caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 4 mai 2013

Sài Gòn Đầu Đường Cuối Ngõ





 Sài Gòn Đầu Đường Cuối Ngõ
» Tác giả: Phi Ngọc Hùng
» Dịch giả:
» Thể lọai:
Tùy bút/Tản mạn/Tiểu luận
» Số lần xem: 11089
       Vào một ngày cuối năm để có những giây phút lãng đãng, phiêu bồng. Như ông đồ nát chữ, giấy một túi, bút một túi, tao ghé quán Phố Xưa nơi thành phố tao đang trụ chì, tụng kinh gõ mõ.... Trong một chiều vắng có mây mưa giăng mắc, tao ngồi đấy để…tụng về một quán cà phê Thằng Bờm cùng những bạn bè cũ. Bài viết gò gẫm xong, nhưng thóang như có một hạt sạn nằm gọn lỏn trong chiếc giầy, thấy ngứa ngáy khó chịu, đâu đó cũng chỉ vì cái tên của một quãng đường hay một con ngõ nhỏ. Thêm dăm cái tết tha hương hòai viễn xứ, tao trở lại cái quán này, lặng ngắm ngững gịot cà phê để hồn lang thang bay bổng với mây trời. Rằng bằng vào cái tuổi lá xanh, lá vàng, ai đấy bỏ làng bỏ nước mà đi, tha phương cầu thực mãi. Mãi đến một ngày lọm khọm chống gậy trở về dĩ vãng với đụn rơm nóc rạ, khói lam chiều đùn qua nóc bếp hay với đường xưa lối cũ qua bóng ngả đường chiều. Để cớ sự gì tao không thẩn thơ trở về ngày nào tháng ấy qua những quán xá bên đường, qua cái tuổi mới lớn với những khúc hát ban đầu, những cái tên của từng bản nhạc hay tên của những nhân vật thời thượng mang mang một thời hoang vắng xa xưa. Những quán không số, ngõ không tên, ấy là những mảng dĩ vãng đầy ắp trong tâm khảm cả đấy, thưa mày.
 

      Rồi, một ngày nào đó…

      Tao sẽ trở về tìm lại con phố cũ có quán cà phê ở một ngã ba, ngã tư mà những cái cột đèn chẳng thể thiếu vắng của bất cứ ai trong mảnh đời luân lạc, với Sài Gòn hòai niệm, Sài Gòn dĩ vãng, Sài Gòn ký ức đâu đây.

                                                            ***

       Rồi, sẽ có một ngày… 

       Ngày trời tháng Bụt, ngay lúc này đây tao đang có mặt gần phố Cầu Gỗ, tự nhủ thầm mắc mớ gì lần mò đến những quán cà phê của Hà Nội trước 54 như quán ông Nhân, ông Giảng, dường như nay cả hai đã có mặt trên chuyến tầu miên viễn. Bỗng thèm một ly cà phê đá đậm đặc, thêm một ngày mưa bụi bay bay, đan vào nhau như màng nhện, mặt đường ướt và trơn, để đẩy đưa tao có ý đồ đi lùng cà phê…xe, cà phê gánh. Và đây mới là chuyện tao muốn kể lể: Nghe nói ở phố Lò Sũ có những mục cà phê nhất cổ nhì…quái ấy. Thế nhưng đến nơi tao đụng nỗi buồn chạm mặt với phố Lò Sũ là tên mới của phố…Hàng Hòm thập niên 20. Mà sũ tiếng Nôm là quan tài, là áo quan, nghe mất vui, mất sướng. Lại lóang thóang nghe ở một con ngõ nhỏ có tới cả chục quán cà phê vỉa hè, thế là tao vác xác tới và ớ ra vì ấy là ngõ…Hàng Hành. Quái quỷ gì đâu chẳng biết nữa, hết cổ mộ tha ma nay đến hành với tỏi. Thế nhưng Hà Nội phố, ngựa xe tấp nập buổi tan tầm và một buổi sáng ướt lướt thướt trong mưa lâm râm lạnh và tao đã lừng lững có mặt. Nghe hãi không mày.

       Sáng tinh mơ ngày đầu tiên có mặt ở Hà Nội, dậy thật sớm, tao lò dò mò xuống thăm phố phường, tao không bắt gặp cà phê xe mà nhè…phở xe cạnh khách sạn. Trên bàn đã an vị sẵn một bát mình chính, điã dầu cháo quẩy, một đĩa quất rất “mô típ”. Chưa kịp gọi thì người phục vụ viên đã mang ra bát phở to bằng mắt muỗi, tao bèn ú ớ thì ngườiI nhấm nhẳng nơi chốn này, độc nhất vô nhị chỉ có một món phở chín của cụ…Nguyễn Tuân. Quất xong bát phở, tao đụng đậy hai con mắt theo đàn gà con đang chíp chíp mổ mấy cọng rau thừa rơi vương vãi dưới gầm bàn. Chúng nhở nhơ thả rong qua cái quán rất bụi, rất thiên hạ phong trần ngay đấy….

       Ngay dẫy tường dài, người ta chăng tấm vải bạt, bầy ba cái bàn dăm cái ghế thấp, mà bàn đây là mấy cái thùng gỗ và gọi ấy là quán cà phê. Tao phởn phơ bước qua, bụng bảo dạ sẽ kêu một “cái nồi ngồi trên cái cốc ” cho nó hách. Tao chắc mẩm sẽ bắt được một tách cà phê qua điệu nhạc tao đã từng nghe rách tai: Bóng tối đen như cà phê…Bóng tối đắng như cà phê” thì được gã chủ quán lò dò đến hỏi cộc lốc: “Uống gì”. Chưa kịp há mồm thưa gửi cho ra dáng người Hà Nội thanh lịch, gã đã quay đi, lững thững mở cái “fri-di-đe chạy đầy đường ”. Lấy ra một cái lọ đen xì như thuốc bắc. Rót tồ tồ vào cái cốc vàng khè. Bỏ vào cái “máy hấp”, máy chạy nghe kêu…u u nhức nhối. Và đúng ba mươi giây sau, tao có một cốc…cà phê truyền thống. Sau khi bị bắt cóc bỏ đĩa Ly cà phê đen…đen như bóng tối xong, nhâm nhi cốc cà phê…mầu nâu đất, nhạt như nước ốc ao bèo, lúc ấy tao mới ngộ ra một điều: Năm 54, các ông bác, ông chú mình gồng gánh cà phê phin theo tầu há mồm vào Nam, bây giờ mấy ông dép râu nón tai bèo với xe đạp đèo cà phê “bí tất” ra Thăng Long nghìn năm văn vật cho nhân sĩ Bắc Hà. Thêm một nghịch lý nữa là dân Sài Gòn lơ đãng nhìn ra đường…nhìn đời bằng nửa con mắt thì người Hà Nội…”trăn trở“ quay mặt vào tường loang lổ để đăm đăm nhòm cái dòng sinh mệnh nổi trôi.

       Cùng Thăng Long hoài cổ, thêm một mảng văn chương chữ nghĩa với một không gian văn hóa dân dã vô cùng thú vị của văn hóa quán cóc”…Và sĩ phu Bắc Hà gọi là quán…“liêu xiêu”. Hai chữ này “đắt” không mày. Trở lại với cái “quán không nhà ” bên đường, rằng cứ ngồi chồm hổm như cậu ông trời nên được gọi là quán “cóc” chăng? Nhưng ấy là chuyện sau với cà phê Năm Dưỡng, thưa mày!

        Bỏ cà phê…đen như mõm chó ở cái quám liêu xiêu ấy, vào Sài Gòn và bây giờ tao đang ngồi đây, xưa kia một thời mang cái tên là hồ Con Rùa, nằm chình ình trên con đường Duy Tân cây dài bóng mát và ở đấy nay có quán cà phê 47. Quán nằm trong con hẻm rộng có căn nhà của người Trịnh Công Sơn, thế nên người Hà Nội thấy sang bắt quàng làm họ và gọi là: hẻm Trịnh. Khách vãng lai không ngòai nhà văn Nguyễn Đạt, họa sĩ Trịnh Cung, gần đây có thêm Đỗ Hòang Diệu với Bóng Đè. Chưa hết, sau cái ngày một vũng tang thương nước lộn trời với một cái chấm hết, gần Bến Tắm Ngựa, Tân Định có quán Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư. Ông vứt bỏ áo nâu sòng, với điếu thuốc dang dở cháy đỏ giữa hai ngón tay, như chưa tàn cuộc phù vân, ông ngồi lặng lẽ ngắm những viên đá đang tan chẩy trong ly cà phê. Mỗi giọt nước đọng vẽ vời những ẩn mật vô ngôn, đá trầm mặc từ từ tan lõang để tìm về bản thể long lanh của minh, chẳng biết đá tồn tại không tồn tại. Chỉ còn lại một làn hơi bảng lảng giữa quá khứ và hiện tại. Nhưng nói thẳng mực tầu đau lòng gỗ thì chạy trời không khỏi nắng: Ấy lại là quán cà phê…bí tất, thưa mày.

       Như bị bóng đè, tao thả hồn về Sài Gòn 54 ri cư và lớn lên với những con ngõ xôn xao, nằm trong thành phố lớn cùng vài quán cà phê đầu đời…Nhà tao ở ngay đường Nguyễn Tri Phương, để chẳng bao giờ quên thằng “Băc kỳ ăn cá rô cây…” có tâm hồn ăn uống: Ăn thì tao xớ rớ ba thứ tầm ruộc, xòai tượng. Uống thì chộn rộn mút cục đá nhận bạc hà, đến trơ cái lạnh, nhạt trên đầu lưỡi. Vậy mà lớ ngớ đi vớt nòng nọc ở cái rãnh thóat nước trước cư xá sinh viên Minh Mạng. Tao thấy tại cái quán chệt xập sệ cuả một lão Tầu già, lão cầm cái vợt, giống như miếng vải buộc vào đầu đũa để bắt lăng quăng của tụi tao. Nhưng dòm giống “cái vó” đánh dậm, vớt tôm bắt ốc của người Bắc mình. Thế rồi lão đổ nước sôi vào, nước chẩy tong tong thấy sướng con mắt, những giọt nước mầu đen bốc khói thơm lừng. Và tao ngớ ra chẳng hiểu là cái chết tiệt gì. Khỉ thế đấy.

       Mãi cho đến năm trung học, mầy mò ra cái quán Năm Dưỡng khu Bàn Cờ, lúc ấy tao mới chứng ngộ ra “cái vó” được gọi với cái tên rất Tây là “cà phê bí tất”, điã cà phê đen nông tè gọi là “xây chừng”, thêm tí sữa kêu là “pạc xẩy”. Thế đó. Thế nhưng chẳng có hơi hướng cà phê quái gì. Đúng ra lão bỏ trái điệp rang hay gạo bắp vào cái túi vải dài giống như chiếc vớ, chế nước sôi vào cho ngấm, gạn lọc đổ vào chai la-de trái dứa xanh lè (y trang như người Hà Nôi ở khúc trên). Nốc vào tao còn nhớ mãi cái mùi ngai ngái như mùi bọ xít, hăng hăng khét đằng. Vừa uống vừa lấy cái của nợ…mà Nam kêu là muỗng, Bắc gọi là cái cù dìa, để vớt những cặn bã đen như vỏ cây bị đốt, nên chả thống khóai gì sất cả.

        Nhân chuyện thổ âm với thổ ngơi, người Bắc với người Nam, hoài cố nhân qua cà phê thì tao trộm nghĩ rằng chẳng thể vắng bóng người Bình Nguyên Lộc. Trong “Hồn Ma Cũ”, chẳng mầu mè ba lá hẹ gì sất cả, ông kêu đại cái giống này là cà phê…“cắc chú” thế mới cha đời, chữ nghĩa miệt vườn như vậy là…nhứt. Và mày hãy ngồi đồng để ông kể chuyện uống cà phê “cắc chú” bên lề đường cho mà nghe, cho đã: “Hai chân len lén rút ra khỏi đôi dép da, đạp lên cái ghế con bỏ trống bên cạnh, hay gác lên bờ tường thấp. Ngả người trên lưng ghế, ngước nhìn lên trời. Bầu trời vắng vẻ cao vời vợi, chuyện cũ dâng lên trong ký ức, lan man…Cà phê tất nhiên chỉ là cái cớ. Không có cà phê ta vẫn có thể…len lén tự rút mình ra khỏi cuộc sống, ra khỏi đôi đép…Ngày nào cũng thế, khách ngồi đó như…vị tiên bất tử. Khách hết lớp này lớp kia ra vào, y như các thế hệ nối tiếp nhau mọc trên dương thế, ngồi ngoài càn khôn mà nhìn vào kiếp sống phù du này.”

       Nghe “phê” không mày…Ấy đấy, dạo đó tao như “khách” uống cà phê của Bình Nguyên Lộc, ngồi chơ vơ giữa phố thị, giữa trời đất mang mang ai người tri kỷ. Và chỉ khác một điều là, còn bé tí, vậy mà những điếu thuốc đầu đời được đốt lên, thông cảm đi, tập làm người lớn mà mày…

       Ít lâu sau như dế mèn phiêu lưu ký, với cái xe đạp Sterling khuân từ Hà Nội nghìn năm mây bay vào, tao thả dọc theo đường Nguyễn Thiện Thuật và táp vào một con ngõ nhỏ với quán cà phê Phong của một cụ phán Bắc kỳ ri cư về hưu. Đúng ra là tên Foóng, là kỳ nhân dị tướng, thế nên cụ cũng khác người, khách tới nhằm lúc cụ đang bình cờ, gài thế thì khách mặc khách, cụ cứ nhàn nhã tiến quân xe, lùi quân pháo cho đến lúc tàn cuộc binh đao, cụ mới thủng thẳng làm cho một tách. Gặp lúc cờ đang dở cuộc không còn nước, cứ ngồi đó mà nhỏng tai nghe cái máy phát thanh gỗ hiệu Phillips qua giọng hát của Ngọc Cẩm, Nguyễn Hữu Thiết lê thê…với Đêm Tàn Bến Ngự. Như trên tao đã vung vãi, âm thanh là một phần của một quãng đời, bám cứng không rời, để thành hòai niệm, rồi từ cái quán trong ngõ hẹp này về sau, những cái tên của bản nhạc như đánh dấu cái mốc của thời gian với Chuyến Đò Vĩ Tuyến của Lam Phương Đêm nay trăng sáng quá anh ơi, sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai mầu... Hướng về Hà Nội của Hòang Dương “Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê. Tóc thề thả gió lê thê. Biết đâu ngày áy anh về…”. Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội, thơ Hòang Anh Tuấn, Phạm Đình chương phổ nhạc “Mưa hòang hôn trên thành phố heo may vào hồn…”.  Nhạc vàng, nhạc xanh như lá đổ muông chiều, cứ ối ra cả đấy trong quán cà phê của Sài gòn đầu đường cuối ngõ. Tao sẽ hầu chuyện mày ở khúc sau.

        Vì vậy có thể nói quán đầu tiền trong ngõ của Sai Gòn là quán Phong. Để rồi Sài Gòn ngày ấy là vùng đất mới đang cần phải khai phá, thế là vẫn với con ngựa sắt tao buồn tình ghé Phan Đình Phùng, tao…tìm ra quán Gíó Bắc. Mãi gần đây, ghe ông cậu vợ kể chuyện một thuở hòang kim Sài Gòn 54 với quán này có cái máy đĩa lên dây thiều quay tay hiệu Béka từ năm 1938 với cái kim nhọn hoắt, biểu tượng là con chó Fox nhỏ, tai to ngồi bên cái loa, cái đĩa 45 tua với bản J’ai deux la mours. Riêng ông chủ ngòai có bộ râu con kiến như Clark Gable, ông còn có cô con gái rượu và…hai cây si trồng trong chậu ngay trước quán. Và cái hình tượng nhẩy nhót trong đầu tao chẳng phải là quán Gió Bắc, Gió Nam mà là chiếc xe Renault con cóc hai mầu xanh vàng của miền Nam mưa gió hai mùa.

       Ông cậu vợ “nhắc nhớ” đến phở Tầu Bay, rằng sáng sáng ông tạt vào làm một bát tái trần nước béo và ngó qua cũng một con ngõ nhỏ sâu thẳm, bên cạnh có một hàng bánh cuốn, trên bàn bầy mấy đĩa bán rán như…đợi ruồi. Và có một hàng cà phê. Sau này qua điển tích, điển cố, tao mới hay là quán cà phê Lão Tử. Quán có cái tên này vì người chủ quán nhân hậu, chẳng bao giờ nhắc khách những nợ nần tơ vương. Khách bẽn lèn đến, ông không nói một tiếng, vẫn thong dong bình thản mang cái phin ra đặt trước mặt. Và khách đứng lên, có thiếu một phùa chăng  nữa, ông cũng lặng lờ như gió thổi mây bay. Người chủ quán như thế, chẳng là Lão Tử thì còn là ai và khách đây cũng không ngòai Thế Uyên, Lê Quỳnh...Từ quán ngó qua bên kia đường Lý Thái Tổ là một cái nhà hòm với những chiếc quan tài bé con con trước cửa bệnh viện Nhi Đông. Lại không thể không nhắc đến nhà hòm Tobia với quán cà phê Thu Hương sau này, thưa mày.

       Từ phở Tầu Bay hướng về khu trường đua Phú Thọ trước kia với 10 ngàn cái lều ri cư. Bắt gặp con lộ nhỏ Đào Duy Từ ở sân vận động Cộng Hoà có quán Đa La. Quán của chị em cô sinh viên Chính Trị Kinh Doanh mang cái hơi hướng của núi rừng Đà Lạt với giò lan, giỏ gùi sơn nữ, tạo cho quán một dáng hoang dã với mây ngàn, cùng những thớt bàn được cưa từ những cây cổ thụ u nần, mang vẻ rừng núi cổ sơ đầy lạnh lẽo. Được mấy mùa trăng lá rừng cũng rơi rụng là có quán khác, quán này căng cái bạt nhà binh màu cứt ngựa, mặt vải vẽ sơn trăng tên Lam rất ư thư pháp của anh chị em Quốc Gia Hành Chánh. Rầm rộ khai trương âm thầm đóng cửa, của người phúc ta, một nhóm Luật, Vạn Hạnh, Kiến Trúc chở củi về rừng dàn máy Akai của quán Lam. Cũng cưa sẻ mấy thân cây làm bàn ghế dựng nên quán Thằng Bờm ở ngã ba Đề Thám với Phạm Ngũ Lão. Bên kia khung trời với dăm cây số đường chim bay là quán Văn, nơi nhóm họa sĩ trẻ thường hay tụ họp cùng Khánh Ly đi chân đất hát nhạc họ Trịnh trên nền Khám Lớn cũ, bên này quán Thằng Bờm cũng sập sình với ngâm sĩ Thanh Hùng của ban Tao Đàn và cặp Lê Uyên Phương từ Đà Lạt về.

       Qua bài viết có cái tựa dề: “Quán Lão Tử: Một Thời”, người viết Nguyễn Đạt muốn nhắc lại một quãng thời gian của khu lều học sinh ri cư Phú Thọ. Tiếp nối cùng  Nguyễn Tiến Lập, Lưu Trọng Đạt, Nguyễn Nam Lộc, Hà Thời Triển…và ai nữa đã săn tay dựng lên quán như quán Lam, Thằng Bờm, Hầm Gió, Thượng Uyển…một thời của đám học trò di cư vào Nam nằm vào cái tuổi 11, 12. Ấy là chưa tính sổ giữa hai thập niên 60 và 70, Sài Gòn có nhiều quán cà phê mới, quán nào cũng chọn một cái tên qua những bản nhạc thời thượng như Hạ Trắng, Hương Xưa, Hoài Cảm…

        Ấy đấy, Sài Gòn nhiễu nhương với thế sự thăng trầm quân mặc vấn thì nếu như mấy tiệm thịt cho trân ngay gần chùa, nhà thờ…Mấy quán cà phê cũng bương trải với lịch sử là cuộc tái diễn không ngừng, không gần tiệm phở thì cũng ngang ngang với nhà hòm, giống như phố Hàng Hòm với tao nhân mặc khách khăn đầu rìu, quần sắn móng lợn. Nếu Hà Nội bây giờ có những quám cà phê cho những người yêu nhau trời hôm tối rồi thì Sài Gòn thưở ấy, nếu lấy con đường Lê Văn Duyệt làm làn ranh, bên này là những quán cà phê cho những cụ Bắc kỳ ri cư “Ai ra bến nước trông về Bắc – Chỉ thấy mây trôi chẳng thấy làng”. Và bên kia là những quán cho những người trẻ tuổi đang vật vã với “Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ - Chí lớn chưa về bàn tay không”. Nhưng ấy là chuyện hậu sự, thưa mày.

        Vì rằng mày cũng đã ứ hơi vời cà phê “hàm thụ” Sài Gòn. Mà nói dại chứ, nếu mày có rối rắm với cố hương nan khứ hậu nan quy, mày hãy leo lên cái xe Goebel máy đuôi cá nổ bành bạch như xích lô máy của tao để tìm về một góc Sài Gòn của những ngày tháng cũ. Ừ thì hãy bắt đầu cuộc hành hương từ trường Chu Văn An mới, dọc theo đường Minh Mạng là gặp Ngã Sáu Chợ Lớn với bến xe đò lục tỉnh, gần khu này còn có hãng Mic, Basto, hãng La-de BGE. Dọc Phan Thanh Giản qua bệnh viện Bình Dân, chợ Vườn Chuối, mày sẽ chẳng tìm lại được mấy cái Vespas phình bụng. Cái Mobylette vàng ì ạch như ông công chức già. Cái Velo Solex với cái bầu to đùng ở phía trước. Ngay cả những chiến Honda Dame, Lambretta, Suzuky M15 này kia. Hết rồi, tất cả đã chìm trong quá vãng cùng một thời đã qua. Tất cả chỉ còn là những cái tên, như những vang vọng như tiếng rao hàng rong của một Hà Nội 36 phố phường. Thế nhưng ai chả có quá khứ còm cõi, dù rằng chỉ có một lần phất phơ trong đời. Tao triết lý củ khoai như vậy đấy, nghe được không mày.

       Tới chợ Chí Hòa, cùng những hình tượng trên, con đường nhân gian với nước chẩy qua cầu này cũng chẳng còn những chuyến xe thổ mộ cùng con ngựa già lóc cóc về ngã tư Bẩy Hiền, tất cả đã thuộc về năm tháng cùng một thời vắng bóng. Mày hỏi đường gì ấy hả…Ấy là khúc Trương Minh Giảng qua nhà thờ Ba Chuông, bên phải là mấy hàng chả thịt nướng khói bay nghi ngút thơm lừng, bên kia đường là hai, ba cái xe thịt chó treo lơ lửng mấy cái đùi trắng hếu như ếch lột. Rõ ra một ngày, lạc lối chân ai, tao lạc vào quán cà phê Thăng Long lúc nào cũng chẳng biết nữa và chỉ nhớ mài mại là quán thấp hơn mặt đường, phải bước xuống mấy bực thềm, trước có một dàn hoa giấy, quán có “dàn” phin cà phê bằng đồng chứ không phải bằng nhôm như mấy quán khác vậy thôi. Sau quơ cào trong báo bổ tao mới hay quán có từ ngòai Bắc, theo chân vợ chồng của một ông bà di cư tên Cẩn dọn vào. Vì vậy nhạc trong quán thường là nhạc tiền chiến như Dư Âm, Nỗi Niềm Người Đi, Buồn Tàn Thu và khách quen của quán là nhà văn Nguyễn Đình Tòan, Mai Thảo, Duyên Anh.

        Lại bát phố thêm một phùa nữa, từ Phan Thanh Giản rẽ phải, rải rác đâu đây một sạp báo, quầy bán thuốc lá lẻ, quầy bán vé sổ số. Tất cả đều rời rạc nhưng gắn bó trong tâm tư của những người đi xa, nếu có dịp hồi tưởng lại trong một thành phố lạ và những đường Sài Gòn xô bồ, xẻ ngang chém dọc và quan hòai là vậy đấy mày. Rồi mày sẽ suôi theo dòng đời ngược suôi với phố Lê Lợi rộng thênh thang. Thóang qua Thanh Bạch ngập ngùi với mùi bò kho, rau húng chấm muối tiêu chanh. Để rồi thương hòai nghìn năm xe mía Viễn Đông. Thôi thì của khôn người khó, mày và tao hãy ngụp lặn với khô bò gan vàng cháy, nằm gọn lỏn trong cái xe thùng mặt kính, đầy ắp những đu đủ xanh bào mỏng, chai dấm trắng, nước tương đỏ. Nếu mày sầu qua ngọn cỏ cùng cái chậu lõng bõng nước, cái khăn vàng ố thì bắt cái bò bía hay chuỗi phá lấu thơm phức và gan ruột phổi phèo xiên qua cây tăm tre quẹt tương đen cùng một chút hương xưa.

       Mày như Từ Thức về trần, thôi thì mày và tao hãy lách vào hẻm Casino Sài Gòn, ngõ ngách Passage Eden, quán Bà Ba Bủng vớt một bát bún ốc. Cố nhân hòai cố quận, cố tìm lại hình bóng con ốc nhồi xa xưa, ở một vùng quê đất Bắc xa lắc xa lơ. Vẫn chỉ là con ốc nhồi ẩn náu dưới mớ ao bèo trên mặt ao đầy váng vậy mà ngon đáo để. Hay một tô bún riêu, một tô bún chả thơm nồng, vẫn còn một chút dư vị chợ Đồng Xuân. Hoặc giả như bát miến gà, bát bún thang, khi đã no nê, vẫn còn hơi hưóng chút thơm tho đôi ba gịt cà cuống dắt trong kẽ răng, ba bốn ngày sau vẫn còn nồng cay. Hay hòai cố hương là quán cơm Bà Cả Đọi mà tao nghe hơi nồi chõ là do Nguyển Thụy Long thấy mặt đặt tên đó mày. Quán nằm trong một cái hẻm sâu hun hút, mâm cơm dọn trên “đi-văng” gỗ bóng mầu thời gian cũng chiếu hoa một cõi. Cùng những món rất Bắc Kỳ rau muống như thịt đông dưa chua, canh cua rau đay mồng tơi, cà pháo chấm với mắm tôm.

        Chẳng dấu gì mày, tao đang mặn mà với những cái tên của qúa khứ cùng lá vàng rơi trên giấy, ngòai trời mưa bụi bay…Với chỉ một con đường Catina không thôi cùng những cái tên như Continental, Caravelle, Majestic, Broda, La Pagode, Givral, dẫu rằng chỉ là những cái tên. Để rồi một ngày nào đó, theo tuổi tác của những người viễn xứ, giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sầu và tàn lụi vào dĩ vãng. Nếu có thể được, cùng bên bờ đôi ngả, mày cho tao một chút vấn vương không tưởng, như lối xe ngựa hồn thu thảo, ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương cùng những…hòai vọng. Mày vén môi: “Vậy ư “. Vậy thì mày cứ tà tà húyt gió như người Sài Gòn năm xưa qua tiếng hát Sylvie Vartan với: ”J’attendais que ma vie recommence..” là sắp tới đường Tư Do với mini jupe, montagut để tìm kiếm cô Bắc kỳ nho nhỏ…em có nhìn anh giữa đám dông, trong đám đông.

        Nếu mỗi hẻm nhỏ, mỗi góc phố, mỗi hàng cây, đều thấp thoáng bóng hình của bạn xưa trường cũ…Hãy khoan đã, mày muốn là thổ công Sài Gòn hay lõi đời với ba chữ dấm dớ ở nhà Tây, lấy vợ Nhật, ăn cơm Tầu. Mày muốn chấm bánh croissant vào cái tách cà phê sữa to bằng cái bát ăn cơm. Hoặc giả như như ngày này năm ấy, muốn gặp Sartre, Camus da vàng mũi tẹt đeo kính cận vuông đồi mồi to tổ bố, ngậm ống vố dài ngoằng và luận về thuyết hiện sinh hay dấn thân cùng thân phận bèo bọt thì cứ táp vào quán Chùa. Mày sè được ngồi trong cái ghế da to đùng, ôm cái bàn nặng chình chịch, được nghe kể chuyện tán đào, rầu rĩ ôm gối thất tình hay châu đầu vào nhau tính chuyện lấp bể dời sông, hay sì sầm bàn tính đường trốn lính. Và mày sẽ được hút thuốc lá có mùi nhang thả dàn, cuối chầu là quên bẵng chuyện ai là đầu tầu…trả tiền cà phê! Thế nên thổ địa mới được gọi là quán…chùa chăng? Thôi thì mày cứ hòai cố nhân về những thằng áo liền quần với cái kính ray-ban, thằng thì mầu áo hoa rừng đeo khăn quàng cổ, dẫu gì tao cũng muốn thả rong về một thời chinh chiến cùng cái poncho mầu cứt ngựa mà mày. Thôi…”zu-lu”.

      Mày ớ ra với “zu lu”…thì cũng “dzọt” cho phải phép đấy thôi. À mày hỏi tao đi đâu hả, thì quay về vùng đất địa linh nhân kiệt của Sài Gòn đấy mà, nhân tài và quán “cà phê” thời nào cũng có, đông như tổ đỉa. Vậy thì hãy ghé quán cà phê Thu Hương, thảnh thơi bước vào một sân gạch rộng, từ trong có thể nhìn ra đường qua những song sắt nhỏ sơn xanh, cũng với một dàn hoa giấy phủ rợp. Mày hãy mộng dưới hoa về một ông chủ quán khó chịu một cách…dễ thươg. Hình như với ông, bán cà phê như một nghệ thuật kỳ thú với nghệ thuật vị nhân sinh. Mày muốn làm một cái phin chăng? Xin cứ ngồi yên đó, việc của mày là đợi, đừng táy máy đụng vào làm hư ”tác phẩm” của ông ấy. Cà phê bưng tới, ông ngồi đâu đó như rình thời gian và…rình mày. Ông rình mày như mèo rình chuột. Trong lúc ông nhìn trời, cà phê trong “nồi” lặng lẽ, từng giọt, từng giọt âm thầm theo nhau rụng xuống đáy...trầm luân. Như tao đã giải lý, cà phê rụng xuống không hấp tấp. Một giọt cà phê tự hư vô không bào giờ vội vã. Giữa khung cảnh của cái thời yêu cuồng sống vội ấy. Giọt cà phê chân chính không bao giờ biết nói dối. Vẫn bình tĩnh, thong thả, đủng đỉnh lắc lư, chán chê rồi bấy giờ mới buông mình xuống đáy tách.

        Đừng nôn nóng gì cả, mày sẽ có tách cà phê để đời. Ông sẽ xuất hiện đúng lúc cạn phin, sẽ bỏ đường và khuấy đều cho mày và sẽ lịch sự…“Xin mời” khi mọi việc đã mồ yên mả đẹp. Mày táy máy mở cái nắp phin ư, nước chảy ào ào để lỏng le còn gì là Thu Hương nữa! Mày bỏ đường ngọt như ăn chè Hiển Khánh và còn khuấy thìa cốp cốp kiểu đó cà phê sẽ chua lét là mày giết ông ấy rồi! Khách đến với Thu Hương là ai? Nhiều lắm, có thể họ từ bên trường Luật qua, từ dưới Văn Khoa, Dược, Nông Lâm Súc xuống. Họ đều có điểm giống nhau là tất cả đều tha tập cours quằn tay. Nào là “Nói Với Tuổi 20” của Nhất Hạnh hay “Hố Thẳm Tư Tưởng” của Phạm Công Thiện với mặt trăng hiếp dâm mặt trời. Hoặc giả như một thời buồn nôn phi lý hay buồn ơi chào mi qua Jean Paul Satre, Abert Camus, Francoise Sagan. Ấy là Sài Gòn một thời bút nghiên đèn sách đấy mày, họ kéo nhau ngồi đấy, bập môi kéo thuốc nhả khói như điếu cầy, không phải Mélia vàng hay Basto đỏ mà phải Basto xanh giống thuốc lá Gaulois cho ra dáng Tây, cho có vẻ phong trần cát bụi. Cứ như thế mà trầm ngâm suy tư, rì rào tâm sự và…thiêu đốt cuộc đời, đốt cháy thời gian. Nể không mày.

        Vừa ra khỏi quán Thu Hương, miệng mày mấp máy ra cái điều làm một quả…quẹo trái đi? Ấy không được đâu, lạng quạng mày dám ngược dòng lịch sử để trở về thời hông hoang, như ngày nào mày lại viễn mơ về những cuộc hành trình dọc theo con đường của hai Bà, Cầu Kiệu, Võ Di Nguy, Chi Lăng là gặp lại một thoáng hương xưa với “một tiếng kêu cha” ở bệnh viện Cộng Hòa và xa hơn một chút nữa với “hai tiếng kêu chú” ở Ngã Ba Chú Ía. Đừng dại mày, đừng bao giờ trở về tắm lại hai lần cùng một dòng sông để thăm…. chốn cũ người xưa. Người kỳ nữ đâu không thấy, ngoảnh lại chỉ thấy đất xưa rày đã lên đồng, chỗ dựng nhà cửa chỗ trồng ngô khoai. Chuyện vật đổi sao rời là vậy đấy, thưa mày.

        Với Sài Gòn không nắng thì mưa, hay tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt. Hoặc giả như gọi nắng cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay… Với đình thụ bất tri nhân tận khứ, xuân lai hòan phát cựu thời hoa, để nay tao thấy khúc phố nào cũng có dăm nhà ẩn mình sau giàn bông giây hồng tươi mầu xác pháo hay dây thủy tiên chói đỏ... Có một điều lạ, đất khách quê người, lóang một cái như một giấc mơ hoang, tao quên bẵng đi những bụi hoa lạc loài ấy, mà chỉ miên man đến hoa phượng, hoa điệp như con cuốc gọi hồn. Những con đường Sài Gòn qua ký ức của tao là vậy. Từ đầu thập niên 60 cùng cái “sây chừng” với 1 đồng 3 điếu Ruby, để bắt đầu lớn lên cùng tách cà phê đắng chát…sau đó phun khói mịt mù. À mày hỏi tao lầu bầu gì ấy hả…Ừ thì tạo hóa gây chi cuộc hí trường, đến nay thấm thoắt mấy tinh sương, rằng đường mưa ướt đất để đi xuống một chút nữa, gặp một khúc phố…Ấy là tao muốn mày ghé quán Văn Hoa.

       Quán có món…cà phê đá, chẳng phải là đá bào, đá cục. Mỗi viên đá chỉ to bằng đầu đũa đè lên nhau đầy ứ như bị ẩn ức. những viên đá dẫy dụa như muốn buông thả. Cầm cái ly lên tay mát lạnh vì ẩm ướt, lắc lắc kêu lanh canh, nhấp một ngụm, lạnh cả người, lạnh cả đầu lưỡi. Nó cứ chui tuốt xuống cổ họng, lại thấy cái lạnh lan man khắp lục phủ ngũ tạng, len lỏi thăm thú từng phân vuông da thịt. Ngoài một chỗ ngồi, tao muốn trở về hai bên vỉa hè đầy cây cao thẳng tắp, để trăm nhớ nghìn thương với quán Văn Hoa cùng gió nồm rồi lại gió hanh, bể dâu thì đành bể dâu. Chẳng là ở đấy tao có nụ hôn đầu đời thắm mùi ngô non với người tình nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em măc áo lụa Hà Đông. Rồi tao đưa em vào hạ, vào rạp Văn Hoa với bóng tối đèn mờ. Lần đầu tiên trong đời tao mới biết thế nào là ngứa ngáy, là bàn tay năm ngón kiêu sa tháo mở với…sào khô, sào ướt đến…khó chịu. Tao đang khơi đống tro tàn, nói dại chứ, ai chẳng muốn làm người lớn thì cũng phải bước qua giữa lối đi hẹp trong bóng tối âm u. Chữ nghĩa buông xả và niệm rằng: tao chỉ vọng cố hương qua đường xưa lối cũ cùng một vạt áo dài ngang ngang...đầu gối. Trái nắng trở trời với mưa không ướt đất nắng không ấm đầu, tao thương hoài nghìn năm về một tà áo tiểu thư qua tách cà phê đá và…không hơn đấy thôi.

        Thêm một cái quán nho nhỏ để gợi nhớ đằng cuối đường Pasteur. Đầu ngã ba này là nhà may Thiết Lập phía đường Nguyễn Đình Chiểu, cuối ngà tư kia là phở Hòa: Ấy là quán cà phê Pateur. Quán nhỏ bé với một cái tên, gọi riết thành quen vì rằng quán có tới ba chị em, cô Hồng, cô Hà và cô út tên Khuê. Quán không có bảng hiệu, mặt tiền trông ủ ê cũ kỹ với cửa nẻo mầu xanh lá cây. Ngày ấy tao ngất ngư với dòng nhạc mệt mỏi cở…đại bác đêm đêm vọng về của Trịnh Công Sơn như…cánh vạc bay, để rồi bay lên vút tận trời, từ nay xa cách mãi. Nói rõ ra là với những âm hưởng này, khách đến quán với một chút “cát bụi” như…đàn bò vào thành phố.

        Quán hồi đó có những ai nhỉ? Vẫn hồn ma bóng quế của những dị tướng, dị nhân. Những hiện tượng cổ quái của một thưở với tóc tai như tổ quạ, mặt mày nhăn nhó khó coi, quái nữa là những khứa này lại sính nói chuyện…vô vi. Lại có khứa mang vóc dáng khinh đời khinh bạc, đi guốc, mặc áo nâu sòng, ngồi vất mật vào tường và lầu bầu một mình như…Bùi Giáng. Ấy đấy, khách ngồi quán đếm không xuể kể không xong, nay lâu lâu lại có dăm thằng bạn cà phê một thuở thì thào qua điện thọai, chuyện cũng chỉ nhắc lại quán cũ cùng thằng này thằng kia cùng một thời thế sự du du hề một thoáng bạch câu. Quán đã đi vào quá vãng, dãy phố buồn hiu trống vắng, ảm đạm của thành phố một thời người xe tấp nập như nêm cối. Một chiều, tao đã đứng ở đấy rất lâu, trước mặt quán bây giờ cái đống rác to bự sự và u hòai về cô hàng cà phê tên Hồng giờ chẳng biêt luân lạc ở góc trời chân biển nào. Thì đùng một cái, qua một bài viết của Phan Nghị, ông tự sự cô là người tình liễu trai của ông trong cái tuổi thất thập cổ lai hy. Đêm đêm hồn ma của bác phu quét đường, đàn bò, cánh vạc, đại bác, cứ nhè tai ông kêu réo, sau đó ông đành giã từ cõi nhân gian. Chuyện tình cô hàng cà phê là như thế đó. Cà phê nào mà chả đắng, cuộc tình nào mà chả…đen đủi. Thì cũng là chuyện vậy,  thưa mày.

       Cùng Sài Gòn lang thang trên đường Hồng Thập Tự chạy dài là gặp Đinh Tiên Hòang. Mày vỗ vai tao…Ừ thì sắp về đến một vùng thổ ngơi mà âm hưởng là bánh cuốn Thanh Trì nằm trong con hẻm Trần Khăc Chân, thứ bánh cuốn mỏng tang, không nhân, chấm nước mắm nhĩ mầu cua đồng, cay xè vị ớt bột, kèm miếng đậu rán nóng hổi, dòn tan, thêm miếng chả quế, giò lụa trắng phau, ăn quên chết. Cũng nơi chốn này, còn có quán chả cá Thăng Long, với xoong mỡ sôi đổ lên đĩa chả cá hòa nhập trong lá sung, lá ổi. lá mơ xanh um. Nghe tiếng mỡ xèo xèo đầy “ấn tượng”, vậy mà tao vắt óc nghĩ mãi không quán nó nằm ở cái xó xỉnh nào, thóang như hiện ra ở Xóm Chùa đường Lý Trần Quán thì phải. Ngựa xe rong ruổi, mây chiều gió sớm, thôi thi hãy đảo qua đường xưa lối cũ với những Đinh Tiên Hoàng, Hiền Vương, để còn gì nữa ở vùng đất im ắng này.

       Ấy là tao muốn ngược về một buổi hoang sơ trở lại với một góc phố Đa Kao bây giờ, mày ngó vào một căn nhà cửa đóng then gài mà trước kia là cà phê Hân. Không nói mày cũng biết tỏng là quán loại…cao cấp vì bàn ghế ở đây đều…cao, tạo cho khách một tư thế ngồi nghiêng ngả và bàn nào cũng thủ sẵn những tạp chí Pháp ngữ số phát hành mới nhất cho nó Tây. Thì như tao đã luận ngữ ở trên, người Sài Gòn thưở đó rất Tây. Ấy là chưa kể cái nghĩa địa cũng Tây nốt gần đấy. Ở quán Hân này, như mày thấy đấy, bàn này người rì rầm nói chuyện, bàn kia người trầm tư lơ đãng, tạm lắng xuống những lo toan vất vả của đời thường, chẳng ai để ý đến ai.

        Ma đưa lối quỷ dẫn đường, tao vô tình vồ được một mớ văn chương của mấy ông nhà văn Hà Nội viết về Sài Gòn hôm nay. Đọc mà tức anh ách vì họ vào đến đây, kẻ thì bắng nhắng như nhặng vào cầu tiêu, kẻ thì ngơ ngác như quạ vào chuồng lợn. Một bữa, đủng đỏang thế nào tao nhúm được một bài viết của một người Hà Nội…đàn bà, viết về Sài Gòn với quán cà phê với phố phường. Nên tao mới khoe mẽ với mày như thế này đây:

         “Tôi, sinh ra và sống ở Hà Nôi 25 năm. Yêu Hà Nội đến cực đoan. Bỗng thấy trong mình tìm được những lắng đọng, trầm sâu qua nhịp cầu với thành phố Sài Gòn phương Nam như bức tranh hiện thực ba chiều gió mưa. Nắng tràn trề rất trẻ, nắng chạy theo người, qua kẽ lá, những phố phường…”. Và một đọan khác: “Sài Gòn trên cao, Sài Gòn dưới thấp, Sài Gòn nhìn thẳng, Sài Gòn nhìn nghiêng, Sài Gòn quay mặt. Sài Gòn hối hả triền miên, tất bật đa đoan nhưng phóng khóang và rộng lượng”.  

         Tao chịu đèn hột vịt nhất ở khúc này:

        “Sài Gòn mất tên…Nhưng Sài Gòn vẫn mộng mơ. Sài Gòn sóng sánh cà phê, nhớ nhung, chạy theo ký ức, chạy theo những con đường của mưa, của nắng, của những chuyện tình trong nhịp phồn sinh…Vậy mà bao nhà thơ, nhạc sĩ, những người gắn bó lâu năm ở thành phố này, rất hiếm khi viết được tác phẩm thật hay về vóc dáng, phong cách của thành phố ấy. Phải chăng vì nhiều nắng đến phát sốt, nắng đến rực lửa ầm ào để con người Sài Gòn cởi mở hơn và cũng hồn nhiên hơn. ”.

         Ngươi viết lắng đọng:

        Anh thầm thì hát nho nhỏ bên tai em khúc nhạc “Em còn nhớ hay em đã quên” của Trịnh Công Sơn, để em vẫn nhớ những con đường me anh chở em qua. Không phải là kẻ hòai cổ, mà bởi vì cái đẹp của quá khứ, sao nhớ mưa xuân Hà Nội, cũng như khi chúng mình đi trên đường phố se lạnh của Sài Gòn, đường trải gấm hoa điệp vàng và lá me hát trong gió, lá me bay khiến nắng trong đến lạ, trong tóc em gió từng cơn rơm rả làm những chùm quả me rụng xuống những thanh trầm quanh những thân cây được mặc áo lụa mầu, nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát.

        Và chấm dứt tùy bút ngắn với:

       Nhưng cứ mỗi lần đi xa lại nhớ, lại mong trở về Sài Gòn cà phê cùng những quán cóc vỉa hè, những vỉa hè dát nắng. Với những người đã đến, khó mà thóat khỏi những cảm giác tiếc nuối của Sài Gòn một thuở. Nỗi nhớ chạy theo ký ức tình yêu tình tứ-tĩnh lặng còn đến bây giờ. Sài Gòn thăng trầm binh biến, nỗi nhớ ấy cứ cuốn hút chạy theo những con đường, con đường chạy theo những khuôn mặt già-trẻ, cũ kỹ thanh-xuân. Sài Gòn khao khát, đi-về, lúc mệt mỏi, vô cảm, khi viên mãn-muôn mảng mầu sắc, bức tranh hiện thực và ấn tượng của không gian ba chiều nắng-mưa…”

        Và cô buông bút một câu để đời, tao nhớ mãi:

        -   Sài Gòn đổi tên, mới cũ nhập nhòa nhưng cái tên không thể mất.

        Người viết có cái tên nghe rất quen. Nhưng tao lại không nhớ mới khỉ.

        Trở lại với mấy ông nhà văn Hà Nội viết về Sài Gòn bây giờ, như cô phóng bút: “rất hiếm khi viết được tác phẩm thật hay về vóc dáng, phong cách của thành phố ấy”. Ngược lại, họ…bức xúc với Hà Nội có con đường ngắn nhất tên hồ Hòan Kiếm, gần đấy có rạp cíné Lửa Hồng ở phố Hàng Trống, xa hơn một tí nữa là phôt Cầu Gỗ có với cà phê Giảng. Nhưng họ đâu biết Sài Gòn, đường Hiền Vương với Cầu Bông có con phố ngắn nhất là Nguyễn Phi Khanh với rạp Đa Kao.

        Con phố có từ đầu thế kỷ 19, theo cụ Hồ Biểu Chánh: “Phố là phố đúc được dựng lên chen chúc lẫn nhau không thứ tự, có cả nhà ngói, hàng rào sắt coi sạch sẽ san sát nhau…”. Hay nói khác đi nơi đây là một góc nhỏ ẩn khuất, khu phố cổ thu hẹp, khép kín của Sài Gòn. Mày nghĩ tao có nói quá chăng? Thì mày hãy thử ngắm mà xem, từ con phố này gặp con phố Nguyễn văn Thạch cũng chỉ mấy trăm thước, ở đó không có cái tập nập mắc cưởi của phố thị, nó trầm lắng cô liêu, im ả tách biệt. Nhà nào cũng nhỏ, cất cao hơn mặt đường mấy với bực tam cấp xi măng, mở cữa ra là có thể nghe người bên trái nói, thấy người bên phải cười và có cảm tưởng như có thể đưa tay ra bắt tay nhau được với người đối diện bên kia. Cả con phố ngắn nhất Sài Gòn trên, chỉ với dăm căn nhà chật chội, mái ngói xạm mầu rêu, trồi sụt nhấp nhô. Mà cũng có một cái lạ, như tao đã thưa thốt, bỏ đi thì nhớ, về gặp lại thấy bồi hồi vì phố cũ vẫn như vậy chẳng đổi thay, nhật mộ hương quan hà xứ thị, yên ba giang thượng cổ nhân sầu, sầu qua nỗi nhớ cùng con phố ấy một thời tao đã đi lại lắm lần qua những ngôi nhà cửa đóng im ỉm như trơ gan cùng tuế nguyệt.

         Ở đấy cũng có một quán cà phê mà gần đấy có…cái cột đèn, dường như là cái chỗ người ta dựa lưng đợi nhau. Mà mày đang múa máy chỉ chỏ gì vậy, mày lẩm nhẩm hình như căn nhà của cụ thầy bói mù Ba La râu tóc bạc phơ có vườn hoa giấy, chẳng phái đâu. Thằng khỉ, thì như tao vừa nói: đó quán cà phê Thái Chi năm xửa, năm xưa với một nhớ hai quên đấy, thưa mày. Mày còn nhớ chứ, quán là cái phòng khách chỉ đủ chỗ cho ba bốn chiếc bàn, không có nhạc, không gì cả ngoại trừ một bức tranh đen trắng treo trên vách được cắt ra từ một tờ báo ngoại quốc. Tranh chụp một bàn tay giắt một em bé vai đeo cặp sách, mắt mở to, miệng mếu máo, phía dưới có hàng chữ: Đi học hả? Hôm qua đã đi học rồi mà”.

       Khách đến với quán nhiều lần thành quen, từ quen hóa thân, ngồi dai dẳng như muốn dính vào tường. Mà cũng quái, không biết từ hồi nào, khách hễ vào quán cà phê mà ngồi không lâu y như rằng, là tự nhiên cảm thấy…áy náy. Và chị thì dường như chẳng lưu tâm đến cái chân lý bất biến này. Khách ngồi không mặc khách. Chị làm công việc…một ngày như mọi ngày của chị. Cả hai không dính dấp gì đến nhau. Vậy đấy. Chị Chi pha cà phê nhưng quen tay vần là trà xanh. Mỗi người một vẻ, như quán cà phê ông Nhân, ông Giảng, cái này số nhà 88, cái kia số100. Quán này có rượu rhum, bơ bretel, quán kia có cà phê…”ovaltine”. Với chị thì khác, lúc nào cũng thế, trà được bốc một nhúm ngang lòng ấm, nước vừa độ sôi, thời gian vừa đủ, nước trà vàng tươi, ngai ngái thơm trong những chiếc ấm gan gà nhỏ nhắn, xinh xinh. Mỗi bộ ấm có kèm theo những chiếc tách cùng màu, to bằng hột mít, vừa đủ cho vài hớp nước nhỏ. Nhắp một ngụm trà, chuyện trên trời dưới đất, thóang trông nhàn cư và thoát tục như ai.

       Chẳng mấy ai nhớ đến số nhà của quán chị Chi, chỉ biết rằng nó nằm ở  con phố nhỏ Nguyễn Phi Khanh. Ấy vậy mà cách đây mấy năm, ngày chị đi vào cõi tĩnh mịch, có tới hơn hai trăm khách quen theo linh cữu chị để tiễn đưa. Nghĩ cho cùng mấy ai được như vậy. Tất cả chỉ vì cái tình tri ngộ qua hình bóng lắng đọng với cái tên thân quen, gần gũi: quán chị Chi.

                                                         ***

       Ừ thì bằng vào tất cả những gì tao nhắc tới qua bài tản mạn này là một thóang ngày cũ, một chút cảnh xưa, một phần hơi thở và nhịp sống của Sài Gòn trong trí nhớ. Mây vẫn bay, ngày vẫn trôi đi, ai chẳng có một cái quán của riêng mình còn đang bồng bềnh ở đâu đó, nơi quê nhà. Và ngẫm cho cùng nếu có đi hết đất, có đi hết biển thì ai cũng chẳng có một hạt sạn trong chiếc giầy, mới đầu chỉ bằng hạt cát, theo tuổi tác cứ lớn dần bằng hạt đậu, hạt sỏi rồi thì to bằng quả núi Tu Di, và để rồi…một ngày: Anh về thăm chỗ đợi xưa - Cây cột đèn ấy hình như nhớ liền - Căn nhà có cội mai vàng - Ngưoi ta đã đốn mở hàng cà phê”. Ừ thì bằng vào cái tuổi vắng gió đìu hiu này…Mấy ai chẳng một lần hòai cổ, hoài cố quận với hoài cố nhân cùng Sài Gòn vắng những cơn mưa.

       Rồi mày cũng sẽ có một ngày… 

                                                                                                       Phí Ngọc Hùng

       Nguồn: Đếm sổ đọan trường có đến hơn 20 bài viết về những quán cà phê. Và bài viết này được phỏng theo những tác giả như: Văn Lang,  Uyên Giang, Lâm Thiếu Mai, Hòang Châu, Nguyễn Quốc Trụ, Đào Vũ Anh Hùng, Võ thị Điềm Đạm, Võ Phiến và nhiều nữa, nhiều như những quán cà phê Sài Gòn ngày nào vậy - Nay kính.



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire