Truyện ngắn:
Về Quê
Hôm đó là ngày thứ năm. Phải, ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11, ngày lễ Tạ Ơn của
nước Mỹ. Tôi không phải đi làm, suốt cả ngày hết ăn rồi lại nằm, hết nằm rồi
lại xem Ti Vi, cố gắng tận hưởng những giờ
phút nghỉ ngơi hiếm hoi ở cái đất nước văn minh cơ khí này. Chợt nhìn
đồng hồ thấy đã gần 5 giờ chiều, tôi vội vàng đi thay quần áo để ra bờ biển làm
thủ tục chạy bộ hàng ngày. Cách đây mấy tháng, từ lúc bà xã tôi tình cờ phát
giác ra cái vòng số hai của tôi càng lúc càng lớn ra và tôi càng lúc càng có
triển vọng đoạt giải nhất cuộc thi lực sĩ "bụng nở ngực thon", thì bà
ấy, ngoài việc cấm tôi ăn các đồ béo, lại còn âu yếm ra lệnh cho tôi mỗi ngày:
sau khi từ sở làm về, phải ra bờ biển
gần nhà chạy bộ ít ra là 4 dặm để tiêu
đi bớt mỡ. Tôi kính cẩn tuân lời (các cụ dạy rằng: "Có 3 loại tội bất
hiếu, không tuân lời vợ là tội lớn nhất". Tôi xin chép lại nguyên văn chữ
Hán để quý vị tiện đường tham khảo: "Bất hiếu hữu tam, bất tuân thê lệnh
vi đại"). Và từ đó, bất kể nắng mưa sáng tối, cứ vào khoảng 5 giờ chiều là những người đi dạo tại bờ biển
Newport Beach lại thấy một anh chàng
Việt nam ỳ à ỳ ạch bê cái thùng nước lèo của mình từ Newport Pier tới Balboa
Pier và trở lại. Đoạn đường chiến binh dài đúng 4 dặm!
Bà xã tôi thấy tôi bước ra cửa bèn
nhẹ nhàng bảo:
- Hôm nay là ngày Lễ Tạ Ơn, em
cho phép anh nghỉ ở nhà một bữa.
Tiếc công mặc quần áo và thoáng
thấy mấy rổ đồ giặt mới lấy từ máy sấy ra chưa kịp gấp, tôi vội vàng vừa đi vừa
bảo:
- Thôi em ạ, thể dục phải chuyên
cần mới có kết quả. Nghỉ được một ngày thì sẽ nghỉ mãi. Anh ra chạy chừng một
tiếng sẽ về ngay.
Bà xã tôi dặn với theo:
- Anh ráng về sớm để ăn cơm với các
con.
Tôi hấp tấp gật đầu và dong xe đi ra
bờ biển.
Thực tình trong bụng hôm nay tôi cũng muốn ở nhà cho khoẻ, nhưng không
hiểu có một mãnh lực nào thôi thúc tôi phải cương quyết đi cho bằng được. Chả
lẽ... vì bà cụ chăng ? Không có lý! Tôi vừa lái xe vừa thắc mắc mà không tìm ra
câu trả lời. Có một điều gì đó mà sau này tôi mới hiểu được.
Vừa đặt chân xuống bờ biển, tôi đã
thấy ngay bóng bà cụ đổ dài trên bãi cát sát chân trạm cấp cứu số 13. Trạm cấp
cứu này nằm giữa đoạn đường chay bộ của tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm, lòng bỗng
thấy mừng thầm mà không hiểu tại sao. À, thế là hôm nay bà cụ cũng ra hóng gió.
Không biết bà cụ đã bắt đầu mỗi chiều
ra ngồi ở chỗ đó từ ngày tháng nào. Tôi chỉ biết là kể từ lúc tôi thực hiện
chương trình thể dục bất đắc dĩ này thì tôi đã thấy cụ ngồi đó rồi. Mỗi ngày cụ
đều đến trước tôi, và khi tôi ra về thì cụ vẫn còn ngồi đó.
Đó là một bà cụ Á châu vào khoảng
trên dưới 80 tuổi mà tôi nghĩ là người
Việt nam. Tôi chỉ đoán thế dựa trên cách ăn mặc của cụ vì chưa bao giờ tôi được
cụ mở miệng ban cho một câu, hoặc nhìn một cái.
Mỗi ngày lúc chạy ngang qua cụ tôi đều nhìn cụ gật đầu chào, mong có cơ
hội làm quen, vì nhìn cu,ï tôi lại liên tưởng đến mẹ tôi cũng cỡ tuổi như cụ
đang còn ở tại quê nhà. Đáp lại, cụ chỉ lạnh lùng khẽ gật đầu, mắt vẫn đăm đăm
nhìn ra xa như muốn tìm kiếm cái gì bên kia bờ Thái Bình Dương. Cái gật đầu
thật là nhẹ, phải để ý lắm mới thấy được. Và cũng chưa bao giờ tôi chạm được
ánh mắt cụ. Cặp mắt buồn xa xôi dưới vầng trán nhăn nheo luôn luôn hướng ra
khơi. Nhiều lúc tôi muốn tìm cách gợi chuyện với cụ nhưng cuối cùng lại thôi vì
tôn trọng sự kín đáo của cụ. Mối liên hệ giữa tôi và cụ chỉ có thế, giới hạn trong hai cái gật đầu
trong lần đi và trong lần về. Nghi thức xã giao này được lặp đi lặp lại mỗi
ngày trong mấy tháng trời qua.
Hôm nay cũng thế, khi đến gần cụ tôi
lại nhìn cụ cúi đầu chào, hai chân vẫn tiếp tục chạy.
- Chào cậu!
Tôi nghe như bị điện giật, hai chân khựng lại.
Tôi vội quay nhìn cụ và ấp a ấp úng:
- Kính chào cụ. Cụ là người Việt
nam?
Cụ nhìn tôi khe khẽ gật đầu, nét mặt
vẫn lạnh lùng không lộ chút tình cảm nào. Nhưng khi cụ nhìn tôi, tôi thoáng thấy
trong ánh mắt cụ ẩn hiện một chút hóm
hỉnh như có vẻ giễu cợt sự ngây ngô của
tôi: người ta đã nói "Chào cậu" mà mình lại còn hỏi "Cụ là người Việt nam?"
Tôi lúng túng tần ngần chưa biết
phải làm gì thì cụ đã bảo:
- Cậu ngồi xuống đây mình nói chuyện
một chút. Hôm nay tôi có ý đợi cậu.ï
Tôi rón rén ngồi xuống cát, cách
xa cụ độ một sải tay. Tôi đi từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên khác, không biết
bà cụ đợi tôi có chuyện gì.
Như hiểu ý tôi, cụ ôn tồn bảo,
giọng nói đã bớt đi một tí lạnh lùng:
- Cậu ngạc nhiên lắm phải
không? Cậu ngạc nhiên là phải vì điều
này hơi đột ngột đối với cậu. Tôi muốn
gặp cậu chiều nay để từ giã cậu và cám ơn cậu đã chào hỏi tôi trong mấy tháng
qua. Hôm nay là ngày cuối tôi ra đây. Mai tôi về quê.
Tôi nghĩ thầm trong bụng, bà cụ có
vẻ nhà quê nhưng lại thông minh đáo để và nhận xét người hết sức sâu sắc. Bây
giờ mới có dịp quan sát kỹ cụ, tôi bỗng thấy nét mặt cụ có vẻ quen quen, nhưng
không nhớ ra là đã thấy cụ ở đâu trước khi gặp cụ nơi bờ biển này. Tôi vội vàng hỏi:
- Cụ về Việt nam?
Tôi lại hỏi một câu ngớ ngẩn nữa. Cụ
chậm rãi gật gù , mắt không thèm nhìn tôi:
- Vâng, về quê... về Việt nam... về
làng... về Hải Dương... Cậu có biết Hải Dương ở đâu không nhỉ?
Và không đợi tôi trả lời, cụ nói
tiếp:
- Hải Dương là quê của tôi đấy. Ngày
mai người con cả của tôi sẽ đưa tôi về đấy.
Tôi xa quê từ năm 54, bây giờ mới có dịp về. À, cậu trông thấy tôi quen
quen phải không ? Bà cụ của vợ cậu lúc
còn sống thường hay đi chùa với tôi và tôi nhớ hình như có thấy cậu đôi lần lúc
cậu lên chùa đón cụ ... Oâng nhà tôi ngày xưa làm Tuần phủ nên mọi người đều
gọi tôi là cụ Tuần, mãi rồi tôi quên hẳn tên thật của mình.
À ra thế. Cụ Tuần. Hèn gì thấy mặt
bà cụ quen quen. Và tôi cũng nhớ ra lúc còn sống, mẹ vợ tôi cũng có nhắc đến
tên các bà bạn đi chùa của cụ, trong đó hình như có tên cụ Tuần. Tôi bỗng thấy
hơi gờm bà cụ. Sao cụ biết tôi thắc mắc như thế mà trả lời? Tôi bèn đưa đẩy:
- Thảo nào mà cháu thấy cụ quen
quen. Hóa ra cụ là bạn của mẹ cháu. Thế thì mình là người nhà cả.
Cụ cười nhẹ:
-
Chính vì thế mà tôi muốn gặp cậu hôm nay để nói chuyện lần cuối và từ
biệt cậu, kẻo mai kia cậu lại thắc mắc không biết cái bà cụ mặt mày lạnh lùng
khó đăm đăm kia đi đâu mất rồi.
Tôi đỏ mặt, không ngờ bà cụ lại nói
đúng ý nghĩ của tôi. Quả thật trước kia,
sau mỗi lần chào cụ và chỉ nhận được một cái gật đầu như gió thoảng của cụ, tôi
hay lẩm bẩm trong bụng: sao mặt mày bà cụ lại lạnh lùng khó đăm đăm thế!
Cụ nhìn tôi tiếp tục:
- Tôi theo thằng con cả qua đây năm
75, tính đến nay đã được 20 năm. Ngày mai là lần đầu tiên tôi về quê. Và tôi sẽ
ở luôn bên Việt nam, không qua đây nữa. Ấy, cậu đừng hỏi tại sao. Lá rụng về
cội. Người già nào cũng muốn được chôn
xác ở quê cha đất tổ. Tôi đã muốn về từ mấy năm trước cơ, nhưng vì công việc
làm ăn kỳ này con trai tôi mới đưa tôi về được. Muộn còn hơn không ...
Rồi cụ thao thao kể cho tôi nghe về
gia đình cụ, về cụ ông, về cậu con trai, về đời sống của cụ tại Hoa kỳ, về việc
cụ mỗi chiều ra bờ biển vọng về phía bên kia bờ đại dương để nhớ tới quê nhà
... Trong câu chuyện, hình như cụ đoán
trước được các câu hỏi tôi định đặt ra và cụ đã trả lời trước khi tôi kịp mở
miệng. Thành ra trong suốt hơn một tiếng đồng hồ tôi không chen vào được một
chữ.
Cụ bỗng chép miệng, thở dài và
bảo:
- Thôi trời tối rồi, cậu về nhà
đi, vợ con cậu đang chờ cơm. Câu chuyện tôi định kể cho cậu hôm nay chỉ có thế.
Chúc cậu ở lại Mỹ mạnh giỏi, mai tôi về quê. Cậu về trước đi. Tôi nán lại thêm
một tí rồi sẽ về sau.
Tôi ngỏ ý muốn đưa cụ về nhà nhưng
cụ từ chối. Tôi đứng dậy từ giã cụ, miệng lí nhí nói ít lời cầu chúc cho cụ
thượng lộ bình an. Nhìn thấy vẻ bùi ngùi
lưu luyến của tôi, cụ cười bảo:
- Cậu đừng buồn vì nghĩ rằng sẽ
không bao giờ gặp lại nhau . Mọi sự trên đời đều không có gì đi ra ngoài chữ
"duyên". Nếu còn có duyên với nhau thì cậu sẽ có dịp gặp lại tôi, e
rằng lúc đó cậu lại không thích.
Cụ đưa tay khoát vẫy tôi đi. Không dám nói gì hơn, tôi nhìn cụ lần cuối và
từ từ quay đi về hướng đậu xe, lòng cảm thấy hơi bùi ngùi khi phải chia tay với
cụ.
Và kể từ lúc đó, chẳng bao giờ tôi thấy
lại bà cụ nữa trong những lần chạy bộ của tôi.
Hy vọng cụ sung sướng ở quê nhà.
x
x x
Một năm sau, cũng vào dịp lễ Tạ Ơn,
một người Việt nam mới vào làm chung hãng với tôi có nhã ý mời các đồng nghiệp
người Việt trong sở tới nhà để chung vui nhân dịp sinh nhật 16 tuổi đứa con gái đầu lòng của anh. Bà xã tôi vì bận việc nên tôi được phép đi dự
tiệc một mình.
Vì tới đúng giờ nên tôi là người
khách đầu tiên. Chủ nhà niềm nở đưa tôi vào phòng khách nhâm nhi tí rượu trong
khi chờ đợi các vị khách Việt khác điều chỉnh đồng hồ của họ. Căn phòng khách
được trang hoàng một cách đơn giản nhưng rất lịch sự và tươm tất. Thoáng ngửi
thấy mùi hương, tôi quay nhìn về phía cuối phòng và choáng váng khi thấy bức ảnh trên bàn
thờ ẩn hiện sau làn khói mỏng của nén
hương. Tôi sững sờ vì rõ ràng đó là hình bà cụ tôi gặp ngoài bờ biển. Vẫn khuôn
mặt "lạnh lùng khó đăm đăm" đó, vẫn cái nhìn xa vắng pha lẫn một tí
giễu cợt đó, không thể nào sai được. Tôi vội hỏi anh Phong, người chủ nhà:
- Có phải đó là hình của cụ Tuần
không?
Anh Phong gật đầu:
- Vâng, đó là hình của mẹ tôi, ở chuà
người ta hay gọi cụ là cụ Tuần, vì ngày xưa ông cụ của tôi làm Tuần phủ. Sao
anh lại biết mẹ tôi?
Tôi vội vàng nói chữa:
- Tôi biết cụ vì ngày xưa cụ cùng đi
chùa với bà cụ mẹ vợ tôi.
- À ra thế! Thì ra mình là người nhà
cả, anh hân hoan gật gù.
Tôi chết điếng trong lòng, không
ngờ mới gặp nhau năm trước mà cụ đã mất
rồi. Tôi lắp bắp:
- Cụ mất lúc nào vậy anh Phong?
- Cũng được hơn 5 năm rồi đó anh.
Câu trả lời của người chủ nhà làm
tóc tai tôi muốn dựng đứng hết cả lên. Tôi lặp lại như một cái máy:
- 5 năm . . .
Không để ý đến vẻ khác lạ của tôi,
người chủ nhà kể tiếp:
- Phải, mẹ tôi mất cách đây cũng đã
hơn 5 năm, mà mãi đến năm ngoái sau ngày Lễ Tạ Ơn tôi mới có dịp đem tro của cụ
về an táng tại quê nhà ở Hải Dương, đáp
ứng được nguyện vọng cuối cùng của cụ.
Tôi tái người nhớ lại lần nói
chuyện giữa tôi và cụ đã xảy ra vào đúng ngày lễ Tạ Ơn năm ngoái, một ngày
trước khi con trai cụ đưa tro cụ về Việt nam.
Chúng tôi hai người im lặng giây lát
như để tưởng niệm người quá cố. Chủ nhà chầm chậm ngước mắt nhìn về phía bàn
thờ. Và lần này thì đến phiên anh ngạc nhiên hốt hoảng. Anh lẩm bẩm:
- Quái lạ, ai thay bức hình đấy nhỉ
?
Tôi quay đầu lại nhìn bức hình và cũng ngạc nhiên không
kém. Rõ ràng là ít phút trước đây nét mặt người trong hình lạnh lùng nghiêm
nghị, môi mím chặt thế mà bây giờ trong
hình bà cụ đang cười tươi, để lộ gần nguyên hàm răng đen bóng, hai con mắt lá răm hiện đầy vẻ tinh nghịch.
Người chủ nhà hướng về phía vợ đang
lui cui trong nhà bếp hỏi lớn:
- Em ơi, có phải em thay hình của
mẹ trên bàn thờ không ?
Người vợ lên tiếng nói vọng ra trong khi vẫn tiếp tục
làm đồ ăn:
- Em đâu biết hình ảnh gì đâu. Anh
là người giữ các bức ảnh mà.
Người chồng hừ nhỏ một tiếng trong
cổ, nét mặt đầy vẻ bối rối băn khoăn. Khi mắt anh chạm phải tia nhìn dọ hỏi của
tôi, anh vội giải thích:
- Anh biết không, khi mẹ tôi mất,
chúng tôi có phóng lớn và làm khung hai
bức ảnh của cụ vì lúc đó phân vân không biết chọn bức nào để thờ. Một
bức có hình cụ tươi cười như anh đang thấy đây, và bức kia thì mặt cụ nghiêm
trang không cười. Sau khi cả gia đình
hội ý với nhau, chúng tôi chọn bức không cười để đặt trên bàn thờ và cất bức
kia vào tủ. Tôi là người phụ trách bàn thờ và giữ hai bức ảnh vì tôi là con cả.
Tôi nhớ là chỉ có chưng bức hình không cười lên bàn thờ mà thôi. Không hiểu tại
sao hôm nay lại biến thành bức hình này như thế.
Tôi vội nhìn lên bàn thờ và quan sát
kỹ lại bức ảnh. Không biết tôi có tưởng tượng hay không nhưng rõ ràng tôi thấy
trong ánh mắt của cụ hiện lên một vẻ tinh nghịch hân hoan đượm nét ngây thơ của
trẻ con pha lẫn một chút dịu dàng từ ái của lòng mẹ. Tôi định lẩm bẩm trách
thầm cụ trong lòng rằng cụ đã bảo với tôi năm ngoái là cụ về quê thế mà giờ này
cụ còn ở đây nghịch phá. Nhưng ý định trách móc vội tan biến ngay khi tôi chợt nhớ lại lời nói cuối cùng của cụ với tôi về chữ
"duyên" : "Mọi sự trên đời đều không có gì đi ra ngoài chữ
"duyên". Nếu còn có duyên với nhau thì cậu sẽ có dịp gặp lại tôi, e
rằng lúc đó cậu lại không thích". Tôi vội vã nói thầm lời xin lỗi cụ.
Trong khi đó, người chủ nhà vẫn lộ vẻ thắc mắc bất an.
- Anh Phong này ....
Tôi buột miệng định kể cho anh chủ
nhà biết sự tao ngộ ly kỳ giữa tôi và bà cụ của anh, nhưng vội nín bặt khi
thoáng thấy ánh mắt can ngăn của bà cụ trong bức hình.
- Gì thế anh? , người chủ nhà vội
hỏi.
Tôi bèn tìm lời khỏa lấp:
- Tôi nghĩ là có thể một lúc nào đó
anh đã thay bức hình và quên bẵng đi. Với tuổi tác bọn mình bây giờ, làm trước
quên sau là chuyện thường.
Người chủ nhà lịch sự gật đầu đồng
ý, nhưng có vẻ không tin tưởng lắm vào lời giải thích.
Những người khách Việt giữ đúng
truyền thống giờ cao su đang lục tục kéo đến, và chúng tôi đành bỏ dở câu
chuyện để đi chào đón mọi người. Lợi
dụng lúc đông người lu bu, tôi chuẩn bị chuồn êm sau khi đã nhờ một người bạn
chuyển lời cáo lỗi của tôi tới chủ nhà, viện cớ là bỗng dưng tôi không thấy
khỏe. Quả thật là tôi bắt đầu cảm thấy
rờn rợn mỗi khi nhìn lên bàn thờ và chạm phải ánh mắt tinh nghịch của người
trong ảnh. Không dám nhìn thẳng vào bức ảnh,
tôi thầm nói lời từ biệt với cụ và lẳng lặng lách mình ra cổng. Không
ngoái cổ nhìn lại, tôi cắm đầu rảo bước như bay đến chỗ đậu xe. Trong tiếng gió
thoảng của một chiều cuối thu, mường tượng như có ai nói khẽ vào tai tôi hai tiếng:
"Chào cậu".
Trần Văn Lương
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire