Nam nhân vật chính trong cốt truyện là Phong, chàng tình cờ gặp Vũ rồi trở thành đôi bạn thân khi còn ở Hà Nội. Vũ có người em gái út rất xinh xắn tên là Phương Vân mà gia đình còn gọi là Mây. Sự gặp gở nầy được xem như là duyên tiền định đưa đến mối lương duyên giữa hai người.
Chàng vì tương lai nên đã xuất ngoại du học ở Pháp, giữa lúc đó thì đất nước chia đôi. Sau khi thành tài chàng đơn độc trở về miền Nam phục vụ và gặp lại Vũ, một người bạn cũ biết nhau khi còn ở Hà Nội. Gia đình Vũ được xem như là chỗ dựa tinh thần của chàng.
Nhưng rồi sau hai năm chàng lại đột ngột rủ áo từ quan để đi Mỹ tiếp tục học một chương trình Tiến Sĩ và cũng từ đó tình yêu giữa Phong Vân nẩy nở và phát triển qua từng cánh thư xuyên đại dương.
Sau thế chiến thứ hai, chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện ở Âu Châu mà đặc biệt là ở Pháp. Người ta quan niệm một cuộc sống buông thả, tự do luyến ái,trong một xã hội với muôn vàn cạm bẩy và thử thách. Nhưng trong môi trường sống đầy sa đọa đó đã không làm chàng xao lãng những mục đích của đời mình, chàng vẫn âm thầm học hỏi và đồng thời phải tận lực đấu tranh để vượt thắng những giằng co trong nội tâm nhất thời của mình trước những đóa hồng, những kiều nữ xinh như mộng, thùy mị như Mai Anh ở thành phố Boulder và thông minh như cô Tham Vụ ngọai giao Hồng Vân. Nhưng rồi tất cả đã phải nhường bước trước hình ảnh của Phương Vân nơi quê nhà với cặp mắt to và tròn của em đã giúp chàng vượt thắng mọi cám dỗ và chàng đã ví đôi mắt đó như “Mắt Biếc Hồ Thu”:
“Mắt em là cả hồ thu,
Tiếng em thánh thoát như ru men tình.
Ước sao chỉ có đôi mình,
Nhưng đâu chỉ có chúng mình ước ao.
Đêm nào ngước mắt trông sao,
Cùng em, mơ ước nơi nào viễn du.
Nhìn em, đáy mắt hồ thu,
Anh quên giấc mộng viễn du nơi nào.
Bâng khuâng gió lọt song đào,
Nhớ đôi mắt biếc, hôm nào tương tư.
Đường trần một cõi hoang vu,
Đi hoài mới biết thiên thu nhớ người…”(NXV)
Qua tác phẩm “Tìm Nhau Từ Thuở” nhà văn Tạ Xuân Thạc đã nhận xét: “…dầu rằng Ông là một khoa học gia lỗi lạc với nhiều số liệu toán học không gian vẫn đầy ấp trong tiềm thức của ông, nhưng khi viết văn ông đã không bị những giới hạn khô cằn bên kỹ thuật chi phối, trái lại lối văn ông viết rất linh hoạt, cảm thông, mô tả một tình yêu thương chan chứa, sự làm dáng hay thích nuông chiều của người con gái ở tuổi yêu đương. Cốt cách yêu thương của “cô bé” tiểu thư kín đáo chung thủy mà không xàm xỡ. Tác giả đã thành công về lãnh vực tả chân, sành về tâm lý của người tình nhỏ tuổi,và sự liên hệ tình cảm thủy chung chỉ với một người”.
Kính mời qúy độc giả xem Chương 1 của tác phẩm “Tìm Nhau Từ Thủơ”.
Kính
NHC
...............................
Chương 1
Gió Mây Lưu Lạc
(Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh)
Phong mở rộng cửa sổ để cho gió núi tràn vào trong phòng. Chàng lim dim mắt để giác quan được tận hưởng mùi thơm của hoa đồng cỏ nội đang tỏa trong phòng văn. Chàng đứng lặng yên như thế ở khung cửa sổ chừng vài phút rồi mới mở mắt nhìn về dẫy núi ở đằng xa. Cảnh núi non ỏ Colorado thật là đẹp, nhất là đứng từ thành phố Boulder ở dưới thung lũng nhìn lên. Chàng đã tới tỉnh này, nơi toạ lạc của Ðại Học Colorado, được hơn một tuần lễ, để trở về đời sống của một sinh viên.
Hai cánh cửa sổ vẫn để mở, gió núi vẫn lọt vào. Phong là người quen đùa với gió mây. Từ xưa chàng vẫn thích gió và mây. Gió đã ở trong nghề nghiệp của chàng, và như là định mệnh đã an bài, tên chàng có nghĩa là gió. Và Mây là tên chàng dùng để gọi Phương Vân, cô bé em của một người bạn, từ hai năm nay vẫn quấn qúit bên Phong. Và bây giờ chàng mới thực sự thấy thiếu Mây bên mình khi qua hai cánh cửa phòng học mở tung để cho gió núi được tự do tràn vào mà mấy đám mây trắng vẫn lững lờ trôi đi ở phía trời xa như muốn rời khỏi tầm mắt của chàng. Không lúc nào Phong thấy nhớ Vân như lúc này.
Phong ngồi xuống chiếc ghế bành, hai chân bắt chéo đặt trên chiếc bàn thấp, trên có để sẵn mấy tập san quảng cáo dành cho khách du lịch đến thăm tiểu bang này. Phòng của chàng thật ra không phải là phòng của sinh viên mà là một phòng trong một khách sạn của đại học dành cho những giáo sư vãng lai. Tuy trên giấy tờ chính thức chàng tới đây như là một sinh viên cao học để lấy bằng tiến sĩ, như hàng ngàn sinh viên khác tựu trường khi bắt đầu khóa mùa thu, nhưng Phong đã được đối xử một cách đặc biệt, ngay từ phút đầu tiên khi chàng đến gặp ông L là cố vấn cho các sinh viên ngoại quốc. Ông già, nguyên là một nhân viên bộ Ngoại Giao được về hưu lúc còn trẻ vì đủ thâm niên, tính theo những năm đáo nhậm ở những nước kém mở mang được nhân lên gấp bội, nay làm thêm bán thời gian để cuộc đời đỡ phẳng lặng. Nhận chức vụ này ở đại học từ gần mười năm nay, lần này là lần đầu tiên mà khi gặp một sinh viên ngoại quốc ông phải đóng vai một nhà ngoại giao hơn là môt ông cố vấn. Ông niềm nở mời Phong ngồi xuống chiếc ghế cạnh bàn giấy rồi giở một hồ sơ để lấy ra một tờ điện tín và nói với chàng:
- Chúng tôi nhận được một điệp văn từ bộ ngoại giao nói chúng tôi phải thu xếp chỗ cư ngụ cho ông như là đối với một công chức cao cấp đi tu nghiệp.
Phong gật đầu trả lời:
- Tháng trước tôi còn là công chức của chính phủ quốc gia Việt Nam. Nhưng tôi đã từ nhiệm, và nay tôi tới đây như là một sinh viên tiến sĩ được học bổng của Asia Foundation. Ðọc trong sách chỉ dẫn tôi thấy sinh viên cao học được ở Baker Hall. Tôi muốn được ở đấy cùng chung với họ .
Với giáng điệu của một người quen giao thiệp với giới thượng lưu ở những nước Á Ðông, những nơi mà ông đã được bổ nhiệm làm tham vụ ngoại giao ở tòa đại sứ Hoa Kỳ, và sau này là phó đại sứ, ông già giơ tay để ôn tồn nói:
- Tôi hiểu ý định của ông. Nhưng ở đấy, giữa các sinh viên trẻ, họ rất ồn ào, sợ ông khó làm việc.Vả lại với địa vị trước kia của ông...
Ông để câu nói lửng lơ, nhưng không cần nói hết câu Phong cũng đã hiểu. Chắc ông nghĩ trong đầu là chuyện chàng phải rời một chức vụ quan trọng ra đi cũng là một chuyện miễn cưỡng, và chàng cũng nhiều tuổi hơn đám sinh viên còn ham náo nhiệt này. Ông già nói thêm là cũng nhận được một cú điện thoại của một nhân vật quan trọng là bạn với chàng ở bộ Quốc Phòng, nhờ chuyển lời hỏi thăm. Giờ nghĩ lại, Phong còn nhớ rõ nụ cười tỏ vẻ hiểu biết của ông già làm cố vấn cho sinh viên ngoại quốc của trường đại học. Dĩ nhiên là người bạn bí mật nào đó không phải chỉ hỏi thăm mà thôi mà còn căn dặn phải đối xử với chàng như thế nào. Từ mấy năm nay Phong đã quen với lối tiếp đón ân cần như thế này. Chàng có linh cảm rằng có một nhân vật nào đứng trong bóng tối, một nhân vật có một quyền lực quốc tế, luôn luôn sẵn sàng phù trợ chàng.
Phong đã được ông L. đích thân hướng dẫn đi một vòng đại học, dừng chân ở những nơi đặc biệt như thư viện kỹ thuật, thư viện trung ương, những giảng đường chính, những viện bảo tàng thiên nhiên và mỹ thuật và sau cùng là Graduate School là nơi Phong sẽ ghi tên để làm luận án. Khi đi ngang qua Folsum Stadium, một sân banh rất lớn đủ chỗ cho 90 ngàn khán giả, ông già nói với vẻ hãnh diện của người dân bản xứ: “Nếu ông muốn vào đây thăm, coi hết cả những phòng thể dục, nơi cầu thủ thay quần áo, phòng tắm hơi và nhiều thứ nữa thì phải mất nửa ngày. Tôi sẽ thu xếp để một sinh viên đưa ông đi coi. Trường này cũng còn một đài thiên văn nổi tiếng, nhưng nằm ở sườn núi, phải có xe bọc giây xích mới lên được”. Phong chưa kịp trả lời thì ông đã nói tiếp: “Chắc ông cũng có chơi thể thao, môn bóng bầu dục của chúng tôi?”
Phong trả lời vừa đủ để không gợi thêm trí tò mò của ông L:
- Trước kia tôi có chơi môn bóng tròn, đá cho hội tuyển ở tỉnh tôi.
...
Qua sự hướng dẫn của ông già L, Phong đã thu xếp xong chỗ ăn ở. Ông cố vấn cho những sinh viên ngoại quốc này đã thu xếp để lấy cho Phong được một giấy bổ nhiệm là Fellow để chàng được xử dụng những tiện nghi dành cho những học giả đến thăm viếng. Tiền phòng và tiền ăn học cùng để mua sách vở đã được dự trù thừa thãi trong học bổng của chàng. Chàng cũng đã gặp ông khoa trưởng và ông chủ nhiệm phân khoa nơi chàng ghi tên học. Ngay trong tuần lễ đầu, Phong đã được gặp vị giáo sư trẻ tuổi, vừa tốt nghiệp tiến sĩ ở California Institute of Technology là Viện Kỹ Thuật nổi tiếng bậc nhất ở Hoa Kỳ. Ông này sẽ là người hướng dẫn chàng làm luận án tiến sĩ. Tuy đã là giáo sư nhưng nhà khoa học này còn rất trẻ, mới ngoài ba mươi, bằng chạc tuổi Phong, và sau khi biết chàng đã tốt nghiệp từ Ecole Polytechnique nổi tiếng ở Pháp, hai người đã nói chuyện với nhau như là bạn đồng nghiệp.
Vì hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, sự học của Phong cũng đã bị gián đoạn như bao chàng trai khác cùng lứa tuổi. Sắp tới kỳ thi trung học phổ thông thì chàng phải theo cha mẹ di tản khi cuộc chiến Việt-Pháp bùng nổ rồi lan tràn trên toàn quốc. Gia đình rồi sau đó phải phân tán, cậu bé mới mười lăm tuổi đã phải làm gia sư ở vài nơi quanh những trung tâm văn hoá để có tiền theo học. Qua được trình độ tú tài thì Phong được động viên theo kháng chiến như một cán sự cầu đường để khi thì phá cầu, khi thì cất đường, theo những đòi hỏi của chiến tranh. Vết chân lãng tử đưa chàng suôi Nam cho đến tận Hà Tĩnh và ngược trở về Bắc đến tận Cao Bằng sát biên giới Việt-Hoa. Cái ngày mà chàng được chính mắt nhìn thấy viên cố vấn Trung cộng hách dịch chỉ tay cho đồng chí chính ủy Trung đoàn kê lại chiếc bàn làm việc cho hắn là cái ngày chàng thấy hiểu rõ những danh từ hoa mỹ phù phiếm: độc lập, tự do và hạnh phúc. Chàng về quê nhà ở Nam Ðịnh, cởi bộ đồ kaki nâu kháng chiến, mặc lại chiếc áo thư sinh và hôm sau trở về thành.
...
Phong gặp Vũ, là anh của cô bé, ở Thư Viện Trung Ương ở phố Trường Thi, Hà Nội khi cả hai người đến cùng một lúc ghi phiếu để mượn cuốn sách Mécanique Rationelle của George Bouligand. Thư viện chỉ có một cuốn độc nhất. Cô quản thư đưa cuốn sách ra và cười nói với hai người:
- Tôi không nhớ phiếu của ông nào đưa trước. Chúng tôi chỉ có một cuốn, có lẽ hai ông phải rút thăm.
Trong khi nói, mắt cô nhìn vào Phong, có lẽ vì thấy chàng cao hơn Vũ một chút. Vũ lịch sự, nhường cho người khách lạ, chàng nghĩ có lẽ lần đầu tiên gặp ở thư viện này:
- Thôi anh cứ lấy mà dùng, để tôi nói với cô Thu xé chiếc phiếu của tôi đi. Anh cũng ghi tên học Mécara phải không ?
Hai người cùng đi về phiá một chiếc bàn lớn có vắng người ngồi đọc sách để có thể thoải mái nói chuyện tiếp. Phong cám ơn người bạn mới gặp:
- Không, tôi mới tản cư về, ghi tên học năm đầu. Nhưng trưóc đây tôi đã được học chút ít Math Géné, qua chương trình Hoàng Xuân Hãn, nên mượn sách này về đọc, để nếu có cơ hội thì xin thi thử xem sao. Dù sao tôi cũng phải thi xong văn bằng Toán Ðại Cương trước đã .
Một sự tình cờ, có khi là do duyên trời, đã làm cho hai người biết nhau ở Thư Viện Trung Ương và sau đó gặp nhau hàng ngày để nhanh chóng trở thành một đôi bạn thiết. Vũ cùng bằng tuổi với Phong nhưng ở Trường Ðại Học Khoa Học, chàng học trên một năm vì không vướng vào cảnh phải tản cư như người bạn mới. Hai tuần sau chàng mời bạn về nhà để giới thiệu với bố mẹ, và các em trong nhà. Dưới Vũ là Hồng, cậu em trai chỉ kém Vũ hai tuổi mà Phong thấy tính tình rất cởi mở, rồi tới hai cô em gái, một người tên là Trinh và một con bé, cô em út kém chị Trinh tới 9 tuổi. Cô bé út mà mọi người đều nhắc đến như là “con bé” thì chỉ vụt hiện ra rồi biến mất như một làn gió thoảng. Phong chỉ thoáng nhìn thấy con bé nấp đằng sau một chiếc cột nhìn ra với một khuôn mặt tròn bụ bẫm, trắng ngà và đôi mắt to đen láy.
Từ đó thỉnh thoảng Phong lại đến nhà Vũ, thường thì làm toán chung, và đôi khi rủ nhau tới rạp ciné Kinh Ðô xem những phim mới chiếu lần đầu ỏ thủ đô. Ðôi khi chàng mời mọi người đi ăn kem, thường thì vào cuối tháng khi chàng được lĩnh học bổng. Cuối năm ấy Phong đậu được cả hai chứng chỉ, Toán Ðại Cương khóa thi đầu hè và Cơ Học Thuần Lý chàng thi nốt vào khóa cuối hè. Vũ thành thực mừng cho bạn đã học đuổi kịp mình vì Vũ biết là Phong cần thi gấp để đủ điều kiện lấy học bổng sang Pháp học tiếp. Còn riêng chàng thì chàng dự định ở lại quê hương để tiếp nối sự doanh thương của bố và trông coi sản nghiệp ông cha mấy đời gây dựng lên.
...
Gần hai năm tới chơi nhà bạn, Phong trông thấy con bé lần đầu khi con bé nấp sau chiếc cột, dương đôi mắt to đen như hai ngôi sao lóng lánh trên khuôn mặt tròn xinh sắn, nhìn ra người khách lạ. Những lần sau đến chơi thì nhằm vào những ngày con bé đi học, nên Phong ít khi đuợc thấy con bé, vả lại con bé cũng nhát, thấy người lạ là trốn kỹ. Có lần Phong cũng tò mò, hỏi về con bé, thì Vũ cho biết: “con bé là út trong nhà, lại sinh cách khá xa với em Trinh, nên đuợc bố cưng lắm, và con bé hay nhõng nhẽo...”
Tuy mỗi lần đến nhà bạn, Phong vẫn thấy con bé quanh quẩn đâu đó, nhưng chàng thực sự gặp lại Phương Vân lần thứ hai gần hai năm sau khi chàng đến từ biệt mọi người để sang Pháp du học. Hôm ấy lại gặp đúng ngày con bé suýt bị bố đánh đòn, mà hình như trong nhà không ai dám can, vì chàng thấy bố cuả Vũ giận dữ lắm. Ông Huyện Thông, là chủ gia đình, thuộc giới sinh viên đậu cử nhân Luật và được bổ nhiệm làm tri huyện vào những năm trước khi Việt Minh cướp chính quyền. Thời Quân Đội Quốc Gia mới thành lập, ông được trưng tập để làm Quận trưởng một thời gian. Tuy theo Tây học nhưng ông vẫn còn giữ lề luật cổ nên trong nhà các con không ai dám trái ý. Phong cũng chưa hiểu chuyện gì, ất giáp ra sao, nhưng chắc phải quan trọng vì chàng đã được biết con bé là cục cưng ở nhà. Hôm đó con bé thấy Phong vừa bước vào nhà, và vì sợ bố đánh, bé chả còn biết xấu hổ nữa, vội ôm lấy Phong, và nấp sau lưng chàng để tránh đòn. Thế là hôm đó con bé thoát đuợc mấy cái roi mây. Trông con bé cứ đứng sát và nắm lấy tay mình như tìm sự che chở, Phong nấn ná ở lại và nhận lời mời ăn cơm tối với gia đình Vũ. Sau bữa cơm chiều, Vũ, Hồng cùng chị Trinh, đưa con bé lên sân thượng luôn, khi họ rủ Phong ở lại để trò chuyện. Bỗng nhiên đang đứng nhìn trời đầy trăng sao trên gác thượng với các anh chị, con bé oà lên khóc, và Phong phải bế con bé lên hỏi han, dỗ dành. Chàng đoán con bé chắc sợ chốc nữa khách về, sẽ lại bị đòn nên khóc chăng. Thế rồi khi dỗ được con bé ngủ, Hồng bế em xuống dưới nhà, mọi người đã khen là chàng có tài dỗ trẻ con. Phong đã nghĩ thầm là cái tài này của mình nếu có thực thì đây là lần đầu được mang ra xử dụng, nghĩa là lần đầu tiên chàng ôm một cô gái bé vào lòng để dỗ dành.
...
Vừa đặt chân tới đất Pháp, Phong lao đầu vào sự học hành, như để bù lại những khoảng thời gian đi chinh chiến, vì bị lầm lạc bởi cái chiêu bài chống Pháp, dành độc lập của cộng sản Việt Nam. Những buổi cuối tuần, chàng để ra ít thì giờ đọc báo và thấy các nước bị cai trị như Nam Dương, Ấn Ðộ, ... , lần lượt được trao trả lại nền độc lập mà không tốn xương máu một chút nào. Sau Ðệ Nhị Thế Chiến, trật tự giữa các cường quốc trên thế giới đã thay đổi và các nước nhược tiểu đã đứng chung nhau thành một thế giới thứ ba để chia ảnh hưởng với những phe tư bản và cộng sản. Vì nghĩ đến chuyện góp công xây dựng đất nước trong tương lai mà chàng từ bỏ môn toán học lý thuyết mà quay sang ngành kỹ thuật. Ðã có hai chứng chỉ cử nhân toán học, Phong được vào Lycée Louis Le Grand học năm thứ hai Toán Học Ðặc Biệt và cuối năm đó thi đậu vào Ecole Polytechnique là trường đào tạo những kỹ sư cao cấp ở Pháp. Thời gian học nhanh như bóng câu qua cửa sổ và sau khi ra trường Phong chuyển ngay sang học SupAéro và từ đó công nghiệp chàng lên như diều gặp gió. Chàng đã ở trong nhóm kỹ sư điều chỉnh chiếc Caravelle là chiếc phi cơ phản lực chở hành khách đầu tiên của Pháp. Tuy khi mới đầu làm việc với Sud Aviation là công ty chế tạo chiếc phi cơ, Phong chỉ là chuyên gia khí động lực học có nhiệm vụ tính sức nâng của đôi cánh khi bay gần tới tốc độ của âm thanh, nhưng sau này chàng tình nguyện đi theo những chuyến bay thử, và được công ty gửi sang phi trường Istre ở gần Marseille để theo học khóa phi công bay điều chỉnh. Tuổi chưa đến ba mươi mà Phong đã có một sự nghiệp đáng kể trên nước người. Tuy vậy chàng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, vẫn thường xuyên liên lạc với các bạn bè ở quê nhà, và đặc biệt với gia đình của cô bé Phương Vân.
Có một lần Phong đọc lại cuốn truyện Le Petit Chose của Alphonse Daudet, một tác giả quen thuộc ở vùng Provence, nơi mà chàng đã ở hơn sáu tháng để được huấn luyện bay, và trong cuốn sách có hai chương nói đến đôi mắt đen (les yeux noires), đôi mắt của một cô bé đã làm điên đảo tâm hồn cuả anh chàng Daniel ở trong truyện. Tự dưng Phong nghĩ đến cô bé, đến đôi mắt đen to lộ ra sau chiếc cột nhà để nhìn chàng, và sau đó một đêm bầu trời nhiều sao, đứng chơi cùng các anh chị ở trên sân gác, cô bé đã tự dưng oà lên khóc và khi ôm bé lên lòng để dỗ dành, chàng đã thấy đôi mắt đen lóng lánh như những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời. Trong lá thư viết gửi Vũ tuần lễ sau đó, Phong đã biên thêm vài chữ hỏi thăm cô bé. Câu thăm hỏi từ đó đã thành lệ, nhưng rồi Phong đã viết vào trong thư không phải như là một thói quen mà chàng thực sự đã nghĩ đến Phương Vân mỗi khi viết thư cho gia đình Vũ.
Cái ngày Phong chờ đợi, để có thể làm chút gì cho quê hương xứ sở đã tới với chàng dưới hình thức một lá thư hỏa tốc gửi từ sứ quán Việt Nam ở Paris tới Toulouse, khi chàng đang làm giáo sư thỉnh giảng để dậy một khoá đặc biệt ở SupAéro, là trường kỹ thuật chàng đã theo học khi xưa. Một vị đặc sứ có quyền hạn rộng rãi do Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà ủy nhiệm đã tới Paris từ một tuần lễ nay để chiêu mộ những nhà kỹ thuật và khoa học đã tốt nghiệp ở những trường Pháp để về giữ những chức vụ then chốt trong một kế hoạch quy mô để canh tân xứ sở. Vị đặc sứ toàn quyền này là người khi xưa đã có bằng cấp cao ở Pháp, nên ông không được hài lòng cho lắm về đợt tuyển mộ sơ khai toà đại sứ đã làm trước khi ông tới. Trong danh sách những người ghi danh để được phỏng vấn không có mấy người đã tốt nghiệp ở những trường cao đẳng quốc gia, được gọi là những Grandes Ecoles ở Pháp. Vì sợ địa vị của mình có thể bị lung lay nếu ở bên nhà không được vừa ý, ông đại sứ đã phải đích thân gọi điện thoại và gửi thư mời đến những người trong một danh sách ngắn chọn lọc mà ông tùy viên văn hoá và giáo dục của sứ quán đã thiết lập. Sau một buổi gặp riêng ông đặc sứ và nghe ông trình bầy chương trình và đưa ra những lời hứa hẹn, Phong đã nhận lời về làm việc cho chính phủ quốc gia trong một thời hạn năm năm. Một số những chuyên gia khác mà chàng quen biết cũng đã nhận lời mời để về nước. Riêng chàng thì không đòi hỏi nhiều về lương bổng vì biết là đất nước không thể nào cung ứng cho chàng một số lương ngang với lương hiện hữu của mình, và chỉ xin được toàn quyền tuyển mộ những giám đốc làm trực tiếp dưới quyền mình. Khi bắt tay tạm biệt ông đặc sứ toàn quyền, Phong thấy rằng chàng vừa có một quyết định chuyển hướng cuộc đời.
...
Phong đã mất người cha thân yêu vì chiến tranh, trong lúc chàng còn đang ở giữa núi rừng Việt Bắc. Ðất nước bị chia đôi trong khi chàng theo học ở Pháp. Nay chàng về miền Nam nhưng mẹ chàng còn ở lại ngoài Bắc với mấy người em. Vì vậy nay chàng coi gia đình Vũ như là nơi thân tình nhất. Cả nhà đã đi đón chàng ở phi trường. Chỉ thiếu cô bé có đôi mắt đen to, không biết bây giờ đã lớn chừng nào, nhưng chàng không giám hỏi. Theo trong khế ước, Phong sẽ làm việc cho Bộ Giao Thông và Công Chánh với chức vụ là Tổng Giám Ðốc Kế Hoạch. Ngày Phong về nước, ông bộ trưởng có cho người đại diện ra đón và đưa chàng về một biệt thự, trên đường Hồng Thập Tự đi ra phi trường, đã được cấp phát cho chàng với chức vụ mới. Ngay ngày hôm sau Phong đã lao đầu vào công việc sau khi đã họp với ông bộ trưởng và những giới chức cao cấp để hoạch định giới hạn họat động của Tổng Nha Kế Hoạch do chàng chịu trách nhiệm.
Hai tháng sau Phong mới đến thăm gia đình Vũ kể từ khi chàng về nước. Trông thấy Phong mọi người đều ngạc nhiên vì về hình thức bề ngoài chàng thay đổi khá nhiều. Phong trông không còn vẻ Việt kiều như trước nữa. Chàng không còn mặc những bộ đồ sang trọng, mà nay trông gọn gàng với bộ quần jean, và áo thun ngắn tay mầu xanh xẫm, Phong trông trẻ hơn số tuổi gần ba mươi của chàng. Mọi người đều mừng rỡ đón mừng Phong và gọi đùa chàng là ông Tổng Giám Ðốc. Phong chỉ cười soà và cắt nghĩa để cho mọi người hiểu là chàng chỉ làm phận sự một chuyên gia để đưa ra những kế hoạch canh tân cho xứ sở. Nói chuyện riêng với Vũ và Hồng, Phong than phiền rằng hệ thống tổ chức và điều hành ở nhiều cơ quan chàng đã thăm viếng thật là cổ xưa, có thể nói là từ mấy chục năm nay vẫn không thay đổi. Phong đang làm việc mật thiết với một nhóm chuyên gia Hoa Kỳ mới được gửi sang, gồm nhiều người trẻ và chàng nghĩ rằng trong tương lai những người này sẽ giúp được cho chàng rất nhiều. Vì gặp ngày chủ nhật được nghỉ, gia đình Vũ mời Phong ở lại ăn cơm trưa, chị Trinh đã sửa soạn sẵn sàng, chỉ còn đợi con bé về. Ở nhà, bố có việc đi HongKong, nhưng mẹ Vũ thân mật bảo chàng ở lại vì bà có nhiều chuyện muốn hỏi về Phong sau nhiều năm xa nhà du học.
Con bé xuất hiện ở giữa khung cửa như một bông hoa lan tươi thắm. Con bé trông vẫn ngây thơ, nhưng không còn bé nữa, và có lẽ cũng cao gần bằng chị Trinh. Khi di cư vào Saì Gòn, lúc lên trung học, bố lại muốn con bé chuyển qua trường Việt, có lẽ bố đã thấy mấy năm ở Saint Paul khi xưa đã biến con bé thành một cô gái nhu mì rồi, không còn nghịch ngợm như cái thuở con bé chơi đấu kiếm với bạn cùng phố, và đã suýt bị đòn hôm đó vì chơi que gậy, bố sợ bị chọc mù mắt. Ngày nay, với số tuổi vừa chớm trăng tròn, con bé trông thùy mỵ hẳn, vẻ tinh ranh nếu còn chỉ là ở đôi mắt đen và sáng như những vì sao. Phong ngỡ ngàng nhìn Phương Vân đang bẽn lẽn cúi đầu chào, vì cho tới nay chàng chỉ nhớ hình dáng của nàng như là một con bé thật là bé tí hon. Chàng xa đất nước đã 8 năm rồi còn gì. Nhưng con bé nhận ngay được chàng và hình như con bé cũng nhớ lại chuyện nhờ chàng mà tránh được trận đòn khi xưa nên có vẻ ngượng ngùng, chỉ lí nhí gật đầu chào rồi biến nhanh vào nhà trong. Phong bỗng dưng thấy như hụt hẫng sau khi nhìn thấy con bé bây giờ! Chàng không ngờ Phương Vân đã mau lớn và ... coi dễ thương đến thế. Phong như bị thôi miên cứ nhìn chăm chăm vào khung cửa con bé vừa khuất vì chàng thầm ước được thấy con bé lâu hơn. Thấy ánh mắt Phong như muốn tìm kiếm con bé, Hồng cười bảo chàng: “Mới ngày nào anh nhỉ, thế mà thoắt đã gần chục năm, anh xa nhà cũng lâu quá đó”. Phong có vẻ hơi ngượng như bị bắt trúng quả tang những gì đang nghĩ, nên chàng hơi lúng túng: “Em Phương Vân, à bé Mây, mau lớn quá, giá anh gặp ở chỗ khác đã không nhận được ra”. Hồng gật đầu: “Vâng, Mây mau lớn, nhưng tính tình thì vẫn còn con nít, hay nhõng nhẽo và hay hờn giận lắm đó anh”. Phong cười nhớ lại mới năm nào còn bế cô bé trên lòng...Anh lẩm bẩm: “Mau thật...ngày tháng thoáng qua như thoi đưa.”
Vì Phong đã điện thoại hẹn truớc giờ đến nhà nên bữa cơm chị Trinh và mẹ sửa soạn đã rất thịnh soạn. Ngồi ở bên, bà luôn tiếp đồ ăn cho chàng. Bà qúy Phong như con đẻ của mình và chỉ tiếc rằng có hai cô con gái thì một cô đã hứa hôn, còn một cô thì hãy chỉ là một con bé, và có lẽ là con bé suốt đời. Bà nhìn con bé ngồi phía bên kia của Phong, hồn nhiên nói cười, bà chỉ mong sao cho bé chóng lớn .
...
Mới về nhà nhận chức được hai năm, Phong đã phải rũ áo ra đi, tuy rằng lần này chàng đi theo một kế hoạch. Trong hai năm làm việc, tuy gặp nhiều trở ngại, chàng cũng đã thực hiện được nhiều việc. Kế hoạch giao thông chàng đưa ra cho cả những đường thủy, bộ và hàng không đã được thực hiện hoàn toàn. Giữa hai thành phố Ðà Nẵng và Sàigòn, mỗi ngày có năm chuyến xe lửa tốc hành chạy theo mỗi chiều dùng những đầu máy chạy than kiểu Deutsche Bundesbahn, có ba trục bánh xe, nhập cảng từ Ðức quốc theo thể lệ mua trả dài hạn, đã không quá cồng kềnh lại đủ mã lực để chạy trên một ngàn cây số mà chỉ cần một lần lấy than và nước. Hàng hóa được vận chuyển mau chóng giữa các miền của đất nước đã làm giảm giá sinh hoạt và làm tăng mãi lực của đồng tiền người dân kiếm được. Bộ giao thông công chánh đã trợ giúp ngân sách để Hàng Không Việt Nam mua bốn chiếc phi cơ Boeing 727 chạy tuyến Saigon-Hongkong và Saigon- Singapore, xưa nay vẫn do các hãng ngoại quốc khai thác. Các phi công Việt Nam đã được luân chyển từ Không Quân để sang bay cho dân sự, thay thế dần dần những phi công Pháp. Toà Ðại sứ Pháp cũng đã nhiều lần cử các tùy viên văn hoá và tùy viên thương mại đến gặp Phong vì biết chàng là người đã đưa ra những chương trình này. Họ cũng đã khéo léo nhắc Phong về cái vốn học của chàng từ những trường lớn bên Pháp. Nhưng Phong đã để quyền lợi của quốc gia trên hết. Chàng cũng lưu ý những người bạn Pháp rằng, trong kế hoạch cầu đường, những công ty Pháp đã hùn vốn với những công ty Việt Nam là những cơ sở doanh thương đã trúng nhiều cuộc đấu thầu công khai. Tuy trong công việc gặp nhiều khó khăn vì phải đụng chạm tới quyền lợi kinh tế của một số người có quyền thế, nhưng không phải vì thế mà chàng chùn lại. Gia đình Vũ, tất cả mọi người, từ bố mẹ cho đến con bé, đã là những điểm tựa tinh thần cho chàng. Chàng hay lại vào buổi chiều chủ nhật, đôi khi ở lại ăn cơm. Chàng luôn luôn mang quà cho mọi người. Ðặc biệt là lần nào cũng phải có quà cho Mây, vì cô bé là người hay mau nước mắt. Mây lại không còn bé nữa để chàng có thể bế lên lòng dỗ dành. Tuy có ông anh đã đậu cử nhân toán nhưng mỗi lần gặp bài toán khó ở trường Mây lại tìm tới hỏi Phong. Nếu có ai hỏi cô bé tại sao không hỏi anh Vũ thì cô bé lại phụng phịu trả lời: “ Anh ấy nóng tính, hay mắng Mây là dốt toán, Mây bị ký đầu hoài. Có lẽ anh em không dậy được nhau!” Có lần Mây trả lời như thế khi Phong có mặt thì chàng hỏi đùa : “Thế anh không phải là anh của Mây hay sao?”Cô bé đỏ mặt hứ một tiếng : “Có chứ, nhưng là anh kiểu khác. Vì anh đâu dám la Mây.” Câu trả lời thật ngây thơ của cô bé làm mọi người cùng cười, nhưng trong thâm tâm mỗi người nghĩ một khác.
...
Tuy chưa hết hạn năm năm của giao kèo, nhưng Phong đã nhất định từ nhiệm. Không phải chàng rũ áo từ quan, vì không bao giờ chàng nghĩ đến chức vụ của mình như là một quan tước. Chàng coi nhiệm vụ của mình như là một bổn phận, và muốn làm bổn phận cho tròn. Nhưng chàng không thể nào làm việc với chế độ hiện hữu vì đã gặp rất nhiều trở ngại. Những người bạn Hoa Kỳ được đưa sang làm việc với chàng cũng nhận thấy rõ điều này và họ đã khuyên chàng nên tạm rời đất nước ít lâu. Chàng không còn có ý định trở lại Pháp nữa vì chàng nghĩ trong tương lai, ngoài liên hệ văn hoá, Pháp không thể nào là một cường quốc kinh tế có thể giúp ích cho sự trổi dậy của con rồng Việt Nam đang ngủ. Những người bạn ngoại quốc của Phong đã giúp cho chàng được một học bổng để theo học cả hai môn kỹ thuật và kinh doanh-quản trị ở Hoa Kỳ. Họ đã làm việc hai năm với Phong nên biết rõ khả năng cuả chàng. Trong một báo cáo gửi về Hoa Thịnh Ðốn về những nhân tài Việt Nam trong chính phủ, một người bạn thiết đã cho chàng xem một trang đánh máy trong đó có hàng chữ đánh giá chàng như là “near genius”. Chàng nghĩ thầm là dù có bỏ chữ “near” đi thì cũng không ảnh hưởng gì đến quyết định ra đi của chàng. Chiều chủ nhật khi Phong đến cho gia đình Vũ biết ý định của chàng thì không một ai thấy ngạc nhiên vì mọi người đã biết những khó khăn chàng đang gặp phải. Duy có điều là không ai ngờ đến sự ra đi quá đột ngột của Phong. Chàng ôn tồn cắt nghĩa là phải ra đi tháng sau để vào đúng khóa học mùa thu. Tối hôm đó cô bé ở trên gác đóng cửa buồng lại không xuống ăn. Lúc chị Trinh lên hỏi thăm thì đang gặp Mây úp mặt xuống gối khóc nức nở. Phương Vân giận anh vì đã không nói cho Mây biết trước vì mới tuần trước anh còn tới giảng nghĩa cho Mây một bài luận Việt văn. Vào năm thi, nên Mây vẫn phải nhờ anh chỉ thêm về những bài thơ cổ khó hiểu nghĩa. Từ ngày quen biết Phong, Mây đã chịu khó học thêm về văn thơ tiếng Việt, để sau này nếu Mây có đi học xa thì cũng có thể viết thư cho anh trôi chảy vì Mây cũng muốn bắt chưóc anh khi nghe anh thường hát là: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”. Chị Trinh vuốt tóc Mây và an ủi cô em: “Chị nghe bố cho biết là anh Phong đã xin phép bố mẹ cho Mây đi ăn cơm chiều với anh ấy tuần sau, trước khi anh ấy đi xa, và bố đã bằng lòng. Mây có chịu đi không?”
...
Phong ngồi lặng yên như thế đã lâu, nhìn ra triền núi Colorado ở đằng xa. Chàng nhớ lại hôm tiễn chân chàng ở sân bay để đi Hoa Kỳ, đôi mắt long lanh ướt của Mây đã làm chàng muốn chùn bước đi. Mây đã đưa cho chàng một gói quà nhỏ và dặn: “Anh nhớ để trên bàn học và đừng quên viết thư mỗi khi nhìn thấy kỷ vật này”. Phong đã xếp cẩn thận vào va-ly sách tay và tuy không mở ra chàng cũng đoán được là một cuốn lịch để bàn cô bé cho chàng để ghi ngày tháng. Khi mở ra thì gói quà để trên bàn lại là tấm ảnh một cô bé, còn bé tí hon, có đôi mắt thật đen với đôi hàng lông mày cong trên khuôn mặt tròn xinh sắn, và mở thật to đang nhìn chàng. Kèm theo tấm hình đã được lồng khung sẵn là một miếng giấy nhỏ với hàng chữ viết thật đều, nét mềm mại:
“Khi xưa, lúc Mây còn bé được anh chiều hơn bây giờ. Nhìn thấy hình này thì anh nhớ viết thư về cho Mây, nếu không, Mây sẽ nghỉ chơi cho anh biết thân.”
Gió núi hình như đang tràn vào trong phòng, nhưng đám mây trắng vẫn còn lững lờ trôi ở phía trời xa. Phong cầm bút và viết lá thư đầu tiên gửi về cho Mây.
Còn tiếp . . .
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire