Mời xem: Cung Trầm Tưởng
http://phannguyenartist.Cung Trầm Tưởng, một hành trình thơ
Posted: 24/07/2012 in Nguyễn Mạnh Trinh, Tùy Bút / Tản VănThẻ:Cung Trầm Tưởng
Nhà thơ Cung Trầm Tưởng
Khoảng cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60, thơ của Cung Trầm Tưởng đã xuất hiện như một hiện tượng mới lạ của văn chương và thi ca Việt Nam. Cùng với những Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, Cung Trầm Tưởng đã mang thi ca đến những phương trời xa lạ, của những xứ sở mà được là người đi du học đặt bước chân để lãng du đến những phương trời xa lạ là ước vọng của một thời.
Với Cung Trầm Tưởng, ở giai đoạn đầu tiên, thơ là tình ca, là những cảm giác mới lạ của trái tim nguyên si, của một thời tuổi trẻ. Và sau năm 1975, thơ in ở hải ngoại là những cảm xúc của con người trong nghịch cảnh của đời sống. Thơ của suy tưởng của những tháng ngày tù tội của một người chọn lưa thế đứng chính trị của mình chống lại chế độ độc tài áp bức..
Trời đang vào hạ ở California làm chúng ta nhớ lại những mùa hạ nào khác của thi ca Việt Nam.. Cái nóng nực của thời tiết với màu nắng đỏ chói làm nhớ lại những ngày tháng Sài Gòn. Và như thế lại thấy gần gũi hơn với một thời đã qua của mơ mộng tuổi trẻ và hồn nhiên của lúc vừa mới bước vào đời. Thú thực tôi rất mê thơ Cung Trầm Tưởng của những thời Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi… Những bài tình ca muôn thuở và những bài lục bát của một phong cách thi ca độc đáo. Năm 1975, ông bị kẹt lại và là một trong số ít các sĩ quan cấp tá KQ đi trình diện ở trường Trương Minh Ký. Tôi gặp ông ở đấy và rồi kẻ trước người sau cùng vào tù Cộng Sản. Ông qua Mỹ định cư và in ba tập thơ. Tôi cũng nghe nhiều người cùng tù chung với ông rất thương mến và bao bọc cho ông và còn ráng học thuộc những bài thơ viết trong tù của ông với niềm tin rằng sẽ có ngày sẽ phổ biến rộng rãi đến độc giả. Gần đây nhất, tôi đã tham dự nhiều buổi đọc thơ và hát những bản nhạc xa xưa của ông tại nhà các thân hữu KQ là niên trưởng của chúng tôi.Và tôi nhận thấy rằng đề tài viết về ông sẽ có thật nhiều thích thú với tôi… Những bài thơ làm trong lao tù Cộng sản đã phác họa phần nào một chân dung của người nghệ sĩ những chọn lựa thái độ chính trị chống đối quyết liệt nhất.
Nhà thơ Cung Trầm Tường nổi tiếng khi tôi còn là một cậu bé mới vào trung học. Lúc ấy tôi có một cuốn sổ bìa cứng để chép lại tất cả những bài thơ mà tôi nghĩ là nổi tiếng thôi chứ chưa biết cảm nhận thế nào là hay dở cả. Tôi chép thơ thời tiền chiến với Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Quang Dũng… và thơ sau này với Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa… Và Cung Trầm Tưởng cũng có những bài thơ được tôi nắn nót chép trong cuốn sổ thơ ấy. Cuốn tập bìa cứng ấy càng theo thời gian và chép đến trang cuối cùng với cả ngàn bài thơ và là thông hành để tôi đi vào cõi thơ và là cái vé tàu để tôi ghé vào những lãnh địa của mộng mơ suốt cả tuổi học trò. Lớn lên, vào tuổi trưởng thành, tôi có làm vài bài thơ và có lúc sống lại những thuở học trò mê thơ yêu sách vở thích văn chương… Sau này khi tập tọng làm những bài thơ lục bát, tôi lại tìm được cái hay cái đẹp của Tình Ca Cung Trầm Tưởng…
Tình Ca là một tập thơ-nhạc-họa của ba nhà nghệ sĩ: Thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy và họa Ngy Cao Uyên. Tập sách này in từ năm 1959, nghĩa là cách nay hơn nửa thếkỷ. Cuốn sách này tôi đang cầm trên tay. Tác giả của nó, nhà thơ Cung Trầm Tưởng, khi cầm tập sách trên tay, sung sướng qúa như sống lại những ngày xưa cũ đã cao hứng viết giữa quán cà phê Factory ở Quận Cam một ngày chủ nhật: “ Chúng ta hãy cùng nhau trở về thời Tình Ca”.
Nội dung cuốn sách mỏng này chỉ gồm 13 bài thơ của Cung Trầm Tưởng, 6 bản nhạc phổ thơ của Phạm Duy và hai bức họa của Ngy Cao Uyên. Nhưng, nó đã gây ra một tiếng vang rộng lớn thời đó. Từ thơ: nhạc cất cánh; từ họa: thơ bay bổng; và từ nhạc: thơ sống đời đời…
Thơ Cung Trầm Tưởng đã tạo ra 6 bản Tình ca Phạm Duy mà tới giờ, nửa thế kỷ sau vẫn còn người hát và vẫn còn người nghe say đắm. Từ hội họa Ngy Cao Uyên, từ tranh bìa đến phụ bản đã minh họa thơ và làm thơ lãng mạn phiêu bồng hơn. Và, với nhạc Phạm Duy, thơ Cung Trầm Tưởng dài thêm tuổi thọ mãi đến bây giờ. Cái ta, Cung Trầm Tưởng và cái người, Phạm Duy, có lúc như là một chung mà lại hai riêng, nó hài hòa với nhau, nhưng không là một. Cung Trầm Tưởng viết:
“Ta lại yêu ta
buồn tê xương sống
nghìn thu nẻo nào?
Ðêm mưa hồn lụt
Nhạc đời Phạm Duy
Nhạc đời âm ti
Hồn rên chín suối?
Không không, gió lộng
Thổi rộng thiên đàng
Ta còn yêu ta
Ta còn yêu ta
Dìu đi đêm mưa
Dìu đi phố vắng
Thương yêu hồn lụt
Nhạc đời Phạm Duy
Ta còn yêu ta..”
Thời ấy, con người nghệ sĩ sao dễ thương quá! Còn bây giờ, qua bao nhiêu chế độ đổi thay, thời thế xuôi ngược, lòng người theo thời dời đổi, thì những khúc nhạc không biết có phải chỉ còn là dư âm của một nghệ sĩ lớn một thời.
Tình ca của thi sĩ có một không gian và thời gian khá xa lạ với địa lý của xứ sở Việt Nam. Nó gợi lại bài thơ của một mối tình dị chủng lãng mạn ở thành phố Paris. Chàng, một sĩ quan KQ du học, Nàng, có thể là Michele trong bài thơ:
“bao vây tôi đời em như ấm ủ
Một đêm thương vừa ngọt đủ tuần trăng
Lên vai tôi thiếp thiếp ánh hoa đăng
Michel má, Michel môi thắp mộng
Michel tóc vàng buông, hồ suối động
Cong mi đôi nét khép Michel mi
Khuya nâng niu tôi im như vô tri
Tròn thương tôi, mong manh Michele yêu..”
Những hình ảnh lạ. Những ý tưởng lạ. Trong đoạn thơ có thể gọi là khổ độc nhưng lại độc đáo độc đáo như thơ Cung Trầm Tưởng..
Thi sĩ đã nói về trường hợp ông viết bài thơ Mùa Thu Paris như sau:
“Lúc đó là năm 1954, tôi đi du học bên Pháp và ở tuổi vừa mới ngoài 20. Trước khi đặt chân đến Kinh Thành Aùnh Sáng tôi đã có một mối tình và cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi những nhà thơ Pháp thời bấy giờ. Khi sang Paris, tiếng Pháp tôi cũng tương đối vì tôi đã chuẩn bị trước khi đi cho nên trong bối cảnh đó tôi hội nhập ngay vào môi trường sống ở Paris và trôi ngay vào không khí trữ tình của Mùa Thu Paris. Bài thơ ra đời trong bối cảnh và tâm tình đó. Lẽ dĩ nhiên, phải có một cô gái tóc vàng sợi nhỏ nên dòng thơ mới bật lên…”
Paris đối với giới trẻ Việt Nam lúc đó có vị trí của một nơi chốn của lãng mạn thơ mộng. Tâm lý ấy vọng ngoại cũng có và thời thượng cũng có, nên trong văn chương đã tạo thành một lớp sương mù để cho óc tưởng tượng của thi nhân và sự hứng thú của độc giả tha hồ bay bổng. Nhưng với thi sĩ Cung Trầm Tưởng thì chắc là mối tình với người đẹp Paris tóc vàng sợi nhỏ trong cái không gian của mùa thu và cái thời gian xa xứ thì chắc là xúc động ấy dữ dội lắm và có khi còn ảnh hưởng đến bây giờ không chừng?
Nhà thơ cũng thú nhận: “Xúc động qúa đi chứ. Lúc bấy giờ tâm hồn mình thật là lạ trong trắng ngây thơ nhìn đời qua lăng kính lý tưởng. Thành ra mối tình với người con gái tóc vàng sợi nhỏ đó là một kỷ niệm khôn nguôi. Ðôi lúc tôi cũng không hiểu được là làm sao mà mình lại làm được một vần thơ ‘đến’ như vậy.”
Những hình ảnh Paristrong thơ Cung Trầm Tưởng như tượngđá công viên màu trắng với lả tảlá vàng của vườn Luxembourg:
“mùa thu âm thầm
Trong vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm
Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút giờ”
Hay hình ảnh của nhà ga Lyonvới đèn vàng tuyết trắng của nỗi niềm chia xa :
“Ga Lyon đèn vàng
tuyết rơi buồn mênh mang
cầm tay em muốn khóc
nói chi cũng muộn màng
hôn nhau phút này rồi
chia tay nhau tức khắc
khóc đi em khóc đi em
hỡi người em xóm học
để sương thắm bờ đêm
đường anh đi tràn ngập lệ buồn em..”
Ðó là hình ảnh về cảnh. Còn hình ảnh về người thì sao? Hình như sau này khi nhắc đến thơ Cung Trầm Tưởng là người yêu thơ liên tưởng ngay đến những hình ảnh này?
Hình ảnh người em bản xứ, của phương trời Paris, của đêm khuya quán rượu của trời đất tuyết phủ lạnh lùng:
“Mùa thu nơi đâu
người em mắt nâu
tóc vàng sợi nhỏ
mong em chín đỏ trái sầu
mùa thu Paris
tràn dâng đôi mi
người em gác trọ
sang anh gót nhỏ thầm thì
mùa thu không lời
son nhạt đôi môi
em buồn trở lại
hờn quên hối cải cuộc đời”
Hình ảnh của người em gái Tây phương ấy tạo ra thật nhiều cảm giác cho thơ. Ðó là một phác họa đẹp tràn đầy thi tính để người đọc mơ màng liên tưởng đến những chân trời xa lạ nào của vương quốc ước mơ…
Có lẽ phải đề cập đến thơ lục bát của nhà thơ Cung Trầm Tưởng. Tôi nghĩ đó là một thành quả thi ca đặc sắc nhất của ông. Tập thơ thứ hai của ông là tập thơ trong tủ sách Con Ðuông là tập thơ Lục Bát Cung Trầm Tưởng. Tập thơ xinh xắn in năm 1973 cách nay cũng mấy chục năm trong tủ sách Con Ðuông chỉ in hạn chế dành riêng cho những người yêu thi ca. Ở bìa sau, tôi ghi nhận được một vài chi tiết khá ngộ nghĩnh về tiểu sử của ông. Ông tên thật là Cung Thúc Cần sinh ngày 28 tháng 2 năm 1932 tại Hà Nội và có những câu liệt kê về sở thích như sau: mầu ruợu chát, mặc quần áo bà ba, đi guốc mộc, hút thuốc lá Bastos, uống bia, không thích ăn rùa rắn, la cà quán cà phê. Ưa chuộng bơi lội, yêu mùa thu và bãi biển, mến vẻ đẹp tự nhiên, đặc biệt là mình dây và nước da bánh mật. Tự nhiên tôi lại nghĩ đến những câu mô tả chính mình của mục tìm bạn bốn phương. Tôi thú thật có phân vân khi đọc những câu viết này. Ông đùa hay ông thực? Tôi không biết. Nhưng ở những trang trong, thơ lục bát của ông, lục bát Cung Trầm Tưởng thì tuyệt vời… Từ một cậu bé từ nửa thế kỷ trước đã nắn nót chép thơ Cung Trầm Tưởng thì cố nhiên đã tự tìm hiểu và lượng định cũng như nhận xét cho riêng mình chứ! Từ cổ chí kim, người ta chỉ nói hay thôi chứ khó lòng mà nói được câu hay nhất. Bởi vì, thơ đâu có cân đong đo đạc được mà nhất với nhì. Cho nên, thơ lục bát hay của ông khá nhiều mà còn lạ nữa.
Hay nhỉ, thơ đã hay mà còn lạ? Phải rồi, hay vì ý, vì lời mà lạ vì hình ảnh, vì tâm tư. Trong bài mở đầu tập thơ Lục Bát Cung Trầm Tưởng có đoạn viết:
“Gần như đã thành một thông lệ, các nhà thơ muốn tự hào đã đạt được một kích thước nào đó đều phải thử lửa với lục bát: Nguyên Sa nghển cổ dòm vào lục bát, Tô Thùy Yên yêu trộm lục bát, Hoàng Anh Tuấn chọc ghẹo lục bát, Thanh Tâm Tuyền tán tỉnh lục bát, Bùi Giáng làm ảo thuật với lục bát… Hình như họ phải trải qua môn thi lục bát để được xác nhận là thi nhân Việt Nam. Họ phải đi vào lục bát dù phải lột hết che phủ để tài năng xuất hiện trần truồng.
Từ nhiều năm nay, Cung Trầm Tưởng là nhà thơ thích đánh đu với lục bát. Qua tập Tình Ca và các sáng tác khác nhiều người đã cho rằng lục bát và hồn thơ Cung Trầm Tưởng là một cuộc hôn nhân thành tựu. Cung Trầm Tưởng đã đưa lục bát vào mỹ viện để lột xác. Cung Trầm Tưởng đã khoác cho lục bát những chiếc áo mới nhất của thời trang. Cung Trầm Tưởng đã trao tặng lục bát những trang sức diễm kỳ nhất của thời đại..”
Thơ mà theo thời trang có thể bị mai một bởi vì fashion thì luôn luôn thay đổi? Ðó là một cách nói ví von thôi. Nếu mai một thì sau cả nửa thế kỷ vẫn còn có người đọc thơ Cung Trầm Tưởng trong sách báo, trong các trang sách diện tử,.. Mà đôngđảo là các bạn trẻ, những cô cậu sinh viên học sinh của tuổi mới lớn tràn đầy mộng mơ. Và, ở đoạn kết bài giới thiệu tập thơ đã viết nhận định:
“nhưng ở trong cuộc đuổi bắt đam mê ngôn ngữ Cung Trầm Tưởng đã không để tuột mất cái hồn muôn thuở của lục bát, cái khí phong bàng bạc đã khiến thi ca Việt Nam lồng được một hương sắc rực rỡvào trong bầu trời bát ngát của thi ca phương Ðông. Ý tôi muốn nói ở lục bát Cung Trầm Tưởng phảng phất một giao hòa nào đó giữa cái hồn nhiên trong sáng của ca dao dân tộc, cái hào hoa tuyệt vời của thi bá Nguyễn Du, cái trầm mặc não nề của khúc Cung Oán thuở xưa và một mang mang thiên cổ sầu…
Thơ lục bát chắc đã có từ lâu lắm rồi và chắc cũng theo thời gian để có sự tiến hóa riêng. Trong văn học Việt Nam chắc cũng có những cột mốc để đánh dấu những thời kỳ biểu hiện sự phát triển. Lục bát Cung Trầm Tưởng có phải là một cột mốc không? Rất chủ quan và là một ý kiến riêng tư, tôi nghĩ thơ lục bát của Cung Trầm Tưởng đã đánh dấu một cộc mốc ghi lại một thời điểm của văn học sử Việt Nam. Trước ông, lục bát Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân… của một thời kỳ khác. Từ thơ ông trở về sau lục bát đã khác, từ hình ảnh đến ngôn ngữ, từ phong thái đến thi tính. Có những cố gắng làm mới, tạo những cảm giác khác hơn của thời tiền chiến. Và tâm tư cũng khác, biểu hiện của một thời đại có nhiều biến chuyển đổi thay từ thời cuộc đến lòng người. Cảnh được tả trong thơ lục bát cũng khác với cảnh của lục bát Huy Cận hay Trần Huyền Trân. Và người, thì cũng lại là khác biệt lớn trong mô tả, trong phác họa. Thơ lục bát của Cung Trầm Tưởng có phong vị của những đoàn tàu đi xa, đến một đích đến nào thật mơ hồ mà thân thiết của những tâm tư của người nghệ sĩ không muốn dừng chân ở bất cứ một bến đỗ nào…
Nguyễn Mạnh Trinh
Nguồn: Tác giả gửi
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire