caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 28 avril 2013

Hậu trách nhân...Nguồn: blog Văn Công Hùng.

Kính mời quý anh chị đọc một bài xã hội.

Résultat de recherche d'images pour "hậu trách nhân"

  Hậu trách nhân...

Có thể nói bây giờ, đi đến chân trời góc bể nào cũng gặp người Việt. Chả bù cho ngày xưa, mới cách đây hơn trăm năm, sau hàng năm trời lặn lội, Nguyễn Trường Tộ đến được nước Pháp rồi về suýt bị chém đầu vì dám kính cẩn bẩm với vua rằng ở bển người ta đi xe hai bánh không ngã và đèn thì thắp lộn ngược…



Người Việt ra ngoài làm ăn, thăm thú… là một sự đổi đời rất lớn đối với cư dân của một đất nước lấy lũy tre làng làm biên giới từ ngàn đời nay. Nó khẳng định sức mạnh, vị thế của người Việt, nhưng đồng thời cũng đi kèm những hệ lụy…

Không ai trong chúng ta có thể chấp nhận việc ra nước ngoài thấy người Việt bị kỳ thị. Nhiều người ra nước ngoài đã chụp những bức ảnh rất đau lòng, nhẹ nhất là “nhắc”: Không lấy thừa thức ăn- chỉ bằng tiếng Việt- thì đương nhiên dành cho người Việt. Nặng hơn thì như vừa rồi một nhà hàng ở Trung Quốc tuyên bố không phục vụ người Việt và… chó thì là quá xúc phạm.


Chưa hết, đến ngay trong nước, chính người Việt cũng kỳ thị người Việt mà một chủ nhà hàng ở Phan Thiết và mới nhất là một cửa hàng ở phố cổ Hà Nội là ví dụ nhỡn tiền. Họ không phục vụ người Việt chỉ bởi người Việt… ăn cắp. Đau đớn thay, cái việc rất phản nhân văn, phản đạo lý ấy, thực ra, về mặt nào đấy, nó cũng… có một tí lý.


Năm nào đó, ở Sigapore người ta đã bắt cả một nhóm trộm cắp sang trọng người Việt. Nhóm này bay sang Singapore như cơm bữa, vào các siêu thị và… lấy cắp hàng mang về Việt Nam bán. Cũng năm nào đó, một nữ giám đốc doanh nghiệp lớn, lương hàng trăm triệu một tháng, thế mà vào một cửa hàng miễn thuế nước ngoài cũng.. cầm nhầm một loại mỹ phẩm, tất nhiên là bị phát hiện. Rồi cũng năm nào đó, một người rất nổi tiếng, con một gia đình đầy máu mặt, thế mà cũng… lận trong người một cái áo không phải của mình khi vào một shop hàng hiệu ở một nước Châu Âu. Ồn ĩ một thời gian rồi… im lặng.

Nhưng nó không im lặng trong ký ức của các nước đã được đón người Việt, đã xảy ra những việc tương tự như trên.

Tôi cũng vài lần đi nước ngoài. Gặp rất nhiều người Việt đi du lịch. Phải nói rằng việc người Việt đi du lịch nước ngoài rất nhiều chứng tỏ dân ta đang giàu lên, sành điệu hơn, nhu cầu hưởng thụ lớn hơn. Nhưng mặt khác nó cũng chứng tỏ ngành du lịch Việt Nam thua trên chính sân nhà. Ở nhiều nước mà người Việt Nam sang nhiều họ có cả những khu phố, những dãy cửa hàng phục vụ người Việt, dùng chính người Việt… chém người Việt. Thế mới thấy họ giỏi.

Trở lại việc gặp người Việt ở nước ngoài.


Lên máy bay là đã thấy không khí rất… Việt. Thì cứ gọi là náo loạn máy bay: Nói rất to, gọi nhau í ới, đổi chỗ loạn xạ, bình phẩm râm ran, đi lại nhốn nháo, bấm nút gọi tiếp viên liên tục, dù có khi chỉ để… đùa một câu hoặc hỏi những câu rất vô lý... gặp các đoàn tour du lịch đội mũ đồng phục đi theo cờ thì còn ối chuyện để cười. Của đáng tội, rất nhiều người đang một nắng hai sương, uỵch phát có suất gì đấy, hoặc là được đền bù đất, hoặc là được con bao… thế là xuất ngoại, mang nguyên theo cái nửa chân chất nửa ma mãnh của anh nông dân ra nước ngoài. Ngay ở trong nước kia thôi, thích đâu vất rác đấy, bạ đâu khạc đấy, tiện đâu... tè đấy (còn vào toilet tè thì nam không bao giờ chịu nhấc cái nắp giữa lên, tôi cá 10 ông thì đến 9 ông để thế đứng tè vào, sau đấy ai ngồi thì người ấy chịu)… chướng tai gai mắt khắp hang cùng ngõ hẻm có cai được đâu. Hay cái đoạn đi xe ngoài đường mà không được bóp còi là khó chịu lắm rồi. Ô tô xe máy sắm ra cái còi để bóp, thế mà không được bóp, xe cứ nối nhau chạy câm lặng như cua bò, tức chết đi được.


Mà chả cứ nông dân, tôi chứng kiến rất nhiều cuộc ăn buffet mà xấu hổ. Có mấy nguyên tắc ăn buffet, một là ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, hai là lấy xong nhường chỗ cho người khác lấy... Đây các bác người Việt ta, rất nhiều com lê cà vạt, rất nhiều giày đen áo trắng- tức là tầng lớp trên của xã hội- hoặc là đứng ngay tại bàn bốc ăn, chen chúc như… xin ấn đền Trần, hoặc là khuân từng đĩa tú ụ về bàn, hể hả như thu chiến lợi phẩm, và ăn không hết vất đầy ra đấy trong con mắt ngạc nhiên của người khác. Có được nhắc thì nói rất ngang: Nó tính tiền hết trong ấy rồi. Thế nên để tránh xấu hổ, nhiều hướng dẫn viên phải phổ biến rất kỹ, rằng là các bác ăn bao nhiêu thì lấy chừng ấy, hết lại lấy tiếp, vừa ăn được nhiều món, vừa được đi lại cho… nhẹ bụng để ăn tiếp. Có hướng dẫn viên còn… dọa: nếu lấy nhiều mà ăn không hết sẽ bị… phạt. Nên có lần tôi đi với mấy bác nhà văn lớn tuổi, các bác bảo có 4 điều khiến các bác luôn căng thẳng, ấy là lấy thức ăn nhiều (khi ăn buffet) sợ bị… phạt, tính tỉ giá tiền lúc mua sắm, đi tàu điện ngầm và tìm phòng ở khách sạn…


Có lần một anh bạn tôi là giảng viên của một trường đại học ở Hà Nội sang Lào dạy, nửa đêm anh phải từ Viên Chăn điện cho tôi phàn nàn rằng văn hóa rượu của Việt Nam đã tràn sang Lào. Tôi đã sang Lào nên biết, đấy là đất nước của tĩnh lặng và nhu mì. Hầu như rất ít người uống rượu ồn ào say xỉn như ta. Thế mà hôm ấy tập đoàn nổi tiếng H.A khánh thành cái sân vận động giúp Lào thì phải, xong các bố kéo nhau uống rượu. Cái cách uống rượu chỉ ở Việt Nam mới có là hàng chục người đứng lên chụm lại rồi đếm một hai ba zdo đến mấy lần rất to làm kinh thiên động địa hàng xóm được mang ra phơi bày ở đây. Anh bạn kia nói xấu hổ không chịu được. Toàn bộ sinh viên trong ký túc xá đại học quốc gia Lào nhao hết ra sảnh để… chiêm ngưỡng. Mà đúng là không biết từ đâu các bạn trẻ bây giờ có cái kiểu uống một hai ba dzo lạ kỳ như thế. Không phải tự phát mà nó hình như trong các cuộc liên hoan có tổ chức hẳn hoi?


Cái tư tưởng mua mâm thì đâm cho thủng hiện rất rõ khi dân Việt ta vào khách sạn, vậy nên rất nhiều bi hài đã xảy ra. Với quan niệm tao đã thuê thì nó là của tao, có ông ngồi táy máy cả buổi nghiên cứu bật tắt tất cả các loại công tắc, cho đến nửa đêm thì phát hiện còn một cái đèn tranh chưa bật, thế là reo lên bật bằng hết. Dùng bàn ủi cá nhân cắm vào phích mà ở đấy nó đã tính rất kỹ để anh không thể dùng bàn ủi, thế là phụt, cháy cầu chì. Tiền đền cầu chì quá tiền keo kiệt thuê người ủi. Không biết chữ nên không phân biệt được loại nào miễn phí loại nào trả tiền trong phòng tắm, cứ xé ra xài vô tội vạ đến lúc nó tính tiền cho mặt méo như quai bị. Có anh đi Thái, khách sạn để bao cao su loại xịn ở tủ đầu giường. Anh này không dùng nhưng… thủ mang về. Lúc xuống trả phòng, nhân viên khách sạn tính tiền, mọi người đi cùng mới trố mắt: xài gì nhiều dữ vậy cha? Anh này vội lục va ly tìm gói bao cao su… trả lại.

Lại còn cái nạn… mì tôm. Đồn nhau ra nước ngoài thì phải mang mì tôm. Mà khổ, đi học hay công tác dài hạn không nói, đây đi du lịch theo tour, nó lo từ A đến Z, no kềnh no càng, nhưng đã mang rồi thì phải ăn. Thế là lọ mọ như cú suốt đêm, phân công nhau người thì ăn cắp tô, người thì giấu thìa… tối về xì xụp chan chan húp húp…


Tôi có dự một cuộc mì tôm như thế. Lần ấy chúng tôi đi Malaixia, đến khu du lịch Genting và ở khách sạn 11.000 phòng. Khách sạn tất nhiên là rất xịn, nó tính toán chi li để không thừa và cũng không thiếu cái gì phục vụ khách. Tất nhiên là không có khoản… mì tôm. Nhưng quân ta thì cứ phải là mì tôm. Thế là mấy ông lọ mọ run rẩy (vì sợ lạc giữa cái trận đồ bát quái 11.000 phòng) lần mò đi xuống nhà hàng mượn tô và thìa. Không có, thế là lấy trộm ly giấy và ống hút. Về làm mì trong ly giấy rồi lấy ống hút nhựa ấy thay… đũa. Nhễ nhã ăn quá thợ cày thợ hồ thế mà ông nào ông nấy hể hả như là vừa được… trả thù dân tộc. Ngay một số chủ khách sạn ở mấy thành phố du lịch nước ta mà tôi quen, họ cũng bảo phục vụ khách Tây sướng hơn, bởi Tây nó biết điều hơn. Người Việt đã vào là hành đủ thứ, từ sáng sớm đến đêm khuya, lúc nào cũng gọi được, có khi chỉ là những việc rất sơ đẳng, rất ngẫu hứng và hoạnh họe với tâm lý ông chủ. Cũng mới đây tôi chứng kiến mấy người vào nhà hàng kêu một con nhím, hẹn là đánh tiết canh và hấp. Nhân viên mang xuống bếp cắt tiết rồi làm dưới ấy thế là bị quát ầm lên, bảo là tao hẹn mang lên cắt tiết tại bàn mà. Và cương quyết từ chối không ăn dù nhân viên nói hết lời, xin lỗi hết lời. Không biết tự bao giờ cái tâm lý không tin nhau, tâm lý ông chủ bắt nạt nhau khi mình có tiền nó khiến con người đổ đốn ra thế. Tôi biết hôm ấy cu nhân viên kia phải bỏ tiền ra đền con nhím khách hàng kêu mà không ăn kia. Sau đấy tôi thấy mấy ông ấy gọi rau và cơm và lặng lẽ cúi đầu ăn rất gượng gạo. Cái tâm lý mua mâm thì đâm cho thủng của người Việt nó cứ hừng hực ở mọi nơi mọi chỗ như thế…


Đang viết bài này thì có ông bạn vào chơi, ông này kể làm cùng chỗ với một quan chức hàm tỉnh, tay này có tính rất lạ là… tham. Suốt đời đi nhậu không bao giờ rút ví, nhưng cứ gần hết tiệc thì kêu thêm chai Chivas, rót ra nửa ly uống tại chỗ xong rồi… xách về. Chưa hết, tiện thể kêu thêm vài gói thuốc…

Rất nhiều người Việt có lòng tự trọng đi ra nước ngoài về phải viết báo mà kêu lên rằng, họ rất xấu hổ, đau đớn, thậm chí thấy nhục khi gặp đồng bào mình cứ hồn nhiên mang vác thứ văn hóa kỳ lạ của riêng họ mà xuất ngoại. Thế nên, trách người một, về việc kỳ thị người Việt, thì ta cũng nên nhìn lại mình, trách mình hai, về những gì mà mình mang ra phô với thế giới…


Nguồn: blog Văn Công Hùng

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire