caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mercredi 18 septembre 2013

Phần 2 - Viếng thăm Tokyo, Japan, 06-Sep to 13-Sept​ember 2013, Nguyễn Tài Ngọc


Viếng thăm Tokyo, Japan, 06-Sep to 13-September 2013, phần 2

Nguyễn Tài Ngọc
 
Ánh sáng xuyên qua cửa sổ tràn đầy căn phòng khách sạn làm tôi mở choàng đôi mắt. Ngước mắt nhìn đồng hồ, chỉ mới hơn 5 giờ, vợ tôi vẫn còn đang ngủ. Tôi quen ngủ rất ít nên giờ này ở nhà cũng dậy, mặc dù ở đây tối hôm qua một giờ đêm mới lên giường. Có lẽ vì đầu óc tôi lúc nào cũng căng thẳng, đêm nào cũng nghĩ là mình đang ngủ trên chiếc thuyền chở khách ở vịnh Hạ Long đêm đang ngủ bốc cháy, thủy thủ đoàn dzọt mất, để lại khách chết đuối với không phao an toàn. Trái lại, vợ tôi lúc nào cũng ngủ say như chết như vừa làm tình với Hercules. OK, OK, tôi nói quá đáng, xin đổi lại, không phải là Hercules mà là Sam-Sông.

Chiếc khăn trải giường của khách sạn đắt tiền có khác, mềm dịu thật êm. Chiếc giường king size  mặc cho tôi nằm vẫy vùng tứ phía Đông Tây Nam Bắc. Căn phòng rộng lớn cửa sổ nhìn ra biển với ánh bình minh bắt đầu ló dạng nơi chân trời mang đến sự yên tĩnh trong lòng người khách trọ. Nghe tiếng gõ cửa, tôi khoác chiếo áo choàng ngủ vải bằng khăn lồng dầy thật mềm của khách sạn năm sao Grand Hyatt, rồi  ra mở cửa: anh bồi bàn đẩy xe mang điển tâm đến cho phòng chúng tôi. Đến Nhật Bản khách không thể nào không ăn sushi: điểm tâm là sáu miếng sushi tôi gọi điện thoại dùng room service: giá mỗi miếng là $20 dollars. Mấy khi mình đến Tokyo, nên đã chơi thì phải chơi đến chốn.

"Sáng nay mình ăn gì? Hôm qua Loan thấy cái McDonald's gần hotel, breakfast chỉ có 5 dollars, lát nữa mình đến đó ăn nhe?"  Tiếng vợ tôi hỏi kéo tôi về với thực tại: tôi đang mơ tưởng sống một cuộc đời Lifestyle of the Rich and Famous –Đời sống của người giầu có và nổi tiếng, mơ tưởng đang  ở khách sạn năm sao đắt tiền Grand Hyatt, nhưng thật ra tôi là Nguyễn Văn Mỗ đang ở khách sạn rẻ tiền ba sao Hotel Listel Shinjuku.


Tôi đoán có lẽ tất cả hotel loại như thế này ở Nhật Bản đều giống nhau: trần nhà thấp, tôi đứng cao gần bằng ngưỡng cửa;



phòng nhỏ cỡ bằng phòng trên tầu cruise; giường không phải king size mà là twin size, đêm ngủ hai vợ chồng nằm sát nhau đến nỗi nếu tôi không xức thuốc thơm nách deodorant, bảo đảm nàng sẽ ngất xỉu nửa đêm về sáng vì mũi của nàng sát nách của tôi cả đêm. Và cửa sổ phòng tôi không nhìn ra biển mà nhìn ra lổm chổm những building.


Nhỏ sao thì nhỏ, hotel này có đầy đủ tiện nghi: ghế sofa, TV, tủ đựng quần áo, bàn giấy, máy ủi quần áo (gắn trên tường, mình chỉ để quần áo vào, gập lại rồi nó "ủi" kiểu hấp tẩy nỉ xẹc. Tôi quên chụp hình nó), chỗ treo quần áo rộng không hơn bốn tấc. Đã thế, phòng tắm có toilette tân tiến đốt cháy da mông mà tôi khám phá sau này khi đi chơi đó là toilette căn bản ở Nhật Bản, nơi nào cũng dùng. Khách nào đã ở Hotel Listel Shinjuku thì phần đông đều hài lòng vì trong Internet tôi thấy họ cho điểm khách sạn này từ ba rưỡi đến bốn sao, tiêu chuẩn tối đa là năm sao.

Đường bên hông khách sạn lúc trời tối

Nói là một tuần, nhưng thật sự chúng tôi chỉ có năm ngày rưỡi để thám hiểm Tokyo. Ngày đầu tiên bay đến đây đã mất một ngày, đến nơi vào buổi tối. Ngày cuối cùng về thì trưa hai giờ phải đi phi trường. Do đó tôi đã quyết định chỉ đi xem thắng cảnh trong thành phố, không ra ngoài ngoại ô. Ấy thế mà cũng không thể nào đi hết, mặc dù đây là chuyến đi chơi vợ chồng tôi  đi bộ nhiều nhất. Vì dùng xe điện ngầm, sáng nào chúng tôi cũng rời khách sạn vào khoảng từ 6:45 đến 7:15 sáng, về lại hotel trước 3 giờ chiều  để tránh giờ đi làm cao điểm. Buổi tối có đi nữa thì đi lúc 6, 7 giờ chiều.

Hotel Listel Shinjuku cũng có nhà hàng, thế nhưng nó cũng nhỏ, chúng tôi không bao giờ ăn ở đây vì lúc nào cũng ăn ở ngoài đường. Buồn cười là ở trước cửa họ gắn một tấm bảng quảng cáo thức ăn nhà hàng không nguy hiểm, bằng tiếng Anh:

Số du khách ngoại quốc đến Nhật Bản hàng năm khoảng 9 triệu người, với du khách từ Đại Hàn, Taiwan, Trung Hoa là ba nước nhiều nhất, nhì, ba (so với Việt Nam gần  7 triệu, với du khách nhiều nhất, nhì, ba là Trung Hoa, Đại Hàn, và Nhật Bản). Ngành du lịch của cả Trung Hoa và Nhật Bản bị ảnh hưởng tài chính thu nhập thiếu kém vì cả hai bên tẩy chay lẫn nhau, với Trung Hoa mang phần lỗ vì du khách Nhật Bản tiêu tiền nhiều nhất thế giới: Pháp là quốc gia du khách ngoại quốc đến xem nhiều nhất trên thế giới, thế nhưng số tiền du khách xài ở Pháp chỉ bằng một nửa ở Mỹ. Lý do một phần là vì du khách Nhật Bản mua sắm ở Mỹ nhiều hơn ở Pháp.

Nhắm vào du khách chính yếu, các bảng chỉ dẫn ở Tokyo do đó thường in trong bốn thứ tiếng: Nhật, Anh, Trung Hoa, Đại Hàn.

Tôi không biết các thứ tiếng kia họ dịch có đúng không, thế nhưng ngoại trừ những văn phòng chính phủ, còn không thì các khu thương mại tư nhân nhiều bảng tiếng Anh họ dịch rất buồn cười, và dĩ nhiên văn phạm thì viết lộn tùng phèo.

Tấm bảng này treo ở một cửa ra vào khách không được mở, chỉ dùng cho trường hợp nguy cấp, ý nói là đừng mở cửa, nếu không còi báo động sẽ hú. Họ dịch là: nếu anh mở cửa, sẽ hú báo động. Thay vì viết If you can opened ringing emergency alarm, tiếng Anh viết đúng phải là If door is open, emergency alarm will ring.

Tấm bảng này gắn ở cửa phòng restroom của khách sạn, ý nói là khi dùng phòng tắm, xin đóng cửa vì nếu không còi báo động cháy có thể hú (hệ thống phát hiện cháy trong phòng khách sạn có thể tưởng hơi nước nóng từ phòng tắm là lửa nên hú báo động), họ viết tiếng Anh có nghĩa là xin đóng cửa khi dùng phòng tắm để có thể không làm việc còi báo động. In order not to work a fire alarm system phải viết là to prevent alarm activation”.

Tấm bảng này gắn trên chỗ treo giấy toilette. Ý họ nói là chúng tôi không muốn đổ rác thừa thãi để tránh làm khí hậu gia tăng nhiệt độ, do đó giấy toilette chỉ được thay khi tận dụng đến miếng giấy cuối cùng  thì tiếng Anh họ viết có nghĩa là: chúng tôi đang làm động tác bớt rác để ngăn ngừa khí hậu thay đổi .... Toilet paper will change  văn phạm sai, phải viết là toilet paper will only be changed...”.

Tấm bảng này ở một tiệm ăn. Ý họ nói là xin mang muỗng nĩa trả lại quầy sau khi dùng, tiếng Anh là Please return silverware to counter after use  nhưng tiếng Anh họ viết có nghĩa là: Xin lỗi, khi ăn muỗng nĩa xong..., có vẻ như mình ăn luôn muỗng nĩa.

Tấm bảng này ở một tiệm nước. Ý của họ là xin vất ly nước uống vào đây, tiếng Anh là Waste disposal, hay Trash, Cups, dán vào thùng rác, ai cũng hiểu. Đằng này họ viết Drinking leaving với ý là Leave the drinks here, bỏ ly nước vào đây; thế  nhưng khi đọc Drinking leaving thì có nghĩa như là uống xong rồi bỏ đi chỗ khác.

Tấm bảng này gắn ở Sky Tree Tower, ở máy bắn hơi nước cho khách mát khi trời nóng. Câu tiếng Anh họ viết có nghĩa là: Nếu cái gì tiến sát gần thì cái gì đó sẽ bị ướt bởi hơi nước , thay vì viết đúng, đơn giản hơn “Caution: May get wet from mist machine” –“Chú ý: có thể bị ướt vì máy bắn hơi nước”


Trước khi đi Toyo thì có ba thứ Đừng:

- Đừng đi vào tháng 7,8,9 nếu ai không chịu nổi nóng, hay cứ phải đi bộ dùng metro, không dùng taxi. Mùa hè ở Tokyo nóng như Paris, miền Đông nước Mỹ, Las Vegas, hay SàiGòn. Ngày nào tôi cũng chẩy mồ hôi ướt đẫm cả áo.

- Đừng mang dù nếu đi vào mùa mưa. Dù bên ấy nơi nào cũng bán, rẻ mạt, ba dollars. Mua dùng xong mình có thể vất đi, khỏi choán chỗ mang theo trong valise.

- Đừng đổi tiền Nhật trước. Tokyo không phải là Paris ra phố Tầu Treisième hay SàiGòn đến tiệm nữ trang để đổi tiền được cao hơn. Nhưng chỗ đổi tiền chính thức ở phi trường Tokyo giá rất tốt cho du khách, đổi nhiều hơn ở ngân hàng Mỹ. Khi xuống phi trường Tokyo, nhớ đổi tiền ở đây.


Một anh võ sĩ sumo đi bộ ngoài đường ở Shinjuku


Có thêm một cái Đừng, nhưng không chính thức vì tùy thuộc vào trí thông minh của mỗi người (tôi thuộc vào loại đầu óc có sạn), là đừng nghĩ mình có thể tìm địa chỉ một cách dễ dàng dùng bản đồ giấy như ở khắp nơi trên thế giới, Mỹ, Pháp, Canada, Úc, Việt Nam.... Tôi thuộc vào loại người thời đại Đá Đồng, đi đến thành phố nào cũng nhất định phải mua bản đồ của thành phố đó để xem địa chỉ vì tôi không dùng iPhone.  Ở Tokyo tôi cũng mua một bản đồ, nhưng dùng  nó để tìm địa chỉ thì như ngày xưa cua gái, lúc được lúc không, phần không chắc chắn nhiều hơn phần được. Một số lớn đường ở Tokyo không có tên, chỉ có rất ít đường cái ở Tokyo có tên đường hẳn hòi. Ngay cả hotel của tôi cũng không có tên đường. Đây là địa chỉ:  5-3-20 Shinjuku, Tokyo 160-0022.
Dùng thí dụ địa chỉ khách sạn như trên, hệ thống địa chỉ của họ là như thế này:

Tên thành phố: Shinjuku. Tôi để ý địa chỉ ở Nhật Bản họ kèm theo chữ ku Shinjuku-ku. Tôi nghĩ ku có nghĩa tương tự như Quận của mình.

Số đầu tiên #5: là đơn vị nhỏ hơn của thành phố. Tôi không biết đơn vị tương tự cỡ nào dịch sang tiếng Việt, tạm gọi là Phường. Do đó, ở đây là Phường số 5.

Số thứ nhì #3: là số block của hotel.

Số thứ ba #20: số nhà của hotel.

Bẩy số cuối cùng , 160-0022,  dùng khi gừi thư bưu điện, như Zip Code của Mỹ.
 Bảng số nhà mầu xanh



Nhà cửa ở Tokyo





Ấy là những thứ Đừng tôi nghĩ nên để ý khi đến Tokyo. Tôi xin khuyến cáo là thỉnh thoảng bài vở của tôi bị các websites họ in không xin phép, cắt bỏ tên tác giả, rồi thêm thắt chua ngọt. Ở đây thì đừng ai tài khôn khi đi Tokyo cộng thêm một cái Đừng vào bài của tôi: Đừng yêu em đêm nay. Tôi bảo đảm các bà vợ sẽ cho mấy ông chồng không còn thần hồn để  hát bài nhạc của Phạm Duy: Sống sót trở về trên đại lộ thơm ngát, Sống sót trở về căn nhà mình ấm yêu....


Mẹ dắt con đi học. Phụ nữ Nhật Bản làn da trắng vô cùng


Diện tích Tokyo (15760 km2) to gần bằng Paris (17174km2). Diện tích SàiGòn nhỏ hơn bẩy lần, 2095 km2. Một du khách trước khi đến Tokyo do đó phải tìm hiểu và quyết định nên ở khu nào, Ngã Ba Chú Ía, Ngã Tư Xóm Củi, hay Ngã Năm Công Chánh?, vì nếu chọn sai, như trường hợp của tôi thì không phải một mà đến  hai người lầm đường lạc lối.  Ấy là chưa nói đến buổi sáng đầu tiên ở một quốc gia xa lạ, vợ mình sáng thức dậy h hởi, hăng hái, háo hức, hăm hở sửa soạn sạch sẽ sâu xa sẵn sàng sắm sửa đi shopping thì đột nhiên khám phá ra trước mặt hotel của mình là Lò Heo Chánh Hưng-ku thì ông chồng-ku chỉ có chết.



Nếu tôi nhập đề lung khởi, nói vòng vo tam quốc, giải thích kiểu khách sáo thì với bản lĩnh điêu luyện Bắc Kỳ, dù rằng không sinh đẻ ở Hỏa Lò Hà Nội nơi giam các phi công Mỹ bị bắn rớt mà họ gọi đùa là Hanoi Hilton, tôi bảo đảm sẽ viết hơn mười trang -chỉ thua chuyện dài kiếm hiệp Kim Dung một tí-,  liệt kê những nơi nào nên ở, những nơi nào không nên ở Tokyo.

Thành ra lần này tôi xin dùng cái dual citizenship của tôi, sinh trưởng ở SàiGòn, để nói thẳng huỵch tẹc ý kiến Nam Kỳ  nơi nào du khách nên mướn hotel. Khu vực  tôi nghĩ du khách nên ở đánh máy chữ mầu xanh.

Bản đồ sau đây là bản đồ xe điện ngầm, với tên những thành phố chính chữ to mầu đen. Tôi xin chia ra bốn phần, trái trên, trái dưới, phải trên, phải dưới:
http://www.speedymole.com/Tubes/Tokyo/tokyo-subway-map.gif

Ueno hay Asakusa (phải trên, trên): ở Ueno có Ueno Park, Tokyo National Museum, nhiều đền thờ, chợ Ameyoko. Ueno Park là nơi thứ nhì nổi tiếng để xem hoa anh đào. Asakusa có đền thờ Sensoji, chợ trời Nakamise-dori và tháp cao nhất thế giới Sky Tree Tower. Hai nơi này gần nhau, chỉ cách nhau ba trạm  xe điện. Nếu thích, có thể ở một trong hai nơi. Nên ở đây.





Shimbashi (phải dưới, dưới): có Tokyo Tower (như tháp Eiffel) và chợ cá nổi tiếng Tsukiji. Ngoài ra không có gì khác, có vẻ nghèo nàn so với các khu khác. Không đáng ở đây.



Ginza (phải dưới, giữa). Ginza là khu vực chữ nhỏ bên phải, dưới chữ to in đậm Tokyo. Con đường Ginza và những con đường cắt ngang ở Ginza đầy dẫy những building kiến trúc tân kỳ và những bảng hiệu đắt tiền như Maison Hermes, Louis Vuitton, Chanel, Cartier...

Ginza là một trong những nơi shopping đắt nhất thế giới. Ở  Beverly Hills trên con đường Rodeo Drive cách nhà tôi 35 phút lái xe  là nơi shopping đắt nhất nhì nước Mỹ. Bạn bè đến tôi thường dẫn đi xem, thế mà so với khu building ở Ginza thì con đường Rodeo Drive quá nhỏ và quá ít người. Ginza lúc nào cũng đông người nhộn nhịp. Ở đây đi xem Hoàng Cung Imperial Palce cũng không xa lắm (ở Otemachi), và gần Tokyo Station, nơi có nhiều shopping dưới đường hầm. Nên ở đây.







Ikebukuro (trái trên, trên): rất nhiều khu shopping ở dưới đường hầm và trên mặt đất. Shopping everywhere! Sunshine City là một dẫy bốn building 60 tầng với toàn là tiệm shopping. Trong building này có hồ cá và đài quan sát trên tầng thứ 60.  Không đáng ở đây.

Boulangerie dưới đường hầm. Có rất nhiều tiệm bánh Pháp ở Tokyo







Shinjuku (trái dưới, trên): Mật độ dân số ở Sài Gòn là 3590người/1 km2. Ở Shinjuku: 17,140 người /1 km2. Shinjuku có công viên quốc gia Shinjuku Gyoen, nơi số một để đi xem hoa anh đào.  Hai tòa building chọc trời Tokyo Metropolitan Government Office ở Shinjuku, khách có thể lên tầng cao nhất để xem toàn cảnh thành phố. Sát bên Shinjuku là Kabukicho, buổi tối đèn sáng rực cả chục block với người những người. Nên ở đây. Hotel tôi ở là Shinjuku, gần Kabukicho, đi bộ độ ba cây số thì đến.











Shibuya (trái dưới, giữa): có đền thờ Meiji Temple, con đường Takeshita-dori lúc nào cũng đông nhúc con gái trẻ mua sắm, shopping đầy dẫy trong building Shibuya 109, Shibua Hikarie, Shinjuku Takashimaya, tiệm ăn uống khắp nơi, và giao điểm cả nghìn người  đi bộ qua đường nổi tiếng: Shibuya Crossing. Nên ở đây.












Roppongi (trái dưới, dưới): khu nhà giầu, nhiều tòa đại sứ, khu nhân viên của tòa đại sứ Hoa Kỳ ở đây. Có nhiều night club, quán vũ thoát y, nên thu hút khách ngoại quốc, các ông đi làm và sinh viên. Nếu vợ không đi theo thì nên đặt khách sạn ở Roppongi, tối nào cũng đi xem sexy show. Thế nhưng tôi biết mấy ông chồng tôi quen đi đâu cũng có Bộ Trưởng Bộ Kiểm Duyệt kiêm Bộ Trưởng Bộ Kinh Tế kiêm Giám Đốc Tình Báo CIA đi theo, vì thế không nên ở đây (mấy ông để ý là tôi nói không nên ở đây chứ không phải là không đáng ở đây).



Tóm lại, tùy theo sở thích của mọi người mà nên ở chỗ nào:

1.     - Nếu du khách qua để xem hoa anh đào thì nên ở Shinjuku.
2.     - Nếu ai ở Sài Gòn tối ngày cứ bị cúp điện, nên ở Shinjuku xem đèn đóm ban đêm.
3.     - Nếu ai bị giam mười năm khổ sai ở Khám Chí Hòa không được liên lạc với tù nhân khác, vừa mới được thả ra thì nên ở Shibuya hay Shinjuku để thấy người đông như kiến.
4.     - Nếu ai có họ hàng xa gần với Donald Trump thì nên ở Ginza.
5.     - Nếu ai mua vé số, khám phá chỉ thiếu 1 con số nữa là mình trúng độc đắc, nên ở Shimbashi.
6.     - Nếu bà vợ nào muốn giết chồng lần mòn không ai bắt được vì không có tang chứng thì nên ở Ikebukuro.
7.     - Nếu ông chồng nào muốn vợ ly dị sớm, nên ở Roppongi.
8.    - Nếu ai phân vân không biết có chỗ nào rẻ hơn nữa hay không thì thánh thần thiên địa ơi, xin ở nhà dùm tui, khỏi đi đâu hết.

(còn tiếp)
------------------------------------------------------------
Tôi xin bắt đầu kể chi tiết những nơi tôi đã đi xem ở Tokyo. Nếu là mầu tím thì không nên bỏ qua:
 
1. Đền thờ Meiji-Jingu Shrine, Shibuya-ku

Meiji-Jingu, hoàn thành vào năm 1920, là đền thờ xây để thờ cúng Hoàng Đế Meiji Thiên Hoàng Minh Trị (1867-1912) và vợ của ông ta là Hoàng Hậu Shoken.
Hoàng Đế Meiji Thiên Hoàng Minh Trị

nguồn: http://commons.wikimedia.org/wiki/File:Black_and_white_photo_of_emperor_Meiji_of_Japan_in_1888.jpg

Cổng vào cửa cao 12m (40ft) tạc từ cây gỗ xưa hơn 1,500 năm.  




Meiji-Jingu nằm trong một thửa đất rộng 200 mẫu với hơn 100,000 cây cổ thụ. 




Rượu sa-kê ở đền thờ Meiji dùng để cúng Thiên Hoàng Minh Trị và Hoàng Hậu hàng năm


 
Hoàng Đế Meiji đã canh tân, cải cách, tân tiến hóa Nhật Bản với một tốc độ thần sầu trong thời kỳ ông trên ngôi, đánh thắng Trung Hoa năm 1894-1895, đánh thắng Nga-Sô năm 1904-1905, đưa Nhật Bản trở thành đế quốc Nhật Bản, thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của các nước đế quốc phương Tây giữa lúc chủ nghĩa thực dân đang phát triển mạnh.
 
Meiji có đại công mang bình đẳng nhân quyền đến dân chúng, bãi bỏ chính thể shogun của thời đại Tokugawa (theo Tokugawa thì trong nước chỉ có bốn hạng người: thứ nhất là samurai, thứ nhì là nông dân, thứ ba là người khéo tay thủ công, và thứ tư là dân buôn bán).
 
Nhận thức giáo dục là quan trọng, Meiji sửa đổi ngành học vấn của Nhật Bản, bắt chước theo  nước Pháp, và sau này, nước Đức.
 
Meiji được xem  là một vị minh quân có công lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản.




 
Đi metro thì ngừng ở trạm Meiji-jingumae ở Shibuya.

Dân chúng thường dùng nơi đây để  tổ chức đám cưới.

 
Trước khi vào đền thờ chính, ở nơi nào cũng thế, đều có một tòa nhà cho khách rửa tay.


 
Và cũng ở bất cứ đền thờ nào, bên trong họ bán một miếng gỗ nhỏ bằng cỡ business card, khách mua viết những lời cầu khẩn của mình trên miếng gỗ rồi treo lên một cái bảng với hy vọng lời nguyện của mình được đáp ứng.
 
Tôi cũng mua một miếng gỗ, viết lời nguyện cầu xin di chuyển tôi từ khách sạn ba sao đến khách sạn năm sao Grand Hyatt mà đến ngày về tôi chẳng thấy động tĩnh gì cả.


 
Ai cỡ tuổi chúng tôi lấy nhau hơn 70 năm thì nên đến khu rừng của đền thờ này  hấp hôn. Nó mơ mộng như trong phim kiếm hiệp Nhật Bản Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm. Chúng tôi đi bộ cảm thấy khung cảnh quá tĩnh mịch. Vợ chồng nào có xích mích đi bộ trong rừng này thì bảo đảm sẽ được chữa lành: nó quá yên tĩnh, chẳng nghe một tiếng động nào khác, ngoại trừ những lời vợ dũa.





Cho dù vợ dũa đến đâu đi chăng nữa, chồng nghe vào tai bên này xong rồi đi ra tai bên kia lúc nào không biết vì tâm hồn của mình bị hấp hồn bởi sự tĩnh mịch yên tĩnh của khu rừng. Thành ra khi đi bộ trở ra, vợ hả dạ đã dũa hết những ý tưởng trong lòng, trong khi chồng hoàn toàn không bực mình cãi lại vì có nghe đâu mà tức? Tình duyên hai người sau khi ra khỏi rừng như có phép nhiệm mầu, sẽ  được hàn gắn trở lại!


    
2. Takeshita-dori & Harajuku, Shibuya:
 
"dori" nghĩa là đường. Takeshita-dori ở khu gọi là Harajuku, Shibuya. Thanh niên thanh nữ hay đến ăn uống và mua sắm ở Harajuku.
 
Đặc biệt ở con đường  Takeshita-dori thì toàn là thanh thiếu nữ mua những thứ khỉ gió mà tôi không hiểu sao con gái Nhật lại thích. Chúng tôi đến đây vào lúc 10 giờ sáng. Tôi nghe nói bắt đầu từ buổi trưa thì không có lối mà đi.










 
(còn tiếp)
   
Nguyễn Tài Ngọc
September 2013

Tài liệu tham khảo:
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire