NGUYỄN THẾ DUYÊN
Giữa thời buổi siêu lạm phát thơ, tôi đã
chán thơ lắm rồi. Thơ nhan nhản khắp nơi . Hết nhà thơ này của hội văn
nghệ này đến nhà thơ kia của hội văn nghệ kia xuất bản những tập thơ mà
“tiếng vang hơn mõ”. Thậm chí có những nhà thơ được tổ chức những cuộc
hội thảo mà tham luận đọc ở buổi hội thảo ấy nghe đâu đến gần chục bản.
Toàn những lời tung hô mà đến Lý Bạch hay Xuân Diệu nghe thấy cũng phát
ghen với danh tiếng của họ. Ấy thế nhưng tôi lại không làm sao nuốt nổi
lấy một bài hoàn chỉnh của họ. Chán quá !Tôi đã thề không bao giờ thèm
đọc thơ nữa.
Hôm qua,có một người đưa cho tôi một tập thơ và bảo.
-Anh đọc tập thơ này thử xem. Em phải chạy đôn chạy đáo mấy nơi mới kiếm được cho anh tập thơ này đấy.
Tôi cầm lấy quyển sách xem cái tựa đề “Chạng vạng hoa đèn” tôi gật đầu bảo với cô gái đã lùng sách cho tôi.
-Ừ ! Cái tiêu đề của tập thơ có vẻ gợi cảm thật đấy. Chắc người này phải rất kĩ tính trong cách dùng từ.
Cô gái sôi nổi hẳn lên.
-Em đảm bảo với anh là anh sẽ thích.
-Anh chẳng chắc lắm đâu. –Tôi
bảo với cô gái. –đến tập thơ được giải thưởng của hội nhà văn mà anh chỉ
đọc được đến bài thứ hai là lập tức vứt ngay vào sọt rác kia kìa.
-Thì anh cứ thử đọc một bài xem
Cô gái nài nỉ. Nể quá tôi mở tập thơ và đọc bài đầu tiên “Yên bình”
Hai câu đầu tiên chuội đi trong đầu tôi nhưng bốn câu tiếp theo đã buộc con mắt tôi phải dừng lại.
Thủa đạn bom dội sớm trưa.
Bình yên nhẹ giấc võng đưa ấm lòng
Bây giờ gió rít đồng không
Nghe như đạn réo bom rung chiến trường.
Tác giả đưa ra hai hoàn cảnh đối lập để
nói về hai tình cảm đối lập. Cái thời đạn bom một sống hai chết thì con
người lại cảm thấy bình yên. Còn cái thời hòa bình thì tiếng gió rít
trên cánh đồng quạnh vắng lại làm cho con người có cảm giác sợ hãi. Sao
vậy nhỉ? Câu hỏi không được đặt ra nhưng nó vẫn cứ lẩn quất ở đâu đó
trong bài thơ. Nhưng đến hai câu kết của bài thơ thì tôi lại không thể
đồng ý với anh.
Đồng xanh bến nước thân thương
Gió đừng rít, để quê hương yên bình
Không! Anh Phạm Thôn Nhân. Tôi muốn hỏi anh một câu “Liệu có thể cầu xin được sự yên bình không anh”?
Tôi đã đọc liền một mạch năm mươi mươi tư bài thơ của anh và khi rời cuốn sách ra những băn khoăn cứ xáo trộn trong lòng
Tôi cứ hình dung ra vào một buổi tối
chạng vạng, một người đàn ông tóc đã bạc trắng ngồi một mình trong căn
nhà với một ngọn đèn đã gần cạn hết dầu. Giữa ngọn lửa đèn là một cái
hoa đèn đỏ rực. Chính cái hoa đèn đó làm cho ánh sáng của ngọn đèn mờ đi
và người đàn ông đã dùng cái ánh sáng vàng úa của ngọn đèn đã gần cạn
hết dầu ấy để rọi về quá khứ , soi nhìn hiện tại. Và cái ánh sáng úa
vàng đó hắt chiếc bóng của người đàn ông thành một vệt tối sẫm đổ về
phía trước. Tất cả mờ đi và cái tôi nhìn thấy chỉ còn lại cái hoa đèn
sáng đỏ.
Cô đơn! Bất lực Và có không một chút gì của sự tiếc nuối?
Xòe tay chắt nắng tìm hơi ấm
Hứng chút hương thầm ngọn gió bay
Cứ gội mưa cho lòng nguội lửa
Thầm thì với gió để cùng say
Tự say
Đọc hai từ “Chắt nắng” tôi lại nghĩ đến
cụm từ “Gạn đục, khơi trong” Đục lắm rồi! Đục hết rồi! Liệu có thể gạn
đi để kiếm lấy chút nước trong? Liệu có chắt tìm được hơi ấm không anh?
Tôi nghĩ là không.
Hứng chút hương thầm ngọn gió bay
Tôi cứ nghĩ rằng nếu là “hương thừa” thì
hay hơn anh ạ. Thứ hương này hiện tại không còn sinh ra nữa. Nếu thấy
còn thì chỉ là thứ hương còn sót lại của một thời dĩ vãng oai hùng đã
xa, Và ! Anh hãy say đi, vì chỉ có say mới có thể làm nguội đi ngọn lửa
lòng. Ngọn lửa ấy chẳng có gió mưa nào làm nguội được.
Thơ anh trữ tình, kín đáo ẩn chứa một
nỗi buồn thời thế nhưng để nhận ra được cái tình cảm được dấu kín trong
thơ anh thật chẳng dễ gì.
Dòng sông nào qua tôi
Đổi thay dâu bể.
Hiền hòa
Ngầm siết
Kì ảo muôn màu
Đấy là dòng sông nào? Dòng sông nào đã hiền hòa mà lại còn ngầm siết? Và
Chảy qua tôi đọng lại
Những đêm trắng đỏ au
“Đỏ au”, tôi đã cố hình dung ra cái màu
đỏ ấy. Màu đỏ của máu? Không phải ! Màu máu đỏ tươi và khi khô lại máu
có mầu “Bầm đỏ”. Mầu đỏ của chớp bom ? Không phải! Chớp bom có màu đỏ
khé. Vậy “Những đêm trắng đỏ au” anh dùng ở đây không phải là những đêm
trắng của những ngày chiến tranh bom đạn. Những đêm trắng ở đây là đêm
trắng của những ngày “Chạng vạng” và đêm được nhuộm đỏ từ cái “Hoa đèn”.
Một nỗi đau thầm lặng, xót xa.
Che tai ngỡ tưởng lòng thanh thản
Bịt mắt nào ngờ dạ rối bong
Một người lính xách súng bước vào một
cuộc chiến tranh tàn khốc với một niềm tin trong sáng và tươi rói. Trong
suốt cuộc đời mình, ở đâu đó, vào một lúc nào đó, người lính ấy bắt gặp
những điều không giống như “cái điều mà mình đã tin tưởng”. Anh ta đã
cố gắng tự lừa dối mình , “Đấy chỉ là một trường hợp cá biệt” , nó cũng
giống như một bài thơ Đường có thất luật một chút cũng chẳng sao, nhưng
đến cuối cuộc đời thì “Thất luật” Chẳng còn là “Hiện tượng cá biệt”
nữa thế mà, anh ta vẫn còn dùng hai chữ “Hình như”
Đạo lý hình như đang biến thái.
Đọc câu thơ này, tôi lại nhớ đến một đoạn của giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã viết
“Ở một câu lạc bộ cao cấp đã về hưu nọ, ở
đấy hai phần ba số hội viên là những anh già “đã hạ cánh an toàn”, một
phần ba số hội viên còn lại là những anh già đã về hưu rồi mà vẫn còn
ngu ngơ một cách rất đáng yêu và cũng rất đáng thương”.
Ở bài này, hình như anh vẫn còn nằm
trong số những anh già “ngu ngơ” đó. Nhưng đến bài “Muỗi mòng phè phỡn”
thì dường như anh đã phản tỉnh hoàn toàn.
Muỗi mòng phè phỡn mỉm cười áo manh
Chỉ tiếc là, Vâng! Thật là đáng tiếc!
Hai từ “thương trường” Đã làm hỏng bài thơ. Tôi không nghĩ rằng anh
không biết đến điều đó. Anh biết nhưng anh vẫn phải dùng. Tôi bỗng
thương anh quá.
Nếu ai hỏi tôi “Trong cả tập thơ tôi
thích bài thơ nào nhất?” thì tôi sẽ trả lời tôi thích nhất bài thơ
“Chiều quê” của anh. Đến bài thơ này không phải là tôi đọc thơ mà là tôi
hát. Giai điệu bài hát của Phạm Duy quyện vào với lời thơ của anh ngân
nga mãi trong tôi. Thanh bình quá! Hai từ “Chiều ơi” ở đầu mỗi khổ thơ
vút lên cao như một tiếng gọi tha thiết để rồi hai từ “Hỡi chiều” ở cuối
mỗi khổ trầm xuống làm người ta có cảm giác bâng khuâng vời vợi xa xôi.
Bài thơ hay tuyệt mặc dù nó chẳng có một ý tưởng gì độc đáo. Thơ là
vậy! Cần gì những ý tưởng lớn lao. Cái duy nhất mà thơ cần chỉ là một
chữ “Tình”. Mà trong bài chiều quê cái tình của anh thấm đẫm trong từng
câu chữ. Đọc bài này, Tôi mới hiểu tại sao anh lấy bút danh là “Phạm
Thôn Nhân”. Thực ra cái người nông thôn theo cái nghĩa một nắng hai
sương trong anh cũng không rõ nét lắm đâu nhưng cái tình với quê hương
của anh thì cũng khá đậm đà.
Gió đồng chiều nâng hồn bay theo gió
Sắc vàng rơm – vàng ngõ bước chân say
Lối bập bênh rơm óng – Bập bềnh say
Hương mùa vụ dư hương thu thôn dã
Nét thu quê
Nét thu này không phải là cái nét thu
của người làm ra cái “ Sắc vàng rơm” Của làng xóm mà là cái nét thu của
của một chàng lãng tử lạc bước đến chốn đồng quê. Nhưng câu thơ hay
thậm chí là rất hay nữa mà cái hay của câu thơ lại nằm trong ngữ điệu
của lời thơ. Câu đầu tiên kéo dài khi đọc nó đừng ngắt hơi ở chữ “Chiều “
Gió đồng chiều nâng hồn bay theo gió
Câu thứ hai ngắt làm ba: Sắc vàng rơm/ Vàng ngõ/Bước chân say
. Nếu ngắt hơi như thế người đọc có thể cũng loạng choạng theo cái say
của người viết. Câu thứ ba cũng ngắt làm ba như vậy nhưng cái “Lối bập
bềnh” thì thật là tuyệt bút. Chỉ có ai đã từng đi trên con đường làng
vừa mới trải đầy rơm mà phải là rơm vừa trải chứ rơm đã xẹp xuống rồi
thì sẽ không sao có được cái cảm giác này, mới có thể cảm nhận được cái
thực, cái hay của câu thơ . Con đường như bập bềnh do rơm mới làm nhà
thơ cứ nghĩ “Mình say”. Nhưng đúng là nhà thơ say thật! Anh say với cảnh
sắc no ấm ngày mùa.
Nắng tãi bê tông nhòa mặt ngõ
Đồng xanh dự án khói bâng khuâng
Tìm đâu giếng nước cây đa cổ
Ấm bụi tre làng lúc bão giông.
Lại đau đáu một nỗi niềm trong người nông dân họ Phạm.
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
Chân quê—Nguyễn Bính
Mới chỉ bay đi một ít “hương đồng gió
nội” thôi mà Nguyễn Bính đã thấy lo rồi. Còn đây là mất hết tất cả
“hương đồng gió nội” làm gì người nông dân trong anh chẳng thấy lo.
Nhưng khác với Nguyễn Bính, vấn đề anh
đặt ra ở bài thơ bốn câu này lớn hơn của Nguyễn Bính rất nhiều. Thời
của Nguyễn BÍnh chưa có hiện tượng đô thị hóa và công nghiệp hóa nên cái
“Hương đồng gió nội” Mà Nguyễn Bính nói đến trong bài thơ chân quê chỉ
là một số rất nhỏ những thay đổi về y phục làm nhà thơ không thích
Đâu rồi cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen
Còn vấn đề anh đặt ra ở đây lại là một không gian văn hóa
Tìm đâu giếng nuốc cây đa cổ? hay “Nắng tãi bê tông nhòe mặt ngõ”
Khi không gian văn hóa mà mất thì văn
hóa cũng mất theo. Mà văn hóa là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Là linh
hồn của dân tộc để rồi dẫn đến cái khắc khoải của một người lính đã đổ
máu giữ gìn mảnh đất này.
Ấm bụi tre làng lúc bão giông
Mà “Bão giông” thì luôn và đang rình dập mảnh đất này.
*
Anh Phạm thôn nhân ơi! Tôi biết những
ngày này anh đang nằm trên giường bệnh. Ung thư giai đoạn cuối đau đớn
lắm! Sao anh chẳng viết lấy một dòng nào cho nỗi “Đau mình”? Phải chăng
nỗi đau thời thế, nỗi đau nhân thế đã át đi nỗi đau thân thế trong anh?
Yên tâm đi anh! Cái hoa đèn nhỏ bé của
anh sẽ thắp lên thêm những ngọn lửa đèn và hàng triệu những ngọn đèn ấy
sẽ đẩy lùi cái chạng vạng của hôm nay. Đó chính là sức mạnh của ngòi
bút.
Những lời xưng tụng có nghĩa gì đâu. Một
tượng đài trong lòng người đọc đấy mới là niềm vui, niềm tự hào của một
nhà thơ đích thực và anh là một trong số ít ỏi những nhà thơ đích thực
đó hiện nay
Hà nội 16-8-2012
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire