NHỮNG CÁNH CHIM TRỜI
Troyes là một thành phố du lịch tuyệt đẹp và cũng là một trung tâm văn hóa nghệ thuật có từ nhiều thế kỷ. Một thành phố có lắm nhà thờ, chỉ trong chu vi trung tâm thành phố, ngoài ngôi nhà thờ chính tòa, đã đếm được ít nhất bảy ngôi nhà thờ khác. Các giáo đường này được trang trí bằng nhiều cửa ghép kính, chiếu ra muôn vạn màu sắc lộng lẫy. Ở ngay trung tâm thành phố, còn rất nhiều dấu tích của những đường phố cũ xưa lát đá vuông. Dọc bên đường có những ngôi nhà xây bằng khung gỗ trát đất nén trộn rơm. Tầng lầu nhô ra ngoài đường, vách tường nghiêng nghiêng tạo thêm nét duyên dáng nên thơ của một góc phố thời Trung cổ. Có nơi đường phố thật hẹp như có thể chuyển đồ đạc qua cửa sổ hai nhà đối diện. Thành phố Troyes cũng có rất nhiều viện bảo tàng. Ngoài Viện Bảo Tàng Lịch Sử và Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật, còn có Viện Bảo Tàng Kỷ Nghệ Đan (Bonneterie) rất đáng kể. Nơi đây triển lãm các khung máy đan, chỉ bông chế tạo vớ, mũ trùm (bonnet), bao tay (gants), áo tắm v.v. Từ lâu, Troyes và tỉnh Aube vẫn được xem là quê hương của mũ trùm dệt bằng chỉ bông. Hằng năm vào khoảng đầu tháng 6, một chợ phiên được tổ chức, nối tiếp truyền thống chợ phiên của miền Champagne đã có từ mười mấy thế kỷ về trước, thu hút một số thương gia trên các nẽo đường Châu Âu về tham dự. Các món ăn nổi tiếng không kém tại địa phương gồm có: dồi (andouillette de Troyes), gà nấu rượu sâm banh (coq au vin de Champagne) v.v. Ngày nay, Troyes còn là nơi có những cửa hàng chuyên bán hàng may mặc, sản xuất đến thẳng từ xưởng chế tạo của các thương hiệu danh tiếng (Calvin Klein, Lacoste, Levi's, Ralph Lauren...). Khách du lịch và người sành điệu mua sắm thường đổ xô về Troyes để tìm cho được các món hàng vừa với túi tiền và đúng như sở thích. Thành phốTroyes
là nơi đất lành nên người Việt tị nạn về đây định cư rất đông. Thế hệ thứ hai nay đã lớn và thành đạt học vấn có địa vị trong xã hội Pháp nhưng vẫn xem Troyes là quê hương thứ hai dù làm việc ở bất cứ nơi đâu vẫn trở về thành phố thân yêu đó. Tuy có hơi xa Paris, nhưng Troyes lại quy tụ nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, có người thành danh khi còn ở quê nhà trước năm 1975 như : GS Nguyễn Đức Cung dạy violon ở Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn, Nhà văn Hồ Trường An, Nhạc sĩ Anh Việt Thanh, Nhạc sĩ kiêm Họa sĩ Vũ Thái Hòa, và sau này có Nhà văn nữ Hàn Giang Lệ Tuyền, Điêu khắc gia Lê Ngọc Khoa và Họa sĩ Duyên, ca sĩ Thu Hương, Thy Như…vv.. Cách nay gần 30 năm chúng tôi được một người Pháp của viện Bảo Tàng Mỹ Thuật thành phố Troyes mời đến để thảo luận về một dự tính triển lãm những tác phẩm nghệ thuật. Thuở đó rất dễ gặp gỡ những quan chức trong giới văn hóa, chính trị người Pháp, vì trong số ấy nhiều người đã từng sống và làm việc ở Việt Nam trước năm 1954, và sau năm 1954 ở miền Nam, thời gian sau lớp ngưòi đó đã mất dần, số còn lại rất ít. Ở Paris có Họa sĩ, Kiến trúc sư René Loesch, Nhiếp ảnh gia, LS Nguyễn Đăng Trình và tôi, ở Troyes có Họa sĩ Vũ Thái Hòa. Ngày ấy có một số nghệ sĩ mới đến Pháp chưa chuẩn bị kịp, lúc đó Vũ Thái Hòa mới vẽ lại được vài bức sơn dầu, họa sĩ Duyên mới vẽ trên giấy, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình chưa làm xong những âm bản, Lê Ngọc Khoa chưa bước vào con đường nghệ thuật, còn họa sĩ Thái Tuấn cũng mới đến Pháp. Họa sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh chăm sóc lại những bức tranh lụa. Các họa sĩ Vĩnh Ấn, họa sĩ Nguyễn Cầm , họa sĩ Lê Tài Điển, họa sĩ Hoàng Đình Tuyên, họa sĩ Phạm Tăng vẫn tiếp tục làm triển lãm tranh ở Paris, họa sĩ Vũ Đình Lâm đang chuẩn bị tranh cho cuộc triển lãm. Hôm ấy chúng tôi còn được hội Văn Hóa Người Việt ở Troyes mời đến thăm cơ sở. Tôi rủ Vũ Thái Hòa và Hồ Trường An cùng đến, nhạc sĩ Anh Việt Thanh đã chờ ở đó. Văn Học Nghệ Thuật quả có một sức cuốn hút lạ lùng, hễ ai đã vướng vào nó thì cả đời khó dứt, muốn bỏ nó để đỡ gánh tâm sức nhưng nó lại chẳng phụ mình, đành phải theo đến cùng ! Con đường nghệ thuật bất tận, mênh mông ý tưởng, đa chiều và muôn lối. Nhưng người làm nghệ thuật vẫn thích đi chung lối sát nhau đôi khi vướng nhau vấp ngã ! Chỉ có những kẻ đam mê nghệ thuật một cách say đắm mới đi trọn con đường đến cùng, dù là gian nan, trắc trở, thiếu thốn… Đó là nghệ sĩ. Ngày GS Nguyễn Đức Cung mất tôi đang ở nước ngoài, ở Paris có người học trò cũ của GS Cung là nữ nhạc sĩ Linh Chi, một violon xuất sắc của Paris đã xuống Troyes chịu tang thày. Những văn nghệ sĩ ở Troyes thường gặp nhau trong các sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Paris, thỉnh thoảng tôi cùng các bạn Paris về thăm họ. Cách nay một tháng chúng tôi có hẹn với nhà văn Vũ Nam và các bạn ở Đức sang thăm Hồ Trường An vì anh bị bán thân bất toại, phải ngồi xe lăn đã vài năm nay, tôi muốn đến thăm các bạn khác ở Troyes nhưng thì giờ không cho phép, các bạn ở Đức phải trở về vì đường quá xa. Về Paris tôi nghe tin anh Vũ Thái Hòa vừa nhập viện, chúng tôi cũng tưởng là bệnh của người già, các cháu con của anh Vũ Thái Hòa đã học thành tài, đi làm xa đều về thăm bố, thấy anh khỏe các cháu lại trở về đi làm. Cả tuần nay trên các diễn đàn, bằng hữu văn nghệ sĩ xa gần xôn xao thăm hỏi vì biết tin anh trở bệnh nặng. Nhạc sĩ Trường Sa rất lo lắng về bệnh trạng của Vũ Thái Hòa từ Canada mail qua thăm hỏi dặn dò... Anh Trường Sa là người bạn rất thân của anh Vũ Thái Hòa, ngoài tình bạn nghệ sĩ cùng là nhạc sĩ, còn là cựu chiến hữu vì cùng binh chủng Hải Quân. Nhạc sĩ Trường Sa có những nhạc phẩm nổi tiếng trước năm 1975 ở miền Nam mà dòng nhạc mang giai điệu trữ tình. Những nhạc phẩm đó dù được viết trên quê hương nhưng khung trời lại bàng bạc chất tây phương trong cung bậc, rất dịu dàng tha thướt đầy màu sắc, nên được công chúng yêu thích đến hôm nay. Nhà văn nữ Nguyễn Thị Ngọc Dung, chủ nhiệm tạp chí văn học nghệ thuật Cỏ Thơm ở V.A, Nhạc sĩ Phan Anh Dũng, chủ nhiệm ngoại vụ tạp chí Cỏ Thơm và các anh chị trong ban trị sự đã mail qua thăm hỏi, họa sĩ Vũ Thái Hòa, vì anh là một thành viên trong ban biên tập Cỏ Thơm. Nhà thơ nữ Ngô Minh Hằng ở Mỹ, Nhạc sĩ Cao Minh Hưng đại diện Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ ở Cali, Nhà thơ nữ Miên Thụy ở Hòa Lan…vv…
Hôm qua Paris nắng chói chang như đang vào mùa hè, thì sáng nay thời tiết xứ Pháp thay đổi bước vào giữa thu, mưa và lạnh làm cơ thể những người có tuổi chưa kịp thích nghi với sự chuyển mùa đột ngột ! Tối qua tôi có phône đến chị Vũ Thái Hòa để cho biết chúng tôi sẽ đi thăm anh Vũ Thái Hòa vào ngày mai. Chị rất vui và nói sẽ cùng các cháu đón chúng tôi. Để không phiền đến thì giờ của chị và các cháu tôi sẽ đến với nhạc sĩ Anh Việt Thanh và nhà văn Hồ trường An ở đưới đó cùng các bạn Paris đến thăm anh Vũ Thái Hòa.
Paris vào ngày thứ sáu đường rất kẹt xe, chúng tôi gồm nhà biên khảo Mỹ Phước Nguyễn Thanh, nhà thơ nữ Nguyễn Mây Thu, đại diện tạp chí Cỏ Thơm, nhà thơ Trịnh Cơ đại diện nhóm cựu chiến hữu và tôi. Người lái xe là anh Nguyễn Thanh đã lóc lách trong phố Paris và cuối cùng ra được xa lộ trực chỉ Troyes trong cơn mưa tầm tã trắng mù cả đường ! Đến Troyes lúc 13h00, chúng tôi ghé nhà anh chị Anh Việt Thanh ; riêng anh Hồ Trường An cho biết anh cũng mới đến thăm anh Vũ Thái Hòa, tôi thấy sức khỏe của anh cũng kém lắm ! Ở nhà Anh Việt Thanh tôi gọi phône cho chị Vũ Thái Hòa, chúng tôi nói sẽ đến thẳng nhà thương, chị nói sẽ đến nhà thương và cho cháu chờ ở cổng. Mưa ở Troyes buồn bã, nặng hạt và tầm tã hơn Paris ! Chúng tôi đến cổng nhà thương cháu đã chờ sẵn dưới mưa, vào đến phòng bệnh, chị Vũ Thái Hòa đã chờ, anh Vũ Thái Hòa thiếp ngủ vì đang vào thuốc. Chúng tôi có hỏi chị cần giúp điều gì, và tôi có kể một loạt tên những bạn văn nghệ ở xa nhắn hỏi thăm, hoặc chuyển tin cho nhau. Chị Hòa nhờ tôi chuyển lời chân thành cảm ơn đến các bạn xa gần đã phône, mail thăm hỏi, và chuyển tin của anh. Trong khoảng thời gian chúng tôi thăm anh Vũ Thái Hòa, một nhóm nhạc sĩ người Pháp đã mang đàn đến trước của phòng của anh Vũ Thái Hòa, và trình tấu nhạc phẩm : Tình khúc Tuyên. Mười ngón tay lã lướt trên phím dương cầm của nhạc sĩ Laurant làm xao xuyến người nghe. Bản nhạc được một nhạc sĩ Pháp trình tấu, ông không hiểu lời ca khúc nói gì nhưng những hình nốt, ký hiệu trong âm nhạc là ngôn ngữ quốc tế, nếu nhạc phẩm được viết từ một nhạc sĩ có tài nó sẽ thể hiện được cảm xúc, tình cảm của tác giả qua giai điệu và tiết tấu, bao gồm những hình ảnh màu sắc ẩn trong âm thanh. Người nhạc sĩ dương cầm thả hồn theo từng nốt nhạc trầm bổng, giai điệu dìu dặt khoan thai. Tôi thấy chị Hòa mắt rướm lệ. Chị bùi ngùi cho chúng tôi biết đây là ca khúc anh Vũ Thái Hòa đã sáng tác tặng chị sau ngày cưới, ca khúc : Tình Khúc Tuyên, Tuyên là tên của chị để kỷ niệm tình nghĩa vợ chồng một đời sẽ gắn bó với nhau. Đây cũng tấm lòng thương yêu của người vợ dành trọn cho chồng. Khúc nhạc tình êm dịu ấy chắc sẽ dìu tác giả người nghệ sĩ đa tài Vũ Thái Hòa nằm thiếp trên giường bệnh âm thanh màu vĩnh cửu.
Chúng tôi ra về ghé thăm nhà văn Hồ Trường An. Trên đường trở về Paris tôi nói với các bạn:
« Đối với gia đình, anh Vũ Thái Hòa là một con người tận tụy với gia đình rất thương vợ con, chịu hy sinh khó nhọc vì hạnh phúc gia đình. Nguồn hạnh phúc lớn lao của anh là gia đình, và được Thượng Đế bù công là có Người Vợ Hiền và Đám Con Ngoan.
Đối với nghệ thuật, anh là một nghệ sĩ Chân Chính, không bon chen, cầu lợi. Đức tính chăm chỉ chịu nghiên cứu, học hỏi, cộng với bản tính cần mẫn và đam mê đã giúp anh thẳng tiến trên con đường nghệ thuật, chắp cánh bay cao từ đôi cánh của mình. »Ở Pháp có hai nhạc sĩ cùng là bạn cũ, nổi tiếng cùng thời, sống rất khép kín đó là Vũ Thái Hòa và Nhạc sĩ Xuân Vinh. Cả hai đều có tài về âm nhạc nhưng ít phô trương. Tôi thường nghĩ : Dù cho đó là nghệ thuật hay bất cứ bộ môn nào thời gian sẽ là thước đo những giá trị đích thực của tác phẩm. Lớp sơn tô vẽ do quảng cáo cũng sẽ bị phai lạt, tự tróc ra và tan biến với thời gian !
Đỗ Bình
Xin ghi lại
Những Nét Sinh Hoạt của Nhạc sĩ &Họa sĩ Vũ Thái Hòa. VŨ THÁI HÒA tên thật và cũng là bút danh ký trên các sáng tác : Thơ, Văn, Họa, Nhạc và Hòa âm.
- Sinh năm 1947 tại Trung Lao, Nam Định
- 1965 bắt đầu sinh hoạt nghệ thuật viết và làm báo tại Sàigòn
-1970 tự học Hội họa, Nhạc và Hòa âm
- Định cư tại Pháp 1984 ÂM NHẠC :
1970 bắt đầu sáng tác Tình Ca và Thánh Ca - Nhiều bài Tình Ca của Vũ Thái Hòa đã thâu băng và xuất bản tại Sàigòn trước 1975- Vũ Thái Hòa là tác giả nhiều bài Thánh Ca giá trị đã được phổ biến. HỘI HỌA :
- Từ 1972 đến nay Tranh Vũ Thái Hòa được nhiều người yêu thích và đã xuất hiện trên trang bià các tác phẩm Thơ, Văn, Nhạc … của các Văn Nghệ Sĩ tên tuổi VN - Ngoài ra, tranh Vũ Thái Hòa còn xuất hiện trên những cánh thiệp Chúc Giáng Sinh và Năm mới,và trên các tạp chí Việt ngữ xuất bản ở Hoa kỳ, Pháp, Đức, Canada, Úc Tại Pháp, Vũ Thái Hòa được chính Phủ Pháp tài trợ triển lãm tranh trong Cộng đồng người Pháp nhiều lần với tư cách Cá nhân hay với các họa sĩ Pháp từ 1985 đến nay.
-1986 Giải thưởng hội họa Libé nhật báo Libération Champagne (France)
- 1987 Họa phẩm : Longue a été la nuit (đêm dài) của Vũ Thái Hòa được UNESCO giới thiệu đưa vào Viện bảo tàng Loukine d’ Arsonval (France) và VTH được UNESCO tặng huy chương hội họa : Picasso - Miró -1992 Phát hành 10 thiệp Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm mới có in tranh Vũ Thái Hòa trên mỗi tấm thiệp (do Nguyệt San Dân Chúa Âu Châu phát hành)
-1999,2000,2001 Trong Hội đồng Giám khảo thi hội họa quốc tế do UNESCO tổ chức hàng năm tại Troyes (Pháp)
-2/2003 Triển lãm tranh tại Salon des Artisans d’Art (Hội Chợ Mùa Xuân)(Troyes)(Pháp)
- 10/2003 Triển lãm tranh tại : (Trung Tâm Văn Hóa) Centre Culturel de la Chapelle Saint Luc (Thành phố La Chapelle Saint Luc) (Pháp)
- 2/2004 Triển lãm tranh tại : Maison pour tous thành phố Sainte Savine.(Pháp)
- 4/2004 Triển lãm tranh tại Ngân hàng BNP Paribas (Troyes) (Pháp) do Trung tâm văn hóa Thành phố Troyes (Pháp) tổ chức
- 13/12/2008 - 5/1/2009 Triển lãm tranh tại Galerie du Cinéma Eden thành phố Romilly Sur Seine (Pháp) do Trung tâm Văn Hóa thành phố Romilly Sur Seine tổ chức
(Tranh của Họa sĩ Vũ Thái Hòa xuất hiện trên đường phố Pháp Quốc)ĐÃ XUẤT BẢN
- Tuyển tập 12 Tình Khúc Vũ Thái Hòa NẮNG HANH VÀNG (1999)
- TÌNH KHÚC VŨ THÁI HÒA – 40 tình khúc VŨ THÁI HÒA (2001)
- TUYỂN TẬP 36 BÀI THÁNH CA – VŨ THÁI HÒA
- LỜI GỌI ĐÊM ĐÔNG – Thánh ca Giáng Sinh Nhạc và lời: VŨ THÁI HÒA
– NHẠC DÂN LỜI THÁNH – Viết Lời: VŨ THÁI HÒA
- 10 TÌNH KHÚC VŨ THÁI HÒA (Mp3)
- Bộ Lễ Nhạc: CHÚA VÀO ĐỜI – Nhạc và lời: VŨ THÁI HÒA
- Tập Thánh Ca CHÚA VÀO ĐỜI – Nhạc và lời: VŨ THÁI HÒA.
@@@ Đỗ Bình: "...Văn Học Nghệ Thuật quả có một sức cuốn hút lạ lùng, hễ ai đã vướng vào nó thì cả đời khó dứt, muốn bỏ nó để đỡ gánh tâm sức nhưng nó lại chẳng phụ mình, đành phải theo đến cùng ! Con đường nghệ thuật bất tận, mênh mông ý tưởng, đa chiều và muôn lối. Nhưng người làm nghệ thuật vẫn thích đi chung lối sát nhau đôi khi vướng nhau vấp ngã ! Chỉ có những kẻ đam mê nghệ thuật một cách say đắm mới đi trọn con đường đến cùng, dù là gian nan, trắc trở, thiếu thốn… Đó là nghệ sĩ."
RépondreSupprimerCảm ơn anh Đỗ Bình đã kể chuyện chuyến thăm viếng nhạc/họa sĩ Vũ Thái Hòa trên giường bệnh. Nhờ đọc "Những Cánh Chim Trời" của anh mới biết thành phố Troyes là nơi có đông Văn Nghệ Sĩ Việt Nam sinh sống.
Nếu anh có dịp thăm viếng nhà văn Hồ Trường An và Họa sĩ Vũ Thái Hòa xin cho Trúc Giang Lúa 9 kính lời hỏi thăm, chúc quý anh ấy qua cơn bệnh và vui sống với ngòi bút và cây cọ vẽ của mình. Vui sống một đời nghệ sĩ đến hơi thở cuối cùng.
Kính chúc anh Đỗ Bình nhiều sức khỏe, an vui và chờ đọc tiếp những câu chuyện sắp tới của anh.
Đầu tháng 11.2013 Trúc Giang Lúa 9 định về Paris thăm nhà báo Tô Vũ đó anh ạ. Hy vọng gặp được vài quý ACE văn nghệ sĩ Paris vào dịp này thì vui lắm.
Kính mến,
Võ Thị Trúc Giang Lúa 9