caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mardi 27 août 2013

Mời xem trang mới: Điêu khắc gia : Điềm Phùng Thị



Mời xem trang mới: Điêu khắc gia : Điềm Phùng Thịhttp://phannguyenartist.blogspot.com/

Điềm Phùng Thị: "Không sao đâu, em vẫn đẹp như thường..."



(VNN)- Ở Paris có 36 tượng đài nghệ thuật của Điềm Phùng Thị. Ở Hà Nội không có tượng đài nào. Vậy mà bà vẫn cứ là một người Việt Nam, một người nghệ sĩ không thể lãng quên của Việt Nam, và luôn gần gũi với quê hương.

Họa sĩ
 Điềm Phùng Thị
Nghệ thuật của Điềm Phùng Thị là một tài sản quý giá, không phải để bị “nhốt” và hư hỏng dần trong kho. Đó sẽ mãi là một nỗi nuối tiếc khôn nguôi. Và điều đó day dứt tôi khi đến Huế - quê nhà của "tạo hóa trong điêu khắc"...
***

Điềm Phùng Thị là một trong hai người châu Á vinh dự có tên trong từ điển Larousse - Nghệ thuật thế kỉ XX. Bà là Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học - Văn học và Nghệ thuật châu Âu. Tranh và tượng của bà - những tác phẩm trước đây từng đặt ở các bảo tàng, trường học, công viên Pháp... thì nay đã ở Huế, quê nhà của tác giả. Và bà thì đã đi xa.


Điềm Phùng Thị đã hoàn thành ước nguyện cống hiến cuối cùng như một sự tri ân với quê hương. Bà nói từ lâu: “Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc và đau khổ. Tác phẩm điêu khắc đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa.... Tôi trao lại tôi cho các bạn!”. Sứ mệnh còn lại được trao cho những người đang sống...

7 “chữ cái” thần diệu và thi pháp hội hoạ Điềm Phùng Thị
Với tôi, tác phẩm của Điềm Phùng Thị thật sang trọng và giản dị. Ngôn ngữ mới và giản tiện. Giống như trẻ con chơi trò chơi xếp hình, bà chỉ có 7 “chữ cái” mà cấu thành thế giới tạo hình riêng. Bà gọi là “những ký hiệu” (signs).

Nhà phê bình nghệ thuật Ray Mond Cogniat gọi là 7 mẫu tự. Giáo sư Trần Văn Khê gọi là 7 nốt nhạc. Các nhà nghiên cứu nghệ thuật thì gọi là những modules. Các tác phẩm của bà chính là sự sắp xếp, bố cục, lựa chọn, biến tấu, lắp ghép đơn giản những “chữ cái” ấy. 7 mẫu tự có kích thước tỷ lệ cân xứng và tương hỗ giữa các khối tạo thành một "tỷ lệ vàng".

Ngày 7/9/1995, khi xem Triển lãm Điềm Phùng Thị tại Hà Nội, nhà thơ Tố Hữu đã thốt lên: “Điềm Phùng Thị... là một tạo hoá trong điêu khắc...”

Trong cách nghĩ và cách cảm của riêng mình, tôi tìm thấy ở Điềm Phùng Thị những khám phá dồi dào, liên tiếp, và đầy bí ẩn. Tôi nhìn thấy tính chất dân chủ ở tác phẩm. Tôi được tự xây dựng lấy cho mình cách cảm nhận, tuỳ theo mức độ hiểu biết và ý thức của tôi. Tức là ý tưởng của dòng sáng tác hậu hiện đại, gắn công chúng vào công cuộc đồng sáng tạo.

Nghệ thuật Điềm Phùng Thị được tạo nên bằng đủ loại chất liệu bình dân nhất của cuộc sống: gỗ, nhôm, đất nung, đồng, giấy, vải... và cả mảnh xác máy bay B52. Điềm Phùng Thị có một mảng tác phẩm về đề tài chiến tranh rất cuốn hút, tôn vinh bà như một sứ giả của hoà bình.
Từ năm 1967-1996, bà đã được tổ chức gần 30 cuộc trưng bày, triển lãm ở Pháp, Italy, Đức, Đan Mạch, Thuỵ Sĩ... và có 36 tác phẩm tượng đài được dựng ở các thành phố của Pháp, được cả thế giới tôn vinh, ca ngợi.

Những tác phẩm vẫn nằm im trong kho

Trước khi trở về Hà Nội, tôi dành khoảng thời gian còn lại để ghé thăm bảo tàng Điềm Phùng Thị ở số 1 Phan Bội Châu, thành phố Huế. Trước khi qua đời vài tháng, vào năm 2001, Điềm Phùng Thị đã quyết định tặng cho Huế toàn bộ tác phẩm còn lại ở TP. Hồ Chí Minh (trên 130 tác phẩm) và ở Pháp (trên 50 tác phẩm). Một món quà vô giá cho thành phố quê hương.

Nhà trưng bày của bà là một biệt thự kiểu Pháp, với khu vườn bao quanh khá rộng và đẹp. Ngày hôm đó tôi đến, không gian ấy rất vắng vẻ. Tôi là khách tham quan duy nhất. Về sau, tôi có đọc một tài liệu nói rằng, thời gian đầu, bảo tàng rất đông, về sau thưa dần và hầu hết là người nước ngoài.

Tôi cũng đọc một tài liệu khác nói rằng, vẫn còn khoảng 50% tác phẩm nghệ thuật của bà đang nằm im trong kho. Chưa đến được với công chúng đã đành, hàng trăm tác phẩm chất chồng lên nhau trong những bao hàng, nồng nặc mùi ẩm mốc, phủ đầy bụi và mạng nhện; trong căn phòng nhỏ không điện, không quạt, không điều hoà. Hầu hết các tác phẩm làm bằng những chất liệu dễ hỏng như giấy, vải, đất, gỗ... Các bức tranh không có khung bảo vệ, toan vải ngả màu, ố vàng.

Nghệ thuật của bà là một tài sản quý giá, không phải để bị “nhốt” và hư hỏng dần trong kho. Đó sẽ mãi là một nỗi nuối tiếc khôn nguôi.

“Không sao đâu, Marie, em vẫn đẹp như thường”

Điềm Phùng Thị liệu có ảnh hưởng gì cho hội hoạ Việt Nam đương đại? Đó là một nghi vấn mà tôi chưa tìm được câu trả lời. Một người bạn vong niên của tôi than thở, có lẽ hơi cảm tính và u ám, rằng các bạn trẻ, đặc biệt là các hoạ sĩ trẻ, ít biết đến và học hỏi lối tư duy hội hoạ của bà.

Một người bạn khác của tôi, học ĐH Mỹ thuật công nghiệp, nói rằng trong lớp cô không người nào biết Điềm Phùng Thị là ai.

Tôi có một cuộc nói chuyện ngắn với một sinh viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Bạn sinh viên nói rằng, bạn biết về Điềm Phùng Thị với tư cách một nghệ sĩ tạo hình, định cư ở Pháp, là người gốc Huế nên xu hướng nghệ thuật mang dáng vẻ quý phái, cung đình.
Bảo tàng Điềm Phùng Thị

Hồi học năm thứ hai, khi học Điêu khắc căn bản, bạn có được thầy cho xem qua cuốn sách có tác phẩm của bà ở Pháp. Làm nên tên tuổi của bà có con số 7, con số mà bạn đó thích, nên cũng có tìm hiểu thêm, chứ tự thân tác phẩm của bà không thu hút đến mức khiến bạn tự tìm hiểu.
Lý giải nguyên do tại sao thế giới hiểu biết về bà, còn chúng ta lại như vậy, bạn đó nói rằng chắc do sách của bà đắt quá, nghệ thuật của bà quá giàu chất triết lí, không phải ai cũng hiểu.

Cuốn sách nói đến ở trên là cuốn “Nghệ thuật Điềm Phùng Thị”, xuất bản năm 1997, dày 267 trang, giá bìa 500.000 đồng. Cuốn sách có nhiều hình ảnh và bài viết hay, có nhiều hình ảnh về tượng của bà được dựng ở nhiều trường học, công viên, bệnh viện, bảo tàng... Pháp. Ở trang đầu, có những dòng chữ tác giả viết:
Và nếu có ai đó ngắm nhìn
dừng chân và cảm mến
con người trong tôi
tức là tôi đã thành công
Nếu tôi thất bại và chẳng ai chìa tay cho tôi
tôi sẽ đút tay vào túi, thật sâu
Mặc kệ.
Không sao đâu, Marie, em vẫn đẹp như thường.


(Điềm Phùng Thị, 1967)

Ở Paris có 36 tượng đài nghệ thuật của Điềm Phùng Thị. Ở Hà Nội không có tượng đài nào. Vậy mà bà vẫn cứ là người Việt Nam, người nghệ sĩ không thể lãng quên của Việt Nam, gần gũi với quê hương. Điều ấy có phải là "bi kịch" về sự ảnh hưởng của Điềm Phùng Thị?
Bà đã mất ở tuổi tám mươi mốt, sau một cơn tai biến mạch máu não. Có lẽ, bây giờ, người dân Huế vẫn sẽ nhận ra bà, tóc trắng bềnh bồng, nụ cười hồn hậu ngồi trên chiếc xe lăn do người giúp việc đẩy, đi dạo trên đường phượng vĩ có những chiếc lá mỏng manh về cội...
  • Đinh Phương Linh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire