Tưởng niệm Thi sĩ Lê Đạt
Clique vào link bên dưới để đọc bài
Clique vào link bên dưới để đọc bài
http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200752/220933.aspx
“Hèn đại nhân”
29/12/2007 20:30
Lê Đạt vốn được biết đến như một nhà thơ tài năng, một "phu chữ"
vạm vỡ của văn chương Việt Nam. Nhưng, với riêng tôi, Lê Đạt còn là một
cây bút truyện ngắn "thứ dữ". Cả đời ông, dường như chỉ in hai tập
truyện ngắn là "Hèn đại nhân" và "Mi là người bình thường" đều ở cùng
một nhà xuất bản chuyên lo về chuyện của chị em là Nhà xuất bản Phụ Nữ.
Nói vui vậy để thấy, sách hay không tùy thuộc, cũng không cần lấy mác
nhà xuất bản nào. Sách hay là tự thân nó hay. Vậy thôi.
Nhưng đây không phải là câu chuyện nói về sách, hay về Lê Đạt.
Đây là câu chuyện được gợi nhớ từ một truyện ngắn của Lê Đạt có tựa đề
"Hèn đại nhân". Chuyện về một nhà toán học (tương lai) trẻ tuổi, vì
nghèo rớt mồng tơi nên bị người tình phụ bỏ để theo một viên sĩ quan.
Trong một lần đụng độ, tức khí chàng trai trẻ thách đọ súng. Hai mươi
ngày sau cuộc đấu súng sẽ diễn ra. Nhưng, éo le thay, trong hai mươi
ngày ngắn ngủi đó, những phương trình toán học bỗng mọc lên như nấm
trong đầu chàng trai trẻ. Chàng lao vào, say sưa ghi chép. Thời hạn hai
mươi ngày đã hết, nhưng công trình toán học vẫn chưa hoàn thành. Không
thể bỏ dở công trình toán học, chàng trai xin hủy cuộc đọ súng. "Đồ
hèn" (Lâche) - đó là lời cô người yêu cũ dành tặng cho anh.Nhục nhã ê chề. Lời miệt thị "đồ hèn" khiến chàng trai trẻ gục ngã, tưởng chỉ có thể chết đi. Nhưng, toán học (chứ không phải văn học) đã cứu anh trong những ngày tháng đó. Nói theo ngôn ngữ bóng đá là "cứu một bàn thua trông thấy". Anh chàng lao vào toán học, mặc cho lời thị phi, ruồng bỏ của đồng loại. Cho đến khi công trình toán học trên hoàn thành, thì "đồ hèn" liền "bùm" một phát vào chính tim mình, bằng chính khẩu súng mà anh đã chuẩn bị cho cuộc đọ súng với tình địch.
Công trình của anh sau đó được một ông thầy tốt bụng lo việc in ấn. Một ngày nọ, nhà bác học trứ danh A.Einstein tình cờ lượm được cuốn Bàn về toán hóa vũ trụ trong một nhà sách cũ, ông cầm lên đọc một cách say mê. Nhưng ông vô cùng ngạc nhiên trước một bút danh kỳ cục: "Le Lâche (Thằng hèn). Không bằng lòng chút nào, A. Einstein cầm bút lên, nắn nót thêm mấy chữ trên bìa sách: Lâche Le Grand - tức "Hèn đại nhân".
Tôi kể lại câu chuyện xưa cũ này không hề có ý định khôi phục lại những cuộc đấu súng hay cổ súy cho việc giải quyết vấn đề danh dự bằng súng đạn. Điều tôi muốn nói là về sự hèn hạ nơi mỗi con người chúng ta! Hèn ư?! Đã làm người thì tránh sao được những lúc hèn. Nhưng, biết vượt qua cái hèn, không phải ai cũng làm được. Và để được người đời nhìn nhận là "hèn đại nhân" thì không phải ai cũng xứng đáng.
Nhiều người, suốt một đời cứ sợ mình sống hèn, sợ mang tiếng thị phi là hèn mà cứ luôn đối phó, luôn "dĩ hòa vi quý" lấy lòng tất cả mọi người (mà làm sao lấy lòng được tất cả mọi người?). Bị một tiếng chê thì "ê ẩm" cả người, bị một lời trách móc thì mất ăn mất ngủ... Cứ thế, rồi loay hoay trong cõi nhân gian bé mọn, làm một người tốt theo kiểu bé mọn, chẳng bao giờ dám nói lên chính kiến của mình, chẳng bao giờ dám hy sinh một thứ gì, chẳng bao giờ dám sống với những thách thức lớn lao... Rồi, một đời vèo qua, một đời tưởng chừng mình sống thanh thản, vì không mích lòng ai, gặp ai cũng tay bắt mặt mừng... Nhưng cuối cùng chợt nhận ra, đó là một đời nhạt. Một đời, có thể gọi là thong dong mà lại không sung sướng, cảm khoái. Một đời tưởng là nhiều bạn, mà lại không có kẻ tri ân. Một đời, đã nhận được nhiều lời khen, mà ngẫm chỉ thấy toàn xã giao...
Đó là chưa nói đến, có những người vừa bị một cú vấp ngã, đã quỵ mãi mãi không thể đứng lên. Anh cứ bị cái thất bại đó giày vò, rồi sống trong mặc cảm, lo sợ. Anh rút vào cái vỏ ốc của mình. Anh trốn đời, nhắm mắt bịt tai lại với tất cả. Cũng có nhiều người tập thiền, tập đi chậm, nói thầm, cười khẽ... Nhưng đấy thực chất là cuộc chạy trốn chính mình. Từ cuộc chạy trốn này, vô tình anh đã hủy bỏ bao nhiêu khát khao dự định. Có thể, anh đã sống một đời còn lại trong an toàn, không ai nói với anh một lời nặng nhẹ, không ai kêu anh là "thằng hèn". Nhưng, rồi chợt anh thấy mình là hèn. Cũng chẳng được là "hèn đại nhân". Một thằng hèn vô danh. Buồn lắm thay!
Thế mới biết, sống cho mình thì dễ, sống cho đời, cho người mới khó. Mà sống trong đời, sống với muôn người thì làm sao tránh được sự hèn. Vậy, nếu trót hèn thì cứ hèn đi, đừng sợ. Thà hèn mà làm được chuyện đại sự, mang ích lợi cho nhiều người, còn hơn là sống một đời bằng an nhạt nhẽo.
Nếu trót hèn, xin nhớ hãy làm "Hèn đại nhân".
Trần Nhà Thụy
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire