caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

jeudi 4 décembre 2014

BỒ NÔNG LÀ ÔNG BỔ CẮT…Đọc bài viết có giá trị văn học của bác sĩ Nguyễn Xuân Quang/ bài rất dài


BỒ NÔNG LÀ ÔNG BỔ CẮT…

(phần 1)

Nguyễn Xuân Quang

Chúng ta có bài đồng dao:

Bồ nông là ông bổ cắt,

Bổ cắt là bác chim di,

Chim di là dì sáo sậu,

Sáo sậu là cậu sáo đen,

Sáo đen là em tu hú,

Tu hú là chú bồ nông.
Bài hát đồng dao này có sáu loài chim bồ nông, bổ cắt, chim di, sáo sậu, sáo đen và tu hú. Bài hát xoay vòng tròn, vô cùng, vô tận. Tất cả các loài chim đều là họ hàng với nhau nhưng cấp bậc đảo lộn theo chiều vòng quay.
Câu thứ nhất:
Bồ nông là ông bổ cắt.
Câu này cho thấy có hai giống chim: bồ nông và bổ cắt.
a. Bồ Nông.
Bồ nông có tên gọi chung là chim nông:

Con cò con vạc con nông,

Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò.

(Ca dao)

Nông có nghĩa là gì?
Việt ngữ nông có những nghĩa sau:
-Nông là cái BỌC, cái TÚI ví dụ chim nông là con chim bọc, chim túi. Nông là bọc túi thấy rõ qua biến âm với nang có một nghĩa là cái túi (xem dưới). Con nông còn gọi là chim mỏ nông. Chim mỏ nông là loại chim dưới mỏ có cái bao, cái bọc, cái túi để xúc cá.
Thái Lan ngữ chim nông gọi là kra thoong với kra có nghĩa là túi, bao, bọc như kra paohầu bao.
-Nông cũng có nghĩa là cạn, không sâu. Ý nghĩa cạn với sâu này liên hệ với NƯỚC. Nông vì thế cũng liên hệ với NƯỚC. Làm nông là làm nước. Trong việc trồng trọt canh tác thì ‘làm nước’ là việc cốt yếu như thấy rõ qua câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nông với nghĩa nước còn thấy rõ trong các truyền thuyết Mường-Việt cổ: trong chương Chia Năm Chia Tháng của sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước (Đẻ là Mẹ):

Đặt ra tháng tư,

Cho vua Mồng Nông lên phơi lưng
Tác giả Hoàng Anh Nhân giải thích “Mồng Nông: một loài cá rất hiền” (tuyển tập Truyện Thơ Mường, nxb KHXH, Hà Nội, 1986 tr.84).
Ở chỗ khác:

Toóng In nghe Cun Tàng chửi mắng:

Đòi tướng ba ba sông,

Tướng Mồng Nông kéo đến.

Lệnh rằng:

-“Hãy sắm binh cá trê, cá bống,


Đợi binh rái cá,


Chong chóng kéo lên bờ sông cái,

Lên mãi bờ sông con,

Đánh úp nhà lang.”

(Tr. 430-431)
Ở đây tác giả ghi chú “Mồng Nông: Thần giữ bến sông, bến suối”.

Đã tìm được thợ đẽo hay tức

Đã tìm được thợ đẽo đục hay giận

Tìm được thợ chạm con hạc

Thợ tạc con hươu, con rồng

Thợ bận đánh nhau với vua Mồng Nông giữa bãi.

……

Vua Mồng Nông dối dào,

Bỏ chạy nháo chạy xiên.

Vua Mồng Nông mếu máo,

Tráo chân chạy ra sông…

(Tr.448-9).
Mồng Nông rõ ràng là thần sông, thần nước. Mồng chuyển hóa với Mang có nghĩa là thần nước, thần sông như Mang Công là thần sông. Mồng Nông là Mang Nông tức thần nước, thần sông. Rõ ràng Nông là nòng, dòng liên hệ với sông nước.
Bây giờ chúng ta mò tìm những từ biến âm với nông.
Nòng
-Nông biến âm với nòng. Chim nông thuộc ngành nòng, âm.
Theo n=v, níu = víu, nòng = vòng (tròn). Chữ nòng nọc vòng tròn-que  Nòng có hình vòng tròn O.Theo trung tính biểu tượng hư vô, hư không, vô cực; theo nòng nọc, âm dương đề huề ở dạng nhất thể biểu tượng cho trứng vũ trụ (O tròn như quả trứng gà). Theo duy âm biểu tượng cho âm, nữ, bộ phận sinh dục nữ, Khôn âm, không gian âm, thái âm, mặt trời đĩa tròn âm, nước thái âm… Theo duy dương biểu tượng cho nòng dương, Khôn dương, không gian dương, thiếu âm, khí gió, mặt trời âm nam đĩa tròn, nước thái dương… (xem Chữ Nòng Nọc Vòng Tròn-Que Nòng Vòng Tròn O).
Nang
Như đã nói ở trên, theo qui luật biến âm o=a (hột = hạt), ta có nông = nang.
Nang là cái bao, cái bọc, cái trứng, quả cau.
-Nang là cái bọc.
Nang là cái bọc, cái túi thấy rõ qua danh từ y học bướu nang chỉ cái bướu bọc ứng với từ cyst của Anh Pháp, Latin cystis, gốc chữ Hy Lạp -cysto-, bao, bọc, túi (cholecystectomy, cắt bỏ túi mật, cystectomy, cắt bọng đái.). Cyst- biến âm với Việt ngữ kén, cái bao, bọc con nhộng. Kén hàm nghĩa bao bọc thấy qua từ y học phimosis là chứng da qui đầu bọc kín, dịch là chứng kén da qui đầu.
Nang là bao, túi, bọc cũng biểu tượng cho dạ con, âm đạo, Pháp ngữ vagin, Anh ngữ vagina có nghĩa là cái bao, cái túi, vỏ bao kiếm, theo chuyển hóa v=b như víu = bíu, vag(in,-ina) = bag, cái túi cái bao… Nang biến âm với nường: bộ phận sinh dục nữ (nõ nường).
-Nang là quả cau. Mo nang là cái bao, cái bọc hoa cau (theo biến âm m=b, mo = bo = bồ = bao). Người Mường ngày nay vẫn gọi cau là nang (Ý Nghĩa Miếng Trầu). Mã Lai ngữ pinang là cau. Đảo Pinang hay Pénang (Pháp ngữ), nơi Hoàng Tử Cảnh và Bá Đa Lộc đã ở, là Đảo Cau. Pinang biến âm với Hán ngữ binh lang là cau.
-Nang là trứng.
Như đã thấy ở trên, nang là cau. Quả cau nang là quả giống quả trứng. Về hình dạng bên ngoài thuôn tròn trái soan, cau trông giống quả trứng. Quả cau có hột tròn bao quanh bởi lớp thịt trắng, trông giống lòng đỏ và lòng trắng của trứng. Bổ dọc một quả cau ra làm đôi trông giống hệt một quả trứng luộc bổ dọc làm hai.
Ta cũng đã biết nang biến âm của nông có một nghĩa là nước. Trứng khởi đầu là một tế bào mầm có nước bên trong, là một bọc nước, túi nước vì thế mới có từ trứng nước có nghĩa là khởi thủy, mầm mống (dập tắt âm mưu ngay từ trong trứng nước). Ta có nang = nông = nước = trứng.
Như thế nang là cái bọc, cái trứng, hàm nghĩa nước, quả cau hình trứng.
Chim nông là chim nang hàm nghĩa trứng cũng thấy qua tên Mã Lai ngữ của chim nông là undan. Ta thấy undan gần cận với Phạn ngữ anda, trứng.
Con nông là chim nang, chim đẻ ra trứng vũ trụ.
Nang là nước
Nang cũng liên hệ tới nước có nước vì nang có na(ng) là gốc na- là nã, lã, nác, nước.
Không
Theo qui luật biến âm kh=n như khỏ (khô, trái bưởi khỏ là trái bưởi múi bị khô) = nỏ, khện = nện, nông biến âm với không. Ta cũng thấy Pháp ngữ non (đọc là ‘nông’ có nghĩa là không) biến âm với Việt ngữ không. Pháp ngữ non = không (Việt ngữ).
Nông hàm nghĩa không. Chim nông có khuôn mặt biểu tượng cho không gian, vòm trời, khí gió vũ trụ.
Tóm lại Nông biến âm với NÒNG có tất cả các ý nghĩa liên hệ với Nòng trong Vũ Trụ Tạo Sinh của Vũ Trụ giáo dựa trên nguyên lý nòng nọc, âm dương, Dịch lý về phía nòng âm.
Ở cõi tạo hóa có những khuôn mặt chính:
. Ở tầng Hư Vô
Theo trung tính biểu tượng cho HƯ KHÔNG. Bọc bao túi trống không biểu tượng cho hư vô, hư không, vô cực.
Lúc này là con chim Nông Không.
. Ở tầng thái cực, Trứng Vũ Trụ
Theo duy nòng nọc, âm dương nhất thể biểu tượng cho Trứng Vũ Trụ ngành nòng âm.
Lúc này là con chim Nông Nang Trứng.
. Ở tầng lưỡng nghi
Theo duy âm biểu tượng cho cực âm.
Lúc này là con chim Nông Nòng, Khôn.
. Ở tầng tứ tượng
Ở đây nòng Khôn chia ra hai khuôn mặt theo tính nòng nọc, âm dương của Khôn. Khôn âm là thái âm (nước), lúc này là con Bồ Nông.
Bồ nông với bồ có nghĩa là bao, bọc: bồ lúa, bồ gạo là vật đựng hình bao, hình bọc. Ta có từ đôi bồ bịch tức bồ = bịch với bịch có một nghĩa là bao như bịch đường, bịch thóc. Bồ bịch có một nghĩa là có bạn tình. Có bồ, có bịch là có bao, có bọc, có nang, có nường, có gái. Bồ biến âm với bầu, bào, bao có nghĩa là bọc mang âm tính. Như thế bồ nông là chim nòng là bao bọc mang hai âm tính tức thái âm có một khuôn mặt là chim biểu của tượng nước thái âm.
Khôn dương là thiếu âm (khí gió), lúc này là con Bổ Nông.
Còn bổ nông có bổ là búa mang dương tính bổ, nọc. Chim bổ nông là chim “bọc mang dương tính”, nòng dương là chim biểu của Khôn dương tượng khí gió thiếu âm.
Kiểm Chứng Bằng Chữ Nòng Nọc Vòng Tròn-Que
Rõ hơn ta có thể kiểm điểm lại bằng chữ viết nòng nọc:
. Chim Nông Không
Chim nông với nông biến âm với nòng O. O tròn là vòng tròn có một khuôn mặt là con số không (0). Chim nông O có một khuôn mặt biểu tượng cho Hư Không, Hư Vô
Lúc này con nông diễn tả theo chữ nòng nọc vòng tròn-que thì viết bằng chữ vòng tròn nòng O với nét hơi đậm (vì nghiêng về phía âm).
.Chim Nông Nang Trứng.
Vòng tròn số không cũng là hình trứng như O tròn như quả trứng gà. Chim nông có một khuôn mặt biểu tượng cho Trứng Vũ Trụ, thái cực.
Thêm vào đó, lúc này con nông cũng được diễn tả theo chữ nòng nọc vòng tròn-que  viết bằng từ (word) vòng tròn-chấm với nghĩa nòng nọc, âm dương nhất thể, Trứng Vũ Trụ.
. Chim Nông Nòng, Khôn.
O là chữ Nòng hình vòng tròn mang hình ảnh lỗ sinh dục phái nữ nên có một khuôn mặt biểu tượng cho nữ, âm, cực âm, nòng, Khôn thái âm.
Lúc này con nông diễn tả theo chữ nòng nọc vòng tròn-que thì viết bắng chữ nòng vòng tròn O có nét đậm gấp đôi bình thường mang tính thái âm của cực âm (thái âm là hai âm nên vòng tròn có nét đậm, dầy gấp đôi).
. Chim Nông Nước thái âm
Nnhư đã biết ở tầng tứ tượng, Khôn âm (thái âm) có một khuôn mặt nước nguyên khởi (primeval water), lúc này con nông được gọi là Bồ Nông. Chim bồ nông với bồbao  tức nòng O và nông cũng là nòng O; bồ nông = OO, thái âm.
Còn Khôn dương tức dương I của O, tức thiếu dương IO khí gió nguyên khởi (primeval air), lúc này con nông có tên là Bổ Nông. Chim bổ nông với bổ là búa là nọc (|), và nông là O; bổ nông = |O, thiếu âm có khuôn mặt khí gió.
Lưu Ý
Về ngôn ngữ học, những từ đôi bổ cắt, bồ cắt, bổ nông, bồ nông nếu coi bổ, bồ là hai tính từ (adjectives) thì bổ cắt là con cắt ‘búa’, cắt nọc, cắt đực; bổ nông là con nông đực; bồ cắt là con cắt bọc, nang, nàng, cắt cái và bồ nông là con nông cái. Ở đây ta thấy các loài chim này dùng trong Vũ Trụ Tạo Sinh diễn đạt Dịch lý nên chúng phải được coi như là có hai yếu tố nòng nọc, âm dương là hai danh từ. Bổ là danh từ là nọc I và bồ là danh từ là nòng O nghĩa là bổ cắt = II, thái dương, bồ cắt = OI, thiếu dương, bổ nông IO, thiếu âm và bồ nông OO, thái âm.
Như thế chim nông diễn tả sự sinh tạo, tạo hóa ở thượng thế được diễn tả qua chữ nòng nọc vòng tròn-que bằng các chữ nòng O nét hơi đậm, chữ O thon hình trứng, từ vòng tròn-chấm, nòng O đậm nét hay hai nòng OO và nọc nòng IO.
Có thật sự con nông là chim tổ tối cao của chúng ta không? Để kiểm chứng ta căn cứ vào hai bộ sử chính của chúng ta là bộ sử miệng ca dao tục ngữ, truyền thuyết Việt và bộ sử đồng Đông sơn
Qua Sử Miệng Ca dao “Ngàn Năm Bia Miệng”
Chim nông là vật tổ đứng hàng đầu như đã thấy qua bài đồng dao “Bồ nông là ông bổ cắt”… này.
Bài hát có thể có nhiều dị bản nhưng dù bản nào đi nữa thì bao giờ con nông cũng được xếp lên trên hết.
Con nông được tôn thờ như một vật tổ, được coi như một thứ hèm (theo qui luật biến âm h = k như hì hì = khì khì, ta có hèm = khem) có nghĩa là kiêng khem, kiêng kỵ (taboo) không được ăn thịt còn thấy qua câu ca dao:

Con cò, con vạc, con nông,

Ba con cùng béo, vặt lông con nào?

Vặt lông con cốc cho tao,

Hành răm mắm muối cho vào mà thuôn.
Con nông vật tổ tối thượng, tối cao dù cho có ‘béo’ cũng không được ăn thịt, vì vật tổ là một taboo, một thứ cấm kỵ. Ở đây ta cũng thấy con cò con vạc cũng không được ăn thịt, như thế cò vạc cũng là những vật tổ (xem Con Cò Bay Lả Bay La…). Còn con cốc có thể không phải là vật tổ của chúng ta hay là chim tổ của một tộc thù nghịch của chúng ta trong đại tộc Việt nên ăn thịt được, cho dù không thấy nói đến nó có béo hay không.
Người Mường cũng có vật tổ là Chim Trứng. Trong bài hát tế “Đẻ Đất Đẻ Nước” (tức Mẹ Đất Mẹ Nước) của người Mường, có đoạn nói đến:

Trời với đất còn dính làm một

……

Chưa có chim tráng, chim trủng.
Trương Sỹ Hùng Bùi Thiện cắt nghĩa chim tráng là loại diều hâu, không hiểu loài diều hâu gì vì nhiều loại. Chim trủng là loại chim hay kêu về tháng 2, 3, kêu hai tiếng một não nuột (tập I tr. 732). Đây là giải thích theo ngày nay.
Theo câu “Trời với đất còn dính làm một”, có nghĩa là khi trời đất còn ở dưới trạng thái bọc thái cực, quả trứng vũ trụ thì chim ‘trủng’ là chim ‘trứng’, chim nang, chim nàng và chim ‘tráng’ là chim ‘chàng’ (chàng là chisel đục, đực là chim cắt, xem dưới). Chim Trủng là chim Trứng tức là con Nông đẻ ra trứng vũ trụ.
Để kiểm chứng lại, xin đối chiếu với tộc người Ao Naga ở Assam, ngày nay sống ở miền cực tây địa khối Vân Nam. Ao là Âu. Naga là Rắn. Naga thần thoại hóa thành Rồng Naga trong Ấn giáo. Ao Naga là Âu-Long ruột thịt với Âu Lạc của An Dương Vương. Giống hệt chúng ta người Ao ở Nagaland thờ thần Bầu Trời có tên là Anung.
A là di duệ của chữ nòng nọc vòng tròn-que hình nọc mũi mác, tam giác biến thể có nghĩa là nọc, lửa thái dương, lửa vũ trụ Càn. Trong tín ngưỡng chỉ các thần tổ ngành nọc, lửa mặt trời. Do đó tên các vị thần này đều khởi đầu bằng chữ A như A Đuốk là Hùng Vương (Bình Nguyên Lộc), các vị thần tổ của Maya đều khởi đầu bằng chữ A như Ah Kinchil, thần mặt trời, Ah Puch, thần chết; thần mặt trời Ai Cập cổ Atum, Atom, Aten, Ba Tư ngữ Atar là Thần Lửa, thần tổ loài người trong Thiên Chúa giáo là Adam… Nung là Nông. Như thế theo duy dương Anung là Thần bầu Trời Nam thái dương ứng với Thần Nông mang tính thái dương. Theo duy âm ta lấy nghĩa thái dương của A thì ứng với Nữ Thần Nông thái dương. Thần Bầu Trời Anung của Ao Naga cũng có thể có lưỡng tính như Thần Nông-Viêm Đế lưỡng tính nhất thể của chúng ta.
Ao Naga có taboo không ăn trứng. Như thế Anung rõ ràng liên hệ với Thần Nông có chim biểu nông đẻ ra trứng vũ trụ.
Qua Sử Đồng Đông Sơn
Chứng tích hùng hồn nhất, vững chắc nhất là hình con nông còn thấy trong đồ đồng Đông Sơn.
.Trên trống đồng
Trên trống Ngọc Lũ I, cùng với hàng hươu là hai nhóm chim bay, một bên bán viên có 6 con, một bên có 8 con. Chim này mỏ to, đầu to, đuôi ngắn. Chú ý kỹ ta thấy chim có cái túi dưới cổ. Con đầu tiên cái túi che hết chiều dài cái mỏ. Đây chính là chim nông.
clip_image002
Chim nông trên mặt trống Ngọc Lũ I.

Con mắt chim là con mắt âm viết bằng chữ nòng nọc vòng tròn-que hai vòng tròn đồng tâm có chấm. Hai vòng tròn là hai âm, thái âm có một nghĩa là nước, xác thực con chim là con chim nước, chim nông.
Trên trống đồng Hoàng Hạ nơi thân trống có hình hai con chim mỏ phình to như cái túi. Đây là hai con chim nông đang giao hợp.
clip_image004
vân vân… (xem chương Thế Giới Loài Vật Trên Trống Đồng, Giải Đọc Trống Đồng Đông Nam Á).
.Trên thạp đồng
Ngoài ra có rất nhiều hình chim nông trên các thạp đồng bởi vì thạp đồng dùng làm vật mai táng. Chim nông ở trên thạp đồng dùng mai táng thường biểu tượng cho hư vô, tạo hóa (thái cực, Trứng Vũ Trụ) mang nghĩa tái sinh, hằng cửu…Con người chết là trở về với Hư Vô, nơi vĩnh hằng, trở về thái cực, Trứng Vũ Trụ nơi sinh tạo để được tái sinh.
Xin đề cử một ví dụ tiêu biểu là ở thạp đồng Hợp Minh, Yên Bái.
clip_image005
Tượng chim nông trên nắp thạp đồng Hợp Minh (nguồn: Hà Văn Phùng).

.
clip_image006
clip_image008
Vành chim nông ở phần trên thân thạp.

(xem Thạp Đồng Đông Sơn).
.Tượng chim nông Đông Sơn
Có cả các tượng đồng thờ chim nông riêng rẽ.
clip_image010
Một tượng chim nông riêng biệt (nguồn: vietnamfinearts.blogspot.com).

Tóm Tắt
Như thế chim Nông có những khuôn mặt biểu tượng chính là chim biểu của Bọc Hư Không (Vô cực), Trứng Vũ Trụ (Thái Cực), Cực âm nòng (Khôn) ở tầng lưỡng nghi và ở tầng tứ tượng là thiếu âm khí gió Bổ Nông và thái âm nước vũ trụ Bồ Nông.
Về chim học (ornithology) con nông là loài chim sống ở vùng sông hồ nước ngọt và bờ biển. Nông ngày nay thuộc họ dạng con nông đã xuất hiện cách đây từ hàng 100 triệu năm lên tới tận thời khủng long. Chim nông là loài chim ngày nay còn mang hình thù cổ quái của các loài khủng điểu ngày xưa. Con nông là loài chim nước chân có màng là chim biểu của đại tộc Việt có nền văn hóa Nước, làm nông nghiệp. Chim nông là vật tổ tối cao tối thượng, chim đẻ ra trứng vũ trụ của ngành nòng, âm Thần Nông của Bách Việt. Thần Nông của Việt Nam tuyệt nhiên không phải là ông Thần Nông đầu bò của Trung Quốc. Trung Quốc đã lấy Thần Nông, vị thần sáng thế của chúng ta rồi sửa đổi đi (xem dưới).
Ở câu đầu bài hát này chim nông ở dạng bồ nông thái âm có một khuôn mặt biểu tượng cho cực âm ở tầng tứ tượng.

BỒ NÔNG LÀ ÔNG BỔ CẮT…


(phần 2 và hết)
Nguyễn Xuân Quang
b. Bổ Cắt
Bổ cắt thuộc loài chim cắt, cao cát, bổ cu, hồng hoàng, Anh ngữ gọi là hornbill (mỏ sừng).

Bổ cu, bổ cắt,

Tha rác lên cây,

Gió đánh lung lay,

Là ông Cao Tổ.

Những người mặt rỗ,

Là bố Tiêu Hà.

Nước chẩy đường xa,

Là dượng Tào Tháo.

Đánh bạc cố áo,

Là anh Trần Bì.
Đây là bài đồng dao chơi chữ có nhắc đến những nhân vật cổ sử Trung Quốc như Hán Cao Tổ, Tiêu Hà, Tào Tháo… Chim cắt thường tha rác làm tổ trên đỉnh ngọn cây. Tổ rất cao nên gọi là cao tổ. Cao Tổ cũng có nghĩa là ông tổ tối cao và Cao Tổ cũng là vua Cao Tổ sáng lập ra nhà Hán. Tiêu Hà là một nhân vật lịch sử mà tiêu hà cũng có nghĩa là bị sâu hà ăn lỗ chỗ như hạt tiêu (ví dụ khoai lang bị hà ăn lỗ chỗ) trông như người mặt rỗ. Tào Tháo là nhân vật đời Tam Quốc mà tào tháo cũng có nghĩa là “đào tháo” nước cho nước chẩy đi xa. “Nước chẩy” cũng có nghĩa là đi tháo dạ ra nước (tức tiêu chẩy). Nhân vật Táo Tháo bị thua chạy, phải “Tháo chậy” nhiều lần vãi… cả hai thứ ra quần nên mỗi lần bị tháo dạ, tiêu chẩy chúng ta thường nói là bị Tào Tháo đuổi. Còn Trần Bì là tên người họ Trần nhưng trần bì cũng có nghĩa là ở trần phơi bì, phơi da ra, trần bì là mặc “áo da”. Đánh bạc cầm cố mất áo nên là anh trần bì ở trần phơi da ra là vậy (có nhiều bản chép là Trần Bình là sai). Qua bài đồng dao này, nếu nhìn dưới lăng kính vũ trụ tạo sinh, ta thấy chim bổ cu, chim cắt “Cao tổ” là tổ tối cao của vũ trụ trời đất của ngành nọc dương hay vào thời phụ quyền.
Chim cắt có mỏ lớn và dài (prominent bill) như mỏ rìu, vì thế còn có tên là chim rìu:

Cũng còn có chú mỏ rìu,

Rõ là tay thợ, khẳng khiu chán chường.

(Vè con chim).
clip_image002
Chim mỏ rìu lớn (Great Hornbill).

Mỏ của chim cắt, chim rìu là yếu tố chủ yếu, nổi bật, đập vào mắt. Có giống bổ cắt có sừng ngà hay “mũ bảo vệ đầu” (bony casque or helmet). Mỏ vừa có bổ (mỏ) vừa có sừng đúng như tên Anh ngữ hornbill là ‘mỏ sừng". Từ cắt liên hệ với Anh ngữ cut (cắt), Phạn ngữ khad, to divide, to break, ta có k(h)ad= khắc = cắt (t=d), Tiền cổ-Ấn Âu ngữ *kès- cut và gốc Ngôn ngữ của chúng ta Nostratic *k’ca. Bổ cắt là chim có cái mỏ rất lớn như cái rìu để cắt chặt. Theo chuyển hóa c=h (cùi = hủi), ta có cắt, cát, các = hac, hache (Pháp ngữ), hacha (Tây Ban Nha ngữ), hack (Anh ngữ) rìu, búa chim… Chim cắt là chim rìu, chim Việt của đại tộc Việt (xem Truyện Con Chim Bổ Sập Nhà Bố Vợ trong KQKTCSHV và Chim Việt).
Để ngắn gọn, ta đối chiếu ngay với chim nông. Như thế chim cắt cũng là chim biểu ở cõi sáng thế ở ngành nọc dương. Ta suy ra chim cắt cũng có năm khuôn mặt chính.
Ở những nơi khác, theo duy dương, Hư Không chuyển qua dương trước tức qua Gò Đống, Núi Nguyên Khởi đối ứng với Biển Vũ Trụ, chim cắt vì thế cũng có một khuôn mặt là Hư Không chuyển qua dương Gò Đống Nguyên Khởi trước.
Trong hệ thống nòng nọc vòng tròn-que thì vòng tròn Hư Không (O) mở ra thành que nọc (I) Gò Đống Nguyên Khởi.
Sau đó BiểnKhông Gian hiện ra bao quanh Gò Đống Nguyên Khởi ta có dạng nòng nọc, âm dương nhất thể của ngành nọc dương, ta có chim cắt dạng nòng nọc, âm dương nhất thể ứng với thái cực, Trứng Vũ Trụ (lúc này trứng có khuôn mặt dương trội gọi là hột trứng như người Miền Trung Nam hay gọi ví dụ hột gà, hột vịt lộn. Trong khi phía âm Thần Nông gọi là cái trứng).
Lúc này chim cắt nhất thể diễn tả bằng chữ nòng nọc vòng tròn-que bằng chữ chấm mặt trời có nọc chấm đậm hơn vòng tròn.
Ở tầng lưỡng nghi chim cắt có khuôn mặt biểu tượng của Cực Dương. Đây là con bổ tắt, chim cắt nọc, lửa, mặt trời đối ứng với chim bồ nông biểu tượng cho cực âm nòng, nước, không gian.
Chim nọc cắt ở cực dương cũng biểu tượng cho bộ phận sinh dục nam. Cắt cùng vần với c…c, cược là cọc. Vì thế bổ cắt còn gọi là bổ cu (lưu ý bổ cu và bồ cu khác nhau, bổ cu viết với từ bổ khác với chim bồ câu, bồ cu viết với chữ bồ).
Ở tầng tứ tượng chim cắt có hai khuôn mặt là:
.bổ cắt có bổ là búa là nọc (I) và cắt là rìu, vật nhọn cũng là nọc (I). Bổ cắt = II, lửa, thái dương.
-bồ cắt có bồ là bọc, bao là nòng (O) và cắt là (I). Bồ cắt = OI, thiếu dương, đá đất nguyên khởi (thiên thạch), lửa thiếu dương.
Tóm Tắt
Như thế chim Cắt có những khuôn mặt biểu tượng chính là chim biểu của Bọc Hư Không (Vô cực) dưới dạng vòng tròn trung tính ngả qua dương tính thành vòng tròn mang dương tính hay chấm nọc, chuyển qua Gò Đống Nguyên Khởi trước, hột Trứng Vũ Trụ (Thái Cực), Cực dương ở tầng lưỡng nghi và ở tầng tứ tượng là thiếu dương lửa Đất Bồ Cắt và thái dương lửa vũ trụ Bổ Cắt.
Như vậy ở tầng tứ tượng phía chim nông nòng âm Thần Nông, có bồ nông OO diễn tả thái âm, nước thái âm ứng với Chấn và bổ nông IO diển tả thiếu âm, khí gió ứng với Đoài vũ trụ.
Phía chim cắt nọc dương Viêm Đế có bổ cắt II thái dương ứng với lửa vũ trụ Càn và bồ cắt OI diễn tả thiếu dương ứng với lửa đất thế gian Li.
Lưu ý
Ở đây bài hát này diễn tả các vật tổ chim của Việt Nam thuộc ngành nòng âm Thần Nông có nghĩa là chim nông là chim biểu tối cao tối thượng ở cõi Vũ Trụ Tạo Sinh còn chim cắt chỉ là cháu của chim nông như thấy qua câu hát ‘Bồ nông là ông bổ cắt’ nên chim cắt ở đây chỉ có khuôn mặt biểu tượng kể từ tầng lưỡng nghi trở xuống (không có khuôn mặt biểu tượng ở Hư Vô, Thái Cực). Điều này giải thích tại sao trong câu hát viết là ‘bổ cắt’ tức nọc dương, cực dương, II, lửa, thái dương, mặt trời thái dương.
Ở bài hát này, chim nông ở dạng bồ nông (thái âm, cực âm) và chim cắt ở dạng bổ cắt (thái dương, cực dương) tức ở tầng lưỡng nghi.
Chứng tích chim cắt là chim tổ của chúng ta còn thấy rất rõ qua nhiều lãnh vực. Tôi đã viết chi tiết ở bài Hình Bóng Chim Việt Ở Văn Miếu Hà Nội và Hình Bóng Chim Việt ở Địa Bàn Bách Việt Cũ. Chỉ xin nhắc lại vài điểm chính ở đây.
Qua Sử Miệng và Sử Sách
Chim cắt, bổ cu, chim rìu, chim Việt là chim tổ ngành nọc Việt thái dương mặt trời Viêm Đế nên thấy trong đám ma cò, bổ cu làm chủ tế.

Con cò chết rũ trên cây,
Bổ cu mở lịch xem ngày làm ma,
Cà cuống uống rượu la đà,
Bao nhiêu ếch nhái nhẩy ra chia phần.
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao…
Cò Lang, chim biểu của Hùng Vương là chim Việt sống ở bờ nước thuộc họ Việt mặt trời thái dương nên khi chết được chim bổ cu, bổ cắt là chim biểu của họ Việt mặt trời thái dương Viêm Đế đứng ra làm chủ lễ chọn ngày lành, giờ tốt, cử đám ma: “bổ cu mở lịch xem ngày làm ma” là vậy. Trong đám ma cò có đủ mặt đại diện của các tộc khác đến tham dự như cà cuống là con cá cuống là con nọc nước là đại diện của tộc cha nước, mặt trời nọc nước; ếch nhái là đại diện của tộc mẹ lửa thái dương, mặt trời nữ thái dương ngành lửa thái dương; chim chích là chim nọc nhọn đại diện tộc núi nọc và chim chào mào đại diện tộc gió. Đám ma cò Lang Việt có Bổ cu chim biểu của thần mặt trời Viêm Đế, thần tổ tối cao của ngành nọc lửa ở cõi tạo hóa; chim chích  chim biểu của mặt trời Đất Núi Kinh Dương vương, cà cuống là bọ nước biểu tượng của mặt trời Nước Lạc Long Quân, ếch nhái biểu tượng cho mặt trời Lửa Âu Cơ thái dương thần nữ và chào mào chim biểu của mặt trời gió Tổ Hùng.
Ngoài ra, tùy theo tộc, theo vùng còn có các dị bản khác:

Con cò chết rũ trên cây,
Bổ cu mở lịch xem ngày làm ma,
Cà cuống uống rượu la đà,
Chim di ríu rít  nhẩy ra chia phần.
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao…
Dị bản này cho thấy Nàng Lửa Âu cơ bị chim Di Lửa thay thế.
hay

Con cò mắc dò mà chết,
Con quạ mua nếp làm chay,
Con cu đánh trống ba ngày,
Chào mào đội mũ làm thầy đọc văn,
Xóm làng chạy đến lăng xăng,
Mua ba thước vải buộc khăn cho cò.
Qua dị bản này ta thấy người đứng làm chủ lễ đám ma cò là con quạ, chim biểu của mặt trời lặn, một khuôn mặt của Lạc Long Quân tức phía nòng âm Thần Nông.
Vào tới miền Nam bài hát đám ma cò lại được hát như sau:

Con cò mắc dò mà chết,
Con quạ mua nếp làm chay,
Con cu đánh trống ba ngày,
Con ngỗng thức dậy, gọi bầy mâm ra.
Con cộc ăn cá ngâm nga,
Con chim cà cưỡng phải ra ăn mày.

……
Ở đây  có con ngỗng. Ngỗng là chim biểu của Âu Cơ , Nàng Lửa. Ngỗng thay cho ếch nhái.
(Con Cò Lặn Lội Bờ Ao).
Về truyền thuyết thì Mường Việt cổ có vật tổ chim Tráng, chim Cháng:

Trời với đất còn dính làm một

……

Chưa có chim tráng, chim trủng.

Chim tráng, chim cháng, chim chàng là chim đục (chàng cũng có nghĩa là chisel, đục), chim Rìu, chim Việt, bổ cắt, chim hồng hoàng.
Theo truyền thuyết Mường hai con him Kláng, Klao (tương ứng với truyền thuyết khác là chim Ây, cái Ứa) đẻ ra trứng trăm trứng nghìn, nở ra muôn vật muôn loài, đẻ ra người Đáo (tức người Kinh, người Việt) đẻ ra người Mường…Từ Kláng chuyển sang Việt ngữ là Tráng, Chàng (đục), Lang tức chim mỏ cắt (xem chương Nhận Diện Danh Tính Hùng Vương trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).
Chim mỏ cắt cũng còn gọi là chim khướng như thấy trong truyện thơ Mường:

Khách phương nào tới

Mà sao tốt tướng oai nghi

Như con chim khướng mấy thu mấy thì

Bay qua lèn đá dựng,

Đã đứng nên đứng,

Đã ngồi nên ngồi…

(Truyện Út Lót – Hồ Liêu, Hoàng Anh Nhân, t.2, tr.99).
Tác giả trên giải thích “Chim Khướng: loại chim lớn, mỏ to và trên mỏ có mũ sừng cứng, thường gọi là chim Phượng hoàng đất”.  Ta thấy (chim) khướng = khường =sường = sừng. Con chim khướng là con chim sừng (đầu có mũ sừng), tức chim hornbill và ta cũng thấy khướng biến âm với Hán Việt khương (có nghĩa là sừng). Chim khướng là chim sừng, chim khương. Viêm Đế có họ là Khương (sừng) như thế chim Sừng Khướng mỏ cắt là chim biểu của thần mặt trời Viêm Đế họ Khương, của Viêm Việt.
Người Ê-đê có chim mling, mlang thấy qua bài hát

Anh đến từ nơi xa,

Anh mang theo chim mơ-linh từ nhà,

Chim mơ-lang từ buôn.

Anh nghĩ rằng em là con gái chưa tơ vương…

(Vũ Ngọc Phan, Tục Ngữ, Cao Dao, Dân Ca, Việt Nam).
Chim mling, mơ lang này chính là chim cắt. Điểm này ăn khớp trăm phần trăm với Mã Lai ngữ langling: the Southern pied hornbill (chim cắt có lông sặc sỡ, nhiều màu ở miền Nam). Ta cũng thấy rất rõ Mã ngữ lang: a generic name for hauks, kites and eagles (một tên chủng loại chỉ diều hâu và ó, ưng). Như thế chim lang, chim linh chỉ chung loài mãnh cầm, loài chim mang hùng tính biểu tượng cho đực, dương, phái nam, mặt trời. Nhiều loài chim ở Việt Nam thuộc loài chim ưng (falcon) cũng gọi là chim cắt như chim cắt bồ hóng. Điểm này ăn khớp trăm phần trăm với hai từ langlinh trong Việt ngữ. Việt ngữ langchàng, con trai. Linh ruột thịt với Ấn ngữ linga (bộ phận sinh dục nam). Linh biến âm với lính (ngày xưa chỉ đàn ông con trai mới phải đi lính), với đinh theo kiểu biến âm linh đinh. Đinh là con trai, thanh niên như tráng đinh, lễ thành đinh. Rõ ràng chim mlang, mling là chim langling, chim cắt, chim chàng, chim lang, chim rìu, loài chim mang biểu tượng cho đực, dương, hùng tính, mặt trời tức chim Việt.
Hình bóng chim cắt, chim Việt còn thấy rất nhiều ở các tộc khác của Bách Việt. Xin đưa ra một vài dụ.
Thổ dân Kelantan, Borneo có truyện thần thoại Con Chim Torok hay Burong Tebang Rumah Bapok Mentua (Con Chim Bổ Sập Nhà Bố Vợ) của. Chim Torok là chim bổ cắt. Mã ngữ torokthọc, thục, đục, (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).
Hai vật tổ tối cao tối thượng của người Ngaju thuộc tộc Dayak (tác giả Kim Định cho họ là Bộc Việt), ở miền Nam Borneo là Rắn Nước (Watersnake) và Mỏ Cắt (Hornbill). Chim Cắt gọi làTingang, trong ngôn ngữ của thầy tế pháp sư gọi là bungai. Vật tổ này thường thấy ở Cây Đời Sống (Cây Vũ Trụ, Cây Tam Thế),
clip_image004
Cây Đời Sống, Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ của người Dayak dưới dạng lưỡng hợp chim Cắt và Rắn Nước.

trên hình Thuyền Chim Cắt, Thuyền Rắn Nước, những con thuyền mà các thần tổ dùng đi từ thượng giới xuống trần gian hay dùng làm thuyền tang, thuyền linh hồn, thuyền vong.
Thuyền vong hình Rắn Nước cho phái nam và thuyền vong hình Chim Cắt cho phái nữ. Chim bổ cắt đầu thuyền có nét đặc thù chuyên biệt là mỏ đang mổ một quả hay hạt thức ăn.
clip_image006
Thuyền linh hồn bổ cắt hay thuyền châu báu dành cho phái nữ của người Ngaju (Hans Scharer, Plate XIX, illustration 22). Lưu ý đầu thuyền đầu chim bổ cắt đang mổ một quả hay hạt thức ăn.
Họ cũng có quan tài chim cắt. Quan tài dành cho phái nữ thường đầu có hình chim Bổ Cắt để có dạng âm dương hôn phối và quan tài dành cho phái nam có hình Rắn Nước để có dạng dương âm hôn phối, mong hồn người chết được tái sinh hay về miền hằng cửu. Chim bổ cắt đầu quan tài cũng có nét đặc thù chuyên biệt là mỏ đang ngậm một quả hay một hạt thức ăn.
clip_image008
Quan tài hình chim bổ cắt dành cho phái nữ và rắn-nước dành cho phái nam của người Ngaju, Dayak, Borneo (Hans Scharer). Lưu ý đầu chim bổ cắt đang ngậm một quả hay hạt thức ăn.
clip_image010
Ngôi nhà cõi dương, nhà đực nhà lang của người Ngaju đầu mái cũng có hình chim cắt phân biệt với căn nhà âm, cái, nhà nàng có con rắn nước.
clip_image011
Chim cắt hồng hoàng Kenyalang của người Iban, Sarawak triển lãm tại Bảo Tàng Viện Văn Minh Á châu, Singapore (ảnh của tác giả).
 
Người đảo Lombok thuộc vùng đảo Sunda Nhỏ, Nam Dương cũng còn thấy dấu vết thờ chim cắt hồng hoàng (Hình Bóng Âu Lạc ở Đảo Lombok).
clip_image012
Riềm thờ chim cắt hồng hoàng ở đảo Lombok, Indonesia (ảnh của tác giả).
Các Thổ dân Hắc Đảo cũng coi chim cắt là biểu tượng cho đực, dương, lửa, mặt trời. Mỏ bồ cắt là biểu tượng cho cơ quan sinh dục nam như thấy qua hình chim mỏ cắt để trong một miếu âm hồn ở Maprik, Papua, New Guinea. Dân đảo Cook có chiếc rìu mỏ cắt. Đây chính là rìu Việt (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).
clip_image014
Chim mỏ cắt để trong một miếu âm hồn ở Maprik, Papua, New Guinea.
…….
Qua Sử Sách
Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, địa danh Mê Linh mang tên một loài chim. Ông dựa vào các nghiên cứu tổng hợp các tài liệu lịch sử, ngôn ngữ và truyền thuyết dân gian, Mê (Ma, Minh, Mi) Linh là Mling. Mling, mlang (cặp tên có tính chất lấp láy) theo tiếng của các dân tộc Tây nguyên có nghĩa là một loài chim… Mọi tài liệu đều nói lên một cách thống nhất huyện đó, bộ lạc đó, khi xưa mang tên một loài chim Mling với một thị tộc (bào tộc) gốc thờ chim làm vật tổ. Đó là bộ lạc gốc thời Hùng Vương dựng nước (Hùng Vương Dựng Nước, tập I, tr.154).
Hai Bà Trưng là con cháu, dòng dõi vua Hùng Vương đóng đô ở Mê Linh đất Phong châu. Mê-Linh ruột thịt với Mơ-lang, Mơ-ling,  Mlang, Mling, Langling, như đã nói ở trên là chim Lang, chim chàng (chisel), chim đục, chim rìu, chim Việt, chim đực, chim biểu của Hùng Vương (Hùng có một nghĩa là con chim đực). Hùng Vương thế gian theo duy dương ngành lửa có một khuôn mặt chim biểu là chim cắt Lang (có thể là loài chim cắt đất có cổ khoang), chim Việt thế gian đội lốt chim cắt chim sừng, chim Khướng, chim Khương Great Hornbill, chim Việt hồng hoàng, chim biểu của thần mặt trời Viêm Đế họ Khương, dòng Viêm Việt (Ý Nhĩa Ngày Lễ Hai Bà Trưng Mồng 6 Tháng 2 Âm Lịch).
Chúng ta cho mình là con cháu Hồng Lạc, chúng ta là con Hồng cháu Lạc. Nhìn dưới lăng kính vật tổ chim thì con cháu Hồng Lạc là con cháu chim Hồng chim Lạc. Chim hồng theo duy dương là chim hồng hoàng bổ cắt, chim rìu cũng còn có tên là phượng hoàng đất, ở cõi thế gian, họ Hồng Bàng thế gian là chim biểu của Mặt trời thế gian Kinh Dương Vương dòng Lửa Việt Hùng Việt và chim Lạc là con cò Lạc chim biểu của Mặt trời nước Lạc Long Quân dòng Nước-Việt Lạc Việt.
Qua Sử Đồng
Hình bóng chim Rìu, Chim Việt bổ cắt chim Hồng (hoàng) cũng thấy rất nhiều trên đồ đồng Đông Sơn.
.Trên trống đồng
Trên mặt trống đồng Duy Tiên, mặt tuy bị vỡ nhưng còn thấy rõ hình ba con mỏ cắt, mỏ lớn, đầu có mũ sừng hồng hoàng. Đây là loài Great hornbill, loài mỏ cắt lớn nhất.
clip_image015
Chim cắt hồng hoàng trên trống đồng âm dương Duy Tiên (Nguyễn Văn Huyên).

Những hình thuyền trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I, Hoàng Hạ đầu thuyền có hình Rắn-Nước miệng há rộng biểu tượng cho bộ phận sinh dục nữ với hình chim mỏ rìu lớn, biểu tượng cho bộ phận sinh dục nam đâm vào miệng Rắn Nước. Đây là dạng lưỡng hợp sinh tạo thái âm thái dương ở cõi Đại Vũ Trụ. Đuôi thuyền hình chim nông và ngay sau đuôi thuyền có một hay hai cây nọc hình đầu chim cắt nhỏ, ở dạng lưỡng hợp bổ nông (thiếu âm) với bồ cắt (thiếu dương) ở cõi trời Tiểu Vũ Trụ. Trên nhiều trống đồng khác như trên trống đồng sông Đà, một đuôi thuyền khắc đầu chim hình rìu rất rõ, trên trống Hữu Chung cũng vậy (Giải Đọc Trống Đồng Âm Dương Đông Nam Á).
Nhưng đặc biết nhất là Người Mặt Trời Chim Cắt Hồng Hoàng, chim Việt còn ghi khắc rõ lại ở trên trống Quảng Xương.
clip_image016
Người Mặt Trời Chim, Cắt Việt trên trống Quảng Xương.

Người này có trang phục đầu có hình đầu chim có mỏ rất lớn, rất cường điệu và có mũ sừng mang hình ảnh chim cắt hồng hoàng, chim rìu, chim Việt. Đây chính là tộc người thuộc tộc lửa, đất, vùng đất cao, tộc chim Hồng, nhánh 50 Lang lên núi theo Mẹ Tổ Âu Cơ, ngành Viêm Việt (Viêm hiểu theo nghĩa Lửa, mặt trời thái dương), Viêm Đế mặt trời thái dương.
Người Mặt Trời Chim Cắt, Chim Hồng, Chim Việt này đi cặp với Người Rắn Nước, Rắn Lạc nhánh 50 lang theo cha Lạc Long Quân xuống biển theo lưỡng hợp Chim-Rắn, Tiên Rồng (Trống Quảng Xương: Một Chương Sử Đồng).
Trên trống đồng nòng nọc, âm dương Điền Việt cũng ghi khắc lại hình bóng chim cắt, chim Việt rất rõ.
clip_image017
Chim cắt hồng hoàng trên hai trống Điền Việt dùng làm Trục Thế Giới (ảnh của tác giả), (Đồ Đồng Điền)

……
Rìu Việt
Rìu Việt (Yue Ax) đầu chim cắt cũng thấy rất nhiều trong các cổ vật đồ đồng Điền ở nam Trung Quốc.
clip_image018 clip_image020
Rìu Việt chim cắt ở Bảo Tàng Viện Tỉnh Vân Nam (Thời Chiến Quốc) (ảnh của tác giả).

clip_image022
Hình vẽ chi tiết đầu rìu Việt hồng hoàng.

Lưu ý đầu chim có con mắt hình mặt trời. Mỏ rìu lớn há ra. Tận cùng mỏ có “phụ đề” hai lưỡi rìu. Ở sau đầu có mũ sừng và cũng có hai hình mặt trời nhỏ với nghĩa thái dương ở sừng. Đây là Rìu chim cắt, chim Việt hồng hoàng mặt trời của đại tộc Việt Người Mặt Trời thái dương (Đồ Đồng Điền).
Tượng Chim Cắt
Chim cắt cũng được thờ phượng đúc thành tượng vàng thấy trong truyện Út Lót. Nàng Út Lót nói với hai chị rằng: “Đồ vàng đúc hình con chim cắt...”.
KIỂM CHỨNG LẠI BẰNG CHỮ VIẾT NÒNG NỌC
Vũ Trụ Tạo Sinh có thể diễn tả bằng chữ nòng nọc vòng tròn-que như sau
Hư Không Vô Cực
Diễn tả bằng vòng tròn đứt đoạn khi còn ở trạng thái hỗn mang. Bằng vòng tròn liền khi đã định hình. Ở ngành nòng âm, Hư Không chuyển qua âm trước thành Biển Vũ Trụ được diễn tả bằng vòng tròn mang Một Chút âm tính. Ở ngành nọc dương, Hư Không chuyển qua dương trước thành gò đống nguyên khởi tròn diễn tả bằng vòng tròn mang Một Chút dương tính.
Thái Cực, Trứng Vũ Trụ.
Ở ngành nòng âm diễn tả bằng vòng trònchấm mang tính nòng nọc, âm dương nhất thể (nên vòng tròn và chấm viết dính liền nhau). Ở ngành nọc dương diễn tả bằng chấmvòng tròn.
Lưỡng Nghi
Cực âm diễn tả bằng Nòng O đậm nét mang âm tính.
Cực dương diễn tả bằng Nọc I mỏng nét mang dương tính.
Tứ Tượng
Sinh sản vô tính phái (asexual multiplication), một tách thành hai: O phân sinh thành OO, thái âm và I thành II, thái dương.
Kế đến là giai đoạn hai: OO dương hóa một phần thành IO, thiếu âm và II âm hóa một phần thành OI, thiếu dương. Ta có đủ âm O dương I| và tứ tượng: thái âm, thái dương, thiếu âm, thiếu dương.
Cách sinh sản thứ hai là sinh sản hữu tính phái (sexual multiplcation), mỗi giao tử (gamete) có hai yếu tố âm dương dưới dạng thiếu âm IO kết hợp với thiếu dương OI.

OI x OI
cho ra

II, thái dương, OI, thiếu dương, OO, thái âm và IO, thiếu dương.
Áp dụng vào tên bổ nông và bồ cắt, ta có
Bổ nông IO kết hợp với Bồ cắt OI :

IO (Bổ nông) x OI (Bồ cắt)
cho ra:

II (Bổ cắt), OI (Bồ cắt), OO (Bồ nông), I O (Bổ nông)

– Bổ cắt = II = Lửa (hai nọc dùi ra lửa, thái dương).

– Bồ nông = OO = nước (hai nòng thái âm là hai giọt nước, cặp vú sữa phái nữ).

– Bổ nông = I O = khí (nước thái âm dương hóa bay thành hơi, khí, gió, thiếu âm).

– Bồ cắt = OI = đá, đất (khối lửa thái dương âm hóa nguội đi rắn lại thành đá, đất thiếu dương).
Thật tuyệt vời! Cả sự cấu tạo vũ trụ nằm trong tên hai con chim nông, cắt, bổ nông và bồ cắt (*).
Chim cắt đối ứng với chim nông cũng có năm khuôn mặt chính: thứ nhất là chim biểu của vũ trụ (hư không chuyển qua dương trước), thứ hai là chim biểu của thái cực, Trứng Vũ Trụ ở tầng tạo hóa, thứ ba là chim biểu của Cực dương, ngành nọc ở tầng lưỡng nghi, thứ tư là chim biểu của tượng Càn lửa thái dương là chim bổ cắt lửa nguyên khởi và thứ năm là chim biểu lửa thiếu dương đất Li là chim bồ cắt đất, đá nguyên khởi ở tầng tứ tượng.
Như thế câu hát thứ nhất “Bồ nông là ông bổ cắt” cho biết hai con chim nông cắt là hai con chim tổ tối cao của chúng ta theo vũ trụ tạo sinh biểu tượng cho thái âm, cực âm Nòng và thái dương, cực dương Nọc ở tầng lưỡng nghi.
Nói một cách khác chúng diễn tả lưỡng nghi.
Lưỡng nghi nòng nọc, âm dương giao hòa sinh ra tứ tượng.
2. Câu thứ hai của bài đồng dao:
Bổ cắt là bác chim di.
Ngày nay ta có con chim di (gi) là loài chim nhỏ như chim sẻ, Anh Mỹ gọi là finch. Có một loại gọi là chim di sừng.
clip_image023
Chim di có mào sừng mầu đỏ lửa (flickr.com).

Sừng là nọc nhọn biểu tượng cho dương, lửa trời. Thần mặt trời Viêm Đế có họ Khương, sừng, như đã biết có chim biểu là chim Khướng (Mường ngữ biến âm với Khương) là chim cắt mũ sừng mà Anh ngữ gọi là mỏ sừng hornbill. Chim di sừng mang tính lửa thái dương ở tầng sinh tạo tứ tượng, dòng mặt trời Viêm Đế. Chim di sừng loài mỏ đỏ hay lông đỏ mang dương tính cực độ. Chim di ngày nay thường dùng làm chim phóng sinh về trời tức chim trời. Chim biểu tượng cho trời, lửa trời. Theo d=l, dần dần = lần lần, di = li/ lửa, thái dương. Lửa do hai que nọc (II) dùi ra. Hai nọc là thái dương. Sừng là nọc nhọn. Vậy di (II) sừng (I) là nọc I thái dương II, lửa thái dương tức III, Càn,
Trong câu Bổ cắt là bác chim di nếu ta hiểu từ bác có nghĩa là cha như thấy qua câu Hai bên bác mẹ cùng già thì chim di sừng là con mang dòng máu lửa con của bổ cắt (II) có dòng máu lửa thái dương II.
Tóm lại chim di, nhất là loài di sừng là chim biểu của lửa
Vũ trụ, lửa thái dương Càn.
3. Câu thứ ba:
Chim di là dì sáo sậu.
Sáo sậu thuộc họ nhà sáo (mynah), Anh ngữ sáo sậu là loài starling.
clip_image024
Sáo sậu,  sáo đá hay cà cưỡng (nguồn: News.bbc. co.uk).

Sáo sậu người có đốm trắng trông như đá có đốm trắng, như đá hoa cương nên còn gọi là sáo đá.
Tại sao lại gọi là sáo sậu? Sáo là gì? Sáo có một nghĩa là bao, túi, bọc, nang. Theo Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển Hán Việt sáo là bọc, túi, nang. Sậu là gì? Sậu cứng: ngô sậu là ngô cứng (Lê Ngọc Trụ, Việt Ngữ Chính Tả Tự Vị). Sậu biến âm với sẩu là sừng;

-xin khúc đầu

-những xương cùng sẩu”

……

(đồng dao Rồng Rắn)
Sậu, sẩu, sừng biến âm với sửu là con vật có sừng tức con trâu. Sừng cũng có nghĩa là cứng (theo s = c như sắt = cắt, sừng = cứng). Sừng sỏ là cứng đầu. Sửng biến âm với sừng với cứng. Sửng cồ có nghĩa đen là ‘cứng đực’ lên, cứng cò lên, cứng cọc, con cược lên!
Sáo sậu ‘là sáo cứng’. Đá hàm nghĩa cứng: cứng như đá nên sáo đá gọi là sáo sậu là vậy.
Loài sáo có đốm trắng trông như đá ví thế mới gọi là sáo đá, sáo cứng, sáo sậu.
Ngoài ra sáo sậu, sáo đá cũng còn được gọi là con cà cưỡng. Ta có cà là một thứ quả hình trứng, anh ngữ gọi là egg plant. Cậu lậu quả cà là lậu quả trứng dái (xem bài viết này). Trứng là nang có nghĩa là bọc, túi cùng nghĩa với sáo. Cưỡng biến âm với cứng. Cà cưỡng là con sáo cứng, sáo sậu, sáo đá.
Viết theo chữ nòng nọc sáo là bọc tức O và sậu là cứng, sừng tức nọc (I): sáo sậu = O I, thiếu dương, đá đất. Sáo sậu là chim biểu cho thiếu dương đá đất dương vì thế nên còn có tên là con sáo đá.
Tóm lại sáo sậu là chim biểu của thiếu dương nguyên thể của đá đất, lửa thiếu dương đất thế gian Li.
4. Câu thứ tư:
Sáo sậu là cậu sáo đen.
clip_image026
Sáo đen.

Sáo là bao, bọc O. Màu đen là màu thái âm. Đen biến âm với đêm là âm. Cõi đen bóng tối, cõi đêm là cõi âm, cõi Nước. “Thần Nước, thần sông biển là thần Đen, Bà Đen, Bóng tối, Giảo Long…” (2). Đen là âm tức nòng O. Sáo đen = OO, thái âm, nước nguyên khởi.
Tóm lại sáo đen là chim biểu của thái âm, nước vũ trụ, theo duy dương là Chàng I Nước OO tức IOO, Chấn.
5. Câu thứ năm:
Sáo đen là em tu hú.
Chim tu hú thường chỉ giống chim có tiếng kêu đặc biệt và là loài chim không biết ấp trứng nuôi con, chúng ta có câu “tu hú đẻ nhờ”. Tây phương gọi loài chim “đẻ nhờ” này là cuckoos thông thường (common Cuckoo, Cuculus canorus).
clip_image027
Chim tu hú (Wikipedia).
Như vậy tu hú nói chung là loài chim có tiếng kêu “cúc cu” nghĩa là loài chim cu biết hú. Chim tu hú là chim biết “tu” biết “tru” biết “hú” là chim biểu của thiếu âm, khí gió Đoài vũ trụ. Đối chiếu với cổ sử Hy Lạp ta cũng thấy rõ chim tu hú cuckoo là chim biểu của gió, bầu trời. Theo truyền thuyết Hy Lạp Thần Zeus là Thần Bầu trời. Zeus được nhận dạng giống với thần Không khí, Gió Amon của Ai Cập. Thần Bầu trời Zeus mạng gió cũng có một khuôn mặt là chim cuckoo, tu hú.
Cũng nên biết Thần Zeus của Hy Lạp vay mượn từ thần thoại Ấn Độ nên cũng có thể liên hệ với Bách Việt.
Như vậy bốn loài chim di, sáo sậu, sáo đen và tu hú biểu tượng cho Bốn Nguyên Sinh Động Lực chính ứng với tứ tượng.
6. Câu thứ sáu:
Tu hú là chú bồ nông
Câu này khép lại một vòng sinh tạo, tạo hóa và lại khởi đầu bằng một vòng sinh tạo khác. Bài hát xoay tròn, đầu thành đuôi, đuôi thành đầu, vô cùng vô tận mang ý nghĩa vũ trụ tạo sinh tuần hoàn vô cùng vô tận. Sinh tử, tử sinh là một vòng tử sinh. Bài hát xoay tròn cũng cho thấy chim tu hú là chim chót trong chu kỳ lại khởi đầu lại một vòng sinh tạo khác. Chim tu hú nếu tính theo phả hệ là cháu chắt, chút chit của bồ nông lại trở thành “chú bồ nông” ở một vòng sinh tạo khác. Câu ca dao

Sinh con rồi mới sinh cha,

Sinh cháu giữ nhà, rồi mới sinh ông.
cũng có thể áp dụng đúng ở đây. Điều này cho thấy Đoài vũ trụ khí gió tu hú đội lốt hư không Nông. Đoài vòm trời thế gian đội lốt hư vô vũ trụ. Với những vai vế “ông”, “bác”, “dì”, “cậu”, “chú” rồi theo vòng xoay đảo lộn cho thấy muôn sự đều chuyển dịch theo lẽ tuần hoàn của vũ trụ tạo sinh, của Dịch.
Chim Tổ của Việt Nam
Bài hát này cho thấy các loài chim này là chim tổ của Việt Nam, là chim biểu của các thần tổ Việt Nam.
Chim nông nói chung là chim tổ tối cao tối thượng. Ở tầng Hư Vô là chim Nông, chim Không. Ở tầng thái cực, Trứng Vũ Trụ, chim nông là chim Nang, chim đẻ ra Trứng Vũ Trụ, chim biểu của Thần Nông-Viêm Đế  nhất thể. Ở tầng lưỡng nghi, là bồ nông, chim biểu của Thần Nông cá thể (riêng rẽ mang tính nòng âm) biểu tượng cho cực âm.
Bổ cắt ở đây là chim biểu của Viêm Đế cá thể (mang tính nọc, dương) biểu tượng cho cực dương.
Chim di là chim lửa, chim biểu của Đế Minh, Chàng Lửa.
Sáo sậu, sáo đá, cà cưỡng là chim biểu của Kì Dương Vương, Chàng Đất. 
Sáo đen là chim biểu của Lạc Long Quân, Chàng Nước.
Tu hú là chim biểu của Tổ Hùng, Chàng Gió.
Chim Nông là chim Nang, chim Bọc, chim túi, nếu muốn ta có thể gọi là Chim Bộc (với nghĩa hiểu theo Bộc là biến âm của Bọc). Chim Cắt là chim Rìu, Chim Việt.
Kết Luận
Tổng kết lại  cho thấy  bài hát đồng dao này có sáu loài chim bồ nông, bổ cắt, chim di, sáo sậu, sáo đen và tu hú là vật tổ chim của chúng ta. Bài hát xoay tròn, đầu thành đuôi, đuôi thành đầu, vô cùng vô tận mang ý nghĩa vũ trụ tạo sinh tuần hoàn vô cùng vô tận. Sinh tử, tử sinh là một vòng tử sinh. Bài hát xoay tròn cũng cho thấy chim tu hú là chim chót trong chu kỳ lại khởi đầu lại một vòng sinh tạo khác. Bài hát mang biểu tượng và ý nghĩa trọn vẹn vũ trụ tạo sinh, Vũ Trụ giáo, Dịch.
Bài hát gồm 6 loài chim:
.bồ nông biểu tượng cho cực âm.
.Bổ cắt biểu tượng cho cực dương.
Bồ nông bổ cắt biểu tượng cho lưỡng nghi.
Ở đây bồ nông là ông bổ cắt hàm nghĩa chim bồ nông có khuôn mặt là chim nông biểu tượng cho hư vô, thái cực, Trứng Vũ Trụ.
Chim nông nói chung là chim nước chân có màng, là chim  tổ tối cao, tối thượng ở tầng trời cõi trên của chúng ta thuộc nền văn hóa nước, chuyên v ề nông nghiệp. Con nông là tổ tối cao tối thượng sinh ra trứng vũ trụ.
Bồ nông liên tác với bổ cắt ở tầng lưỡng nghi sinh ra bốn con chim sau này biểu tượng cho tứ tượng.
.Chim Di biểu tượng cho tượng lửa thái dương vũ trụ Càn.
.Sáo sậu là sáo đá biểu tượng cho lửa thiếu dương đá, đất dương thế gian Li.
.Sáo đen biểu tượng cho tượng thái âm Nước Chấn.
.Tu hú biểu tượng cho thiếu âm gió dương Đoài vũ trụ.
Bài hát diễn tả trọn vẹn Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ Tạo giáo dựa trên nguyên lý nòng nọc, âm dương của Dịch.
Rõ như ban ngày bài đồng dao này cho thấy tổ tiên người Việt theo Vũ trụ giáo. Sáu con chim này là những chim tổ của Việt Nam, chim biểu của các thần tổ Việt Nam.
Một  lần nữa cho thấy  cốt lõi văn hóa Việt theo vũ trụ luận dựa trên căn bản âm dương, dựa trên Dịch lý. Nghiên cứu văn hóa Việt mà không nhìn dưới lăng kính Dịch lý thì không bao giờ vẹn toàn.
Lưu Ý:
.Xin lưu ý là trong bài đồng dao về vật tổ chim này nếu viết là “Bồ nông là ông bổ cắt” như ở đây, ta có bồ nông OO là thái âm, nước và bổ cắt là II, thái dương, lửa biểu tượng cho kết hợp âm dương dưới dạng thái âm thái dương cõi lưỡng nghi, đại vũ trụ. Còn viết là “Bổ nông là ông bồ cắt”, ta có bổ nông IO, thiếu âm và bồ cắt OI, thiếu dương. Đây là dạng kết hợp thiếu dương thiếu âm cõi tứ tượng, cõi thế gian tiểu vũ trụ.
Những dị bản viết là bổ nông (thiếu âm) hay bồ cắt (thiếu dương) là không đúng vì ở đây đã có sáo sậu diễn tả lửa thiếu dương và chim tu hú diễn tả gió thiếu âm.
Ở đây có 6 thứ chim với số 6 là số sinh thành, 6 = 2+4, số 2 là lưỡng nghi ứng với bồ nông, bổ cắt còn số 4 là tứ tượng ứng với 4 con chim còn lại là chim di, sáo sậu, sáo đen và tu hú.
Phải viết là viết “Bồ nông là ông bổ cắt” để có lưỡng hợp âm dương thái âm thái dương tầng lưỡng cực, lưỡng nghi.
.(*): Ở đây cho thấy các dấu trong tiếng Việt rất quan trọng. Chim nông, bồ nông, bổ nông… mang ý nghĩa khác nhau trong triết thuyết Vũ trụ giáo. Các dấu của tiếng Việt cũng cho biết tính phái, giống đực, giống cái của một từ: bồ là giống cái trong khi bổ là giống đực (xem bài viết riêng về giống phái, nòng nọc, âm dương  trong tiếng Việt).

(Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt, có nhuận sắc lại).
Tài Liệu Tham Khảo:
– 1.Trương Sỹ Hùng, Bùi Thiện, Để Đất Đẻ Nước, tập I tr. 732.
– 2.Đặng văn Lung, Văn Hóa Luy Lâu và Kinh Dương Vương, tr.76.
Tài Liệu đề nghị đọc thêm:
Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt.
(Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt, có nhuận sắc lại).
Chân thành cám ơn bác sĩ Nguyễn Xuân Quang về công phu soạn viết bài này.
Caroline Thanh Hương

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire