1. Bún đậu mắm tôm
Đây là món ăn đang 'làm mưa làm gió' ở Sài Gòn, không giữ được toàn vẹn hương vị như ở Hà Nội nhưng cũng đủ để những người con xa quê vơi đi cảm giác nhớ nhà. |
2. Bún cá
rô đồng
Bún cá rô đồng bình dị như chính tên gọi nhưng ai đã một lần thưởng thức sẽ không thể quên được hương vị thơm ngon, dịu nhẹ mà nó mang lại. Nguyên liệu chính làm nên hương vị cho món ăn là thịt cá rô đồng chiên vàng cùng nước dùng thoang thoảng hương thìa là thơm ngon. |
3.
Bún chả Hà Nội
Bún chả là đặc sản Hà Nội, mỗi khi nhắc đến người ta sẽ hình dung ra một món ăn đậm đà với các nguyên liệu bún, thịt nướng, chả và nem. Bát bún chả hấp dẫn, thơm mùi quyến rũ của thịt và chả được nướng vừa chín tới. Nước mắm được pha vừa ăn, có vị béo của thịt, những lát đu đủ xanh, cà rốt đỏ ăn kèm có độ giòn, mềm cho bạn cảm giác ngon miệng. |
4. Bún bò
Huế
Có nguồn gốc từ cố đô Huế, bún bò từ lâu đã trở thành món ăn rất được người Sài Gòn ưa thích. Nước dùng đậm đà, vị cay xé lưỡi, ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối đều thích hợp là những ưu điểm của món ăn này. Bên cạnh đó, bún bò Huế còn được biến tấu với nhiều thành phần như bún bò giò, bún bò chả, bún bò tái, gân... vừa ngon miệng vừa không gây cảm giác ngấy. |
5. Bún
thang
Tuy không phổ biến ở Sài Gòn như các loại bún, miến, phở khác của Hà Nội, bún thang cũng là một món ngon được nhiều người yêu thích. Ăn bún thang một lần rồi sẽ nhớ mãi bát bún nhiều màu sắc, vị cay nồng của ớt, tỏi, vị ngọt của xương trong nước dùng. Đó còn là mùi thơm ngào ngạt của bát nước dùng bốc khói nghi ngút hấp dẫn người ăn… Vì lẽ đó, món bún thang đã trở thành một món ngon đặc sản Hà thành hấp dẫn thực khách. |
6. Bún cá
thìa là
Bún cá thìa là mang đậm hương vị đặc trưng của người miền Bắc. Bát bún nhiều màu sắc với màu vàng của chả cá thác lác chiên, trắng của bún, đỏ của cà chua, xanh của hành cùng hương thơm thoang thoảng của thìa là rất hấp dẫn. |
7. Bún cá
ngừ
Không quá cầu kỳ nhưng bún cá ngừ lại là một món ăn hấp dẫn, đậm đà và cay nồng. Món ăn được chế biến rất đơn giản, vài lát cá tươi, hành tây thái mỏng, ớt trái. Cho tất cả các nguyên liệu đó vào nồi và đặt lên bếp, để lửa hơi lớn. Sau khi thấy nồi cá sôi thì cho nhỏ lửa để gia vị thấm đều vào từng thớ thịt cá. Một đĩa rau gồm xà lách, bắp chuối thái mỏng, vài cọng húng quế, giá sống, đĩa bún tươi, chén ớt xanh... Món này xuất xứ từ miền Trung. |
8. Bún mắm
miền Tây
Bún mắm miền Tây được xem là món ăn dân dã, nước lèo được chế biến từ mắm cá linh, cá sặc rất đặc trưng. Nước dùng trong các quán bún mắm ở Sài Gòn đã được gia giảm để tránh đi cái nặng mùi cũng như vị gắt của mắm, nhưng không làm mất đi cái đậm đà cùng hương vị đặc trưng của bún mắm. Nó phù hợp với khẩu vị của người Sài Gòn, không quá ngọt, quá mặn hay cay nhưng cũng không nhạt. |
9. Canh
bún
Canh bún là món ăn bình dị rất quen thuộc của người Sài Gòn. Món ăn như là một bức tranh đầy màu sắc hấp dẫn thực khách. Đó là màu trắng của bún lẫn trong màu xanh của rau muống, điểm xuyết bên trên là màu vàng của đậu phụ, màu vàng ươm của ốc luộc, màu nâu của riêu cua, tiết lợn... tất cả tạo nên một bức tranh tổng hòa đẹp mắt với hương vị thơm ngon. |
10. Bún
riêu ốc
Thành phần chính của món ăn là riêu cua, ốc. Những con ốc bươu to tròn được xào vàng ươm, nhìn thật hấp dẫn. Riêu cua được làm từ cua đồng, thịt cua được giã nhuyễn để miếng riêu vừa xốp, vừa thơm, cho vào miệng thì tan ra khắp đầu lưỡi nhưng không bị nát khi cho vào bát bún. Bên cạnh đó là các nguyên liệu quen thuộc như chả, đậu phụ và một miếng tiết lợn. |
11. Bún cá
dầm Nha Trang
Bún cá dầm là món ăn nổi tiếng của thành phố biển Nha Trang. Nguyên liệu làm nên món ăn này là cá dầm, cá thu, cá cờ... một phần thịt cá được hấp hoặc luộc chín, một phần được dùng để làm chả cá làm tăng thêm hương vị hấp dẫn, thơm ngon cho món ăn. |
12. Bún
mọc
Thoạt nhìn thấy bún mọc có vẻ đơn giản nhưng lại thể hiện được sự tinh tế của người miền Bắc. Món ăn được chế biến khá đơn giản, có thành phần chính là sợi bún nhỏ và mọc (tên gọi khác của người Bắc dùng để gọi giò sống). Phần mọc thường được chế biến thành 3 loại khác nhau như: giò sống vo thành viên nhỏ, nấu chín trong nước dùng; giò sống vo viên chiên vàng; giò sống trộn với nấm hương, vo viên nấu chín. |
13. Bún thịt
nướng
Bún thịt nướng nhiều thành phần nhưng không cầu kỳ, là món ăn nhanh, phù hợp với tính cách cũng như cuộc sống năng động của người Sài Gòn. Thành phần bún khá đơn giản với bún tươi, các nguyên liệu ăn kèm phong phú như: chả giò, thịt nướng, nem nướng cùng một ít rau sống thái nhỏ và nước mắm chua ngọt. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn này tại quán cóc ven đường hay ngồi trong khung cảnh sang trọng của nhà hàng. |
14.
Bún giả cầy
Miếng móng giò với lớp da vàng vàng ruộm cùng hương thơm của riềng mẻ quyện vào nhau thật hấp dẫn. Ăn miếng móng giò, cảm nhận cái giòn giòn của lớp da bên ngoài, cái mềm của lớp thịt bên trong hòa quyện trong nước nhựa mận được nêm đậm đà rất vừa miệng. Trong những ngày trở gió, món bún giả cầy quen thuộc luôn là món ăn ưa thích của nhiều người. |
15.
Bún cá Châu Đốc
Thành phần chính làm nên sự nổi tiếng của món ăn là cá lóc. Cá lóc làm sạch, đầu cá được cắt rời nhưng vẫn giữ nguyên bộ lòng. Cá luộc hoặc hấp chín, sau đó được lột da và lóc hết xương, những thớ thịt cá trắng tinh được xếp gọn gàng trên đĩa. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến nước dùng, chính cái vị ngọt thanh làm cho món ăn trở nên hấp dẫn và ngon miệng. |
16.
Bún sứa
Bún sứa là món ăn ngon, đặc sản của người dân phố biển Nha Trang. Thành phần chính của bún là sứa. Sứa để làm bún là loại nhỏ bằng đầu ngón tay cái, màu trắng đục, nhìn giống như cơm trái dừa nước. Ngoài sứa, trong bát bún còn có chả cá, cá dầm. |
17.
Bún cà ri gà
Những cọng bún tươi trắng tinh hòa lẫn với cà ri được nấu sền sệt có màu vàng sậm trông rất bắt mắt. Điểm hấp dẫn nhất chính là những miếng gà thơm ngon, khoai lang bùi, ngọt, cùng với tiết lợn được thái thành từng miếng to bản. Tất cả đều được ninh nhừ trong thứ nước cà ri đậm đà, thơm ngậy, tạo nên hương vị chủ đạo của món ăn. Bún cà ri gà được ăn kèm với húng quế và giá đỗ sống giúp hương vị thêm thơm ngon và người ăn sẽ không có cảm giác ngấy. |
18.
Bún bung Hà Nội
Không nổi tiếng và có nhiều hàng quán như các món bún chả, bún mọc hay bún cá rô đồng... bún bung vẫn được nhiều người thưởng thức vì hương vị thơm ngon của nó mang lại. Bún bung còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như bún móng giò, bún dọc mùng, bún sườn... tùy theo thành phần có trong món ăn. Một bát bún bung đầy đủ gồm có dọc mùng (bạc hà), mọc viên, móng giò, sườn non... |
19.
Bún nước lèo miền Tây
Điểm đặc biệt là nước lèo của loại bún này luôn trong veo, không có cặn. Đầu tiên, cho mắm bò hóc vào nồi, thêm một lượng nước vừa đủ, đun sôi, trong suốt quá trình nấu phải canh vớt hết bọt. Cá lóc đồng, làm sạch, luộc, lóc lấy thịt. Xương cá cho vào cối giã chung với ngải bún và sả bằm, sau đó vắt lấy nước cho vào nối nước lèo. Nêm gia vị vừa ăn là được. Bún nước lèo được ăn kèm với đĩa rau sống đủ các loại như: bắp chuối, húng thơm, húng quế, hẹ, giá sống... cùng chén nước mắm ớt nguyên chất cho món ăn thêm đậm đà. |
20.
Bún gỏi dà Sóc Trăng
Theo những người sành ăn, xuất phát điểm của món bún này là gỏi cuốn, với các thành phần như tôm, bún, rau, giá... Về sau người ta biến tấu bằng cách cho tất cả các nguyên liệu đó vào tô, trộn chung với nước chấm gỏi rồi ăn như và (lùa) cơm. Người Nam phát âm "và" thành "dà" nên món ăn có tên gọi như vậy. Lúc đầu, đây là món bún khô, sau được dùng chung với nước lèo hơi chua có pha tương hột. Đây chính là điểm nhấn làm cho người ăn phải nhớ mãi khi thưởng thức. Điểm khác biệt của món ăn đến từ chính nước dùng có vị ngọt thanh của xương heo, chua nhẹ của nước me và thoang thoảng hương thơm của tương hạt. |
21.
Bún tiêu giò Sóc Trăng
Nước dùng được nấu từ gia vị chủ yếu là hạt tiêu, tạo ra hương vị cay nồng làm nên đặc trưng cho món ăn này. Hương vị ấm nồng trong món ăn càng ngon hơn nếu bạn ăn trong thời tiết lạnh hay trong những ngày trời mưa. |
22.
Bún ốc chuối đậu
Tên gọi bún ốc chuối đậu được tổng hợp từ các thành phần làm nên món ăn. Chế biến món này không khó nhưng mất nhiều thời gian vì có nhiều thành phần như ốc, chuối xanh, đậu, thịt lợn... Bún ốc chuối đậu hấp dẫn với màu vàng của nghệ cùng hương thơm đậm đà khiến bạn không thễ cưỡng lại được. |
23.
Bún suông (bún đuông)
Bún suông là đặc sản của đất Trà Vinh. Tên gọi của món ăn xuất phát từ chả tôm, tươi ngon, mềm mịn được tạo hình như những con đuông (một loại sinh vật vẻ ngoài như con sâu, sống trong cây dừa) tạo nên tên gọi độc đáo cho món bún suông (gọi chệch từ "đuông"). |
24.
Bún chả cá miền Trung
Bún chả cá là món ăn nổi tiếng của người miền Trung với nhiều thương hiệu như: bún chả cá Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang... Chả cá ngon và nổi tiếng do làm từ cá tươi, đảm bảo độ dai. Nguyên liệu thường là cá thu, cá mối, cá cờ… Khi chế biến, người ta thường làm thành hai loại là chả hấp và chả chiên. Dù là chiên hay hấp, chả cá luôn có một vị đặc trưng giống nhau: dai, mềm, ngọt vị cá. |
25.
Bún hến
Bún hến được xem như anh em với món cơm hến nổi tiếng của dân Huế.
Món ăn dân dã nhưng là món nhớ đời với nhiều người đến Huế. Đặc biệt là
nước hến luộc có màu trắng đục, cho vào đầy một cái tô đã đủ gia vị như
rau chuối non, rau môn, ớt, bùi đậu phụng mè rang, đậm đà mắm ruốc, tiêu,
tỏi, ớt bột, tóp mỡ heo… Chỉ chừng đó thôi nhưng ngon đến lạ kỳ, mỗi tô
bún chỉ một nhúm hến mà vẫn ngọt ngào.
Khánh Hòa
|
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire