Truyện ngắn Trần Như Luận
(Viết tặng Bảo Tiên, Thuận, Quốc, Hoà - Long Island, NY, tháng 7 năm 2006)
1
Với sự tỉnh táo hoàn toàn của lý
trí và một trái tim mạnh mẽ đầy quyết đoán, Jenny loại bỏ Don ra khỏi
cuộc đời một cách cương quyết tựa như vị mục sư quyết định từ bỏ một
thói hư tật xấu.
Tất cả những gì thuộc về chàng,
tất cả những gì gợi lên hình bóng chàng đều được nàng mang đi đổ tháo
hết ra sông ra biển một cách vô cùng quyết liệt. Bỏ mặc bao tiếng kêu
lúc rúc quen thuộc của bầy hải âu mỏ quặp mà mới hôm nào nàng đã cùng
chúng tung tăng trên bờ Đại Tây dương lộng gió, bỏ mặc những con sóng
bạt ngàn cứ quẫy đạp dưới chân nàng mát lạnh, bỏ mặc chuỗi âm thanh
quen thuộc cứ kin kít dưới bàn chân khi nàng giẫm lên bờ cát vàng mịn
màng ấm nóng, Jenny cứ đi là đi. Hơi đâu nàng phải thương tiếc gì nữa
một anh chàng ngổ ngáo và sống sượng như thế?
Không cần phải đặt câu hỏi và băn
khoăn gì về những câu hỏi do chính mình đặt ra, Jenny cứ đi là đi. Nàng
đi qua những ngọn đồi xanh mà thỉnh thoảng lũ nai cuồng điên còn dại
dột đâm sầm vào chiếc xe đầy bụi đỗ ở ven đường. Đôi chân nàng tê cóng
trên bãi cát buổi chiều còn vương hơi nóng. Không giấu nổi sự ấm ức,
Jenny tự nhủ: “Để rồi xem…”. Nàng cứ thế, mở cửa xe, thả mình trên ghế
nệm, nổ máy và vù ga phóng xe đi trong mênh mông trời chiều.
Ba tháng trôi qua tịch lặng. Nàng
không việc gì phải trông ngóng tin tức một người đàn ông mà đối với
nàng hắn ta đã chết. Những con suối ven đường còn róc rách chảy. Những
khóm hoa tulíp rực rỡ vẫn khoe sắc đâu đó trong những khu vườn trầm
mặc. Buổi chiều vẫn hừng hực hơi nóng gay gắt còn sót lại của những
buổi trưa oi bức. Bầu trời Long Island trong như pha lê. Chiều chiều
phải đợi đến bảy giờ ánh mặt trời mới dịu lại, nền trời ngả màu lam.
Mãi chín giờ, những tia nắng cuối cùng chậm rãi cúi đầu chào, màn đêm
muộn màng buông xuống, trời chuyển sang màu xám rồi đen dần. Lát đát
vài cánh hoa vàng lướt qua tầm mắt dưới ánh điện buồn. Jenny rú xe chầm
chậm bên đường, lòng rỗng không, vô cảm.
Don tình cờ lục lọi đống sách cũ,
tìm thấy một xấp mail mà ngày nào chàng đã tẩn mẩn in ra từ chiếc máy
vi tính xách tay. Những câu nói đầy tình tứ của Jenny trong quá khứ dội
về chợt làm máu nóng trong chàng chực trào lên. Chàng lại gần ngọn
nến, bàn tay run run đặt hết mấy tờ mail trên ngọn lửa. Hơi nóng toát
ra. Chút cay nồng của làn khói khét rẹt khiến chàng nhíu mày khó chịu.
Đã chín giờ ba mươi. Hình ảnh đủ thứ vật dụng xung quanh và tiếng sủa
của con Charlie làm chàng đâm ra chán ngán ngôi nhà với mấy căn buồng
chật hẹp. Sau tiếng nổ nhẹ mà chàng cảm nhận nhờ tiếng xe rù rù dưới
nệm, chiếc xe Ford của chàng lao đi trong bóng đêm buồn tênh.
Nartnaul Pablo Suelle là chúa tể
của những chân ngôn bất hủ mà ngay cả hội đồng đề cử giải thưởng
Pulitzer và hàng trăm nhà văn lớn trên thế giới cũng đều phải trầm trồ
trong suốt ba thập kỷ. Bốn mươi cuốn tiểu thuyết lừng danh của ông có
sức hấp dẫn mạnh mẽ đến nỗi chỉ trong vòng mươi năm nó đã được dịch ra
mười một thứ tiếng và bán đắt như tôm tươi trên khắp hành tinh. Mỗi
câu, mỗi chữ dù chỉ là lời thoại giản đơn của một nhân vật trong tiểu
thuyết đều chứa đựng một cái gì đó tựa như là chân lý của loài người
trong kỷ nguyên đương đại. Tất cả nhân vật được ông khai sinh đều cơ hồ
như là người thật. Chúng bàng bạc trong trí tưởng và được tung vào đời
thật, hệt như người ta sản xuất hình nhân cho các phim hoạt hình, rồi
đắp đầy lên đó đủ da đủ thịt, thổi vào chúng cả tâm hồn và tình cảm,
trí thông minh và cả linh hồn.
Kevin là một con người từ tiểu
thuyết bước ra. Nàng chua chát nhận ra loài người ở thế kỷ 21 với thân
phận mong manh trước bao thiên tai và hiểm họa ngày càng khốc liệt.
Thiên tai ập đến hung tàn như một con quái vật khổng lồ, vô biên giới.
Thiên tai chẳng phải dành cho riêng một xứ sở nào. Kevin buồn bã, cô
đơn và bất an khi đi dọc những con phố đầy bóng râm bên mé dưới những
tòa nhà chọc trời ở khu trung tâm New York. Nàng bỗng gào lên khi nghĩ
ra rằng tại sao, phải, tại sao từ thuở hoang sơ cho mãi đến ngày nay,
xung đột và chiến tranh dội xuống đầu hàng chục vạn sinh linh cứ hẳn
nhiên là do quyết định của một nhúm người? Tại sao bom đạn đổ lên đầu
những túp lều xơ xác ở các xứ nghèo lại cứ hẳn nhiên là do mệnh lệnh
truyền đi từ những tòa dinh thự cao chất ngất? Tại sao những chàng trai
yêu đời và đầy sức sống ở Los Angeles hay Long Island lại phải chết yểu
tại Afghanistan hoặc Iraq?
Don hờ hững đánh tay lái cho xe
tấp vào một góc đường. Chàng để đèn, bước xuống xe, cố tìm một chút
bình yên từ quang cảnh bao la của cánh đồng bạt ngàn. Muôn cánh sao từ
trời cao hun hút và bao luồng gió mát rượi từ phía ngọn hải đăng Fire
Island thổi lên lồng lộng không đủ mang lại sự bình an trong tâm hồn
chàng. Nartnaul Pablo Suelle nói đúng, khi một ai quay lưng với dòng
đời, xem cuộc đời chỉ như một trò giả dối, thì ngay cả biển khơi cũng
không đủ khỏa lấp nỗi chán chường. Tình yêu chả là gì cả một khi tự bản
thân nó không phải là cây thông đứng thẳng giữa phong ba bão táp mà
chỉ là một cành lá liêu xiêu yếu mềm trước bao thử thách. Tình yêu nẩy
mầm và phát triển tựa như một thân cây giữa vô vàn gió cả. Tuổi của
tình yêu hoàn toàn phụ thuộc vào đám rễ lằng nhằng bám vào những cuộc
sinh nhai. Làm gì có những cuộc tình miên viễn giữa một đời sống đầy bão
táp ở thời đại nhiễu nhương này. Với tư cách một nhà văn lớn, Nartnaul
Pablo Suelle đã từng cho nhân vật của mình nói lên những điều như thế.
Tình yêu chỉ là một sự ngộ nhận kéo dài vì tuổi đích thực của tình yêu
chẳng khác chi đời sống của một loài hoa đầy hương sắc trong khu vườn
lồng lộng cuồng phong.
Don giẫm gót giày lên thềm đá, ngồi
xuống trong bóng đêm, lòng trĩu nặng bao nỗi chán chường. Mùi hương
ngai ngái của đám cỏ non làm chàng chợt nhớ tới những giây phút ngây
ngất trong vòng tay Jenny. Một lý trí hùng dũng thức dậy mạnh mẽ trong
trái tim đầy băng giá. Jenny chả là cái quái gì. Tất cả chỉ là một trò
lừa gạt, nhưng chỉ đáng là một trò lừa gạt cỏn con! Tại sao nàng có thể
cùng gã đàn ông kia hú hí vào khách sạn trong lúc Don vẫn ngóng trông
điện thoại của nàng từng giây từng phút? Sự lạc lõng, bơ vơ và cảm giác
bị coi thường khiến chàng quyết tâm chấm dứt tình yêu thật lẹ làng.
Jenny là bóng ma đầy tội lỗi. Jenny là nỗi muộn phiền. Don đứng dậy, gạt
phăng mọi suy tư ra khỏi đầu, mở cửa xe, chẳng thiết cài dây an toàn,
phóng xe đi giữa bao la trời đêm.
2
Jenny sống thiên về lý trí và có
một cá tính mạnh mẽ. Nàng tiếp tục dành hết thời gian cho những buổi
tập luyện suốt ba tiếng đồng hồ. Với thành tích vượt bậc, nàng đang lọt
dần vào vòng trong của cuộc thi thố đầy cam go và hào hứng. Tối qua
tại sân M3 ở New York, nàng loại Ling Quary trong tiếng reo hò của hàng
ngàn khán giả. Trước bao khát khao của hàng chục tay vợt tài danh,
chiếc cúp bạc đầy danh giá của giải ATP Masters nằm gọn trong tay nàng.
Jenny đứng hẳn trên đài vinh quang, lòng ngập tràn ánh sáng và hạnh
phúc. Mary, Sunken và John nhào tới ôm lấy nàng trong nghẹn ngào, xúc
động. Don là một bóng mờ. Gã đàn ông thô bỉ đó chỉ là một bóng mờ không
hơn không kém. Mary và Suken vẫy tay chào. John nhanh nhẹn hôn nhẹ lên
trán nàng lúc chia tay ở trước cổng ngôi biệt thự. Vồng ngực lực lưỡng
với vài nhúm lông tơ vàng của anh khiến nàng cảm thấy ngượng ngùng.
Don không có mặt ở bất cứ đâu. Gã ngu ngốc ấy coi như đã chết. Jenny
đẩy cổng bước vào nhà. Những đóa hoa trắng ngây thơ rũ xuống bên lối đi
lát sỏi. Sau niềm vui lớn lao sẽ là điều gì đây?
Don thừa biết thời điểm này Jenny
đang ráo riết tranh giải và ít ra nàng đã đoạt một vài chiếc cúp ở bang
New York. Nhưng mặc kệ, không hơi đâu chàng phải đếm xỉa tới một cô
nàng đầy kiêu hãnh và tự cao tự đại như thế. Don thản nhiên bước vào
quán café bên đường. Một vài phụ nữ ghé mắt nhìn chàng. Don chợt khó
chịu vì dường như họ đang muốn nhìn tận tâm can chàng. Jenny giống như
một chiếc bóng lảng vảng đâu đó trong trí chàng, trên thềm cỏ, trên
những bức rèm vải thưa, trên nền trời trong, trên sân quần vợt. Có khi
nàng hiện ra trong dáng dấp của một tay vợt luôn hồi nhún nhảy khi chuẩn
bị giao bóng với một điệu bộ thật yêu kiều. Có khi nàng nhoẻn miệng
cười đâu đó trong góc phòng, đôi bàn chân khoe màu da trắng muốt trên
tấm thảm xanh rêu, đôi môi hồng tươi ngọt ngào êm dịu như một đóa hồng
nhung còn đẫm hơi sương. Don chậm rãi đưa ly bia lên nhắp môi, bỗng môi
chàng mấp máy nhớ tới những giờ khắc chạm vào môi Jenny thơm lừng
lựng. Đôi mắt Jenny nhắm nghiền hoang dại. Don đứng dậy, trả tiền, rồi
rảo bước ra hành lang, tìm sự bình yên trên đám cỏ xanh và bầu trời
thăm thẳm. Ba ngày nữa chàng rời Long Island. Một chiếc máy bay nào đó
của hãng Blue Bird sẽ đưa chàng sang châu Âu. Chuyến đi thực hành sau
đại học dài ngày ở một trung tâm bệnh viện xa xôi ấy ắt sẽ đem lại cho
chàng nhiều niềm vui.
3
Jenny quả thật chỉ là một chiếc
bóng nhạt nhòa trong quá khứ. Suốt chín tháng trời Don không mảy may
nghĩ tới nàng. Chàng thân mật khoác vai các đồng nghiệp trẻ Tây Ban
Nha, trước mắt và trong tim chàng là hình bóng những cô cậu bác sĩ trẻ
chăm chỉ và thông minh. Hơn ba mươi tuổi rồi, vậy mà chàng vẫn hồn
nhiên hòa đồng với các bạn trẻ hăm mốt, hăm hai, mặt mày hớn hở. Những
buổi chiều cùng họ tản bộ trong khuôn viên bệnh viện, những buổi tối
dắt dìu nhau đi vào dạ hội sôi nổi với vũ điệu flamenco, những buổi
bình minh cùng ngắm ánh mặt trời đỏ ối chiếu rực rỡ trên quảng trường
Oriente thoáng đãng, tất cả những điều đó đã tạo cho chàng một quảng đời
đầy lý thú mà bóng dáng Jenny họa chăng chỉ là một vệt xám mờ nhòe ở
cuối chân trời.
Những đồng nghiệp ở Madrid nhận ra
ở chàng một sức làm việc phi thường. Sáng ra, sau giờ điểm tâm qua loa
tại tầng năm khu nhà cao tầng thủ đô Tây Ban Nha, chàng đến xem bệnh,
dự giao ban, tiến hành hội chẩn khoa và lên giảng đường tại trung tâm
đào tạo viện trường. Buổi chiều chàng có ba tiếng đồng hồ để đọc sách
và nghiên cứu ở thư viện, soạn bài giảng cho ngày hôm sau và khám lại
bệnh nhân nặng. Tại sân quần vợt, dưới ánh điện sáng trưng, chàng luôn
bắt gặp những khuôn mặt sáng láng và ngời ngời hạnh phúc của các bạn trẻ
thủ đô. Hòa trong nhịp sống sôi nổi của họ, Don cảm thấy như mọi tế
bào trong cơ thể và mọi ngõ ngách tâm hồn của mình đều được làm mới lên
trở lại. Cầm tay các cô cậu học trò thong dong đi giữa lòng thành phố
Madrid, chân bước qua những con phố chập chùng lúc cao lúc thấp, mắt
mải mê ngắm nhìn những tòa nhà tráng lệ, khi thì bảo tàng Prado, khi
thì trung tâm mỹ thuật Reina Sofia, nhiều khi chàng say sưa quên cả gốc
gác, chẳng còn biết mình là ai.
Sáu giờ sáng, chàng chuẩn bị ra
sân bay để quay về New York hoàn tất chuyến thực hành sau đại học thì
Helene đến. Cô sinh viên mỹ miều gõ cửa phòng rất khẽ, mùi dầu gội đầu
thơm ngầy ngậy làm Don choáng ngợp ngay phút đầu. Helene đi đôi hài
vải, đôi chân sáo xoắn tít vào người Don. Chàng nghe từ đôi môi mọng đỏ
một âm thanh dịu dàng:
Thầy thật điển trai! Em yêu thầy lắm thầy biết không!
Người Don như bay bổng. Chàng
chưa kịp lùi lại thì thân hình thon thả và ngát hương của cô sinh viên
đã nằm gọn trong lòng chàng. Helene run rẩy ôm lấy chàng với sự say đắm
của một thiếu nữ khao khát yêu đương. Từ vạt tóc vàng óng ả của Helene
đột nhiên trong trí Don hiện ra hình ảnh càng lúc càng rõ nét của
Jenny. Phải, một Jenny lồ lộ hiện ra từ một quá khứ nào xa tít tắp. Don
cố đi về phía chiếc bàn con, tay lần tìm thành ghế, chàng nhíu mày,
một cảm giác hụt hẫng len vào tâm trí chàng.
- Thầy sắp về rồi mà em. Hãy coi tất cả là kỷ niệm đẹp, đừng bận tâm Helene à.
Rồi chàng xách hành lý, tiến ra cửa. Helene tựa cửa nhìn theo, đôi mắt đỏ hoe.
4
Jenny muốn la toáng lên khi phát
hiện ngày càng rõ rằng mình không thể nào quên được thằng cha Don cộc
cằn đáng ghê tởm ấy. Ngay phút giây xoay người đánh tung quả bóng thần
tốc và ngoạn mục lướt trên bờ lưới về phía đối phương, phải, đúng ngay
phút giây thần kỳ, thanh thoát, đầy tài năng ấy, không cứ gì bóng dáng
của gã đàn ông ngạo nghễ ấy lại hiện về? Đã hơn ba lần Jenny muốn quăng
bỏ hết tất cả mọi thứ để chạy biến vào không gian bao la, gào lên như
điên như dại để phá bỏ hình ảnh sâu xa cay độc cứ hiện về đầy mê muội
trong đầu. Nàng đi như không đi, đứng như không đứng, cười như thể
không cười. Với cánh tay khoát lên không gian mênh mông như xua đuổi
loài tinh ma quỷ quyệt, nàng quyết từ bỏ Don lần nữa.
Hai cuốn tiểu thuyết của tác giả
Nartnaul Pablo Suelle gây ấn tượng đậm nhất trong suy nghĩ của nàng là Rừng thiêng và Suối chảy trong lòng Kevin.
Thật ra từ thuở thiếu thời nàng chẳng khoái gì cái trò nhâm nhi bao
đống chữ nghĩa lằng nhằng. Vậy mà Don đến, gã ném vào người nàng những
tràng cười khinh khỉnh như thể trên đời này nếu không đọc các tác phẩm
của Nartnaul thì ắt hẳn mình chỉ là kẻ sống thừa. Nartnaul rót vào tai
người đọc những câu thần chú để sử dụng lúc nguy nan. Nartnaul trả lại
thế giới hiện thực vào đúng vị trí của nó trong lòng con người.
Nartnaul cóc cần tán dương tình yêu như bao nhà văn tên tuổi khác đã
làm. Jenny bị cuốn hút vào những câu, từ đẹp như gấm như hoa, những lời
trần tình dịu dàng, êm ái như nhung, những câu chất vấn đanh thép như
bọc sắt. Tình yêu đôi khi bị thổi phồng lên quá mức, Nartnaul là người
kéo nó về lại với giá trị thực mà nó vốn có. Hơn ba lần, Kevin dõng dạc
nói tình yêu đôi khi chỉ là cái lối mòn do chính mình tự đặt ra và
ràng buộc lấy mình, làm gì có tình yêu vĩnh cửu, kẻ nào tin vào tình
yêu vĩnh cửu là tự chuốc họa vào thân. Jenny đã đọc và đã tin chắc như
thế. Nàng quyết tống khứ Don ra khỏi cuộc đời sau những cuộc cãi cọ với
Don vì nàng nghĩ hắn không còn yêu thương gì nàng nữa.
Jenny đã đi khắp bốn phương. Nàng
chinh phục hàng ngàn khán giả khó tính bằng những cú giao bóng đẹp mắt
và những pha tung người tạt bóng vô cùng thiện nghệ. Nàng có những
chiêu đưa bóng hiểm hóc khiến nhiều đối thủ dù tinh xảo đến đâu cũng
đành phải bó tay. Nhưng xem chừng nàng không thể quên được Don. Bốn năm
trời trôi qua kể từ khi không gặp mặt, hình bóng Don vẫn in đậm trong
trí nàng. Những người đàn ông đến sau Don, kể cả John, không gây được
một ấn tượng gì đối với Jenny. Nàng nhận ra rằng tất cả những gì họ đem
lại chỉ là những dấu ấn nhạt nhòa, những câu xã giao hời hợt, những
kiểu cách chiếu lệ, những trò mồm mép đãi bôi, những nụ cười gượng gạo.
Jenny rầu rĩ nhìn cuộc đời trôi qua mà không biết rồi đây mọi chuyện sẽ
ra sao.
Don rời New York, chàng tình
nguyện cùng hai đồng nghiệp Tây Ban Nha đến nhận việc ở một bệnh viện
tại châu Phi. Những năm tháng tại đây lòng chàng vẫn không yên vì bóng
hình Jenny vẫn luôn hiện ra trong giấc mơ. Chàng bắt đầu tự biện bạch
rằng dường như mình đã sai khi tranh cãi dữ dội với Jenny dạo nào. Giá
mà mình đừng quá nông nổi, giá mà mình biết nhường nhịn và chịu khó
kiên nhẫn nghe nàng giải bày…
Thấm thoát gần mười năm trôi qua.
Một hôm đang ở khu A bệnh viện để khám cho một số khách nước ngoài,
chàng bỗng bực mình khó chịu vì không hiểu sao tại phòng tiếp đón người
ta nhốn nha nhốn nháo lên ồn ã. Cô y tá tỏ ra gay gắt vì một ông già
người Mỹ chưa tới phiên mình nhưng cứ nằng nặc đòi vào. Ông ta trông
dáng dấp cứ vội vội vàng vàng không chịu ngồi yên. Don không thể làm
khác được, đành miễn cưỡng mời ông cụ vào. Sau khi khám và kê đơn xong
xuôi, chàng tò mò hỏi lý do nhưng ông lão cứ ấp a ấp úng không chịu
nói. Cuối cùng, sau một hồi nghe hỏi đi hỏi lại, ông đành trả lời thật
thà rằng ông bận một việc quan trọng không thể chờ lâu thêm được nữa.
Ông từ tốn nói:
- Không giấu gì bác sĩ, tôi chỉ muốn về nhanh thật nhanh để nhà tôi khỏi phải chờ lâu.
- Thế… hai bác có việc gì quan trọng sao?
- Bà ấy có làm gì đâu. Nhưng tôi phải về gấp vì đã đến giờ cho vợ tôi ăn, bác sĩ ạ.
- Cho bà cụ ăn? Bà ấy sao vậy bác?
- Nhà tôi hôn mê bất tỉnh suốt hai
năm bốn tháng mười ngày. Tôi đã chạy chữa hết cách mà không thể làm
cho bà ấy tỉnh lại được.
- Thật là đáng thương cho bác ấy.
- Nhà tôi hồi trẻ là một tay chơi quần vợt có tiếng. Vậy mà giờ đây…
Vừa nói ông lão vừa rơm rớm nước
mắt bước ra khỏi phòng, đôi môi và hai bàn tay run cầm cập. Don xúc
động đến lạnh người, tình yêu của họ thật đáng trân trọng biết bao,
chàng bồi hồi nhớ tới Jenny vào những tháng năm nào. Chàng không thể tự
dối lòng lâu hơn được nữa. Ngay sáng hôm sau, Don xin nghỉ phép nửa
tháng để quay về Long Island với hy vọng tìm gặp được nàng.
5
Suốt hàng chục năm trời chia cách,
Don không thể đoán biết giờ đây nàng ra sao. Nếu gặp lại, liệu chàng
có thể nói được những gì. Jenny đã có chồng chưa, nàng giờ đây đang làm
gì, liệu nàng có còn nhớ mong gì chàng không, tất cả những điều đó cứ
xoay tít trong đầu chàng. Rời sân bay Long Island, Don tìm ngay đến nhà
nàng. Don vô cùng bàng hoàng khi người chủ mới của ngôi nhà kể lại
rằng nàng đã chết mười ngày sau một tai nạn xe hơi năm ngoái. Don đứng
lặng như trời trồng giữa bầu không khí ảm đạm của buổi chiều buồn.
Chàng ngậm ngùi nhớ tới những rung động đầu đời mà chàng đã dành cho
người con gái xinh đẹp trong trí tưởng. Nartnaul không hẳn đúng. Những
câu mà Nartnaul trao cho Kevin nói trong tiểu thuyết vô hình chung đã
làm sai lạc sự thật. Tình yêu có thể rất nhiệm mầu. Tình yêu có khi là
bất tử. Người chủ mới của khu vườn quanh năm hoa nở trắng muốt ấy xúc
động trao cho Don lá thư cuối cùng của Jenny. Té ra nàng thương nhớ
chàng đến nỗi không sao giấu hết tâm sự của riêng mình. Nàng viết: “Don
ơi, sao anh mãi băn khoăn về tuổi của tình yêu để rồi hiểu lầm rằng em
không còn yêu anh nữa? Jenny của anh không phải là Kevin của Nartnaul.
Tình yêu thật ra không có tuổi. Chúng mình chỉ có hai năm ba tháng bên
nhau nhưng đối với em đó là cả một kiếp người. Em yêu anh mãi mãi Don
ơi! ”.
TNL
http://ykhoahuehaingoai.com/truyen/tr_TuoiCuaTinhYeu_TranNhuLuan.html
|
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire