốn kiến thức thu nhận được, qua gần nửa thế kỷ, dù cho ở cương vị nào, ở nước nhà, là một phi công bay hành quân ở đơn vị hay ở bộ Tư lệnh, hay sống ở nước ngoài, trên bục giảng ở các đại học, bản chất tôi là một nhà giáo, qua những sách vở biên soạn và những bài giảng, tôi truyền  lại cho những người muốn thụ huấn. Trải hương theo gió, là người Việt Nam sinh quán ở  gần biên cương Việt bắc, những gì tôi học được tôi lại trải khắp bốn hướng trời, cựu học sinh giờ đây ở khắp mọi nơi trên mặt địa cầu. Mới đây, theo dõi những trận tranh giải vô địch túc cầu thế giới, tôi vào Google đánh chữ Brazil, thì đọc được một hàng chữ tiếng Bồ Đào Nha trong một bài báo toán học không gian

            O modelo dinâmico é bastante conhecido e antigo, baseado na formulação newtoniana com modificações para as perturbações sofridas na trajetória. É conhecido como modelo de Vinh (graças ao engenheiro pesquisador Nguyen X. Vinh ):

            Đây là những dòng chữ giới thiệu một hệ thống 6 phương trình qũy đạo không gian mà một toán gia Ba Tây trước khi xử dụng đã trân trọng giới thiệu với lời cám ơn và ông gọi là mô hình của khoa học gia Nguyen X. Vinh. Việc này chứng tỏ rằng dù có xa cách nhau vài ngàn dậm, và chưa bao giờ gặp nhau, hai người cũng có thể cùng nhau đồng điệu.



            Người bạn đồng nghiệp mà hoạt động văn hoá giáo dục đã gợi hứng cho tôi viết ra bài này là giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, lại theo một học trình khác, và tuy thời niên thiếu có những năm theo kháng chiến chống Pháp, ông lại không có nhiều trắc trở như tôi. Ông sinh sau tôi vài năm, ở quận Bình Ðại, Mỹ Tho, nhưng lớn lên ở Kiến Hoà (Bến Tre). Ông là một nhà giáo xuất sắc và nhà biên khảo lừng danh, với những địa vị quan trọng trong ngành giáo dục thời Cộng Hoà như là Hiệu trưởng Trung Học Petrus Ký, sau là Thứ trưởng Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên. Sự thành công của ông là nhờ ở một căn bản học vấn vững chắc và uyên thâm. Tiểu sử của ông hình như thuần túy là một nhà giáo, được huấn luyện qua những chương trình học vấn cao cấp ở trong nuớc và ở ngoại quốc. Học trình của ông, sau mấy năm học vỡ lòng ở trường làng Phú Đức, tiếp theo là bậc trung học ở tỉnh lỵ Mỹ Tho. Lên trung học, học ở Collège Le Myre de Vilers, sau này là trung học Nguyễn Đình Chiểu, đến hết Tú Tài I, chương trình Pháp, rồi tiếp tục học ở Petrus Ký và thi  đậu Tú Tài II ban Triết chương trình Pháp. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Saigon với bằng Cử Nhân Giáo Khoa Việt Hán. Ngoài ra ông lại còn có thêm chứng chỉ Lịch Sử Triết Học Đông Phương và Tây Phương, Đại Học Văn Khoa Saigon. Theo chương trình hậu đại học, ông tốt nghiệp Iowa State University với bằng Ph.D. về Research and Evaluation in Education (Tiến sĩ giáo dục, về Nghiên Cứu và Lượng Giá). Sau ngày quốc biến, giáo sư Liêm cùng gia đình sang Hoa Kỳ, ông tiếp tục công việc soạn thảo những chương trình giáo dục ở các đại học, và sau khi về hưu, ông lại tích cực hoạt động về văn hóa và xã hội trong công cuộc xây dựng Cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Giáo sư hiện là Chủ Tịch của tổ chức Lê Văn Duyệt Foundation và cũng là Trưởng Ban Biên Tập của hai tập san Ðồng Nai Cửu Long và Tiền Giang Hậu Giang. Giáo sư là cố vấn của Viện Việt Học, cố vấn đặc biệt của hội Ái Hữu Petrus Ký, cố vấn của hội đồng hương Vĩnh Long, cố vấn của hội Nguyển Ðình Chiểu – Lê Ngọc Hân, và của một số các hội đoàn khác.



            Trong phần mở đầu của bài viết này tôi đã nhắc lại những kỷ niệm qua để bạn đọc biết rằng từ khi được nhà văn Tạ Xuân Thạc giới thiệu GS Nguyễn Thanh Liêm như là một nhà hoạt động văn hoá có uy tín của miền Nam nước Việt, và muốn mời ông làm một cố vấn cho Văn Đàn Đồng Tâm, tôi đã đọc nhiều tài liệu về giáo sư Liêm để tìm thấy sự “đồng thanh tương ứng” giữa hai chúng tôi. Cách đây hai năm khi LS Trần Thanh Hiệp được Văn Đàn Đồng Tâm mời viết bài về tôi, ông đã nói rằng chúng tôi là những sinh viên ở cùng một thế hệ, vì tuổi đời xấp xỉ ngang nhau. Ông và tôi thuộc vào thế hệ những người đã tiếp nhận bốn nền văn hoá: Việt-Pháp cổ truyền, Việt đổi mới (ở miền Nam), Việt cộng sản và Việt quốc tế. Chúng tôi đã nếm trải đủ thứ vinh nhục của cuộc sống kéo dài hơn ba phần tư thế kỷ. Nhưng không ai bảo ai, chúng tôi đã cùng chia sẻ niềm hy vọng một ngày nào đó được sống trong một nền văn hoá Việt duy nhất. Tuy vậy mà cho đến những năm 2000, LS Trần Thanh Hiệp và tôi mới thực sự gặp nhau lầu đầu tiên ở San Jose, bang California. Bạn đồng tâm, đồng chí, tụ hợp rồi ly tan, nhưng chúng tôi cùng chung lòng nghĩ về đất nước. Tôi có thể viết những lời tương tự trong một bài viết về GS Nguyễn Thanh Liêm, để in vào tuyển tập Kỷ Niệm nhà giáo kỳ cựu, và cũng là một nhân tài sáng chói của Đất nuớc. Nhưng không hiểu sao, dù chỉ mới gặp giáo sư Liêm những năm gần đây mà tôi có cảm tưởng đã cùng ông đi chung một con đường và cùng làm với ông trong một vài chương trình giáo dục và văn hoá. Những bài viết của giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã được phổ biến rộng rãi qua các cơ quan truyền thông và đăc biệt trên những Tập San Nghiên Cứu Văn Hoá ĐỒNG NAI-CỬU LONG của Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation. Trái lại, những bài viết của tôi thường thì về chuyên môn và đăng ở những đặc san giới hạn tới một số độc giả. Nhưng để chứng dẫn rằng chúng tôi đã là những bạn đồng hành, dù chỉ trong tư tưởng, tôi xin phép được trích dẫn vài tài liệu tôi đã viết trong những năm qua, đặc biệt về nền giáo dục và khoa cử ở Việt Nam và những nhân vật nổi tiếng được nhân dân miền Nam sùng bái để bạn đọc thấy rằng chúng tôi đã cùng có chung một niềm kiêu hãnh đã được hưởng thụ một nền văn hoá ưu việt, từ Bắc chí Nam, và cùng chung một lý tưởng phục vụ quốc gia và dân tộc.



            Khi còn ở quê nhà, tuy không phải là một công chức của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, mà chỉ là một quân nhân thuần túy, tôi cũng đã dậy toán cho những trường Trung học Võ Tánh, Chu Văn An và trong niên khoá 1958-1959, tôi được ông hiệu trưởng Nguyễn Văn Thơ mời dậy mấy giờ toán hình học cho Trường Trung Học Petrus Ký. Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm sau đó cũng dậy ở trường này và trở thành hiệu trưởng những năm 1962-1964. Một điều nữa cho tôi có liên hệ gián tiếp với GS Liêm là những năm ông là Phụ Tá Tổng Trưởng Bộ Văn Hoá, Giáo Dục và Thanh Niên VNCH, Ðặc Trách Trung Tiểu Học và Bình Dân Học Vụ (1971-1975) và sau
này giữ nhiệm vụ Thứ trưởng, cũng là những năm Sở Tu Thư của Bộ in ra hai cuốn sách Lượng Giác Học và Cơ Học Lớp Đệ Nhất của tôi. Tôi in lại đây bìa cuốn sách Cơ Học in lần đầu năm 1962, và sau đó, dưới thời Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Liêm, sách được Bộ in lại nhiều lần và dùng để lấy ra nhiều đề tài thi Tú Tài Toán.

 

            Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm viết nhiều về những danh nhân miền Nam, từ Kinh lược sứ  Phan Thanh Giản cho tới danh sư Nguyễn Đình Chiểu nêu gương nghĩa khí và đặc biệt về Tả Quân Lê Văn Duyệt, với lòng trung  dũng mà sau khi mất còn bị Vua Minh Mạng nghi ngờ. Đọc những bài viết của giáo sư Liêm tôi thật hiểu tâm tư của ông vì trước đây, lòng tôi cũng vương đầy thắc mắc về những nghi vấn sử liệu, nên đôi khi viết một bài khoa học tôi cũng thuận tay miên man viết về những vị này. Về Đức Tả Quân, trong một bài viết về Toán vui có đề là “Nhớ Về Thăng Long” tôi có một đoạn sau đây:



            “Tới thời nhà Nguyễn, vào năm Nhâm Tuất (1802), khi vua Thế Tổ Cao Hoàng đưa quân ra Bắc, dẹp xong nhà Tây Sơn, bình được đất Bắc hà, thống nhất giang sơn, từ Nam chí Bắc thì ngài vẫn giữ tổ chức hành chánh và quân sự, có Bắc thành và Gia Ðịnh thành. Từ Thanh Hoá ngoại, tức là địa phận Ninh Bình bây giờ trở ra gọi là Bắc thành gồm có 5 nội trấn và 6 ngoại trấn. Từ Bình Thuận trở vào, gọi là Gia Ðịnh thành gồm có 5 trấn. Ở khoảng giữa đất nước tức là miền Trung bây giờ thì chia làm 7 trấn, riêng phần đất kinh kỳ thì đặt thành 4 doanh. Ở Bắc thành và Gia Ðịnh thành đều đặt chức Tổng Trấn để trông coi mọi việc. Riêng thủ phủ của Bắc thành thì theo âm Việt vẫn gọi là thành Thăng Long, nhưng chữ viết Hán tự thì đổi khác không có nghĩa là nơi có rồng bay lên, mà lấy nghĩa là thành phố thăng bình và hưng thịnh. Những năm đầu thời Gia Long dựng nước, công lao đều nhờ ở các võ quan, đứng đầu ngành võ, theo quy chế, chánh nhất phẩm là ngũ quân đô thống, nhưng cao cấp nhất  chỉ có tiền quân Nguyễn Văn Thành được làm Tổng Trấn Bắc thành và tả quân Lê Văn Duyệt được giữ chức Tổng Trấn Gia Ðịnh thành cho đến lúc ông qua đời. Ðến thời Minh Mạng, vào năm Tân Mão (1831), vua Thánh Tổ bãi bỏ Bắc thành và Gia Ðịnh thành và những chức Tổng Trấn và theo lối nhà Thanh, đổi trấn làm thành tỉnh. Trước đó, thời Gia Long, nước ta có 27 trấn, nay lập thêm 4 tỉnh nữa, là tổng cộng 31 tỉnh, đặt những chức quan Tổng đốc để coi những tỉnh lớn và Tuần phủ để đứng đầu những tỉnh nhỏ. Thành Thăng Long là thủ phủ của Bắc thành nay cải thành một tỉnh gọi là Hà Nội.”

            Theo tôi nghĩ thì Tả quân Lê Văn Duyệt là Đệ nhất công thần giúp vua Gia Long khai sáng nhà Nguyễn, và tuy đương nhiên là vị quan võ cao cấp nhất trải hai triều vua Gia Long và Minh Mạng, nhưng không bao giờ tướng quân được phong chức Ngũ Quân Đô Thống. Những năm cuối đời vua Gia Long, đang là Tổng Trấn Gia Định thành, Tả quân được triệu về kinh (1816), tuy là để hỏi ý kiến về việc truyền ngôi nhưng thực sự cũng là bị truất quyền. Sang triều vua Minh Mạng (1820) vì cần người trị an sau vụ sư Kế, người Miên làm rối loạn miền Nam, ông được gửi về nơi cũ hoàn chức Tổng Trấn, nhưng dù sau đó có công trị bình, triều đình vẫn còn những kẻ ganh tỵ muốn hãm hại người trung thần. Sau khi ông mất vào năm 1832, Tả quân vẫn bị buộc tội phản nghịch cùng với người con nuôi là Lê Văn Chất, mọi tước vị, phẩm trật bị xoá bỏ. Như thế vua Minh Mạng đã đối xử bất công với bậc trung thần, và tuy đời sau, con và cháu của ngài như vua Thiệu Trị khi mới lên ngôi (1841) đã ra lệnh đại xá, và năm Tự Đức nguyên niên (1848) nhà vua cũng hạ chỉ khôi phục lại chức tước cho ông Lê Văn Duyệt, nhưng đâu phải chỉ một chiếu chỉ có ngọc tỷ ấn ký mà thay đổi lại được một sự sai lầm oan khiên trong lịch sử. Tôi nghĩ rằng giáo sư Nguyễn Thanh Liêm khi thành lập Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation đã có ước nguyện mong muốn mọi người dân Việt trong thế kỷ biết được hết công trạng đối với đất nước của một vị anh hùng trong lịch sử Việt Nam. Tôi rất tán thành công cuộc này của giáo sư.

            Một danh nhân khác ở miền Nam hay được tác giả Nguyễn Thanh Liêm nhắc tới là ông Phan Thanh Giản. Như giáo sư Liêm đã giới thiệu, ông là sĩ tử miền Nam đầu tiên đạt được học vị tiến sĩ vì theo Bách khoa tự điển Wikipedia tiếng Việt, năm 1825, ông Phan Thanh Giản đậu Cử nhân khoa Ất Dậu. Sau đó một năm, ông đậu đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826), vào năm 30 tuổi. Ông là người đậu Tiến sĩ khai khoa ở miền Nam. Từ đấy, ông làm quan trải ba triều, là Minh Mạng, Thiệu TrịTự ĐứcÔng Phan Thanh Giản được biết tới nhiều như là vị chánh sứ đại diện Triều đình Huế ký với Pháp hoà ước năm Nhâm Tuất (ngày 5 tháng 6 năm 1862) tại Sài Gòn, nhường cho ngoại quốc 3 tỉnh miền Đông là Biên Hoà, Gia Định và Định Tường và đảo Côn Lôn và một số tài khoản quan trọng. Sau đó ông lại được cử làm chánh sứ sang Pháp điều đình để chuộc lại ba tỉnh nhưng không thành công. Về  cuối đời, với chức Hiệp tá  Đại học sĩ, Hộ bộ Thượng thư, Ông Phan Thanh Giản được  bổ nhiệm làm Kinh lược sứ  coi 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, và Hà Tiên. Nhưng vào thời thế nước nhà, lực lượng phòng vệ không đủ mạnh, những nước Tây phương đã có chủ trương đi chiếm thuộc địa, những ngày t20 đến 24 tháng 6 năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long (vốn đã được trao trả triều đình Huế ngày 25 tháng 5 năm 1863) rồi sau đó là An Giang và Hà Tiên. Trước sức mạnh uy hiếp của Pháp về mặt quân sự, biết thế không thể giữ nổi, nên để tránh đổ máu vô ích, ông Phan Thanh Giản đã quyết định trao thành, không kháng cự, với yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng. Sau khi thành mất ông tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 4 tháng 8 năm 1867, hưởng thọ 72 tuổi. Đền thờ ông Phan Thanh Giản hiện ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre. Và từ rất lâu, nhân dân ở vùng núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang vẫn coi ông là một vị Thành Hoàng. Ông Phan Thanh Giản được nhiều người kính trọng vì tính cương trực, khảng khái, hiếu nghĩa, thanh liêm. Tháng 11 năm 1868, vì làm mất Nam Kỳ, triều đình Huế đã xử ông án "trảm quyết" (nhưng vì chết nên được miễn), lột hết chức tước và cho đục bỏ tên ông ở bia tiến sĩ. Nhiều trí thức đương thời đã tỏ lòng thông cảm cho ông và dâng sớ lên vua Tự Đức để giãi bày nỗi oan cho ông.  Nhà thơ đương thời Nguyễn Đình Chiểu cũng đã tỏ thái độ thương tiếc, trân trọng ông qua bài thơ điếu:

Minh tinh chín chữ lòng son tạc,

Trời đất từ rày mặc gió thu.

Trong bài "Văn Tế Lục Tỉnh Sĩ  Dân Trận Vong",  một lần nữa cụ Đồ Chiểu lại nêu cao tinh thần của ông Phan Thanh Giản qua câu viết Ý người đặng xem tấm bản phong trần, Phan học sĩ hết lòng cứu nước”. Mãi đến năm 1886  ông mới được vua Đồng  Khánh khôi phục nguyên hàm Hiệp tá Đại học sĩ và cho khắc lại tên ở bia tiến sĩ. Và giờ đây, cũng như trường hợp của Tả quân Lê Văn Duyệt, là một võ quan từng bị oan khiên, qua những bài viết, sĩ phu miền Nam là Nguyễn Thanh Liêm đang làm nhiệm vụ  trả lại danh dự xứng đáng cho Phan tiến sĩ.

            Một điều nổi bật ở giáo sư Nguyễn Thanh Liêm là ông chú ý đến những nhà trí thức năng động hăng hái giúp nước như ông Nguyễn Công Trứ. Trong một bài về nền Giáo Dục ở Nam Việt Nam ông đã viết

            “Lớp người được đào tạo từ lò Nho học cũ là lớp trí thức “Sĩ Phu”, lớp người đứng đầu trong tứ dân mà địa vị xã hội đã được Nguyễn Công Trứ ghi trong bốn câu mở đầu bài hát nói “Kẻ Sĩ” của ông:

“Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên,
Có giang sơn thì sĩ đã có tên
Từ Chu Hán vốn sĩ này là quý.”

Giới sĩ phu là giới sát cạnh nhà vua, giúp vua trị nước, thuộc hàng ngũ lãnh đạo quốc gia, là bậc thầy trong xã hội, đóng vai dẫn đầu, điều khiển, hướng dẫn dân chúng trong mọi sinh hoạt bảo vệ và phát triển đất nước. Nước giàu dân mạnh hay suy nhược đói nghèo, trách nhiệm ở giới lãnh đạo, ở Kẻ Sĩ, nhà Nho.”

            Tôi cũng đã có cùng tư tưởng này trong một bài viết về “Kẻ Sĩ Việt Nam Trước Quốc Biến” qua những câu

            “Tôi đã suy nghĩ nhiều về quan niệm rất cao về kẻ sĩ của Nguyễn Công Trứ:

“Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên,
Có giang sơn thì sĩ đã có tên
Từ Chu Hán vốn sĩ này là quý.”

Theo câu thơ thì phẩm tước có năm bậc là: thượng đại phu, hạ đại phu, thượng sĩ, trung sĩ và hạ sĩ thì kẻ sĩ cũng được kể trong đó. Và theo tứ dân: sĩ, nông, công, thương thì sĩ đứng hàng đầu. Nhưng trong thời đại này khi sự truyền bá tư tưởng và thông tin được mở mang cùng cực qua sách vở, báo chí, truyền thanh truyền hình thì theo tôi chữ sĩ được chỉ những người chịu học hỏi để biết thời cuộc, biết đạo nghĩa, biết những điều chính yếu về văn hoá, khoa học, chính trị, kinh tế và xã hội, nhất là biết thế nào là chính, thế nào là tà.”

            Vì đã viết nhiều về tư tưởng của Nguyễn Công Trứ nên giờ đây khi đọc những bài của giáo sư Liêm tôi càng thấy tâm cảm. Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã nhắc nhiều lần đến trường trung học cũ của ông là Collège Le Myre de Vilers sau này trường được đổi thành Lycée và mang tên một danh nhân Miền Nam Việt Nam là cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu, điều làm ông rất hãnh diện. Cũng như giáo sư Liêm, tôi rất kính trọng cụ Đồ Chiểu vì tài năng và nghĩa khí của người. Tháng Bảy năm 1988, khi tình cờ đi công việc đại học ở Nam Cali, tôi được dự lễ húy nhật một trăm năm của cụ Nguyễn Đình Chiểu ở phòng sinh hoạt của nhật báo Người Việt. Được giáo sư Lưu Trung Khảo mời lên phát biểu đôi lời tôi đã đọc lại hai câu thơ trong cuốn  Lục Vân Tiên nhà thơ khí tiết  đã viết để nhắn nhủ thế hệ mai sau

                         Trai thời trung hiếu làm đầu

                         Gái thời tiết hạnh là câu sửa mình 



Tôi đã nói với những thân hào nhân sĩ dự buổi lễ là hai câu này tôi đã học nằm lòng từ buổi ấu thơ và trong tiềm thức đã hướng dẫn cuộc đời tôi trong nửa thế kỷ qua. Nay tôi vui mừng thấy qua những hoạt động của những nhóm nghiên cứu văn hoá Đồng Nai-Cửu Long tinh thần những sĩ phu yêu nước miền Nam được khơi dậy sống động khắp nơi. Tuy sinh trưởng ở miền Bắc mà tôi trọng vọng nhiều nhân sĩ miền Nam vì từ Nam Quan cho tới Cà Mau, đâu chả là đất nước  mình, tinh hoa sông núi trải khắp ba miền. Vì vậy khi nghe trong buổi lễ một vị giáo chức đã than phiền là trong chương trình học đặt song song phần giảng văn Truyện Kiều là một truyện thơ trau chuốt với Lục Vân Tiên là một thi phẩm bình dân là bất lợi cho cụ Nguyễn Đình Chiểu, tôi đã đứng lên bênh vực. Thật ra triết lý đạo hạnh trong Lục Vân Tiên đã vượt trên Truyện Kiều. Ngoài ra, truyện thơ Lục Vân Tiên chỉ là một truyện hàng ngày cụ Đồ ứng khẩu đọc ra cho học trò chép lại. Tuy vậy, đôi khi ta cũng gặp những câu thật thi vị như :



                        Lênh  đênh một chiếc thuyền tình

                        Mười hai bến nước đưa mình vào đâu ?



Nguyễn Bính là nhà thơ giỏi về thể lục bát cũng đã phải mượn bốn chữ  Mười Hai Bến Nước để đặt tên cho thi phẩm của mình xuất bản năm 1942.



            Nhiệm vụ của một giới chức cao cấp trong ngành giáo dục là phải nghiên cứu so sánh nền giáo dục của Việt Nam với nền giáo dục của các nước tân tiến để tùy theo sự phát triển kinh tế của đất nước mà sửa đổi. Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã làm điều này khi đang tại chức vì đặc biệt ông đã được thụ hưởng những học vấn đa dạng là Pháp, Việt, Hán và sau này ở Hoa Kỳ. Giờ đây ông cũng còn viết những bài sưu tầm thật hữu ích như bài nói chuyện của ông về Giáo Dục ở Nam Việt Nam từ Xưa đến Hết Đệ Nhất Cộng Hoà. Tôi cũng nghĩ như người bạn tôi là giáo sư Liêm là những bài viết về luật lệ thi cử và sự tuyển mộ quan trường khi xưa ở nước ta là những tài liệu qúy giá cho con em chúng ta đọc. Những năm cuối của thế kỷ 20 tôi đã viết một loạt bài về Toán Học Vui cho giới trẻ để đăng trên một Nguyệt San ở Texas, và đôi khi tôi cũng dành ít trang sách kể chuyện bên lề cho bài viết bớt khô khan. Trong một bài viết về phương pháp dậy Toán mới trong Thế Kỷ XX của Toán gia Bourbaki tôi cũng có một đoạn viết về sự học ở nước nhà :



            “Dân Việt chỉ thực sự được tiếp xúc với nền khoa học cận đại nói chung và môn toán học nói riêng khi bước vào thế kỷ XX. Vào lúc này chúng ta đã trải qua mấy chục năm sống dưới sự  thống trị của thực dân Pháp. Ở Nam Việt từ năm 1867 khi đã bị hoàn toàn là một thuộc địa của Pháp thì các khoa thi Hương và các truờng học chữ nho bị bãi bỏ và thay thế bằng các trường Pháp Việt. Ở Bắc Việt và Trung Việt thì sự thay đổi được làm từng đợt. Năm 1906 Toàn Quyền Pháp đặt ra Hội Đồng Cải Lương Học Vụ và đặt chương trình học gồm có ba bậc. Nền ấu học dậy ở các làng cả chữ quốc ngữ và chữ nho và kết thúc bằng kỳ thi tuyển sinh. Nền tiểu học, mở ở phủ và huyện cũng dậy cả chữ quốc ngữ lẫn chữ nho và kết thúc bằng kỳ thi khoá sinh. Sau cùng là nền trung học, có các trường mở ở tỉnh và có dậy thêm tiếng Pháp.Từ 1907 thì ở các trường trung học bớt dần sự học chữ nho và tăng thêm sự học tiếng Pháp với chủ đích là đào tạo ra nhiều người biết tiếng Pháp để giúp cho sự cai trị thuộc địa được dễ dàng. Toàn Quyền người Pháp ở Đông Pháp, là tiếng chỉ ba nước Việt, Mên và Lào, đặt ra Nha Học Chánh để thi hành việc cải lương giáo dục. Năm 1911 một nghị sĩ Pháp là Albert Sarraut được bổ nhiệm làm Toàn Quyền Đông Pháp. Là người chú trọng đến sự mở mang văn hoá, ông cho thiết lập thêm các trường học và bệnh viện và đồng thời cũng để cho học sinh Việt được vào học các trường trung học xưa nay chỉ rành riêng cho con em Pháp kiều. Ông không hẳn là ưu ái những người bản xứ nhưng đã làm những công việc này một phần cũng vì bản tường trình của phái đoàn Pavie của Pháp cử sang kinh lý Việt Nam năm 1912. Một thành viên trong phái đoàn đã viết rằng:

“An Nam là xứ của những người văn học, dân chúng rất ham học hỏi. Nước Pháp chỉ có thể được họ cộng tác nếu họ được hấp thụ nền học vấn Âu Tây và ở đây họ cũng chỉ đòi hỏi được như vậy. Chúng ta cần phải có một chính sách hợp tác và cho người dân được học và cho họ được vào làm tất cả mọi công việc. Đông Dương phải là một nước bạn chứ không phải là một nước lệ thuộc. Nếu dân chúng An Nam họ cảm nhận được như vậy, họ sẽ đứng lên và đi sát với chúng ta những ngày hiểm nguy. Trái lại nếu chúng ta kềm hãm nước này lùì lại sau, họ sẽ là kẻ thù lớn nhất của chúng ta”.

Toàn Quyền Albert Sarraut cũng đã làm theo lời tường trình này. Năm 1915 khoá  thi Hương cuối cùng đã diễn ra ở Nam Định. Từ đó không còn những kỳ thi nho học và các bằng cấp được quy định theo tổ chức giáo dục mới theo ba cấp tiểu học, trung học và cao học. Tuy vậy nền cao học vẫn còn giới hạn vào một số các trường Cao đẳng. Sau Đại chiến Thế giới 1914-1918, những thư viện và phòng nghiên cứu đuợc trang bị đầy đủ hơn và một số cơ sở khoa học có giá trị được thiết lập như Trường Viễn Đông Bác Cổ, Viện Hải Học ở Nha Trang, Viện Pasteur được thiết lập ở Saigon, Nha Trang và Hà Nội, và một số các viện hay nha nghiên cứu về canh nông, địa dư, địa chất và khí tượng. Vào những năm cuối hai mươi và những năm đầu ba mươi, trình độ học vấn ở các trường trung học ở Việt Nam như trường Bưởi ở Hà Nội không thua kém gì các trường trung học ở bên Pháp. Tuy vậy theo lên cao học chỉ có trường Thuốc và trường Luật. Những sinh viên khoa học ưu tú phải tìm cách xuất dương du học, và tên tuổi người Việt bắt đầu được thấy ở những trường kỹ sư lớn như trường Bách Khoa (École Polytechnique) ở Paris và ở các phân khoa Khoa Học và Toán Học ở các trường Đại Học bên Pháp.”

            Một trong những đề tài nghiên cứu về giáo dục cần sự uyên bác nhất của chuyên gia ở các nước tân tiến là Comparative Education là sự so sánh những nền học vấn giữa các quốc gia. Trong Đại Tự Điển Quốc Tế Wikipedia cũng có định nghĩa là

            Comparative education is a fully established academic field of study that examines education in one country (or group of countries) by using data and insights drawn from the practises and situation in another country, or countries.

Trong những năm cuối của nền Cộng Hoà Việt Nam, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã là một chuyên gia thật xứng  đáng để phụ trách nền Trung Học vì ông tham bác sự tổ chức giáo dục Tân và Cổ, Đông phương và Tây phương. Với nhiệm vụ là Cố vấn cho Viện Việt Học tôi nghĩ là trong tương lai giáo sư có thể lập ra một nhóm nghiên cứu để viết về vấn đề này thành những tài liệu hữu ích cho những phụ mẫu có con em đang theo học những trường ở hải ngoại. Trong một bài viết trước đây về Toán Gia Abel  của Na Uy trong thế kỷ 19, một người mà sự tầm học trong hoàn cảnh thiếu thốn của đất nước đã phải nhiều gắng công, chịu nhiều hy sinh để có thể đi sang những nước láng giềng là Pháp và Đức để học hỏi thêm, khi nghĩ về hoàn cảnh của nước mình ngày  xưa tôi cũng đã có một đoạn viết như sau:

              “ Qua những khó khăn khi tìm việc của Abel, ta đã thấy ở những thế kỷ trước ở Âu châu, muốn thành một giáo sư, ngoài vốn học thức phải được sự tiến cử của đồng nghiệp. Ở nước ta, từ thế kỷ XI, triều đại nhà Lý bắt đầu dùng chế độ khoa cử rồi tuyển dụng quan lại trong số những người có bằng cấp. Dưới triều nhà Nguyễn vào thế kỷ 19 mà ta đang xét tới, thi cử có 3 kỳ, ở ba cấp bậc là những kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình. Thi Hương cứ ba năm tổ chức một lần ở nhiều nơi. Thời đó ta có các trường thi từ Nam ra Bắc là ở An Giang, Gia Định, Bình Định, Thừa Thiên, Nghệ An, Thanh Hoá, Nam Định và Hà Nội. Thi Hương gồm 4 kỳ gọi là nhất trường, nhị trường, tam trường và tứ trường; thí sinh trúng kỳ trước mới được vào kỳ sau. Trúng 4 kỳ là cử nhân, trúng 3 kỳ là tú tài. Số người đi thi ở mỗi nơi kể có hàng ngàn. Lúc lấy đỗ cử nhân còn vào khoảng 30 người và tú tài chừng 75 người.

            Các vị quan ở trong triều được cử ra làm chánh chủ khảo các trường thi đều có biển đề bốn chữ “Phụng chỉ cầu hiền” là vâng lệnh vua ra tìm người tài giỏi đức độ. Qua năm sau có khoa thi Hội tại bộ Lễ ở kinh đô để những người có học vị cử nhân dự thí. Ai trúng cách thì được vào sân đình nhà vua thi một kỳ cuối cùng, gọi là thi Đình. Những người thi Đình trúng cách được học vị tiến sĩ, nhưng cũng có thứ bực phân biệt được xếp hạng vào ba cái bảng gọi là giáp. Vì vậy ta hay dùng từ khoa bảng hay khoa giáp để chỉ những người có bằng cấp. Ba người giỏi nhất được ghi tên trên bảng đầu gọi là đệ nhất giáp, và theo thứ tự được đề tên trước hay tên sau mà gọi là đệ nhất giáp-đệ nhất danh, đệ nhị danh, và đệ tam danh. Người đứng đầu gọi là Trạng Nguyên, người thứ hai là Bảng Nhãn và người thứ ba là Thám Hoa. Những người được ghi tên vào bảng thứ hai, gọi là đệ nhị giáp, là các ông tiến sĩ xuất thân. Những người xuất sắc khác, cũng trúng cách, được ghi tên vào bảng thứ ba, gọi là đệ tam giáp. Học vị của họ là đồng tiến sĩ xuất thân. Trung bình thì số lượng tiến sĩ mỗi kỳ vào khoảng hơn hai mươi người. Mỗi kỳ còn có vài người, học lực cũng xứng đáng là tiến sĩ, nhưng văn bài đôi khi có điểm thiếu sót, được ghi tên trên một bảng phụ và được nhận học vị phó bảng.

            Những người có học vị từ cử nhân trở lên, dần dà được bổ nhiệm các chức vụ hành chánh ở các châu, huyện hay phủ và dần dần thăng quan tiến chức. Những người theo học chánh, được gọi là học quan, có chức vụ là huấn đạo để coi việc học ở châu, huyện nhỏ, chức vụ giáo thụ coi việc học ở phủ hay huyện hay cao hơn là chức đốc học để coi sóc việc học ở cấp tỉnh. Ở triều Nguyễn, quan chức văn võ chia làm chín phẩm, mỗi phẩm lại có chánh và tòng, thì đốc học ở hàng chánh ngũ phẩm, giáo thụ ở hàng chánh thất phẩm và huấn đạo ở hàng chánh bát phẩm.

            Ở triều Nguyễn, vì sợ những người có học vị cao mà sinh ra kiêu căng, tự phụ, nên có lệ là không phong học vị Trạng Nguyên. Tuy vậy, người dân, tự cổ xưa, vẫn qúy trọng những người có thực tài, và dùng chữ trạng để gọi những người có tài đặc biệt, xuất sắc hơn người, như ở làng Mộ Trạch ở Hải Dương có ông Võ Phong được gọi là trạng vật vì đã đánh ngã được lực sĩ của vua Lê Thánh Tông, và Võ Huyên được gọi là trạng cờ vì vô địch về môn này. Về thời đại vua Lê Cảnh Hưng và chúa Trịnh, có ông Nguyễn Quỳnh (1677-1748) chỉ đỗ cử nhân, nhưng vì có tài biện bác nên dân chúng gọi là Trạng Quỳnh và đặt ra nhiều truyền thuyết về ông.”

            Như tôi đã nói trong phần mở đầu, không phải là sát cánh làm việc cùng nhau mới có thể cùng nhau tâm cảm. Càng đọc nhiều tài liệu giáo sư Nguyễn Thanh liêm đã viết, tôi lại càng thấy ông đã và đang làm những việc tôi thường mong ước có người làm. Nhưng có gì tôi nhận thấy nổi bật ở GS Nguyễn Thanh Liêm là sự hoạt đông hăng say của ông trong Tổ Chức Lê Văn Duyệt Foundation và những Hội đồng hương ở miền đồng bằng Cửu Long Giang. Ông như thấy là thời nay người ta không nghĩ nhiều đến công đức của Tả Quân, đến gương hy sinh cho đất nước và lòng trung dũng của Ngài, đến những sự đóng góp cho giang sơn của nhiều danh nhân khác, và ông cùng các thân hữu đồng chí hướng đã báo động những mối lo sẽ có ngày sông Cửu Long không còn hiền hoà đưa lại lợi nhuận hàng năm cho đồng bằng Nam bộ vì những phá hoại từ phương Bắc. Tôi không, hay chưa gặp lại giáo sư mấy tháng vừa qua. Tuy vậy tôi biết chắc một điều là những gì GS Nguyễn Thanh Liêm đang làm và sẽ làm đều là những điều có ich lợi cho đất nước, và tôi sẽ mãi mãi trong số những nguời đồng hương nhiệt tình ủng hộ ông. GS Nguyễn Xuân Vinh
 



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire