caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 21 septembre 2013

Phần 3 : Viếng thăm Tokyo, Japan, 06-Sep to 13-September 2013 Nguyễn Tài Ngọc

Phần 3 : Viếng thăm Tokyo, Japan, 06-Sep to 13-September 2013
Nguyễn Tài Ngọc



 
(100 yen = 1 dollar)

Du khách muốn di chuyển trong Tokyo thì trừ khi là bà con thất lạc với Bill Gates từ thời Lê Đại Hành phá quân nhà Tống muốn đi đâu chỉ búng tay gọi taxi, hay đi theo tour phương tiện chuyên chở bằng xe bus hãng du lịch đã lo sẵn, còn không thì nhất định phải dùng xe điện ngầm -metro, -subway.
 
Anh vợ của tôi ở Paris, và chúng tôi quen với vài người ở Paris, chỉ lái xe hơi mà không bao giờ dùng metro. Tôi nghĩ là vì nhiều lý do: mất thì giờ, không tiện lợi, bẩn, không an toàn, người ta hôi hám, đông đúc, sợ tình cờ gặp lại người yêu cũ ở trạm Palais Royal Musée du Louvre khi đợi xe. Ở Tokyo thì ngoài lý do đông đúc, không một ai còn có một lý do nào để không dùng metro. Ngay cả đông đúc chỉ xẩy ra vào giờ làm việc hay tan sở, những giờ khác trong ngày dùng metro rất thoải mái.

 
Hơn nữa, nhiều đường hầm trong metro trông sang trọng và vĩ đại.

 
Nếu đã tính sẽ dùng metro thì  khi chọn khách sạn, ưu tiên số một là phải gần một trạm metro. Trong bản đồ Tokyo trên Internet, đường xá  có ghi trạm metro, ký hiệu là chữ "M" mầu xanh dương nhạt. Chữ M này viết giống hình con bướm. 


Đừng đặt khách sạn rồi khám phá ra trạm metro quá xa bắt buộc mỗi ngày mình phải gọi taxi chở đến trạm, hay là mình phải trở thành lực sĩ đường trường chạy đua 3000 thước khi muốn dùng xe điện.
 
Tokyo có hai lines xe điện di chuyển trong phạm vi thành phố: Tokyo Metro Line, gồm 9 tuyến, và Toei Line, gồm 4 tuyến. Mua vé dùng cả ngày, vô giới hạn cho cả hai lines, One-Day Open Ticket,  là 1,000 yen, khoảng 10 dollars.  Giá này quá rẻ vì vé mỗi lần đi đã là 160 yen (1-6 km), hay 190 yen (7-11km). Ở SàiGòn mỗi lần tôi đi đâu, ra khu khách sạn Continental, hay về chợ Bàn Cờ, vào Chợ Lớn..., là cứ leo lên taxi vì khoảng cách ngắn, mình cứ nghĩ là rẻ. Thế nhưng mỗi ngày  đi ba bốn bận  tiền taxi tốn 20 dollars dễ dàng. Trong khi ở Tokyo đất rộng thênh thang, một ngày đi cả mấy chục cây số, ngừng lên ngừng xuống nhiều lần mà chỉ tốn có 10 dollars! Đi nhanh như chớp, rẻ hơn Sài Gòn nhiều, mà còn không sợ anh taxi chết tiệt ở SàiGòn một đằng nói với mình: "Dạ, em chạy con đường ngắn nhất chở anh về", một đằng thì anh ta ăn gian, chạy bốn vòng chung quanh lăng Ba Đình để đồng hồ nhẩy tiền vun vút trước khi chở mình về khách sạn.




 
Bất cứ trạm metro nào cũng có máy bán vé. Đừng nhìn thấy chữ Nhật rồi lên cơn nhồi máu cơ tim vì không hiểu: có một chữ nhỏ ENGLISH trên màn ảnh. Bấm vào nút này thì nó sẽ đổi sang tiếng Anh, mua vé không một chút khó khăn. Nếu ai chỉ biết tiếng Pháp không biết tiếng Anh  thì cũng đừng chẩy mồ hôi hột lo sợ không biết cách nào mua: ra tiệm mua quyển sách English For Today học cấp tốc mấy ngày, một khi đã hiểu rồi thì trở lại mua vé.

 
Tuyến xe nào cũng đều có cả hai chữ và số. Chẳng hạn như tuyến xe tôi dùng gần khách sạn của tôi là Marunouchi Line. Trạm của tôi là Shinjuku-gyoemma.


Vì mình là người ngoại quốc khó nhớ ngôn ngữ khác, thay vì chữ thì tôi nhớ số trạm là M10. M viết tắt cho chữ Marunouchi, và 10 là số trạm tên Shinjuku-gyoemma. Trạm nào cũng có hai bến xe đi hai chiều nghịch nhau nên nhớ đợi xe đúng bến.
 
Metro ở Paris, London hay ở Mỹ lối ra thường rất đơn giản, bốn ngõ đi ra bốn góc đường. Metro Tokyo ở những trạm giao điểm nhiều tuyến xe đôi lúc có cả vài chục lối ra (đánh dấu A1, B1...), không biết đâu mà lần. Họ có bảng chỉ dẫn Exit nào ra nơi đâu, thế nhưng nơi mình muốn đi ra đôi lúc không có trong danh sách nên rất nhiều lúc tôi ra đại một lối ra  nào đó, rồi đến khi lên mặt đất thì tìm phương hướng. Nếu không tìm được thì hỏi người ta chỉ. 

 
Cũng như khắp nơi ở Nhật Bản, metro Tokyo sạch vô cùng. Metro Paris hay New York City còn có người ăn xin, vô gia cư, nhạc sĩ, ca sĩ hát dạo xin tiền, metro Tokyo hoàn toàn không.


Quảng cáo chỉ ở trong xe điện.



Thỉnh thoảng tôi thấy ảnh vẽ Nhật Bản trên tường trong metro.


 
Tôi đã có kinh nghiệm ngửi mùi hôi người khi dùng metro ở Paris lúc trời nóng. Ở Tokyo, dù rằng vào những giờ cao điểm mọi người chen chúc với nhau như cá hộp, xe điện tuyệt đối thơm như múi mít vì ai cũng dùng xà-bông Cô Ba. Ngày đầu tiên đi metro, tôi đã thấy ba điều lạ khác hẳn metro ở Pháp, Anh, hay Mỹ. Thứ nhất, dân Nhật rất là yên lặng, những người trên xe đọc sách, dùng iPhone, hay có phải nói chuyện với nhau thì họ chỉ nói chuyện rất nhỏ tiếng. 


Thứ hai, khi đợi xe điện, lúc nào người ta cũng xếp thành hàng; và thứ ba, hai toa đầu xe chỉ dành cho phụ nữ vì đó là toa xe gần nhất khi xuống cầu thang.

 
Một hôm, không biết là toa đầu chỉ dành cho phụ nữ, tôi và vợ tôi bước vào. Lúc đầu tôi không để ý, nhưng sau mấy chục giây, tôi thấy lạ trong xe không có một người đàn ông. Thay vì nghĩ ra ngay toa này chỉ dành cho phụ nữ, tôi lại nhanh nhẩu đoảng  mừng khi thấy chung quanh toàn là đàn bà:  tôi là cái rốn của vũ trụ, không có một người đàn ông nào khác, tất cả mấy cô phải để ý đến chỉ có mỗi một người đàn ông đẹp giai trên toa xe (ai đọc đến đây chậm tiêu không biết người đàn ông đẹp giai đó là ai thì tôi xin giải thích người đàn ông đẹp giai  tôi nói ở đây là tôi). Nhưng chưa hưởng được bao nhiêu giây phút thần tiên mình là người đàn ông duy nhất để mấy cô chiêm ngưỡng thì xe điện ngừng ở trạm kế tiếp, và một ông Nhật lơ xe đứng ở đầu tầu máy  xổ một tràng tiếng Nhật cho tôi, ý nói toa này chỉ dành cho phụ nữ.
 
Bước ra khỏi toa để lên toa khác mà chưa bao giờ tôi quê xệ như lúc bấy giờ. Chỉ vài giây trước cái rốn vũ trụ của tôi vênh tai ngẩng mặt thì bây giờ nó trở thành diều giấy đứt dây, bong bóng xì hơi.
 
Nếu sạch sẽ, trật tự, an ninh, đúng giờ, thuận lợi, không đủ lý do để các cô dùng metro ở Tokyo thì bảo đảm 100% điều này sẽ chiêu dụ được mấy cô ngay: shopping. Tôi chưa bao giờ thấy một hệ thống dưới mặt đất underground shopping nào như ở Tokyo: nhiều hàng quán, tấp nập, sạch sẽ và sang trọng. Chính tôi không thích shopping mà cỏn thấy mê.






 
Trước đây ông chủ cũ của tôi là người Nhật Bản. Trong khi người Việt mình tổ chức đám cưới  ăn ở nhà hàng Tầu thì tôi rất ngạc nhiên khi ông chủ tôi nói ở bên Nhật Bản, đám cưới họ tổ chức ăn ở nhà hàng Pháp. Vào shopping dưới đường xe điện ngầm ở Tokyo mới thấy ngạc nhiên hơn nữa vì nơi nào cũng có tiệm boulangerie và patisserie, mọi thứ bánh là Tây chính hiệu con nai vàng. Chúng tôi mua croissant vài lần ăn thật ngon. Hóa ra Việt Nam mình Tây không bằng Nhật là Tây, vì ngay cả trên đường phố Tokyo có nhiều nhà hàng Pháp.







 
Ảnh hưởng Pháp không hiện rõ ràng qua thức ăn, nhà hàng Pháp ở SàiGòn như ở Tokyo, dù rằng  Pháp đô hộ Việt Nam một trăm năm. Nếu tôi nhớ không lầm thì tôi chưa thấy một tiệm boulangerie & patisserie ở SàiGòn, trong khi ở Tokyo thì nhan nhãn khắp nơi. Đây là lý do tại sao: theo lời yêu cầu của đại sứ Nhật Bản Shibata Takenata vào năm 1865, năm 1867, Napoléon III gửi 10,000 quân lính Pháp sang Nhật để huấn luyện và hiện đại hóa, tân tiến hóa quân đội Nhật Bản theo như quân đội Tây Phương.
 
Nói đến boulangerie, tôi đề cập luôn đến ăn uống ở Nhật Bản. Ngoại trừ sáu năm kể từ năm 1992,  theo Economist Intelligence Unit, Tokyo luôn luôn là thành phố có đời sống đắt đỏ nhất thế giới. Đây là danh sách của 10 quốc gia đắt đỏ nhất thế giới:
 
1. Tokyo
2. Osaka
3. Sydney
4. Olso
5. Melbourne
6. Singapore
7. Zurich
8. Paris
9. Caracas
10.Genève
 
Danh sách này căn cứ theo giá nhà cửa, xe cộ, xăng nhớt, quần áo, vật dụng nhà cửa, thức ăn. Tôi vào một tiệm, Tokyu Hands, bán đủ thứ hầm bà lằng tất cả những vật dụng trong nhà, xem giá cả của kìm, búa, máy khoan... (xin lỗi tôi méo mó nghề nghiệp trong khi vợ tôi xem xách tay, quần áo, hột xoàn.. thì tôi chỉ đi xem dụng cụ dùng để duy trì nhà cửa như toilette, mỏ-lết, cưa tay...) thì thấy đắt hơn Mỹ gấp hai, ba lần. Đã thế, phẩm chất nhất định không bằng bên Mỹ. Trái cây cũng đắt. Trái dưa hấu to cỡ Costco bên Mỹ bán 6 dollar, ở Nhật bán từ $15 đến 25 dollars.


 
Thế nhưng một lý do chính yếu đưa Tokyo đắt nhất thế giới là nhà cửa. Do đó, tuy là thức ăn đắt, tôi nghĩ thức ăn ở Tokyo rẻ hơn Sydney hay Paris, và ngay cả New York City, khi tôi mua một miếng hot dog ăn dở ẹc ở xe bán đường mà họ bán $6 dollars 50 cents.
 
Đối với một du khách trung bình xuất thân từ tía em hừng đông đi cày bừa đi du lịch nước người không vào restaurant quyền quý cao sang ăn uống thì Tokyo nhất định rẻ hơn, và ngon hơn vì hợp khẩu Á Đông của mình. Ở Tokyo những tiệm ăn rẻ tiền có khắp mọi nơi. Rẻ và sạch chứ không như nhà hàng Việt Nam ở Mỹ, nhiều nơi thật bẩn. Đây là bài thơ tôi làm về đi ăn tiệm Việt Nam ở Hoa Kỳ:
 
ăn tiệm Việt Nam
 
          hôm nay bụng đói cồn cào,
xách xe tôi xuống nhà hàng Việt Nam.
          trời sinh mình gốc An Nam,
cơm mình dễ nuốt, vừa ngang túi tiền.
          đến nơi khách đến liền liền,
một ông tượng đất ngồi thiền trước sân.
          ông này lòi bụng, hở thân,
tướng người thuộc loại gẫy cân, sập giường.
          thoạt trông đã ớn xương sườn,
đói đâu đi nữa, chả buồn muốn ăn.
          một ông tuổi độ bốn lăm,
mời tôi vào chỗ bàn ăn mà ngồi.
          nhìn sơ qua những người bồi,
toàn là đực rựa, ít lời, lắm râu.
          mấy cô phụ nữ ở đâu?
hay là mốt mới dân râu dọn bàn?
          gái thường yểu điệu, nhẹ nhàng,
đi đâu ngồi ngắm vài nàng cũng vui.
          đằng này ai nấy đen thui,
áo quần xốc xếch, hôi mùi dầu chiên.
          chân tay gân cốt như điên,
quần tây lẫn với quần jean đủ mầu.
          tóc tai lởm chởm lắm gầu,
móng tay bám ghét, bám dầu tứ tung.
          mặc quần không buộc thắt lưng,
có người mang dép mà bưng mâm đồ.
          nói năng trịch thuợng, hàm hồ,
khách hàng chẳng một ký lô xem thường.
          người tôi trở bụng bất thường,
phải đành đứng dậy tìm đường xả xui.
          bước vào toilette muốn lui,
nước văng tung tóe, thoảng mùi hôi khai.
          dưới sàn khắp giấy lau tay,
bốn tường ghét bám chẳng ai lau chùi.
          đèn vàng leo lét tối thui,
góc tường lưới nhện bắt ruồi làm cơm.
          vài giây kỷ lục không hơn,
tôi làm bổn phận, lon ton về bàn.
          mặt tôi xây xẩm, bàng hoàng,
bây giờ chỉ thấy kinh hoàng, khỏi ăn.
          anh bồi mang dọn thức ăn,
ngón tay đen đúa ngang lằn vành tô.
          ai ăn xin hãy mại vô,
riêng tôi tiền trả rồi lo về nhà.
          bận sau có đói chẳng thà,
lục ăn mì gói ở nhà hay hơn.
          nghìn năm nhìn vợ vẫn hơn,
nhìn anh bồi Việt, ăn cơm nghẹn ngào.
 
Nguyễn Tài Ngọc.
  
Trong sáu ngày ở Tokyo, chúng tôi đi ăn toàn là những tiệm rẻ tiền loại fast food của Nhật Bản, rất nhiều lần ở trong những building có shopping. Một điểm hay là  tiệm nào cũng chụp hình menu với giá cả chưng bày trước tiệm cho mình xem. 




Ở Mỹ shops thường tụ tập trong một shopping mall. Trong đó có food court nơi bán thức ăn, với chính giữa là bàn ghế. Tiệm ăn chỉ bán mà không có chỗ ngồi. Khách đến mua rồi mang thức ăn mua ra giữa nơi bàn ghế tập trung ngồi ăn. Trong khi ở Nhật Bản thì food court, khu tiệm ăn, thường nằm trên một vài tầng lầu trên cao. Không có bàn ghế chung mà mỗi tiệm có bàn ghế ngồi riêng bên trong. 








Hầu hết tiệm ăn nhỏ không chứa đủ khách nên bên ngoài họ để chừng mười ghế để khách đến sau ngồi đợi. Đây là một tiệm như thế, chúng tôi ăn trưa giá $13 dollars/ một người:

 
Đây là một tiệm ở tầng thứ 18, thức ăn Thái Lan, all you can eat, giá 1500 yen một người ($15 dollars, hối xuất trung bình 1 dollar= 100 yen). Nếu ăn cua thì thêm $15 dollars nữa.


 
Đây là một tiệm sushi, đại hạ giá, vợ chồng tôi ăn 10 đĩa, giá $20 dollars:


Tất cả thức ăn ở đây giá là 16 dollars:


 
Dân Mỹ nào thèm hamburger của McDonald's thì cũng đừng lo xa. McDonald's có khắp nơi, và giá cũng rẻ. Chỉ đắt hơn bên Mỹ một, hai dollars.

 
Tôi đã nói tiệm ăn bên Nhật thật sạch, toilette cũng sạch. Ở SàiGòn toilette của nhà tôi bẩn kinh hoàng nên sang Mỹ, không muốn thấy lại cái kinh nghiệm đau thương đó, tiêu chuẩn toilette của tôi là phải sạch có thể ngủ được. Đây là ảnh toilette tôi chụp của một McDonald's: bảo đảm có thể ngủ trong đây được.

 
Ăn tiệm ở Nhật Bản cũng là một thời giờ ưa thích. Khách chăm chú ăn, ít nói chuyện. Có nói thì cũng nhỏ nhẹ, bàn kế bên không nghe. Ăn xong khách tự động mang khay đĩa trả lại quầy để nhà hàng lấy rửa. Vào tiệm ăn Việt Nam hay tiệm Tầu, tôi sợ nhất là thấy bồi bàn đẩy cái xe vòng vòng để thu dọn bát đĩa rồi đổ thức ăn dư thừa vào một nơi trên xe. Thật kinh khiếp. Nhà hàng Việt Nam ở Mỹ khi họ thu bát đĩa vào xe thì còn nhẹ tay để tránh gây tiếng động. Vào tiệm ăn Việt hay Tầu ở SàiGòn thì bồi xem khách chẳng ra một kí-lô nào. Tiếng bát đĩa thu dọn khua với nhau to còn hơn là tiếng trống đàn ầm ầm trong các vũ trường.
  
Kính thưa quý tòa và quý độc giả,
 
Bấy lâu nay có một thiểu số người có thành kiến không tốt về Nhật Bản, rao truyển những ấn tượng sai lầm không tốt về Tokyo là giá cả ăn uống đắt đỏ, nhằm ngăn chận quan hệ du lịch truyền thống hữu nghị tốt đẹp của Nhật Bản và Việt kiều hải ngoại. Hành động Việt kiều hải ngoại e ngại e dè e lệ không dám đi tham quan Nhật Bản làm mối tương thân của hai bên  bị gián đoạn, không được triển khai, giới hạn chiều sâu thăm thẳm.
 
Qua những bằng chứng về hình ảnh tôi vừa trình bày về giá cả ở Tokyo vô cùng rẻ, tôi hy vọng quý độc giả và quý tòa sẽ suy nghĩ lại để có tinh thần đổi mới, tăng cường, canh tân, hoàn thiện, đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu mà nhân dân Nhật Bản đã đại hạ giá khuyến mãi thức ăn để quý vị sẽ hồ hởi đi tham quan Tokyo mỗi năm ba lần, mỗi lần năm tháng.
 
Xin thành thực cảm ơn quý tòa và quý độc giả.
 
(còn tiếp)
 
-------------------------------------------------------------------
 
và đây là tiếp tục những nơi tôi đã đi qua:
 
3. Gokokuji: một chùa Phật ở Bunkyo. Phần đông những đền thờ ở Nhật Bản thờ người này, thần kia, kể cả Phật, nhưng Gokokuji là một chùa Phật thuần túy. Shogun Tokugawa Tsunayoshi (Shogun chức vụ tương tự như Thống Đốc) xây chùa này cống hiến cho mẹ ông ta. Phần lớn đền thờ ở Nhật Bản bị máy bay Mỹ phá hủy trong Đệ Nhị Thế Chiến, chùa Gokokuji may mắn không bị hề hấn.











 4. Kokkai: Quốc hội Nhật.


 
House of Councillors là Thượng Nghị Viện

 
Tôi chụp tấm ảnh này để cho thấy người cảnh sát Nhật Bản gác building Thượng Nghị Viện không mang súng.

 
5. Mori Tower ở Roppongi Hills: Building cao thứ năm ở Tokyo. Du khách có thể lên tầng thứ 54 có Đài quan sát xem cảnh thành phố từ trên cao.



 
6. Nakagin Capsule Tower: Ai thích thú về kiến trúc thì Nakagin Capsule Tower (ở Shimbashi) là một building phải đến xem. Kisho Kurukawa, kiến trúc gia nổi tiếng của Nhật vẽ kiểu, và building được xây cất xong vào năm 1972. Nó là building đầu tiên trên thế giới thiết kế với khái niệm người ta ở trong một chỗ nhỏ tối thiểu giới hạn. Kurukawa thiết kế building này với khái niệm những capsule có thể nới ra, cộng thêm hay đổi vị trí chỗ ở dễ dàng. Nhưng khái niệm này không thực hiện được. Ngày nay chỉ có 30 trong số 140 capsules là thực sự có người ở. Phần còn lại bị hư hại không được trùng tu. Tôi phải mất hai ngày trần ai tróc vẩy mới tìm được buidling này vì nó xa trạm metro. Ngày đầu tiên đến tìm không ra. Ngày hôm sau tôi quay trở lại, hỏi bốn người chỉ đi bộ lòng vòng, cuối cùng rồi cũng tìm thấy vì tôi nhất định chỉ về sau khi tìm ra nó.





 
7. National Arts Center: Trung Tâm Nghệ Thuật Quốc Gia ở Roppongi. Building này do Kisho Kurukawa, người vẽ Nakagin Capsule Tower  vẽ kiểu.

 
8. Tokyo Skytree tower: ở Sumida. Khi mở cửa cho khách vào xem tháng 5 năm 2012, Tokyo Skytree trở thành  tháp cao nhất thế giới (634m -2,080 feet) (CN tower ở Toronto, Canada là tháp cao thứ ba trên thế giới (553.3m - 1,815 feet). 









(còn tiếp)

 
Nguyễn Tài Ngọc
September 2013
 
Tài liệu tham khảo:
 
TaiNgoc

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire