caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mardi 5 août 2014

Truyện ngắn Sống Với Người Chết (5) , tác giả Bút Xuân Trần Đình Ngọc

Đọc tiếp bài viết lần trước
http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/07/truyen-ngan-song-voi-nguoi-chet-tac-gia.html



Sống Với Người Chết  (5)
(tiếp theo)
Bút Xuân Trần Đình Ngọc

Chú thím Cải quá hạnh phúc được trở về căn nhà yêu dấu xưa, một điều vợ chồng chú không bao giờ dám mơ tới. Giá bây giờ chú còn cái xe gắn máy, lại đi chở khách xe ôm thì sung sướng biết bao! Hai trăm đô la đem cầm thế cái xe để lấy tiền chôn cất con và mua thức ăn những ngày sau đó vì sau khi thằng con chết, chú quá buồn bã sinh bệnh không đi kiếm việc làm được. Vợ chú đi làm cho một hàng cơm bình dân, may ra đủ cho cái miệng của thím, có còn gì mà đưa về cho chồng con ngoại trừ thỉnh thoảng cơm ế, bà chủ cho vài chén cơm với đĩa đồ ăn mang về là đã mừng.

Trước 30-4-1975, chú Cải là Hạ sĩ I ngành Quân vận VNCH. Chú được giao một cái GMC chuyên chở hàng từ Kho 5 Khánh Hội ra Trung hoặc xuống Hậu Giang miệt Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa đéc, Bạc liêu, Rạch giá. Căn nhà nhỏ này mua từ hồi đó là do hai vợ chồng chi chắt để dành tiền lương của chú, cần lắm mới ngắt ra chút đỉnh tiêu, còn thím buôn bán tôm cá khô ờ chợ Cầu ông Lãnh cũng phụ thêm với chú một phần, bốn mẹ con thím không phải đụng đến lương của chú. Vì thế mà mua được căn nhà này giá lúc đó chỉ có ba lượng vàng mà bây giờ chắc cũng phải gấp ba gấp bốn vì ngày càng có nhiều người từ các vùng quê đổ xô vào Sàigòn làm ăn vì họ nghĩ Sàigòn có thể sống được, có tệ cũng còn hơn ở vùng quê.

Sau khi mất Ban Mê Thuột, 10-3-1975, lúc đó Hạ sĩ I Cải đang ở Sàigòn. Chú và Hạ sĩ Bảnh phụ tài xế được lệnh theo đoàn công xa hơn 20 chiếc chở  vật liệu quân nhu ra Đà nẵng. Chuyến đi đó suông sẻ nhưng chuyến về, hai xe trong đoàn bị VC bắn sẻ và bị cháy, hai tài xế, hai phụ tài và ba quân sĩ bị thương phải vào điều trị tại quân Y Viện Nha Trang. Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4-1975, chú Cải còn phải đi nhiều chuyến nữa khi chở đạn, khi chở thực phẩm khô, khi chở xăng dầu cho các chiến trường như An Lộc, Bình Long, Chương Thiện v.v…Rồi ngày 30-4-1975 nổ ra, như những quân nhân binh sĩ khác, chú Cải phải cơm nắm muối mè đi trình diện học tập 10 ngày rồi mới được về. Nhờ còn chút vốn liếng cũ, chú mua cái xe gắn máy cũ làm kế sinh nhai bằng nghề chạy xe ôm.

Sau khi dọn vào căn nhà cũ được một tuần, lúc này là lúc phải kiếm cho ra việc làm vì tiền đã cạn. Một người bạn mới ở xóm là anh Tư Sung rủ chú Cải đi làm thợ hồ. Tía chú Cải hồi còn sinh thời làm thợ hồ, chú có đi theo nên cũng biết xây và tô tường tuy không thạo lắm. Kiếm thợ xây giỏi lúc này thật khó vì nhà xây, sửa thì nhiều mà thợ xây giỏi lại ít nên khi người chủ thầu bảo chú Cải thử xây mấy hàng cho ông ta coi, chú hết sức trổ tài, ông chủ thầu đồng ý cho chú làm thợ xây. Thực ra nghề của chú còn rất non tay nhưng túng thế chẳng biết làm gì, thôi đành nhắm mắt đưa chân. Vả lại, chú nghĩ cứ làm nhiều ắt phải quen tay, cái gì không biết thì hỏi người bạn mới là Tư Sung. Được cái ông chủ thầu chỉ cho Tư Sung và chú Cải làm những công việc sữa chữa hoặc xây các bờ tường ngắn và thấp, không quá khó. Những công tác lớn và khó khăn, ông ta dành cho thợ chuyên môn đã có nhiều kinh nghiệm xây cất.

Mỗi buổi sáng sớm, khoảng 6 giờ, chú Cải và anh Tư Sung đèo nhau bằng xe đạp từ cái xóm lội nước quanh năm đến nơi làm việc. Trước khi vào làm, cho chắc bụng, hai người ghé vào quán bà Bẩy Hẹ bán bún và phở ngay đầu ngõ. Quán là mảnh ni-lông to bằng cái chiếu, một cạnh ghim bằng đinh vào bức tường nhà người ta, phía này là hai cây tre cắm xuống đất, hai góc ni-lông được cột vào hai đầu tre để miếng ni-lông giương lên thành cái mái che bớt nắng. Những ngày mưa, tấm ni-lông không che đủ mấy nồi bún, nồi phở làm mẹ con bà Bẩy Hẹ quýnh quáng. Nhiều khi bà Bẩy chịu mưa ướt hết cầm nón che cho nồi riêu bún vì mưa to quá, tấm ni-lông hứng nước cho đầy xong dội xuống cái ào như người ta cầm cả thau lớn nước tạt vào quán. Nhưng mưa Sàigòn không mưa dai lắm. Mùa này chỉ khoảng một lúc lại tạnh, người người lại vui vẻ ra đường lo công việc dang dở.

Tư Sung và chú Cải ngồi xuống cái ghế dài lúc đó còn vắng khách:
“Cho hai tô phở bụi, bà Bẩy!”
Bà chủ quán đon đả đón hai khách quen bằng nụ cười tươi:
“Đến ăn sớm thế này sướng hơn là lát nữa. Khoảng nửa tiếng là đông không có chỗ ngồi. Lấy tô, muỗng, đũa Bé ơi!”
Bé là con gái út của ông bà Bẩy Hẹ. Bé năm nay đã 17 tuổi nhưng nó trổ mã như người 19, 20. Tấm lưng ong của con gái miền Nam mà con gái miền Trung với miền Bắc, nhất là miền Bắc, không có. Nó không quá dài cũng không quá ngắn, giữa thắt lại như cây đàn ghi-ta. Đôi chân dài, chân tay thon, da dẻ hơi ngăm như gái Rạch giá chứ không trắng như gái Cần thơ. Ngăm trông khoẻ mạnh, làm được mọi việc. Khuôn mặt không xinh lắm nhưng có duyên và ưa nhìn, ai đã thấy là phải nhớ mãi. Đôi lông mày đậm nét và đôi lông mi cong dài chẳng hiểu cái gene này từ đâu. Miệng nhỏ với hai hàm răng trắng đều, lúc nào cũng sẵn sàng cười.

Ba chị đi lấy chồng, hai anh đi lấy vợ nên chỉ còn mình Bé ở nhà với cha mẹ, mẹ bảo Bé thôi học sau khi mới học xong lớp 8, ở nhà phụ mẹ buôn bán kiếm ăn vì làm hàng ăn thế này, một mình bà Bẩy Hẹ không làm xuể. Ấy là ông Bẩy Hẹ đã phụ hẳn cả buổi sáng như coi nồi hầm, luộc thịt, rửa rau cải, rau thơm, đi lấy bánh phở, bún tươi tại lò bà Tám Lự, ông Bẩy dùng xe đạp đi về cũng phải một giờ vì khá xa. Cái xe của ông khi xưa lúc còn buôn đồ gốm đã chở hàng đống chum vại trên đó rồi lấy thừng chằng. Lúc dắt xe đi đường ông Bẩy không sợ bằng lúc chằng và chồng cao lên cho được chuyến. Nhiều khi chính ông phải ngạc nhiên là tại sao ông có thể chằng chum vại cao thế mà không sợ nó sút giây rớt xuống vỡ tan tành. Mà nào chỉ một hai, cả chục cái theo nhau rớt xuống là hết vốn. Từ hồi vợ bán bún xáo và phở bụi ở đầu xóm, ông Bẩy mới thôi nghề đi bán đồ gốm.
Hai tô phở bốc khói Bé đã mang đặt trước mặt hai ông khách.  Đĩa rau sống, giá sống và rau thơm kế bên, tươi mới hái. Đĩa ớt hiểm quả xanh quả đỏ như mời mọc.  Tư Sung và chú Cải cầm đũa. Phở bụi ít thịt nhưng được cái nhiều bánh, nhiều nước súp, có vài ba cục xương còn dính chút thịt hay chút mỡ bò. Thế đã là sang. Chú Cải kêu:
“Chị Bẩy cho thêm hai khúc bánh mì.”
Chả là tô phở hơi ít với cái bao tử nên phải ăn thêm khúc bánh mì chung với nước phở mới đủ no, mới làm việc nặng được.
Ăn xong, mỗi người móc tiền ra trả bà Bẩy, uống chén nước trà nóng rồi vào trong xóm, chỗ căn nhà đang sửa.
Bức tường đang xây đã lên được hơn 1m, chiều dài chạy suốt căn nhà là 12m. Tư Sung có tay nghề khá nên chỉ dẫn lại cho chú Cải, người hàng xóm mà Tư Sung quí mến vì tính chân thực và hơn tuổi Tư Sung.
Khoảng 11 giờ trưa, ông chủ thầu đến. Tư Sung và chú Cải lễ phép:
“Chào ông.”
Ông Hai Vị, ông chủ, đi quanh “công trường làm việc” xem xét. Ông giở giấy tờ trong “cạc táp” ra coi để xem công việc đã được đến đâu. Ông tỏ vẻ hài lòng. Hai người thợ này và hai thằng phụ hồ làm cũng khá. Công tác này có thể chỉ hơn tháng nữa là xong. Ông quay lại chỗ Tư Sung, chú Cải và phụ hồ đang làm:
“Nhớ cái bếp mỗi bề chỉ có 3m, trên lợp tôn nghe không?”
“Dạ, chúng tôi nhớ” Tư Sung trả lời.
“À, có anh nào biết ai lái được taxi không?”
Tư Sung hỏi:
“Để làm gì, thưa ông chủ?”
“Tôi cần mướn gấp một người lái xe taxi thạo nghề.”
Chú Cải nói:
“Thưa ông chủ, hồi chế độ cũ, tôi là lái xe cho quân đội. Tôi có bằng lái xe con và xe vận tải nặng.”
Hai Vị ngạc nhiên nhìn chú Cải:
“Anh lái xe đã bao nhiêu năm?”
“Thưa ông, tôi có gần 10 năm.”
“Đã xẩy ra tai nạn xe cộ bao giờ chưa?”
“Thưa chưa.”
“Anh lái được taxi không?”
“Thưa ông, tôi nghĩ là được.”
“Vậy chiều nay lúc về anh ghé vào văn phòng tôi nha.”
“Dạ.”
Chiều hôm đó Tư Sung đạp xe về một mình còn chú Cải leo xe buýt lên văn phòng của ông chủ thầu. Chú Cải có việc lái taxi từ thứ hai sau.
    ###
Anh Hiến làm công việc lái taxi cho công ty Hải Dương 3 này đã được gần hai năm. Nghề taxi thuê xe chạy kiếm tiền bất chợt lắm, lúc đắt thì kiếm khá, lúc ế thì rất kém, có khi ế quá chỉ đủ tiền xăng. Tài xế có tư sản như người anh rể của Hiến, mua hẳn một chiếc rồi chạy lấy, kiếm ăn khá. Ở Việt Nam không cho trả góp chứ nếu được thế, anh Hiến nghĩ, anh cũng mua một chiếc như xưa kia anh đã có chiếc xe Lam ba bánh và chạy xe Lam một thời gian.

Taxi không bao giờ giữ nhiều tiền trong túi, đó là phương châm, được kẻ chữ cả trên kính hông và kính hậu xe. Mục đích cho kẻ gian nản lòng vì tài xế taxi không giữ tiền nhiều. Ấy vậy mà tai nạn vẫn xẩy ra.
Bữa đó anh Hiến vẫn làm việc như mọi khi. Khi anh đang đi trên đường Hai Bà Trưng, Phú Nhuận thì có một đám thanh niên 3 người ăn mặc bảnh bao vẫy. Thường anh thấy đám thanh niên nào mặt mày dữ tợn, quần áo cao bồi, dáng điệu khả nghi không phải là người tốt thì anh Hiến coi như không thấy, anh tỉnh bơ lái đi. Lần này trông ba thanh niên mặt mày sáng sủa, có vẻ dân khá tiền vì mặc toàn hàng hiệu có giá, giầy dép tinh tươm, anh Hiến rà vào lề, anh không nghi ngờ gì hết. Vả lại sáng giờ anh mới chạy được ba cuốc ngắn, anh cần kiếm thêm tiền trước khi trả xe.
(còn tiếp)
Bút Xuân Trần Đình Ngọc     
      

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire