Viếng
thăm Tokyo, Japan
06-Sep to 13-September 2013
Nguyễn Tài
Ngọc
Năm
1904, sau khi cùng nhiều người ái quốc có tâm huyết
sáng lập ra phong trào Duy Tân, Phan Bội Châu sang Nhật
Bản để tìm hiểu phương cách hữu
hiệu giúp đánh bật người Pháp ra khỏi Việt Nam. Quá kinh ngạc với
mức tiến bộ vượt bực của quốc
gia này, Phan bội Châu về nước vận động
hô hào dân Việt ưu tú sang Nhật
Bản học hỏi. Đồng thời, ông viết
tập Việt Nam Vong Quốc Sử.
Thứ
Sáu 06 tháng 9 vừa rồi, tôi cũng nối gót Phan Bội
Châu sang Nhật Bản. Khác với Phan Bội Châu còn
phải khổ sở ói lên ói xuống khi đi tầu, Tính tính tính, tình tang tang, Cuộc đời
mình như chiếc thuyền nan, Trôi nó trôi bềnh bồng. Ði
tới Tô-Ky-Ô, Mình xách tay
chiếc dù, Mặc áo ki-mô-nô. Tô-Ky-Ô Tô-Ky-Ô, Dù là dù với ki-mô-nô.... vợ chồng tôi đi máy bay
của hãng Malaysia Airlines, bay mười một tiếng
từ Los Angeles đến Tokyo.
Từ
xưa đến nay, Nhật Bản là xứ tôi muốn
đến thăm viếng nhưng chưa bao giờ đi
vì tôi hãi hùng xem ảnh chụp hành khách bị nhân viên metro
đẩy nhét vào xe điện ngầm lấy chỗ
tối đa cho mọi người được lên xe, vì
tôi không biết đường xá và khu thương mại
có viết bằng tiếng Anh hay không, vì tôi nghe nói Tokyo
rất đắt đỏ, và vì tôi không quen biết ai
ở đây (tôi không thích đi theo tour chung group với
người khác).
100 yen = 1
dollar. Những bát soup udon này do đó giá vào khoảng 4
dollars, tương đối rẻ
Thế
nhưng bốn tháng trước đây có một quảng
cáo trên Internet giá máy bay khứ hồi bao luôn một tuần
khách sạn ở Tokyo
quá rẻ, vợ tôi nhanh chân
nhanh tay mua liền lập tức. Sau khi mua, tôi chột
dạ hỏi nàng một khi đến Tokyo thì làm sao
biết nơi nào để đi, đi như thế nào,
thì nàng nói chuyện đó không
lo vì nàng tin vào khả năng tour
guide của tôi có thể tìm hiểu những nơi nên
xem ở chốn xa lạ. Trong bụng sợ đái ra
quần không biết nơi nào đi xem và không biết Tokyo
có bảng chỉ dẫn bằng tiếng Anh hay không,
nhưng ngoài mặt tôi vẫn giữ vẻ mặt bình
thản cho vợ tôi khỏi lo lắng.
Lo
ngại đi máy bay của một hãng chưa bao giờ
nghe, Malaysia Airlines, và lo ngại giá quá rẻ họ cho vào
ở khách sạn nửa-sao-không-đến-một-sao
loại Tây ba lô ở khu đường Bùi Viện &
Phạm Ngũ Lão, tôi đành phải
nhắm mắt đi như cô dâu xinh đẹp bị ép
gả cho thằng gù ở nhà thờ Đức Bà. Không
đi cũng không được vì tiền đã trả,
không hoàn lại được.
Sau
một tuần ở Tokyo, nỗi lo sợ của tôi hoàn
toàn tan biến để thay thế bằng sự hăm
hở vui mừng. Là công dân của Hoa Kỳ, một
quốc gia tân tiến nhất thế giới, thế mà tôi
thật sự bái phục nền văn minh và thái
độ của Nhật Bản, đến nỗi khi
về trở lại nhà, tôi sẽ
viết Hoa Kỳ Nguy
Cơ Sử gửi cho Obama để khuyến khích dân
vô học thức không kỷ cương Mỹ sang du
học ở Nhật Bản.
Nhân viên đi làm
buổi sáng
Hệ
thống xe điện ngầm của Tokyo không to bằng
New York City (lớn
nhất thế giới), thế nhưng nếu nói về
số người dùng metro, Tokyo to hơn rất nhiều,
với 3,1 tỷ người dùng mỗi năm (nhiều nhất thế giới), so với 1,7 tỷ hành khách của New York.
Và
đó là nỗi lo sợ đầu tiên của tôi khi máy bay
đáp xuống Tokyo. Tokyo có hai
phi trường, Narita và Haneda. Máy bay quốc tế hầu
hết cất cánh và đáp ở Narita Airport. Haneda Airport
hầu hết dành cho các chuyến bay nội địa.
Narita Airport ở rất xa thành phố, đi xe điện
ngầm Express không ngừng mất 50 phút đến Tokyo Station (Tokyo là tên trạm).
Từ đó, đổi qua xe điện thành phố đi
20 phút nữa mới đến hotel của tôi.
Vì
là lần đầu tiên đến Tokyo, tôi lo ngại không
biết mua vé xe như thế nào, làm sao biết đúng
trạm chuyển tiếp trong rừng trạm xe ở Tokyo
Station, bảng chỉ dẫn metro có in tiếng Anh hay không?
(câu trả lời là có). Máy bay tôi đến lúc 8 giờ 30
tối, có vừa đủ thời gian để bắt
kịp chuyến xe điện cuối cùng 9 giờ 45
tối đi Shinjuku nơi hotel của chúng tôi? Nếu trễ
giờ hụt chuyến xe điện thì tôi nên dùng phương
tiện di chuyển nào, xe bus limousine, hoặc đón một chiếc taxi mà tôi
đã xem giá phỏng định trên Internet vào khoảng $200
đến $220 dollar từ phi trường đến khách
sạn?
Tôi
thuộc vào loại người nhát gan nên không bao giờ
nói chuyện với người lạ mặt. Thế
nhưng vợ tôi thì khác, đi đâu nàng cũng thích
gợi chuyện, trò chuyện
với người không quen biết. Ở chốn công
cộng trong khi tôi là đao phủ thủ đằng
đằng sát khí giết người há sợ chi ai thì nàng
là Bộ Trưởng Bộ Chiêu Hồi tung cánh chim về
tổ ấm. Tính vui vẻ giao tiếp của nàng tối
hôm nay khi chúng tôi ngồi đợi ở trong phòng phi
trường trước khi lên máy bay vô tình giúp cho tôi đỡ cơn
nhức đầu khi máy bay đến Tokyo. Một cậu
Á Đông ngồi cạnh ghế chúng tôi nói chuyện
với vợ tôi bằng tiếng Anh là Internet miễn phí
ở phi trường LAX quá chậm. Từ câu chuyện
khởi đầu này mà vợ tôi khám phá anh ta tên là Tatsuya,
gia đình ở miền Nam California. Bố mẹ Tatsuya là
người Nhật, dọn sang Mỹ, Tatsuya sinh ở California.
Mang dual citizenship, công dân
của cả hai nước, Tatsuya học trung học
ở Mỹ nhưng chọn học đại học
ở Tokyo. Sau khi tiêu khiển mùa hè với gia đình ở
Mỹ, Tatsuya trở lại Tokyo để nhập học.
Tatsuya nói anh ta cũng đi về hướng Shinjuku nên chúng tôi đi theo anh ấy
một khi máy bay đến Tokyo, anh ta sẽ chỉ
đường về khách sạn.
Tatsuya bên
trái. Vợ chồng tôi mời Tatsuya đi ăn tối
ở tiệm Robot Restaurant hai ngày sau khi đến Tokyo
Ở
Mỹ khi mướn người làm, tiêu chuẩn chỉ
là giỏi, có khả năng làm công việc, chủ nhân không
được kỳ thị mầu da, sắc đẹp,
tuổi tác. Vì thế tiếp đãi viên hàng không Mỹ
đủ loại người khác nhau: cao thấp,
đẹp xấu, già trẻ...Thế nhưng tôi dám
chắc các hãng máy bay Á Đông và rất nhiều hãng máy bay
khác trên thế giới chỉ chọn tiếp đãi viên
xinh đẹp, cao ráo. Xem tiếp đãi viên của Eva Airlines, Asiana Airlines, Cathay Airlines, All Nippon
Airlines... thì biết. Cô nào cũng trắng trẻo,
cao ráo, xinh đẹp. Malaysia Airlines cũng không phải là
trường hợp ngoại lệ. Đặc biệt
hơn, tôi thấy cô nào trong hai chuyến bay cũng
đẹp xuất sắc. Có hai cô đẹp như
Thẩm Thúy Hằng, thần tượng của tôi khi tôi
10 tuổi (người đẹp Bích-La-Thôn là thần
tượng thứ hai, và bà Năm Sa-Đéc là thần
tượng thứ ba của tôi). Nhìn các cô tiếp đãi
viên xinh đẹp của Malaysia Airlines làm thì giờ bay rút
ngắn, chẳng mấy chốc máy bay đến Tokyo
đúng giờ theo chương trình.
Terminal
tôi đáp xuống giờ này chỉ có máy bay Malaysia Airlines
nên chỉ mất mười phút là chúng tôi ra khỏi Quan
Thuế. Một cô hướng dẫn viên đứng
hướng dẫn hành khách đến quầy Quan Thuế
xét giấy tờ dùng một cử chỉ mà sau này tôi
thấy khắp nơi ở
Tokyo: cô ta liên tục gập người cúi đầu chào
khách và nói một tràng tiếng Nhật thật to. Đã
thế, mặt cô ta lúc nào cũng nhoẻn miệng
cười sau khi nói. Người lính Quan Thuế sau khi xét
xong, trả lại passport cho tôi, và chắc có lẽ xem
passport biết tôi là người Mỹ, mỉm cười
và nói “Welcome”.
Tôi
chỉ vừa đặt chân vào đất Nhật mà
đã cảm thấy rất thoải mái vì nhân viên phi
trường thân thiện. Không khí của phi trường
Nhật Bản có vẻ vui nhộn vì ai cũng niềm
nở, không đằng đằng sát khí như phi
trường của Mỹ.
Bước chân ra khỏi terminal đến nơi mua
vé xe điện ngầm, tôi thấy rải rác nhiều nơi có những cô bé tôi
không biết bán cái gì nhưng cứ nói một tràng tiếng
Nhật, cười toét miệng và gập mình chào tôi
như là cô nhân viên ở khu Quan Thuế. Ban đầu tôi
nghĩ những cô này mỉm cười nói chuyện
với tôi vì họ nghĩ rằng hôm nay tôi ra đường
mọi người nhìn tôi vì tôi xinh đẹp mang
đồng hồ Citizen, thế nhưng xem lại
đồng hồ tay của tôi không phải hiệu Citizen,
tôi biết là mình đoán sai.
Ngắm
xem những cô gái lập lại những động tác này
không biết bao nhiêu lần, tôi thầm cảm phục
sự kiên nhẫn của họ lúc nào cũng nhoẻn
miệng cười, vì nếu là tôi sau khi đứng
mời bao nhiêu khách không mua, bảo đảm tôi sẽ lên
cơn nổi sùng thằng bố chứ không có cái
chuyện cười toe toét như thế.
Từ
phi trường vào Tokyo, rẻ nhất là đi xe bus
limousine hay đi xe điện ngầm, giá bằng nhau, 2,900
yen – 29 dollars. Tatsuya nói với tôi xe bus không có chỉ dẫn
bằng tiếng Anh, do đó nên đi xe điện.
Tuyến xe điện từ phi trường vào Tokyo là
tuyến ngoại ô, gọi là JR N'EX.
Khác
với xe điện
metro trong thành phố, xe tuyến JR có
số ghế ngồi riêng biệt hẳn hòi, và ghế rất rộng rãi. Chúng tôi mua vé chiếc JR Express
chạy không ngừng đến trạm Tokyo Station,
rồi từ đó chuyển
sang tuyến xe điện trong thành phố (Tokyo Metro Line),
tuyến đường Marunouchi, đi Shinjuku. Giá vé là 190
yen, $1 dollar 90 cents.
Đi
khoảng 15 phút thì xe điện đến trạm metro
gần khách sạn của tôi là trạm M10, Shinjuku-gyoemae (M
là chữ đầu của tên tuyến đường
Marunouchi. Số 10 là trạm thứ 10 trên tuyến
đường đó). Tôi đã nói cảm ơn Tatsuya trên
xe, bảo là tôi sẽ tự mình tìm ra hotel nhưng Tatsuya nói
là không sao, anh ta sẽ dẫn tôi ra đường chính, và
dùng iPhone định hướng vì tôi không có bản
đồ. Tatsuya nói một khi bước ra khỏi
trạm xe điện, tôi không biết đâu là Đông Tây
Nam Bắc.
10:30
giờ đêm chúng tôi đặt chân lên con đường
đầu tiên của Tokyo. Sau khi định hướng,
tôi bảo Tatsuya về được rồi nhưng Tatsuya
tiếp tục dẫn tôi đi nửa block cho đến
một ngã tư, kéo theo cái valise to tổ bố, chỉ vào
con đường trước mặt, nói chúng tôi đi
thẳng là sẽ đến. Tôi cảm ơn Tatsuya rối rít, áy náy anh ta đã bỏ
thì giờ đi bộ với chúng tôi. Tatsuya sinh ở
Mỹ nhưng vẫn giữ lòng tốt giúp người
triệt để. Đây là một cá tính tốt của
người Nhật mà trong sáu ngày ở Tokyo, có ba lần
khi hỏi đường, những người tôi không
quen biết dẫn chúng tôi đến tận nơi hay
hỏi ra tận chốn cho chúng tôi.
Đi
bộ trong đêm kéo theo cái valise, thỉnh thoảng gặp
vài người đàn ông đứng trong những con
hẻm chật hẹp, thế nhưng vợ chồng chúng
tôi không có đến một nỗi lo sợ vì cảm
thấy rất an toàn. Khác với nhiều nơi ở Los
Angeles hay SàiGòn, tối khuya khách lạ đi bộ như
thế này bảo đảm sẽ có vài người xin tí
huyết. Dù gì tôi cũng không sợ
vì nếu nhỡ thật sự có cướp, tôi sẽ
bỏ chạy một mình, để vợ tôi lại phân
tâm bọn cướp. Cho dù là có thể đi lạc vì tôi
không có bản đồ Tokyo để xác định
địa chỉ khách sạn, tôi cũng chẳng lo vì
nỗi lo sợ lớn nhất của tôi không tìm
được xe điện chở đến trạm
gần khách sạn đã không thành hình. Nếu có lạc, tôi
cứ hỏi dân cư ở chung quanh, dù rằng trời
đã gần nửa đêm.
Ở
nhà xem thời tiết, tôi biết hôm nay Tokyo đã mưa to và trời sẽ mưa vài
ngày nữa. Mức độ ẩm ướt trong không khí
cộng với thời tiết oi bức làm tôi chẩy
mồ hôi, áo ướt đẫm hơn heo bị chọc
tiết. Thế mà cả vợ tôi lẫn tôi ngạc nhiên
vì không ai ngửi thấy mùi hôi của đất lúc
trời mưa như ở SảiGòn hay Paris. Có nghĩa là
hệ thống thoát nước ở đây hữu
hiệu, nước không bị ứ đọng và cầu
cống không bị nghẹt để mang mùi hôi thối.
Đi
chừng một cây số, tôi tìm ra khách sạn Listel Shinjuku. Khu tiếp tân
đơn sơ nghèo nàn giống như những khách
sạn trên đường Lê Thánh Tôn bên hông chợ SàiGòn.
Anh tiếp tân trẻ nói tiếng Anh bập bễnh
nhưng có thể đả thông tư tưởng. Anh ta
đưa cho chúng tôi chìa khóa phòng ở tầng thứ 7.
Lấy
chìa khóa lên lầu mở cửa vào phòng, tôi thấy nó không
khác gì phòng trên cruise, croisière: nhỏ xíu như phòng
Bạch Tuyết và Bẩy Chú Lùn, tôi đứng cao gần
bằng ngưỡng cửa. Vất valise vào một xó,
mở cửa phòng tắm đi tiểu trước khi
đi tắm, tôi ngạc nhiên trước nền văn
minh Nhật Bản: bên hông vành ngồi bồn toilette
đầy những nút. Chưa hết thán phục dụng
cụ tân tiến của xứ người, vừa
ngồi xuống toilette thì tôi thấy ngay trước
mặt gắn trên tường là một remote control với bốn cái nút, hai nút có hình cái
mông với một tia nước và nhiều tia
nước. Táy máy, tôi bấm
thử cái nút hình cái mông có nhiều tia nước. Một
giòng nước nóng, nóng hơn hỏa diệm sơn Hawaii,
nóng hơn nước trà nóng ở nhà hàng Tầu, phun
mạnh hơn suối phun nước Old Faithful ở
Yellowstone hay Jet d’Eau ở Genève, mạnh hơn vòi rồng
của Sở Cứu Hỏa Đô Thành, bắn vào trung tâm
điểm mông của tôi với dung tích nước ồ
ạt hơn thác nước Niagara Falls của Canada.
Trong
tất cả làn da trên thân thể chúng ta, da mông là dễ
nhậy cảm nhất vì nó
lúc nào cũng được double
protection quần lót và quần ngoài che chở. Nó không bao
giờ biết ánh nắng chói chang là gì. Nó không bao giờ
biết bị muỗi đốt hay kiến cắn
ngứa ngáy ra sao. Nó không bao giờ biết lạnh teo chim
là lạnh như thế nào. Vì thế mà với độ
nóng vũ bão của ngòi nước phun Tokyo, da mông của
tôi dễ dàng ngay lập tức cảm thấy càng ngày càng
nóng như thiêu đốt.
Tôi
muốn hét lên Help!
để vợ tôi ở ngoài phòng chạy vào giải
cứu, thế nhưng nàng làm gì được vì cũng
vừa mới đến Tokyo như tôi? Ý nghĩ kế
tiếp là tôi muốn đứng lên chạy ra khỏi
toilette để cứu vãn da mông của tôi sắp sửa
bị third degree burn, cháy nám
cấp 3, thế nhưng e rằng nếu đứng lên
nước sẽ bắn tung tóe ra ngoài vì bây giờ mông tôi
đang che chở bồn toilette như là cái nắp
đậy, thành ra tôi cố gắng ngồi chịu
trận.
Tinh
thần hỗn loạn dễ
làm đầu óc mất bình tĩnh nên cố gắng
quên đi nỗi đau hạ giới, tôi dịu tâm trí
để quan sát những chiếc nút bên hông toilette xem
chức năng của nó là gì. Nào là nút cho nước
chẩy mạnh hay yếu. Nào là nút làm cho vành ngồi nóng
lên để sưởi ấm bàn tọa. Nào là nút khi
bấm thoát nước thay vì nghe tiếng nước
chẩy tồ tồ thì có nhạc của Beethoven nổi
lên che át tiếng nước chẩy để mình khỏi
xấu hổ vì người bên ngoài tưởng mình đi
shopping ở Beverly Hills chứ không phải mình đang
xả xui..., đủ thứ nút mà không có nút Xì-Tốp!
Khi
tôi có cảm tưởng da mông đã quá phỏng cháy cỡ
dầu cháo quẩy chiên thì bấy giờ tôi mới phát giác
trên cái remote control gắn trên tường có một nút STOP
mầu đỏ.
Không
thể chần chừ thêm một giây phút vì cứu
người như cứu hỏa, tôi bấm vào cái nút STOP
đó. Eureka! Làn nước
nóng ngừng phun, da mông của
tôi như vừa có quân đội Mỹ đến
tiếp viện, nguội mát hẳn đi.
Một
giờ đêm tắm rửa xong, tôi lên giường
ngủ. Honeymoon thứ 35 của tôi nhất định
phải tạm đình hoãn đêm nay để cho phép mông
của tôi một thời gian dưỡng bệnh phục
hồi sau trận hỏa diệm sơn Tokyo.
(còn tiếp)
-------------------------------
Đây
là những nơi chúng tôi đi xem ở Tokyo, chia ra theo vùng,
theo thứ
tự ABCD. Chữ "ku" tiếng
Nhật là một vùng, như "Phường"
của mình chẳng hạn. Thành ra Bunkyo-ku thí
dụ có thể là Phường
Bunkyo. Nơi nào chữ mầu tím thì
đáng nên đi. Tôi
sẽ viết về những nơi này ở các bài kế
tiếp:
1. Đền thờ
Chiến Sĩ Trận VongYasukuni-Jinja shrine, Chiyoda-ku
2. Đền
thờ Gokokuji Temple, Bunkyo-ku
3. Đền thờ
Hie-jinja Temple, Chiyoda-ku
4. Hoàng Cung
Imperial Palace, Chiyoda-ku
5. Quốc Hội Kokkai Gigido, Chiyoda-ku
6. Ginza
Shopping Street, Chuo-ku
7. Nagakin Capsule building, Chuo-ku
8. Chợ
Cá Tsukiji Fish Market,
Chuo-ku
9. Tháp Tokyo Tower, Minato-ku
10. Đài quan
sát World Trade Center Observatory, Minato-ku
11. Trung
tâm Nghệ thuật Quốc gia National
Art Center,
Roppongi, Minato-ku
12. Building Mori
Tower, Roppongi, Minato-ku
13. Đền thờ
Meiji Jingu Shrine, Shibuya-ku
14. Giao điểm
Shibuya Crossing, Shibuya-ku
15. Takeshita dori
- Harajuku, Shibuya-ku (Dori nghĩa là Đường)
16. Tokyo Metropolitan Government Center, Shinjuku-ku
17. Shinjuku/ Kabukicho,
Shinjuku-ku
18. Công viên
quốc gia Shinjuku Gyoen National Garden, Shinjuku-ku
19. Robot restaurant, Kabukicho,
Shinjuku-ku
20. Electric
Street, Shinjuku-ku
21. Những
quán bar ở Golden Gai, Shinjuku-ku
22. Đền
thờ Senso-ji Temple, Taito-ku
23. Nakamise-dori Shopping Street,
Taito-ku
24. Chợ Ameyoko,
Taito-ku
25. Đền
thờ Toshogu Shrine,
Taiko-ku
26. Vườn Ueno Onshi
Park, Taito-ku
27. Tháp Tokyo Skytree
Tower, Sumida-ku
28. Viện Bảo Tàng Edo-Tokyo Museum,
Sumida-ku
(còn tiếp)
Nguyễn Tài
Ngọc
September 2013
Tài
liệu tham khảo:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire