caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mercredi 11 septembre 2013

TẢN MẠN VỀ CUNG TRẦM TƯỞNG VĂN NGUYÊN DƯỠNG (KỲ 3/4)





Kính gửi quý anh chị bài Tản Mạn về Cung Trầm Tưởng của Văn Nguyên Dưỡng kỳ 3/4.

Caroline Thanh Hương

 photo 128.jpg
Đọc lại những bài trước đây đã post




với những vần thơ Cung Trầm Tưởng phổ nhạc

( Mùa Thu Paris /Mùa Thu Không Trở Lại /Tiễn Em /Kiếp Sau )

                                                                            
                                                                            
RedRose


LTS: Cuối năm, Toà soạn xin gởi đến quý độc giả một bài viết về Văn Học, Học Thuật, tác giả là Huynh Trưởng của chúng tôi, năm nay đã trên 80 tuổi, nhưng Ông vẫn còn tráng kiện và muốn đóng góp một chút gì“ cho nền Văn Học tại Hải Ngoại
Bài viết được chia làm bốn (4) kỳ. Xin mời quý độc giả thưởng lãm và theo dõi.

                     
TẢN MẠN VỀ CUNG TRẦM TƯỞNG
NHÀ THƠ LỚN CỦA NHÂN LOẠI
QUA “MỘT HÀNH TRÌNH THƠ” VÀ VĂN HỌC VIỆTNAM
                                                                                                                                              VĂN NGUYÊN DƯỠNG

(KỲ 3/4)

... Vị trí của Cung Trầm Tưởng trong thi ca nhân loại lớn như Lý Bạch, Tagore và al-Ma’arri. Xin lặp lại, ghi nhận trên là riêng của chúng tôi. Nếu xếp theo thứ tự thời gian thì chúng ta sẽ thấy như sau: Lý Bạch (701-763), Abu’l Ala al-Ma’arri (973-1058) Rabindranate Tagore (1861-1941) và Cung Trầm Tưởng (1932-    ).


Nếu nói về thân phận con người trong sự vận chuyển của lịch sử và môi trường sống thì chúng ta nhận thấy cả bốn nhà thơ nầy gần có hoàn cảnh khá giống nhau: Lý Bạch sống dưới triều đại Đường Minh Hoàng ̣(712-756). Từ năm 25 tuổi mang kiếm đi hành hiệp, ngao du sơn thuỷ. Hai thập niên sau diễn ra hai cuộc chiến lớn. Thứ nhất, người Uighurs tấn công và chiếm bắc Mông Cổ và lập nước riêng (năm 745). Thứ hai, người Ả-rập liên minh với dân Tây Tạng đánh chiếm từ vùng Palmirs và vùng núi Thiên San (747-751) tây và tây bắc Trường An và kết hợp với người Uighurs luôn luôn tấn công nhà Đường. Sau cùng là loạn An Lộc Sơn. Chiến tranh và ly loạn ảnh hưởng lớn đến thi ca của ông ở buổi đầu. Lý Bạch trước đó từng làm quan được cả Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi trọng vọng. Sau cuộc nội loạn, vì ông theo cánh của Hoàng tử Lý Lân chống lại Thái tử Lý Thành --hai người con Đường Minh Hoàng-- nên bị tù đày, sau đó khi ra khỏi nhà tù ông từ bỏ kinh thành phiêu bạt giang hồ lần nữa và làm những bài thơ kiệt xuất trong đó có bài “Hiệp Khách Hành” [sau nầy nhà văn Kim Dung, thế kỷ XX, lấy quãng đời hành hiệp và bài thơ này của Lý Bạch mà viết nên chuyện “Hiệp Khách Hành”]. Thơ của Lý Bạch với tư tưởng vô cùng phiêu hốt, phóng khoáng, được dịch ra hàng chục ngôn ngữ trên thế giới; người đồng thời tặng ông mỹ danh “Thi Tiên”. Đặc biệt ở Việt Nam, khi một ông đốc phủ sứ hồi hưu lập nên Đạo Cao Đài ở Tây Ninh trước năm 1945 đã tôn lập Lý Bạch làm vị Đệ Nhất Giáo Tông của tông giáo này.(8)

 Về Abu’l Ala al-Ma’arri chúng tôi đã trình bày ở phần trên. Chỉ thêm rằng nhà thơ mù nầy cũng từng sống trong chiến tranh mà chính ông đã không thể dấn thân vì đôi mắt mù của mình. Nhưng là một nhà thông thái ông biết rằng Baghdad bị Tướng Tughril Beg của Triều đại Sejuk Thổ Nhi Kỳ tấn công, chiếm và chấm dứt triều đại của các caliphs Buyid of Baghdad (Buyid Dynasty) sau mười năm chiến tranh ở giữa thế kỷ XI (1043-1055). Chiến tranh sau đó kéo dài vào Syria và Aleppo --thành phố vùng  đất đai quê hương của ông-- trong nhiều thập niên nữa (1055-1092) sau khi ông mất (1058). Các nhà phê bình Âu Châu sau nầy cho rằng lúc đó Al-Ma’arri đã sử dụng thứ thi ngôn độc đáo mà các thi nhân Ả-rập đồng thời chưa bao giờ dùng đến trong sáng tác thi ca. Những tập thơ lớn của ông là Lozum ma la Yalzam [“The Necessity of what is Unnecessary”] và Sikt al-Zand [“The Falling of Spark of Tinder”].(9)

Về Rabindranate Tagore, người xứ Bengal mà thành phố lớn nhất là Calcutta vùng đất biển đông nam Ấn Độ cuối dòng sông Ganges bị Hoàng triều Anh cắt ra lập thành xứ thuộc địa riêng tách ra khỏi thuộc địa Ấn Độ. Ông thuộc tộc họ nổi tiếng và thân phụ ông sáng lập một tôn giáo ở Bengal trong thế kỷ XIX. Được đưa sang Anh học không tốt nghiệp đại học. Được Hoàng gia Anh phong tước “hiệp sĩ” –knight-- khi ông đã trở về Bengal. Tuy nhiên sau đó nhìn rõ bộ mặt thật của thực dân, Tagore từ bỏ tước hiệu và tham gia vào phong trào quốc gia đấu tranh đòi độc lập và viết văn, làm thơ –thơ là chính. Dĩ nhiên ông cũng đã nhìn thấy một thế giới nhiễu nhương trong và sau Chiến Tranh Thế Giới thứ I [1914-1918]. Ông là bạn thân của Morandas Raramchand Gandhi (1869-1948) –“Thánh Gandhi”, triết gia và chính trị gia bất bạo động nổi tiếng khi đấu tranh đòi độc lập cho Ấ́n-Độ. Tagore là nhà thơ lớn thế giới được giải Nobel Văn chương năm 1913. Ông là viện sinh động học của Bengal và Ấn Độ.(10)

 Những ghi nhận trên cho thấy những nhà thơ lớn nhất của nhân loại này từng là nạn nhân hay chứng nhân của chiến tranh và nhìn rõ sự vận chuyển của lịch sử từng làm thay đổi bộ mặt của xã hội ảnh hưởng lớn lao đến kiếp sống của nhân loại. Cung Trầm Tưởng của chúng ta nào khác gì, hơn nữa còn là nạn nhân của cơn bệnh cuồng tính cộng sản muốn tận diệt nhân tài nhưng Cung đã chẳng những chứng tỏ ý chí và quyết tâm vượt qua mà còn từ cõi chết mang về cho chúng ta những trang thơ kiệt tác ngang tầm thế giới --không tìm thấy trong văn học sử Việt Nam từ trước đến nay.

 Trong khi Lý Bạch phiêu hốt như một thi tiên và Rabindranate Tagore hội tụ tất cả vẻ đẹp của tình yêu và vũ trụ trong thơ, cũng chỉ thể hiện được trong thi ca từ ba đến bốn thi pháp nói trên mà thôi. Rất tiếc, thi ngữ của al-Ma’arri chúng tôi không biết, không đọc được chữ viết của Khối Ả-rập –mà chỉ đọc những bản thơ dịch Anh ngữ-- nên không thể so sánh. Chỉ so về mặt tư tưởng và tài hoa chúng tôi nhận thấy Cung Trầm Tưởng chẳng những là một Lý Bạch, một Tagore mà còn là một al-Ma’arri --nếu nói khác hơn thì có thể nói là những nhà tư tưởng lớn gặp nhau-- [như câu ngạn ngữ Pháp từng nói “les grands esprits se rencontrent.”] Cung Trầm Tưởng là tình yêu, là sự đau buốt tận cùng của kiếp sống con người, và vượt lên cao hơn nữa là sự phục sinh mà al-Ma’arri cũng từng nói trong thi ca. Cung còn vượt hơn một mức nữa là nói một cách vô cùng thanh thoát về sự hoá sinh hay phục sinh, nghĩa là muốn lập cho mình một thứ thế giới riêng nối cõi thực và cõi mộng, nếu chúng tôi không muốn nói ông là một thi-triết-nhân muốn dựng một thiên đường mới nếu không cho tha nhân thì ít nhất cũng cho tự thân được sống trong thanh thản, vô luỵ, vô nhiễm, hoá thân theo ý muốn của tư tưởng, thành muôn vật muôn loài. Và đó là điều chưa một thi nhân nào vói tới. Cao, lớn, uy nghi hơn bóng dáng của mọi thi nhân, không riêng thi nhân Việt Nam trong mọi thời đại mà còn cao hơn các thi nhân Âu, Á, Mỹ, Phi của mọi thời đại.

  Nói như thế không phải chúng tôi phủ nhận bất cứ nhà thơ Việt Nam nào nhưng là một sự phân tích dựa trên thực trạng thi ca Việt Nam với hi vọng là các nhà phê bình văn học sẽ đặt lại vị trí của mỗi thi nhân lớn và tác phẩm của các vị nầy vào đúng vị trí trong văn học Việt Nam. Riêng cá nhân chúng tôi nếu có quan điểm riêng thì tôi cho rằng tác phẩm cổ văn hùng lược và nhân hậu nhất về tư tưởng Việt Nam là “Bình Ngô Đại Cáo” của Cụ Nguyễn Trãi, các tác phẩm thi ca lớn nhất về nôm là Cung Oán Ngâm Khúc của cụ Nguyễn Gia Thiều, tác phẩm dịch Hán sang nôm là Chinh Phụ Ngâm Khúc của bà Đoàn thị Điểm. Những nhà thơ lớn như Cao Bá Quát, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu xứng danh là những nhà thơ lớn. Không ai phủ nhận Nguyễn Du là một thi hào không lớn, không ai phủ nhận lục bát trong “Kiều” là không bóng bẩy, khúc chiết vừa bác học vừa bình dân --và chỉ hay ở phần nầy-- còn nền
tảng triết lý của tác phẩm là “buông xuôi cho định mệnh” --dù là thứ định mệnh éo le đầy thương cảm-- không có gì hơn. Chính vì những câu thơ súc tích này mà ngày cũ ông Phạm Quỳnh nói rằng “Truyện Kiều còn tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn.” Ai cũng tin như vậy, nhưng thử hỏi trong hơn một nghìn năm nô lệ nghĩa là một nghìn năm trước Nguyễn Du, chưa có truyện thơ “Kiều”, người Việt đã mất nước hay chưa? Rõ ràng người Việt không bị đồng hoá, không mất nước. Nói như ông Phạm Quỳnh vô tình đã phủ nhận lịch sử. Trong suốt chiều dài một nghìn năm trước Nguyễn Du Việt Nam có không biết bao nhiêu là thiên tài văn học, sử học, bác lãm về chính trị và quân sự, hay uyên thâm về xã hội và phong tục tập quán với những tấm gương anh hùng, liệt nữ không thiếu những cảnh éo le ngang trái --cũng viết bằng tiếng nôm-- ai biết mà khen cho với một lời phê xứng đáng hơn lời phê phán của ông Phạm Quỳnh về “chữ” mà thi hào Nguyễn Du dùng trong Kiều! Cũng cần nói thêm: “Một ngày nào người yêu văn chương biết phủ nhận quan điểm cho rằng truyện “Kiều” của thi hào Nguyễn Du là “đệ nhất thư”, là có giá trị tuyệt vời “trước không có sau không có”, thì ngày ấy nền văn học Việt Nam mới ngang tầm thế giới, nước Việt mới tân tiến.” Giữ “Kiều” như viên đá quí của dĩ vãng văn học Việt Nam chấp nhận được, nhưng xem ‘Kiểu” như viên ngọc toàn bích lấy làm gương mẫu cho nền thi ca Việt Nam và cho thế hệ thi nhân hiện tại và tương lai noi theo thì không. Cũng xin nhắc lại tiếng Việt ngày xưa đủ sức mạnh giữ nước, tiếng Việt ngày nay đang chứng tỏ có khả năng dung chứa tất cả mọi tri thức ngữ học –cả mỹ học lẫn kỹ học-- về mọi phạm trù văn học, nghệ thuật, chính trị, kinh tế, y học, toán học, các khoa học và kỹ thuật hiện đại. Không phải đợi đến ba trăm năm, chỉ trên dưới một trăm năm sau đã có không biết bao nhiều người khóc người khen Nguyễn Du. Tôi là một trong những người đó vừa khen vừa muốn khóc,“rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!” Nếu tiếp tục ca tụng thi hào Nguyễn Du và viết nhại đi nhại lại mãi tác phầm “Kiều”, hay “Đoạn Trường Tân Thanh”, là còn trì kéo nền văn học Việt Nam dừng lại ở mức đó, dù đó là một đỉnh cao. Xin nên nhớ một điều là dù chúng ta đã lên được nhiều đỉnh cao của những ngọn núi cao và các đỉnh cao của dãy Hoàng Liên Sơn --cao nhất Việt Nam-- đi nữa thì thế giới cũng đã lên đến những đỉnh cao và đỉnh cao nhất của dãy Hi-Mã-Lạp-Sơn từ lâu rồi. Cũng nên từ bỏ câu ngạn ngữ “đừng đứng núi này trông núi nọ”. Phải biết bỏ, hay quên đi, để mà tiến sang các đỉnh núi cao khác. Trong văn học, chúng ta cần có tầm nhìn cao và xa hơn.

 Nhân tiện cũng cần nhắc mà nhớ, trong việc phê bình văn học từ trước đến nay không ai không biết tác phẩm phê bình thi ca của Hoài Thanh và Hoài Chân là quyển “Thi Nhân Việt Nam” sau này tu chỉnh thêm nên còn gọi là “Hoài Thanh Toàn Tập”. Quyển sau là một bộ sách phê bình thi ca đồ sộ. Không ít người cầm bút ghi nhận ông Hoài Thanh Nguyễn Đức Nguyên và người em ruột Hoài Chân Nguyễn Đức Phiên --mà người viết chính là Hoài Thanh, một cán bộ văn học giữ vị thế lớn của CSVN trước khi chết-- là những nhà phê bình thi ca có tiếng. Khách quan mà nói tuy Hoài Thanh học chưa hết trung học nhưng ông có khiếu thưởng thức thi ca và chịu khó sưu tậ̣p được rất nhiều thơ và thông tin [information] của các nhà thơ nổi tiếng trước và sau năm 1945 rồi viết giới thiệu tiểu sử và thi phẩm của các nhà thơ đó trong tác phẩm nói trên, đánh đúng vào thị hiếu của độc giả yêu thơ, nên hai anh em ông được ca ngợi là những nhà phê bình thi ca đầu tiên của nền văn học Việt Nam, nói chung. Thực ra ở vào thời điểm đó mà tìm được khối thông tin lớn lao về các nhà thơ --nhất là các nhà thơ mới, tân học-- là rất đáng khen vì đó là việc làm không nhanh chóng và dễ dàng như trong thời đại tin học điện tử của chúng ta ngày nay. Tác phẩm của hai ông về sau được tu chỉnh và thêm rất nhiều người làm thơ khác nữa, trong đó có hàng vài tá các “nhà thơ” cộng sản rất tầm thường, nên khi đã trở thành cán bộ văn học cao cấp của CSVN, “Hoài Thanh Toàn Tập” được nhà xuất bản Văn Học của CSVN in lưu hành trong những năm đầu thế kỷ này gồm 4 tập, hơn 4,000 trang –không phải là quyển “Thi Nhân Việt Nam” chỉ vài trăm trang như các quyển tái bản trước năm 1975 ở Sài Gòn và ở Hoa Kỳ sau đó. Xét cho cùng tác phẩm này của Hoài Thanh và Hoài Chân ngoài các thông tin về các nhà thơ, như nói trên, là đáng ghi công lớn hàng đầu, nhưng còn phần “phê bình” rất sơ lược thực ra chỉ là những lời  “giới thiệu” các nhà thơ và thi phẩm của các nhà thơ đó; quá nhiều nên rất hỗn tạp: nhà thơ lớn, nhà thơ nhỏ đủ loại không phân biệt hay dở, đưa nền thi ca Việt Nam đến tình trạng có thể nói là “lạm phát thi nhân”. Về bút pháp phê bình, vô tư mà nói, ông Hoài Thanh chỉ viết theo cảm tính, thiếu sự nghiên cứu có phương pháp và phân tích khoa học, nên có thể nói là quyển “Hoài Thanh Toàn Tập” rất tầm thường. Tài “phê bình” của Hoài Thanh cũng cần được xét lại. Chúng tôi nhận thấy sở dĩ Hoài Thanh được nâng lên thành cán bộ cao cấp thuộc hàng chỉ đạo nền văn học CSVN vì ông này đã từng “phê bình” thơ tâng bốc các lãnh tụ chính trị và chỉ đạo tư tưởng và văn học của CSVN như các “nhà thơ” Sông Hồng hay Trường Chinh, Xuân Thuỷ, Tố Hữu, kể cả Nguyễn Đình Thi. Sở trường hơn là ông viết nhật ký --hay nhật tụng ca-- tôn sùng thơ Tố Hữu. Có lẽ nhờ vậy nên Hoài Thanh còn được phong chức giáo sư đại học. Chuyện này cũng không lạ vì trong chế độ CSVN người kém học hay vô học làm thầy người có học hay trí thức là chuyện thường.

 Chuyện đáng nói và quan trọng hơn là việc Hoài Thanh phê bình tác phẩm của các nhà thơ cổ điển với thái độ độc tôn cao ngạo bất xứng như một ngự sử phán quyết về văn học bất cần dư luận. Hai vị thi hào cổ điển đó là ông Nguyễn Du và ông Nguyễn Gia Thiều. Những bài phê bình nầy viết riêng rẽ không có trong “Thi Nhân Việt Nam”.

 Thứ nhất, phê bình “Kiều”của cụ Nguyễn Du, Hoài Thanh hết lời khen ngợi. Phải nói là ông mê và và tán dương “Kiều”. Trong lần bút chiến với Nguyễn Bách Khoa Trương Tửu, một giáo sư đại học, nhà văn kiêm phê bình đã dùng mác-luận chê “Kiều” của Nguyễn Du [Trương Tửu sau này viết cho “Nhân Văn–Giai Phẩm” và yểm trợ tờ báo “Đất Mới” của sinh viên đại học Hà Nội chống chế độ CSBV năm 1955-1956] và cho rằng Hoài Thanh phê bình “Kiều” thiếu lý luận khoa học. Hoài Thanh đã viết trả lời về phê bình “Kiều” thế nầy: “Cảm thụ Kiều hồn nhiên theo thị hiếu cá nhân,” và “cái đẹp của Đoạn Trường Tân Thanh, cái chất thơ bàng bạc trong cả quyển truyện cũng cần phải được cảm thấy một cách hồn nhiên. Cứ phân tích giảng giải thì nó sẽ tan đi.” Ông cũng cho Nguyễn Bách Khoa Trương Tửu biết là: “Nhà phê bình phải từ bỏ hết mọi kiến thức và phương pháp khoa học khi xem xét tác phẩm nghệ thuật.” (11) Thái độ nầy cao ngạo như một ngự sử văn học nhưng kém kiến thức, bất chấp lẽ phải. Nói cho rõ thì lối phê bình của Hoài Thanh về một tác phẩm thi ca --nhất là truyện thơ “Kiều” của Nguyễn Du-- là theo luật rừng và đầy cảm tính “hồn nhiên” như một chị vú nào đó mắt nhắm mắt mở ngâm nga Kiều dài dài khi ru em ngủ. Vậy mà, đứng trên quan điểm “hồn nhiên” đó, Hoài Thanh tự cho mình làm văn học phục vụ nghệ thuật. Thiển nghĩ, nếu có, thì hoạ chăng khi Hoài Thanh viết về mấy nhà thơ mới, tân học, trong các năm 1941-1942. Từ sau năm 1945, nghĩa là sau khi Hoài Thanh tham gia phái đoàn CSVN “tiếp thu” chính quyền khi nhà vua Bảo Đại từ ngôi ở Huế năm 1945, rồi tiếp tục hoạt động cho Đảng CSVN trong ngành văn nghệ tuyên truyền cho đến cuối đời, ông Hoài Thanh đã nghe lắm người nói là ông làm nghệ thuật “vị nhân sinh” --thực tế là “phục vụ đảng CSVN”-- không còn nghe chuyện “nghệ thuật vị nghệ thuật” nữa. Ông trở thành công cụ tuyên truyền cho CSVN từ khi còn ở trong rừng như những cán bộ văn công khác theo bộ đội Hồ Chí Minh trường kỳ kháng chiến.

Thứ hai, phê bình “Cung Oán Ngâm Khúc” của cụ Nguyễn Gia Thiều, ông Hoài Thanh đã dùng luật kẻ chợ của bậc anh chị trong làng văn nô cộng sản với những lời lẽ mà chỉ có những người cùng hạng cùng cỡ như ông mới dám dùng như một Chế Lan Viên, hay cao hơn như một Tố Hữu, chẳng hạn. Đó là loại tiếng nói thô tục thậm tệ khi ông phê phán tác phẩm văn học cổ điển “Cung Oán Ngâm Khúc” trong một bài viết đăng trong “Giáo Dục Tạp Chí” số 5 tháng 1, 1944 mà ông Nguyễn Cẩm Xuyên sưu tập viết lại trong nguyệt san biên khảo văn học “Tân Văn” số 63, tháng 10, 2012. Trong bài viết đó Hoài Thanh phê phán nhiều câu thơ tuyệt vời của cụ Nguyễn Gia Thiều về tiếng than của một cung phi vô danh do tác giả dựng thành nhân vật chính trong Cung Oán Ngâm Khúc là “tiểu nhân đắc chí”, là “ti tiện”, là “hung hăng” là “sỗ sàng” và gì... gì nữa. Những lời lẽ này khác nào tiếng rít ghê rợn phát từ lưỡi đao sát thủ --của một đao phủ hơn là của một ngự sử văn học-- chém vào anh-hồn cụ Nguyễn Gia Thiều, một thi-triết-nhân đã khuất. Thí dụ như 4 thơ dưới đây, ông Hoài Thanh phê là “ngoa ngoắt, ầm ĩ như thói hàng tôm hàng cá:

                        “Giết nhau chẳng cái lưu cầu,
                         Giết nhau bằng cái ưu sầu độc chưa!
                         Tay nguyệt lão chẳng se thì chớ
                         Se thế nầy có dở dang không?”

  Bốn câu thơ đẹp như vậy mà ông Hoài Thanh phê bình như vậy mới thấy rõ tư cách và tâm địa Hoài Thanh. Rồi, bất chợt tôi nhìn thấy ảnh của Hoài Thanh in trong Tân Văn số 63 và trên internets, chẳng khác nào khuôn mặt một cán bộ sắt máu CSVN họ “đồ”, bỗng nhiến những nét thanh nhã của một tao nhân mặc khách mà tôi tưởng tượng khi mới trưởng thành chợt tan đi như ảo ảnh. Thực là một hối tiếc không nhỏ. Tâm địa của những tay trùm chính trị và văn học đảng CSVN với thứ lương tri thế tận mà Cung Trầm Tưởng từng nói bằng thơ --sẽ nêu rõ hơn trong phần sau-- là lúc nào cũng muốn huỷ diệt con người cùng thời đại trong cõi sống và cả trong cõi chết nếu không cùng tư tưởng và chủ nghĩa như họ, kể cả những con người ở thời đại trước.

Chúng tôi vẫn biết rằng sự hiểu biết của mình chưa bằng hạt cát. Nhưng quan điểm vẫn là quan điểm. Hoài niệm về dĩ vãng chỉ hướng về hi vọng vào tương lai. Hiện tại Cung Trầm Tưởng là một cuộc cách mạng lớn về thi ca không thể không nói đến sau khi “Một Hành Trình Thơ” của ông hiện diện.

  Tôi cho rằng Cung Trầm Tưởng có tư tưởng và ngôn ngữ lớn nhất trong thi ca Việt Nam ngang tầm thời đại và ngang vai vế với các đại thi hào nhân loại dựa vào sự phân tích căn cứ trên lý luận học, ngữ học và mỹ học, dựa vào sự so sánh về tư tưởng và thi ngữ của CTT với các nhà thơ lớn này lẫn sự thưởng thức cá biệt. Tôi không mong đợi một quan điểm tương ứng. Chỉ mong độc giả tìm hiểu CTT và thơ của ông. Có điều là làm sao hiểu được Cung Trầm Tưởng. Thiển nghĩ, cần thời gian, cần kiến thức, cần đọc nhiều về các nhà thơ lớn thế giới mới có thể làm một cuộc so sánh bằng sự phân tích tâm lý --psychoanalytic synthesis-- bằng sự thụ cảm sâu xa và sự phân tích tinh vi về hiện tượng, sự chuyển thái về chữ và chất thơ của thi nhân --a profound application of reception theory, a transcident study of phenomenology and hermeneutics in detecting the changes of the author’s structures of feeling-- bằng sự nghiên cứu sâu xa về chuyển biến dâu biển của lịch sử mới hiểu rõ sự phấn đấu vượt qua định mệnh kiếp người của thi nhân --như một thể nghiệm sống chết của một con người yếu đuối về thể chất nhưng vô cùng dũng mãnh về tinh thần mà các luận thuyết phê bình văn học Tân Sử Luận --New Historicism [chịu ảnh hưởng lớn các quan điểm lịch sử và sự vận hành vũ trụ của Léon Foucault (1819-1839) nhà vật lý học Pháp người tìm ra tốc độ của ánh sáng]-- và Văn Hoá Thực Trạng Luận do một người phê bình văn học thiên tả tên Raymond Williams chủ xướng [cuối thế kỷ XX, còn chưa nổi tiếng] đề cập đến. Mặc dù về lý thuyết Văn Hoá Thực Trạng Luận có khuynh hướng chống Tân Sử Luận trên nhiều điểm nhưng cũng không vô lý, theo ghi nhận của Giáo sư Peter Berry: “Cultural materialism particularly involves using the past to ‘read’ the present” và “cultural materialists, they say, tend to concentrate on the interventions whereby men and women make their own history, whereas new historicists tend to focus less than ideal circumstances in which they do so, that is, on the ‘power of social and ideological structures’ which restrain them. The result is a contrast between political optimism and political pessimism.” (12) Bằng cách nào đi nữa các luận thuyết này chấp nhận thân phận của tác giả. Rất nhiều văn sĩ thi sĩ của chúng ta không tự quyết định được thân phận [một tư thế bất thức] bởi sức cuốn của lịch sử Việt Nam trong chiến tranh nhưng cũng quyết định được định mệnh [một ý chí hữu thức] của chính mình. Đó cũng là thứ triết lý “duy ngã bất duy tôn”. Và đó là một thứ triết lý của những nhân cách lớn. Không buông xuôi nhưng coi thường giá trị cường quyền và mị quyền --cả thế quyền lẫn thần quyền-- giữ chặt mình cho chân đạo, mỹ đạo và cho chính mình. Đó là Cung Trầm Tưởng.

 Tiếc rằng thơ không thể hay không dễ dàng dịch ngữ [signifier] mà chỉ có thể́ dịch nghĩa [signified] như các câu thơ của al-Ma’arri nêu trên, nhưng nếu một Roland Barthes, một Jacques Derrida đọc được Việt ngữ và có dịp đọc “Một Hành Trình Thơ” hẳn sẽ nhận ra điều tôi nói về Cung Trầm Tưởng là không vô căn và lộng ngôn. Vô căn và lộng ngôn không thể có trong chủ trương của một người mong mỏi tìm sự thật trong suốt hành trình cuộc đời qua hơn nửa thế kỷ từ khi trưởng thành. Nếu có viết thì chỉ dựa trên sự thực hiển nhiên. Tất nhiên chúng tôi cũng chỉ̉ dựa vào các trang thơ in rõ ràng chính xác trong “Một Hành Trình Thơ” để viết về Cung Trầm Tưởng mà không viết theo cảm tính hay cảm tình riêng.

 Xin hãy đọc kỹ tập thơ này của CTT. Tình ca đã đến tuyệt điểm; chiến tranh tuy ông viết không nhiều nhưng lột trần bản chất huỷ diệt toàn diện và ghê gớm của chiến tranh Việt Nam: một cuộc chiến phơi bày một lương tri thế tận [une exposition d’une conscience catastrophique], một nổ bùng của một hiện tượng tâm lý thú tính cộng sản như thứ bệnh tâm thần muốn huỷ diệt nhân tài và vùi chôn nhân phẩm [une explosion d’un bestial phénomène communiste comme une trouble hystérique d’aliénation du talent et de la dignité humaine] từ đó nhân tài của đất nước bị huỷ diệt như một Khái Hưng, một Nhượng Tống trước đó hay một Phạm văn Sơn sau nầy hoặc biến thành những phần tử thui chột trong các đáy địa ngục như một Cung Trầm Tưởng và một số nhà văn nhà thơ miền Nam sau 1975 hoặc nhóm văn thi sĩ Nhân Văn- Giai Phẩm miền Bắc như một Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Thảo, một Nguyễn Hữu Đang, một Hữu Loan, một Quang Dũng, hay một Phùng Cung sau năm 1955 hay ít nhất cũng mang thân phận của kẻ bị khai trừ --un excommunié-- như một Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường từ khi cuộc chiến đó do những người CSVN mang vào đất nước Việt Nam (1945-1954) và Nam Việt Nam (1966-1975). Cơn bệnh đấu tranh bạo lực cuồng tính [hysterical] không hẳn là cuồng tín [fanatical] này của CSVN còn muốn tiêu diệt cả những lãnh tụ tôn giáo và đảng phái chính trị khác, những người quốc gia và những chiến sĩ miền Nam cầm súng chống lại chúng. Ngay cả những linh hồn của các cô phụ trung trinh vất vưởng trên bãi chiến đi tìm anh hồn những tử sĩ vô danh cũng bị xô xoá cho rã tan:

                        Súng xa vang liên vận
                        Quỷ hận rống ven đô.
                        Bàn tay mưa xô xoá,
                        Chiếc bóng goá mơ hồ
                        Loãng tan đêm thuỷ hoạn.

Cuộc đấu tranh bạo lực thú tính và cuồng tính của CSVN mang thứ lương tri thế tận này rõ ràng là một cuộc đấu tranh tiêu diệt cả cõi hữu thể lẫn vô hình mà chúng nghĩ đã chống lại chúng –những satans của thời đại, như loài quỷ hận đang dang cổ “rống” trong tai của nhân loại. Nơi nào còn tiếng rống của loài quỷ vô tim nầy sẽ còn nhiễu nhương dâu biển.

Hơn ai hết CTT đã cảm nhận hay tiên tri định mệnh của mình trong bối cảnh   đổi thay phũ phàng của đất nước và lịch sử ngày đó:

                        Hồn giờ đi chân đất
                        Lật đật lối cô đơn.
                        Ngã ba phố chập chờn
                        Ánh đèn vàng lửa ngục.

           Và:

                        Nhất phiến chiếc linh hồn  
                        Giữa bão bùng dâu biển.

 Thân phận của con người bị cuốn vào triều sóng đỏ thuỷ hoạn và bão bùng dâu biển đó khó mà vượt thoát được số phận nhưng Cung Trầm Tưởng đã tự quyết định định mệnh và làm chủ tư tưởng của mình. Vì sao? Có thể nói Thơ là phương tiện cũng là cứu cánh của một Cung-Thơ sống còn trong đáy sâu luyện ngục CSVN. Hành trình vào cõi chết tối tăm, muốn làm thơ mà hai tay bị trói chặt thì sẽ viết bằng hai tay, viết bằng cái đầu mà người ta muốn cải tạo không được, vì ít nhất cái đầu đó muốn tự chủ và căng đầy cân não uyên thâm và trung thành của một trí thức tân học lớn. Xét cho cùng, bằng cách nào đi nữa chữ nghĩa thi ca phải là kết tinh của sự dồn nén xốc lên xốc xuống của lịch sử, của định mệnh, mà Cung Trầm Tưởng là điển hình trong mọi điển hình của nền văn học Việt Nam hiện đại. Cung Trầm Tưởng đã làm một cuộc cách mạng lớn trong thi ca Việt Nam. Cuộc cách mạng “ngữ sự” nầy của CTT là đem ngôn ngữ hữu thức đánh thức ngôn ngữ vô thức của thi ca.

 Từ xưa đến nay ít người nghĩ rằng thi ngữ của một  thi nhân lớn tự nhiên xuất phát từ tim khi sáng tác --nhất là thi ca thuộc trường phái lãng mạn, hay thơ tình-- thường là ngôn ngữ vô thức (inconscious) và chiếm lĩnh tâm thức người yêu thơ cũng rất vô thức. Nhưng khi mang chính trị hay triết lý vào thơ, ngôn ngữ thi ca nhất định phải là thứ chữ chọn lọc, rèn luyện, gọt giũa, hay nói một cách khác là gạn đục lóng trong, phải vận dụng kiến thức trí não vào để “thơ” vừa rõ lý vừa sáng tình, thứ thi ngữ đó là hữu thức (conscious). Cái đặc sắc của thi ca Cung là, xin ghi nhận rõ, “đem hữu thức vào vô thức” chớ không phải là lấy hữu thức huỷ diệt vô thức. Và khi hai thức này đã hội nhập, Cung nghĩ rằng đã giữ nguyên sự nhất quán xuyên suốt trong thơ của ông từ khởi thuỷ đến sau này hay sau nữa, cho đến hết cái nghiệp làm người của mình. Nhưng thực sự thì sự hội nhập đó đã làm “ngữ sự” thơ Cung thành siêu ngôn, từ đó thơ Cung trở thành siêu thực. Điều này ai đọc thơ CTT sau khi từ cõi chết trở về cũng nhìn thấy, nếu dẫn giải bằng hậu cấu trúc luận cũng không sai. Nếu theo một Roland Barthes muốn đi tìm sự nhất quán, hay thuần nhất –an unity-- trong một đặc phẩm như “Một Hành Trình Thơ” cũng chỉ sẽ tìm thấy sự không nhất quán --a desunity-- một dị biến trong đó mà thôi. Còn nếu theo Jacques Derrida, thì dĩ nhiên rồi, sẽ nhìn thấy ngay cái dị biến đó. Sự dị biến nầy của ngôn ngữ thơ CTT mà Cung nói là “Riêng bản thân người viết dựa vào kinh nghiệm sáu mươi làm thơ của mình, nhận thấy có một liên hệ nhân quả giữa những chữ thơ gieo đầu đời và mùa gặt thơ mai sau.”(13) Quả thật, có. Nếu nói theo ngữ thanh học –phonetics-- mỗi chữ thơ của CTT từ thơ gieo đầu đời cho đến mùa gặt thơ, tuy rõ ràng có sự thay đổi lớn lao, nhưng đều có chung sức nặng “gieo cảm” rất đặc biệt, nghĩa là đọc lên nghe rất thơ và càng đọc càng thích thú. Đó là thứ trọng lượng của ngữ sự; say như chất men. Nên, thơ vẫn là thơ, dù có sự cách mạng nội tại lớn lao trong thi ca CTT. Vâng, đứng trên phạm trù ngữ thanh mà nói về sự nhất quán của tập thơ MHTT có thể nói như trên, nhưng ở phạm trù khác: tư tưởng mang triết tính thì sự nhất quán như CTT nói trên cũng không sai và tôi cũng đã nói qua “CTT sống trong mộng, chiến đấu với thực tế, để trở về với mộng”. Nhưng cõi mộng sau của CTT rộng lớn quá, diệu vợi quá như một cõi vô vi huyền ảo nên sự không nhất quán hay dị biến phân tích theo hậu cấu trúc luận có thể hiểu là sự phát triển tư tưởng và triết lý cả chiều cao lẫn chiều sâu mà cung bậc ngữ sự phải thay đổi cho phù hợp với tiến trình tri thức của nhà thơ. Và qua sự nhồi xốc của lịch sử, ngữ sự thi ca –hay thi ngôn—của CTT cao xa và sâu sắc đến mức độ siêu việt của siêu thực, nên tôi gọi đó là cuộc cách mạng thi ca của CTT. Một sự nhất quán từ “thơ gieo” và “thơ gặt” của CTT nhất thiết phải qua hành trình cách mạng đó. Đó là một tiến trình tất yếu, không thể nói khác hơn. Xin hãy nhìn vào thực tế nền thi ca hải ngoại và trong nước ngày nay thì sẽ nhìn thấy rõ hơn các điều tôi viết về CTT và tác phẩm bất hủ MHTT của ông.

Khi viết bài tản mạn này tôi trao đổi quan điểm trên với CTT. Với sự khiêm tốn thường lệ, ông không nhận đã làm cuộc cách mạng thi ca tôi nói, nhưng ông cũng đề cập đến trường hợp “một hành giả lãng mạn rong chơi trong cõi siêu hình mù mịt, nhưng vì thiếu bản lãnh nên bị sa chân rơi vào một cuộc khủng khoảng tinh thần trầm trọng, hoá ông thành một con bệnh hoang tưởng, loạn trí nhớ (dysmnésique), loạn phối hợp từ (dysphasique), loạn ngữ pháp (agrammatique), tức là những triệu chứng của cơn bệnh cuồng ngôn sảng ngữ (dyslogie) --một hình thái của bệnh vong thân cấp tính.” Vâng, có thể có những trường hợp như vậy. Nhưng một CTT sáng suốt, tinh anh, trí tuệ, mang tư tưởng và ngôn từ lớn lao của một thi-triết-nhân của nhân loại là một biểu tượng rực rỡ của nền thi ca Việt Nam hiện đại là một đối cực cách biệt nhau xa tít tuyệt mù. Một dòng chảy tinh tuyền thượng nguồn chỉ có thề tìm thấy trên những đỉnh cao nhất. Vì thế, những gì chúng tôi viết sẽ gởi phổ biến trên các mạng lưới điện tử về văn học và đăng ở những tạp chí văn học của người Việt ở hải ngoại.

Chúng tôi là người đồng thời và đồng cảnh ngộ với Cung Trầm Tưởng, nên ít nhiều hiểu về Cung và thơ của ông. Cung và tôi, tuy kẻ Bắc, người Nam, nhưng cùng phục vụ dưới một màu cờ. Ông tuy được đào tạo ở nước ngoài, tôi được nuôi nấng và dạy dỗ trong nước, nhưng cuối cùng gặp nhau trong luyện ngục và hẹn nhau tìm nguồn gốc của sự thực về Chiến Tranh Việt Nam và con đường sống mới cho bản thân hầu giữ lại một chút gì cho thế hệ trẻ hơn. Cung đã thành công. Tôi nghĩ tôi chưa hoàn thành sứ mệnh của mình. Trong khi ấy Cung Trầm Tưởng đã vượt xa, xa lắc xa lơ trong cõi vô tận của lịch sử và vũ trụ. Với cuộc sống Cung còn đó, nhưng trong văn học sử đất nước, Cung đã bất tử. Vậy mà Cung đang mơ ước một cõi phục sinh hay hoá sinh nào đó cho chính ông? Có lẽ Cung-Thơ đang hay đã đi trên hành trình nầy? Ai biết được cung đường đó có phải là hành trình cuối cùng của CTT hay không? Phải không?

 Hay CTT còn vượt cao hơn trên một hành trình nào nữa? Và phải chăng hành trình đó sẽ đưa ông lên tận đỉnh cao nhất của thi ca --siêu của siêu thực-- mà không còn ở trên các triền phiếm định nữa? Phải chăng trên hành trình đó khí huyết thơ [nặng kiếp nhân sinh] sẽ trở thành “thanh khí thơ” [thoát phàm, phiêu hốt] trong cõi hạo nhiên lâng lâng thiên địa? Phải chăng hành trình cuối cùng của một Cung-Thơ là hành trình của một “thiên sứ thơ” bay khắp cùng mà gieo tiếng “du thi” vào kiếp sống con người như tiếng vi vu của một tuyến thanh khí xuyên vùng huyễn vũ mong nối hai bờ cảnh giới của mộng và thực? Ghi nhận nầy của chúng tôi về trường hợp mơ ước hoá thân của Cung-Thơ là một thiên sứ thơ --dù là một fallen god-- không là quá đáng, không xa với lý giải của nhà nhân chủng học Claude Lévi-Strauss về huyền thoại, thi ca và uyển ngữ. Ông cho rằng huyền thoại [myth] và thơ [poetry] giống nhau, có cái huyền nhiệm riêng, và ngôn ngữ thi ca là thứ uyển ngữ đạt đến mức độ cao nhất vượt ra khỏi phạm trù ngôn ngữ thông thường.(14) Thiển nghĩ uyển ngữ tôi luyện đến mức cao nhất sẽ trở thành uyên ngữ vô thanh hay siêu thanh. Những nhà Hậu Cấu Trúc Luận, Barthes hay Derrida, chỉ cho chúng tôi cách tìm cái vô thanh hay siêu thanh của uyên ngữ thi ca, hay là thứ chữ vừa uyển chuyển vừa uyên bác mang tính lưỡng trạng mà tôi đã đề cập đến ở trang đầu của bài viết nầy. Nói rõ hơn hãy tìm cho ra “mặt trái” của uyên ngữ, thứ “ngôn ngữ đôi” như Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nhã của Đại học Sorbonne nói đến (15) --the opposite meanings of signs-- sẽ tìm ra được cái vô thức, vô ngữ, vô thanh trong “ngữ sự” thi ca hữu thức, hữu ngữ và hữu thanh của thơ siêu thực.

 Vậy xin để tôi nói trước tiên về bước chuyển thái tư tưởng và triết lý sống của CTT từ khúc ngoặc lớn nhất của cuộc đời CTT rồi dò lần tìm tận nguồn ngọn tinh tuyền lớn nầy của nhân loại. Ngọn tinh tuyền nầy có thể bắt nguồn từ “những triền dốc vầu đến những triền phiếm định”. Tức là từ con đường của hữu thức mà chuyển dần vào vô vi theo nguyên lý của các nhà trí thức lớn nêu trên, hay nói cách khác là đi tìm nguồn gốc của siêu thực từ quan niệm “ngôn ngữ đôi” của ngữ sự thi ca.

 Xin đọc bài thơ lục bát nầy của CTT về tư cách làm người của ông vươn cao như loại “vầu” --hay một giống thuộc họ tre, trúc, tầm vông, lồ-ồ nhưng thân chắc, lóng thưa, suông sẻ không có gai và thẳng đứng, rất đẹp-- chỉ các cánh rừng miền núi non tây bắc Bắc Việt mới có, không thấy có ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Bài thơ chứng tỏ ý chí và quyết tâm vượt lên của CTT:

                                        BIỂU TƯỢNG
                       
                        Lòng ta đứng vững như vầu
                        Thân cao lóng thẳng giữa bầu trời xanh.
Sum suê cây hút nhựa lành
Nguồn sâu đất dưới hoá thành lá trên.
Cực hình ác thú gây nên
May bằng nứa tép đứng bên vầu già.
Mỗi ngày vầu mỗi cứng ra,
Đổi thay lá mới, đậm đà lóng tươi.
Vầu đanh như thép sáng ngời,
Nắng mưa thì cũng trọn đời đứng ngay.

 Một độc giả trẻ đọc bài thơ (MHTT, trang 173) này sẽ không thấy gì khác hơn hay chỉ thấy Cung Trầm Tưởng là một đấng trượng phu, ví như loại vầu đứng thẳng vươn mình lên cao trên bầu trời xanh. Ngay cả những vị từng xông pha trận mạc văn chương, chữ nghĩa, có thể cũng chỉ nhìn thấy mặt nổi thể hiện trong thi ngữ của bài thơ, nghĩa là thấy một CTT tù nhân chính trị hiên ngang đối mặt với kẻ thù, vững vàng và vượt cao như các bậc chính nhân quân tử vẫn lấy tre trúc làm biểu tượng cho tư cách thanh cao chính trực của mình. Nhưng những người cùng đi tù như CTT ở miền thượng du tây bắc miền Bắc Việt Nam, như chúng tôi, mới có thể nhìn thấy những dòng thơ tất nhiên là hữu ngữ, hữu thanh và hữu thức nầy của CTT là tạo phẩm của những niềm uất hận không nguôi. Chúng tôi cảm nhận cái đau buốt thấm tận não tuỷ của CTT ẩn chìm trong những câu thơ thanh thản đầy khí phách này. Chưa hẳn đó là một bài thơ đủ đẹp mà chúng tôi thích trên bình diện thi ca nhưng chính những dòng thơ đó đã làm nước mắt của chúng tôi thầm rơi khi nghĩ lại sự phấn đấu vô cùng cay nghiệt trong những ngày đứng giữa rừng vầu của núi rừng Việt Bắc.

 Nhắc lại để mà nhớ và cũng để chứng minh lời trình bày chân tình trên đây: Trung tuần tháng 6 năm 1976, ở đợt thứ nhất, CSVN đưa hàng nghìn sĩ quan cao cấp miền Nam cấp trung tá --lúc đó đã bị tập trung ở căn cứ Long Giao, tỉnh Long Khánh vừa đúng một năm-- ra miền Bắc bằng tàu thuỷ cận duyên. Sau bốn ngày đêm bị dồn cứng trong lòng tàu thuỷ trước đó bộ đội CSBV dùng để chở súc vật, tất cả sĩ quan tù chính trị được đưa đến trạm trung chuyển Bến Thuỷ thuộc Vinh, Bắc Việt, vào giữa khuya. Từ đó chúng chuyển tất cả hàng nghìn người nói trên --mà chúng bảo là “có nợ máu” nhiều nhất với nhân dân-- bằng tàu hoả xuyên qua Hà Nội lên ga Yên Bái, rồi chuyển tiếp bằng quân xa che kín bạt lên vùng rừng núi tây bắc, Sơn La và Hoàng Liên Sơn. Đợt này, các tù nhân chính trị, trong đó có Cung Trầm Tưởng và chúng tôi, bị phân tán giam giữ trong các trại tù quân quản (trại tù do bộ đội CSBV phụ trách) trong các vùng này. Chúng phân tù nhân ra thành từng đội, mỗi đội chừng trên ba mươi người và bắt đi lao động từ sáng sớm cho đến chiều tàn: các đội tù nhân khoẻ mạnh phải vào rừng sâu núi cao đốn cây, chặt vầu và cắt tranh kéo về xây trại tù; các đội tù nhân lớn tuổi, đau yếu, sức khoẻ kém thì trồng khoai sắn, bắp, đậu và rau cải chung quanh trại, hay làm thủ công đan lát.

 Trong mấy tháng đầu tiên, từ sáng sớm mỗi tù nhân trong các đội khoẻ mạnh được phát cho một dụng cụ cần cho việc đẵn gỗ, chặt vầu và cắt tranh. Vầu là nhu liệu cần nhiều nhất cho việc dựng các lán trại nên số tù chính trị cắt cử đi chặt vầu nhiều hơn. Muốn tìm rừng vầu phải theo đường mòn lên các vùng đồi núi cao cách căn trại năm bảy cây số. Vầu thường mọc ở triền núi cao và ở các thung lũng nằm giữa triền của hai vùng đồi cao. Muốn chặt một bó vầu hai mươi cây --như chỉ tiêu của các cai tù quân quản ấn định cho mỗi ngày-- chúng tôi phải theo đường mòn lên các triền núi cao trên cả nghìn thước tìm các khu rừng vầu thân cây không lớn và tầm cao vừa phải đủ tiêu chuẩn và đủ sức bó vác về trại. Muốn tìm được loại vầu vừa tầm đó phải lần mò xuống các thung lũng cách đường mòn trên triền núi cả trăm thước. Đứng ở đường mòn trên triền núi cao ngẩng đầu lên thấy vùng trời tĩnh lặng, lửng lơ những vần mây trong những ngày nắng. Ngược lại, trong những ngày trời động sắp chuyển mưa bầu trời xám xịt, trời thật gần vói tay đã tới, nhưng đó là thứ trời hung hãn dữ dằn với mây bay mau vần vũ, u ám, gió thổi mạnh, rừng núi chao đảo, ai mà không thấy cô đơn tràn đầy, run rẩy tận tâm hồn vì ghê rợn sợ sệt, ai mà không tự hỏi tại sao mình lại lọt vào vùng trời đất cay nghiệt, ẩm đục, thê lương nầy? Vậy mà cái đau trên các triền đồi vẫn chưa thấm đậm bằng nổi đau khi xuống sâu hơn trên thung lũng vầu. Ngày nắng, nhìn lên chỉ thấy thân vầu cao vót, lá vầu đan nhau rợp che mất trời; nhìn xuống là cảnh mờ mờ ảm đạm vắng vẻ hoang sơ, cái rờn rợn dâng lên, nếu không có lưỡi quắm nắm trên tay để chặt vầu thì không tránh khỏi sợ hãi. Còn ngày mưa thì đáy thung lũng vầu là địa ngục, lầy lội, tối xâm xẩm mờ ảo, mưa len lỏi thấm ướt người, rét mướt, lạnh căm, tưởng là đang đứng trên đất chết. Cuối cùng bản năng vùng lên, quật những vết chém xéo thật mạnh vào thân vầu, ngọt xớt, cây vầu lìa gốc cắm xuống đất lầy. Phải dùng sức mà nhổ nó lên rồi kéo cho cành lá của nó rời khỏi cành lá của các cây vầu khác đan nhau trên cao cho nó nằm xuống mặt đất, rồi xớn cành lá, rồi lôi nó lên đường mòn trên triền đồi. Rồi ở trên bờ lề của con đường mòn trên triền núi đó chúng tôi bó từng cây, từng cây vào với nhau thật chặt chẽ thành hai bó. Mỗi bó mười cây vầu dài chừng bảy, tám thước theo “tiêu chuẩn lao động” mỗi ngày bọn cai tù ấn định cho chúng tôi. Bó xong hai bó vầu mồ hôi toát vã đầy người, mưa thì đã thấm vào đâu. Cái lạnh của mồ hôi khô dần quánh lại mới lạnh thấm tận đỉnh linh hồn khi chúng tôi mang được cả hai bó vầu về trại tù.

 Nếu đường lên triền xuống lũng chặt vầu vất vả gian khổ có một thì đường xuống triền kéo vầu theo lối mòn dốc núi mang được bó vầu về trại lại gian khổ và nguy hiểm gấp nhiều lần, chẳng khác nào đi trên đoạn đường vào cõi chết. Thực sự, có thể chết ngay, chết nhầy nhụa vỡ đầu, gẫy cổ, lọi xương, nát thịt nếu chúng tôi không biết bước những bước chân ngang. Câu hỏi được đặt ra là: tại sao?

 Xin tưởng tượng một con đường mòn độc nhất chạy lên một ngọn núi hoang vắng --ở độ cao từ 600m đến 1.000m trên mực nước biển, hoặc cao hơn nữa-- trong những ngọn núi vùng thượng du tây bắc Bắc Việt từ Sơn La lên Nghĩa Lộ và Hoàng Liên Sơn của dãy núi Fansiban cao nhất Việt Nam. Vùng núi cao này nằm chuổi dài theo hữu ngạn Sông Hồng từ biên giới Lao Cai đổ xuống đông nam qua vùng đất cao Phú Lố và Yên Bái-- trước khi con sông này mang phù sa đỏ đổ xuống tạo nên vùng đồng bằng Sông Hồng [the Red River Delta] và Hà Nội. Ở vùng núi non cao nầy, những con đường mòn lên xuống từng ngọn núi là sinh lộ của cư dân sống nhờ vào sản phẩm khai thác trong rừng: vầu, nứa, dang, mây và các loại cây rừng. Phần đất đai thấp dưới chân núi, con đương mòn đó xuyên qua thôn bản của thổ dân Mường, Mán,Tày trồng trà, luá, ngô, khoai, sắn và chăn nuôi súc vật. Ngược lại ở những ngọn núi cao các sắc dân Mèo,Thái trồng loại cây hoa phù dung --thường gọi là á-phiện-- cũng dùng những con đường độc đạo nầy lên xuống núi đổi chác sản phẩm của họ lấy muối và các nhu cầu sinh sống khác. Con đường mà chúng tôi đi chặt vầu, đẵn gỗ, cắt tranh lập lán trại tù, là một trong những con đường độc đạo như vậy xuyên thôn bản, xuyên rừng lên núi thấp, núi cao, cao hơn nữa trên các triền dốc dựng mà hằng ngày không gian thường ẩm đục, cảnh thái hoang vu, yên ả nhưng rờn rợn khi nghe tiếng gió rút lưng đèo, tiếng rừng chuyển động.

 Vì ở thế đất núi non cao nên con đường độc đạo --dù là các đoạn trên núi-- thường ướt đẫm lầy lội, nhất là vào buổi sáng sớm và sắp xế chiều, mây thật gần, không gian ẩm đục, hay mưa sương rơi mịt mịt dù không nặng hột. Lầy lội còn do những cơn mưa lớn của đêm trước gây ra từ cuối mùa cuối thu cho đến hết mùa đông; mưa đêm nhiều ngày nắng ít là chuyện thường. Ngày lên mà ẩm ướt vẫn còn đọng lại trên trời và âm u dưới đất. Con đường là mạch sống của một lớp người nhưng là lối chết có thể vùi chôn thân phận của một lớp người khác --những người tù chính trị như chúng tôi. Cư dân ở trong các vùng rừng núi đó, dù lên hay xuống núi, thường bước những bước chân xuôi thoải mải, dễ dàng trên những con đường núi độc đạo như vậy, nhưng chúng tôi phải đi bằng những bước chân ngang hiểm nguy, sinh tử. Khi lên núi đi tìm vầu, dù lầy lội, dù dốc cao triền thoải hay triền dựng, chúng tôi cũng không ngại lắm vì có thể chống một cây gậy tre mà đi lần lên vừa đỡ trơn trợt vừa đỡ mệt. Khi đem hai bó vầu xuống núi là một sư ngược lại, mệt mỏi cả thân thể lẫn tinh thần vì phải kềm giữ thế nào để tránh bớt nguy hiểm. Mỗi lần chỉ đem xuống một bó vầu mười cây. Trong buổi sáng, cần phải mang cả hai bó vầu xuống núi. Một bó đem thẳng về trại, một bó khắc dấu riêng trên thân các cây vầu và để ở một bãi thấp nào đó trên núi; buổi quá trưa xuất trại lao động tiếp, sẽ đến đó mang nốt bó thứ hai này về trại. Mọi tù nhân chính trị đi chặt vầu đều làm như vậy cho mỗi
ngày lao động. Chúng tôi có thể để bó vầu thứ hai nầy ở chung một bãi; không ai lấy nhầm của người khác. Sở dĩ phải theo lối làm việc dồn cả sức lực vào buổi sáng vì ai cũng sợ cái tĩnh mịch ảm đạm rờn rợn của núi rừng chiều, đồi gió, lũng sương.

Trong buổi sáng, chặt vầu xong, lôi từng cây từ lũng lên trên triền đặt bên lề đường, bó lại. Bó vầu phải thật thận trọng. Nếu buộc bó không chặt chẽ, mang bó vầu đi xuống dốc nguy hiểm không lường được khi dây buộc lỏng hay bị đứt làm cho các cây vầu bung ra. Mỗi bó vầu phải bó bằng hai mối dây ở hai nơi khác nhau. Mối thứ nhất cách phần gốc bó vầu chừng năm tấc, mối thứ hai vào khoảng giữa bó. Mỗi mối dây dài chừng hai sải tay (trên 2 thước) từ thân bó vầu đến tay nắm, để tuỳ theo thế đất co dãn dây khi kéo bó vầu đi.

Khi xuống núi, đặt bó vầu trên đường mòn nằm xuôi theo dốc xuống, phần gốc ở dưới phần ngọn ở trên. Thận trọng kéo bó vầu đi. Ở những quãng đường “yên ngựa” trên núi --hay đoạn đường mòn không có độ dốc, nhiều quãng dài nhất chỉ chừng  trên dưới một trăm bước-- phải vác bó vầu lên vai. Ở những quãng đường độ dốc thoải, bó vầu tuy không bị sức đẩy quán tính kéo tuôn, cũng không dám vác vì sợ trợt ngã, mà phải dùng cả hai tay nắm mối dây phía trước vừa bước vừa kéo bó vầu từ lề đường nầy sang lề đường kia đi về phía dưới --nghĩa là bó vầu được kéo theo đường chữ chi (z)-- nhưng chúng tôi phải bước bằng những bước ngang của hai chân: đi ngang. Nếu bước xuôi như thường lệ, chân trước chân sau và kéo bó vầu nặng giữa lòng đường, sợ bất thần bị trợt, bó vầu tuột băng xuống đâm thẳng vào chân vào người thì chỉ có nước chết. Ở quãng đường độ dốc dựng hơn, cả bó vầu như trơn tuột chaỵ theo lòng rãnh giữa đường trơn trợt theo sức đẩy quán tính lao xuống phía dưới nếu hai tay không nắm chặt cả hai mối dây buộc ở đầu và giữa thân bó dầu mà “hãm phanh” đà tuôn của nó lại --như hai cái thắng-- rồi từ từ đi xuống; muốn như vậy thì cũng phải bước đi ngang, nghĩa là có thể nhìn lên hướng dốc trên và nhìn xuống hướng dốc dưới. Vì, phía dốc trên biết đâu không có một người bạn tù đang kéo vầu xuống và biết đâu phía dốc dưới cũng có một bạn khác. Do dó, để tránh bớt nguy hiểm, trước khi kéo bó vầu xuống chúng tôi thường hú to lên để người dốc trên kẻ dốc dưới đều nghe. Nếu có tiếng hú đáp lại thì càng phải thận trọng hơn. Nếu nắm hai mối dây --không chỉ là nắm mà còn quấn chặt hai đầu dây vào mu và lòng bàn tay, kể cả cổ tay-- mà vẫn không kềm hãm được, bó vầu sẽ tuôn xuống dốc dựng cùng với người kéo, có nghĩa là chết không toàn thây, mà có thể còn báng vào người bạn tù dốc dưới lôi người đó vào chung cõi chết. Những bước chân ngang và giữ cho thật chặt bó vầu trong hai tay nắm hai đầu dây là thứ triết lý khoa học hữu dụng thiết thực, có nghĩa là không muốn đánh đu số phận của mình và càng không thể đem số phận người khác mà đánh đu với sự đẩy quán tính vô tình của vật lý học. Triết lý “giữ cho mình và giữ cho người” này không đồng nghĩa với bản năng sinh tồn. Đó là tinh thần mã thượng của một quân nhân, dù họ đã là những tù binh của CSVN. Trong trận địa ngày trước, nhiều người đã lấy thân mà chắn đạn cho bạn. Tinh thần nầy họ mang cả vào cảnh tù tội mà che chở cho nhau. Cũng chính vì sự thận trọng này để tránh sự chết chóc hay gây thương tích cho nhau khi kéo vầu xuống dốc, nên ít khi hai hay ba người trong chúng tôi cùng chặt vầu ở một bãi vầu mặc dù cùng “lao động” chung trong một rừng vầu. Vì vậy, mỗi khi một mình đi trên triền dốc mù sương hay đứng dưới lũng vầu u ám chúng tôi cảm thấy cái rờn rợn của núi rừng, cái cô đơn của riêng mình và cái tủi nhục thân phận của một người thua trận. Cũng vì vậy, cần phải chiến đấu với chính bản thân và với cả tử thần ...


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire