Lữ đoàn 147 Thủy-Quân lục-chiến: Từ một cuộc di tản chiến-thuật tháng ba 1975
Lữ đoàn 147 Thủy-Quân lục-chiến: Từ một cuộc di tản chiến-thuật tháng ba 1975
Mũ Xanh Phạm-Văn-Tiền
Lời mở đầu.
Chúng ta đang
bước vào những ngày lễ tưởng niệm Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19-6. Cuộc
chiến đấu một mất một còn với chủ thuyết cộng sản toàn cầu đã chấm
dứt hơn 34 năm về trước,...nhưng niềm đau xót khôn nguôi luôn ám ảnh
vào tâm khảm của mỗi chiến sĩ miền Nam Tự Do. Người lính Việt Nam
Cộng Hoà bị buộc phải thua đau trong niềm tức tưởi nghẹn ngào.
Còn kẻ chiến thắng thì bàng hoàng ngơ ngác, không biết từ đâu mà mình chiến thắng quá nhanh và dễ dàng như vậy. Niềm oan ức về một sự sụp đổ một thể chế Cộng Hòa suốt hơn 20 năm gầy dựng, ngày nay đã được minh oan bằng những chứng cớ lịch sử.
Chính nghĩa của một chế độ đã được phục
hồi cùng những chiến sĩ can trường bất khuất trong cuộc chiến đó.
Những người lính VNCH đã nằm xuống trên mọi miền đất nước nay đã được
vinh danh, cùng những Thương phế binh đã mất một phần thân xác mình
cũng đã được phục hồi danh dự, bằng những buổi ca nhạc gây quỹ “Cám
ơn Anh” với sự tham dự vài chục ngàn người. Cờ vàng chính nghĩa đã
được công nhận trên rất nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, cùng rất nhiều đài
tưởng niệm chiến sĩ Việt Mỹ đã được dựng lên, để tôn vinh và mãi mãi
ghi nhớ công lao của những anh hùng đã nằm xuống, và máu xương đã đổ
ra trong cuộc chiến đấu bảo quốc an dân đó.Còn kẻ chiến thắng thì bàng hoàng ngơ ngác, không biết từ đâu mà mình chiến thắng quá nhanh và dễ dàng như vậy. Niềm oan ức về một sự sụp đổ một thể chế Cộng Hòa suốt hơn 20 năm gầy dựng, ngày nay đã được minh oan bằng những chứng cớ lịch sử.
Tôi vẫn nhớ mãi
cái ngày mà đơn vị tôi đã phải tan hàng tại cửa biển Thuận An, Huế.
Một cuộc bại trận không phải do những người lính chúng tôi không chịu
chiến đấu, mà do từ lệnh trên của các cấp thẩm quyền, ngoài khả năng
hiểu biết của anh em chúng tôi. Một cuộc lui binh chưa từng được
viết ra trong binh pháp, và cũng chưa đơn vị nào đem ra áp dụng bao
giờ. Ðó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong quân sử miền
Nam VN.
Bài viết nầy xin
dành tặng các chiến hữu TQLC của tôi, những người đã may mắn không
hiện diện tại mặt trận phía Bắc Quảng Trị vào những ngày cuối tháng ba
gãy súng. Các anh có lệnh xuôi Nam còn chúng tôi những Kình Ngư, Hắc
Long, Mãnh Hổ, Sói Biển, Thần Tiễn còn ở lại. Những diễn biến có thật
mà máu và nước mắt tưởng chừng như không đủ để nói lên những oan
trái xót xa đã dành sẵn cho thân phận của một người lính Quân Lực
Việt Nam Cộng Hòa.
oOo
Ðầu tháng 3 năm 1975, Cộng
sản Bắc Việt dốc toàn lực lượng tấn công hầu cưỡng chiếm toàn bộ miền
Nam. Bình Long, An Lộc thất thủ. Thị xã Ban Mê Thuộc sau đó cũng bị bỏ
ngõ hoàn toàn với sự rút quân ồ ạt như nước vỡ bờ của Quân Ðoàn 2 về
Nha Trang và nhiều nơi khác. Trong khi đó phòng tuyến phòng thủ phía
Bắc do SÐ/TQLC đảm trách vẫn còn là một vùng đất yên tĩnh trong sự
cẩn thận, dè dặt chờ đợi lẫn nhau.
Sau sự phối hợp nhịp nhàng
của 2 Sư Ðoàn tổng trừ bị thiện chiến nhất là Nhảy Dù và TQLC, với thế
đánh gọng kìm liên tục từ 2 phía Ðông Tây, đã buộc địch phải tháo
chạy với nhiều tổn thất nặng nề, bằng chiến thắng tái chiếm Cổ Thành
Quảng Trị ngày 14-9-72. SÐ Nhảy Dù được điều động về mật trận Ðức
Dục, Quảng Nam. SÐ/TQLC ở lại chịu trách nhiệm trên một tuyến khá
rộng trải dài từ bờ biển Ðông sang tận những mỏm núi tận cùng phía
Tây thuộc dải Trường Sơn, qua các vùng Mỹ Thủy, Long Quang, Bích La,
Triệu Phong, Nam sông Thạch Hãn, Như Lệ, Tích Tường, La Vang, Ðộng
Ông Ðô, Barbara, Anne, Cổ Bi, Hiền Sĩ, Thanh Tân, Lồ Ô…
Liên đoàn 911 và các đại đội
biệt lập ÐPQ tiểu khu Quảng Trị được đặt dưới quyền điều động của
BTL/SÐ/TQLC hành quân trong việc phòng thủ này. Mặc dù là đơn vị được
giao nhiệm vụ phòng thủ, nhưng SĐ/TQLC vẫn luôn chứng tỏ khả năng cơ
động tấn công tận sào huyệt địch, như cuộc đổ bộ vượt sông Thạch Hãn
của TÐ6/TQLC vào tháng 10 năm 72, cuộc hành quân thần tốc tái chiếm
cửa Việt tháng 1 năm 1973 trước giờ ngưng bắn có hiệu lực của hiệp
định Paris và đặc biệt Lữ Ðoàn 258 TQLC đã hạ một tàu vận tải lớn
tiếp tế địch đang mon men ngoài khơi bờ biển Mỹ Thủy tháng 6 năm
1973.
Ngược lại, địch quân chưa có
lần nào dám liều lĩnh tấn công vào các đơn vị TQLC. Có chăng chỉ là
những hành động phá hoại lén lút, đặc công, giật mìn lẻ tẻ trên các
trục lộ giao thông tiếp tế. Phải nói rằng đây là phòng tuyến phòng thủ
vững chắc nhất, thưà sức ngăn chặn mọi cuộc xâm lăng từ phương Bắc
xuống của CS Bắc Việt.
Do tình hình xáo trộn chung
của đất nước và vì nhu cầu đòi hỏi cấp bách của chiến trường lúc này,
bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH đã quyết định điều động phân lớn các lực lượng
TQLC về Nam gồm các LÐ-258, LÐ-369 và LÐ-486 vừa mới được thành lập.
LÐ-147 do Ðại Tá Nguyễn Thế Lương chỉ huy gồm các Tiểu đoàn 3, 4, 5,
TÐ Pháo binh, 2 đại đội Viễn Thám và Tiểu đoàn 7/TQLC thuộc Lực
Lượng Ðặc Nhiệm Tango do Ðại Tá Tư Lệnh Phó trực tiếp chỉ huy đang
nằm sẵn trên các tuyến. Thay vào lỗ hỏng to lớn trên là 2 Liên Ðoàn
BÐQ với trang bị quân số thiếu hụt. Ðây là khởi điểm cho tất cả sự bỏ
ngõ sau này ở mật trận Bắc Quảng Trị.
Mãi đến chiều tối ngày
7/3/1975, địch bắt đầu mở cuộc tấn công đầu tiên thật mãnh liệt vào một
trung đội tiền đồn tại đồi 51 thuộc căn cứ Tư Tưởng, hướng Tây Quốc
Lộ 1, cây số 23. Ðơn vị này được chỉ huy bởi Trung Úy Sáng ÐÐP/ÐÐ1
tiểu đoàn 4 TQLC đã chiến đấu thật can cường, đẩy lui nhiều đợt xung
phong biển người của địch. Lần liên lạc sau cùng qua máy PRC-25 vào
lúc 4 giờ sáng, anh đã yêu cầu pháo binh chụp thẳng trên đầu mình vì
vị trí bị địch tràn ngập. Anh đã tử thương sau đó trong cuộc cận
chiến bằng lựu đạn với kẻ thù. Sáng sớm ngày 9/3/75, Thiếu Tá Trần
Ngọc Toàn TÐT/TÐ4/TQLC điều động toàn bộ lực lượng còn lại, nhờ có sự
yểm trợ thật chính xác của các phi vụ A-37 thuộc không lực vùng I
chiến thuật, ta đã hoàn toàn làm chủ tình hình. Xác địch nằm ngỗn
ngang trong các bãi mìn của hàng rào phòng thủ, một số đồng bọn khác
đang lẫn tránh trong các bụi rậm bị ta bắt sống. Cũng cùng trong đêm
đó, tại một nơi khác, tiểu đoàn 121/ÐPQ Tiểu Khu Quảng Trị đã tóm
nguyên trung đội địch khi chúng tìm cách tiến về hướng quận Hương
Ðiền. Ngày 22/3/75, đoàn xe tiếp tế cuối cùng của đơn vị rời hậu trạm
Măng Cá, Huế vào vùng hành quân. Chúng tôi được biết hầu hết dân
chúng đã di tản vào Ðà Nẵng và hậu trạm cũng được Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn
mang tất cả trang thiết bị về cửa biển Thuận An chờ lệnh.
Tôi chỉ thị cho các đại đội
thu gọn lại các trang bị và phải gấp rút di tản các thương bệnh binh đi
theo chuyến tiếp tế này. Ngày 23/3/75 vào lúc 3 giờ chiều, sau khi
VC đồng loạt pháo kích dữ dội vào tất cả các vị trí, địch từ thượng
lưu sông Bồ, xung phong tấn công vào các tuyến của ÐÐ2/TÐ5/TQLC, vì
quá bất ngờ và thiếu cảnh giác nên 2 Trung đội tận cùng cánh trái của
đại đội này bị bung tuyến. Tôi liên lạc với Ðại-úy Trần Văn Loan ÐÐT
hãy cố gắng gom con cái lại và chỉnh đốn đội hình, đồng thời báo cáo
tình hình này về BCH Lữ-đoàn. Ðại Tá Lữ đoàn trưởng ra lệnh là bằng
bất cứ giá nào cũng phải chiếm lại vị trí vừa mất.
Chấp nhận mọi hy sinh thiệt
hại, ÐÐ4 của Ðại-úy Nguyễn Văn Hai được tăng cường và đã hoàn tất nhiệm
vụ vào lúc 6 giờ sáng ngày 24/3/75. Cũng trong thời gian này, hầu
hết tất cả các đơn vị Biệt Ðộng Quân, Ðịa Phương Quân tự động rã ngũ
bỏ tuyến phòng thủ Bắc Quảng Trị kéo về Huế thật hỗn độn. Thị xã
Quảng Trị coi như bị bỏ ngõ hoàn toàn. Tiểu đoàn 4/TQLC được điều
động về làm nút chặn tại phía Nam cầu An Lỗ. TÐ7/TQLC trấn dọc sông
Mỹ Chánh từ cầu Vân Trình ra biển Ðông, phòng tuyến cao nhất phiá Bắc
của miền Nam.
Khoảng 4 giờ chiều cùng
ngày, nhận dược lệnh về tham dự cuộc họp khẩn cấp tại BCH/LÐ. Ðại-tá
Lương, LÐT cho chúng tôi biết rõ tình hình tổng quát và nhiệm vụ phải
thi hành đêm nay là một cuộc di tản chiến thuật cho tất cả các lực
lượng về cửa biển Thuận An, vùng đất từ Bắc đèo Hải Vân trở ra rồi sẽ
lọt vào tay địch… Cũng như thành phố Quảng Trị bị vất bỏ một cách vô
tội vào sáng hôm nay khi mới chỉ có một vài loại pháo kích lẻ tẻ đâu
đó.
Thế là hết, còn gì đâu hào
quang chiến thắng “Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa
chiếm lại đêm qua bằng máu…” Máu của hàng vạn đồng bào, máu của hàng
ngàn chiến hữu nằm xuống cho vùng đất hồi sinh và ngay bây giờ, từ
tối nay Huế cũng sẽ chịu chung số phận. Cố Ðô đầy niềm kiêu hãnh tự
hào dân tộc rồi sẽ bị nhuộm đỏ bởi lũ người khát máu CS. Hàng trăm
nấm mồ chôn sống tập thể còn đó, máu xương mồ hôi nước mắt của bao
chiến sĩ QLVNCH còn đây trong lời thề quyết tử bảo vệ cố đô Mậu Thân
1968. Còn đâu nữa những ngày tháng vàng son nhất của người lính chiến
nơi tuyến đầu lửa đạn lúc nào cũng hùng dũng hiên ngang. Có nỗi đau
nào hơn niềm tủi nhục của người lính bại trận!
Việc cần thiết trước nhất là
phải làm sao bảo đảm được đơn vị rút lui một cách trọn vẹn, an toàn
hầu đủ sức chịu đựng một cuộc dạ hành trên đoạn đường dài gần 30 km.
Thiếu-tá Ngô Thành Hữu, Tiểu đoàn phó và Ðại úy Giang Văn Nhân, ban 3
đang chờ đợi tại BCH Tiều đoàn. Chúng tôi cùng đồng ý với nhau bằng
một cuộc lui binh trong bí mật, bất ngờ. Tất cả vũ khí nặng, cồng
kềnh như 90 ly, súng cối 81 ly, hỏa tiễn TOW chống chiến xa, đạn dược
và những trang bị nặng nề được lệnh phá hủy tại chỗ hay ném xuống
dòng sông. Ðại đội 1 của Ðại úy Hồ Văn Chạnh đóng chốt từ xa được di
chuyển trước, chúng tôi không xử dụng đoạn đường quen thuộc hàng
ngày, phải băng qua một xóm nhỏ để đến cây số 17 cầu An LB mà là dọc
con đường sắt suôi Nam, rồi sau đó sẽ đổi hướng vế quốc lộ 1 khi các
đại đội đã bám sát được với nhau. Ðã có chừng cả trăm người lính đủ
mọi binh chủng, không còn đơn vị đang tụ tập vây quanh 4 chiến xa M-48
nằm chơ vơ giữa lộ, nòng súng chỉa thẳng về hướng quân thù, bình
thản cười nói vui vẻ như đang tham dự một cuộc dạ hành ngoài trời.
Ðến trường trung học Hương Trà nằm sát lề Ðông quốc lộ, tiểu đoàn
dừng lại để kiểm điểm quân số và củng cố lại đội hình. May mà trong
tay chúng tôi còn 1 xe Jeep hành quân, cứ thế chạy lên, chạy xuống để
“tha” những người lính bết bát, trễ nãi sau cùng. Ðiều tưởng như
không ngờ, thế mà đã xảy ra một cách thật tội nghiệp cho trung đội
Nghĩa Quân quận Hương Trà, tập họp và bị bỏ quên tại đây chờ lệnh
thượng cấp từ mấy ngày nay. Người trung đội trưởng già đến xin tháp
tùng cùng chúng tôi. Vài chiếc xe M41 nữa cũng bắt đầu nổ máy rầm rộ
tiến giữa đoàn quân. Nhiều đám đông dân chúng hòa lẫn hoặc nối đuôi
phía sau họ ra đi từ chợ Cạn, Hội Yên, Vân Trình, Hải Lăng, Mỹ Chánh…
từ ngày hôm qua hay sớm hôm nay vì không còn gì để hy vọng vào sự
bảo vệ của người lính chúng tôi.
Tiếng khóc than vang vọng
thấu trời xanh, họ, những kẻ bất hạnh, còn lại sau cùng đang lê lết
từng bước một lần mò tìm “tự do” vì một chủ nghĩa cộng sản bạo tàn. Vài
cụ gìà chống gậy, các trẻ thơ vô tội kia rồi sẽ ra sao? Liệu có còn
đủ súc hay phải kiệt hơi ngã qụy dọc đường.
Rời ngã ba An Hòa rẽ phải
tiến về Huế, thành phố bỏ ngõ tối tăm rải rác còn lại vài bóng bên
đường. Nhiều vết lửa tung tóe lên bầu trời u tối do những trái sáng
được ném từ các toán lính tan hàng mất đơn vị chẳng biết phải làm gì.
Súng vẫn nổ lẹt đẹt đó đây hòa lẫn tiếng chó tru vọng ra từ các căn
nhà vắng chủ. Phú Văn Lâu vẫn nằm đây bên bờ sông Hương, nhưng còn
đâu bóng dáng các con đò quen thuộc hàng ngày. Tiểu đoàn bắt đầu tiến
quân qua chiếc cầu đúc mới xây bên dưới bến bờ Nam dòng sông, rồi từ
đó quẹo trái về Ðông, hướng ra biển. Tôi cho xe dừng lại ở phía bên
này cầu chờ đợi cho hết người lính sau cùng. Cảm thấy khá an tâm và
một chút hãnh diện về những binh sĩ thuộc quyền, tất cả đều can đảm,
hy sinh chịu đựng và luôn tuân lệnh cấp chỉ huy ngay trong những giờ
phút nguy hiểm nhất như lúc này.
Tôi không nhớ là bao nhiêu
lần mình đã nhân danh thẩm quyền để mà ra lệnh cho thuôc cấp xung phong
vào chỗ chết. Với 12 năm trong cuộc đời binh nghiệp, con số này chắc
không ít lắm đâu? Dĩ nhiên là cấp chỉ huy nhỏ, tôi cũng chỉ là kẻ
truyền và kiểm soát lệnh và cá nhân mình cũng bị xoay quanh trong các
vòng luẩn quẩn ấy! Vài con gió mạnh thổi từ mặt biển vào, cũng nơi đây
cây cầu, dòng sông một thời kỷ niệm, tôi bỗng cảm thấy luyến tiếc
thèm khát tìm gặp lại một vài nơi chốn quen thuộc lần cuối may ra
hình ảnh cũ để nhớ người xưa! Cho tài xế lùi xe lại tiến về hướng đại
lộ Trần Hưng Ðạo và dự định theo cầu Trường Tiền cũ qua sông. Ðường
trống vắng chẳng có một chiếc xe nào lai vãng, xa xa trong bóng tối
chập chờn, lác đác vài bóng người. Tôi bắt đầu cảm thấy ớn lạnh. Bây
giờ ngoài đơn vị TQLC ra, các đơn vị khác chẳng còn gì nữa để mà phân
biệt lẫn nhau, quả thật chẳng còn tình nghĩa gì ràng buộc, nếu có ai
đó nổi hứng “bóp cò”.
Có lệnh cho tôi tiến về phía
trước để gặp Ðại Bàng Long Mỹ (Ðại tá LÐT), ông giao cho một xấp bản
đồ và thay đổi lộ trình về phía phà Tân Mỹ, đoạn đường từ đầu thôn Vỹ
Dạ về cửa biển Thuận An không thể nào nhúc nhích nổi, nhiều dòng
người di tản cùng các đơn vị tan hàng đổ về đây với không biết bao
nhiêu xe cộ. Thượng sĩ Thương, thường vụ tiểu đoàn, chẳng biết từ đâu
mang về vài két bia 33, có lẽ từ khách sạn Hương Giang bỏ trống? Anh
nói với tôi:
– Nhậu đi Ðại Bàng, đang buồn ngủ mà gặp chiếu manh.
– Thôi nhanh lên mà đi ông ơi! Non nước này mà còn nhậu với nhẹt!
Từ hướng quán cơm Âm Phủ, một
người đàn ông già trạc 60 tuổi tìm đến phàn nàn về một số lính vào
đập phá, lục lạo nhà của ông ta.
– Coi chừng Việt cộng đó Ðại Bàng.
Thử hỏi ai mà biết được ai
trong thời buổi tranh tối, tranh sáng này, ngay cả toán lính đập phá
kia - có điều tại sao trong hoàn cảnh như thế này mà ông ta là kẻ
dửng dưng như vậy!
Qua khỏi cầu Ðập Ðá một quãng
nữa, bắt đầu rẽ phải vào con đường đất, thôn Vỹ Dạ chìm đắm trong màn
đêm u tịch, đó đây leo lét nhiều ngọn đèn dầu từ khắp các miếu thờ,
vết tích vàng son của một thời vua chúa. Chó càng lúc càng sủa vang
bên những khu vườn trống vắng, đoàn quân vẫn tiến đều. Ðến khúc lộ bị
hư, đành phải vất bỏ xe lại dọc đường.
– Phá hủy xe đi ông thầy.
– Không cần, mình đang di chuyển, không nên gây tiếng nổ.
Lẩm bẩm trong miệng, Liên, tài
xế mò vào túi quần lấy ra con dao, cắt hết tất cả dây trong đầu máy
xe và quăng bình điện vào một bụi rậm gần đó. Anh cũng không quên hốt
thật nhiều cát bỏ vào bình xăng và nói:
– Ai ngu để cho lũ ác ôn xử dụng, mình không dùng, phá hư luôn… hì… hì…
Ðến tờ mờ sáng thì toàn thể
đơn vị đã có mặt bên này phá Tam Giang mênh mông, nềm vui rạng rỡ trên
mặt mọi người. Phải mất thêm 3 tiếng đồng hồ nữa mới đến được bờ bên
kia sát biển bằng một số “ghe gọ” của dân còn lại ở xóm chài. Từ lâu
mới có một ngày nắng đẹp như hôm nay, bầu trời trong xanh với nhiều
tia nắng long lanh chiếu vào mặt biển. Gió vi vu vừa đủ để mơn trớn
các con sóng vỗ ì ạch vào bờ. Không còn gì thích bằng ngồi đây, dưới
bóng râm của hàng dương xanh thẩm, trên đồi cát, hướng mắt về đại
dương bao la, nơi đó nhấp nhô nhiều con tàu như người tình mơn trớn
hưá hẹn. Ăn vội ít cơm ở bao gạo sấy còn lại, trong chớp mắt chập
chờn, tiếng la khóc, than van còn mãi ám ảnh trong trí tôi trên đường
rút chạy sáng hôm nay.
Cuộc đời khổ đến thế là
cùng! Tỉnh giấc khi có lệnh cho đơn vị chuẩn bị ra bãi bốc để lên tàu.
Ðó là khoảng 2 giờ ngày 25/3/75. Cả Lữ Ðoàn tập họp trên bãi cát
trắng xóa theo thứ tự sẵn sàng như một cuộc hành quân đổ bộ ngày nào.
Ðâu phải chỉ việc sắp hàng chờ lệnh lên tàu là xong, địch đã rượt
theo ta đêm hôm qua, đã mò sát đít chúng tôi sáng hôm nay, địch đã có
mặt bên kia bờ phà, địch đã trà trộn trong đòan quân. Theo lệnh của
mặt trời Papazulu nào đó (Tướng Lâm Quang Thi, TLP/QÐ1!!!), chiếc
HQ-801 dành riêng cho TQLC đã chực sẵn cách bờ khoảng 50m. Nhưng đâu
phải chỉ có chúng tôi cần sống, còn dân chúng, những người lính mất
đơn vị hỗn độn kia, họ cũng cần cứu vớt như chúng tôi, mà chẳng ai có
kế hoạch gì riêng để giúp đỡ họ.
Trong cơn quẫn bách này,
không ai cần nghĩ đến ai, chà đạp tranh giành nhau mà sống, mạnh được
yếu thua, khi con rắn đã mất đầu chỉ còn lại cái đuôi tha hồ mà ngóc
nguẩy. Như sức bật của chiếc lò xo, tất cả ùa nhau tràn ra tàu, người
không biết lội ôm sát người biết bơi, ngụp lặn với tử thần trong sóng
nước, vài chiếc xe M-113 lội nước ủi tới đè lên, tiếng rên la gào
thét. Một sơn sóng nhồi lên, hai cơn sóng đập xuống, những cái đầu lô
nhô, nhiều thân hình chìm lịm, mất hút trong khi con tàu vẫn nổ máy
đợi chờ. Ðịch đã vượt phá Tân Mỹ, đã có mặt ở cái miếu trên đồi cát
đầu làng. Ðịch đã bắt sống một số lính phía sau, địch bắt đầu pháo
rải rác khắp nơi trên mặt biển.
Bãi bốc đã không còn an ninh
mà trật tự cũng chẳng có. Con tàu đành bất lực rời bến. Ðể được an
toàn hơn, Lữ Ðoàn quyết định dời bãi bốc về hướng Nam và bằng đủ mọi
cách phải tách rời đám đông hỗn loạn kia hầu dễ dàng đối phó với tình
hình mới. Dọc theo mé nước đầy rẫy xác người, những bộ mặt nhợt nhạt,
bất động, ngừng thở theo cơn sóng biển dập vùi, có lạ, có quen. Người
dễ nhận ra nhất là Ðại úy Ân, ÐÐT/ÐPQ Tiểu khu Quảng Trị.
Chúng tôi đã di tản chiến
thuật bằng con đường máu ở mặt trận Hạ Lào 1971, đã rời bỏ Ðông Hà,
Quảng Trị dọc đại lộ kinh hoàng mùa hè đỏ lửa năm 1972. Với sự nguy
hiểm cùng cực nhưng tinh thần đâu có quá tuyệt vọng như bây giờ vì dù
sao cũng còn chút gì để hy vọng ở đoàn quân tiếp tế phiá sau. Còn ở
đây rơi vào tình thế vô cùng tuyệt vọng. Cả nguyên Lữ đoàn có hơn
3,000 quân, tiến thoái lưỡng nan trong cái túi càn khôn chỉ vỏn vẹn 4
km 2, đang giơ lưng chịu trận. Tàu chiến Hải Quân QLVNCH vẫn trương
cờ lảng vảng ngoài khơi, nhưng các khẩu đại bác đâu rồi?! Niềm hy
vọng mong manh còn nhen nhóm là sẽ được tàu vào đón, nhưng sẽ ưu tiên
theo thứ tự nào? Ðơn vị nào sẽ phải nằm lại chịu trận và làm vật hy
sinh sau cùng? Bóng chiều bắt đầu trải dài trên bãi cát trắng xóa
mênh mông để báo hiệu màn đêm buông xuống. Lữ Ðoàn quyết định rải
quân phòng thủ. TÐ4 và 7 phụ trách mặt trận Tây, TÐ3 phía Nam, TÐ5
chúng tôi phía Bắc. Ðại uý Tô Thanh Chiêu, ÐÐT/ÐÐ2 và Thiếu tá Nguyễn
Trí Nam TÐP/TÐ4/TQLC đã hy sinh trong giờ phút thứ 25 này cùng một
loạt đạn của tên du kích hèn nhát bắn lén trong khi làm nhiệm vụ điều
động quân rải tuyến. Ðiều đáng thương tâm nhất là hai người vừa mới
lập gia đình và cả hai bà vợ đang mang thai. Cái chết thật quái ác,
tình cờ bởi bàn tay oan nghiệt của tạo hóa, định mệnh!
Tin từ BCH/LÐ cho biết là
tàu sẽ vào đón đêm nay hay trễ nhất là sáng sớm ngày mai theo thứ tự
như sau: BCH/LÐ, TÐ2PB, TÐ4, TÐ3, TÐ5, TÐ7… Ðúng theo sự suy nghĩ dự
đoán của chúng tôi, lẽ dĩ nhiên các đơn vị tan hàng hay bị sứt mẻ không
còn khả năng chiến đấu thì ưu tiên mang họ đi càng sớm càng tốt để
không làm vướng bận các đơn vị còn lại. Nhưng cả BCH/LÐ đi hết thì ai
sẽ là người chỉ huy chúng tôi. Ðiều này thật cần thiết và quan trọng
nhất. Cái thứ tự di chuyển mà không một binh thư nào viết ra hoặc
chúng tôi chưa hề áp dụng trước đây.
Qua ánh trăng mờ ảo, dòng
người bị bỏ lại ban chiều đang ồ ạt kéo về tuyến phòng thủ. Không còn
cách gì hơn là phải chận họ lại nằm sát phòng tuyến trong tầm bảo vệ
hỏa lực để khỏi làm xáo trộn cho sự điều động chỉ huy của quân bạn bên
trong. Súng vẫn nổ đều khắp nơi và chẳng có con tàu nào cập bến.
Trăng vẫn lên cao, khuya dần. Cùng lúc, vài tốp người xé lẻ, hèn nhát
tách bến rã ngũ ra khơi.
Rạng sáng ngày 26/3/75, khi
ánh bình minh vừa ló dạng ở phương Ðông thì con tàu cùng thủy thủ đoàn
cũng bắt đầu tiếp tục nhiệm vụ, ủi thẳng vào bờ theo sự điều động của
BCH Lữ đoàn. Ðã có chuẩn bị sắp xếp từ trước, nên việc di chuyển lần
này tương đối trật tự hơn. Ưu tiên vẫn là BCH/LÐ và các thương phế
binh từ các đơn vị mang đến. Ðịch thừa thắng xông lên cố ra sức đánh
vào đầu chúng tôi những đòn thù chí tử. Ðây là điều nghiệt ngã nhất
của chiến tranh, có vay có trả. Chúng tôi đã diệt gọn nguyên trung
đoàn 48 địch một cách không thương tiếc khi quét sạch chúng ra khỏi
hang cuối cùng tại cổ thành Quảng Trị. Những vòng sắt oan nghiệt của
đoàn chiến xa M48 và M41 đã nghiền nát vô số lính cộng sản Bắc Việt,
sinh Bắc tử Nam, qua các dãy địa đạo ngầm trong hầm khi tấn công tiến
vào cửa Việt.
Pháo địch cùng lúc càng mãnh
liệt hơn và chiếc tàu nằm chình ình giữa biển khơi vẫn là mục tiêu tốt
nhất để chúng điều chỉnh tác xạ ngắn, dài… Một cục lửa, hai cục lửa,
rồi quá nhiều cục lửa của loại hỏa tiễn tầm nhiệt AT3 rải rác đó
đây. Có cái rớt ngay dòng người di tản ngụp lặn theo sóng nước. Có
cái trúng thẳng vào thân tàu. Con tàu chòng trành nhổ neo tách bến.
Ðể bớt căng thẳng, tôi chui
ra khỏi hố trú ẩn làm một vòng quanh tuyến. Những vệt sáng của lằn đạn
đạo thẳng cùng nhiều quả đạn pháo kích đan chéo nhau vi vút trong gió
biển. Các khẩu súng cối 60 ly và phóng lựu M79 của ta đáp lễ cầm
chừng, không khả năng nhiều lắm nhưng cũng để chứng minh rằng “bên em
vẫn đang có ta đây!” Dọc theo mé nước sát biển, thầy trò Thiếu tá Võ
Ðằng Phương, TÐT/TÐ2/PB/TQLC, Ðại uý Lê Tự Hào cùng một vài người
lính đang gấp rút xử dụng các mũ sắt của mình để cào cào moi hố. Họ
là những người sau cùng bị sót lại khi hầu hết đơn vị mình đã được
lên tàu.
– 207 đây 416 gọi. Anh ở lại take care con cái.
– Vâng! Nhận rõ.
207 là biệt hiệu của Thiếu tá
Phạm Cang TÐT/TÐ7/TQLC, người thâm niên và giỏi nhất trong đoàn bạn
tôi. Còn 416 là danh xưng của Trung tá Nguyễn Ðằng Tống LÐP/LÐ147.
Nắng chiều nhạt dần, sóng
biển rì rào và bờ cát lại trống vắng đến lạnh lùng, không còn một bóng
người lai vãng, họ đang chiến đấu ở tuyến đầu, họ tránh núp đạn dưới
hố sâu, họ hối tiếc, thèm thuồng về một con tàu khác. Các đại đội lại
thêm một số bị thương, lại thêm vài người chết nữa. Ðạn dược, lương
thực cạn dần trong khi chúng tôi cố hết sức giữ vững tinh thần binh
sĩ bằng cách liên lạc máy thường xuyên với các đại đội. Cảm giác bị
vất bỏ bắt đầu nhen nhúm trong ý nghĩ mình, nhưng tôi vẫn chưa dám
tin rằng điều này có thật, vì nếu như vậy thì còn thể thống gì đến
quân đội và tổ quốc mà biết bao người đã hết lòng yêu thương và phục
vụ. Mò mẫm vào cuốn đặc lệnh truyền tin, tôi vận máy qua tầng số
BTL/SÐ đang ở đâu trên đèo Hải Vân, với trạm liên lạc chuyển tiếp
giữa Huế và Ðà Nẵng. Người tiếp tôi là Ð/U Ðan, tùy viên tư lệnh:
– Ðại Dương, cho tôi xin gặp Lạng Sơn (biệt danh của Thiếu tướng Bùi Thế Lân, tư lệnh SÐ/TQLC).
– Lạng Sơn đang bận lắm. Có gì ông anh nói, tôi sẽ chuyển.
– Nhờ Ðại Dương trình với Lạng Sơn cho chúng tôi lệnh kế tiếp.
– Ở đây cũng đang lu bù lắm, không ai có thể giúp gì được cho ông anh. Tốt hơn hết là self-service. Good luck ông anh!
– Lạng Sơn đang bận lắm. Có gì ông anh nói, tôi sẽ chuyển.
– Nhờ Ðại Dương trình với Lạng Sơn cho chúng tôi lệnh kế tiếp.
– Ở đây cũng đang lu bù lắm, không ai có thể giúp gì được cho ông anh. Tốt hơn hết là self-service. Good luck ông anh!
Mặt mày tối tăm, xây xẫm,
thất vọng, tôi ném ống liên hợp xuống cát… self service… có nghĩa là tự
lực cánh sinh, tùy cơ ứng biến, có thể là mạnh ai nấy lo, có thể là
tan hàng!
Khoảng quá xế trưa, mặt trời
Papazulu lại xuất hiện bằng một giọng thật đanh thép, ông ra lệnh cho
một chiếc HQ khác, bằng bất cứ giá nào cũng phải bốc tiếp chúng tôi.
Con tàu lại tách sóng hướng thẳng vào bờ phiá Bắc tuyến phòng thủ
chừng 200m. Lần này, TÐ4 sẽ lên tàu dưới sự sắp xếp chỉ huy của Thiếu
tá Ðinh Long Thành, tân TÐT của đơn vị này. Bất kể là đơn vị nào,
bất cứ là ưu tiên cho ai, thật nhiều đám người từ mọi hướng đổ ập về
đây tràn xuống như thác lũ. Con tàu quá tải tròng trành trên mặt
nước, chân vịt ngưng quay nằm bất động vì máy đã hỏng rồi. Lại thêm
một đêm nữa rồi sẽ đến với tình thế mỗi lúc một tồi tệ hơn. Phải
quyết định ngay bây giờ, nhưng giải quyết bằng cách nào đây? Tôi gọi
HS1 Lê Hồng Quảng Nam, người cận vệ thân tín nhất đến, sau khi đã cạo
nhẫn bộ râu của mình, chính nhờ nó mà tôi đã ăn nên làm ra trong đời
binh nghiệp và được giấy phép của bộ Tổng tham mưu cấp hẳn hòi với
lý do: “Uy tín cấp chỉ huy”.
– Anh chuẩn bị cho tôi một ít nước uống và vài gạo sấy để phòng thân.
Nam do dự mếu máo:
– Ông thầy đừng bỏ tụi em, có gì cho tụi em theo với. Thuận, Thành hai hiệu thính viên cũng oà lên khóc.
– Yên trí, thầy trò mình sẽ sống chết có nhau mà.
Ðầu óc tôi cứ mãi bị ám ảnh
bởi lời đề nghị của Ð/U Ðan là ông anh nên “self service”. Nhưng
chuyện này cũng có 5, 7 cách khác nhau. Hãy tìm một vài người lính
thật khỏe mạnh, bơi nhà nghề, mà phải là dân chuyên đi biển ở Nha
Trang hay Phan Thiết, mò vào nhà dân hay dọc theo mé nưóc, tìm sẵn
một chiếc ghe thật tốt, chuẩn bị sẵn sàng, thừa nước đục thả câu sẽ
cùng bỏ trốn như loài chuột. Nhưng cũng chẳng phải dễ dàng lắm đâu!
Chúng tôi sẽ bị bắn chết bởi đồng đội trước khi nạp mình cho bầy cá
mập, hay là tuyên bố hoạch toẹt rõ ràng, đơn vị tan hàng, mạnh ai nấy
lo, đâu phải lỗi ở mình. Ðiều này quá trắc trở và trắng trợn, chẳng
còn tình nghĩa gì. Nếu còn sống làm sao dám nhìn lại mặt nhau như Hai
Chồn, Pake, Loan Mắt Nhung, Chanh Trọc, Ba Ngành, các ÐÐT lương đen
lì lợm, nhậu rượu như uống nước mà đánh giặc rất chí tình. Tôi liên
lạc máy với Thiếu Tá Cang TÐT/TÐ7 cùng Thiếu Tá Sử TÐT/TÐ3, chúng tôi
cùng đồng ý với nhau là chẳng còn cách nào khác hơn, mở đuờng máu
xuôi Nam về cửa biển Tư Hiền còn nước, còn tát.
Nói là mở đường máu chứ thực
ra chỉ là cách thối thác cho một sự tan hàng, đường về bít lối, vì nếu
có trầy da tróc vẩy đến nơi thì cũng chỉ là vùng trời mây nước mênh
mông, ngồi đó chờ nộp thịt cho chằng. Di chuyển cũng theo thứ tự lớp
lang, nhưng đội hình chẳng còn. Sức mòn, lực kiệt, súng cầm tay, tinh
thần đã mất, đạn dược cũng không, cứ nhắm mắt nhắm mũi mà chạy
1,2,3,4… 1,2,3,4 “đường trường xa con chó nó tha con mèo…” càng xa
địch bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Nhiều tiếng nổ chát chúa
phía sau, của địch thì ít mà của ta thì nhiều. Những người lính bị
thương không còn khả năng theo kịp đoàn quân, bò lết lại với nhau, bung
chốt lựu đạn nổ để “thà chết vinh, còn hơn sống nhục”. Ðứa con đầu
của TÐ3 Sói Biển đang bị một đại đội du kích chận lại, phía trước ùa
về, ở sau đùn tới, vô vọng, tuyệt vọng, chưa bao giờ tôi cảm thấy
thèm sự sống bằng lúc này, miệng luôn luôn lẩm bẩm xin Phật Trời gia
hộ “cùng tắc biến, biến tắc thông”.
Nhóm chúng tôi gồm 5 người tấp
vào xóm dân chài, hy vọng sẽ được giúp đỡ bởi tình quân dân cá nước
ngày nào, nhưng hiện tại quân đã tan thì tình cũng chẳng còn, mặc dầu
đã cố gắng nài nỉ hết sức kể cả tiền bạc thuê mướn, nhưng họ đã từ
chối thẳng thừng. Chủ ghe là gã trung niên lực lưỡng, mặt rỗ hoa mè
chắc là tên Việt cộng nằm vùng hay du kích gì đó. Thôi thì “tam thập
lục kế”, kê súng vào đầu dọa nạt là thượng sách nhất.
Ðây là lần thứ hai tôi chạy
giặc, lúc nhỏ vào lúc 5 tuổi theo mẹ trốn vào rẫy mỗi lần “mới sớm mai
thằng Tây nó bố vào rừng ta quyết trốn”. Và bây giờ sau 26 năm khi đã
trưởng thành trong quân ngũ… vẫn còn súng đạn trong tay cùng những
chiến hữu bạn bè, tôi phải chạy trốn giặc cộng, thằng chủ nghe đang
ngồi với tôi bây giờ là một tên VC chín rõ mười mươi, hắn phá máy cho
ghe ngừng, hắn làm dấu chỉ điểm mỗi lần kề sát ghe địch. Nhiều người
dọa đánh hắn tại chổ, tôi ngăn không cho, chuyện gì rồi cũng phải tính
đường về, nếu nhỡ thì sao!
Chỉ vỏn vẹn mấy ngày phù du
mà bao điều biến đổi dồn dập bất ngờ, không biết số phận của tôi và bao
nhiêu người khác nữa rồi sẽ ra sao khi ánh bình minh của một ngày
mới xuất hiện, Hy vọng sống còn chỉ là việc hiếm mọn nhỏ nhoi trong
cái chết xảy đến mới là điều chắc chắn.
Tờ mờ sáng hôm sau, sau khi
đã cạn hết nhiên liệu, chiếc ghe đành nằm chênh vênh trên mặt nước mênh
mông vùng Tư Hiền, giữa rừng cờ giặc. Xa xa là những dãy núi chập
chờn xanh thẳm của đỉnh đèo Hải Vân như réo gọi, mời mọc, thèm
thuồng, tiếc rẻ. Và như số phận đã an bài, nhưng rồi cũng có lúc “chí
tuy còn mong tiến bước mà sức không kham nổi đọan đường dài, sự
nghiệp bao năm đeo đuổi thôi cũng đành gián đoạn từ đây…” bởi đâu? do
đâu? vì đâu?.
Giã từ vũ khí, ném súng
xuống dòng sông định mệnh, ngồi chờ địch đến đổi đời lịch sử sang
trang. Chúng tôi bị trói tay lùa lên bờ. Chúng tôi bị “giải phóng” tất
cả quần áo, đồng hồ, dây chuyền, đồ đạc. Một vài người bị dẫn đi xử
bắn dã man. Chúng tôi bị xỉ vả, đấu tố làm tay sai cho đế quốc. Chúng
tôi không còn là chúng tôi nữa, chỉ vì chúng tôi là chiến sĩ QLVNCH
bảo vệ miền Nam Tự Do, bị bỏ rơi lại phía sau thề sống chết thủy
chung và chiến đấu hết mình. Cuộc đời tù đầy của vài ngàn quân cũng
bắt đầu từ cái ngày đáng nhớ ấy… 27/3/75 tại một địa danh nhỏ, hẻo
lánh, quen thuộc: thôn Vĩnh Lộc, Thừa Thiên, Huế ngay trên tổ quốc
thân yêu của chúng tôi…
@ Quân-Sử Việt-Nam
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire