caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

jeudi 14 novembre 2013

Rau Quả Và Nông Dược Nguyễn thượng Chánh, DVM

Rau Quả Và Nông Dược  
Nguyễn thượng Chánh, DVM
***

  
 
Hằng năm sâu bọ, côn trùng, nấm mốc, ký sinh trùng, bệnh tật, chuột bọ, chim chóc và cỏ dại đã phá hại trên 1/3 số nông phẩm thu hoạch được trên toàn cả thế giới. Chỉ riêng tại Bắc Mỹ, sự thiệt hại được ước lượng vào khoảng 20 tỷ $/ năm.
 
Để đối phó với các tai ương vừa kể, giới nông nghiệp đã sử dụng đến những phương tiện hóa học mà người ta gọi chung là nông dược. Mùa màng, hoa màu nhờ đó mà sẽ được tươi tốt, kết quả đồng nhất hơn, năng suất và phẩm chất cao hơn, và nhất là sản phẩm vẫn được bán ra với giá phải chăng hơn…
 
 
Nhưng đồng thời với những thành quả kể trên, con người lại phải trả một giá khá đắt, đó là vấn đề ô nhiễm môi sinh và những tác hại đến sức khỏe do các chất tồn dư hóa học gây ra.


* * *
 
Nông dược là gì?
 
Theo nghĩa rộng rãi, đây là những hóa chất dùng để bảo vệ mùa màng, hoa màu, giúp cải thiện phẩm chất, gia tăng năng suất cũng như để việc tồn trử nông sản thu hoạch được tốt đẹp.
 
Nhiệm vụ của nông dược vừa đa năng mà cũng vừa đa dạng.
 
Nông dược (pesticide) có thể ở dưới dạng bột, dạng hạt, hoặc dạng lỏng.
 
Nó có thể được rải từ trên các máy bay nhỏ (kể cả trực thăng không người lái, unmanned helicopter) xuống những cánh đồng bát ngát đậu nành, bắp, lúa mì, nho, v.v… Người ta cũng có thể sử dụng những xe kéo (tracteur), hoặc xe tải nhỏ có trang bị những bồn chứa đặc biệt để phun xịt thuốc trừ sâu lên những hàng cây xum xê trái, hoặc lên những luống rau cải thẳng tấp dài bất tận. Đơn giản hơn là hóa chất được xịt từ những bình mang bên vai.
 
Nông dược sử dụng có thể là: thuốc diệt cỏ (herbicide), thuốc khai quang (défoliant), thuốc diệt nấm mốc (fongicide), thuốc diệt chuột bọ (rodenticide), thuốc trừ sâu rầy (insecticide), thuốc diệt ốc (molluscicide), thuốc diệt vi khuẩn thực vật (bactéricides végétaux), thuốc điều hòa sự tăng trưởng thực vật (régulateur de croissance), v.v…
 
Về mặt hóa học, nông dược nằm trong những nhóm chánh yếu sau đây: Organophosphorés(Diazinon, Malathion, Parathion), Organochlorés(DDT, BHC, Mirex, Aldrin), và các Composés organosulfurés, organoazotés, Pyréthrine, dérivés de l’acide phénoxyacétique, v.v…
 
Tất cả đều rất độc cho sức khỏe của chúng ta. Lúc sử dụng, cần phải mang mặt nạ che mắt, che mũi, và bận quần áo thật kín để thuốc khỏi bị nhiễm vào da.
 
Nhóm organochlorés, ngày nay ít thấy được sử dụng tại các quốc gia Tây phương nhưng vẫn còn được tiếp tục xài tại các xứ đang phát triển.
 
Chất DDT, rất thông dụng từ mấy chục năm, nay đã bị cấm sử dụng tại phần lớn các quốc gia trên thế giới kể cả Việt Nam.
 
Để thay thế người ta có khuynh hướng chuộng các loại nông dược nhóm organophosphorés.
 
Trong cuộc chiến vừa qua ở quê hương, chắc không ai mà lại không nghe nói đến một loại thuốc khai quang mà quân lực Hoa Kỳ đã sử dụng. Người ta thường gọi đó là thuốc khai quang màu da cam hay Agent orange 2,4-D. Đây là một hỗn hợp 50:50 của hai chất thuốc diệt cỏ cực mạnh thuộc nhóm phenoxy acetic acid. Trong quá trình sản xuất, một trong hai loại thuốc kể trên sẽ tạo ra chất dioxine, là một chất độc cực kỳ nguy hiểm vì nó có thể gây ung thư hoặc tạo ra quái thai. Monsanto là công ty đặc quyền sản xuất thuốc khai quang cho quân đội Mỹ. Tên Agent orange xuất phát từ các thùng chứa thuốc có sơn một vòng màu vàng da cam.
 
Chuyện bên đó, chuyện bên đây
 
Trung tuần tháng 11, 2008, các giới chức năng và báo chí bên nhà đã la hoảng lên về vấn đề trái cây Trung Quốc bán qua Việt Nam đã bị nhiễm độc hóa chất lạ.
 
Đây chẳng phải là chuyện lạ gì cho ai cã. Chuyện đâu có gì mà phải ngạc nhiên lên vậy. Hàng hóa, thực phẩm Trung Quốc đã nổi tiếng bê bối từ lâu rồi.
 
“…Sau cùng với một số lượng nông sản xuất cảng hầu như khắp thế giới, thành phẩm hay dưới hình thức nguyên liệu lớn như vậy; với nông sản nguyên liệu TC xuất cảng sang các nước và các nước biến chế ra thành thực phầm made in France, in VN, in Thai Land, v.v...; một hệ thống pháp lý kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm của TC bị ung thối, tham nhũng như vậy-- liệu người dân tiêu thụ các nước có thoát khỏi độc tố TC hay không. Nỗi lo khó thoát khỏi độc tố TC của các nước trên thế giới không phải không có lý do…” (Ngưng trích Vi Anh –Khó thoát khỏi đồ độc TC- Vbao 11/04/2013)
 
Nhóm 10 hãng thuốc trừ sâu hàng đầu thế giới.
 
Và gần dây báo chí bên nhà cũng có cho biết một vấn đề cũ rích từ khuya:
 
“…Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết các loại sau có nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu cao là: rau muống, rau ngót, cải xanh, đậu đỗ, nho tươi, dưa lê, chuối… Do vậy, một bác sĩ tư vấn trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị chỉ cách đơn giản dò ra “dư lượng hoá chất trong thực phẩm bằng cách đơn giản là ngửi và nhúng vào nước. Nếu ngửi nhanh thấy mùi hôi thì trong đó còn dư lượng của thuốc trừ sâu... Khi đi mua rau, quả phải xem kỹ hình dáng, màu sắc, độ tươi của rau, quả (không giập nát, héo úa, trầy xước), rau quả tươi thì chắc, nặng. Nhìn xem các cuống quả có bị đọng phấn lạ không, ngửi thử để phát hiện mùi lạ (nếu có dư lượng thuốc trừ sâu thì sẽ có mùi hắc và hôi)…” (Ngưng trích-Rau VN cơ nguy nhiễm thuốc trừ sâu cao- VietBao Cali- 10/23/2013)
 
Có tới 70% sản phẩm rau không an toàn, theo tin từ báo Công Thương. Bản tin báo này ghi theo Bộ Y tế, cho biết hàng năm có khoảng 40.000 người ăn phải thức ăn bị nhiễm độc, trong số 4.800 ca nhập viện có tới 46 người tử vong. Dự báo, số ca ngộ độc thực phẩm ngày càng tăng cao khi mà thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, trong khi đó công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Thống kê đưa ra tại Hội thảo quản lý ATTP đối với sản phẩm rau do Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IpSard) phối hợp với tổ chức Veco Việt Nam tổ chức. (Ngưng trích VietBao 11/02/2013).
 
Tuy biết hàng hóa Trung Quốc nguy hiểm như thế nhưng tại Việt Nam rau quả Trung Quốc mỗi ngày vẫn ào ào tràn qua biên giới.
 
Mấu chốt vấn đề không những chỉ bắt nguồn từ phương Bắc mà bên nầy biên giới cũng có rất nhiều con buôn Việt Nam vì quyền lợi đã nhẫn tâm mua một loại thuốc của Trung Quốc về để nhúng trái cây cho mau chín, và tươi tốt hơn hầu hấp dẫn người tiêu thụ. Đó là thuốc Ethrel chưa được đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Trường hợp sử dụng không đúng lời chỉ dẫn chẳng hạn như pha thuốc ở nồng độ quá đậm đặc sẽ rất nguy hiểm cho người tiêu thụ sản phẩm.
 
Tại Sài gòn, muốn mua hóa chất cấm, bao nhiêu cũng có hết. Hãy vô chợ Kim Biên mà hỏi.(phường 13, quận 5, TPHCM)
 
Hải ngoại:
 
Bạn thử đi một vòng các chợ Tàu tại New York, Paris, Montreal, Toronto, Vancouver, San Francisco thì quá rõ. Các loại trái cây như cam, táo, nho, lê, hồng, v.v... toàn là sản phẩm Trung Quốc, trái nào trái nấy vừa to vừa bóng hấp dẫn hết sức mà bán giá rất rẻ mạt.
 
Nông gia Quebec kêu Trời như bộng vì bị hàng Trung Quốc cạnh tranh quá cỡ thợ mộc. Mậu hẩu quá xá quà xa hết biết rồi.
 
Năm 2005 Quebec nhập một khối lượng là 11,3 triệu kg rau quả đông lạnh, đóng hộp conserve hoặc tươi. Sản phẩm được chuyên chở nhiều tuần bằng tàu mà vẫn còn tươi rói (?). Năm 2004 chỉ nhập có 5,7 triệu kg. Đây là hàng đông lạnh mà Trung Quốc bán thật rẻ để cung cấp cho nhà hàng, hotel, cantine,cafétéria, bệnh viện, các trung tâm cải huấn và những nơi nuôi dưỡng người già.
 
Các nhà hàng rất thích và ưa chuộng các sản phẩm Trung Quốc vì nó vừa rẻ và vừa tiện lợi, như đã được gọt vỏ và cắt sẵn rồi.
 
Vì sản phẩm đòi hỏi quá nhiều khâu biến chế bằng tay, rất tốn kém nên các nhà đầu tư Canada đã không sản xuất nữa. Từ lâu tại Québec, nấm lon (champignons en conserves) đều được nhập từ Trung Quốc. Dưa chuột ngâm giấm (cornichons marinés) từ Ấn Độ, củ hành Tây, carotte to da láng đều được nhập từ Trung Quốc.
 
Năm 2007, Québec nhập của Trung Quốc 21 triệu kg củ hành đông lạnh (loại đã được lột vỏ rồi).
 
Vấn đề nầy hình như ít có ai nghĩ tới.
 
Hàng hóa,thực phẩm Trung Quốc giá quá rẻ. Chánh phủ Canada (CFIA) thiếu nhân viên inspectors, thiếu ngân sách dùng để kiểm soát việc nhập cảng thực phẩm.. Người dân Canada tự hỏi: «liệu ăn ba cái thực phẩm TQ có an toàn không?».
 
Đôi khi ăn đồ nhập từ Á châu mà cứ tưởng rằng là mình đang ăn sản phẩm made in Canada.
 
Nên biết rằng đối với Canada, Trung quốc đứng hạng thứ hai sau Hoa Kỳ trong vấn đề thương mại, có qua có lại mới toại lòng nhau. Năm 2010, Canada thu về 57,7 tỷ $ từ hàng hóa bán choTrung quốc.
 
Chuyện thương tâm: mù mắt vì củ hành tím tại huyện Vĩnh Châu
 
“…Có một hiện tượng lạ đang xảy ra ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng mà người ta thường nhắc đến bấy lâu nay là cả một xóm cư dân tự nhiên mắc bệnh đau mắt rồi mù luôn khiến xóm này phải mang một danh hiệu thương tâm bất đắc dĩ: "xóm mù Lạc Hòa".
 
Có nhiều người sức khỏe vẫn tốt, đang làm việc bình thường thì bỗng nhiên mắt bị xốn, đau nhức và khoảng 1 tháng sau thì bị mù lòa.
 
Có nhiều gia đình liên tiếp bị mù 3-4 người mà phần lớn lại là những lao động chính nên chẳng mấy chốc gia đình xuống dốc lâm cảnh thê lương.
 
Bị mù không làm việc được, không có thu nhập, hàng loạt gia đình đang lâm vào cảnh thiếu đói, nợ nần chồng chất.
 
Theo tờ Người Lao Động ngày 22/1/03 cho hay, có điều lạ là đến thời điểm này nhiều người vẫn chưa biết vì sao mình lại bị mù dù hiện tượng này đã xảy ra nhiều năm.
 
Kết quả: 2.898 người bị mù, chiếm đến 0,9% tổng số dân của huyện, trong đó có đến 1.242 người bị mù hoàn toàn cả hai mắt, và 1.656 người bị mù một mắt (mù mắt trái hoặc mù mắt phải). Số người mù tập trung nhiều nhất ở các xã Lạc Hòa, Vĩnh Phước, thị trấn Vĩnh Châu. Số người mù 10 năm trở lên chiếm 51,7%, mù từ 3-10 năm chiếm đến 9,1%, mù từ 1-3 năm chiếm đến 22,4% và mù trong 1 năm chiếm 16,7%. “ (Ngưng trích Vietbao.com-1 Huyện Ở Sóc Trăng Có Tới 2.898 Người Bị Mù 01/25/2003)
 
Từ trên 10 năm nay, tại huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng, nam Việt Nam nghề trồng củ hành tím đã bọc phát lên rất mạnh mẻ.
 
Theo báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng cho biết có trên 5000 hộ đã trồng củ hành tím rất thành công và thu về những lợi nhuận rất cao so với lúa. Để cho việc tồn trử được tốt và lâu dài, củ hành thu hoạch được trộn chung với loại bột nông dược Mipcin rất độc. Người ta nghi ngờ các bụi phấn nầy là thủ phạm đã gây hại mắt của cả ngàn người sống về nghề trồng củ hành tím tại huyện Vĩnh Châu.
 
Người dân trộn 40kg đất sét trắng với 2kg Mipcin (một loại thuốc trừ sâu, chống rầy, nấm..). Đất sét để hút ẩm, Mipcin để chống sâu, chống mối vá giữ củ hành lâu thúi.
 
Mipcin thuộc nhóm Carbamate, hoạt chất là MICP (Isocarb) vô cùng nguy hiểm đã từng gây chết người trong việc trồng củ hành tại Indonesia.
 
Tất cả các giai đoạn đều làm bằng tay, không đeo bao tay hay đeo khẩu trang gì hết.
 
Rất nhiều bệnh nhân bị giảm thị lực, đục thủy tinh thể, viêm loét giác mạc, quặm mi, teo nhãn cầu.
 
Phần đông vì nghèo khó, thiếu kiến thức vệ sinh nên họ tự chữa trị lấy bằng cách đấp lá cây, nhỏ thuốc nam, do đó bịnh trở nên nặng thêm và thậm chí đã bị mù lòa một cách vĩnh viễn.
 
Hình ảnh về phun thuốc trừ sâu.
 
Số bệnh nhân càng ngày càng gia tăng thêm lên mãi mãi.
 
Sự thiếu hiểu biết về biện pháp phòng ngừa cũng như tình trạng vệ sinh quá yếu kém là những nguyên nhân chánh cùa vấn đề mù mắt.
 
Tác giả thấy quảng cáo của Trung quốc: Mipcin bao 25kg, rất độc nhiễm qua da, mắt và ngõ hô hấp. Phải cẩn thận.
 
Isoprocarb/ MIPC/Mipcin /Mobucin 97%TC(agrochemical:insecticide/pesticide)
 
Toxicity
 
Oral-Acute oral LD50 for rats c. 450 mg/kg.
 
Skin and eye Acute percutaneous LD50 for rats >500 mg/kg.
 
Inhalation LC50 (4 h) for rats >0.5 mg/l (aerosol).
 
Tại Canada, loại rau quả nào thường hay bị nhiễm hóa chất nhứt?
 
Tạp chí Protegez vous, số tháng hai năm 2002 có cho thực hiện một cuộc xét nghiệm thăm dò về mức độ nhiễm hóa chất của một số rau quả thông thường bán tại Quebec. Có tất cả 75 mẫu rau quả đã được kiểm soát, gồm có: céléri, fraise, laitue, cam, pêche, poire, poivron và pomme. Trong số nầy, thì sự kiểm nghiệm cho thấy có 26 mẫu (échantillons) có sự hiện diện của chất tồn dư (résidu) nông dược, nhưng cũng may đa số đều nằm trong mức quy định của chánh phủ, ba mẫu có chứa cùng một lúc nhiều loại nông dược khác nhau, và cuối cùng chỉ có hai mẫu là vượt quá giới hạn cho phép mà thôi.
 
Pomme là sản phẩm bị nhiễm nông dược nhiều nhứt, nhưng cũng may là mức độ nhiễm thường nằm trong giới hạn được cho phép.
 
Trái cây ngoại nhập thường bị nhiễm nhiều hơn trái cây sản xuất tại Canada.
 
Tại sao phải xịt một màng sáp lên rau quả?
 
Phần lớn rau quả mua tại các chợ Canada đều được xịt phủ lên một màng sáp để giữ nước và giúp chúng chậm héo và vẫn giữ vẻ tươi tốt trong một thời gian lâu dài…
 
Cà tím, dưa leo, avocados, cantaloupe, pomme, poire, pêche, melon, nectarine, cam, chanh, bưởi, hồng tươi, v.v…đều bị xịt áo một lớp sáp.
 
Chất sáp sử dụng được lấy từ sáp ong, từ một vài loại thực vật hoặc là từ dầu paraffine. Để cho lớp sáp được phủ đều lên rau quả, kỹ nghệ cho trộn thêm chất morpholine. Chất nầy tự nó không nguy hiểm, nhưng trong cơ thể morpholine sẽ tác động với nitrate để cho ra chất N-nitrosomorpholine, và chất này cho thấy đã gây cancer ở chuột thí nghiệm. Cơ quan Santé Canada cho biết không có gì đáng ngại cho sức khỏe hết vì morpholine được sử dụng ở một nồng độ rất thấp.
 
Morpholine còn được tìm thấy trong một số mỹ phẩm, như trong dầu gội đầu shampoo, trong các dụng cụ bằng cao su, chẳng hạn như trong các núm vú để cho trẻ em ngậm.
 
Nông dược ảnh hưởng như thế nào trên sức khỏe?
 
Tùy thuộc vào loại nông dược và nồng độ sử dụng mà triệu chứng ngộ độc có thể thay đổi khác nhau.
 
Nông dược xâm nhập vào cơ thể qua nhiều ngõ như tiêu hóa, hô hấp hoặc qua ngõ da.
 
Trường hợp bệnh mắt tại Vĩnh Châu là do tác dụng tại chổ.
 
Triệu chứng ngộ độc cấp tính thường là nhức đầu, chóng mặt, choáng váng mặt mày, thở khó, nôn mửa, và có thể bị tiêu chảy hoặc bị sốt nóng.
 
Qua hiện tượng tích lũy sinh học (bioaccumulation), các chất tồn dư nông dược ăn vào mỗi ngày về lâu về dài theo thời gian sẽ ảnh hưởng từ từ đến sức khỏe, gây nên những bệnh mạn tính rất phức tạp…
 
Chúng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, hệ miễn dịch, hệ nội tiết, hệ sinh dục, làm giảm số lượng tinh trùng, làm biến đổi gène (mutagénique) sinh ra quái thai, và cũng có thể gây ra cancer, chẳng hạn như cancer não, cancer máu (leucémie), và cancer hạch bạch huyết (lymphome), v.v…
 
Theo Gs Frederick Vom Saal (Univ. de Missouri) thì không có một nồng độ nào của hóa chất, dù cho thật nhỏ đến đâu, mà lại không gây hại đến sức khỏe.
 
"Il n'existe pas de quantité minimale en deçà de laquelle (certains de) ces produits n'ont pas d'effet."
 
Có nên lo sợ hay không?
 
Theo như một số nhà khoa học, thì chúng ta đừng nên lo sợ thái quá, không có ích lợi gì cả. Họ cho biết là cơ thể con người có khả năng tự bảo vệ chống lại sự xâm nhập liên tục của các liều lượng nhỏ hóa chất.
 
Ngược lại, nhóm bảo vệ môi sinh thì bi quan hơn. Họ không ngừng cảnh giác thế giới và dân chúng về hiểm họa thật sự của nông dược trên môi sinh cũng như trên sức khỏe con người. Theo nhóm nầy, thì những quy định của chánh phủ về định mức an toàn của sản phẩm cũng không có mấy gì bảo đảm hết cả. Có thể còn có nhiều loại hóa chất nữa mà chúng ta chưa hề được biết đến, và chúng sẽ tác động lẫn nhau để gây hại đến sức khỏe.
 
Trong những thí nghiệm về ảnh hưởng của các chất tồn dư, người ta thường chỉ chú trọng vào việc xét nghiệm các hoạt chất chánh (ingrédients actifs) mà thôi, còn các chất trơ (ingrédients inertes) thì không được chú ý đến… Thí dụ điển hình là thuốc diệt cỏ nổi tiếng khắp thế giới Roundup, do tài phiệt Monsanto sản xuất (với thương vụ 1 tỷ $/năm) có chứa chất 1,4-Dioxane, là một chất gây cancer cho loài chuột thí nghiệm. Dù ăn nhiều hay ăn ít, chất tồn dư nông dược sẽ tích lũy lần hồi theo thời gian để đến một lúc nào đó tùy theo cơ thể của mỗi người mà gây ra bệnh… Các trẻ em nhỏ tuổi, các phụ nữ đang mang thai, và các người nào có sức miễn dịch đã bị suy yếu sẵn, sẽ là những đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng của hóa chất.
 
Chánh phủ Canada đã làm gì ?
 
Tại Canada, để có thể tung ra thị trường, một nông dược cần phải có được sự phê chuẩn và chấp thuận (homologué) của chánh phủ trước đó, cũng như cần phải thông qua một số thủ tục cứu xét của cơ quan Santé Canada. Thời gian, thủ tục rất thay đổi và có thể kéo dài rất lâu trong nhiều năm trước khi loại nông dược đó được cho phép bán ra… Agence de Règlementation de la Lutte Antiparasitaire, ARLA, thuộc Santé Canada, là cơ quan chịu trách nhiệm duyệt xét các loại nông dược. Nhà sản xuất phải đệ nạp tất cả các phúc trình khảo cứu về độc tố học, về cách sử dụng, cũng như về ảnh hưởng trên sức khỏe và trên môi sinh.
 
Cơ quan Kiểm Tra Thực Phẩm Canada (CFIA) chịu trách nhiệm cho thi hành và theo dõi việc áp dụng các quy định của Santé Canada liên quan đến nông dược. Căn cứ vào liều lượng thí nghiệm không gây hại ở chuột, người ta chia cho 100 để ấn định làm liều lượng thường nhật khả chấp ở người (dose journalière admissible, DJA). Đây có nghĩa là định mức an toàn mà mọi người có thể ăn mỗi ngày trong suốt cuộc đời mà không sợ nguy hại đến sức khỏe…
 
Ngoài ra còn có liều lượng tối đa tồn dư (limite maximale de résidu, LMR). Đây là số lượng tối đa của một hóa chất nào đó, từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau, mà chúng ta có thể ăn vào một cách an toàn. LMR luôn luôn phải thấp hơn DJA. Tuy nhiên các định mức trên không phải là bất di bất dịch.
 
Chúng có thể được thay đổi hoặc được điều chỉnh lại bất cứ lúc nào tùy theo những khám phá mới về y học. Một nông dược có thể bị cấm sử dụng nếu thấy có nguy hiểm thật sự cho sức khỏe như DDT và Dieldrin chẳng hạn.
 
Vấn đề nầy cũng còn tùy thuộc theo từng mỗi quốc gia. Có những loại nông dược bị cấm sử dụng tại một quốc gia nầy nhưng lại được cho phép sử dụng tại một quốc gia khác. Canada hiện có khoảng trên 500 loại nông dược đang được phép sử dụng…
 
Mỗi năm cơ quan Kiểm Tra Thực Phẩm Canada đã cho xét nghiệm trên 300.000 mẫu thực phẩm, trong đó có khoảng 10.000 mẫu rau cải và trái cây tươi các loại. Kết quả cho biết có lối 23% sản phẩm tươi bán ra có nhiễm chất tồn dư nông dược. Cũng may là đa số các vi phạm đều nằm trong giới hạn an toàn được cho phép, chỉ có 2 % đã vượt ra khỏi mức quy định mà thôi.(?)
 
Qua kết quả xét nghiệm trên, chúng ta cũng tự hỏi liệu các thực phẩm nhập cảng từ Á châu có nhiễm hóa chất hay không và nhiễm đến mức độ nào?
 
Vài năm trước đây, có tin đồn gạo Thái Lan bị nhiễm cadmium. Đây là một kim loại nặng thấy trong kỹ nghệ khai thác các quặng đồng, chì và kẽm, trong kỹ nghệ mạ kền và plastic. Nhiễm cadmium lâu ngày sẽ bị tổn hại đến các hệ miễn dịch, tiêu hóa, hô hấp, thận, xương cũng như việc tạo lập hồng huyết cầu. Gạo nhiễm độc trên được sản xuất tại huyện Mae Sot, tỉnh Tak, Thái Lan, và được xuất khẩu đi khắp thế giới. Đó là loại gạo hương lài (jasmine) rất ngon cơm.
 
 
Một vài con số
 
Năm 1996, Hoa Kỳ đã sử dụng trên ba triệu tấn nông dược. Liên hiệp Âu Châu, năm 1999 đã thực hiện một cuộc xét nghiệm về độ nhiễm hóa chất trên rau cải bán tại một số chợ bên Âu Châu. Kết quả cho biết có trên 4.3% sản phẩm bán ra có chứa các chất tồn dư nông dược trên mức quy định.
 
Hằng năm, Pháp và Nhật Bản đã sử dụng trên 100.000 tấn nông dược, đứng hạng nhì sau Hoa kỳ.
 
Mỗi một vụ lúa, nông dân Pháp đã sử dụng tám lược nông dược, gồm có các thuốc diệt nấm, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu rầy, côn trùng, và thuốc làm ngắn thân cây lúa (raccourcisseur de paille).
 
Riêng tỉnh bang Quebec, Canada, mỗi năm đã phun xịt trên 6000 tấn nông dược.
 
Vài năm trước đây, khoảng tháng 5/2002, dân Đức đã xôn xao về tin một số thực phẩm của họ có thể bị nhiễm chất Nitrofen. Đây là chất diệt cỏ rất độc và rất nguy hiểm vì có thể gây cancer. Liên Âu cũng như Hoa kỳ đã cho lệnh cấm sử dụng hóa chất này từ năm 1980, duy chỉ có phần Đông Đức cũ vẫn khư khư tiếp tục xài đến mãi năm 1997 mới ngưng. Nguy hại hơn nữa là một số thực phẩm hữu cơ (organic, như bánh mì và thịt gà organic cũng bị lây nhiễm chất nói trên. Hằng trăm nông trại bên đó bị bắt buộc phải đóng cửa để chờ chính phủ Đức làm sáng tỏ nội vụ. Ngày nay nông dược được gắn liền chặt chẽ với sản suất nông nghiệp.
 
Tại Hoa Kỳ các nông dược sau đây có thể được xem là quan trọng và có thể ảnh hưởng đến môi sinh và sức khỏe:
 
- Glyphosate: một loại thuốc diệt cỏ, còn được gọi là Monsanto’s Roundup.
 
- Atrazine
 
- Chlorpyrifos
 
- Metolachlor
 
- Methamsodium
 
Sau đây là tên tuổi của một số tài phiệt quốc tế về hóa chất nông nghiệp đang ảnh hưởng đến vận mạng của cả thế giới: Dow Chemical, Monsanto và Dupont của Hoa Kỳ, Âu Châu có Bayer và BASF sẽ thay thế Aventis Crop Science, Thụy Sĩ có Syngenta vv…
 
Và không thể quên Trung quốc có: công ty hóa chất nông nghiệp Shenghua Agrochem
 
China Shenghua Group Agrochemical Company (SHENGHUA AGROCHEM), one of largest enterprises group in the line of Agrochemicals in China.
 
SHENGHUA AGROCHEM is ranked as one of twenty largest agrochemical enterprises in China, with the sales volume more than USD350 millions in 2011.
 
Rau quả hữu cơ, một cách giải quyết hợp lý?
 
Khai thác mối lo ngại của quần chúng về hóa chất, các giới thương nghiệp đã tung ra thị trường các loại sản phẩm hữu cơ (organic, bio). Đây là rau quả được gieo trồng theo cách thiên nhiên, quy định bởi những điều lệ rất khắc khe như: không sử dụng phân hóa học, không hóa chất, không xài thuốc kháng sinh để trị các loại vi khuẩn thực vật, không xài nước có chất chlore, không xài hạt giống chuyển đổi gene OGM (organisme génétiquement modifié), không áp dụng phương pháp xạ chiếu (irradiation) để tồn trữ sản phẩm, và cũng không được quyền canh tác trên những mảnh đất mà trong vòng ba năm trước đó đã bị ô nhiễm bởi các loại phân hóa học.
 
Nhà sản xuất rau quả organic chỉ được phép sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng, phân ủ… Để bảo vệ hoa màu, họ chỉ được dùng những loại thuốc có nguồn gốc thiên nhiên mà thôi. Với phương pháp này rất khó kiểm soát nổi bệnh tật, sâu rầ, và cỏ dại. Sự thiệt hại sẽ cao hơn bình thường, tăng trưởng chậm, năng suất sẽ thấp và không được đồng nhất. Giá bán sản phẩm phải rất cao…
 
Hiện nay, chưa có văn bản nào của cơ quan Kiểm Tra Thực Phẩm thuộc chính phủ trung ương Canada quy định và công nhận sản phẩm organic hết.
 
Một số tổ chức tư nhân đứng ra phụ trách việc kiểm soát và cấp giấy chứng nhận các sản phẩm hữu cơ. Đó là: Organic Crop Improvement Association (OCIA), Québec Vrai, Garantie Bio, Quality Assurance International…
 
Riêng tại tỉnh bang Québec, các tổ chức này phải chịu sự chi phối và quản lý về mặt hành chánh bởi Conseil des appellations agroalimentaires du Québec (CAAQ) trực thuộc chánh phủ tỉnh bang.
 
Nói tóm lại, đây là một hình thái thương mại, một lối quảng cáo, còn sản phẩm có thật sự hữu cơ 100 % hay không thì chỉ có Trời mới biết được mà thôi!
 
Kết luận
 
Không ai có thể chối cải được lợi ích của rau quả đã đem lại cho sức khỏe chúng ta. Dù sao đi nữa, thì lợi ích trước mắt của rau quả đối với sức khỏe vẫn trội hơn là mối nguy cơ bị nhiễm hóa chất…
 
Société Canadienne du Cancer đã quả quyết là không có bằng chứng cụ thể nào nói lên mối liên hệ giữa cancer và sự tiêu thụ những liều lượng thật nhỏ chất tồn dư nông dược.
 
Tuy nhiên cơ quan này cũng đồng ý rằng cần phải giảm nhiều hơn nữa nồng độ nhiễm hóa chất trong trái cây nhập cảng, đặc biệt là đối với các loại trái cây đến từ những quốc gia mà việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm không được mấy chặt chẽ cho lắm. Nói thì dễ nhưng thực tế sẽ ra sao không ai dám nói trước được. Trong Guide alimentaire Canadien pour une Alimentation Saine, Santé Canada đã khuyến cáo mọi người cần nên ăn mỗi ngày từ 5- 10 phần rau quả. Một phần tương đương với một trái pomme cỡ trung bình, hoặc một tách rau cải tươi, v.v…
 
Cẩn thận vẫn là hơn. Nhớ rửa thật kỹ rau cải và trái cây trước khi sử dụng, gỡ bỏ các lớp lá phía bên ngoài, thí dụ như cải bắp, laitue romaine, v.v…, thứ nào gọt vỏ được thì nên gọt.
 
Làm như vậy chúng ta mới cảm thấy an tâm vì nghĩ rằng có thể hạn chế bớt được phần nào vấn đề nhiễm hóa chất./.
 
Tham khảo:
 
Video: VOA -Thuốc trừ sâu đe dọa uy tín chất lượng thực phẩm Thái Lan
 
- Les pesticides
 
 
- Nguyễn Thượng Chánh: Rau quả và sức khỏe
 
- Journal: Environmental Health and Preventive Medicine, Japan. Nov/19/2008
 
Ocular toxicity from pesticide exposure: a recent review.
 
- Integrated pest management for Iowa Schools. Pesticide harmful effects and emergency responses
 
- Huyện có hàng nghìn người mù vì... hành
 
SàiGòn GP Online
 
Nỗi buồn... Vĩnh Châu
 
VN Express 23/1/2003
 
Báo động đỏ về chứng mù lòa ở Sóc Trăng
 
Việt Báo Vn 28/8/ 2002
 
Trộn độc chất vào hành củ, vấn đế bị thả nổi.
 
- Hiểm họa từ xịt thuốc cho trái cây
 
Montreal, Nov 8, 2013

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire