caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

lundi 2 septembre 2013

VỀ GÁNH CA HUẾ KIM SANH Hoàng Thế Định


VỀ GÁNH CA HUẾ KIM SANH
Hoàng Thế Định
 
 


Lời nói đầu: Từ “Kim Sanh” có thể khá xa lạ đối với thế hệ trẻ, nhưng với quý vị cao niên ở miền trung và bắc trong những thập niên 30, 40 hẳn là ai cũng biết xuất xứ gánh ca Huế Kim Sanh. Từ trước, không ai viết về sân khấu ca Huế nầy. Những năm gần đây, có một số người ở trong nước cũng như hãi ngoại viết về Kim Sanh, nhưng rất đáng tiếc không được chính xác cho lắm.

     Chúng tôi thiết nghĩ mình thô thiển, nhất là không muốn nói đến “cái tôi” hoặc “gia đình tôi”; nay được nhiều người khuyến khích, nên mạnh dạng viết những gì liên quan đến văn hóa nghệ thuật Đất Thần Kinh, ca Huế. Ca Huế được đưa lên sân khấu như là một loại nhạc kịch do từ một gia tộc: gia tộc họ Hoàng.
     
Ca Huế, đã có từ hàng trăm năm trước. Nhưng sân khấu cổ nhạc từ xưa vẫn chỉ thấy có Hát Bộ và sau lại là cải lương, phát xuất từ miền nam Việt Nam.
     Mẫu đối thoại năm 1956 được ghi lại như sau:
     Người viết bài nầy hỏi phụ thân:
     -Thưa cha, tại răng (tại sao) cha lập gánh hát Kim Sanh?
     -Ờ, cha muốn đưa ca Huế vào nghệ thuật sân khấu qua các vở tuồng xưa hoặc nay.
     -Cha đặt (viết) tuồng, rứa (vậy thì) ai điều khiển gánh hát và bày cách biểu diễn cho đào (diễn viên nữ), kép (diễn viên nam)?
     -Cùng sáng lập gánh hát với cha, chú và thím con vừa giám đốc vừa đạo diễn.
             
Phôi thai của gánh hát Kim Sanh bắt đầu vào năm 1938. Địa điểm phát sinh là khu vực An Cựu, từ khuôn viên nhà thân phụ chúng tôi, ông Hoàng Trọng Đồng; sát nách với cung An Định về hướng đông.
Ông Hoàng Trọng Đồng, Tam Đẳng Thị Vệ (Nam Triều) sinh năm 1899, quê quán làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Tuy là một võ quan, sở thích của ông vẫn là thơ văn và âm nhạc. Ông rành về sân khấu hát bộ, nhờ các buổi trình diễn tại Duyệt Thị Đường (Hoàng Cung Huế), mà ông là người luôn luôn kề cận vua (Trước là vua Khải Định, về sau vua Bảo Đại).
Ngoài phần cổ nhạc, ông còn có cơ hội tìm hiểu về nhạc kịch Opéra tại Paris, khi ông tháp tùng Hoàng tử Vĩnh Thụy, trước sau hai lần gần 8 năm trời tại Pháp.
Nhận thấy hát bộ khó được phổ biến rộng rãi trong quần chúng, vì hầu hết lời ca và “nói lối” (lời nói chuẩn bị cho một bài ca Huế trên sân khấu) đều dùng chữ Hán. Hơn nữa, dàn dựng những vở tuồng phản ảnh sinh hoạt xã hội đương thời, mà dùng nghệ thuật hát bộ thì quả là không hợp.
Nghiên cứu thêm về sân khấu cải lương miền nam, ông Hoàng Trọng Đồng ao ước đưa ca Huế lên sân khấu với tính chất nhạc kịch. Và ông đã thực hiện.
Miệt mài hơn một năm, ông Hoàng Trọng Đồng hoàn thành hai vở tuồng ca kịch đầu tay “Đời Đen Bạc” (sau đổi thành “Thói Đời Đen Bạc”) và “Tình Là Giây Oan”, trao cho hai vợ chồng người em kế là ông Hoàng Trọng Cảnh (1) và bà Lê Thị Băng Tâm (2) xem.
Ông Cảnh chơi đàn nguyệt theo lối tài tử, nhưng ông lại là ngưòi có biệt tài về đạo diễn, tổ chức và kinh nghiệm giao tế.
Bà Băng Tâm trẻ đẹp, một ca sĩ cổ nhạc có tiếng, giọng ca của bà mạnh và trong, nhịp điệu vững vàng và nhất là điêu luyện trong diễn xuất. Người mộ điệu cổ nhạc đương thời thường nhắc đến bà với cái tên “Cô Vàng Em” hơn là tên Băng Tâm. Bà chị kế của bà thường được gọi là “Cô Vàng Chị” .
Xem xong hai tập bản thảo, hai ông bà Cảnh và Băng Tâm nghĩ ngay đến việc quãng bá qua sân khấu. Nghĩ là làm, hai người liền bỏ công tìm kiếm ca sĩ và nhạc công. Ca sĩ cổ nhạc đương thời không hiếm, nhưng đòi hỏi cho sân khấu, phải kèm thêm diễn xuất, đó là điều rất cần thiết.
Nữ ca sĩ thì nhiều nhưng phái nam rất hiếm. Vì vậy, khởi đầu, một số diễn viên nữ phải đóng vai nam; như trong vở tuồng “Tình Là Giây Oan”, bà Băng Tâm đóng vai kép chính, kép Đông Kha. Người chị đầu của bà Băng Tâm tên Lan trong vai ông lão, bà chị kế của bà tâm sắm vai bà già, nói theo danh từ sân khấu cổ, đó là vai mụ. Vai đào chính trong vở tuồng trên, Lệ Nương, do cô Hồng Lê phụ trách.
Cô Hồng Lê (3), sau nầy trở thành ca sĩ bậc nhất về ca Huế của đài phát thanh Hà Nội. Sau 1975 cô Hồng Lê đã trở về Huế thăm người sáng lập Kim Sanh, ông Hoàng Trọng Đồng.
Tập dược lúc ban đầu phải thuê nhạc công. Mỗi ngày tập, diễn viên cũng như nhạc công đều được trả 2 giác (2 hào=20xu). Hai nhạc công đầu tiên sau nầy trở thành những người chủ chốt cho ban nhạc Kim Sanh là ông Khóa Thiện, đàn nguyệt và ông Bát Lư đàn nhị (đàn cò). Về sau đoàn hát còn mời thêm ông Quýt chuyên đàn gáo. Ba người nghệ sĩ nầy đã làm nổi bật sân khấu Kim Sanh nhờ tiếng đàn điêu luyện của họ.
Xong vở tuồng thứ nhất, mọi người vui mừng tập luyện vở thứ hai “Thói Đời Đen Bạc” với Băng Tâm trong vai nam Mậu Sanh và Hồng Lê vai Kim Hoa.
Ca Huế như mọi người biết, từ trước đến sau nầy vẫn chừng ấy điệu như Nam Ai, Nam Bằng, Phú Lục, Cổ Bản, Huê Tình, Kim Tiền, Tứ Đại Cảnh…Người sành điệu chỉ soạn thêm lời ca tùy theo hứng khởi mỗi hoàn cảnh, tuyệt nhiên không có ai sáng tác thêm điệu mới. Trong lịch sử hình thành sân khấu Kim Sanh, một sự kiện tưởng cần được ghi lại: Thêm một điệu ca mới, điệu Đoãn Xuân, do chính ông Hoàng Trọng Đồng sáng tác. Chính trong vở tuồng thứ hai, lần đầu tiên các diễn viên và nhạc công bắt đầu tập dợt đoãn khúc mới, “Đoãn Xuân” (Xem bài nhạc đính kềm, tác giả bài nầy diễn viết theo tân nhạc với lục cung. Tác giả không rành về cổ nhạc với ngủ cung)
              Mẫu đối thoại vào năm 1938:
              Ông Cảnh hỏi ông Đồng:
              -Gánh hát sắp ra mắt khán giả, rứa thì anh nghĩ đặt tên chi (tên gì) cho gánh chừ (bây giờ)?
              -Có, chú coi ri (xem thế nầy) có được không: Tên của tui (tôi) là Đồng viết với bộ “Kim” đằng trước, tui đặt tên gánh ca là Kim Sanh nghĩa là Đồng Sống. (Viết theo tiếng Nôm, chữ Đồng        với chiết tự có bộ Kim      đứng trước, cùng với chữ Sanh, thành ra chữ Kim Sanh).
Gánh ca Huế Kim Sanh ra đời từ đó, sau nầy đổi thành “Đoàn Ca Kịch Kim Sanh”
Thành lập một gánh hát, việc cần thiết đầu tiên vẫn là “tiền đâu”. Khởi sự, ông Đồng xuất vốn cho mọi chi phí. Sau đó, lợi nhuận của gánh sẽ hoàn lại lần lần.
Về tổ chức, điều hành mọi công việc đều do ông Cảnh đảm trách. Bà Băng Tâm giúp chồng, phụ tá đạo diễn.
Về nhân sự, ngoài số diễn viên nòng cốt ban đầu, đoàn hát còn tuyển thêm rất nhiều người từ Quảng Trị, Huế và Quảng Nam. Phân nửa nhân viên là những người còn trẻ tuổi, đưa về nhà riêng của ông Đồng ăn, ở và huấn luyện. Phía nữ có các cô Hồng Lê, Diệu Cầm, Lan, Lựu, Đôi, Len, Ân Hường, Sen, Xuân. Phía nam có các anh Tấn, Bốn Kiếm, Nhị Vò, Gà, Ba Dung, Sài, Hiên và Châu ( sau nầy là nhạc sĩ Châu Kỳ). Trong số nam diễn viên có anh Theo, lớn tuổi hơn cả, người làng Trí Bưu, Quảng Trị, là người có giọng ca trầm ấm và diễn xuất rất tài tình.
Trong số nhân viên, phải kể đến một người giữ nhiệm vụ khá quan trọng, lo việc đối ngoại như tiếp xúc với chính quyền đương thời, xin giấy phép, liên lạc với sở thuế vụ, giao dịch với rạp hát cho thuê và nhất là lui tới thường xuyên với phòng kiểm duyệt. Nhân vật quan trọng nầy là anh Vũ Đức Duy, cháu gọi ông Đồng và ông Cảnh bằng cậu ruột. Khán giả và giới văn nghệ sĩ miền nam trước năm 1975 đều biết Vũ Đức Duy, nhà soạn kịch vừa là diễn viên tài ba của sân khấu và truyền hình trong hơn hai thập niên.
Phần đạo cụ, chuẩn bị rất công phu. Gánh hát phải tuyển một họa sĩ, anh Lê Ngoan, thường trực để vẽ các phong cảnh làm nền cho từng màn kịch, lúc đó gọi là “phông” (4) và lớp (còn gọi là ri-đô) (4). Các bức “phông” và “ri-đô” trãi dài sân khấu, ngang 5-6 thước, cao 4-5 thước. Tranh phải vẽ bằng sơn trên loại vải thật dày để tránh nhầu nát, cuốn vào một thân cây tre hoặc nứa loại lớn và già để cuốn lên hay hạ xuống tùy lúc. Anh Lê Ngoan còn vẽ những bức “cánh gà” rộng từ 8 tất đến 1 thước, để treo dọc chiều sâu của sân khấu.
Phần trang phục tốn kém nhiều nhất. Tùy theo các vở tuồng để sắm các áo, quần, hia (giày xưa), mão (mũ).
Quảng cáo vào thời đó rất đơn giản; với bản vẽ quảng cáo dựng và cột chặc vào hai bên hông và phía trước chỗ ngồi của xe kéo (về sau, dùng xe xích lô đạp) đi khắp các nẻo đường. Một người ngồi trong xe, đánh trống liên hồi để thu hút sự chú ý của khách qua đường về vở tuồng sẽ trình diễn đêm đó.
Ban nhạc không nhiều lắm, chiếm một góc trái sân khấu sau “cánh gà” thứ nhất. Các loại đàn chính là đàn nguyệt, đàn nhị và đàn gáo. Tùy tính chất buồn của đoạn kịch mới xử dụng đàn độc huyền (đàn bầu: một giây). Mỗi nhạc công thường kiêm hai hoặc ba loại nhạc cụ. Họ phải thuộc lòng diễn tiến của vở tuồng, tình tiết cũng như tâm trạng của các vai. Thường thì hai cây đàn nguyệt và nhị được xử dụng nhiều nhất và làm “rộn đám” sân khấu.
Nói đến ca Huế, không thể bỏ qua “Bộ Phách”. Bộ phách làm bằng gỗ nặng và quý để có âm phát ra trong trẻo rõ ràng và vang xa. Hai thỏi phách gõ vào nhau để giữ nhịp cho điệu ca. Ông Cảnh vừa nhắc tuồng ở sau cánh gà thứ nhì bên phải sân khấu vừa “cầm” phách (chữ “cầm”, từ ngữ âm nhạc, ở đây có nghĩa là giữ nhịp) để diễn viên theo được nhịp. Ông còn dùng một cái gậy khá nặng để nện xuống sàn gỗ sân khấu, ra dấu hiệu cuốn lên hoặc hạ xuống các phông, cảnh (ri-đô) tùy theo trình tự của vở tuồng.
Đến đây, tưởng nên biết qua tính chất nghệ thuật sân khấu Kim Sanh qua các vở tuồng đã trình diễn. Mỗi vở đều nêu lên những sự kiện lịch sử hoặc dã sử, những cảnh sinh hoạt trong xã hội đương thời. Soạn giả Hoàng Trọng Đồng đã dựa trên những dữ kiện lịch sử, xã hội thời sự; dĩ nhiên có thêm hư cấu, hoặc cường điệu hóa để có kịch tính sân khấu hầu nhấn mạnh về quan điểm của tác giả đối với đời sống thật của xã hội.
Về lịch sử Trung Hoa xưa, có các vở “Phụng Nghi Đình”, “ Quang Công Đại Chiến Bàng Đức”, “ Xử Án Bàng Quý Phi”… Chuyện kiếm hiệp có “Bồng Lai Hiệp Khách”, “Người Nhạn Trắng”… Tuồng về xã hội, tình cảm có “Thói Đời Đen Bạc”, “Giọt Máu Rơi”, “ Tòa Án Lương Tâm”, “Tù Vượt Ngục”. Về tôn giáo có chuyện “Quan Âm Thị Kính”v.v.
Tương tự như thi hào Nguyễn Du, dung bối cảnh “năm Gia Tĩnh Triều Minh” để nói lên tâm sự mình đối với triều Lê; tác giả Hoàng Trọng Đồng đã dựng nên vở tuồng “Vì Nước Quên Nhà” trong bối cảnh “Thời Chiến Quốc” để xa xôi, kín đáo nói về thực trạng triều đình vua Bảo Đại, nhằm chỉ trích một số quan lại thân Pháp, lộng quyền:
              Nhân vật vua, không có quyền hành, than thở:
              “Than ôi! Loạn thế gian thần bố mãn, ngắm trong triều không một tôi trung. Ngày những đêm chan chứa bên lòng, việc nước không biết cùng ai lo lắng… Còn như quả nhân đây, chim trong lồng đà (thật là) khó bề cất cánh…”
Vở tuồng nầy một lần được trình diễn tại Duyệt Thị Đường (Đại Nội) đã gây bàn tán xôn xao trong giới quần thần. Vua và Hoàng Thái Hậu gục gật đầu với đoạn “nói lối” kể trên.
Thời đó, tất cả vở tuồng đều phải qua phòng Kiểm Duyệt. Kiểm duyệt nội dung, ý nghĩa vở tuồng và toàn bộ bản văn. Những câu xét ra “động thời văn” có nghĩa là chống Pháp, đều bị gạch bỏ.
              Trong một bài hò mái nhì, nhân vật “Lão ông” tự thán:
              “Phơi tóc bạc trãi cơn nắng hạ,
              Giơ da vàng, đỡ lấy giọt mưa thu,
              Một mình trong chốn hoang vu,
              Lo tìm mưu lập kế, trả đặng mối thù mới nguôi.”
Nhân viên kiểm duyệt cho mời anh Vũ Đức Duy và yêu cầu đổi hai chữ “Da Vàng” thành “Da Đen”. Họ ngầm hiểu tác giả muốn nói lên tâm trạng của người “Da Vàng Việt Nam” với òong thâm thù người Pháp xâm lược. Anh Vũ Đức Duy giả vờ không đề cập đến vấn đề màu da, chủng tộc, mà chỉ biện hộ bâng quơ về luật “bằng, trắc”, âm điệu câu hò không thể sửa đổi được.
Trước khi chính thức ra mắt khán giả kinh đô Huế, hai ông Đồng, Cảnh quyết định đưa đoàn hát trình diễn thử tại Dạ Lê, một rạp hát ngoại ô. Một cuộc trình diễn thử và là một thành công. Khán giả đến xem chật rạp, kể cả những người từ trung tâm thị xã và các vùng phụ cận, ước lượng hơn 200 người, một con số rất lớn đối với một gánh hát mới ra đời.
Sau Dạ Lê, đoàn hát tiến về rạp Đồng Xuân Lâu (rạp Bà Tuần) trước nay vẫn dành cho các đoàn hát bộ. Đóng đô gần như thường trực tại rạp Đồng Xuân Lâu, đoàn Kim Sanh càng lâu càng được khán giả mọi giới hưởng ứng. Mức độ phổ biến Kim Sanh lan rộng trong dân chúng, mọi người xem nhiều lần và quen thuộc với phong cách trình diễn của đào, kép cũng như lời ca, câu nói trong các vở tuồng; đến độ nẩy sinh tính từ “Kim Sanh” để chỉ những ai diễn tả câu nói hay lời văn có tính chất trau chuốt văn vẻ như trên sân khấu, có âm điệu trầm bổng hoặc mang tính cường điệu. Ví dụ “ăn nói Kim Sanh”, “bộ điệu Kim Sanh”.
Mức phát triển gánh hát càng ngày càng mạnh, đoàn ca Huế Kim Sanh quyết định một vòng lưu diễn ra bắc. Ước mong của người sáng lập Kim Sanh là truyền bá ca Huế ra tận Hà-Nội.
Đoàn lưu diễn từ Quảng Trị, Quảng Bình cho đến Vinh, Thanh Hóa rồi Hải Phòng, Hà Nội. Diễn tại Hà Hội được vài ngày thì do ảnh hưởng diễn biến chiến tranh và gia đoạn 1942, đoàn phải gấp rút trở lại Huế. (2)
Đầu năm 1944, một sự kiện rối rắm xảy ra, đó là sự gây hấn giữa lính tráng trong hai đội lính Khố Xanh và Khố Đỏ; vì tranh giành mấy cô đào trẻ Kim Sanh. Cuộc xô xác gây thương tích nhiều người đưa đến việc nhà đương cuộc Pháp yêu cầu đoàn Kim Sanh tạm nghỉ một thời gian.
Cuối năm 1944, đoàn Kim Sanh trở lại sân khấu Đồng Xuân Lâu, cho đến năm 1945 với những đột biến chính trị, gánh hát Kim Sanh ngưng hoạt động.
Sau năm 1946, Kim Sanh còn trở lại sân khấu nhưng số diễn viên nam, nữ trẻ đã rời gánh. Một số lập gia đình, giã từ sân khấu; số khác cuốn hút theo thời cuộc. Đoàn chỉ còn lại những người trên 30 tuổi. Số lượng đào kép chính phụ chỉ diễn những vở tuồng ít nhân vật.
1954, thời đại đổi khác, thế hệ trẻ lớn lên nghiên về nghệ thuật phim ảnh, thoại kịch và các chương trình tân nhạc. Từ miền nam, sân khấu Cải Lương phát triển mạnh về mọi mặt, nhất là kỹ thuật ánh sáng, âm thanh cũng như đề tài sáng tác. Các đoàn hát thi nhau ra miền trung phổ biến nghệ thuật Cải Lương Nam Kỳ.
Đoàn ca kịch Kim Sanh vẫn thỉnh thoảng diễn ở rạp Đồng Xuân Lâu và thật sự ngưng hẳn sau lần diễn cuối cùng ở rạp Hòa Bình – Đà Nẵng năm 1956.
Vang bóng một thời; ít nhiều đoàn ca kịch Kim Sanh đã để lại trong lòng khách mộ điệu những cảm tình đặc biệt. Có những thành quả như vậy là do công lao ông bà Hoàng Trọng Cảnh đã cố gắng phát triển không ngừng sân khấu Kim Sanh về mọi mặt, tìm hiểu và nắm vững thị hiếu, nhu cầu của khán giả.
Trong nghệ thuật biểu diễn, với điều kiện nhất định, phải vận dụng và kết hợp những ưu điểm của các nghệ thuật khác như nhạc kịch Opéra, hát bộ, cải lương để tạo nên nét độc đáo của ca Huế Kim Sanh. Đoán biết thị hiếu thích sống động của giới trẻ, ông Hoàng Trọng Cảnh đã cho dàn dựng những màn cảnh “động” với những trận đấu dao găm hồi hộp, những màn đấu kiếm với những diễn viên phi thân, bay cao khỏi sàn sân khấu, nhờ những giây buộc sau lưng mà phối hợp ánh sáng để mọi người không nhận ra có giây treo.             
Những màn tình cảm bi ai với âm nhạc réo rắc cũng đã làm nữ khán giả khóc sướt mướt.
Giới nhi đồng say mê Kim Sanh qua những cảnh ảo thuật, hô phong hoán vũ, đấu phép, đằng vân ngoạn mục với những phát pháo nỗ rất đúng lúc.
Các cụ già khi xem đoạn Thị Kính chết, hồn biến thành Bồ Tát, bay từ từ lên cao khỏi sàn sân khấu trong khói trầm nghi ngút mờ ảo, họ đã nghiêm trang chấp tay trước ngực như đang khấn vái.
Thời điểm sáu chục năm về trước mà nhà đạo diễn Hoàng Trọng Cảnh đã có đầu óc phong phú để thực hiện những kỹ thuật và nghệ thuật như thế, quả là điều đáng nói.
Ông Hoàng Trọng Cảnh quá vãng năm 1972 tại Phủ Nghi Quốc Công Từ, Ngự Viên, Huế.
Các kịch bản do ông Hoàng Trọng Đồng soạn ngày nay không mấy người còn nhớ, nhưng điệu ca Đoãn Xuân vẫn còn được phổ biến. Vào những năm 50, các nghệ sĩ Vân Phi, Minh Mẫn nhiều lần trình diễn điệu ca nầy trên đài phát thanh Huế và mới đây khoảng năm 1980, điệu Đoãn Xuân còn được nghe lại trên đài phá thanh Hà Nội qua tiếng ca của nghệ sĩ Hồng Lê.
Năm 1958, trong lần đến thăm phụ thân chúng tôi, giáo sư cổ nhạc Nguyễn Hữu Ba có nhờ soạn giả Kim Sanh xướng âm lại để ghi tiết tấu điệu Đoãn Xuân (3). Cũng trong dịp nầy, phụ thân chúng tôi đã trao cho giáo sư Nguyễn Hữu Ba một số kịch bản cũ còn giữ được sau nhiều năm chiến tranh ly loạn.
Nghỉ hưu từ năm 1955, ông Hoàng Trọng Đồng ở nhà vui thú trồng hoa và cây cảnh tại Vườn Ngự, đọc truyện Tàu và thỉnh thoảng xoa mạc chược với người tâan trong gia tộc. Ông thất lộc năm 1987 tại Từ Đường Nghi Quốc Công, Ngự Viên, Huế. Trên bia mộ ở chân núi Ngự Bình có khắc ghi: “Hoàng Trọng Đồng tự Kim Sanh, sinh ngày 15 tháng 7 năm Kỷ Hợi, Quá vãng ngày 15 tháng 7 năm Đinh Mão. Ngày sinh và ngày mất đều nhằm ngày lễ Vu Lan.
                                                                                                        Hoàng Thế Định
                                                                                                        Florida,10-1994 __________________________________________________________________________(1)Hoàng Trọng Cảnh, làm quan Nam Triều, chức Trước Tác, hàm chánh lục phẩm; bạn bè, bà con quen biết thường gọi ông theo chức vụ: ông “Trước” thay vì gọi tên thật.
(2)Một lần, Kim Sanh đang lưu diễn ở Hà Nội thì được điện tín Đức Từ Cung (Đoan Huy Hoàng Thái Hậu) gọi về “hát chầu”. Hằng năm, vẫn có những xuất hát chầu như vậy tại Duyệt Thị Đường trong Đại Nội, thường thường do Đức Từ Cung chủ tọa (Đức Từ Cung là chị ruột của hai ông Hoàng Trọng Đồng và Hoàng Trọng Cảnh). Do buổi hát chầu thành công, ông Hoàng Trọng Cảnh đưọc ân thưởng Long Bội Tinh và bà Băng Tâm được huy chương Kim Khánh, một vinh dự lớn cho gánh hát Kim Sanh.
(3)Năm 1998 tác gỉa bài viết nầy đã được nhìn một tập vở của một sinh viên trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế, Ban Cổ Nhạc, ghi điệu ca “Đoãn Xuân”.
http://ykhoahuehaingoai.com/ky/k_ganhcaHuekimsanh_HTDinh.html
Hoàng Thế Định

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire